Tim thông tin blog này:

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

Nỗi khát nước của lính chiến trường K

RỪNG KHỘP MÙA THAY LÁ
(Trích)
Tôi bước đi như mộng du, đầu óc mụ mị, nặng trĩu, mắt mờ đi và dần chìm vào giấc mơ. Tôi mơ được về nhà ăn tết, nhưng không phải là mơ thấy giò, chả, bánh chưng mà thấy mẹ và các em ào ra đón. Cũng không phải tôi lao vào ôm lấy mẹ, ôm lấy các em sau bao ngày xa cách, mà tôi lao đến, vục đầu xuống cái hồ cạnh nhà, cái hồ mà hàng ngày cả làng vẫn ra đó tắm giặt và gánh nước tưới rau uống lấy uống để. Trong giấc mơ, cả người tôi chìm nghỉm trong nước, miệng tu ừng ực từng ngụm lớn, uống đến no nê... mà miệng vẫn đắng ngắt.
Đang mơ, bỗng thằng Cương giật giật vào quai ba lô tôi hỏi nhỏ:
- Anh Điền, còn nước không cho em một ngụm?
Nhìn khuôn mặt nó đỏ lựng, nhem nhuốc nhọ đen nhọ thỉu, méo xệch vì mệt, thương lắm nhưng vẫn phải động viên nó:
- Tao còn tí xíu thôi, nhưng tao cũng không uống, cố chịu. Khi nào sắp chết, tao với mày sẽ chia nhau. Cố lên đi, có chết cũng chết trên đầu hàng quân Cương ạ.
Nó cố nài nỉ, tôi vẫn kiên quyết không cho, cố giữ lấy những giọt nước cuối cùng phòng khi không còn cơ hội sống. Nài không được, nó lại bỏ tôi, lùi lại phía sau...Nói thật là khi đó, tôi đã lờ mờ nghĩ đến cái chết, nghĩ rằng sẽ chết khát giữa cánh rừng khộp đang cháy nham nhở ở phía tây cái đất nước khốn nạn này.
Khi trời nhá nhem tối, từ đầu hàng quân có tin truyền xuống:
- Phía trước có nước. 

Chúng tôi cũng truyền tiếp về phía sau mà không tin là thực. Nhưng dù sao, cái tin có nước cũng làm cho những người lính bừng tỉnh, hy vọng sống trở nên mãnh liệt, bước chân bộ đội dường như nhanh nhẹn hơn. Những người lính nằm dọc đường hành quân cũng lồm cồm bò dậy, ôm súng, lảo đảo bước theo đoàn quân.
Lúc ấy, thằng Cương từ phía sau lại chạy đến nài nỉ. Tôi dừng lại, vặn nút, đổ nước ra nắp bình tông, mỗi thằng được một nắp. Hai anh em chia nhau những giọt nước quý giá cuối cùng dưới đáy bình tông, những giọt nước ngọt lịm chưa vào đến miệng đã trôi ngay xuống cổ họng khô khốc. Chỉ thế thôi nhưng cũng làm cơn khát dịu bớt một phần.
Đi mãi vẫn chẳng thấy nước đâu, tôi nghĩ các lão cán bộ tiểu đoàn đánh lừa bộ đội, bắt chước bài của Vua Quang Trung trong cuộc hành binh từ Phú Xuân ra Thăng Long tết Mậu Thân (1788) rồi. Trong cuộc hành quân ấy, khi binh lính chìm trong cơn khát, cũng chỉ một câu “ phía trước có rừng mơ”, mà binh sĩ tứa nước miếng, lại có thể tiếp tục hành quân. Còn lúc này, hy vọng có nước làm cho chúng tôi bước nhanh hơn, muốn đến ngay dòng suối bên đường để nhào xuống, uống thật thỏa thuê, tan đi cơn khát.
Vậy nhưng, đi mãi, đi mãi mà chẳng thấy nước đâu. Đoàn quân mất dần khi thế, lại lầm lũi bước trong đêm tối với cảm giác bất an. Những bước chân dần trùng xuống, rã rời hơn.
Mãi hơn 10 giờ đêm lại có khẩu lệnh truyền xuống:
- Dừng lại, bố trí đội hình phòng ngự và cho bộ đội nghỉ. Mỗi phân đội cử hai người đi lấy nước.
Vậy là có nước thật rồi, sống rồi. Đoàn quân dồn lên, những tiếng gọi nhau í ới khắp cánh rừng tối om.
Chúng tôi bàn giao công việc cho bọn hữu tuyến rồi trở về đội hình Trung đội. Về đến nơi, anh Lưu đã cử thằng Công điếc, người Sài Gòn và thằng Cánh, quê Hải Dương - hai chiến sĩ nuôi quân của Trung đội - theo trinh sát đi lấy nước rồi.
Mắc chiếc võng vào hai gốc cây khộp già, mặc cho mấy ngọn le dại cứ xột xoạt dưới đáy võng, tôi thiếp đi ngay, một giấc ngủ say như chưa bao giờ được ngủ, miệng vẫn khô khốc, đắng ngăn ngắt.
Chẳng biết tôi ngủ được bao lâu nhưng lúc tỉnh dậy, thằng Công và thằng Cánh đã mang nước về rồi. Chúng đổ ra cái nồi quân dụng một thứ nước đục ngầu, đen xì, sực mùi bùn và mùi phân động vật. Bất kể là nước gì, có nước là sống. Bọn tôi vục bát vào uống, uống kỳ no, kỳ chán cho bõ cơn khát suốt một ngày dưới cái nắng khủng khiếp của xứ sở nổi tiếng nhiều kim cương này.
Gần đến Giao thừa thì cơm chín. Cả Trung đội xúm quanh nồi cơm với bát bột canh, xì xụp ăn trong ánh sáng của cái đèn pin tháo pha ra để chia đều ánh sáng. Nồi không rửa, gạo không vo, và nước thì đầy bùn nên bát cơm nhìn như bát đậu cove, đầy sạn. Ăn mà không dám nhai mạnh vì sợ gẫy răng, đành nhếu nháo rồi nuốt chửng.
Đúng Giao thừa cũng là lúc ăn xong. Thằng Công điếc bê lên một nồi quân dụng nước sôi. anh Lưu vục bát vào nồi, đưa lên định chờ nguội để uống, nhưng cái màu nước đen xì, lại tanh tanh nữa, nên không thể uống nổi. Anh đổ bát nước vào nồi rồi gọi thằng Cánh:
- Cánh, Cánh, mày sang ba lô của tao, lấy trong túi cóc hộp sữa sang đây.
Đây là hộp sữa tiêu chuẩn Tết Kỷ Mùi. Mỗi sỹ quan được cấp 2 hộp, mỗi chiến sĩ 1 hộp. Khẩu phần của bọn tôi đã hết lâu rồi, nhưng anh Lưu vẫn giữ 1 hộp đến hôm nay mới mở.
Thằng Cánh sang, anh bảo nó đục hộp sữa, đổ cả vào nồi, cầm vỏ hộp tráng một lần nữa rồi lấy đũa khoắng lên. Từ màu đen của bùn, nồi nước biến thành mầu trắng nhờ nhờ như cà phê sữa. Anh bảo:
- Chúng mày uống đi, uống mừng giao thừa. Chẳng ngọt đâu, nhưng nhìn thế này đỡ sợ.
Chúng tôi uống nước bùn - thứ “cà phê sữa » đặc biệt của lính Pailin”, hút thuốc rê, chúc mừng nhau nhân dịp năm mới và cùng nghe tiếng pháo nổ ở Hà Nội, nghe Chủ tịch Tôn Đức Thắng đọc lời chúc Tết qua Đài Tiếng nói Việt Nam.
Không còn khát, không còn đói nữa, nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ tết quê hương lại cồn lên trong tâm thức. Bố mẹ ơi, anh chị ơi, các em ơi, Tết năm nay nhà mình ăn có to không ? Chúng con vừa phải trải qua một trận khát khủng khiếp nhất trong đời giữa chiều 30 tết ở một vùng đất nổi tiếng nhiều kim cương nhất Cam Pu Chia đấy...
Rồi giấc ngủ kéo đến thật nhanh, ngủ để lấy sức mai còn chiến đấu.


Nguồn: https://www.facebook.com/groups/1744803122431080/permalink/2224897471088307/
----------------
Tran Hung Nguyễn Điền tả cảnh khát nước, H chưa qua cảnh đấy, nhờ bạn mới thấu cảm hơn. Cảm ơn nhiều. Nhớ đến đơn vị mình đi truy quét suốt ngày đến 3 giờ chiều mà chưa thấy nguồn nươc thì sợ còn hơn gặp Pol Pót, từ chỉ huy đến lính lác, thằng nào cũng tái mặt, hồn viá lên mây!.

Tìm kiếm Blog này