Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

Ghi chép về Campuchia (1975-1991) của ĐS Huỳnh Anh Dũng (V) hết

TC:
Theo nguồn đăng là Diendan giới thiệu ông Huỳnh Anh Dũng là Đại sứ tại CPC là không đúng. Vì sau giải phóng CPC thì ông Võ Đông Giang là đại sứ đầu tiên, đến tháng 11/1979 Ông Ngô Điền kế thừa nhiệm vụ Đại sứ của Việt Nam ở Cămpuchia từ năm 1979 đến năm 1991.
Ông Huỳnh Anh Dũng trải qua chức vụ: Vụ trưởng Vụ Chính sách Đội ngoại, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Đối ngoại. Năm 2001 bổ nhiệm àm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước ta tại CHDNCND Lào
Trong hồi ký của Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ có nhắc đến tên ông trong việc cùng tìm giải pháp rút quân khỏi CPC
Đã đăng:
Ghi chép về Campuchia (1975-1991) của ĐS Huỳnh Anh Dũng (I)
Ghi chép về Campuchia (1975-1991) của ĐS Huỳnh Anh Dũng (II)
Ghi chép về Campuchia (1975-1991) của ĐS Huỳnh Anh Dũng (III)
Ghi chép về Campuchia (1975-1991) của ĐS Huỳnh Anh Dũng (IV)

__________________

4. Giai đoạn từ đầu 1990 đến cuối 1991: Các nước lớn áp đặt giải pháp về Campuchia và Việt Nam không kiểm soát được vấn đề Campuchia nữa.
    Từ đầu năm 1990, mở đầu cho thời kỳ hoà hoãn giữa 3 nước lớn mà chủ yếu là sự hợp tác Xô-Mỹ, đồng thời mở đầu cho việc 3 nước lớn dùng cơ chế 5 nước thường trực HĐBA (P.5) giải quyết vấn đề CPC và vấn đề vùng Vịnh. Đây là chuyển biến rất quan trọng, từ chỗ 3 nước lớn trao đổi từng cặp với nhau về vấn đề CPC, nay hình thành cơ chế 5 nước đề áp đặt giải pháp vào CPC theo sự thỏa hiệp lợi ích của họ với nhau.


    Việc ta và CPC chấp nhận sử dụng vai trò Liên hợp quốc và xem xét sáng kiến của Australia để giải quyết vấn đề phân chia quyền lực bị bế tắc ở Hội nghị quốc tế Paris đã một lần nữa thúc đẩy mạnh mẽ các diễn đàn để giải quyết vấn đề CPC: Bí thư thường trực Australia Costello thăm CPC và VN 7/1/1990, Informal meeting on Cambodia (IMC) (Jakarta 26/2/1990), các cuộc họp 5 nước Hội đồng Bảo an, vòng 6 Hun Sen-Sihanouk (Bangkok.- 22/2/1990). Tại IMC 26-28/2/1990, một lần nữa vấn đề diệt chủng đã ngăn cản mọi thoả thuận, Khmer Đỏ phủ quyết dự thảo thoả thuận có ghi vấn đề diệt chủng, IMC thất bại; đ/c Thạch gặp Ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas với sự có mặt của hầu hết cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao Indonesia, đ/c Thạch phê phán rất mạnh Alatas nhu nhược, dung túng cho Khieu Samphon, Alatas bị bẽ mặt, quan hệ của Alatas với đ/c Thạch xấu hẳn đi.


    - Thất bại của Mặt trận giải phóng Sandino trong bầu cử ở Nicaragua 25/2/1990 và thất bại của cuộc họp IMC-Jakarta (28/2/1990) đã tác động mạnh mẽ vào nội bộ ta về phương hướng giải quyết vấn đề CPC. Ngày 8 và 10/3/1990, đ/c Lê Đức Thọ gặp đ/c Nguyễn Cơ Thạch, Đinh Nho Liêm, Trần Quang Cơ nêu ý kiến: “cần có chuyển hướng chiến lược trong đấu tranh về vấn đề CPC. Kinh nghiệm Genève 1954, Paris 1973 là phải đàm phán với lực lượng mạnh nhất, chủ yếu nhất. Ở CPC, phải giải quyết với TQ, nếu không giải quyết với TQ thì không giải quyết được. Hướng tới là nên bàn với TQ để giải quyết, không thể gạt Khmer Đỏ, cần mềm dẻo về vấn đề diệt chủng, không thể chấp nhận để Liên hợp quốc tổ chức tổng tuyển cử ở CPC. Cần mềm dẻo về vấn đề diệt chủng, không thể gạt Khmer Đỏ. Có thể đưa ra 2 phương án cao thấp: lập HĐ Dân tộc Tối cao 4 bên có hệ thống dọc hoặc Chính phủ liên hiệp lâm thời 2 bên gồm 4 phái để tổ chức tổng tuyển cử và soạn thảo Hiến pháp. Liên hợp quốc chỉ giám sát và kiểm soát thi hành Hiệp định. Trước Đại hội VII, phải giải quyết một bước cơ bản vấn đề CPC để khai thông vấn đề đối ngoại cùng vấn đề đối nội khác, tạo không khí phấn khởi chung. Liên Xô, Đông Âu khó khăn; Lào đã đi với TQ, ta giải quyết được với TQ là phù hợp nhất.“

    Từ 8-20/3/1990, TBT Heng Somrin đi nghỉ ở Hà Nội có dịp gặp gỡ đ/c Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh trao đổi về tình hình Liên Xô Đông Âu, Nicaragua, tình hình CPC. Đ/c Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh nêu phải cảnh giác với Liên hợp quốc, không thể để Liên hợp quốc tổ chức tổng tuyển cử ở CPC. Từ đây CPC chuyển sang phương án SNC tổ chức tổng tuyển cử, không tán thành Liên hợp quốc tổ chức tổng tuyển cử.

    Hội nghị BCT ta ngày 10/4/1990 đã bàn về phương hướng thúc đẩy giải pháp chính trị về vấn đề CPC. Hội nghị BCT thấy không nên giao cho Liên Hợp quốc tổ chức tổng tuyển cử mà nên trở lại phương án 3 mà BCT thông qua 11/11/1989 (lập Chính phủ liên hiệp 2 bên ở Trung ương để tổ chức tổng tuyển cử). Trong hội nghị, đ/c TBT Nguyễn Văn Linh có ý kiến: “VN, TQ là hai nước XHCN cùng chống âm mưu đế quốc xoá bỏ XHCN, phải cùng chống đế quốc, trước hết phải phát triển quan hệ 2 nước, các vấn đề khác giải quyết sau” … “Một CPC thân thiện với TQ, thân thiện với VN là tốt nhất. Trên cơ sở điểm đồng này mà giải quyết vấn đề CPC có lợi cho CPC“‘. “Phương án 3 là tốt, không để Liên Hợp quốc nhúng tay vào vì Liên Hợp quốc là Mỹ; Thái Lan là Mỹ”. Hội nghị BCT quyết định cử đ/c Nguyễn Cơ Thạch đi CPC bàn với BCT CPC. (Ngày 17/4/1990, đ/c Thạch sang CPC thông báo, BCT CPC không tán thành.)

    - Ngày 20-21/5/1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch, TBT VN, Lào, CPC họp hẹp dành nhiều thời gian phân tích tình hình thế giới, âm mưu của đế quốc chống CNXH, về những biến đổi phức tạp ở Liên Xô, Đông Âu. Ba đ/c TBT trao đổi thấy cần thực hiện Giải pháp Đỏ ở CPC. Phía CPC đề nghị về nước xin ý kiến tập thể BCT để BCT CPC quyết định rồi sẽ thông báo cho VN để VN thăm dò TQ. Heng Somrin về Phnom Penh để Hun Sen chờ ở Hà Nội. Ngày 26/5/1990, Sar Kheng ra Hà Nội báo cáo Hun Sen ý kiến BCT CPC, ngày 27/5/1990 Hun Sen lần lượt làm việc riêng với đ/c Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Cơ Thạch thông báo BCT CPC họp bỏ phiếu 10/16 tán thành Giải pháp Đỏ.

    Như phần trên đã trình bày thực chất Nhà nước CPC muốn ăn cả bằng một giải pháp quân sự, coi cả Khmer Đỏ và Sihanouk đều là đối thủ nguy hiểm. Việc VN thuyết phục CPC và CPC chấp nhận đi vào giải pháp chính trị là điều miễn cưỡng và khi có điều kiện thì CPC trở lại chủ trương giành thắng lợi bằng một giải pháp quân sự, điển hình là quyết tâm của Hội nghị Trung ương Đảng CPC lần thứ 9 (7/1989). 


Từ khi VN rút hết quân khỏi CPC, quan hệ CPC với VN chuyển sang giai đoạn mới. Càng đi gần vào giải pháp thì lợi ích của CPC và lợi ích của ta ngày càng kênh nhau lớn. Ngay khi kiểm điểm rút hết chuyên gia và Ban lãnh đạo đoàn chuyên gia ở CPC (6/1988), những người lãnh đạo CPC đã bộc lộ ngay phản ứng, bộc lộ ý kiến khác ta, cho ta là áp đặt về vấn đề cán bộ CPC, hậu quả CPC phải gánh chịu, cho VN là “cộng sản tả khuynh” “người điên” “duy ý chí” bằng việc áp đặt CPC chuyển gia giai đoạn “quá độ đi lên CNXH” trong khi CPC không có cơ sở gì của CNXH30. Ngay sau khi ta rút hết chuyên gia (tháng 8/1988) CPC thay đổi ngay hàng loạt cán bộ lãnh đạo cấp cao kể cả chức vụ thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và tiến hành Hội nghị cán bộ Đảng toàn quốc để xác định lại giai đoạn là CPC phải hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chứ không phải bước vào thời kỳ quá độ đi lên CNXH như VN góp ý kiến đồng thời thay đổi hàng loạt chính sách kinh tế theo hướng kinh tế thị trường tự do; Mặt khác CPC “thanh toán sòng phẳng mọi nợ nần” với VN: gửi công hàm xoá bỏ việc VN nợ gạo và tiền (831.790.000 riels) để nuôi quân tình nguyện VN trong 10 năm chiến đấu ở CPC (16/7/1988 và 30/5/1989).

    Ngày 9-10/7/1988, đ/c Nguyễn Cơ Thạch thăm bí mật CPC với danh nghĩa Đặc phái viên TBT ta. Ngày 10/7 đ/c Nguyễn Cơ Thạch thông báo ý kiến của BCT ta lấy đường Brévié làm biên giới trên biển giữa 2 nước. Ngày 25/7, Hun Sen gặp anh Ngô Điền, Hun Sen đề nghị ký sớm biên giới trên biển theo đường Brévié trước khi đàm phán vòng 3 với Sihanouk (l0/1988). Hun Sen nói cán bộ CPC nhất là trí thức rất mừng khi nghe BCT VN khẳng định lấy đường Brévié; trước đây nghe kế hoạch chia đôi vùng nước lịch sử họ có thắc mắc và lo lắng. Ngày 10/9/1988, BCT VN họp bàn lại thấy việc ký Hiệp ước biên giới trên biển thấy phức tạp, đề nghị CPC hoãn lại, lý do cần tập trung giải pháp, VN còn quân, ký bây giờ địch sẽ xuyên tạc. Được chỉ thị, đ/c Ngô Điền xin gặp Hun Sen không được nên viết giấy để lại về ý kiến BCT hoãn ký đường Brévié. Mãi đến 12/10/1988 gặp anh Ngô Điền, Hun Sen mới nói đồng ý chưa làm gì về đường Brévié.

    Về Giải pháp Đỏ, CPC nhiều lần ám chỉ xa gần là do VN cần bình thường hóa quan hệ với TQ và lợi ích của VN mà VN ép CPC đi vào Giải pháp Đỏ, cho đó là điều “phi đạo lý, phi đạo đức”, “đánh đồng nạn nhân diệt chủng và tội phạm diệt chủng” và kết luận rằng lãnh đạo CPC không “Đỏ” để đi vào Giải pháp Đỏ với Pol Pot như có người tưởng…

    Việc ta thuyết phục CPC đi vào giải pháp chính trị và tán thành sáng kiến của Ngoại trưởng Australia dùng vai trò Liên Hợp quốc để không dùng vai trò Khmer Đỏ và Sihanouk trong thời kỳ quá độ đã làm cho bạn “nhẹ nhõm” trong việc chấp nhận đi vào giải pháp chính trị. Một tháng sau khi ta thông báo ý kiến của BCT (9/12/1989) chấp nhận sử dụng vai trò Liên hợp quốc, CPC đã chủ động triệu tập ngay Hội nghị toàn thể Trung ương Đảng lần thứ (10- l0/1/1990) để thông qua chủ trương đi vào giải pháp chính trị (mặc dù trước đó 5 tháng trong Hội nghị Trung ương 9, CPC đã quyết tâm giành một thắng lợi hoàn toàn bằng quân sự và triệu tập kỳ họp của Quốc hội (18/1/1990) để thông qua nghị quyết cho phép Liên Hợp quốc tổ chức tổng tuyển cử ở CPC. (Ngày 11/8/1990, Hun Sen nói với đ/c Ngô Điền đại ý: CPC lo ngại bọn 3 phái hơn là Liên hợp quốc. Chấp nhận Liên hợp quốc hoặc cho SNC trong đó có 3 phái tổ chức tổng tuyển cử liên quan đến quyết định chiến lược có đi vào giải pháp chính trị hay không). Với những suy nghĩ đó TBT Heng Samrin miễn cưỡng chấp nhận ý kiến của TBT ta là không nên chấp nhận cho Liên Hợp quốc tổ chức tuyển cử ở CPC (tháng 3/1990) và ngày 17/4/1990 khi đ/c Nguyễn Cơ Thạch sang CPC thông báo với BCT CPC ý kiến của BCT ta trong Hội nghị BCT ngày 10/4/1990. BCT CPC không chấp nhận áp dụng phương án 4 (lập Chính phủ liên hiệp 2 bên để tổ chức Tổng tuyển cử). Cảnh giác với Liên hợp quốc và không chấp nhận thoả hiệp về vấn đề diệt chủng, cho rằng thoả hiệp về vấn đề này là phủ nhận cuộc đấu tranh 10 năm qua của cán bộ lãnh đạo CPC, phủ nhận tính chính nghĩa của sự có mặt của quân tình nguyện VN ở CPC. Nó sẽ tạo điều kiện cho bọn Khmer đối lập tiêu diệt những cán bộ lãnh đạo của Nhà nước vì không có diệt chủng họ ắt phải là “phản quốc”, VN vào CPC ắt là “xâm lược”. Mặt khác, BCT CPC đề nghị ta góp ý để CPC đơn phương tổng tuyển cử vào đầu năm 1990.

    Từ 24-30/4/1990, Chea Sim sang VN kiểm tra sức khoẻ, gặp làm việc với đ/c Lê Đức Anh và Nguyễn Cơ Thạch. Đ/c Thạch nhắc lại BCT VN chỉ gợi ý phương án 4 như đ/c Thạch trình bày ở Phnom Penh ngày 17/4/1990, tuỳ BCT CPC quyết định. Chea Sim nhắc lại là nên đề Liên hợp quốc tổ chức tổng tuyển cử tốt hơn đồng thời đề nghị ta giúp CPC đơn phương tổ chức tổng tuyển cử.

    Phải nói rằng việc ta khuyên CPC đi vào Giải pháp Đỏ (từ 1987), gợi ý việc chấp nhận vai trò Liên hợp quốc (12/1989) rồi bác vai trò Liên hợp quốc (3/1990), khuyên CPC đi vào phương án 3 (4/1990) và đi vào Giải pháp Đỏ (hội đàm 3 TBT 20-21/5/1990) là khác với lợi ích của những người lãnh đạo CPC muốn ăn cả bằng một giải pháp quân sự. Việc BCT CPC không chấp nhận gợi ý của BCT ta trong cuộc hội đàm 17/4/1990 đánh đấu bước ngoặt mới trong quan hệ VN-CPC sau khi VN rút hết quân khỏi CPC và sau khi CPC đã có quan hệ với Thái Lan (từ tháng 6/1988). Ngay sau khi chấp nhận Giải pháp Đỏ trong cuộc gặp 3 TBT 20-21/5/1990, trong cuộc họp BCT CPC ngày 30/5/1990, Chea Sim đã nói “Nếu đi vào giải pháp quá sớm, chúng ta sẽ tự treo cổ ta“31. Ngày 1/6/1990, Hun Sen nói với đ/c Nguyễn Cơ Thạch ở sân bay Nội Bài trên đường đi Tokyo gặp Sihanouk: “BCT CPC thấy giải pháp như đã thoả thuận giữa 3 đ/c TBT (Giải pháp Đỏ) cũng có nhiều khó khăn.”



    Hun Sen cho rằng sự hợp tác có nhiều khó khăn vì 3 nhân tố:
    a) Bọn Pol Pot là bọn rất cực đoan cả về cách mạng và rất cực đoan về chủ nghĩa dân tộc.
    b) Sau hơn 10 năm đánh nhau, việc hợp tác giữa 2 quân đội không thể dễ dàng được.
    c) Bọn Pol Pot sẽ cố gắng đưa một số đảng viên lớn hơn số đảng viên hiện nay của Đảng NDCM CPC để giành đa số trong một đảng hợp nhất.

    Trong khi trong nội bộ ta và ta với CPC có nhiều ý kiến khác nhau như vậy thì bên ngoài, 5 nước lớn khẩn trương hoàn chỉnh Hiệp định khung về giải pháp toàn diện về CPC với vai trò lớn của Liên hợp quốc như Quốc hội CPC đã chấp nhận ngày 10/1/1990. Ngày 15-16/12/1989, 5 nước thường trực HĐBA/LHQ (P-5) họp lần đầu cấp Thứ trưởng tại Paris ra thông cáo nêu 16 nguyên tắc để chỉ đạo tìm kiếm giải pháp toàn bộ cho vấn đề CPC, bảo đảm quyền tự quyết của CPC thông qua tổng tuyển cử tự do, công bằng và dân chủ; với vai trò tăng cường của Liên hiệp quốc (enhance the role of the United Nations). Ngày 11 – 12/2/1990, P-5 họp vòng 2 cấp Thứ trưởng tại New York tập trung bàn về 2 vấn đề quân sự và cơ chế chính quyền quá độ ở CPC nhưng chưa có thoả thuận cụ thể; vòng 3 họp ngày 12- 13/3/1990 tại Paris thoả thuận những nguyên tắc chính về 3 vấn đề: tổ chức tổng tuyển cử; lập Hội đồng dân tộc tối cao (SNC); quyền lực lâm thời của Liên hợp quốc.

    Trên chiến trường CPC, sau khi VN rút quân vào cuối tháng 9/1989, ngày 22/10/1989, bọn Pol Pot phản công đánh chiếm thị trấn Pailin và uy hiếp thị xã Battambang. Ngày 26/10, CPC yêu cầu ta chi viện. Đ/c Lê Đức Anh sang CPC xem xét tình hình. Ngày 29/10/1989, ta đưa lực lượng đặc biệt lên Battambang cả bằng không quân và đường bộ để hỗ trợ cho CPC gồm 3 trung đoàn (E9 của F339, El của F330 và E20 của F4) do đ/c Sáu Phú, Phó Tư lệnh Quân khu 9 chỉ huy. Ngày 11/1/1990, Heng Somrin có công hàm khẩn gửi đ/c Nguyễn Văn Linh, đề nghị hoãn rút lực lượng đặc biệt ở Battambang và yêu cầu gửi thêm lực lượng bảo vệ Sisophon và Sam Rong. Ta không đáp ứng, ngày 15/1/1990, đ/c Đoàn Khuê lên CPC bàn với Bộ Quốc phòng CPC: ta rút lực lượng đặc biệt, ngoài số 1.265 chuyên gia và nhân viên kỹ thuật, ta đưa một bộ phận lực lượng đặc biệt này vào số chuyên gia, tăng số chuyên gia lên gấp đôi (do CPC trả lương từ 70-150 USD/tháng, theo như thoả thuận giữa hai Bộ Quốc phòng sau khi Bộ Tư lệnh VN ở CPC rút đi tháng 5/1988) bao gồm một số bộ phận bảo vệ cho chuyên gia, số lực lượng tăng cường này lúc cần có thể tham gia chiến đấu nhưng không chủ động chiến đấu. CPC chấp nhận phương án này, sau một thời gian nữa nếu không cần thì rút bớt. Trên thực tế, nếu số đó quá đông mà trả lương theo Đô la như thoả thuận từ 5/1988 thì CPC cũng không kham nổi. Lực lượng chuyên gia quân sự bên cạnh Bộ quốc phòng CPC lấy tên là K-88.

    Từ giai đoạn này, tình hình chuyển biến rất nhanh chóng, ta phải đối phó rất căng thẳng vì tình hình diễn biến rất khẩn trương mà nhận thức của chúng ta lại rất khác nhau; cộng thêm sức ép của việc chuẩn bị cho Đại hội VII trong khi đó, ở Bộ ngoại giao có thêm sức ép là đ/c Uỷ viên BCT phụ trách Bộ ngoại giao có khả năng thay đổi, thuyên chuyển.

    Từ 3-9/5/1990, đ/c Thứ trưởng ngoại giao Đinh Nho Liêm đi Bắc Kinh tiến hành vòng 3 đàm phán VN-TQ với danh nghĩa là đi “kiểm tra công tác của Sứ quán”. Tại vòng đàm phán này ta đồng ý có sự trao đổi ý kiến về vấn đề nội bộ CPC. Trong đàm phán, Từ Đôn Tín nói rõ ý TQ về SNC là SNC phải thật sự có quyền lực như chính quyền. Ta đồng ý giảm nói về diệt chủng. TQ coi giải quyết vấn đề CPC là điều kiện để bình thường hóa quan hệ với VN. Từ Đôn Tín hẹn sang Hà Nội tháng 6/1990 để tiếp tục đàm phán.

    Trước khi sang Hà Nội, ngày 25/5/1990, Từ Đôn Tín đi New York họp vòng 4 Thứ trưởng P-5. Trong cuộc họp P-5 này, TQ đưa ra 2 phương án: hoặc lập SNC 4 bên làm nhiệm vụ chính quyền lâm thời trong thời kỳ quá độ hoặc giao cho Liên hợp quốc làm chức năng quản lý hành chính trong thời kỳ quá độ, còn SNC chỉ có chức năng tượng trưng. Trong khi đó ở Hà Nội, ta và CPC lại thấy cần tranh thủ Giải pháp Đỏ.

    Lúc này ở Hà nội, sau cuộc gặp 3 TBT ngày 21/5/1990, ngày 23/5/1990, theo chỉ thị của đ/c Lê Đức Anh, Thiếu tướng Vũ Xuân Vinh, Cục trưởng Cục đối ngoại Bộ quốc phòng đã thông báo cho Tuỳ viên quân sự TQ Triệu Nhuệ: ”đ/c Nguyễn Văn Linh và đ/c Lê Đức Anh sẽ gặp Từ Đôn Tín” . Ngày 27/5/1990, Từ Đôn Tín huỷ bỏ chương trình gặp Phó TTK/LHQ Admed sau cuộc gặp P-5 ngày 25-26/5/1990 và đi về Bắc Kinh ngay.

    Ngày 30/5/1990, BCT họp cho ý kiến về đề án đàm phán với Từ Đôn Tín.

    Đ/c Phạm Văn Đồng nói: Mấy nghìn năm TQ vẫn là TQ, không nên cả tin TQ. Ta cần thăm dò thúc đẩy nhưng cảnh giác đừng để hớ. Đ/c Nguyễn Văn Linh kết luận: Đ/c TBT sẽ gặp Đại sứ TQ, không gặp Từ Đôn Tín. Đ/c Thạch gặp Từ Đôn Tín. Gặp Đại sứ TQ không nói giải pháp CPC, chỉ nói 2 nước đoàn kết bảo vệ CNXH, thăm dò việc gặp cấp cao.

    Chiều ngày 5/6/1990, đ/c TBT Nguyễn Văn Linh gặp Đại sứ TQ Trương Đức Duy. Đ/c TBT nói: “Bây giờ đế quốc âm mưu thủ tiêu CNXH, chúng điên cuồng tấn công CNXH, tất nhiên bọn đế quốc là cùng một ruột, chúng dùng KHKT và kinh tế bao vây XHCN. Chúng âm mưu dùng diễn biến hòa bình, mỗi Đảng phải tự lực chống lại. Liên Xô là thành trì XHCN nhưng có nhiều vấn đề.
    Chúng tôi muốn cùng các người cộng sản chân chính bàn vấn đề bảo vệ CNXH. Trong vụ Thiên An Môn, các đ/c đã xử lý rất kiên quyết và rất vững vàng. Tôi sẵn sàng sang TQ gặp các đ/c lãnh đạo cấp cao của TQ để khôi phục lại quan hệ hữu hảo. Âm mưu của bọn đế quốc là chống phong trào cộng sản quốc tế do đó những người cộng sản chân chính của 2 nước cần trao đổi kinh nghiệm với nhau”.
    … “Giờ đây vấn đề CPC, ta phải giải quyết như thế nào. Việc Liên hợp quốc vào tổ chức tổng tuyển cử sẽ có lợi cho các nước phương Tây. Vừa qua 5 nước HĐBA/LHQ họp bàn trong đó có Mỹ, Anh, Pháp là 3 nước đế quốc, Liên Xô là nước XHCN nhưng có vấn đề cũng khó nói, nay chỉ còn TQ...” .

    Ngày 6/6/1990, đ/c Lê Đức Anh lại gặp Đại sứ TQ truyền đạt ý kiến của BCT VN. Nội dung xoay quanh vấn đề đoàn kết bảo vệ CNXH và Giải pháp Đỏ ở CPC.


Nguồn: Vnmilitaryhistory


Tìm kiếm Blog này