Tôi nhớ một chuyên gia nước ngoài, sau khi sang Việt Nam nghiên cứu đã cảnh báo Mỹ: lập căn cứ phòng thủ kiên cố thì chỉ làm chủ trong phạm vi ấy. Nghĩ mà đúng, quân Mỹ và Đồng minh đều thế. Khi lập căn cứ phòng thủ thì dễ sinh tâm lý co cụm để yên tâm với sinh mạng, an toàn cho đơn vị. Từ hồi nhỏ, tôi đã chứng kiến ở quê, có trận quân VC đánh hốt gọn 2 cứ điểm quân VNCH đồn trú. Sau đó, lính VNCH thay đổi chiến thuật, đêm bí mật ra ngoài phục kích, có trận thắng và hạn chế VC tiếp cận.
QĐND Việt Nam ở Campuchia nếu mà như quân Mỹ và Đồng minh thì đã rút quân sớm, không phải chiến thắng mà bị quân Pol Pot vây hãm buột phải triệt thoái. Quân VN, phần vì nghèo nên không đủ điều kiện xây dựng căn cứ kiên cố. Nhưng cái gốc ở chỗ quan niệm "con cá sống vì nước, tách ly khỏi nước là tự sát". Các đơn vị ở gần dân cư thường lập doanh trại ở đầu hoặc cuối phum (làng), bên con suối, bờ sông. Nhà cửa xây dựng tềnh toành bằng cây tre lá, không có lô cốt, rào kẽm gai nhiều lớp, bố phòng mìn cũng không nhiều như những quân đội lớn.
Ngày nào, đơn vị cũng cử một phân đội hay một tổ tuần tra bán kính quanh đơn vị chừng 3-5 km để phát hiện dấu hiệu địch trinh sát tiếp cận có thể sắp đánh ta. Mặt khác có một tổ thường xuyên làm việc với chính quyền địa phương và thâm nhập la cà với dân để nắm tình hình nội bộ. Kinh nghiệm cho thấy: mỗi lần địch đánh quân ta thì một số nào đó dân có biết hoặc chỉ đường. Tôi nghĩ đơn vị nào đó chỉ lo co cụm phòng thủ, tách rời dân, mãi vui chơi ăn uống... thì trước sau gì cũng có thể bị địch đánh. Nếu nó không đánh chẳng qua để quân ta tin ở cái an ninh giả tạo nơi đơn vị ấy chịu trách nhiệm bảo vệ địa bàn...