Tôi chưa từng uống nhưng nghe nhiều anh em đồng đội ở chiến trường K kể:
Lính đánh nhau ở vùng mùa nắng khô hạn, nước mang theo chỉ dám uống từng nắp bi đông cho đến lúc không còn gì để uống. Nhưng súng vẫn nổ, người vẫn chết, lê lết bị thương. Không phải một trận hai trận, ngày một ngày hai. Hai bên quầng nhau thì phải vận động thường xuyên, áo thấm mồ hôi cứng khô muối trắng. Miệng đắng nghét, môi nức nẻ, không còn chút nước miếng để chép miệng. Thiếu nước làm cơ thể teo tóp, khô không khốc. Có cảm tưởng như máu đông đặc lại, người lờ đờ như sống trong ảo giác...
Bí bách quá, lính mới nghĩ đến việc chữa cháy, thử uống nước đái của mình hay của đồng đội cho đỡ khát. Nhưng không hề đơn giản chút nào, rặn mãi mới ra được chút xíu nhỏ giọt. Vì hoạt động liên tục với cường độ cao thì nước từ thân thể theo đường mồ hôi mà xuất qua da, khỏi đái. Hớp vào cái nước lợn cợn có màu vàng quạch, nó đắng như thuốc kí ninh, tanh tưởi, khai nồng. Trên lý thuyết thì nước tiểu vẫn là nước có vị mặn của muối nhưng trên thực tế chiến trường thì việc uống để giải khát tạm cũng là điều khó thể....
Trong chiến tranh khi đã cùng cực dẫn con người về gần với bản năng. Đâu vẫn vậy nhưng qua đấy có thể thấy cuộc chiến ở CPC có một số cái khác với chiến tranh quen thuộc ở VN.
Linh hồn phiêu dạt của người lính tìm về đất mẹ.