Trịnh Thanh Sáu
Đầu tháng 6-1979, tôi được cấp trên triệu tập về Bộ Chỉ huy Quân sự Thống nhất T2 (sau này đổi tên thành Đoàn 5503, Mặt trận 579, Quân khu 5) tham gia lớp tập huấn về công tác xây dựng chính quyền cách mạng thôn, xã. Qua một tháng tập huấn, tôi nhận quyết định cử sang làm chuyên gia Đội công tác xã Ô Rây, xã Căn Chàm và xã Chôm Ka Lơ, thuộc huyện Tha La, tỉnh Stung Treng (Campuchia).
Xã Ô Rây nằm cách thị xã Stung Treng chừng 30km về phía Tây Nam, dọc theo sông Mê Kong. Đội công tác chúng tôi gồm có 12 người do tôi làm Đội trưởng, thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền cách mạng thôn, xã. Đây là nhiệm vụ hết sức mới lạ so với người lính chỉ biết cầm súng chiến đấu trên mặt trận. Cái khó nhất của anh em chúng tôi là chưa thông thạo ngôn ngữ nước bạn. Trong khi đó, người dân vừa mới quay về với bản, làng bằng 2 bàn tay trắng, cuộc sống của họ thiếu thốn đủ bề, rồi ốm đau, bệnh tật… Để bắt tay vào công việc, những ngày đầu tiên, chúng tôi tiến hành điều tra trình độ dân trí tìm người có trình độ văn hóa, có nhận thức, hiểu biết nhằm phân công đảm nhiệm chức danh trong bộ máy chính quyền. Qua 3 ngày khảo sát, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ở xã Ô Rây, từ già đến trẻ đều học lớp 12, duy nhất chỉ có 1 người học lớp 2. Lấy làm thắc mắc không hiểu do đâu người dân cả xã không đồng lứa tuổi nhưng lại học cùng lớp 12, tôi quyết định cho người đi tìm và mời người học lớp 2 trong xã đến hỏi rõ chuyện. Người đó tên Son Nu, 26 tuổi. Trước thắc mắc của tôi, ông Son Nu cho hay, về cách tính, người Campuchia tính ngược lại, lớp 12 tức là lớp 1 và lớp 1 tức là lớp 12. Lúc này, cả đội công tác mới vỡ lẽ và cười ồ lên. Từ hôm đó, tôi quyết định giữ ông Son Nu lại tham gia cùng đội công tác. Ông Son Nu đọc được chữ Việt Nam nhưng không hiểu nghĩa. Thế là tôi và ông vừa làm vừa học với nhau. Tôi dạy tiếng Việt cho ông Son Nu, còn ông thì dạy tôi học tiếng Campuchia. Nhờ vậy, trong một thời gian ngắn tôi và ông Nu đã thông thạo tiếng của nhau.
Thời gian trôi qua đã gần được 1 năm, đội công tác của tôi và ông Son Nu xây dựng xong bộ máy chính quyền 3 xã gồm: Ô Rây, Căn Chàm, Chôm Ka Lơ. Những người làm trong bộ máy chính quyền mới cũng quen dần với công việc. Cuộc sống của người dân dần ổn định. Nhưng bắt đầu từ năm 1980, sau khi tàn quân Pôn Pốt được các thế lực nước ngoài hậu thuẫn, bọn chúng quay trở lại bằng các thủ đoạn phục kích, tập kích đánh vào các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam. Các đối tượng này ra sức tuyên truyền, xuyên tạc Việt Nam hòng chiếm lại lòng tin trong nhân dân, để móc nối, cài cắm người của chúng vào trong bộ máy chính quyền thôn, xã. Do đó, nhiệm vụ của đội công tác ngày càng khó khăn hơn, bởi vì người dân hoang mang, lo sợ không biết tin vào ai; tin vào chính quyền và bộ đội Việt Nam thì ban đêm bị bọn Pôn Pốt vào hăm dọa, khống chế phải nghe theo bọn chúng. Từ đây, đội công tác chúng tôi thêm một thách thức mới đó là “đánh chính quyền 2 mặt”, điều tra, sàng lọc, bóc tách các thành phần nghi vấn do bọn Pôn Pốt cài cắm vào để đưa họ đi giáo dục, học tập theo chính sách khoan hồng của Mặt trận Dân tộc Đoàn kết cứu nước Campuchia…
Tháng 3-1980 là những ngày tháng không thể quên đối với tôi và đồng đội. Đội công tác của tôi bị bọn Pôn Pốt tập kích đánh vào làm hy sinh 3 đồng chí (Láng, Minh và Xuân quê ở Tam Kỳ) và 1 đồng chí bị thương nặng (Tân quê Đại Lộc); các đồng chí còn lại may mắn thoát chết. Đêm hôm đó, tôi không có mặt tại đội công tác, vì đã về dự họp tại Bộ Chỉ huy Thống nhất T2. Trước tình hình trên, tôi đề nghị Bộ Chỉ huy bổ sung quân số, trang bị thêm súng, đạn, đặc biệt là mìn LOMO của Mỹ. Củng cố lại đội công tác và thay đổi chiến thuật, chúng tôi không ở 1 vị trí cố định mà thường xuyên thay đổi chỗ ở. Có đêm phải thay đổi 3- 4 lần, thường là không theo quy luật nào cả. Có đêm vào rừng, nhưng cũng có đêm ở trong bản, làng. Do thay đổi chiến thuật, nên bọn Pôn Pốt không xác định được đội công tác của chúng tôi đang ở đâu. Để ám sát tôi, bọn chúng tìm cách móc nối với chính quyền bày ra mưu kế tổ chức múa Rôm Vong, mời tôi vào múa rồi lợi dụng lúc sơ hở để nổ súng… Rất may là tối hôm đó, linh tính có điềm chẳng lành, bất ổn nên tôi không ra múa Rôm Vong, mà ở cùng với các đồng chí trong đội công tác. Đến khoảng 1 giờ sáng, mọi người giải tán ra về. Lúc này, trời bắt đầu mưa mỗi lúc càng nặng hạt dần. Tôi phân công anh em trong đội công tác thay nhau canh gác. Vì thức khuya và mất ngủ nhiều đêm liền nên lên võng nằm được một lúc, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Khoảng 3 giờ sáng, giật mình thức giấc, tôi bước xuống võng ra ngoài kiểm tra anh em canh gác thì không thấy ai. Tôi liền nổ 3 phát súng báo động cho anh em dậy tiếp tục thay nhau canh gác. Đúng lúc tôi nổ súng báo động thì bên ngoài rừng cách đó vài trăm mét, một toán Pôn Pốt đang bò vào chuẩn bị tập kích đánh đội công tác. Nghe súng nổ, bọn chúng nghĩ đã bị chúng tôi phát hiện nên rút ra lại rừng. Tới chừng 5 giờ sáng, tôi phát hiện một bóng người đi từ ngoài rừng vào. Khi người này đến gần, tôi nhận ra ông ta là xã đội trưởng, người mà tôi nghi ngờ nhất trong bộ máy chính quyền được Pôn Pốt cài cắm vào. Tôi liền hỏi phủ đầu: “Đêm qua ông vào rừng gặp Pôn Pốt đúng không?”. Trước câu hỏi phủ đầu này, mặt ông ta biến sắc, ấp a ấp úng một hồi mới thừa nhận, được bọn Pôn Pốt giao nhiệm vụ ám sát tôi đêm qua, nhưng do tôi không tham gia múa nên ông không tiếp cận được để nổ súng. Vì thế, ông ta phải vào rừng đưa bọn Pôn Pốt vào đánh tập kích đội công tác của chúng tôi. Lúc đó tôi mới biết, mình thoát chết trong đêm qua là do yếu tố may mắn…
Sau lần đó, bọn Pôn Pốt treo giải, nếu ai giết được tôi thì được thưởng 2.000 USD. Trước sự việc này, tôi luôn động viên anh em trong đội công tác phải chịu khó, chịu khổ liên tục thay đổi nơi ở, bám sát địa bàn, tăng cường tuần tra, mai phục, ngăn chặn không cho bọn Pôn Pốt móc nối, cài cắm người của chúng vào bộ máy chính quyền thôn, xã. Nhờ vậy, tình hình ngày càng ổn định hơn. Khi tình hình ở 3 xã: Ô Rây, Căn Chàm và xã Chôm Ka Lơ được ổn định, Bộ chỉ huy Đoàn 5503 quyết định điều động tôi đến công tác tại 1 xã ác liệt nhất của tỉnh Stung Treng. Đó là xã Phla Khành, thuộc huyện Tha La. Trước khi rời đội công tác ở xã Ô Rây, tôi đề nghị phía bạn rút ông Son Nu về làm Huyện đội trưởng, sau đó là Phó Chủ tịch huyện. Sau một thời gian, ông Son Nu được điều động lên làm Tỉnh đội trưởng cho đến khi nghỉ hưu. Hiện nay, ông Son Nu đang là Chủ tịch Hội đồng huyện Sê San, tỉnh Sung Treng.
Hơn 40 năm đã trôi qua, đất nước Campuchia đã hồi sinh và phát triển nhanh chóng. Kỷ niệm về những ngày làm chiến sĩ quốc tế giúp bạn vẫn không thể nào quên trong trái tim tôi.
Trịnh Thanh Sáu
(Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia TP Đà Nẵng)
Theo: Cadn.com.vn