Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Bà chủ quán giải khát Cao Nguyên với Mậu Thân 1968


D406 chọn 12 đồng chí đặc công bố trí cho cơ sở bàn đạp A25 phối hợp với cơ sở nội thị vào lót trước trại ki-ốt số 4 Cao Nguyên của cơ sở Bùi Thị Tưởng, ở đây đã có đồng chí Nguyễn Thị Bích Châu vào hoạt động hợp pháp, cải danh là Bùi Thị Luận đóng vai em Bùi Thị Tưởng, chị Bùi Thị Nga. Vũ khí của đơn vị này là do cơ sở Dư Tư Tòng (tức Tòng Ký) và Bùi Thị Tưởng nhận ở bàn đạp A25 khéo léo đưa vào cất giấu 3 nơi: nhà số 13 Cường Để, nhà cơ sở Tòng Ký và quán Cao Nguyên. Tối 29 Tết tập trung về quán Cao Nguyên để các chiến sĩ đặc công trang bị cá nhân, đến giờ quy định cơ sở ta lần lượt đưa các chiến sĩ đến 3 vị trí của mục tiêu tòa hành chính mà các đồng chí đã chọn trước để làm nhiệm vụ.
Trích từ Congankontum 
 
Sinh ra ở thôn Bắc Thuận, xã Nhân Hậu, An Nhơn, Bình Định, chị Bùi Thị Tưởng được giác ngộ cách mạng từ tuổi còn nhỏ. Năm 9 tuổi (năm 1953), chị đã tham gia Đội thiếu niên nhi đồng của thôn; 10 tuổi, chị đã tham gia vót chông, đào hầm chông đề phòng Pháp đổ bộ cửa khẩu Đề Di tràn lên Quy Nhơn. Là gia đình cách mạng nên sau năm 1954 bị địch lùng bắt, cả gia đình phải dắt díu nhau lên Kon Tum. Năm 1965, chị trở thành giáo viên tiểu học ở Trung Tín. Đầu năm 1966, với bí danh Uyên Lý, chị được tổ chức giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở, vận động binh lính theo cách mạng. Tranh thủ mọi điều kiện, chị có mặt ở khắp mọi nơi trong vùng địch để tuyên truyền, vận động phụ nữ và quần chúng tham gia vào việc vận chuyển vũ khí, bí mật che giấu lực lượng. Chị mở quán giải khát Cao Nguyên để thu thập tin tức, tình hình. Chị còn lân la làm thân với các sĩ quan ngụy để chúng cho xe chở thuốc, mắm muối… mà các cơ sở quyên góp được lên vùng Trung Tín cho cách mạng và lúc về vũ khí được giấu ở bên trong, bên ngoài ngụy trang bằng than. Suốt 2 năm trời, chị đã vận chuyển trót lọt không biết bao nhiêu chuyến hàng cho quân ta chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Trích từ Qdnd 


Sách “LSTĐĐC 406 KT” viết: “Ngày 24-01-1968, Tiểu đoàn di chuyển về tập kết ở phía đông làng Kongu, cách thị xã Kon Tum 16 – 17km về phía Bắc … Từ ngày 27 – 29 (tức 30 tết Mậu Thân) mỗi ngày Tiểu đoàn chọn 4 đồng chí cải trang thành lính ngụy và được anh Bùi Diêu – Thiếu úy cảnh sát ngụy (là cơ sở của ta) bí mật đưa vào ở trong quán Cao Nguyên, trung tâm thị xã (trong 3 ngày đưa được 12 đồng chí). Trưa ngày 29-01, các đơn vị lần lượt hành quân chiếm lĩnh. Tiểu đoàn từ vị trí tập kết vượt suối Đăk Cấm phía Bắc thị xã, theo hướng Tây Nam vượt đường 14 tại đỉnh dốc Đăk Cấm chiếm lĩnh khu vực ngả ba Phương Quý, nơi Đại đội 3 – Tiểu đoàn BB 304 làm nhiệm vụ chiếm giữ tạo bàn đạp xuất phát tiến công cho đơn vị. Đúng 0 giờ ngày 30-01-1968 (giao thừa tết Mậu Thân), theo hiệp đồng, Đại đội DKB 31 bắn cấp tập chế áp Biệt khu 24, Khu huấn luyện 40, 41 phía Bắc và Đông Bắc thị xã Kon Tum. 12 đồng chí đã vào ở quán Cao Nguyên được 2 quần chúng dùng xe chở đến trước Ty Cảnh sát và tiểu đoàn Bảo an bảo vệ Tòa hành chính, nhanh chóng nổ súng khống chế bọn địch ở đây. Các Đại đội 207, 208, 209 cải trang thành lính ngụy được các đồng chí trinh sát và đại đội trưởng dẫn đường vận động theo các trục đường tiếp cận các mục tiêu được phân công. Đại đội 207 đánh chiếm Ty cảnh sát; đại đội 208 tiến công Tỉnh đoàn Bảo an, đánh chiếm Dinh tỉnh trưởng; đại đội 209 đánh chiếm Tòa hành chính…”.
Trích từ Về "Khu Giọt nước" ở Kon Tum 


Nữ thương binh 68 tuổi vẫn hết lòng vì công việc
(VOV) - Dù mang trên mình nhiều thương tật nhưng bà Bùi Thị Tưởng vẫn không ngừng lao động để giúp ích cho những thương, bệnh binh.
Tham gia cách mạng từ khi tuổi mới đôi mươi, năm nay dù đã bước sang tuổi 68 nhưng cựu chiến binh, thương binh Bùi Thị Tưởng, Chi hội Cựu chiến binh phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Không chỉ vậy, bà còn là giám đốc một doanh nghiệp thành đạt. Với bà Tưởng, còn sống là còn làm việc và còn học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.
Dù đã bước sang tuổi 68, cựu chiến binh, thương binh Bùi Thị Tưởng vẫn nhanh nhẹn trong cuộc sống thường ngày, chính xác từng bước đi trong việc dẫn dắt, điều hành một doanh nghiệp lớn. Đều đặn mỗi sáng - chiều, bà đến trụ sở công ty TNHH Xây dựng Thành Đạt, số 69, đường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum để làm việc.
Chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, từ sự nhiệt tình và trách nhiệm của mình, Công ty của bà luôn tạo việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống cho gần 100 lao động, với đa số là con em đồng đội, đồng chí của bà và con em gia đình thương binh liệt sĩ.

Bà Bùi Thị Tưởng tại Đại hội Cựu chiến binh vượt khó giúp nhau làm giàu tháng 10/2011
(Ảnh: Chinhphu.vn)
Tâm sự về công việc của mình, bà Bùi Thị Tưởng cho biết: “Nhiều lần, tôi liên hệ với đối tác thì họ nói, chị đi làm chi cho vất vả. Tôi trả lời họ rằng: Bác Hồ lo cho cả nước thì mình ít nhất không lo cho cả nước được thì cũng có thể lo cho một nhóm người. Công ty của tôi mở ra là toàn con cháu thương binh, con cháu gia đình. Mở doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm cho các cháu. Nếu như có tiền thì giúp đỡ những người nghèo khó chứ không phải mở doanh nghiệp để thu lợi cho bản thân”.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, năm 1964, tốt nghiệp trường Sư phạm Quốc gia Quy Nhơn dưới chế độ cũ, bà Tưởng về dạy học tại một xã vùng ven thị xã Kon Tum. Chủ động móc nối liên lạc với cách mạng, được Thường vụ H5 tin tưởng chọn làm cơ sở nòng cốt hoạt động nội tuyến, nhiệm vụ của bà là làm công tác binh vận, khai thác thông tin cung cấp cho cách mạng.
Hồi ấy, những người dân ở thị xã nhỏ bé Kon Tum nhiều năm liền, không ai có thể ngờ, từ năm 1965-1968, quán giải khát Cao Nguyên với cô chủ quán là giáo viên xinh đẹp, nơi thường xuyên lui tới của đám sĩ quan, biệt kích khét tiếng tàn ác Lôi Hổ lại là một cơ sở cách mạng. Trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, quán Cao Nguyên là nơi cất giấu hàng tấn vũ khí, là cơ sở nuôi giấu bộ đội chờ giờ nổ súng. 
Sau cuộc tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu thân, nhiều cơ sở cách mạng ở Kon Tum bị lộ, cả gia đình bà Tưởng bị địch bắt giam. Riêng bà, chúng kết tội phản nghịch và tuyên 3 năm 6 tháng tù giam. Trong suốt những ngày tháng bị địch giam cầm từ Kon Tum đến Quân lao Nha Trang, bà cùng đồng đội đấu tranh với kẻ thù, kiên trung với lý tưởng, với cách mạng.
Kỷ niệm mà bà nhớ nhất là cuộc đấu tranh tại Quân lao Nha Trang, giành quyền để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh và lập bàn thờ khi người qua đời.
Bà Tưởng kể lại: “Tất cả mặc bộ đồ bà ba đen hết, thêu ở trên ngực một nửa chỉ đỏ, một nửa chỉ đen là để tang. Hồi đó, thêu đẹp lắm. Sau đó bọn địch xuống, chúng đánh chúng tôi. Chúng bắt 5 người ra đầu tiên rồi nhốt vào chuồng cọp và đánh bầm người, tím mặt trong khi trời lại lạnh và mưa lâm râm”.
Ngay sau khi ra khỏi nhà tù của Mỹ ngụy, bà Tưởng tiếp tục tham gia hoạt động nội tuyến tại thị xã Kon Tum và vào năm 1972, một lần nữa bà bị  bắt tại Đắk Tô khi đang làm công tác cứu thương cho bộ đội trong chiến dịch Xuân- Hè 1972. Địch lại kết án, đưa bà đi khắp các nhà tù từ Kon Tum đến Quân lao Nha Trang.
Đất nước hòa bình, thống nhất, Cựu chiến binh Bùi Thị Tưởng trở lại với sự nghiệp giáo dục đến khi nghỉ hưu năm 2001. Năm 2002, bà thành lập Công ty TNHH Thành Đạt.
Bà Bùi Thị Luận, người chỉ huy trực tiếp của bà Tưởng cùng bị địch bắt trong Đội biệt động H5 Kon Tum cho biết: “Tôi cứ nghĩ là chị Tưởng sẽ không chịu nổi cái cực khổ, chịu đựng ở trong tù nhưng không ngờ, khi vào tù chị lại cùng với chúng tôi gắn bó với đồng đội, những người trung kiên ở trong tù đấu tranh từ nhà tù Kon Tum xuống đến Quân lao Nha Trang.
Hiện nay, chị Tưởng rất là xứng đáng là một cựu chiến binh về hưu, tích cực hoạt động kinh tế, giải quyết được nhiều việc làm cho lao động trong tỉnh và còn góp phần giải quyết khó khăn trong Hội Cựu chiến binh. Những người nghèo, đồng đội đều được chị giúp đỡ”.
Những trận đòn tàn bạo của kẻ thù, thương tật 3/4, bị nhiễm chất độc da cam, nỗi buồn không được làm mẹ đều không ngăn được tinh thần hăng say lao động, luôn mong muốn được cống hiến của thương binh Bùi Thị Tưởng.
Hiện tại, cùng với vai trò giám đốc điều hành Công ty TNHH Thành Đạt, bà Tưởng còn tham gia tích cực các hoạt động của Hội Cựu giáo chức tỉnh Kon Tum, hoàn thành tốt vai trò Trưởng ban liên lạc tù chính trị thành phố Kon Tum, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ doanh nghiệp tỉnh.
Cựu chiến binh Bùi Thị Tưởng cho biết, nếu còn sức lực, bà còn nỗ lực phấn đấu làm ra của cải vật chất cho xã hội, tiếp tục giúp đỡ những người đồng chí, đồng đội và con em họ. Đây chính là niềm vui, là tâm nguyện của bà./.
Khoa Điềm/VOV- Tây Nguyên
___________
 
Bài liên quan: 
Kontum - Tet 1968
Người chuyển vũ khí vào thị xã Kon Tum Xuân Mậu Thân...
A Xâu - "Tử thần" chợ lồng Kon Tum
Về "Khu Giọt nước" ở Kon Tum  

Tìm kiếm Blog này