Trong đất địch
troidanh84
Chào các bác.
Đọc QSVN cả năm rồi, muốn viết lắm nhưng lĩnh vực của tôi là lĩnh vực nhạy cảm nên dù có sục sôi trong lòng, cũng phải đành giương mắt ngó trông...
Nay được phép của các thủ trưởng (dĩ nhiên chỉ được 1/10 phép thôi), tôi xin kể lại chuyện mình. Và vì bị giới hạn trong cái khoảng 1/10 phép, nên họ, tên của một số người mà tôi đề cập trong topic này đã thay đổi, một số tình tiết đã được cắt bớt, nhiều địa danh được sửa cho khác đi. Mọi sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên mà thôi.
PHNOMPENH
Đầu năm đó, anh H gọi tôi lên.
Chẳng rào đón gì cả, anh vào đề ngay: “Bọn mình quyết định rồi, cu về chuẩn bị. Một tháng nữa cu đi Phnompenh”.
Cũng xin nói thêm là trong sinh họat, anh vẫn gọi tôi là “cu” – y như cách anh gọi con trai anh. Tôi biết anh thương tôi như con. Hơn nữa, với các cán bộ khác, anh còn tự hào khi nói về tôi: “Nó là mắt, là tai của đơn vị tớ đấy”.
Tôi ngồi xuống ghế, rót cốc nước chè, tiện tay làm luôn điếu Thủ đô bao bạc. Nói thật là tôi chẳng thắc mắc gì lắm với cái lệnh mà anh H vừa bảo. Thằng lính quân báo chúng tôi bảo đi là đi, làm là làm. Vấn đề là đi cho chính xác, làm cho hiệu quả, thế thôi.
Chắp tay sau lưng, lững thững quanh phòng, anh H thỉnh thoảng lại nhìn tôi. Một lát, giọng anh trầm trầm:
- Chắc chắn Pốt sẽ đánh mình. Có điều chưa rõ nó đánh mình theo kiểu gì. Đánh quấy rối, đánh du kích hay đánh tổng lực. Cu sang đó, phụ trách hướng Mộc Bài, Svay Riêng, Phnompenh còn nhiệm vụ cụ thể thế nào thì bắt đầu từ ngày mai, sẽ có một bộ phận hướng dẫn. Cu chỉ có đúng một tháng để nghiên cứu phương thức họat động rồi lên đường.
Tôi làm thêm điếu Thủ đô nữa vì biết bao giờ tôi lại có dịp hút thứ thuốc “quý tộc” này. 3 tháng trước ngày đánh Buôn Ma Thuột, trận đánh mở màn cho Đại thắng mùa Xuân, tôi đã lang thang trong thị xã, đã hút Capstan, Ruby đỏ, Rubi xanh, President, đã uống cà phê ở quán Mưa Hồng gần Trường Trung học Tổng hợp, đã vào bệnh viện tỉnh để trinh sát cách bố phòng của Bộ tư lệnh Sư 23 bộ binh vì Bộ tư lệnh nằm sát bệnh viện. Bây giờ qua K, tôi sẽ phải quen với thuốc lá K, thậm chí thuốc rê, thuốc nguyên lá cuốn lại như xì gà. Tiếng K thì khỏi phải lo vì tôi quá rành nhưng ngôn ngữ là một chuyện, còn am hiểu sâu sắc phong tục tập quán của dân K lại là chuyện khác.
Mà thôi, khi quyết định điều tôi đi, chắc chắn anh H đã phải tính toán cả rồi. Trước ngày vào Buôn Ma Thuột, tôi đã chả từng học cách bóc gói thuốc lá Ruby “quân tiếp vụ”, cách gõ cho điếu thuốc vọt ra khỏi bao, cách bật hộp quẹt Zippo sao cho khi cái nắp inox vừa nẩy lên thì lập tức ngón tay cái miết vào bánh xe để ngọn lửa xuất hiện tức thì, đó sao. Chỉ có điều hồi xưa vào lòng địch, chung quanh tôi có biết bao đồng chí, đồng đội âm thầm hỗ trợ cho tôi. Còn lần này, một mình một ngựa, đơn thương độc mã...
Khóa huấn luyện rồi cũng trôi qua. Thi “tốt nghiệp”, tôi được “ban giám khảo” chấm 9.5 điểm trên 10. Ở phần cuối cùng, “ban giám khảo” gồm 6 người – trong đó có 4 người mà sau này tôi biết là cán bộ K, đã quay tôi bằng tiếng K như chong chóng (năm 1989 về nước, gặp lại anh H, anh kể: Lúc kiểm tra cu, tụi mình không cho bạn biết cu là “duôn”. Kiểm tra xong, bạn nói thằng này dân K chính hiệu, các ông tìm nó ở đâu ra thế?)
LÊN ĐƯỜNG
Một tối tháng 3 năm đó, đội công tác đưa tôi đến một chỗ đâu đó thuộc vùng Mộc Bài. Từ đây sang đất K chỉ còn vài trăm mét. Nhìn ra xa xa, nhà cửa thấp thoáng ánh đèn, thỉnh thoảng lại có tiếng chó sủa vu vơ. Cảnh vật thật yên bình nhưng ai ngờ đâu, chỉ một năm nữa thôi, thần chiến tranh sẽ giương búa đến nơi này.
Tôi mặc bộ kaki đen đã sờn chỉ, chân đi dép râu, cổ quấn khăn cà ma, đầu đội nón “bánh tiêu”, lưng đeo K59, ngang người quàng chiếc túi vải trong có thêm một bộ quần áo, cặp quần đùi – tất cả đều cũ, và... bẩn, chiếc võng dù, cái bật lửa Trung quốc, một cuốn sổ tay đã viết gần hết nửa – chữ giun - đại khái ghi cách bố phòng của bộ đội Việt Nam ở tuyến biên giới Mộc Bài - Xa Mát (dĩ nhiên là thông tin đểu), hai gói thuốc lá và cây bút Kim tinh cũng của Trung quốc. Mặt trong bên hông túi là một cái túi nhỏ xíu khâu thêm vào, đựng 5 chỉ vàng. Cái bàn chải đánh răng được làm cho tòe lông như thể chủ nó đã xài rất lâu, cán bàn chải mài nham nhở, không thể nhận biết nó “Made in Việt Nam” còn vật quan trọng nhất nằm trong túi áo ngực tôi là một mảnh giấy gấp tư, đã được làm cho cũ, trong in loằng ngoằng chữ giun, có mộc đỏ chói. Tấm giấy chứng nhận tôi là sĩ quan quân báo trực thuộc Bộ chỉ huy tối cao của Chính phủ Campuchia dân chủ (Kh’mer đỏ), đang thi hành một nhiệm vụ đặc biệt và một thẻ quân nhân cũng bằng chữ giun, có hình tôi.
Tên tôi: Sok Ngươn, còn người ký giấy chứng nhận cho tôi là chỉ huy phó bộ phận quân báo, trực thuộc Bộ Quốc phòng Campuchia dân chủ! Năm 1978, 79, 80, vô phúc mà tôi gặp các bác thì có lẽ tôi sẽ lên bàn thờ, còn các bác... lên quân hàm vì đã diệt được “một thằng sĩ quan quân báo Pốt” với một đống giấy tờ, tài liệu “cực kỳ quan trọng”. Các thủ trưởng của tôi chắc chắn sẽ im lặng để bảo vệ cho những mũi khác còn các bác - cũng chắc chắn là các bác không bao giờ được biết quân ta đã thịt quân mình.
9 giờ, đội công tác dẫn tôi vượt biên giới. Vào sâu khoảng 500 mét, anh em rút về. Không một lời từ biệt, không câu chúc may mắn và lại càng không có cái giọng “lên lớp” động viên hoàn thành nhiệm vụ thắng lợi, chỉ có những cái xiết tay rất chặt hoặc một ai đó ôm khẽ bờ vai tôi.
Trời tối, tôi mò mẫm bước đi trên con đường đất sống trâu gồ ghề. Đây là quãng đường nguy hiểm nhất bởi lẽ những toán tuần tra của Pốt hoàn toàn có thể chận tôi lại, xét giấy tờ tôi. Và cho dù tôi là “sĩ quan quân báo”, đang đi làm “nhiệm vụ đặc biệt” chăng nữa, chúng vẫn có thể đưa tôi về nơi đóng quân rồi báo cho cấp trên – từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh, từ tỉnh lên quân khu, thậm chí về trung ương. Khi đó, điều mà chúng không thể bỏ qua là kiểm tra hồ sơ của tôi ở bộ phận lưu trữ. Dĩ nhiên Sok Ngươn là nhân vật có thật, giấy tờ thật, chức vụ sĩ quan quân báo cũng có thật nhưng thằng tôi thì... không thật! Chỉ cần một kẻ nào đó, quen biết Sok Ngươn đến “nhận bạn” thì tôi coi như chết chắc. Trong đầu tôi vạch ra một phương án, rằng nếu bị bọn tuần tra chận lại, tôi sẽ quát nạt y như tôi là sĩ quan quân báo thứ thiệt, rằng chúng mày là ai, tại sao dám chận tao? Chúng mày có biết tao đang làm gì không? Hay chúng mày... theo “duôn”, muốn bắt tao nộp cho “duôn” để phá họai chiến lược của Ăng Ka. Trường hợp “rung cây nhát khỉ” không hiệu quả, thì tôi tin chí ít chúng cũng phải nao núng. Khi đó, tôi vẩy cho mỗi thằng một viên K59 – được thằng nào hay thằng nấy rồi “tam thập lục kế”, kế hay nhất là vắt giò lên cổ, chuồn!
Phương án tác chiến vạch ra rồi, tôi ung dung đi trên đường, đi rất tự tin vì “đất mình” mà! Gần một tiếng sau, tôi đến một cái phum cửa nẻo đóng kín. Đây đó qua kẽ ván, hắt ra thứ ánh sáng chập chờn, đỏ quạch của những ngọn đèn đốt bằng chất nhựa lấy ra từ cây dầu lông. Theo kế họach, tôi sẽ phải đến căn nhà Z, phát ám hiệu liên lạc. Nếu đúng, sẽ có 2 người – trong vai “cận vệ” của tôi đưa tôi đi làm nhiệm vụ. Nếu sai, tôi phải tùy cơ ứng biến rồi bằng mọi cách, rút về bên kia biên giới ngay lập tức.
Bây giờ ngồi viết lại những dòng này, tôi lên gân một tí chứ nói thật là khi đó tôi cũng sợ. Đã có lúc, tôi nghĩ hay là mình chui vào một cái bụi nào đó, nằm thêm nửa tiếng rồi quay về và báo rằng cơ sở không an toàn. Sẽ chẳng ai trách tôi được nhưng ý nghĩ vừa thoáng qua, thì trong thần trí tôi lại xuất hiện câu nói của anh H: “Đây là nhiệm vụ tình nguyện, lành ít dữ nhiều. Cu có quyền từ chối. Đơn vị sẽ tìm người khác”. Chao ơi, vừa nghe xong câu nói của anh H, tôi đã đứng thẳng người: “Thủ trưởng hãy tin em”. Ấy thế mà bây giờ, vào “hang cọp” chưa đầy 2km, tôi đã muốn “K quay” thì còn ra thể thống gì. Anh H có thể không biết, các thủ trưởng khác có thể không biết nhưng cái thằng tôi thì phải biết. Chữ “biết” ấy chắc chắn sẽ in đậm trong lòng tôi cho đến cuối đời.
Rồi tôi cũng tìm ra căn nhà là điểm hẹn. Leo hết cầu thang, tôi đứng lại, hít một hơi dài, tay cầm khẩu K59 vì bố ai biết cơ sở của tôi liệu có còn an toàn không, hay một cái bẫy đã giương ra, chờ sẵn. Nếu thế, tiên hạ thủ vi cường, tôi nổ ngay rồi lao xuống cầu thang. Từ đây về biên giới nếu chạy thật nhanh chỉ mất khỏang nửa tiếng. Đội công tác vẫn nằm đó chờ tôi đến trưa mai, yên ắng họ mới rút.
Tôi gõ ba tiếng nhanh, một tiếng chậm rồi nép sang một bên. Vẫn chẳng thấy động tĩnh gì. Đợi khoảng 1 phút, tôi lập lại lần nữa. Giấy lát, cánh cửa kêu lên cót két rồi một cái đầu thò ra. Tối quá, tôi chẳng nhìn thấy mặt, chỉ nghe hỏi bằng tiếng K: “Ai đó”.
Tôi đáp: “Tôi tìm anh Chia”.
- Anh Chia đi Takeo rồi, ở đây chỉ còn anh Chhuk thôi. 3 ngày nữa mới về.
- Thế thì cho tôi gặp anh Om.
Vậy là đúng mật khẩu. Cánh cửa mở ra, vừa cho tôi lọt vào rồi lại đóng kín. Dưới ánh đèn dầu được khêu lên cho sáng, tôi mới nhìn rõ mặt mũi cơ sở. Đó là một người đàn ông cỡ 30 tuổi, ở trần, chỉ quấn quanh mình chiếc xà rông. Ông ta hỏi tôi vẫn bằng tiếng K:
- Ăn uống gì chưa?
Tôi lắc đầu: Mình ăn rồi.
Cơ sở đưa tay chỉ bộ ván ở góc nhà: “Vậy thì ngủ đi. Mai đi sớm”.
Tôi cám ơn rồi mở túi lấy chiếc võng, giăng lên hai cây cột. Sau đó, tôi thay bộ kaki bằng bộ quần áo bà ba đen, leo lên võng, súng đặt ngay bên nách, đạn sẵn trong nòng. Cơ sở của tôi chắc đã được dặn dò từ trước nên ông ta không hỏi thêm điều gì. Tôi mời ông điếu thuốc. Ông cầm lấy, châm đầu thuốc vào ngọn đèn hút một hơi, thả khỏi rồi cười: “Thứ này hút nhẹ quá”.
Nự cười làm tôi ấm lòng. Đêm trôi qua trong yên tĩnh. Tôi nằm trên võng, miên man nhớ về mẹ tôi, nhớ mấy đứa em, nhớ những thằng bạn hồi học trung học. Lại nhớ cả cô bạn gái có nước da bánh mật và nụ cười lúng liếng. Chẳng ai biết giờ tôi đã ở bên kia biên giới, trong đất địch, cách xa họ hàng trăm cây số. Nếu tôi chết, gia đình tôi sẽ nhận được tờ giấy báo tử, trong đó chỉ vỏn vẹn hàng chữ “hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở mặt trận phía Nam”, thế thôi.
Gần sáng, tôi mới chập chờn ngủ. Lúc mở mắt, đã thấy cơ sở bày sẵn mấy dĩa xôi cùng một dĩa thịt kho trên bộ ván. Hai “cận vệ” của tôi cũng đã có mặt từ lúc nào. Một anh tên Kheng, 21 tuổi, cao chừng 1,7 mét, da đen thui, tóc quăn tít, khi cười nhe hàm răng trắng ển còn anh kia tên Tưk, 20 tuổi, cũng đen không kém. Tôi vốn đã đen rồi nhưng so với Kheng và Tưk, tôi thấy mình chỉ chỉ mới ... nam nám mà thôi!
Chúng tôi ăn xôi, uống nước trà rồi lên đường. Cơ sở đưa cả ba xuống cầu thang rồi quay lên ngay. Kheng đi trước, vai đeo ba lô, tay cắp AK, tôi đi giữa còn Tưk đi sau, cũng ba lô, AK với ba băng đạn đựng trong cái túi đeo trước ngực. Mấy người dân đi làm sớm thấy chúng tôi vội nép sang một bên, cúi đầu chào. Thỉnh thoảng, vài chú Pốt - chắc có lẽ là du kích hoặc bộ đội địa phương canh giữ công xã vì họ trang bị vừa AK, vừa M16 lẫn lộn, đứng nghiêm khi chúng tôi đi qua. Chả gì nhìn cách ăn mặc, trang bị của tôi, tụi nó phải biết tôi là “lục thum” chứ!.
Năm 2005, trong một chuyến đi An Giang, tình cờ tôi gặp lại cơ sở tại TP Long Xuyên. Nhìn ông, tôi hơi ngờ ngợ nhưng ông nhận ra tôi ngay rồi lao đến ôm tôi thật chặt, nói bằng tiếng... Việt rổn rảng: “Đ. má mày, mày còn sống à?”. Tôi ngớ ra. Ông cười nhe hàm răng chỉ còn lơ thơ vài chiếc: “Tao “duôn” chính hiệu đây nè. Tao dân An Giang nè”. Ôi trời, vậy mà tôi cứ tưởng ông là K. Ông lại cười: “Đ. má, tao mà không ngụy trang khéo thì tao ra cám rồi”. Lúc đó tôi mới biết 2 ngày trước khi tôi đến, ông đã xua vợ - là người K – cùng 3 đứa con ông – sang phum kế bên thăm người dì già yếu để khỏi lộ bí mật. Ông kể mãi đến... năm đó, khi nhiệm vụ của ông chấm dứt, vợ ông mới biết ông là người Việt. Sau đó, vợ chồng con cái dẫn nhau về quê nội, làm bè nuôi cá basa. Ông nói: “Đ. má, lót ổ cho mày sợ són đái. Cũng may là hồi đó tao là xã đội trưởng, lại kiêm trưởng ban an ninh công xã nên đéo thằng nào dám nghi ngờ”. Một nỗi kính phục cuồn cuộn dâng lên trong lòng tôi, bởi những thủ trưởng ở cách xa tôi cả nghìn cây số nhưng đã bày binh bố trận cực kỳ chu đáo để thằng lính quân báo hạng bét như tôi, được an toàn. Tôi rất muốn hỏi thêm về Kheng và Tưk nhưng nghề nghiệp của tụi tôi, thì “chuyện ai làm nấy biết”. Hơn nữa, thấy cơ sở không nhắc một tiếng nhỏ nào đến hai con người ấy, nên thôi.
Ra đến đường nhựa, chúng tôi nhắm hướng Chiphu thẳng tiến. (Sau này đọc bài của các bác nói về trận Chiphu, trận Amleng, trận Ngã ba con voi), tôi đã mấy lần muốn ứa nước mắt vì thương các bác, thương những anh em mình nằm xuống ở đó để bảo vệ cho sự sinh tồn của dân tộc K). Ngày ấy tôi đi ung dung trên đường, miệng phì phèo điếu thuốc lá.. Thỉnh thoảng, Kheng hỏi tôi khát không và mặc dù tôi có một bình tong nước đầy ứ, nhưng Kheng vẫn vẫy một chú Pốt lại, bảo tìm ngay cho “lục thum” ít ống thốt nốt. Phải công nhận Kheng có những tiểu xảo rất ác liệt, và hiệu quả không ngờ. Chỉ một động tác nhỏ là sai lính Pốt đi kiếm cho tôi ống nước thốt nốt thôi, cũng đủ để tạo cho cái “vỏ” của tôi mỗi ngày một cứng.
Tiếp tục đi. Con đường đá củ đậu củ khoai trồi lên lổn nhổn. Thỉnh thỏang lại thấy có chiếc ôtô vứt chỏng chơ bên lề, bốn bánh đã bị tháo để làm... xe bò kéo. Mục tiêu đầu tiên của tôi sẽ là trục Bavet, Chiphu, Prasat, Svay Rieng. Tất cả những thông tin tôi thu thập trên trục này, sẽ được chuyển cho một cơ sở khác ở... đâu đó, còn cơ sở ấy làm cách nào để chuyển cho các thủ trưởng của tôi thì tôi mù tịt. Vừa đi, Kheng vừa kể - dĩ nhiên bằng tiếng K - về phiên hiệu, quân số của một số đơn vị Pốt bố phòng ở Chiphu mà Kheng nắm được. Tôi hỏi Kheng có biết ý đồ của nó không? Kheng đáp nó sẽ đánh Việt Nam, nhưng không biết bao giờ đánh, và đánh như thế nào.
Kheng là ai, Tưk là ai, Kheng, Tưk có phải là tên thật của họ không? Tôi không biết và tôi cũng không cần phải biết. Tôi chỉ biết quê Kheng ở một phum đâu đó gần Svay Rieng, đi theo Pốt từ năm 16 tuổi. Còn Tưk ở mãi trên Biển Hồ, miệt Pursat. Đó là những cái mà tôi phải học thuộc lòng vì họ là “cận vệ” của tôi – một “sĩ quan quân báo” thuộc Bộ chỉ huy tối cao Kh’Mer đỏ. Biết nhiều quá nếu sa vào tay Pốt, rồi bị lột trần truồng, đóng cọc dang chân dang tay giữa trời nắng, lính Pốt lấy lá thốt nốt cứa vào vài chỗ trên da cho ứa máu để lũ kiến “ bọ nhọt” xúm vào thì liệu tôi có im lặng được không.
Xế trưa, chúng tôi đến một công xã có tên Xà No. Những dãy nhà dài cùng một kiểu như nhau, vách tre, mái lợp lá thốt nốt, bên trong là hai hàng sạp lót ván để nằm, giữa chừa một lối đi nhỏ hẹp. Trên vách, quần áo túi mủng treo lủng lẳng. Mọi người giờ này đang ở ngoài đồng. Kheng bỏ đi, lát sau dẫn về hai người đàn ông phụ trách công xã. Một ông tự xưng là Kun, công xã trưởng khúm núm chào tôi vì chắc đã nghe Kheng giới thiệu. Ông ta mời chúng tôi xuống ăn cơm.
Từ mấy dãy nhà dài xuống bếp ăn tập thể khá xa, quãng đâu đó 500 mét. Đi ngang trại giam – là những cái hố đào xuống đất sâu nửa mét, cọc đóng bốn chung quanh, nóc cũng lợp bằng những thân gỗ cỡ cổ tay, tôi thấy hố nào cũng có 4, 5 người ngồi co ro. Họ hầu như trần truồng. Một vài ánh mắt nhìn tôi như van lơn, cầu khẩn vì họ nghĩ cỡ “lục thum” như tôi, có quyền ra lệnh tha họ. Lại có ánh mắt nhìn tôi hằn nét căm thù. Gã đàn ông phụ trách công xã cho biết tất cả những người đó, hoặc có liên hệ với “duôn”, hoặc là “duôn” nhưng đã sống lâu năm ở K. Chao ơi, nhìn đồng bào tôi chết đến nơi mà tôi vẫn phải giữ vẻ lạnh lùng, thậm chí lạnh lùng đến tàn nhẫn. Với hai gã đàn ông này, thì chỉ cần 2 cú đánh vào gáy là tôi đưa chúng nó về với tiên tổ ngay rồi sau đó, tháo cũi cho bà con tôi chạy.
Nhưng nghĩ là nghĩ vậy. Tôi cố gắng bước qua những chiếc hố giam người một cách bình thản. Nhiệm vụ của tôi là làm việc khác, chứ không phải đóng vai sĩ quan quân báo chỉ để cứu những người dân vô tội này.
Nhà ăn tập thể cũng là một dãy nhà với những chiếc bàn dài chạy từ đầu đến đuôi nhưng không có ghế. Bếp đặt ngay kế bên với những ụ đất, trên có chiếc chảo gang to đùng, phủ bằng những chiếc bao tải ướt sũng nước. Hơi khói qua lớp vải đay, bốc lên nghi ngút. Có khoảng chục phụ nữ K ngồi cúi mặt, lặng lẽ chặt từng bó rau lớn. Chẳng thấy thịt và cũng chẳng thấy cá mắm gì. Sau này tôi mới biết thức ăn trong công xã chủ yếu chỉ là canh rau nấu với muối. Kun nói, công xã có hơn 800 người, gồm 4 phum gom lại. Trước kia gần nghìn hai nhưng đã “thanh lọc” hết 4 trăm. Thanh lọc ở đây là bổ cuốc vào đầu hoặc bắn xuyên táo rồi xô xuống hố, lấp đất lại. Chao ơi, chỉ một công xã của một huyện nhỏ thôi, mà đã “thanh lọc” những 400 sinh linh thì thì thử hỏi trên cái đất nước khốn khổ này, có bao nhiêu công xã và đã có bao nhiêu người bị “thanh lọc”.
..... (tác giả không đăng tiếp
Nguồn: Vnmilitaryhistory