5. NGÃ BA ĐÔNG DƯƠNG
Sau hơn hai tuần điều trị tại trạm xá trung đoàn, khi vết thương chưa lành hẳn, vẫn còn mang băng, tôi được trả về đơn vị với lời dặn có gì thì xin thêm thuốc y tá đại đội uống. Có một cán bộ về trung đoàn họp và tôi được gởi theo đồng chí đó về đơn vị.
Về đến nhà thì trời tối mịt, anh em kêu tôi lên gặp anh Vịnh, trung đội trưởng mới của tôi, người Quảng Ninh. Đồng chí Vịnh nói với tôi là anh em thấy tôi bị trúng cối, tưởng tôi chết rồi, bị thương như vậy là may lắm đó. Rồi giở ba lô ra, lấy cho tôi mấy trái xoài xanh dú gần chín, anh bảo tôi qua đồng chí Thạch xin lại cái vỏ chăn mà khi đi viện anh ấy giữ dùm cho tôi.
Tôi qua chổ đồng chí Thạch, anh vui vẽ trả lại cho tôi cái vỏ chăn mà anh đã mang dùm tôi trong khoảng thời gian tôi mang khẩu B41 và 6 trái đạn, cũng như suốt thời gian tôi nằm viện.
Sáng hôm sau chúng tôi hành quân bộ ra bờ sông Tôn-lê-sáp, tôi còn nhớ hình như hai bên bờ sông đạn pháo các loại cắm vào tua tủa như lông nhím... Tại đây tôi gặp lại anh Lê Hùng Dũng, lính nhập ngũ cùng đợt 03/12/78 với tôi, anh này là bạn làm việc chung cơ quan thành đoàn Thanh niên cộng sản thành phố Hồ Chí Minh với chị tôi. Anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng, biết tôi không có võng nằm, anh cho tôi một xấp vải katê xanh thu được của Pôn Pốt để làm võng, tôi cám ơn anh và nhớ mãi tấm lòng tốt này. Anh là lính C12, cùng tiểu đoàn với tôi, rồi chúng tôi sẽ còn gặp nhau nhiều.
Tối đó, chúng tôi ngũ lại ven sông, trời nóng nực, không có gió, mũi vo ve. Cái tấm vải anh Dũng cho, tôi dùng dây võng cột chặt hai đầu, treo vào thân cây rồi tôi nằm xuống, được một chút thì tôi rớt phịch, đập đít xuống đất. Đứng lên, cột lại, rồi nằm, rồi té mấy lần như vậy... Quả thật không ổn!
Trong cái khó ló cái khôn, tôi lấy cái vỏ chăn ra, lấy dây võng cột chặt hai đầu làm võng thì lại ổn. Thì ra do vỏ chăn hai lớp, thịt nhiều, dầy cơm nên dây võng níu chắc được, lại thêm cái võ chăn còn được may gấp nếp nên khi túm lại cái nếp gấp này làm thành cái khất. Dây võng mắc vào cái khấc đó khá là chắc chắn. Làm được cái võng này rồi, tôi mới ổn định mà nhắm mắt ngũ được qua đêm.
Chúng tôi đóng ở bờ sông Tôn-lê-sáp được một vài ngày thì có lệnh chuyển quân, chúng tôi lên xe qua phà, cái phà công binh bằng thùng sắt bồng bềnh coi vậy mà chắc, đủ sức đưa cả một sư đoàn qua sông. Đơn vị của tôi được bố trí đi bằng xe Hồng Hà của Trung quốc mới cáu, đây là chiến lợi phẩm tịch thu của Pôn Pốt.
Sư đoàn 5 hành quân cơ giới trên mấy trăm chiếc xe tải thành một đoàn dài hàng chục cây số, khí thế dời non lấp biển. Trời đã về chiều, rồi chúng tôi đến một ngã ba, xuống xe dừng lại rất lâu, nghe lính tráng xầm xì bàn tán, đây là ngã ba Đông Dương đi Việt Nam, Miên, Lào. Campuchia hoàn toàn giài phóng rồi, hay là mình về Việt Nam?
Nghe bàn tán về Việt Nam, lòng tôi vui mừng vô hạn, rúng động tận đáy lòng và cứ hy vọng mãi là sẽ mau chóng được trở về quê hương, xây dựng quân đội, bảo vệ tổ quốc.
Mới qua Campuchia được hai tháng chúng tôi đã đi qua khá nhiều địa danh trên cái đất nước chùa tháp này. Xuất phát từ Sa Mát ở Việt Nam chúng tôi qua Kompong Cham, Kompong Thom, rồi Takeo, Kompong Speu, Kompong Chnang, một nửa đất nước Campuchia theo chiều ngang từ Đông sang Tây và chiều dọc từ Nam lên Bắc đã có dấu chân người lính mới của trung đoàn 4 đi qua.
Đoàn xe mấy trăm chiếc của chúng tôi lại hùng dũng lên đường, được một lát một lát thì trời tối, toàn bộ đội hình dừng lại, xuống xe, dạt ra hai bên đường ăn uống, nghỉ ngơi qua đêm rồi sáng mai đi tiếp.
Ý nghĩ được về Việt Nam vẫn còn nung nấu trong tôi, sáng hôm sau đứng trong thùng xe mà tôi cứ quan sát mãi: Việt Nam, Việt Nam ở đâu? Tôi là lính mới, ngây ngô không hề biết rằng đoàn quân của chúng tôi đang càng ngày càng rời xa tổ quốc.
Chúng tôi đang tiến lên phía trước. Tôi cứ ngóng, ngóng mãi, ngóng mãi... chỉ thấy xa xa là một dãy núi, và dãy núi này đã đồng hành với đoàn quân của chúng tôi suốt buổi sáng hôm đó, dãy núi đó tên là gì tôi thực sự không biết. Đất nước này tuy quen mà lạ, quen vì tôi đã đổ biết bao nhiêu là mồ hôi và cả máu nửa trên đất này, lạ vì đây là lần đầu tiên tôi đi hết chiều dài nước Campuchia theo trục Nam Bắc.
Tối đó chúng tôi dừng quân tại một nơi nào không rõ, cũng như tối qua, xuống xe ăn uống rồi ngũ qua đêm. Sáng lại lên xe và đi tiếp.
Được một lát, đoàn xe dừng lại trên đường phố của một thành phố xanh và đẹp. Xanh vì có những công viên cây xanh rộng lớn. Đẹp vì có những kiến trúc dinh thự kiểu Pháp tường vàng ngói đỏ. Nghe ai đó nói đây là thị xã Xiêm Riệp, ấn tượng của tôi về Xiêm Riệp, nơi có nền văn minh Ăng-co vĩ đại chỉ có vậy thôi! Vì chúng tôi chỉ dừng chân ở đó, đứng ngay tại chổ đó một khoảng thời gian chừng mười phút rồi lại nhảy lên xe đi tiếp.
Đoàn xe của chúng tôi lại lên đường, đến chiều thì đến phum Diêng, huyện Sisophon, tỉnh Battambang. Đây là vùng đất nằm ở cực Tây Bắc của Campuchia giáp biên giới Thái Lan.
6. PHUM VIÊNG THÁNG 4/79
Tại phum Diêng, đại đội chúng tôi được bố trí vào một cánh rừng dầu nằm ở phía Bắc lộ 5, sát ngay đường lộ. Một anh lính Pôn Pốt, mặc đồ bà ba đen, ngang lưng thắt một cái võng còn khá mới, nằm nhe hàm răng trắng nhởn, cười hết cở nhát ma chúng tôi.
Chúng tôi thận trọng đi qua anh, thực sự tôn trọng, không dám đá vào người anh. Anh là tử sĩ, phơi thây trên chiến địa, da thịt đã tan rã, chỉ còn bộ xương khô với cái đầu lâu trắng nhởn. Chúng tôi nhìn anh vô cảm, không thù, không oán. Chết là hết!
Chúng ta là binh sĩ, ra trận bắn giết lẩn nhau theo mệnh lệnh chỉ huy. Cũng có khi anh chỉ là một lương dân vô tội, bị bắt đi lính, bị bắt cầm súng, bắn bắn, giết giết theo lệnh của bè lũ bạo tàn trong tập đoàn phản động Pôn Pốt – Iêng Xary.
Chúng tôi rải quân trong một cánh rừng dầu thưa thớt dọc quốc lộ số 5, đối diện chúng tôi bên kia đường là phum Viêng, một cái phum hoang tàn và lạnh lẽo, không một bóng người.
Tôi căng tăng làm lều để ở và lấy giấy ra viết thư gởi về gia đình. Giấc mộng trở về Việt Nam từ ngã ba Đông Dương đã thực sự tan rồi, đây là giờ phút tôi trải lòng với gia đình tôi ở Việt Nam.
Trời không cho tôi viết thư...
Giông gió nổi lên, thổi tung đồ đạc, rồi mưa rơi xuống. Đây là cơn mưa chuyển mùa đầu tiên của mùa mưa năm 1979 trên cái phum Viêng hoang tàn trơ trọi này.
Cơn mưa chuyển mùa, do tích tụ năng lượng của cả mùa khô, nên giông gió quằn quại, vặn vẹo mãnh liệt như đàn bà đau bụng đẻ. Vậy mà mưa chỉ chút đỉnh rồi thôi, để lại thằng tôi ướt chèm nhẹp, đồ đạc mang ra cũng bị ướt át lem nhem cả, cái thư đang viết đành bỏ dở. Tôi thu dọn đồ đạc rồi khăn gói ra hồ nước phum Viêng tắm.
Đứng trên bờ đê, tôi mới thấy cái hùng vĩ của cái đập nước này. Phải gọi cái hồ này là cái đập mới đúng, vì nó hình thành do người ta đắp đập ngăn nước. Lúc đó tôi cũng không có đủ kiến thức để bàn luận đâu là hồ, đâu là đập đâu... Chỉ thấy từng cơn sóng lớn vỗ vào thân đê, từng đợt, từng đợt sóng, lớp sau đè lớp trước...
Tôi tắm rửa qua loa rồi xách nước trở về, đi qua chổ anh lính mặc đồ Ăng-ca đang nằm, anh lại nhe răng cười nhát ma tôi. Đọng lại trong cái nhìn của tôi: Cái võng anh cài ngang thắt lưng trông còn mới quá.
Không phải chỉ mình tôi thấy cái võng đó mới, mà chính ông Thư già, hơn tôi 10 tuổi, dân Củ Chi, nhập ngũ cùng đợt, cũng để ý tới cái võng.
Biết tôi không cò võng nằm, hôm sau gặp tôi, anh ấy bảo:
- Hùng, tao thấy cái võng đó còn mới lắm. Mày lấy xài đi.
Tôi trả lời:
- Thôi đi, nó ngấm nước xác chết rồi, tôi không dám xài đâu.
Chiều hôm đó có một anh trong đội, đi lãnh cơm về, thấy cái đầu lâu nhe răng cười trắng nhởn trong ánh chiều tà, anh ta sợ quá vùng chạy, vừa chạy vừa la ma, ma...
Hôm sau có người lấy đá chọi cái đầu lâu văng đi đâu mất, rồi cái võng cũng không thấy nửa.
Phum Viêng tháng 4 năm 1979 vào thời điểm mới thành lập mặt trận 479 là như vậy.
Sau đó ít lâu, trung đoàn bộ của trung đoàn 4 đặt chỉ huy sở tại đây, nơi đây bỗng dưng trở thành một cứ điểm đông vui kéo dài tới ngã ba con voi cách đó 2 cây số.
7. NGÃ BA CON VOI
Vào một buổi sáng tinh mơ hạ tuần tháng 4 năm 1979, chúng tôi từ phum Viêng theo lộ 5 đi về hướng Đông trở ra ngã ba con voi. Từ ngã ba này, nếu bạn đi tiếp về hướng Đông khoảng 30km là đến Sisophon, còn nếu quay trở ra hướng Tây khoảng 15km là đến cửa khẩu Poipet giáp Thái Lan, cái cửa khẩu nổi tiếng là sòng bạc quốc tế hiện nay, vào thời điểm đó là địa bàn phòng thủ của tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 anh hùng.
Ngay ngã ba này án ngữ một bức tượng con voi bằng bê tông cốt thép, đầu quay ra Bắc, đuôi hướng về Nam. Ý nghĩa của bức tượng này theo lời các bà mẹ Campuchia ở phum Sophia, phum Sophi (huyện Sisophon tỉnh Battambang, nay thuộc tỉnh Banteay Meanchey) kể lại thì do khí hậu ở phía Nam khắc nghiệt, rừng thiêng nước độc nên to khỏe như voi cũng không ở được, phải bỏ nó mà đi ra phương Bắc nơi địa hình thông thoáng, bằng phẳng, đất đai phì nhiêu hơn để sống.
Từ ngã ba con voi, có đường đất đỏ đi thẳng về phương Nam được vài cây số thì hết... muốn đi tiếp nửa phải cắt rừng mà đi vào đến Cao Mê-lai, giáp ranh biên giới Thái Lan.
Đường Cao Mê-lai từ 1980 trở về sau này mìn nhiều lắm, những người lính chúng tôi thường nghêu ngao hát: Con đường Cao Mê-lai, người ta kéo dây mìn, thế là anh hết đi...
Qua khỏi ngã ba con voi, cũng theo lộ 5, chúng tôi đi tiếp chừng non 100m thì tới ngã ba Nimith. Ngã ba này là điểm khởi đầu của một con đường đất đỏ chạy thẳng lên hướng Bắc đi Đăng-cum, nơi đó là địa bàn phòng thủ của tiểu đoàn 2 thời bấy giờ. Tiểu đoàn chúng tôi đang men theo con đường đất đỏ đó để vào phum Sophia, cách ngã ba Nimith 2km.
Khí trời buổi sáng mát rượi, chúng tôi vào phum chậm rải khoan thai, bình an vô sự, như một đứa con chinh chiến phương xa nay trở về xóm làng của mình.
Trên đường vào phum, từ xa xa chúng tôi thấy có hai cây phượng vĩ đang ra hoa. Màu phượng đỏ báo hiệu hè về, tự dưng nhớ đến tuổi học trò. Văng vẳng đâu đây trong đầu: Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình yêu...
Bài ca thì buồn nhưng lòng tôi không buồn, tôi còn đang trẻ, trong người mạnh khỏe, buổi sáng yên lành, khí trời mát mẻ, hồn tôi phơi phới, bay bổng với phượng đỏ, hè về, hè về!
Đến ao nước đầu làng, chúng tôi hạ vũ khí, cởi ba lô, dừng lại trên bãi đất trống xanh mơn mởn màu cỏ non. Tôi thoải mái vươn vai, ngồi xuống bên cạnh một hòn đá lớn đầu tròn, ngoi lên từ vùng đất thịt mịn màng của xóm làng trù phú Sophia. Đồng chí Sau (mới được bổ sung vào trung đội hồi chúng tôi đi đánh phối thuộc quân đoàn 4) nói với tôi hòn đá này là hòn đá sống đấy, nó có chân, rồi từ từ nó sẽ ngoi lên từ lòng đất và lớn lên. Nghe cũng có lý... đến nay đã hơn 30 năm rồi, không biết hòn đá sống của đồng chí Sau ở phum Sophia, cách ngã ba con voi hai cây số nay đã lớn tới đâu rồi, chúng ta phải cố mà về thăm lại chiến trường xưa thôi, các đồng chí cựu chiến binh trung đoàn 4 ạ!
Đại đội 13 được bố trí hướng chính diện là hướng Bắc, kéo một vòng qua hướng Tây theo đường vòng cung như hình rẻ quạt, phía sau vòng cung đó là đại đội bộ. Trung đội chúng tôi được bố trí phòng thủ về hướng Tây của phum, tại đây vào những buổi chiều tà, tôi nằm võng mà nghe xa xa từ trong phum vọng lại tiếng người huyên náo, tiếng trẻ nô đùa, báo hiệu một sức sống mới đang phát triển từ đống tro tàn của chế độ diệt chủng Pôn Pốt – Iêng Sary.
Đêm đó làng mở hội lăm thôn mừng chô chơ-năm thơ-mây (vào năm mới). Vừa thoát khỏi chiến tranh, dân cực kỳ nghèo, dân không có quần áo đẹp để chưng diện, không có rượu để uống, để nhảy cho bốc, không có cả gạo lẩn thức ăn ngon, người dân ăn tết bằng vũ điệu lăm thôn, tay thì múa và chân thì xoay theo điệu nhạc, tôi cũng được tham gia vào những cuộc vui này nhưng rất bở ngở vì không biết múa, rất lọng cọng, ngượng ngịu nhưng vẫn thấy vui, tràn đầy phấn khởi, chứa chan tình đoàn kết samaki.
Sau mấy ngày mở hội lăm thôn ăn tết, người dân Sophia hăm hở bắt tay vào việc xây dựng công sự cho bộ đội đồn trú. Còn chúng tôi thì bắt tay vào việc xây dựng lán trại, với 6 cây cọc gỗ đào sâu cắm thẳng vào lòng đất thịt, 4 cây xà, 5 cây đòn tay và chừng 6 tấm tôn chúng tôi đã dựng được 1 mái nhà cho cái tổ tam tam (3 người) của mình, nhà là nhà tạm để trú mưa thôi, chứ người lính cơ động có rất nhiều việc để làm, không bao giờ ở yên một chổ.
Giai đoạn này chúng tôi thường hành quân cấp trung đội nhằm thông tuyến từ phum Sophia đến suối cạn, suối sâu ở hướng Bắc rồi quay về. Thỉnh thoảng có những cuộc hành quân lớn hơn đi sâu về hướng Bắc. Tuy liên tục có các đợt hành quân truy quét nhưng không có cuộc chạm súng nào, tình hình phía Bắc Nimith trong giai đoạn này hoàn toàn yên tỉnh.
Tháng 7 năm 1979 có đợt bổ sung quân lớn từ nguồn lính thành phố Hồ Chí Minh nhập ngũ tháng 3/79. Tôi được phong làm tiểu đội trưởng, đồng chí Sau làm tiểu đội phó, lính trong tiểu đội thì tân binh nhập ngũ tháng 3/79 có, cựu binh nhập ngũ 78, gốc thành phố Hồ Chí Minh có, quân khu 3 có.
Lính quân khu 3 lúc rảnh rỗi thường trêu chọc nhau bằng những mẫu chuyện khôi hài như: Thái Bình có cái cầu Bo, Hà Nam Ninh quê hương chín củ thành mười, Thái Nguyên chủ tịch xã cởi trâu đi họp - báo suất cơm suất cỏ, Hải Hưng bánh chưng đất, dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu...
Trong các chuyện lính kể khôi hài bôi bác nọ, tôi nhớ nhất là chuyện ba chú vô Nam, xin kể các bạn nghe chơi để nhớ lại một thời lính tráng rất tiếu lâm, kể nhau nghe cho vui thôi, không nhằm mục đích khích bác ai cả, xin anh em quê bọ đừng phiền:
Thời kỳ chống Mỹ, trước khi hành quân vô Nam bằng đường Trường Sơn, các chú bộ đội phải dừng chân nghỉ qua đêm tại Quãng Bình, ở xứ này người ta kêu bố bằng bọ.
Có một nhà nọ chứa ba chú bộ đội, sáng hôm sau, trước khi các chú lên đường vào Nam, ông bọ muốn xin một đôi giày, nên nói:
- Các chú có giày cho bọ xin một đôi.
Các chú trả lời :
- Chúng con mỗi người chỉ có một đôi giày thôi ạ!
Ông bọ cố xin mới nói :
- Ba chú vô Nam, thế nào cũng có chú chệt, chú sống lấy giày của chú chệt mà mang, thế thì cho bọ xin một đôi.
Các chú không muốn cho, nên trả lời :
- Nhưng mà chúng con đi giày đủ cở, bọ làm sao mang vừa.
Ông bọ nài nỉ :
- Ồ bọ mang dễ lắm, giày 38, 39, 40, cở nào bọ mang cũng được tuốt.
Bôi bác thế này thì bố ai chịu được! Anh lính quê bọ đang ngồi uống nước, quăng bát nhào vô định ăn thua đủ liền. Anh kia bỏ võng bật dậy, chạy vòng vòng, vỗ tay cười ha hả...
Các người lính trêu chọc nhau, bôi bác lẩn nhau, gân cổ cãi nhau ầm ỉ, nhưng lại rất thương yêu đùm bọc lẩn nhau, chia ngọt sẻ bùi, điếu thuốc hút chung, không mất đoàn kết, lính Nam lính Bắc tình cảm chan hòa.
Qua đợt bổ sung này, quân số mỗi tiểu đội đạt khoảng 5 đồng chí, mỗi trung đội có gần hai chục tay súng, hỏa lực có trung liên RPD, B40, B41 đủ cả. Đây là thời kỳ cũng cố rất cần thiết sau những năm dài chiến tranh biên giới Tây Nam. Trong thời gian này có một số cán bộ cấp trung đội, đại đội được đưa đi học bổ túc khóa 6 tháng tại trường sĩ quan lục quân 2. Riêng tôi cuối tháng 9/1979 được đưa về Sisophon, nơi đóng đại bản doanh của sư đoàn để học trường hạ sĩ quan D30.
1. THỊ TRẤN SISOPHON
Từ ngã ba con voi nhìn về hướng Đông, chúng ta thấy sừng sững một khối núi hình mu rùa... đó là Sisophon, thị trấn nằm bên cạnh ngọn núi đá. Khoảng cách từ ngã ba con voi về Sisophon là 30 km, xe quân sự chạy 1 tiếng đồng hồ là tới.
Trường hạ sĩ quan D30 đóng ngay chân ngọn núi đá, thao trường của chúng tôi là một bãi hoang rộng lớn, đất cát trắng lổn nhổn đá và đầu lâu. Nơi đây có những hố chôn tập thể của Pôn Pốt, người dân bị Pôn Pốt hành hình, đập đầu quăng xuống hố, nay xương tàn, cốt rụi chỉ còn lại những hố đầu lâu nhe răng cười trắng nhởn.
Đại đội trưởng đơn vị huấn luyện của tôi là một thiếu úy, người Hải Phòng có gương mặt đẹp trai sáng sủa. Anh đón chúng tôi ở mức độ niềm nở vừa phải, không thân thiện nhưng cũng không quá xa lạ. Sự đón tiếp trong chừng mực đó là phù hợp vì chúng tôi ở xa đến, học ở đây không bao lâu, chừng tháng rưỡi là hết chương trình.
Những buổi huấn luyện của chúng tôi trên cái thao trường lổn nhổn đá và đầu lâu này thực sự bổ ích. Chúng tôi được học chiến thuật các cấp từ tiểu đội, trung đội, đại đại bộ binh tấn công, phòng ngự trận địa, chiến thuật phục kích: chặn đầu, khóa đuôi, xung phong diệt gọn...
Có những sáng sớm chúng tôi được phân công tuần tra trên núi, chúng tôi xách súng men theo lộ đá mà đi. Núi không cao, lưng chừng núi có một ngôi đền, trong đền có hai ngôi mộ đặt song song, hai ngôi mộ đã bị bật nắp trong đó lộ ra trần truồng hai bộ xương khô nam nữ. Không biết bàn tay của ai đó đã quá ác tâm khi quật mồ người ta, để lộ hai bộ xương khô nằm nghiêm chỉnh trong cái mộ phần của mình.
Cách doanh trại huấn luyện của chúng tôi không xa có một cái chợ tự phát, mọc ra dưới bóng cây độc mộc, tàn lá xum xuê. Cái chợ này bán thực phẩm, hàng ăn uống và thuốc lá. Mỗi người lính Việt Nam ở Campuchia ngoài tiền phụ cấp của quân đội, mỗi tháng chúng tôi còn được chính phủ Hun Sen trợ cấp 5 Riel (1 Riel ăn 3 đồng Việt Nam lúc bấy giờ). Chúng tôi lấy tiền đó mua thuốc lá thơm Gold City để hút, mua ít thôi khi thì một gói, khi vài điếu thuốc lá lẻ để có cái mà đi chợ. Đi chợ chơi, không ăn không uống gì cả, chỉ dành tiền mua thuốc lá thôi.
Nơi đây là huyện lỵ, vậy mà suốt 1 tháng rưởi ở đây tôi chưa một lần bước chân ra thị trấn Sisophon, không biết mặt mũi cái sư đoàn bộ ra làm sao, nhà cửa người dân và cuộc sống của họ như thế nào? Khoảng thời gian này tôi chỉ quanh quẩn trong đơn vị và ngoài thao trường, không đi đâu cả ngoài cái chợ chồm hổm dưới bóng cây độc mộc kia... Bởi vì không quen biết ai ở cái thị trấn này, cả dân lẩn lính!
Phải đến giữa mùa mưa 1982 tôi mới có dịp hiên ngang trở lại Sisophon. Hiên ngang là bởi vì lúc này chúng tôi là đoàn cán bộ cấp trung đội, đại đội đi nhận chiến sĩ mới về bổ sung cho đơn vị mình. Tân binh đợt này là lính quân khu 9, con em của các tỉnh miền Tây nam bộ... Tội nghiệp đợt lính này về tham gia tiểu đoàn 3 trong lúc chúng tôi đang nằm sâu trong Tà-cuông Krao, đang xây dựng căn cứ hành quân Năm-sấp, đang làm nhiệm vụ ở phía Nam cao điểm Mê-lai, nơi mà những con thú vật gốc bản địa, to như con voi cũng phải quay đít mà đi, rời bỏ chốn thâm sơn cùng cốc, sơn lam chướng khí mà về hướng Bắc, về với đồng bằng Battambang cò bay thẳng cánh, đầy rẩy suối sông tôm cá.
Trong thời gian chờ đón tân binh, chúng tôi được ở nhà khách sư đoàn, ở chung với một đoàn văn công của quân khu 7 do một sĩ quan cấp tá dẩn đầu, chúng tôi kêu ông bằng bố. Xin bố già cho các em văn công biểu diễn văn nghệ cho chúng tôi xem, ông bố không chịu mà nói để ngày mai sẽ biểu diễn cho cả sư đoàn cùng coi.
Ở trung đoàn chúng tôi chưa bao giờ được văn công phục vụ, vì toàn bộ đội hình trung đoàn đóng quân đều nằm trong tầm pháo kích của địch. Còn nếu pháo kích không tới thì thằng Pôn Pốt cũng có cách quấy rối là đêm đêm đem vài tay súng tới bắn vài trái B40, tuôn vài loạt AK khuấy động quân tình chơi!
Ở nhà khách mãi cũng buồn, tối đó chúng tôi 3 thằng lính C13 rủ nhau đi uống rượu. Ba đứa hùn tiền mua 1 chai rượu mùi Đà Lạt trong một quán nước có 3 cô gái Campuchia làm chủ, chúng tôi gọi là quán ba chị em.
Chai rượu này ở đây bán với giá tương đương nửa chỉ vàng thời bấy giờ, chúng tôi ngồi nhâm nhi rượu ngọt trong một cái quán nước ấm cúng ở thị trấn Sisophon. Nơi đây có điện, có đèn, có nhạc, có gái đẹp bản xứ ngồi tiếp chuyện, thấy đời cũng đáng sống, tạm thời quên đi cái căn cứ hành quân Năm-sấp tối tăm muỗi vắt sau lưng... Cũng cùng là lính sư đoàn, nhưng những người lính trung đoàn 4, và nhất là tiểu đoàn 3 giờ này đang cực lắm, đơn vị chúng tôi đang ở Nam Cao Mê-lai, nơi ngay cả con voi gốc bản địa cũng quay đít bỏ đi!
Rồi cái buổi văn công quân đội biểu diển văn nghệ cho cán bộ chiến sĩ sư đoàn xem cũng tới. Chiều hôm đó cơm nước xong xuôi, chúng tôi ăn bận gọn gàng, tươm tất rồi tà tà thả bộ đi xem văn nghệ. Cả một rừng người háo hức xem văn công biểu diễn, tôi đứng ở xa xa, coi nhảy múa chập choạng, thấy anh em biểu diễn coi bộ cũng công phu lắm, nhưng xem không thấm, không có cảm giác gần gủi, ca nhạc cũng vậy, cũng thấy nhạt nhạt... Nói chung là không ấn tượng gì cả, chúng tôi ra về với cảm giác trống rỗng, vô vị. Ngày mai chúng tôi sẽ nhận quân và trở về cái căn cứ nơi rừng sâu, nước độc của mình.
*
* *
Trong khoảng thời gian chúng tôi đi học lớp hạ sĩ quan ở chân núi Sisophon thì ở nhà có chuyện: Toàn bộ đại đội 13 được lệnh xuất kích tiến vào Cao Mê-lai, đại đội hành quân mà không biết rằng ở nhà đồng chí quân lực đã lập danh sách trích ngang của anh em để báo cáo về trên, chuẩn bị hậu sự... Sau những tổn thất lớn về nhân mạng ở trận đánh giữa cuối tháng 3/79, nay đồng đội của chúng tôi lại bước vào vùng đất lành ít dữ nhiều.
Khóa học hạ sĩ quan của chúng tôi cũng được rút gọn lại và kết thúc sớm hơn dự kiến một chút để kịp thời trả quân về các đơn vị chuẩn bị chiến dịch mùa khô năm 1980.
9. DON THOMO
Thượng tuần tháng 12/79 tôi trở về Nimith, đêm đó tại bãi tập kết quân giữa phum Sophia trăng sáng vằng vặt, tôi viết thư về nhà mà không cần dùng tới ánh đèn. Lính tráng đốt lửa để sinh hoạt, còn tôi thì tận dụng ánh lửa đó để viết thư. Tôi đang nằm chờ tại đây để hội quân với đơn vị của mình đang trở về từ Cao Mê-lai.
Đại đội chúng tôi trở về Sophia cũng trong đêm đó, đợt xuất kích này không có tử sỉ, nhưng quân binh tàn tạ vì sơn lam chướng khí, hầu hết quân số đều mang bệnh sốt rét mãn tính. Chỉ còn tôi và một số đồng chí đi học về là mạnh khỏe, là nòng cốt của đơn vị lúc này
Đội quân bệnh hoạn này không tự hành quân được, xe GMC của trung đoàn đưa chúng tôi tiến vào Don Thomo từ hướng Bắc phum Diêng..
Don Thonmo, nghĩa tiếng Việt có nghĩa là Giếng Đá (don là giếng, thomo là đá). Đây là địa điểm mà thời trước, người ta đã cho khai thác đá để làm quốc lộ số 5 và đường sắt đi Poipet.
Đơn vị bạn để lại căn cứ Don Thomo cho chúng tôi cũng đầy đủ nhà ở, công sự, giao thông hào nên chúng tôi cũng không vất vả lắm về việc cũng cố doanh trại... Đại đội ngày càng thưa thớt, các bệnh binh lần lượt được chuyển lên tuyến trên điều trị, có người vào trạm xá trung đoàn, những người nặng hơn thì chuyển về bệnh xá sư đoàn ở Sisophon, nặng hơn nửa thì đi bệnh viện 7E ở Xiêm Riệp.
Cả tiểu đoàn vào đợt cũng cố, ban ngày đào hào cũng cố công sự, tối đến thắp đèn tập bài bắn ban đêm với mục tiêu là bia mẹ bồng con, tượng trưng cho hai thằng xạ thủ đang bắn đại liên.
Đêm đêm chúng tôi ngồi canh gát trước đội hình, nhìn về phía Tây thấy sáng rực một góc trời, đó là ánh sáng đô thành... của một thị trấn Thái Lan yên bình, chúng tôi đang ở rất gần cửa khẩu Poipet và cái thị trấn đó, không tới 10km đường chim bay.
Chúng tôi sinh hoạt ở Don Thomo vào mùa khô khá thoải mái nhờ vào các giếng đá tích trữ đầy nước mùa mưa, vào mùa khô mọc đầy bông súng, chúng tôi bứt bông súng làm nộm ăn cải thiện trong những tháng mùa khô hiếm hoi rau cỏ này.
Các bệnh binh được đưa đi điều trị rồi cũng lần lượt trở về. Doanh trại ngày càng được hoàn thiện hơn, các tuyến giao thông hào được nối mạng thông suốt.
Khu rừng dầu nơi chúng tôi đóng quân, thỉnh thoảng lại có heo rừng đến viếng, nửa đêm nó theo đường mòn, chạy vào đội hình, vướng mìn nổ oành một tiếng. Chúng tôi xách súng ra thăm chừng, đôi khi lại có thịt rừng mà xơi.
Có 1 lần nghe tiếng mểnh kêu tát tát, tôi leo lên cây mà coi, thấy rõ ràng một con mểnh to khoảng 30, 40 kg lông vàng lườm, tướng tá giống như con nai. Tôi xuống, xách súng, leo lên cây... thì nó chạy đâu mất rồi!
Trong đơn vị tôi có đồng chi Vi, đại đội phó quân sự, dân tộc Tày, người Thái Nguyên giỏi săn bắn. Một chiều nọ anh vác súng vào rừng săn được một con mểnh to, anh lắt bỏ hai hòn dái của nó (cho thịt khỏi hôi) rồi về đơn vị kêu anh em đi khiêng xác con vật về cải thiện.
Cuối năm 1979, với nhiều chiến công đạt được trong chiến tranh biên giới Tây Nam, trung đoàn 4 của chúng tôi cùng với trung đoàn 174 và sư đoàn 5 được tuyên dương danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang lần thứ hai.
Những cơn gió lạnh kéo về từng đợt, từng đợt báo hiệu năm hết tết đến. Năm nay chúng tôi ăn Tết lớn, một cái tết đầu tiên sau ngày Campuchia hoàn toàn giải phóng khỏi họa diệt chủng. Các thương bệnh binh đã trở về đơn vị đông đủ, quân số toàn đai đội lúc này khoảng trên 50 người, tất cả phấn khởi hồ hởi đón Tết.
Heo, bò, gà, trà, rượu, thuốc đủ cả. Năm đó chúng tôi đã ăn một cái Tết hoành tráng nhất trong đời lính. Bếp đại đội, bếp trung đội rộn ràng, rồi lính tráng các đơn vị qua lại ồn ào thăm viếng lẩn nhau, vui thì thật vui, nhưng vui lắm thì buồn nhiều...
Xa quê hương nhớ mẹ hiền, cái buồn nhớ làm những người lính làm liều chơi ngông. Đầu têu cuộc chơi là cái anh pháo cao xạ 37 ly: Anh nhậu đã đời, rồi anh buồn tình, anh kéo pháo ra, anh nạp đạn vào, anh bắn đạn lửa, đạn vạch đỏ trời... trong cái đêm giao thừa 30 tết năm 1980.
Sáng ngày mùng 1, theo chương trình chúng tôi lên đại đội chúc tết. Chúc tết xong, rượu mới ngà ngà, chúng tôi trở về trung đội ăn tết tiếp... bổng dưng súng nổ thay pháo. Đầu tiên là nổ ở hướng trung đoàn bộ, rồi tiểu đoàn, rồi các đại đội, rồi các trung đội... Vui quá, tôi cũng chơi luôn!
Tôi xách cây trung liên RPD ra, dựng chân chống trên nóc chiến hào, chơi luôn nguyên nồi đạn 100 viên. Súng nổ, giật cành cành, cành cành liên tu bất tận, hết dây đạn 25 viên này thì súng tự động xả dây ra, kéo tiếp dây mới. Tôi say sưa bắn, hết dây thứ hai, sang dây thứ ba, thứ tư, tiếng đạn nổ liên thanh làm tôi cực kỳ phấn khích, nổi buồn nhớ cha, nhớ mẹ tan biến đâu mất! Máu chảy rần rần, mặt đỏ bừng bừng, mồ hôi ròng ròng, nòng súng đỏ rực, tôi còn muốn bắn tiếp nửa, tiếp mãi... thì đại đội trưởng Tý chạy xuống la:
-Ngưng bắn, ngưng bắn, tiểu đoàn nó chửi tôi!
Phục tùng mệnh lệnh người chỉ huy gương mẫu của mình, tôi lật đật xách súng chạy vô, trong lúc vội vàng phần da non cánh tay phải của tôi chạm vào cái nòng súng cháy đỏ, lập tức nó lột da tay ngay tức khắc, để lại lớp mỡ trăng trắng, mấy năm sau vẫn còn thấy thẹo.
Chúng tôi đã ăn cái Tết chiến thắng đầu tiên trên đất bạn vào cái năm đó với rất nhiều rượu thịt và tiếng nổ của đại bác, pháo cao xạ, đạn tiểu liên... một cái tết huy hoàng, ồn ào và mất trật tự.
Đang là thời chiến và trước mắt chúng tôi là quãng đời lính dài vằng vặc phía trước, chúng tôi đi không biết ngày về. Tất cả sĩ quan binh sĩ trên chiến trường đều hiểu như vậy và thấm thía nổi nhớ nhà... nên dù cái Tết năm ấy lính tráng chúng tôi bắn phá hao tốn như vậy, nhưng tất cả chúng tôi đều bình an vô sự, không ai bị kỹ luật gì, còn khiển trách rút kinh nghiệm thì đương nhiên là có, rồi thôi.
Năm 1981 chúng tôi cũng ăn một cái tết hoành tráng như vậy, hậu phương và nước bạn Campuchia chung sức chăm sóc cho những người lính xa nhà chúng tôi ăn một cái tết đầy đủ rượu thịt, nhưng cái tết đó bình an, yên tỉnh, không một tiếng nổ mất trật tự.
Chúng tôi chỉ được ăn 2 cái tết ở Don Thomo thôi, rồi phải đột ngột rời xa nó tức tưởi! Để rồi không biết đến cái tết thứ ba, bởi vì cái tết năm đó toàn bộ tiểu đoàn chúng tôi đã luồn sâu vào Nam Cao Mê-lai rồi.
Nguồn: Vnmilitaryhistory