Tim thông tin blog này:

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Xứ nào là “xứ rượu Hồng Đào”? ;

Chủ Nhật, 29/09/2013, 13:36 [GMT+7]
Lâu nay, nói đến Quảng Nam người ta bảo đấy là “Xứ rượu hồng đào” nhưng ông Lê Nguyên Đại lại có bài viết thể hiện góc nhìn riêng của mình và cho rằng “rượu hồng đào” chỉ là loại rượu “huyền thoại”, không có thực...
Khoảng gần chục năm nay, cuộc tranh luận về chuyện “rượu hồng đào” sau lại thấy dấy lên nhưng vì bận rộn quá nhiều việc nên tôi không theo dõi, chỉ tự nhủ có gì mà vội, “Quảng Nam hay cãi” trước sau rồi chân lý cũng sáng tỏ thôi. Thiếu gì chuyện cần nói hơn mà còn chưa có điều kiện, chuyện rượu chè cứ để cho nhà doanh nghiệp lanh tay lẹ mắt nào đó “sở hữu” một bản quyền thuộc loại danh giá để làm du lịch đi. Biết đâu từ “huyền thoại” nó sẽ trở thành hiện thực! Thế nhưng, đọc một mẩu tin vắn trên báo Thanh Niên (số ra ngày 5.9.2013) tôi phải vội viết mấy dòng này. Một tuyển tập nhạc 32 bài, chọn lọc trong số hàng trăm ca khúc viết về quê hương của các hội viên Chi hội Âm nhạc thuộc Hội VHNT Quảng Nam, vừa được giới thiệu, lấy tên là Quê Hương Xứ Rượu Hồng Đào!
Đến mức này thì không được rồi! Người Quảng Nam so với người dân vùng khác vẫn hay có óc tự hào về địa phương mình hơn cả (ở đây chưa bàn về lợi hại, đúng sai). Chẳng hạn, một trong những biểu hiện thường thấy là khi nói về chuyện học hành, người Quảng thường hãnh diện nhắc đến thành tích truyền thống “ngũ phụng tề phi”. Nhưng nếu thử so sánh với hơn năm trăm vị tiến sĩ của Bắc Ninh, chiếm hơn phân nửa số ông Nghè suốt lịch sử khoa cử phong kiến thì mình suy nghĩ gì? Có phải cũng vì cái tâm lý đó mà ta vội vã nhận nhầm một loại thức uống “lý lịch không rõ ràng” làm “đặc sản” quê hương, và nay còn sẵn sàng tôn nó lên hàng biểu tượng? Nếu chỉ vì không muốn thua chị kém em, để so với rượu Làng Vân, Làng Chuồn, Bàu Đá, Gò Đen… thì mình cũng có “rượu hồng đào” đấy, thì lần này niềm tự hào đó dễ dãi quá! Dễ thấy sự khập khiễng khi “đặc sản” của mình không thể viết hoa, vì không tìm ra cơ sở! Phải nói có có sách, mách có chứng! Thí dụ chuyện “ngũ phụng tề phi” tuy có thể không lớn lắm dưới mắt các “nhân sĩ Bắc hà”, chỉ là để khen ngợi năm vị đại khoa, vẫn là vinh dự của học phong xứ Quảng vì xét theo khía cạnh lịch sử địa phương, có thể được xem là một vùng đất còn “mới”. Nhưng điều quan trọng ở đây, nó là chuyện có cơ sở: ai cũng biết đó là từ kết quả của kỳ thi Đình năm 1898.
Vậy còn chuyện “rượu hồng đào”? Nó liên quan như thế nào đến đất Quảng Nam? Đơn giản là, chỉ vì cụm từ này/hình ảnh này, được chọn đưa vào để làm công cụ cho biện pháp ví von, so sánh - nghĩa là hoàn toàn xuất phát từ lý do nghệ thuật, trong bài ca dao sau đây (mà có lẽ, mấy chục năm gần đây nó hay được nhắc tới là nhờ sự góp công rất lớn của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khi ông chọn hai câu kết cấu theo thể tỷ rất tuyệt vời để mở đầu cho một bài hát nổi tiếng về đề tài ca ngợi quê hương của mình):
Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say
Đêm về nằm nghĩ gác tay
Hỏi có ai ân trọng nghĩa dày bằng ta
(Trong cách phát âm địa phương, từ “đã” cũng có khi đọc là “đà”.)
Bài ca dao này thuộc loại kết cấu đa thể, ở đây là kết hợp giữa thể tỷ và thể hứng như ta vẫn thường thấy trong nhiều bài quen thuộc, và đề tài của nó đều là chuyện tình duyên đôi lứa như vẫn thường gặp trong hầu hết ca dao:
Đất Châu Thành nam thanh nữ tú
Trong vườn thú đủ các thứ chim
Trách ai non dạ kiếm tìm
Nghe lời huyễn hoặc lỗi niềm tóc tơ
hoặc:
Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc
Gió nào độc cho bằng gió Gò Công
Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng
Đêm nằm nghĩ lại giọt nước mắt hồng tuôn rơi
Thử đối chiếu với hai bài ca dao vừa trích dẫn thêm, ta thấy rằng hai câu 1 và 2 làm vai trò gợi hứng của mỗi bài đều được kết cấu theo thể tỷ của ca dao:
- Châu Thành đầy trai thanh gái lịch/ Vườn thú đủ chim chóc muôn loài
- Đèn Châu Đốc thật cao/ Gió Gò Công thật độc
Hai mệnh đề trong hai câu 1 và 2 của cả hai bài chỉ chủ yếu làm biện pháp nghệ thuật tạo nên phép đối khiến cho việc diễn đạt nội dung đẹp hơn, có duyên hơn, thu hút sự chú ý hơn, chứ các ý tưởng trong nội bộ của nó không có một ràng buộc hữu cơ thống nhất nào cả theo kiểu: chim chóc trong vườn thú là thuộc Châu Thành hay gió Gò Công phải liên quan đến đèn Châu Đốc! Từ đó mối quan hệ giữa hai khái niệm đất Quảng Nam và rượu hồng đào cũng cần phải được tiếp cận như thế trong vấn đề ta đang xét. Chỗ khác nhau cần chú ý là phép đối hết sức tài tình, ý vị được vận dụng ở đây:
Đất Quảng Nam/ chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào/ chưa nhấm đã say
Biện pháp nghệ thuật này đã cực tả được cái thực trạng khốn khó trong đời sống của một vùng đất quê hương khô cằn - như trời hạn trông mưa - trong sinh hoạt nông nghiệp xưa cũ. Chỉ những con người sống trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt vì khô hạn mới hiểu hết được nỗi niềm thâm thiết và chân thành thể hiện trong lời cầu nguyện giản dị đơn sơ này, chẳng hạn:
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp
Điều đó giải thích cho câu hỏi tại sao “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm”? Chính cách diễn tả hơi cường điệu một chút (chưa mưa đã…, chưa nhấm đã…) càng thể hiện sinh động niềm khao khát, chờ đợi những giọt mưa, cho đồng ruộng, cho mùa màng. Còn tại sao “Rượu hồng đào chưa nhấm đã say”? Đây là loại rượu có màu hồng - hồng đào, hay hồng phấn cũng được, theo phong tục xưa về hôn nhân vẫn được dùng trong lễ hợp cẩn cho tân lang và tân giai nhân cùng uống giao bôi trước khi động phòng. Vì vậy, thật dễ hiểu chỉ có duy nhất thứ rượu này là “chưa uống đã say” thôi - say men tình chứ không say vì men rượu! Và nhờ chọn được hình ảnh so sánh tuyệt vời này mà ý tưởng về sự khát khao của đất Quảng chờ mưa càng thêm nổi bật, cùng lúc với cái tâm tình khát khao cuộc đời ấm no hạnh phúc của con người xứ Quảng.
Trở lại với chuyện “rượu hồng đào”, vấn đề sẽ dễ dàng sáng tỏ nếu ta xác định rõ ý nghĩa của nó, đây chỉ là loại rượu có màu hồng (đậm nhạt tùy ý, vì chỉ là quy ước lễ nghi theo tục lệ xưa) dùng trong lễ hợp cẩn. Tên của nó chỉ là một danh từ chung để phân loại, cũng như rượu đế, rượu nếp trắng, rượu nếp than, vậy thôi. Ngay từ điển của người Trung Quốc cũng có ghi từ “hồng đào tửu” và giải thích là rượu màu hồng phấn. Không phải là danh từ riêng (nghĩa là không thể viết hoa!) cho nên tự bản thân nó không thể là một thương hiệu. Vậy nếu vẫn muốn chứng minh ở Quảng Nam đã từng có một thương hiệu “rượu hồng đào” - tất nhiên nếu đúng thì phải viết hoa - chỉ còn một cách là xin hãy mở sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, hoặc Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn ra tra cứu xem đã từng có một hay nhiều địa phương nào ở Quảng Nam có hân hạnh mang cái tên đó không, nếu như có thì cố tìm thử có nơi nào sản xuất loại “danh tửu” đó, và vì sao nay nó thất truyền? (Nếu quả thực đã từng có ở đâu đó thì lý do chính làm cho nó thất truyền có lẽ vì một năm bán cũng chẳng được bao nhiêu chai!).
Tóm lại, đất Quảng Nam không có mối quan hệ riêng tư, “trên mức tình cảm” gì với rượu hồng đào cả, nếu đem so với các vùng miền khác, và nhất là đừng nhầm lẫn mà phong cho nó là “đặc sản”, rồi lại lấy làm một thứ biểu tượng cho Quảng Nam! Tôi cũng như mọi người đều hiểu rằng đặc sản - nhất là đặc sản có thể coi là biểu tượng cho một xứ sở vốn rất nhiều ưu điểm như vùng đất Quảng Nam - dĩ nhiên phải là thứ hàng hiếm quý hay ngược lại là rất phổ biến nhờ ưu thế địa phương, hoặc được sản xuất bằng một bí quyết gì độc đáo, và quan trọng nhất là không hoặc khó có thể tìm thấy ở nơi khác. Chứ chẳng lẽ thứ rượu lễ có thể chế biến đơn giản bằng việc lấy rượu gạo pha một chút gì cho có màu đỏ (tượng trưng may mắn) là thành, một việc ai làm cũng được, giống các bé gái lấy giấy hồng điều bao hương bôi lên má giả làm phấn hồng vậy, mà chúng ta lại cho phép nó nghiễm nhiên trở thành một biểu tượng của quê hương hay sao? Chúng ta luôn bảo vệ truyền thống, trân trọng di sản, nhưng không thể vô tình tạo ra những di sản giả!
 LÊ NGUYÊN ĐẠI
Nguồn: Baoquangnam

Tìm kiếm Blog này