Từ chiến trường Campuchia trở về đất Mẹ...
Không ít anh em bị di chứng chiến tranh, hậu quả sốt rét thành người có tâm lý không bình thường và thể lực yếu khó đương đầu trong cuộc sống. Có người thất lạc giấy tờ hoặc đào ngũ mà không hưởng được trợ cấp một lần và bảo hiểm y tế. Giận thì giận thương thì thương, dù anh em có đào ngũ đi nữa thì cũng đã trải qua thời gian vào sống ra chết! Có đồng đội bị thương vì nhiều lý do mà không được xếp hạng thương binh, về thì nay vết thương tái phát đau nhức mỗi khi trái gió trở trời.
Tuổi tác ngày càng cao, người này người nọ rơi rụng dần về với ông bà tổ tiên. Anh em cùng đơn vị, ai có đời sống khá hơn thì kêu gọi nhau quyên góp, thăm viếng đồng đội khi bệnh đau và khi mất. Có những sĩ quan ngày xưa chỉ huy lính xông trận, thét ra lửa nay sống lầm lũi trong đời thường, bí thế phải đi làm bảo vệ, sếp gọi đâu dạ đấy. Có ông làm cố vấn cho xứ người nay cái mạng mình lo chưa xong!...
Ngày ra đi được tổ chức hoành tráng, về âm thầm lặng lẽ. Họ cùng quê ra đi, về rồi thì tản mác, mạnh ai nấy mưu sinh, nhờ facebook mà liên lạc gặp lại nhau. Ngày nay, lính tráng mai một dần nên không phân biệt đơn vị nào, đều là đồng đội ráo trọi! Anh em nhớ kỷ niệm, nhớ đồng đội thì thỉnh thoảng tụ họp nhau điểm danh thằng này thằng nọ. Khá thì uống bia, nghèo thì rượu đế, càng thêm hại sức khỏe. Nhậu ghiền đã đành, thích vui vẻ cùng chiến hữu xưa. Nhưng không ít người thì đó là cách giải tỏa tâm lý cô đơn, sống cũng như thừa! Lâu lâu, ban liên lạc đơn vị cũ tổ chức ngày giỗ trận, ngày cùng nhập ngũ, kỷ niệm ngày thành lập đơn vị. Mạnh ga thì hằng năm, yếu thì 5 năm một lần. Có người được mời, có người nghe mà tự mò đến. Xin kinh phí mỏng thì anh em góp vào tùy hĩ, nghèo quá thì đi nhậu chùa, chả ai trách. Không bia thì rượu, hề chi miễn là có dịp ngồi lại với nhau. Lính mà em, tay bắt mặt mừng, nổ như pháo! Ai đi dự sẽ gặp nhiều đơn vị, đủ thứ sắc lính ở các chiến trường khác nhau. Họ quan niệm thằng nào chả là lính lác! Sau màn kính thưa, kính gửi là rượu vào lời ra, hát hò, nhảy múa loạn xạ tưng bừng.
Ăn mặc thì lung tung phèng. Người mặc quân phục thời nay, người quần áo dân sự. Có ông đeo lủng lẳng kín ngực, nào là huân huy chương, kỷ niệm chương. Có ông trống trơn, lơ phất phơ, cần đếch gì! Có ông nghiêm túc có ông sao cũng được, trẻ già đủ dạng, có cả người chưa hẳn là cựu chiến binh, có cả mấy em sồn sồn chỉ là người thân quen. Quân phục và đồ đeo đủ màu sắc, mang cho oách (gom càng nhiều càng tốt). Nhờ quen mà xin, có ông mua trên mạng, tự trang bị cho mình nên nhìn thấy hầm bà lằng! Không phải họ ra oai với ai, chỉ lính tráng với nhau mà thôi nhưng họ luôn tự hào và nhớ một thời quân ngũ...