Tim thông tin blog này:

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Quân tình nguyện VN đã sống và chiến đấu như thế nào...(XV)

Chúng tôi nhanh chóng chuẩn bị cơm nước ăn uống xong còn phải đi tiếp , chẳng đường tiếp theo còn dài với nhiều gian nan , nắng trưa không quá gay gắt đổ xuống lòng con suối với những tảng đá to giữa dòng mạch nước trong veo len lỏi giữa những khe đá bắt nắng hất lên những tia sáng lung linh loa lóa , rừng xanh bạt ngàn với những đỉnh núi cao ở 2 đầu con suối mỏm này nối tiếp những mỏm khác mịt mù bất tận , vài tiếng choèn choẹt khoèn khoẹt của loài chim rừng nào đó vô duyên giữa đám lính đang chuẩn bị cơm nước dưới suối với những bếp lửa khói tỏa mờ mờ dâng dâng .
 Rồi vế bên kia của con suối tít trên đỉnh cao phía trên đầu chúng tôi tiếng anh em lính QTN VN mình gọi nhau ý ới , đơn vị nào thế nhỉ ? Chịu , mình là những người mới vào đây lần đầu biết ai vào với ai đâu mà hỏi , anh em còn ở tít trên cao kia nhìn thấy mặt họ đâu mà biết , lính mà quân ta với nhau là được rồi , ở đây ngoài quân ta và quân địch chẳng còn loại người nào khác để phân biệt đối xử , quân ta có nghĩa là đồng chí đồng đội bắt tay chào hỏi thậm trí hỏi thăm đồng hương đồng khói , quân địch hả ? Tao sẵn sàng tiễn đưa mày sang thế giới bên kia không cần à ừ hay hừ hừ làm gì hết .

 Đúng lúc đó chúng tôi dọn cơm ăn , chậu cơm đầy trắng ngần , chậu canh chua lá rừng với cái đĩa 4 ngăn vừa là nắp đậy chút cá khô rán kho mà chúng tôi từng ăn tới chai miệng , vài miếng thịt lợn mỡ kho cùng anh nuôi để dành cho đơn vị những lúc gian khổ nhất mới mang ra để anh em đưa đẩy miếng cơm trên đường hành quân , thêm chút muối vừng đen như nhọ nồi cùng lạc giã nhỏ đổ riêng một góc đĩa , lính D7 chúng tôi chưa từng đói ăn bao giờ , có thể chất lượng chưa tốt cho bữa ăn của lính nhưng không bao giờ thiếu , nếu có thiếu gạo hay thực phẩm cũng là do đường tiếp tế khó khăn chưa kịp thời chứ thiếu ăn tới mức lính phải chịu đói thì chưa từng , hơn nữa anh nuôi quản lý của chúng tôi là những người có trách nhiệm biết lo xa và chăm chỉ cải thiện bữa ăn của lính nên cuộc sống lính cũng đỡ đi rất nhiều .
 Bữa ăn giã chiến trên đường hành quân người đứng người ngồi người xới cơm gắp thức ăn xong bước ra một chỗ mà ngồi ăn cho qua bữa , các B thì ngồi vắt vẻo nơi hòn đá giữa suối gọi nhau ăn cơm trưa để rồi còn tiếp tục hành quân , C bộ C2 ngồi ăn cơm trưa ngay chỗ cái cây được ngả xuống làm cầu qua suối , lúc đó đoàn anh em lính mình từ trên núi bên kia suối đã xuống đến bờ bên kia , họ đi một đoàn dài và đầu này ở dưới suối rồi mà phía trên cao kia vẫn nghe tiếng họ nói chuyện hay gọi nhau , nếu theo quân số của đơn vị chúng tôi lúc đó để ước đoán có lẽ số anh em này phải là hàng tiểu đoàn chứ không phải 1 2 đại đội , họ bắt đầu qua cầu trên cái thân cây ngả nằm ở lòng suối , trên vai họ ba lô súng đạn bao xe đạn đeo ngực và phần lớn họ sử dụng súng xung lực AK , hỏa lực mạnh như B41 B40 hay RPD rất hãn hữu thấy , có người vác trên vai khẩu RPK cổ lỗ và phần lớn súng ống của họ toàn đồ cũ với nước thép cùng báng gỗ bạc màu , không thấy có loại vũ khí hạng nặng cấp D như cối 82ly cối 60ly DKZ75ly DKZ82ly hay 12.8ly đại liên mà bộ binh chúng tôi thường có ở cấp C D , trên tay họ mỗi người đều có chiếc ba toong bằng cây song rừng với cái đầu uốn cong tay cầm làm gậy chống , họ bước đi chậm chạp qua cầu từng bước mệt mỏi của những người đang ốm bệnh , nước da ai xanh như tàu lá chuối non gày nhẳng giơ xương hốc hác tiều tụy .
 Tất cả chúng tôi có mặt ở đó sững người nhìn họ thật sự là chúng tôi chưa chuẩn bị tâm lý chứng kiến cảnh này , bất chợt ai đó hỏi :
- Đơn vị nào đấy các đồng chí ơi .
- Trung đoàn 14 Công an vũ trang trực thuộc BQP các anh ạ .
 Ra vậy họ là một đơn vị bộ đội biên phòng và đã từng có mặt ở đây từ những ngày đầu QTN VN đánh tới giáp vùng BG Thái lan , E14 CAVT đã kiên cường cùng F339 trụ vững tại đây ở thời điểm khó khăn nhất và hôm nay họ được lệnh rút ra sau nhiều ngày chiến đấu gian khổ ác liệt .
 Khi đi ngang qua mâm cơm của C bộ C2 chúng tôi một người lính CAVT nói :
- Các bác ăn cỗ đấy à ?
- Không , cơm bình thường đấy chứ .
- Các bác ăn uống sướng quá chẳng bù cho bọn em 6 tháng nay chỉ biết có cháo với muối , đường vận chuyển vào đây khó khăn quá .
- Vậy à ? vậy thì ngồi xuống đây ăn luôn cùng chúng tôi .
 Không khách khí , rất tự nhiên anh em hạ ba lô xuống rồi móc cái bát sắt cùng đôi đũa trong cóc ba lô ra rồi xới cơm cùng ngồi ăn chung với chúng tôi , anh em các C các B ngồi ăn quanh đó cũng mời số anh em CAVT đang đi ra cùng xuống lòng suối ngồi ăn chung thân tình như những anh em cùng đơn vị , tất cả chúng tôi không ai bảo ai lặng lẽ đứng dậy khỏi mâm cơm nhường cơm cho anh em CAVT ăn , họ chia nhau cơm vét chậu quèn quẹt gắp khúc cá kho ăn khen ngon khen lạ . Họ là những người lính từng chịu quá nhiều khổ cực mà mắt tôi từng thấy ở thời điểm đó .
 Ăn xong họ ngồi nghỉ uống nước cùng chúng tôi lúc đó mới có thời gian hỏi thăm nhau thì anh em họ kể lại rằng :
- Cũng đâu khoảng tháng 3 4.1979 đơn vị CAVT E14 vào đây , đường xa quá đi ra là 3 ngày đường nên vận chuyển khó khăn , quân số chiến đấu luôn thiếu hụt bởi trên 50% phải trên đường đi nhận lương thực và đạn dược , nhu yếu phẩm gần như không có , lính E14 không mong gì hơn là có cơm ăn no và muối vậy mà không có đủ cả một thời gian dài chỉ ăn cháo với muối , anh em kiệt quệ về thể lực do bệnh sốt rét rừng cùng thiếu ăn thiếu chất dài ngày .
 Thương lắm , họ đáng thương lắm và sức chịu đựng của anh em E14 CAVT cũng phi thường lắm .
 Họ cũng vội vã chia tay chúng tôi hành quân ra tuyến ngoài , lại ba lô súng đạn trên vai ba toong làm gậy chống , chầm chậm từng bước từng bước họ hành quân ra , trước lúc đi họ dặn lại chúng tôi :
- Trong đó nhiều mìn lắm các anh cẩn thận nhé , địch hay dùng cách ...này ở trường hợp này , cách ... kia ở trường hợp kia . Hết sức chú ý địch không đáng ngại mà mìn KP2 mới là đáng sợ , nếu dính mìn có thủy ngân trong kíp mìn thì dù mảnh bé tý cũng không qua khỏi .
 Cám ơn các anh lính CAVT E14 tạm biệt , tạm biệt nhau giữa rừng Pousat chẳng bao giờ chúng tôi gặp lại nhau nữa .
 Chúng tôi lại tiếp tục hành quân vào ngay sau đó , trèo qua ngọn núi trước mặt ngay chân bờ suối , dốc cao từng bước từng bước đi lên , bám vào những thân cây để vít để kéo khối nặng của cơ thể mình cùng đồ đạc trên lưng vượt qua và đi tới , lại rừng lại con đường bé tẹo quanh co giật lên đỉnh đồi mỏm đá cao hay bước xuống những con suối cạn , lách rừng mà đi cứ theo con đường mòn nhỏ đó mà bước người trước người sau không chậm chễ nhưng cùng không vội , lúc mới nghỉ mà đi luôn chân bước nặng chùn chân nhưng đi mãi nó cũng quen cơ đùi không còn căng tức nữa bắp chân không còn chùn nữa nhưng gót chân thì thấy đau theo mỗi nhịp bước xuống , cảm giác không còn bàn chân chỉ còn là khúc xương chân đâm xuống đất theo nhịp bước , lính miền Đông Nam bộ còn có cảm giác này gặp lính đồng bằng chắc sẽ thấy gian khổ hơn mỗi lên leo núi kiểu này . Vài chiếc cáng cùng anh em F339 khiêng tử sỹ đi qua , chúng tôi đứng nép về bên đường nhường đường cho tử sỹ đi qua , không có ai là người mới hy sinh cả , cơ thể tử sỹ đã bốc mùi tử khí mặc dù đã được bảo quản tốt nhất trong điều kiện có thể , sau này tâm sự với anh em lính F339 thì chúng tôi mới hiểu hết nguyên nhân tại sao khi tử sỹ ra đến đây đã bốc mùi tử khí ?
 Anh em chiến đấu ở tuyến trên cùng chốt giữ BG hướng này hy sinh , từ cấp C chuyển về cấp D cũng đã cực kỳ khó khăn vất vả , tiếp từ D về E cũng là cả một vấn đề mất thêm vài ngày nữa , từ E chuyển về F đi nhanh cũng 3 ngày là ít nhất vậy thì từ khi tử sỹ hy sinh đến khi mang ra đến F bộ F339 bên ngoài cả chục ngày đường trong điều kiện khí hậu mùa khô như hiện tại thì chuyện tử sỹ ta đã bốc mùi tử khí là điều không tránh khỏi , vì vậy khi tử sỹ hy sinh ngay tức khắc lau chùi tắm rửa khâm niệm thay quần áo mới cho tử sỹ rồi dùng cái võng dù làm vải niệm buộc chặt lại ngoài cùng bọc lại bằng vải đi mưa và tấm tăng cá nhân của tử sỹ , cố gắng buộc càng chặt càng tốt càng đỡ toát ra mùi tử khí , mỗi người lính luôn mang trên lưng mình cỗ quan tài cho chính mình khi cần thiết , không hương khói , không kèn trống , không người thân chỉ nó nước mắt cùng thương tiếc của đồng đội .
 Khoảng 5h chiều hôm đó chúng tôi tới một con suối nằm sâu dưới khe 2 quả đồi 2 bên , trời rừng chiều mau tối , cũng giống như những con suối chúng tôi từng đi qua phía sau lưng nhưng con suối này to hơn những con suối trước nhiều , những tảng đá to hơn nằm dưới lòng suối , có tảng đá khá phẳng hơi nghiêng sạch bóng nằm giữa suối , dưới những tảng đá khe nước suối dóc dách chảy những con cá bé ti ti bơi bơi theo dòng nước , đá như được xếp vào nhau có những khe nhỏ người chui lọt , bên bờ kia một bãi sỏi cuội trắng với những dây leo thả từ trên cao xuống cỡ cổ tay, vẫn rừng cây 2 bên bờ suối dựng đứng vách đất và đá chen nhau , cây mây ở đây nhiều lắm dây bò dài cỡ ngón tay trắng phau đan nhằng nhịt , lá mây xanh sẫm và nhiều gai , những khóm tre trúc vàng giữ đất lưng chừng đồi đan kín , thỉnh thoảng có cây to ngả dần về lòng suối và khi chưa vào sát tận nơi thì không thể biết được có con suối ở đây , cây rừng rậm rịt mù mắt chỉ thấy lá cây cách vài mét đường . Lúc đó tôi đi tụt lại phía sau cứ ngắm cái con đường dưới chân mà đi , sao lắm đường mòn quá tai thì nghe tiếng anh em C2 nói oang oang dưới lòng suối mà chẳng nhìn thấy gì cả , thằng Hào vác B41 đi trước tôi còn tôi thì ngắm lưng nó mà theo kệ nó dắt đi đâu thì dắt , rồi tiếng thằng Bình ở dưới suối quát vọng lên :
- Hai thằng kia đi đâu đấy ? C2 mình ở đây kia mà .
 Thì ra nó ở dưới suối nhìn lên đúng chỗ thoáng tầm nhìn thấy tôi với thằng Hào đi quá đội hình C2 dưới lòng suối thì gọi giật lại , cắt thẳng đường tụt theo lòng suối bám thân cây cho khỏi lăn xuống chúng tôi mở đường mới bước xuống lòng suối . Hạ cái ba lô trên tảng đá phẳng kia nghỉ cái đã rồi chuẩn bị kiếm chỗ mắc võng nghỉ lại qua đêm , cũng chưa biết thế nào cán bộ D chưa chỉ vị trí dừng chân của C2 đêm nay , anh Phượng biến đi đâu rồi , anh Tập thì lo đi gom quân lính hành quân tản mát quá , anh này cũng tếu lắm miệng cười cười nói :
- Không khéo tìm chúng nó về có khi chúng nó hành quân sang tận Thái lan chưa biết chừng .
 Lúc sau thấy anh Phượng đi về , liền xua quân C2 xuôi theo dòng suối xuống sâu thêm 50m nữa rồi chỉ lên bờ suối :
- Đấy các B đóng dọc theo bờ suối trên bờ kia , B công binh C20 đây , B1 B2 B3 kia , hỏa lực kia , C bộ anh nuôi dưới lòng suối , bên kia bờ suối là lính C3 đấy nhé , nếu có chuyện gì thì không bắn qua bên hướng đó . Nhớ chưa ?
Các B nhận lệnh theo sự sắp đặt của anh Phượng về vị trí của mình , B lính công binh C20 đâu gần chục người tản mát đâu cả , các B của C2 anh em cũng lần theo B mình lên lưng chừng đồi tìm chỗ trú chân đêm nay . Thằng Bình xách đồ lên cằn nhằn :
- Đang ở dưới suối sạch sẽ thế này lên đồi làm quái gì ?
 Lính là vậy hay cằn nhằn chuyện vớ vẩn nhưng vẫn chấp hành mệnh lệnh , nó khoác ba lô đi ngang qua mặt tôi bước lên đồi theo con đường mòn nhỏ một lớp dày lá cây khô . Chỉ 3 phút sau bỗng một tiếng nổ khô gọn cùng cuộn khói đen lưng chừng đồi :
 B..a..n..h ! Tiếp theo những tiếng la thất thanh từ trên vọng xuống , tiếng lính mình trên đó gọi nhau , gọi y tá đâu nhanh lên có anh em mình đạp mìn rồi . Thằng Diễm y tá hớt hải khoác cái túi cứu thương của nó chạy ngược lên đồi theo đường thằng Bình mới đi lên , tiếp theo thằng Chuyển chạy lao xuống từ trên đồi gặp ngay tôi ở dưới lòng suối đang định chạy ngược lên nó nói trong hơi thở :
- Thằng Bình dính mìn rồi , tiếng nó kêu trên đó kinh quá , tao ở cách nó khoảng 20m thấy nó nằm đó không nhúc nhích mà miệng thì kêu to tao không có băng cứu thương nên phải lộn xuống lấy .
 Chỉ trong 1/10 giây tôi đã nghĩ rất nhanh mình phải lên đến đó bằng mọi giá trong thời gian ngắn nhất , phải lên để kịp thời ga rô cho nó nếu không máu sẽ tháo ra và nó sẽ không có cơ hội sống , tôi đã từng mắc nợ nó món nợ ở Nam Chóp và bây giờ là lúc tôi phải trả nợ cho nó , nó cần tôi lúc này hơn bao giờ hết , không dắn đo suy nghĩ gì hơn tôi lật cóc ba lô lôi ra cuộn băng cá nhân rồi lao lên theo con đường thằng Bình và thằng Diễm đã đi khi nãy , vừa rời khỏi lòng suối được vài mét thì bỗng tiếp theo một tiếng nổ giống như tiếng nổ thứ nhất .
 B..a..n..h ! Lúc này thì tiếng kêu la thất thanh hơn nữa , tôi lao lên được khoảng nửa đường có thể nhìn thấy người nằm sát đất trên kia thì thấy thằng Bình xua tay gọi vọng xuống :
- Đừng ai lên nữa , đừng ai lên nữa , thằng Diễm đạp mìn nữa rồi . Nhiều mìn lắm , hơn chục quả nữa đây này đừng ai lên nữa .
 Tôi khựng lại lưng chừng đó , xuống không đành lòng vì trên kia có đồng đội tôi đang bị thương , lên thì sợ mình đạp phải mìn nữa lại khổ thêm anh em nên đành chết đứng tại đó mà nhìn , lúc này lính công binh C20 mới từ sườn đồi tiến dọc lại chỗ anh em bị thương , vừa đi họ vừa gỡ mìn tiến dần đến sát hơn nữa , cũng mất đến 10 phút mới vào được đến nơi và chuyển anh em dính mìn xuống dưới lòng suối .
 Thằng Bình bị dính mảnh mìn KP2 nhỏ ở đầu gối nó chạy được xuống kéo tuột tôi xuống suối rồi nó kể lại ;
- Thằng Diễm đạp phải mìn vì chạy trước nó 3m quả mìn nổ trước bụng nó nên thằng Bình không bị sao chỉ dính mảnh nhỏ do thằng Diễm che hết mảnh thằng Diễm chết ngay sau đó .
 Nhưng kỳ thực không phải thằng Diễm chưa chết ngay lúc đó . Tình đầu câu chuyện bắt đầu từ anh B trưởng C20 công binh đi nhận vị trí khi anh ấy đá phải mìn thì thằng Diễm vận động lên cứu thương băng bó , cụm mìn này hơn 20 quả tất cả nhưng rất may chúng gài rời chứ không đấu nối tiếp tức là quả mìn nào nổ thì nổ nguyên quả đó chứ không nổ hết , nếu gài liên tiếp thì nổ 1 quả cả dây sẽ nổ hết đến quả cuối cùng , thằng Diễm lên đá tiếp quả thứ 2 thì anh lính C20 hy sinh luôn bởi 2 lần dính mìn ở khoảng cách gần , thằng Diễm bị khá nặng quanh vùng bụng , bộ hạ , đùi nó nát bét lỗ chỗ mảnh khi chúng tôi khiêng nó xuống lòng suối nó vẫn đảo mắt nhìn nắm chặt tay tôi như muốn nói : Hãy cứu tao .
 Vết thương của thằng Diễm quá nặng mất máu nhiều , tất cả chúng tôi ai cũng biết nó không thể qua khỏi nhưng còn nước còn phải tát , tát đến bao giờ cạn hết nước , hết hy vọng mới thôi nên giật hết quần của nó ra mà băng bó vết thương của nó ngay trên tảng đá như cái phản kia , y tá của D tiêm thuốc cho nó còn tôi cùng vài người nữa lo băng vết thương , nặng nhất là phần bụng dưới , tôi chẳng còn nhớ nó là hình gì nữa cố ấn nhét mà băng cho máu khỏi chảy và thằng Diễm lả dần mắt nhằm hờ , trên mặt nó chỗ cái sẹo to từ thời chăn trâu cắt cỏ trắng bệch dần trắng dần , nó đã hy sinh trên tay chúng tôi khi cả nó cùng chúng tôi đang cố gắng hết mức giữ nó ở lại .
 Chúng tôi đã cố gắng trong tuyệt vọng để giữ được mạng sống cho thằng Diễm , tôi là người hơn ai hết muốn nó được sống , muốn nó phải trở về , nó phải về vì nó có người bạn gái đang chờ mong nó từng giờ từng phút . Nhưng nó đã ra đi mang theo trong lòng một mối tình không bao giờ có được hạnh phúc trọn vẹn và tôi tin mối tình đó sống mãi trong lòng nó .
 Chúng tôi nhanh chóng khâm niệm cho tử sỹ , tắm rửa thay quần áo mới dùng tăng võng nylon đi mưa buộc chặt tử sỹ lại xếp ngay ngắn trên tấm phản đá giữa lòng suối chờ kế hoạch ngày mai mang tử sỹ ra tuyến ngoài , anh B trưởng công binh C20 do vận tải D và anh em C20 lo khiêng cáng , Diễm y tá C2 do lính C2 đảm nhiệm , 6 người do B phó Thi chỉ huy lên kế hoạch sáng mai đi sớm , anh em C bộ C2 tình nguyện cáng thằng Diễm lui về tuyến sau 5km coi như tiễn đưa nó một đoạn đường cuối rồi đuổi theo đơn vị sau .
 Đêm đó trời lạnh không gì tả hết , anh Tập móc cho tôi cái võng chỗ mấy dây leo bãi sỏi trắng bên kia suối , dây rừng lằng nhằng võng 2 anh em tôi nếu ai ngồi dậy người kia sẽ trùng xuống sát đất , càng đêm càng lạnh tôi mấy lần dậy mặc thêm quần áo , cả 2 bộ quân trang thêm cái áo trấn thủ quấn cái tấm dù hoa đắp thêm cái tăng lên võng mà nằm trong võng vẫn run cầm cập , muỗi to bằng đầu đũa đậu kín lưng võng hút máu lính , lại dậy dùng tấm nylon đi mưa xếp cho vào giữa 2 lần võng mà vẫn có cảm giác muỗi đốt từ dưới lên , nhiều người không ngủ nổi bởi lạnh cùng muỗi nên dã rủ nhau dậy tìm củi dưới lòng suối đốt lên sưởi ấm . Tôi vén màn vạch tăng nhìn ra chỗ thằng Diễm đang nằm kia , nó đêm qua nằm cạnh tôi bên bờ suối F339 giờ này vẫn luyên thuyên kể chuyện yêu đương cũng những dự định của tương lai , hôm nay nó nằm kia lạnh lẽo cô đơn và nhưng dự định bỏ lại phía sau dang dở .
 24h đồng hồ trôi qua đủ để bỏ lại tất cả trên cõi đời này cho một cuộc đời thằng lính số phận hẩm hiu như nó .
 Bỗng ! Banh ...Banh ! khô khốc nhạt nhẽo chẳng nghe đề pa đầu nòng chỉ thấy tiếng nổ banh ...banh cũng những ánh chớp lửa từ những tiếng nổ trên những tảng đá giữa lòng suối , chúng tôi không thể hiểu được nó là cái gì và ở đâu ra , những trò quái quỷ của chiến tranh không nơi nào giống nơi nào , kẻ địch không từ bất kể thủ đoạn nào để hạ gục đối thủ và bằng cách nào thì không ai có thể biết trước được , lính tráng nằm trên những tảng đá nhảy vội chui xuống những khe đá tránh đạn nổ , những đống lửa bị dập vội rồi những tràng đạn từ trên cao bắn xuống lòng suối cùng tiếng hò hét của lính Pốt uy hiếp tinh thần .
 Hiểu rồi , lính chúng tôi đã hiểu , mấy cái trò mèo của mấy thằng lính Pốt anh em các đơn vị vác súng ra khua vu vơ một lúc thì chúng biến mất dạng luôn , chúng là nhóm lính Pốt nhỏ lẻ ở trên cao chúng ném đạn cối xuống lòng suối , không cần bắn chỉ tháo sắt bịt đầu quả đạn cho nhậy dễ nổ rồi đu ra cành cây nào đó đứng ném cho xa xuống lòng suối , sáng ra còn thấy cái đuôi quả đạn cối tép là biết cách đánh của chúng , đúng là bọn Pốt ở đây chơi văn bẩn thật nhưng không sao chúng cũng chẳng có nhiều đạn cối mà ném như vậy .
 Sáng ra chúng tôi ăn vội bát cơm rồi cáng tử sỹ đi ngay , ba lô để lại lòng suối , đồ đạc anh em làm công tác tử sỹ về F thì chia ra cho người khác mang trước , tôi với thằng Việt mỗi đứa một đầu cáng chuyển thằng Diễm đi về tuyến sau khoảng 5km rồi quay lại .
 Diễm ơi ! Vĩnh biệt mày nhé , chúng tao luôn nhớ về mày .

Chia tay thằng Diễm cùng anh em vận chuyển khiêng cáng tử sỹ về tuyến sau 4 anh em chúng tôi quay trở lại suối nơi thằng Diễm hy sinh , dọc đường đi anh Tập buồn thiu không nói , từ chiếu hôm qua chỉ thấy anh ấy luôn thở dài , đêm qua nằm gần anh ấy tôi biết anh ấy đã thao thức không ngủ trwor mình liên tục trên võng , mỗi khi tôi trở dậy mặc thêm quần áo hay sửa lại cái võng là một lần lưng anh ấy trùng xuống chạm đất cũng chẳng thấy anh ấy nói năng gì . Tôi biết anh ấy mới mất đi một người đồng hương Hải hưng ở đơn vị và đồng hương mình hy sinh thì ai mà không buồn , thằng Diễm đang chờ kết nạp Đảng nó đã làm xong thủ tục kê khai trích ngang lý lịch và đang chờ xác minh , anh Tập là người giới thiệu nó vào Đảng nay bỗng chốc thằng Diễm hy sinh thì những chuyện kia chẳng còn ý nghĩa gì nữa .
 Chúng tôi về đến suối Diễm hy sinh thì đơn vị đã hành quân đi rồi , anh em chúng tôi khoác vội ba lô tiếp tục đuổi theo đội hình D7 , đường rừng vắng vẻ 4 anh em hành quân gấp đuổi theo , từ lòng suối đi lên dốc đứng thẳng từng bước một mà leo , bám cành cây để vít mà đu người lên thấy thấm mệt ở đoạn đường đi kiểu này , lúc đầu mới vào hành quân đeo nặng thấy gian nan vậy thôi chứ sau này đi nhiều dốc cao khó đi hơn thấy nó cũng quen dần . Chúng tôi mải miết đuổi theo đến tận trưa mới bắt kịp đơn vị , đoạn đường này sau đó là vị trí của D8 tải gạo vào tuyến trong cho D7 , nó chỉ khó khăn khúc ban đầu ở suối Diễm hy sinh và qua đó khoảng 4 5km là khó đi còn về sau này thì đường tốt hơn ít phải trèo đèo lội suối , rừng già rậm rịt 2 bên đường những cây to cổ thụ với những rễ cây bò ngang mặt đường , từng khoảng đất lổn nhổn quanh rễ cây thấy đã ngại đặt chân vào , cứ chắc ăn tôi nhón chân lên rễ cây mà đi , ai mà biết trước được thằng Pốt nào nó gài ở dưới chỗ đất đó quả mìn và nó chỉ chờ mình đặt chân vào đấy là coi như xong .
 Thật lòng để nói , trong chiến đấu tôi sợ nhất gặp mìn , tôi không sợ nằm dưới tọa độ pháo , chẳng sợ đạn địch bắn như mưa cũng chẳng sợ mấy thằng Pốt đêm gác mò vào chốt hay 1 B của địch ngoài chốt mồm hò hét chô chô huýt còi xung trận , vậy mà thấy sợ kẻ gieo rắc cái chết lạnh lùng này , nó luôn chờ đợi những xơ xểnh nhỏ nhất do chính mình gây ra và BÙM , mọi chuyện coi như kết thúc . Thật lạnh lùng và cũng vô cùng tàn nhẫn , có thể phát đạp mìn của thằng Thế ở trận 7.1.1978 diễn ra trước mắt tôi khi nó ngã xuống sau tiếng nổ của quả mìn hơi K58 giơ lên cái chân bay mất bàn chân và cái ống xương trắng hếu thịt tước như dóc mía lên tận đầu gối đã khiến tôi thấy run sợ , rồi hình ảnh thằng Vinh Tôm bạn tôi dính 2 quả mìn hơi K58 một lúc thân xác nó chẳng mấy vẹn toàn , trận Cửa mở lúc vượt qua quyết chiến điểm anh em C2 đạp mìn hất ngược trở lại xuống bờ tường ủi khi đó và hôm qua anh lính C20 với thằng Diễm là một minh chứng nữa khiến tôi thấy ghê sợ loại vũ khí này . Tôi tự nhắc nhở mình nên cận trọng trên từng bước chân đi .
 Khoảng 2h chiều thì chúng tôi hành quân đến một vùng trảng trống giữa trên đỉnh núi cao , mặt  bằng khá rộng to như cái sân bóng đá hơi nghieng nghiêng vào hướng hành quân , chung quanh cây cối rậm xanh rì và con đường mòn tải gạo đi nép về bên trái cái trảng này , từ sát ngoài F bộ F339 vào tới đây luôn là cây rừng cành lá phủ trên đầu vậy mà ở đây có cái trảng trống trên đỉnh núi cao khá phẳng phiu thoáng tầm mắt , thấy nó hơi khác thường tý chút vậy thôi chứ cũng chẳng để ý làm gì nhưng sau này lại chính là vị trí chúng tôi nhận gạo tải vào của D8 ở đây , sau vài ngày đầu tải gạo đơn vị rút kinh nghiệm lại bố trí cho hợp lý đội hình vị trí giao nhận gạo giữa những D trong E209 khi làm nhiệm vụ , D8 tải gạo vào tới suối Chết Trôi giao cho D7 rồi quay ra suối Diễm hy sinh thì quá muộn không kịp thời gian chuẩn bị cho ngày mai tải tiếp , bởi vậy sẽ giao gạo cho D7 ở chỗ cái trảng này , họ sẽ đỡ được 2h đồng hồ đi lại và D7 phải cố gắng hơn nữa thu nhanh thời gian tải gạo từ suối Chết Trôi vào đến E9 .
 Chúng tôi tiếp tục hành quân tiếp thêm khoảng 5km nữa đường rất dễ đi bởi phần lớn là đường mòn bằng phẳng cho đến khi đường đổ dốc xuống lòng một con suối khá lớn nằm sâu giữa 2 khe đồi , cây ven bờ suối thưa thớt chỉ nhiều cây dại , khúc suối nước đọng một khoảng rộng ngay dưới chân đường đi và đường vượt qua để vào E9 bắt buộc phải đi qua khúc này không có con đường nào khác , để qua được bên kia bờ suối phải đi ngược theo dòng chảy khoảng 200m mới có những mỏm đá trên lòng suối để bước qua trên những hòn đá đó và bên kia là đường có thể đi qua dễ dàng nhất .
 Suối Chết Trôi ! Một địa danh , một con suối trên đường vào E9 , là điểm bắt buộc phải đi qua của đường hướng này là nơi chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện đã từng xảy ra trên cung đường này , đứng dưới lòng suối ngửa cổ nhìn lên đỉnh núi trước mặt mình mà ngày mai chúng tôi sẽ phải bắt đầu tải gạo đi qua , nhìn lên , nhìn lên mãi cho đến khi nào rơi cái mũ cối đội trên đầu mình ra phía sau lưng thì lúc đó mới nhìn thấy được đỉnh núi nơi sẽ phải đến phải đi qua , không phải 1 2 3 lần mà là 40 lần trèo qua con dốc này cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ kết thúc chiến dịch tải gạo cho F339 . Gian nan không gì tả xiết đang chờ đón chúng tôi .
 D7 nhanh chóng đi vào ổn định đội hình nơi ăn chốn ở ngay sau đó , D bộ nằm ngay trên đường đi chỗ cắt ngang qua con suối có những tảng đá bước qua bờ bên kia , suối vẫn róc rách chảy dồn nước về cái khúc nước đọng phía dưới , C2 nằm ở cuối nguồn và cuối đội hình , nếu ai đi từ ngoài vào sẽ gặp lính C2 trước , C1 nằm liền theo đó dải dọc cho đến khi gặp D bộ , C3 C5 nằm sau lưng D7 dải dài theo hướng thượng nguồn , tất cả nằm hết bên này bờ suối Chết Trôi . Do D7 từng bị lính Pốt đứng trên cao ném lựu đạn cùng đạn cối 60ly xuống suối lên cảnh giác và D trưởng Xuyến kiên quyết bắt lính phải đào hầm tránh với nắp bằng thân cây phủ đất dày bề mặt , các hố nằm ngủ đêm đào sâu xuống khỏi mặt đất ít nhất 30cm , công việc được chính D trưởng cùng tác chiến D kiểm tra nghiêm ngặt , bất kể ai cãi lệnh hay chây ỳ không chịu đào hầm hố sẽ được bố Xuyến hỏi thăm ngay , bố Xuyến bọ tính tình vui vẻ nhưng mệnh lệnh trong chiến đấu thì đừng thằng dại mà đùa với ông ấy .
 Bố Xuyến đúng là một người lính nhiều kinh nghiệm trận mạc , ngay chiều hôm đó bố dắt theo nhóm tác chiến trinh sát và công binh C20 trèo ngược lên đỉnh núi trước mặt nắm tình hình thực địa cùng chiếm lĩnh cắt đặt lính công binh ở vị trí trên đỉnh dốc , có thể như vậy sẽ khó khăn trong sinh hoạt của anh em C20 nhưng ngược lại thuận lợi cho công tác dò phá mìn cũng như chốt giữ điểm cao trên trục đường tải gạo , điều nữa mà chúng tôi được biết cách suối Chết Trôi khoảng 5km có một trạm công binh của F339 nằm tại đó chốt giữ , nhiệm vụ của họ hàng ngày dò soát mìn đoạn đường vào buổi sáng trước khi lính tải gạo hay anh em khác đi lại trên dọc tuyến đường này .
 Như vậy là công tác tổ chức của ta cũng như của riêng D7 khá chặt chẽ đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ trong hoàn cảnh hiện tại .
 Chúng tôi cũng được biết tin lính D8 D9 của E209 cũng đã ổn định đội hình và đã bắt đầu tải gạo vào tuyến trong , hiện nay mọi chuyện rất thuận lợi , riêng cho D7 sẽ được nghỉ ngày mai nằm chờ D8 chuyển gạo vào chuyến thứ nhất xong sẽ bắt đầu chuyến tải gạo đầu tiên vào sáng sớm ngày kia . Như vậy kể từ ngày rời thủ đô Phnom Penh sang ngày thứ 6 chúng tôi mới bắt đầu được những chuyến gạo đầu tiên vào cho E9 F339 , với 4 ngày đi đường , 1 ngày nằm chờ gạo ổn định đội hình và 1 ngày tải gạo , chưa làm được gì chúng tôi đã hy sinh mất 2 người ở những ngày đầu của chiến dịch .
 Khoảng 4h chiều hôm sau lính D8 tải những ba lô gạo đầu tiên vào đội hình D7 , chúng tôi nhận gạo từ anh em D8 đóng dồn vào ba lô của mình , lúc đầu thiếu kinh nghiệm anh em trải tấm tăng rộng ra rồi đổ gạo vào , lính D8 cứ đổ gạo vào đó lính D7 sau đó đóng lại ba lô ruột tượng của mình sau , mất khá nhiều thời gian ở chuyện này , sau này không làm như vậy nữa mà đổi ba lô cùng ruột tượng luôn vừa đỡ mất công vừa tránh rơi vãi , hạt gạo vào đến đây thấm mồ hôi anh em mình để rơi vãi lãng phí thấy tiếc lắm . Lính chúng tôi đóng gạo vào ba lô rất tự giác , dọng thật chặt cái ba lô TQ cho cứng ngắc dùng nylon phủ mặt ba lô rồi buộc chặt lại , lấy túi nylon đã chuẩn bị sẵn bỏ thêm 3kg gạo nữa vào túi nhỏ nhét cóc ba lô , ruột tượng cũng dọng chặt buộc lại sao cho đủ độ cong của ruột tượng vòng qua cổ mình khi hành quân mang vác , 30kg gạo cho một người không thể thiếu được ai cũng cố gắng hết sức mình làm tròn nhiệm vụ , không ỷ lại nhau , từ D trưởng đến chiến sỹ trong D7 mang vác gạo như nhau không có sự phân cấp trong nhiệm vụ tải gạo còn súng đạn mang theo ai vũ khí của người đó , B41 B40 với 3 quả đạn , RPD 1 băng 100 viên , AK và bao xe đạn đầy khi cần thiết thì cung cấp đạn cho xạ thủ RPD .
 Anh nuôi quản lý cũng tham gia tải gạo cùng anh em chỉ 2 người ở lại lo chuyện cơm nước cho đơn vị số còn lại đi hết , chuẩn bị sẵn cơm sáng ăn xong là lên đường , bữa trưa mỗi người nắm cơm nắm ăn dọc đường chiều tối về ăn cơm tại đơn vị .
 Mọi công tác chuẩn bị đã xong , sáng mai chúng tôi lên đường sớm , D7 bắt đầu chiến dịch tải gạo khoảng 5h sáng ngày 13.1.1980 .

Suối Chết Trôi , một con suối với đầy dãy những kỷ niệm của lính , nơi chứng kiến biết bao nhiêu sự kiện của cung đường từ E9 đi ra F339 tiền phương và cái tên suối Chết Trôi được bắt đầu bằng câu chuyện của những người lính CAVT khi lần đầu tiên hành quân vào con suối này .
 Chuyện này chúng tôi được nghe kể lại .
 Khoảng tầm tháng 3 4.1979 khi những đơn vị của ta tập trung đánh căn cứ Leck của Pôn Pốt xong rồi truy đuổi địch về hướng này , E14 CAVT lúc đó có một mũi đánh đến vị trí con suối , có thể E14 là đơn vị đầu tiên đánh tới đây .
 Khi đó họ có lệnh vượt suối qua bên kia để vào giáp BG Thái lan làm nhiệm vụ , không rõ sự tổ chức vượt suối như thế nào , hoàn cảnh khi đó ra sao nước suối thời gian đó như thế nào nhưng có một người lính CAVT đã hy sinh do nước suối cuốn mất xác cùng súng đạn tư trang cá nhân .
 Từ đó con suối mang tên suối Chết Trôi , không ai biết tên người lính CAVT đó tên gì để đặt cho con suối được mang tên anh ấy mãi mãi đành lấy sự hy sinh của anh ấy đặt tên cho con suối đó , như một kỷ niệm nhắc mãi về sự hy sinh của người lính CAVT đó từ những ngày đầu .
 Từ đây hàng ngày lính F339 hàng ngày đi qua khu vực này để ra vào E9 , biết bao nhiêu bước chân lính từng hành quân qua đây , tuyến đường vận tải duy nhất cho 1 E bộ binh nằm cách đó khoảng 20km nữa và con suối Chết Trôi này cũng chứng kiến nhiều thương binh tử sỹ của E9 từ tuyến trước chuyển về qua đây , suối Chết Trôi cũng là trạm dừng chân sau 1/2 ngày đường hành quân vất vả của tất cả những ai đi ra hay đi vào tuyến đường khi đó , nấu cơm nửa buổi hay ăn vội bữa trưa cũng dừng lại đây và ai từng qua đây ít nhiều cũng có kỷ niệm với nó .
 Đối với lính D7 chúng tôi thì có quá nhiều kỷ niệm ở suối Chết Trôi , hơn 1 tháng ở đây hàng ngày tải gạo ra vào E9 rồi trở lại , mọi sinh hoạt tắm rửa cơm nước ăn ngủ nghỉ cũng loanh quanh bên con suối Chết Trôi này .
 Sáng sớm ngày 13.1.1980 chúng tôi bắt đầu tải gạo vào tuyến trước , lính đã chuẩn bị rất kỹ về ba lô ruột tượng gao chỉ việc khoác lên vai là có thể hành quân được ngay , theo sự phân công thứ tự từng C trong D7 thay phiên nhau dẫn đầu đội hình tải gạo , cùng nhau chia sẻ rủi ro lần lượt thay phiên nhau dẫn đầu đội hình trên đường giữa những đại đội trong D7 , buổi đầu tiên C1 đi trước tiếp theo sau là C2 rồi D bộ cùng các C khác nối tiếp nhau cùng bước , chúng tôi đi dần lên cao theo sườn núi đứng , từng bước đi lên , phía trên đã có trính sát D7 và lính C20 công binh án ngữ chẳng ngại địch ở tầm trên cao bất thần suất hiện mà điều quan trọng là phải chờ công binh F339 thông đưởng rồi  mình mới đi qua . Nhìn là vậy nhưng khi leo mới thấy hết những gian nan , chân mỏi nhừ đường mới đi lần đầu còn lạ bước chân lên lính đi rất chậm , người sau chờ người trước bước lên mới có chỗ cho mình đi lên , có khúc phải dẫm 2 chân chung một vị trí rồi từ đó chuyển chân bước lên rất vất vả , bên vách núi đất đá cùng cây dại và 1 bên là sâu thẳm xuống lòng suối , không bảo hiểm hay lan can trên đường chỉ có con đường nhỏ 60cm men theo vách núi , cứ leo lên cao vài chục mét là đã đứt hơi chân chùn rồi không leo nổi nữa , lại nghỉ , một người nghỉ thì gần như tất cả phải nghỉ chẳng có chỗ để bước qua vượt đi lên . Tôi nhớ ngày đầy vượt qua đoạn này chúng tôi đã phải nghỉ ở lưng chừng núi đó 5 lần và mất rất nhiều thời gian , thế rồi nó cũng qua khi lên hết con dốc ngược trên đỉnh lại là đoạn đường khá phẳng trước mặt , giờ đây bắt buộc phải dừng lại chờ công binh thông đường , lính túm 5 tụm 3 ngồi chờ , cũng chẳng lâu ít phút sau một nhóm anh em công binh F339 đi ngược lại , họ khoảng 5 người với chiếc 1 máy dò mìn có chiếc cần một đầu có cái vòng hình vuông khua khua trên mặt đường . Thông đường rồi các đồng chí ạ , họ dừng lại nghỉ và thông báo với D7 như vậy , họ chờ chúng tôi đi qua rồi đi dò mìn nốt đoạn tiếp theo phía sau suối Chết Trôi còn chúng tôi thì bắt đầu chuyến tải gạo đầu tiên và cũng mới vượt qua được khúc đường khó khăn nhất .
 Dọc đường đi vẫn vậy cây khá lớn của rừng nguyên sinh , dây leo chằng chịt ăn mãi lên đỉnh ngọn đồi , sườn dốc thoai thoải của vế trái đường đi cây cối rậm rạp hơn vùng bên ngoài nhiều , mặt đường mòn tải gạo cũng chỉ nhỏ cỡ đó 60cm không hơn nhẵn sạch không cỏ cây , vết chân lính F339 đã đi lại tới mòn nhẵn cung đường này , thỉnh thoảng trên mặt đường để lại những hố mìn chôn sau khi bị lính công binh F339 tháo dỡ để lại cái hố nho nhỏ trên mặt đường , vết mìn đã bị tháo chi chít nơi đây và địch thường xuyên vào gài đặt mìn trên đường , cũng ở khúc này nơi bãi khá thoáng cây vết tích để lại cho thấy ở đây từng xảy ra những điều đáng sợ nhất , mảnh vải quân trang cùng bông băng bỏ lại vương vãi cỏ cây bị dẫm đạp chưa mọc ngóc cổ lên , nhiều chuyện về anh em lính F339 từng bị địch phục kích trên đoạn đường này và hy sinh mất mát luôn là điều không tránh khỏi , tôi thấy rùng mình khi tưởng tượng trong đầu ở đây đã từng có những vụ nổ liên tiếp của 20 30 trái mìn KP2 khi 1 B của lính mình đi lọt vào ổ phục kích của địch , những sợi dây thép sơn xanh lá cây nhỏ như sợi chỉ sau vụ nổ rối tung rối mù vào với nhau vương vãi nơi bãi đất cách mép đường vài mét , một khoảng lá cùng cây rừng xác xơ . Thật là tàn nhẫn cho sự sống con người ở cái thời khắc đó đi trên con đường này .
 Từ suối Chết Trôi đi vào khoảng 5 7 km có một trạm lính mình ở đó , chắc là nhóm lính công binh đi dò đường ban sáng ở đây rồi , một nếp nhà lá nho nhỏ trên khoảng đất cao ngay sát đường đi , phên đan che lán bằng những cành trúc cành tre cỡ ngón tay , vài hố chiến đấu mới đào đất mới vàng ruộm , 1 2 anh lính ra đứng sát mép đường hỏi thăm chúng tôi và điều gây cho tôi có nhiều ấn tượng nhất về nhóm công binh F339 này là mảnh vườn trồng rau của họ , một ô đất nhỏ cỡ 2 chiếc chiếu to được trồng rau cải xanh , rau mới gieo cây ngắn cỡ 5cm mới mọc lên với chiếc lá cải bé tẹo xinh xinh dày chi chít , một anh đang ngồi vạch từng khóm lá cải tìm bắt sâu trên thân lá , cây giống của anh em ươm chờ đủ lớn sẽ trồng theo luống lấy rau cải thiện , tôi thấy cảm phục tinh thần của họ trước cuộc sống lính , dù khó khăn ác liệt cỡ nào cũng cố gắng tìm cho mình có được niềm vui hay cải thiện cuộc sống , F339 ác liệt như vậy mà vẫn nghĩ chuyện trồng rau tăng gia sản xuất tự cung tự cấp cho mình cải thiện cuộc sống , người lính là phi thường kể cả những lúc hoàn cảnh khó khăn nhất , hình ảnh người lính công binh F339 bắt sâu bên luống rau hôm đó đọng mãi trong ký ức của tôi .
 Đoạn tiếp theo của cung đường tải gạo bằng phẳng hơn lúc xuống khe lúc trèo lên nhưng không quá vất vả như đoạn suối Chết Trôi nhưng mang vác nặng trên đường khó đi khiến lính thấy thấm mệt , dù gì lính D7 cũng đã rèn luyện nhiều rồi , quá quen với chuyện mang vác nặng hành quân đêm nhưng trèo đèo lội suối kiểu này thì có lẽ đây là lần đầu khó khăn nhất , chúng tôi đi đến khoảng 9h sáng thì nghỉ giữa đường , lệnh cho nghỉ giải lao từ dưới đưa lên ai ngồi đâu ngồi đó cứ giữa đường mà ngồi cấm ngồi lệch ra khỏi đường , ai có nhu cầu đi vệ sinh cứ đứng nguyên đó mà giải quyết , rất trật tự 1 tiểu đoàn ngồi theo hàng 1 trên đoạn đường đó ba lô dưới đất ngồi lên trên súng gác ngang đùi trong tư thế sẵn sàng chiến đấu , tranh thủ uống nước hút thuốc rì rầm nói chuyện nhỏ to với nhau nhưng được nhắc nhở không nói chuyện lúc này nên mọi người cũng giữ trật tự , nghỉ 15 phút xong là đi tiếp , mọi người đỡ cho nhau đeo ba lô lên vai , quàng ruột tượng gạo lên cổ cho nhau xốc lại ba lô súng đạn , tượng gạo phải quàng lên cả 2 vai để cho gối đầu lên nóc ba lô như vậy sức nặng sẽ dồn hết lên lưng và vai không phải giữ tượng gạo để 2 tay luôn thảnh thơi chỉ để ôm khẩu súng và đôi chân trùng xuống lưng hơi cúi dồn bước đi lên , những chiếc cầu gỗ trên đường được làm bắc ngang qua những khúc khó đi giữa sườn đồi này sang sườn bên kia , thân cây tròn lan can vịn chắc chắn và thường ở đây là khe những con suối nhỏ nước róc rách chảy xuống từ những mỏm đồi trên cao , rừng vẫn xanh ngắt trong nắng lung linh và lính chúng tôi vẫn bước với khối nặng ngày một nặng thêm , mồ hôi ướt lưng áo chảy xuống ướt cả cạp quần , khăn mặt buộc nơi dây súng thỉnh thoảng lấy ra lau những giọt mồ hôi đang đọng dần nơi mi mắt lấm tấm trên mặt .
 Khoảng 12h trưa khi ánh mặt trời đã đứng bóng thì có lệnh nghỉ ăn cơm trưa trên đường , lúc này đội hình C1 đã đến cây cầu gỗ cuối cùng trước khi lên đến cái đỉnh cao nhất của đường đi vào E9 , từ đây vào tới E bộ E9 còn khoảng 5km nữa chưa được nửa cung đường nhưng lại là đoạn khó khăn nhất đã gần vượt qua , chỉ còn 5km nữa chúng tôi sẽ bàn giao gạo cho đơn vị bạn rồi đi ra kết thúc chuyến tải gạo đầu tiên và cũng từ đó rút ra kinh nghiệm cho ngày mai nên như thế nào để hiệu quả nhất .
 Lại cơm nắm ăn vội vàng thêm ngụm nước tráng miệng là xong , bữa cơm trưa của lính chẳng gì giản tiện hơn nghỉ ít phút là lại có thể lên đường ngay được , lúc này tiếng máy bay trực thăng phành phạch lượn trên đầu , nó bay ngang trên đỉnh đầu giơ cái bụng ngay sát đầu chúng tôi , nó lướt nhanh qua cùng tiếng gầm rú của động cơ nhỏ dần rồi mất hẳn , ngày nào cũng có 1 2 chuyến bay ra bay vào giữa F339 và E9 .
 Tiếp tục hành quân , vượt qua chiếc cầu gỗ dài nhất của đoạn đường này có đến 20m thì leo ngay lên đỉnh của một ngọn núi đá , một vùng trơ đá tảng cùng cây dại nhỏ thấp , từ đây có thể phóng tầm nhìn về bốn phương trời xa , những cánh rừng già xanh bạt ngàn ngút tầm mắt , đỉnh núi mờ xa chuyển màu xanh xẫm và bên trái chúng tôi lúc đó một khoảng xanh da trời sẫm ở tít nơi xa kia . Vịnh Thái lan , anh em lính F339 bảo thế , từ đây qua vịnh Thái lan chẳng còn bao xa nữa , chốt của E9 cách BG Thái còn 2 3km nữa và qua khỏi khoảng đó là tới vịnh Thái lan , khu vực này đất Thái lan chiếm dọc theo biển với chiều ngang bé tẹo ôm sâu xuống phía nam của thềm lục địa , một vị trí quá lý tưởng cho lính Pốt nhận vũ khí lương thực từ hướng vịnh Thái lan xâm nhập vào nội địa Campuchia , nhận hàng hóa trên cảng của Thái lan quá an toàn cho lính Pốt và đó là lý do tại sao địch có nhiều mìn và vũ khí ở đây đến như vậy .
 Qua khỏi đỉnh núi cuối cùng chúng tôi men theo sườn đồi vào sâu trong E9 từ đây lác đác gặp anh em lính mình rồi , 1 tổ vài 3 người đi lại tuần tra canh gác , họ đứng nép bên đường nhường đường cho chúng tôi đi , lính tranh thủ hỏi thăm nhau quê quán địa chỉ nhận đồng hương tìm bạn rồi hỏi thăm nhau chuyện đường còn xa hay gần , vẫn là 5km nữa đường dễ đi , 5 thì 5 chứ 10km nữa cũng phải tới , biết cho vui vậy thôi chứ 5 hay 10km ăn nhằm gì . Khoảng 2h chiều chúng tôi vào đến E bộ E9 lúc đó , cái sân bay trực thăng nằm trên đỉnh đồi cao gần đường đi vào nó được lính chúng ta xây dựng để làm điểm đỗ cho máy bay , cây cối phát quang một vùng rộng đến sát đất , cây gỗ đường kính 20cm được xếp theo lớp mỗi chiều cũng cỡ 10X10m , gỗ xếp 2 lớp đóng buộc chặt lại với nhau như một cái bệ bằng gỗ vậy , chiếc trực thang mới cất cánh khỏi đó trước lúc chúng tôi vào , đi qua khỏi sân bay 200m có những căn hầm nửa chìm nửa nổi trên lợp lá cây đánh thành tranh tấm làm mái nghiêng về một bên , hầm được đào sâu xuống đất khoảng 50cm vách gỗ cây tròn đóng dựng chung quanh , lần trong cùng giải vải mưa nylon tấm rộng , đó là vị trí chúng tôi trút gạo vào hầm dự trữ cho đơn vị bạn , khi mới vào anh em hậu cần E9 yêu cầu cân thử để nhận số lượng cho đủ nhưng sau một hồi nói chuyện giữa bố Xuyến cùng anh em hậu cần thì thống nhất đếm người tải gạo cùng ba lô ruột tượng của từng người sẽ ra số lượng gạo tải vào , nếu cần cân thì cân luôn ba lô ruột tượng túi nylon gạo của bố Xuyến sẽ biết có đủ 30kg / người không ?
 Không ai nỡ ăn bớt gạo của anh em lính F339 , không ai nhẫn tâm vứt bớt gạo cho nhẹ vai mình trong khi anh em ở trong này đang thiếu ăn , hạt gạo vào đến suối Chết Trôi đã thấm mồ hôi công sức của anh em mình rồi không ai làm cái việc thiếu nhân cách như vậy cả , lính D7 cũng không đói để rồi đói ăn vụng túng làm liều chuyện gạo làm gì nên phương án đếm người tải gạo nhân với 30kg/ người là ra tổng số gạo tải vào trong ngày , làm vậy vừa nhanh và cũng khá chính xác . Chúng tôi đổ gạo vào hầm dự trữ , rất nhiều hầm gạo ai muốn đổ hầm nào cũng được , đổ gạo xong rũ sạch ba lô cố gắng không còn sót 1 hạt gạo nào mới thu dọn đồ đi ngược ra . Trút bỏ được 30kg gạo trên lưng bước chân chúng tôi nhẹ bẫng .
 Đoạn đường về trời dâm mát hơn cảnh rừng về chiều thơ mộng hơn , chim lao xao về tổ , sóc chồn thập thò trên những cành cây , tiếng lạo xạo trên lá khô làm chúng tôi giật mình quay về với thực tại , đây là chiến trường chứ không phải sở thú , đừng quá mộng mơ với quang cảnh thiên nhiên mà nhãng quên đi hàng dây mìn vài chục quả sẵn sàng dọn sạch cả C lính QTN VN đi trên đường nếu mất cảnh giác .
 Người về muộn nhất trong đội hình D7 sau chuyến tải gạo khoảng 7h tối , anh em D8 mới giao gạo xong khoảng 3h trước , khó khăn mới đã nảy sinh trong đội hình tải gạo của E209 , D8 quay về quá xa nên cần điều chỉnh lại cung đường sao cho các đơn vị đều về vị trí của mình trước khi trời tối , D7 chưa rút ra được kinh nghiệm gì nhiều sau chuyến tải gạo đầu tiên nhưng trên tinh thần tương trợ đơn vị bạn cùng hoàn thành nhiệm vụ đòi hỏi sự cố gắng thêm nhiều hơn nữa , D8 không hoàn thành nhiệm vụ thì D7 cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình .
 Bằng sức lực và đôi chân của người lính , mỗi ngày E209 chúng tôi tải gạo vào tuyến trong cho E9 được khoảng 5 tấn gạo trên suốt cung đường khoảng 50 60km đường rừng núi vào giáp BG Thái lan thuộc tỉnh Pousat Campuchia . Lính F339 có đủ gạo ăn no yên tâm chiến đấu như lời hứa của sư đoàn trưởng F339 : Chỉ sau 12 tháng sẽ quét sạch bọn lính Pốt ở khu vực này .

Ngày hôm sau chúng tôi lại tiếp tục hành trình như ngày hôm trước và hôm nay đến lượt C2 dẫn đầu đội hình , có khác chút ít là chúng tôi khởi hành sớm hơn chút thời gian , cũng có sự hợp đồng chặt chẽ với công binh F339 để anh em thông đường sớm hơn ngày hôm trước , chúng tôi cần tranh thủ thời gian cho đỡ vất vả do trời nắng nóng cùng rút ngắn bớt thời gian để hỗ trợ cho D8 trên cung đường xa của họ , cũng cần rút kinh nghiệm sau vài ngày vì địa hình mới , công việc và như nhiệm vụ cũng khác xa những gì chúng tôi từng trải qua từ trước đến nay .
 Khi vượt qua con dốc đứng ngay đầu suối Chết Trôi một điều tôi thấy trong chuyến tải gạo thứ 2 cũng như sau này những ngày kế tiếp đó là sự rèn luyện từ những lần trèo núi gian nan đeo vác nặng , hôm sau chúng tôi cố gắng nghỉ ít hơn ở đoạn này , không còn nghỉ 5 lần như hôm qua mà rút xuống 4 lần , người đi trước cố gắng đi nhanh để người sau đỡ ùn tắc , nếu cần hỗ trợ thêm đã có anh em trinh sát hay công binh ở trên đỉnh đồi tụt xuống đứng ở những vị trí khó đi nhất kéo đỡ lôi lên , bởi vậy D7 vượt qua cũng bớt nhiều thời gian và giữ được sức cho anh em trong chuyến tải gạo đường xa của ngày thứ 2 .
 Ngày thứ 2 giống như ngày hôm trước chúng tôi không gặp bất kể chuyện gì trên dọc đường đi vào và đi ra , cũng đã quen với chuyện giao nhận gạo nên cũng bớt nhiều thời gian ở đây , vào tới nơi việc ai người đó làm , làm bằng sự tự giác của mình rồi giúp nhau thu dọn đồ quay ra ngay , ai cũng nhìn thấy trách nhiệm của mình trước nhiệm vụ chung cái gì cố gắng làm được là dốc sức hết mình không cần ai phải nhắc nhở .
 Trong ngày tải gạo thứ 2 đó người về sớm nhất tới suối Chết Trôi của D7 khoảng 3h chiều và người về sau cùng khoảng 5h , như vậy là chúng tôi đã rút ngắn được khoảng 2h đồng hồ trên cung đường tải gạo , 2h đồng hồ cho gần 200 con người đồng lòng tương trợ giúp đỡ nhau sẽ làm được khối việc có ích ở đây . Trong khi đó anh em D8 vẫn giữ nguyên tiến độ không có gì khả quan hơn , họ đã cố gắng hết mình song cũng chỉ dừng lại ở mức độ như hôm trước , 3 4h chiều họ mới bàn giao xong và trên đường quay ra từ suối Chết Trôi .
 Ngay chiều tối hôm đó BCH D7 có cuộc họp với quyết tâm thúc nhanh tiến độ hơn nữa về thời gian tải gạo trên tuyến đường dành thời gian đó hỗ trợ đơn vị bạn cùng hoàn thành nhiệm vụ , quấy động phong trào các C đăng ký tham gia thi đua rút ngắn thời gian trên đường , các C nhận kế hoạch với quyết tâm thực hiện cho chiều ngày mai khi tải gạo về đến suối Chết Trôi sẽ quay lại phía sau khoảng 5km nữa nơi cái trảng rộng hơi nghiêng để nhận gạo của D8 tại vị trí đó . 5km đi về cả nhận gạo đóng gói sẽ mất khoảng trên 2h đồng hồ , D7 sẽ mất thêm 2h đồng hồ cùng 10km đi lại nhưng đỡ cho anh em D8 về muộn rồi lại nhận gạo của D9 chuẩn bị cho ngày mai khoảng 3h đồng hồ , anh em có thêm thời gian nghỉ ngơi có sức khỏe để tiếp tục công việc nhiều ngày tiếp theo . Lính D7 hưởng ứng sự phát động của phong trào này , vẫn biết nếu dùng mệnh lệnh chiến đấu để thực hiện thì cũng phải là như vậy nhưng nếu biết dùng công tác chính trị tư tưởng động viên binh sỹ trước nhiệm vụ bằng thúc đẩy tính tự giác cùng trách nhiệm của người lính thì hiệu quả công việc luôn cao hơn nhiều lần . Thực tế đã như vậy , D7 chúng tôi cũng đã làm như vậy .
 Sang ngày thứ 3 thì chúng tôi đã khá thông thạo và quen dần với chuyện tải gạo , thấy sự gian nan vất vả cũng đã quen theo và thấy cũng bình thường dần , dốc núi đầu suối Chết Trôi không còn là trở ngại lớn nữa , leo lên đến đỉnh cũng chỉ còn dừng lại nghỉ 1 lần giữa chừng và sau đó cũng không còn phải nghỉ lấy sức nữa mà leo một hơi lên đỉnh luôn rồi nghỉ một thể , những ngày cuối của chiến dịch tải gạo thì lính gần như không cần phải nghỉ mà lên vai đi một lèo tới E9 rồi quay ra luôn , cách leo núi vào sáng sớm cùng đeo nặng cũng là cách rèn luyện thể lực rất tốt , lính D7 ai cũng đùi to săn chắc bắp vế giò to gần bằng bắp đùi , cuồn cuộn cơ và theo tôi cũng chính bởi sự rèn luyện đó nó át hết bệnh tật của lính chúng tôi lúc đó , lúc nào cũng thấy cơ thể mình phải căng ra để chống đỡ với tất cả từ bên ngoài lẫn bên trong cơ thể người lính .
 Khoảng trên 3h chiều của ngày thứ 3 thì chúng tôi về đến suối Chết Trôi , đoạn này an toàn hơn nên anh em bò bớt súng đạn ở nhà nên cũng đỡ nhiều , 2 3 người chung nhau 1 khẩu súng , từng đó đủ để bảo vệ nhau trên dọc đường đi , chúng tôi lộn lại cái trảng trên núi , nơi bàn giao gạo là cuối trảng đầu cánh rừng bên kia , lúc đầu anh em thiếu kinh nghiệm nên cứ trải tấm nylon to ra đổ gao vào , bên D7 lại mất công xúc lại vào ba lô đóng vào ruột tượng nên mất nhiều thời gian , sau này chúng tôi đổi ba lô và ruột tượng cho nhau đỡ mất công đổ ra đóng lại , xong việc quay về suối Chết Trôi cũng là lúc trời vừa tối , D7 vất vả hơn tý chút nhưng D8 đỡ hơn rất nhiều . Về độ dài của cung đường hay chướng ngại vật khó vượt qua hay thời gian đi lại đã được điều chỉnh hợp lý phù hợp với hoàn cảnh chung của E209 chúng tôi lúc đó .
 Những ngày sau lính D7 có thêm sáng kiến để dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn , phù hợp với thời tiết cùng sức khỏe của từng người mà vẫn bảo đảm theo kịp anh em khác khi tải gạo , sau khi nhận gạo của D8 về đến suối thì vác luôn lên đỉnh núi bên kia gửi chỗ công binh và trinh sát rồi lộn xuống tắm rửa nghỉ ngơi dưới suối , sáng mai dậy đi tay không lên núi rồi vác ba lô gạo đi , có người thì làm khác đi một chút cơm nước tối xong xuôi vác súng đạn cùng ba lô tượng gạo túc tắc leo núi , lên đến nơi móc võng ngủ cùng anh em mình chốt trên đó sáng mai đi sớm cùng nhóm đầu tiên , anh em C này C kia rủ nhau làm như vậy có những lúc hàng C lính ngủ lại trên đó , cán bộ các C hay D cũng biết nhưng kệ để họ tự sắp xếp sao cho hợp lý nhất , ở trên đó hàng C lính càng tốt càng yên tâm , túm tụm dưới suối làm gì cho khổ ra .
 Cho đến một ngày cũng gần mấy ngày đầu của chiến dịch tải gạo cho F339 , lúc đó tôi không nhớ rõ rằng C nào trong đội hình D7 đi đầu nhưng C2 thì đi sau , có thể là C1 hoặc C3 vì C5 và D bộ không bao giờ đi đầu cả , hôm đó chúng tôi vượt qua đoạn đường có công binh F339 chốt giữ khoảng 3km , đường nằm ngang lưng đồi bên phải sườn đồi thoai thoải lên cao cây to bóng mát phủ kín và bên trái dốc xuống thưa cây to hơn nhưng bụi rậm thì nhiều , mặt đường hơi dốc vì chỉ còn khúc nữa sẽ bước qua quả đồi bên kia , nếu so sánh với những chỗ khác thì ở đây thoáng và rộng tầm nhìn hơn chỗ khác nhiều và hình như đã có lần tôi cũng dừng chân ở đây nghỉ 1 lần , đội hình chúng tôi đang đi trong buổi sáng hôm đó cũng như mọi lần và lúc đó cũng cỡ 8h sáng rồi , mắt thường có thể thấy được tất cả , sương mù trên núi giờ đó cũng đã tan những tia nắng mới trong ngày cũng đã bắt đầu gay gắt thì bất chợt trên đầu bên trái đội hình có tiếng súng nổ từ dưới lên .
 Đ.o.à.n.g ....đ.o.à.n.g ! Tiếp theo nữa đoàng đoàng mấy tràng AK liên tiếp bắn vào đội hình D7 từ hướng cánh trái con đường mòn , tất cả chúng tôi nhanh chóng hạ ba lô tượng gạo không hoảng loạn nhảy ra khỏi vị trí con đường mà nằm ngay xuống vệ đường trong tư thế chiến đấu , tiếp ngay sau đó liên tiếp 3 4 quả mìn KP2 nổ rầm rầm phía trên đầu đội hình , tiếng la hét ầm ỹ phía trước , vừa hay khi đó tôi phát hiện bên cánh trái ở cự ly trên 20m thoáng có bóng người lao xuống sườn núi bước chân chạy trên lá khô dẫm lên cành củi khô gẫy nghe giăng rắc , trong tư thế nằm sát đất lúc đó rất dễ nhận ra những biến động này , thật nhanh tôi nổ súng về hướng đó , lính C2 cũng đồng loạt nổ súng bắn đuổi theo , 3 bóng lính Pốt chạy về hướng đó bị bắn truy đuổi của nhóm anh em chúng tôi ở đó , khoảng hơn tuần sau trinh sát D7 tụt xuống dưới vị trí này phát hiện ra xác 1 thằng lính Pốt chết nằm đó không biết có phải do lính C2 chúng tôi hạ được hay không ?
 Tiếng gọi phía trước Y tá đâu ? Vận tải D7 đâu ? khẩn trương lên cấp cứu thương binh .
 Đội hình D7 tắc đường nằm lại chờ giải quyết tạm thời tình hình trước mắt cái đã rồi tính sau , và cũng chi 10 phút sau thì cáng thương binh đã chay lại tuyến sau vượt qua chúng tôi đang nằm giữa đường , hình như lính C3 thì phải bởi anh Thành Mèng C phó C3 tay chân máu me be bét khi băng bó cho thương binh chạy đi chạy lại xua anh em gọn đường cho lính vận tải khiêng cáng , chúng tôi nằm đó không giúp được gì bởi đi lại lộn sộn lúc này sẽ gây ra nguy hiểm hơn nữa , nằm im là thượng sách và ai làm gì ở tuyến trước sẽ lo chu toàn mọi chuyện .
 Lúc này chúng tôi mới quan sát vị trí gần mình ngay bên đường vào vài ba mét , ai đó phát hiện ra những sợi dây thép bé tí ti được sơn màu xanh lá cây lằng nhằng từ vị trí này qua vị trí khác ngay gần bên cạnh chúng tôi , suốt dọc cả 2 bên đường đều có chạy vào gần sát những gốc cây to cạnh đường , một dây mìn KP2 của địch bẫy lính D7 khi nãy nếu ai đó quá khích diệt địch hay hoảng loạn từ loạt súng đầu tiên của địch mà nhảy ra khỏi con đường vô phúc đá phải sợi dây mìn này thì có lẽ giờ đây khúc đường này đã là tử địa của lính D7 , lính tráng chúng tôi hò hét thông báo cho nhau nằm im chờ lệnh cấm hoảng loạn , báo gấp cho công binh để có kế hoạch tháo dỡ mìn , giờ đây nhìn đâu đâu cũng thấy nghi vấn , nhìn đâu cũng thấy quả mìn KP2 xanh lè sẵn sàng nhảy nổ .
 Chúng tôi nhanh chóng lên đường rời khỏi đó , số gạo của thương binh hay những người làm công tác thương binh tử sỹ được chia đều cho anh em các C vác thay , lính tải gạo đã nặng lại càng thêm nặng , nhưng cố gắng , cố gắng vẫn làm được , thay nhau vác thêm tượng gạo đưa súng của mình cho đồng đội vác cứ thể chuyển đổi mà đi nên mới có chuyện một thằng lính vác gạo lại còn ôm theo 2 khẩu súng ngày hôm đó .
 Ngày hôm đó chúng tôi về đến suối Chết Trôi muộn hơn mọi ngày , công binh đã tháo và mang về để ngay đầu dốc số mìn của địch gài trên đường ngày hôm đó , con số cùng đống mìn khiến bất kể ai nghe xong cũng thấy hồn vía lên mây , 72 quả mìn KP2 được gài ở đó của lính Pốt định chào mừng lính D7 từ những ngày đầu vào rừng F339 tải gạo ( không rõ có tính 3 4 quả nổ kia chưa ) .
 Cũng ngay đêm hôm đó nhóm nhỏ lính Pốt đánh vào đội hình C3 hướng thượng nguồn nhưng lính C3 cũng rất cảnh giác bảo đảm gác xách đầy đủ luôn ở tư thế cảnh giác cao độ nên chỉ sau vài loạt đạn chúng rút khỏi lòng suối lên đồi cao rồi từ đó bắn vu vơ xuống suối Chết Trôi , chúng cũng có khá nhiều mưu mẹo gây cho ta những bất lợi khi mới chân ướt chân dáo vào đây , ở được ít ngày đi lại quen địa hình nắm bắt được thủ đoạn của địch BCH D7 tổ chức những ổ phục kích địch và diệt gọn những nhóm địch quấy phá ở hướng này giữ bình ổn cung đường cho lính tải gạo an toàn cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ  .

Nửa tháng đầu trong suốt thời gian tải gao của D7 ở suối Chết Trôi khá yên ổn , chúng tôi hàng ngày lo chuyện tải gạo trên cung đường từ suối vào E9 không gặp thêm chuyện gì khác , đây là thời điểm cao trào nhất của cả chiến dịch tải gạo , sau khi hoàn thành công việc trong ngày lính về tụ tập bên con suối đầu vị trí C2 tắm giặt chuẩn bị cơm nước bữa chiều tối .
 Hôm đó một chuyện cảm động xảy ra trước mắt lính D7 chúng tôi khiến ai ai cũng ghi nhớ mãi .
 Lính tắm dưới suối Chết Trôi đông lắm người bơi ra người bơi vào thỏa trí tắm mát sau một ngày hành quân mồ hôi ướt áo , bên kia bờ suối ở khoảng xa cỡ hơn 70m trên sát bờ suối có cái trùm cây với cành lá ngả xuống lòng suối , một đàn vọc (khỉ ) đang đùa dỡn đuổi nhau trên cành chúng chí chóe rung cây cùng cành lá rào rào , một người xách súng ra bờ suối ngắm bắn một con trên cành cây , sau phát súng đàn vọc khỉ đó bỏ chạy toán loạn tiếng kêu la choe chóe , con vọc trúng đạn lộn xuống suối nhưng 1 tay vẫn treo trên cành cây , tay còn lại của nó vẫn đang ôm theo con vọc con trên tay , nó cố gắng giữ chặt cái tay kia cho khỏi ngã nhào xuống suối cố gắng chờ con vọc trong đàn lao ra đầu cành cây đỡ con vọc con cho nó , sau khi trao con cho con vọc trong đàn nó mới chịu thả tay lộn nhào xuống suối .
 Sự việc diễn ra trước mắt tất cả chúng tôi không bỏ sót một hành động nhỏ của con vọc mẹ , tình mẫu tử đã giúp nó thu sức lực tàn bảo vệ con nhỏ của mình khiến chúng tôi thấy cảm động  , từ đó đàn vọc ít đến cái cây đó đùa nghịch mỗi lần đến chúng dụt dè hơn và chúng tôi cũng bảo nhau đừng bắn nó nữa hãy để nó sống trong sự bình yên của núi rừng .
 Rồi lính D7 chúng tôi bắt đầu thấy thèm rau xanh , lá chua rừng thì nhiều , anh nuôi tài lắm biết cây nào lá chua loại cây nào lá không chua lấy về mà nấu canh cho anh em ăn , kinh nghiệm ở rừng cây nào cho quả hay lá chua thì cây đó thuộc loại ăn được , ở rừng thiếu rau xanh thì chỉ có mỗi một cách ăn lá chua để tăng vitamin C cho cơ thể và món này thì anh nuôi C2 chúng tôi thuộc loại chịu khó nên cũng đỡ lắm , chiều về suối Chết Trôi tắm rửa sạch sẽ ngồi ăn cơm có bát canh chua đưa đẩy vừa đỡ thấy thiếu rau xanh lòng ruột mình đỡ thấy sót , rồi anh nuôi cũng mò mẫm lội xuôi theo mép suối ( không dám đi trên bờ sợ dính mìn ) đi xuống một khúc xa phía dưới nguồn mang về hàng ôm cây môn thục , thân cây như cây khoai nước dọc thân bẹ màu tim tím lá xanh sẫm màu , tước lớp vỏ ngoài cọng lá sẽ được khúc thân như dọc mùng nhưng là của rừng nên không được ngon như dọc mùng nhà trồng , cũng vò sát vắt cho kiệt nước để bỏ đi vị ngứa khi ăn rồi mang thả vào nồi canh lá chua nấu với đầu đuôi cá khô , bát canh rau xì xụp , đưa cọng môn thục vào miệng nó cứng như que tre nhưng vẫn thấy ngon thấy cái tình của anh nuôi đã hết lòng vì đồng đội , họ chẳng ngại vất vả chẳng sợ gặp mìn mò mẫm lần tìm cải thiện bữa ăn cho anh em trong điều kiện khó khăn ở rừng Pousat . Tôi được ăn môn thục cùng rau tàu bay lần đầu tiên ở thời kỳ này , chẳng phải đồ quý hiếm gì chỉ là đồ ăn của rừng núi và nó là kỷ niệm đời lính từng trải qua .
 Thuốc lá lính cũng hết dần , trước ngày 7.1.1980 mỗi người mỗi bao xả láng lắm vào để bây giờ treo mồm với nhau hết cả , lính D7 nghiện thuốc lá nhiều gần như ai cũng hút có lẽ cả D chỉ có vài người đếm trên đầu ngón tay không hút thuốc lá , cảnh lính thèm thuốc hơn thèm cơm thấy mà thương , chỉ cần thấy thoang thoảng đâu đây có mùi thuốc lá là cái mũi hích hích mò đến xin hút ké một hơi rồi và lúc này những nắm thuốc rê ươn ướt bên bết của chúng tôi đổi trác được ở đầu chợ ngã 3 QL4 là vàng 10 giữa cánh rừng xanh thẳm này , quấn sâu kèn bằng giấy báo Nhân dân chứ báo Quân đội nhân dân hút không ngon bằng , vò cho giấy mềm đi quấn đầu to đầu nhỏ liếm qua chút nước bọt châm lên điếu thuốc khối anh ngồi ngoài thèm dỏ dãi ra ngồi chờ xin bập bập vài hơi cho đã cơn thèm thuốc lá , mang tiếng là mấy thằng chúng tôi có lạng thuốc rê nhưng cũng chia cho anh em cùng hút chứ có giữ cho riêng mình đâu , có cùng dùng hết cùng chịu với nhau chứ ai sống kiểu bi bi bom bỏm làm gì , sống thế anh em họ khinh ngay và khi đã để anh em họ khinh thường mình rồi thì quả thật là khó sống , mỉa móc rỉa róc và cả chửi thẳng tận mặt không cần nể nang ấy chứ , lính là vậy thương nhau thì thật là thương chia nhau sống chết chia nhau miếng ăn chia sẻ cả tình cảm , thẳng thắn vô tư điên lên mắng mỏ chửi bới nhưng xong rồi là thôi không để bụng .
 Rồi lớp đàn anh từ thời KCCM lôi ở đâu về một cành cây phơi nắng lá heo héo nói :
- Lá cò ke chúng mày ơi , quấn vào hút thay thuốc lá được đấy , nó gần giống thuốc lá hút tạm .
 Khói thuốc bằng lá cò ke ngai ngái đăng đắng khê khê hút không thể vào nổi , tôi đã ho sặc sụa lần đầu nếm thử thứ khói thuốc cò ke này , nhiều người lắc đầu thất vọng vì chuyện thuốc lá cò ke vì đang tràn trề hy vọng lá cò ke có thể thay thế trong điều kiện hết thuốc lá , nhưng vẫn thấy anh em quấn hút với nhau , chắc cũng chẳng thấy thơm ngon gì đâu chẳng qua có tý khói cho đỡ nhớ thuốc lá thôi chứ bổ béo gì của đó , tôi thì có hút thêm một lần nữa , cố gắng làm quen với lá cò ke nhưng xét thấy không thể quen nổi nên không bao giờ hút cái của nợ đó nữa .
 Cũng khoảng thời gian đó tôi hay lên tiểu đoàn bộ lúc việc này lúc việc kia nên quen dần với bố Xuyến bọ , chắc bố cũng đã từng nghe về tôi thằng liên lạc thọ nhất lịch sử đánh Pốt của C2 từ xưa đến nay nên bố Xuyến có tình cảm , thỉnh thoảng vẫn hỏi thăm nói chuyện bông đùa dăm ba câu , có lúc dảnh bố Xuyến hỏi thăm chuyện gia đình quê quán , thấy tôi nói chuyện hiểu biết hơn anh em khác nên bố khoái vậy thôi , thời đó anh em lính mình toàn con cái nhà nông có người chưa từng bước khỏi lũy tre làng nên trình độ hiểu biết cũng có phần giới hạn , bố Xuyến xuất thân từ người lính rồi làm giảng viên trường quân chính QD4 , trải qua suốt cuộc chiến tranh KCCM những năm gần đây ở gần thành phố của miền Nam sau ngày GP , ít nhiều tầm hiểu biết cũng mở mang hơn người khác và nhất là với đám choai choai chúng tôi thì chuyện của bố Xuyến kể gần như chuyện lạ đó đây , nhiều người nghe xong cứ tưởng bố Xuyến kể chuyện bịa , lính lúc đó còn ngu ngơ lắm , ngây thơ lắm và cả trình độ cũng hạn hẹp lắm .
 Một hôm sau chuyến tải gạo về tắm rửa sạch sẽ mà trời vẫn còn sớm , lúc này chúng tôi đã quá quen với công việc tải gạo rồi , đi nhanh về nhanh 3 4h chiều đã xong xuôi công việc và chuẩn bị cho ngày mai gọn gàng rồi , thằng liên lạc D7 xuống tìm tôi nói lên bố Xuyến gặp có việc cần , tôi hơi thắc mắc : Có chuyện gì nhỉ ? Nếu là công việc tải gạo thì tôi cũng giống như anh em khác , 30kg cho 1 chuyến tải vào , sinh hoạt như anh em , nếu là chiến đấu thì thiếu gì người , B trưởng B phó các C trong D rồi C trưởng C phó kinh nghiệm cùng mình . Sao lại là thằng liên lạc C2 tôi nhỉ ?
 Thắc mắc vậy nhưng tôi vẫn lên ngay D bộ , bố Xuyến không có ở D bộ , hỏi anh em thì mọi người nói bố Xuyến mới leo qua mấy hòn đá giữa suối đi ngược lên hướng C5 C3 , tôi đi lên hướng thượng nguồn thì thấy bố Xuyến đang ngồi trên hòn đá giữa suối phía dưới nước róc rách chảy , mặt bố trầm ngâm buồn buồn , tôi lại gần chào bố , bố Xuyến chỉ tôi hòn đá bên cạnh bảo ngồi đi , tôi chẳng hiểu mô tê gì ngồi chờ bố nói xem chuyện gì . Bố Xuyến móc túi ngực lôi ra gói thuốc lá mỏng dính chắc bên trong cũng gần hết thuốc rồi , rút thò đầu ra 1 điếu bố mời tôi , thật là mừng hết lớn giữa chốn rừng hoang này thuốc lá quý hơn vàng mà tôi được bố Xuyến mời cho điếu thuốc lá mà lại là thuốc Hoa Mai Đà Lạt hay Vàm Cỏ gì đó tôi không nhớ lắm chứ không phải thuốc rê , hàng sang lúc bấy giờ của lính , bố Xuyến cũng rút 1 điếu rồi châm lửa hút , bố chìa cái bật lửa cho tôi để tôi châm thuốc nhưng tôi từ chối xin được cất đi mang về cùng hút với anh em khác , bố không nói gì chuyện tôi đề nghị được mang thuốc về hút chung cùng anh em , rồi bố buồn buồn kể chuyện gia đình của mình , chuyện quê hương của bố , chuyện vợ con chuyện nhà cửa và kể cả chuyện cô chị nuôi bếp ăn của trường quân chính QD4 bụng to cứ đổ cho tác giả của cái bụng đó là do bố Xuyến khiến bố phải xin chuyển về đơn vị chiến đấu cho dảnh nợ , tôi ngồi nghe thỉnh thoảng phụ họa vào câu chuyện cho có phần khuyến khích người kể , dẫn chuyện trong nói chuyện cũng là một nghệ thuật , nếu khéo dẫn chuyện người kể sẽ nhiệt tình hơn hăng hái hơn và cũng nói thật hơn , bố Xuyến không có người bạn bên cạnh để chia sẻ để dốc bầu tâm tình và bố đã chọn tôi làm người để nói những điều thầm kín chôn dấu trong lòng , tôi lắng nghe không làm đứt mạch chuyện bố muốn nói một chút a dua lên án kẻ đổ lỗi cho bố chuyện bụng to của cô chị nuôi kia , không truy cứu đặt câu hỏi bố có dính dáng tý nào chuyện đó không mà nhân đó trách chị kia không biết cách giải quyết gây cho bố những hậu quả không nên có ..vv
 Bố Xuyến như trút được gánh nặng sau buổi tâm tình cùng với tôi , bố không nhắc nhở chuyện này tôi đừng kể với ai nhé , tôi cũng chẳng nói với bất kể ai chuyện của bố Xuyến ngày đó cho đến tận hôm nay , từ ngày đó tôi đã ý thức được rằng đó là chuyện riêng chuyện của cá nhân 1 người không liên quan đến ai khác và không nhất thiết phải mang chuyện người ta tin tưởng mình mà tâm sự và mình lại đi mang ra nói năng lung tung phán xét bậy bạ làm gì .
 Trời tối dần bố con tôi ra về bước trên những tảng đá dưới lòng suối , bố về D bộ tôi về C2 , sau bữa cơm chúng tôi ngồi uống nước trà dưới gốc cây sát bờ suối , trà bằng gạo rang cháy đen thành than rồi đổ nước vào đun sôi lên chắt lấy nước vàng sẫm như trà ngồi nhâm nhi cũng thấy như đang uống nước trà vậy , lúc đó tôi mới nói đùa với mấy anh cán bộ C2 :
- Giá bây giờ mà có điếu thuốc lá các anh nhỉ ?
- Đào đâu ra ? Thuốc rê còn chẳng có mà mày mơ thuốc lá , thằng này đúng con nhà lính mà tính nhà quan toàn mơ hão . ( anh Tập nói đùa vậy )
- Thế nếu em có thì sao ?
- Mày mà có điếu thuốc lá bây giờ thì thiên hạ đi bằng đầu hết , có cái gì cũng xả láng cho bằng hết giờ đòi thuốc lá .
 Tôi móc túi đưa ra điếu thuốc lá cho anh Tập châm thuốc trước sự trố tròn mắt của tất cả anh em ngồi đó , rồi mọi người cùng à lên khi nhớ ra chiều nay tôi lên D bộ theo lời gọi của bố Xuyến và chắc tôi kiếm trác được từ trên đó mang về . Anh em tôi truyền tay nhau mỗi người một hơi thuốc , hút nhanh quá cái đầu lửa nó cháy dài một khúc trên đầu điếu thuốc .
 Ngày mai lại bắt đầu chuyến tải gạo tiếp theo , kế hoạch 100 tấn gạo chuyển vào từ F339 đến E9 sắp hoàn thành , lại thêm một nhiệm vụ mới cho cả E209 lúc đó . Nếu là định mức chỉ tiêu cho riêng E209 thì coi như đã xong phần tiếp theo sẽ là đơn vị khác sẽ tiếp tục vào tải gạo thay cho E209 quay ra , việc chuyển quân ra vào rồi sắp xếp đội hình lại phải dò dẫm từ đầu như E209 đã từng có những khó khăn bước đầu nên cấp trên quyết định giữ lại E209 tiếp tục làm nhiệm vụ tải gạo cho đơn vị bạn thêm một thời gian nữa , định mức 100 tấn gạo tải vào E9 đã bị phá vỡ giờ đây định mức thêm cho cả E209 là 35% nữa ( trên 30 tấn nữa ) , những ngày cuối cùng hoàn thành trong suốt chiến dịch tải gạo cho F339 của E209 đã vận chuyển được khoảng trên 135 tấn gạo cho E9 , ngay số gạo của D7 cùng cơ số đạn thừa phải vận chuyển ra chúng tôi cũng được lệnh chuyển vào bằng hết giao cho E9 chỉ giữ lại 2 ngày gạo ăn và 1 cơ số đạn mang theo trên đường , nhất cử lưỡng tiện vừa đỡ công chuyển ra vừa có thêm gạo cùng đạn cho anh em E9 .

Sau lần lính D7 chúng tôi bị địch phục kích trên dọc tuyến đường tải gạo vào E9 BCH D7 có những phương án kế hoạch riêng để chủ động tấn công địch bảo vệ an toàn nhất cho anh em làm công tác tải gạo , tôi cho rằng đây là phương án rất hay , không thể cứ lấy nhiệm vụ tải gạo làm chủ yếu rồi chờ địch chủ động tấn công ta rồi ta lo giải quyết hậu quả hay bị động trên từng đoạn đường như vừa mới xảy ra trong đội hình D7 , phải có những phương án ngăn chặn , chủ động tấn công hay chủ động phòng ngự trên từng đoạn đường có như thế mới bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công tác tải gạo .
 Chúng tôi nằm ở con suối Chết Trôi và tải gạo trên suốt tuyến đường hàng ngày chứng kiến những chuyến tải tử sỹ của F339 đi ngang , gần như ngày nào cũng có tử sỹ được khiêng ra đi qua đây, có ngày 3 4 cáng tử sỹ , họ là số anh em chiến đấu giáp BG Thái lan hy sinh được chuyển về E bộ rồi từ đó chuyển ra F bộ tiền phương , chúng tôi chỉ mới đến E bộ E9 chứ chưa từng bao giờ đi xa hơn vị trí đó , chưa từng tận mắt chứng kiến nỗi gian lao vất vả cùng hy sinh mất mát của anh em E9 hướng đó nhưng những cáng tử sỹ đi ngang đội hình D7 chúng tôi hàng ngày nói lên tất cả , khổ nhất là lúc cáng anh em về đến suối Chết Trôi , đường đi dựng đứng từng tốp 6 người cáng 1 tử sỹ là thành 7 , con số 7 người cho một chuyến đi ra lúc đó vì theo anh em vận tải tử sỹ là con số may mắn , tử sỹ chúng ta khi hy sinh chưa chôn cất vẫn tính là người còn sống , một chút duy tâm cũng là chút tình đồng đội không muốn chấp nhận một thực tế rõ ràng rằng đồng đội mình đã hy sinh , vẫn còn đi trên đường dù bằng gì đi chăng nữa họ vẫn đang sống bên những đồng đội khác .
 Một chuyện cảm động giữa những người làm công tác thương binh tử sỹ và người đã hy sinh trên đường đi ra .
 Hôm đó khoảng 6h tối trời nhá nhem rồi thì từ trên đỉnh dốc cao nhóm anh em vận tải E9 chuyển tử sỹ về đến suối , họ dò dẫm xuống suối , đường khó đi anh em phải thay nhau xoay cáng lựa đường từng bước tụt xuống rất khó khăn , ai cũng cố nhẹ tay cố giữ thăng bằng không làm tử sỹ trong cáng xô lệch , thế rồi cũng xuống đến suối Chết Trôi họ khiêng tử sỹ đi về cuối đội hình D7 chúng tôi ngay gần C2 thì dừng lại , chắc nơi đây anh em này từng ngủ lại nhiều lần rồi nên họ mang tử sỹ ra gần mất gốc cây sát đường buộc võng treo lên để đó , đêm nay số anh em này nghỉ lại đây sáng mai đi ra sớm , họ đi đường chuẩn bị khá đầy đủ , nhanh chóng nhóm bếp nấu cơm trên vai họ đủ cả đồ dùng , chúng tôi giúp họ cơm nước hỏi thăm anh em có cần gì thêm nếu chúng tôi có sẵn sàng mang ra cho anh em dùng , họ cũng rất thân tình khi thấy chúng tôi quan tâm hỏi thăm nên khoảng cách không quen biết nhau chỉ một lúc đã như người cùng đơn vị . Cơm nấu một lúc là xong họ nhanh chóng dọn cơm ăn , trước khi ăn cơm một anh xới bát cơm đầy rồi mang ra cho tử sỹ , không hương khói không gì cả chỉ có bát cơm cùng thức ăn đạm bạc đặt vào võng cho tử sỹ , họ đối với tử sỹ như người đang còn sống và bữa cơm ăn không thể thiếu phần của tử sỹ . Tất cả chúng tôi có mặt ở đó hôm đó đứng lặng trước tình đồng đội của những người lính F339 , giữa chỗ sống chết họ vẫn sống chan hòa tình người tình đồng chí thật đáng trân trọng .
 Vậy là nhiệm vụ đó được BCH D7 phân công cho bộ phận trực thuộc D và C5 chia nhau cắt cử người lo chuyện chốt giữ phục kích địch trên đoạn đường này , địch thì ban ngày gần như không có chúng hoạt động cơ bản vào ban đêm và cách đánh của chúng là gài mìn là chủ yếu , chúng ngồi chờ những nhóm của lính QTN VN đi lại trên đường rồi giật mìn kích nổ hoặc bắn cho lính mình nhảy vào bãi mìn đã gài sẵn .
 Vậy thì địch phục kích ta , ta chia nhiều tổ nhỏ lẻ phục kích lại chúng , quân số không cần nhiều trang bị vũ khí đầy đủ gọn nhẹ trước khi trời tối lủi vào rừng nằm dọc theo con đường tải gạo tìm những vị trí nghi ngờ địch có thể phục kích chui sâu khỏi đường vài chục mét rồi nằm im chốt giữ tại đó , địch lâu nay quen thói phục kích trên đường và lính QTN VN không mấy khi rời khỏi con đường lên chủ quan , xưa nay lính F339 chưa từng tổ chức giữ đường chủ động kiểu này nên địch rất nhờn chúng cứ nghĩ bên ngoài con đường thì chúng có thể làm mưa làm gió nên BCH D7 quyết định sử dụng phương án này và tổ chức bảo vệ đường cho đến khi kết thúc chiến dịch tải gạo .
 Chuyện do anh em D7 đi phục kích địch kể lại :
 Hôm đó nhóm anh em đi phục kích từ chiều cách suối Chết Trôi khoảng chục km , đoạn này cây cối rậm và đường đi thì cắt ngang lưng chừng núi , đường đoạn này nhỏ bên dốc cao lên đỉnh bên thoải xuống rất sâu , cây cối nhiều khuất tầm mắt , trước khi đến khúc này là khoảng đất khá thoáng rộng , đường gần giống như thắt cổ chai , nếu địch phục kích đoạn trống thoáng kia thì không xong với lính D7 đang tải gạo bởi dễ phát hiện nên chúng chọn vị trí chỗ thắt cổ chai , lính đến đấy sẽ ùn tắc lại vì đường nhỏ khó đi đoạn này sẽ đi sát nhau hơn nên chúng đã điều nghiên kỹ nắm bắt quy luật đi lại của lính D7 mà lên kế hoạch phục kích bẫy mìn trên đường .
 Chẳng hiểu vô tình hay đã có kế hoạch từ trước nhưng đêm hôm đó lính đi phục kích đường của D7 lại chọn vị trí đó mà chốt lại , anh em mình hôm đó ở đấy có 4 người chọn vị trí hướng trên cao sườn đồi nhìn xuống gác con đường , sau khi kiểm tra mìn toàn khu vực thấy an toàn rồi lính đi phục chui vào bụi ngủ cắt đặt 1 người thay nhau gác qua đêm , khi trời gần sáng thì phát hiện ra địch từ hướng dưới chân đồi đi lên , thấy chúng đi lại trên đường bình thường thì mấy thằng đi phục kích sợ đánh nhầm vào quân ta nên lặng lẽ đánh thức nhau dậy nằm im theo dõi , đêm tối có nhìn được rõ đâu chỉ thấy bóng người vậy thôi , hợp đồng với F339 rồi không đi lại lung tung trong đêm trên cung đường và lính D7 chỉ đi khi công binh đã thông đường nhưng anh em đi phục kích vẫn nghi ngại chưa dám nổ súng ngay sợ nhầm lẫn .
 Chúng bắt đầu gài mìn vì những thằng tải mìn trong ba lô lúc đó mới từ dưới đồi đi lên thì anh em mình khẳng định chỉ có địch không phải lính ta , 3 thằng lính Pốt cõng cái ba lô căng phồng đặt giữa đường ngồi nghỉ chờ 2 thằng lên trước lo đi gài , lúc đó anh em ở trên mới bắt đầu bò xuống sát đường , thằng Pốt ngồi trên ba lô cách còn 5m trước mũi súng của anh em đi phục kích mà nó vẫn không phát hiện ra , chúng quá chủ quan vì xưa nay trên đoạn đường này chỉ có chúng nó đi phục kích lính mình chứ làm gì có chuyện lính mình phục kích nó trong đêm . Nổ súng không thằng nào chạy đi đâu nổi 1 bước chân , cả 5 thằng gục ngay trên đường ta thu được 3 cái ba lô mìn KP2 , mỗi thằng lính Pốt khi đó cõng 20 quả mìn , 2 thằng mò lên đường trước chỉ có 2 khẩu AK với vài chục viên đạn , bọn này là bọn chuyên đi gài mìn chúng không thèm chơi bằng đạn nhọn mà sở trường của chúng là gài mìn KP2 .
 Thêm chuyện nữa của lính đi phục kích diệt địch gài mìn trên đường . Sau một vài lần bị chặn đánh khi địch từ dưới chân đồi đi lên chúng đổi kế hoạch chuyển lên trên đỉnh đồi mò xuống gài mìn , ta sẽ mất cảnh giác từ hướng trên đồi xuống , ở những địa hình nay fthif chúng đi lên từ hướng bên kia qua đồi sang , một lần lính D7 cũng bị dính mìn , chúng buộc lỏng mìn ngang thân cây kết nói vài quả vào với nhau rồi nằm chờ trên đồi khi lính ta đi qua thì giật dây kích hỏa , mìn phóng song song với mặt đất rồi nổ gần đường , cách đánh này không mấy hiệu quả vì nếu gài xa đường liều phóng không đủ đẩy mìn vào giữa đường mới phát nổ , gài gần đường thì bị công binh phát hiện ngay nhưng đó cũng là một cánh đánh của địch gây cho ta nhiều khó khăn , nhóm trinh sát D7 cũng nằm phục kích cách suối Chết Trôi 2km diệt một nhóm 3 thằng lính Pốt với 30 quả mìn KP2  chúng mang theo .
 Sau vài lần địch bị lính D7 chúng tôi phục kích diệt gọn chúng không còn phục kích gài mìn lính tải gạo nữa , cho đến ngày rút ra khỏi F339 lính D7 chúng tôi không có thêm thương vong nào nữa ở chuyện mìn của lính Pốt .
 Mệnh lệnh trên giao cho E209 tiếp tục tải gạo cho E9 thêm hơn 30 tấn gạo nữa rồi mới được rút ra , điều thuận lợi là hiện E209 đang ở đây , từ địa hình đến công tác tải gạo hay chiến đấu trên dọc đường đã rất quen , nếu đơn vị khác vào tải thay thì gần như bắt đầu lại từ đầu , lại những bước dò dẫm rút kinh nghiệm , rồi quân ra quân vào vận chuyển xe cộ khó khăn , trong khi đó E209 chỉ cần cố gắng thêm 10 ngày là xong toàn bộ , vì vậy các cấp động viên anh em cố gắng hết mình để hoàn thành nốt phần công việc .
 Lúc này lính D7 chúng tôi nhiễm sốt rét rừng nhiều rồi , nhiều anh em không còn mang vác nổi khối lượng 30kg gạo nữa đành tụt định mức xuống 20kg cho anh em đang sốt rét đỡ vất vả , những người này thường sốt theo giờ khoảng gần trưa thì lên cơn sốt và lúc đó thì không thể đi nổi nữa , chúng tôi động viên nhau cố gắng tải vào đến nửa đường thì cho số anh em này quay lại để trưa về đến suối Chết Trôi là vừa lên cơn sốt , số gạo bỏ lại giữa đường có anh em khác lộn lại mang vào lần 2 trong ngày , tuy số này không nhiều nhưng cũng là bước khó khăn của D7 chúng tôi những ngày cuối cùng trong rừng Pousat .
 Chúng tôi tải gạo như vậy cho đến khoảng trước Tết Nguyên đán năm 1980 gần chục ngày thì coi như hoàn thành kế hoạch tải gạo với khối lượng tổng kết là 135 tấn gạo chuyển vào cho E9 , trước ngày rút ra khỏi vị trí suối Chết Trôi chúng tôi thu gom hết đạn dược chỉ giữ lại 1 cơ số đạn số dư thừa chuyển vào hết cho E9 , gạo ăn của D7 cũng chuyển vào giao cả chỉ giữ lại 2 ngày gạo ăn còn lại ra F bộ F339 nhận sau .
 2 ngày đường trở ra của chúng tôi gian nan hơn lúc đi vào nhiều vì lính D7 sốt rét tới 50% quân số mặc dù không còn mang vác nặng nữa nhưng lính tráng không còn sức để đi ra .

 Trước ngày D7 chúng tôi rút ra khỏi suối Chết Trôi có thêm một chuyện cảm động nữa xảy ra bên con suối đầy kỷ niệm này .
 Chiều hôm đó cũng như mọi ngày lính D7 sau 1 ngày tải gạo về tắm giặt bên bờ suối , lúc đó đông người có mặt tại khúc suối thì bỗng giữa dòng suối phần cuối đội hình C2 nghe ục một tiếng gần đoạn cây là là mặt suối nơi mấy con vọc khỉ hay leo trèo , tăm sủi lên cùng một vật màu nâu nâu lờ đờ nổi trên mặt suối , mọi người thì nghĩ là con gì đó ở dưới suối nổi lên , có người tưởng tượng ra có thể là con cá sấu ở rừng , chắc đầu óc tiêm nhiễm những câu chuyện như thỏ và cá sấu của thời học cấp I cũng nên , anh em bảo nhau vác súng ra bắn , cũng có người can đừng bắn vội để xem là cái gì đã , thế rồi vài người trèo qua bên kia bờ suối đi dọc lại chỗ lùm cây là là mặt suối đứng ngó nghiêng , mặc dù ở khoảng cách gần nhưng cũng chưa ai khẳng định là cái gì , con gì đang nổi lờ đờ cái cục nâu nâu trên mặt nước . Mấy thằng lính HNN dân miền biển bơi thuộc loại siêu của D7 mỗi thằng 1 khẩu AK bơi lại gần xem là cái gì cho đến khi vào sát thật gần còn khoảng 5 7 m cũng vẫn chưa dám khẳng định nó là cái gì và cái vật anh em lôi được vào bờ là cái ba lô của lính , trên nắp ba lô vẫn còn buộc chặt khẩu AK , mở ra trong ba lô có khoảng 300 viên đạn AK rời cùng nhiều thứ khác nữa , khẩu AK rỉ toe rỉ toét với phần gỗ ở báng và ốp che tay mủn hết rồi chỉ cần bấu nhẹ là ra hết .
 Thật vô lý hết sức với sức nặng của khẩu súng và 300 viên đạn AK cùng quân tư trang trong một cái ba lô của lính như vậy sau nhiều ngày tháng nằm dưới lòng suối bỗng chốc nổi lên lờ đờ trên mặt nước . Vậy mà tự nhiên nó nổi lên trước mặt anh em D7 chúng và nó đi ngược lại hẳn mọi định luật của vật lý , chúng tôi tự tìm hiểu và đi đến nhận định về số tài sản này là của anh lính CAVT đã bị chết trôi tại đây hồi tháng 3 4.1979 lúc vượt suối , sau một thời gian nằm dưới lòng suối hôm đó nó nổi lên còn tại sao nó nổi được lên để lính D7 chúng tôi tìm thấy thì ngay chúng tôi có mặt tại đó lúc đó không thể lý giải nổi . Một chút duy tâm , người lính CAVT kia sống khôn chết thiêng anh ấy mừng vui khi chúng tôi đóng quân ở suối Chết Trôi , ngày mai chúng tôi trở ra khỏi khu vực đó anh ấy muốn theo về bên những người đồng đội nên đã tự nổi lên để chúng tôi biết mà mang anh ấy cùng về .
 Phải chăng cái tình của người sống đối với người đã hy sinh cũng có cả cái tình của người đã hy sinh đối với người còn sống , cái tình đó lẩn khuất đâu đây mà mắt thường không nhìn thấy đó là tình đồng đội , chúng tôi luôn ở bên họ và họ cũng luôn ở bên chúng tôi trên từng chặng đường từng bước chân và cả ở từng hơi thở .
 Thằng Bình không biết bơi nhưng lại biết lặn , nín hơi nhảy ùm xuống suối chỗ tảng đá giữa dòng lặn sâu xuống dưới rồi nó xách lên vài khẩu súng nữa cũng rỉ toe toét cả , lính mình trước đây vượt suối mùa mưa đoạn này chắc vất vả lắm lên mới để mất súng như vậy hoặc cũng có thể lính Pốt từng bị hạ ở đây lính mình chưa kịp thu súng thì nó rơi xuống suối .
 Lính chiến có nhiều chuyện lạ đến khó tin đến ngay người trong cuộc cũng thấy khó tin nổi đó là sự thật .
 Sáng hôm đó chúng tôi bắt đầu hành quân ra , súng đạn quân tư trang gọn nhẹ nhiều rồi , bữa sáng ăn xong rồi đi bữa trưa cơm nắm bữa chiều sẽ có cơm nóng anh nuôi nấu nướng dọc đường , lúc này chỉ còn 2 ngày gạo trên lưng đạn 1 cơ số nên chẳng có gì đáng ngại . Chúng tôi đi khoảng đến 10h sáng thì bắt đầu có những anh em sốt rét tụt lại phía sau đội hình , những bước chân chậm dần chậm dần cùng nhiệt độ cơ thể tăng dần tỷ lệ nghịch với những bước chân hành quân , lúc này quân số sốt rét của D7 đến một nửa đội hình , tôi cũng nằm trong số đó , 39,5 độ 40 độ sốt mà vẫn phải đi hành quân là chuyện bình thường , khi cơn lạnh hoành hành cơ thể phải mặc hết 2 bộ quần áo của mình cùng cái áo trấn thủ ngoài cùng quấn cái vải dù tấm đắp mà lê từng bước chân trong cái lạnh run người từ bên trong cơ thể người lính , mắt đỏ ngầu miệng ngậm chặt mà vẫn phải bật ra tiếng rên cho nhẹ bớt cảm giác nóng lạnh đang thiêu cháy từng tế bào thằng lính , ai cũng cố bước cố tự đi tự lo cho bản thân mình vì biết rằng ai cũng như mình cả , anh Phượng đại đội trưởng C2 sau 2h mặt đỏ như gấc vì sốt chuyển qua tái ngắt toát mồ hôi chảy dòng dòng vậy mà vẫn phải lộn sau tiến trước kiểm tra đội hình sợ lính tụt lại , anh Tập CTV cũng lờ đờ từng bước chân nặng trịch bước hơi thở nặng nhọc và mỗi lần qua được con dốc nào đó thì chỉ còn nước đứng mà thở , nhiều người không còn bước nổi nữa báo cáo đại đội thì nhận được câu trả lời hết sức vô trách nhiệm của anh Thao :
- Bây giờ ai cũng ốm hết cả rồi , không còn ai có thể khiêng được ai nữa , thằng nào muốn sống thì tự đi ra , thằng nào muốn chết thì cứ nằm lại .
 Thêm một lần nữa anh em C2 chúng tôi rất bất bình bởi cách nói của CTV phó về chuyện này , bao nhiêu việc khó khăn anh em chúng tôi đồng lòng đều hoàn thành ở chiến dịch tải gạo , anh em báo cáo cán bộ C không phải là để trông chờ ai đó khiêng vác mình đi ra mà muốn báo để cấp trên biết mà bố trí anh em bảo vệ nhau trên đường ra , người khỏe bảo vệ cho người ốm những lúc sốt cao không thể đi được nữa bắt buộc phải nằm lại thì cần người khỏe ở bên cạnh , lúc những người lính cần nhất sự động viên khuyến khích cùng sự quan tâm của cấp trên thì lại nhận được những lời nói có tính thách đố nhau như vậy làm gì lính tráng không điên lên mà có những phản ứng lại . Y tá của C2 thì hy sinh mất rồi đành lấy tạm y tá của D xuống lo chuyện sốt rét của lính nhưng thuốc Quinin cũng chẳng có nhiều để tiêm , nếu có thì lính cũng sợ tiêm thuốc bởi tiêm xong thì làm sao mà đi nổi , tiêm thuốc Quinin sốt rét xong đau lắm bại hết cả một bên mông và thằng y tá lo cho cả lính D bộ cùng lính C2 một mình nó không xuể , ngay chính nó cũng đang sốt rét thì nói gì đến chuyện chữa chạy lo lắng cho ai thêm được .
 Cho đến trưa hôm đó thì lính sốt rét của D7 đi tụt lại đội hình rất nhiều trong đó có tôi , sau những cơn lạnh run cầm cập khoảng 3h đồng hồ liền thì đến nóng , nóng rực người cởi bằng hết quần áo mặc trên người ra rồi toát mồ hôi hạt chảy dòng dòng lúc đó thì chỉ có nằm mà thở mắt trợn ngược nhìn lên ngọn cây chứ đừng nói cử động chân tay hay lê được chân bước đi nữa , sau khoảng 2h như vậy là tỉnh dần và lại khoác ba lô ôm súng hành quân tiếp , lính chúng tôi tụt lại từng nhóm như vậy trên đường đi ra , thằng này bảo vệ cho thằng kia khi cơn sốt đùng đùng ập đến .
 Chiều hôm đó đúng lúc tôi sốt nặng nhất nằm lại bên vệ đường cùng nhóm lính D7 khoảng gần chục người , lúc này thì lộn xộn lắm rồi giữa lính C này C kia trong D7 chẳng còn đội hình gì nữa thì một cáng tử sỹ của lính F339 đi ra cùng chiều với chúng tôi , anh em cáng đến đó cũng dừng lại nghỉ , thường họ rất ít khi nghỉ dọc đường trừ khi trời tối , họ luôn có 3 cặp cáng tử sỹ cùng đi thay nhau cáng tử sỹ trên đường , tử sỹ nằm đó chúng tôi nằm đây mùi tử khí thoang thoảng đưa lại tôi vẫn nhận được ra , mở mắt nhìn tử sỹ tôi thấy thèm được chết như tử sỹ , lúc đó muốn mình được chết đi cho yên thân mình bởi thấy mình khổ quá , cứ nghĩ đến đoạn đường còn lại đến F bộ F339 đã thấy rùng mình rồi nỗi khổ này sẽ còn kéo dài mãi đến bất tận chưa biết bao giờ sẽ có điểm dừng , cuộc chiến tranh này sẽ còn kéo dài tới bao giờ nữa và những người lính như chúng tôi sẽ còn phải tiếp tục gian khổ nhiều hơn nữa , lúc nào cũng chỉ nghe thấy nói đến những khó khăn phải khắc phục chẳng bao giờ được nghe cái gì là thuận lợi cả , luôn là cố gắng cùng cố gắng và lúc này là lúc sức chúng tôi đang cạn kiệt đang tàn lụi ở cái tuổi chưa đến 20 cũng bởi sự cố gắng quá sức . Một chút yếu đuối , một chút mềm lòng nghĩ quẩn vì cái cảm giác bị bỏ rơi khi đang ốm đau nhưng thực tế đã kéo tôi trở lại với đường hành quân ra khỏi rừng Pousat , mình phải sống để đi ra khỏi đây , bên mình còn có anh em khác cũng giống mình , không phải chỉ có một mình mình khổ , anh em khác cũng thế cũng vậy và họ thế nào mình như thế và chúng tôi dìu nhau từng bước đi ra , 5 10 bước chân mà cố được vẫn phải cố , một khúc đường đi được vẫn phải đi cho đến khoảng 5h chiều thì chúng tôi nhóm tụt tạt lại khỏi đội hình D7 đã dứt cơn sốt rét và đi lại được khá hơn . Khoảng 9h tối chúng tôi về đến suối thằng Diễm hy sinh , anh em đơn vị cử người lộn lại tìm đón những thằng sốt rét như chúng tôi tụt lại phía sau đội hình , từ đây ra tuyến ngoài an toàn hơn lính D7 những người khỏe đi ngày hôm sau đã ra đến F bộ F339 nhưng những thằng lính sốt rét như chúng tôi lúc đó đi mất 2 ngày đường , ngày hôm sau chúng tôi cố gắng lắm mới mò ra đến suối cây cầu gỗ đêm hôm đó ở lại , hơn chục người chia nhau dưới lòng suối chẳng ăn chẳng uống gì được bởi chẳng có nồi mà nấu lấy bát cháo chia nhau trong khi ba lô thì có gạo , lính đang ốm cũng chẳng thiết gì chuyện ăn , sáng ra đi sớm đến trưa thì gặp anh em lính F339 đang trên đường hành quân vào thì hỏi mượn nồi nấu cơm ăn được anh em cho luôn cái nồi với lời dặn nấu xong để nồi ở đó khi nào đi ra nữa anh em sẽ ghé lấy lại sau , ăn uống vớ vẩn xong chúng tôi đi ngay và chiều gần tối hôm đó chúng tôi về đến F bộ F339 .
 Thằng Bình chờ tôi bên ngoài F bộ gần ngày trời nó sốt ruột quá khoác súng một mình vòng lại đón tôi trên đỉnh con dốc cách F bộ F339 khoảng 4 5km , khoác hộ tôi cái ba lô nó dìu tôi về đến con suối ngay bên đường nơi mà hơn 1 tháng trước khi đi vào đây chúng tôi đã nghỉ lại một đêm . Cơm gạo dính trắng phau thằng Bình rán lên như miếng cháy cơm nó để phần tôi một miếng , ăn xong ngồi uống nước một lúc thấy tỉnh lại dần , lúc này tôi lại không muốn được chết như tử sỹ nữa , ham sống sợ chết vẫn là bản năng của con người .
 Sáng hôm sau anh Thi tổ chức anh em C2 lên đồi trước mặt ghé thăm mộ thằng Diễm , anh em muốn chia tay nó trước lúc quay ra , anh Thi hôm đó phụ trách khiêng cáng nó cùng công binh hy sinh bên trong suối ra nên biết nghĩa trang của lính F339 , thì ra quả đồi trước mặt chúng tôi với phần phát quang lên dần trên cao kia là nghĩa trang của lính F339 , tôi đang ốm nên anh em khuyên không nên đi để người khác đi được rồi , tôi ân hận mãi chuyện này , giá như mình đừng nghe anh em cứ đi thăm nó một lúc cố gắng đi vẫn được , đành để lần sau vào F339 mới ghé thăm mộ nó cũng được . Anh em C2 đi khoảng 1h đồng hồ thì về , nghĩa trang F339 sau mùa mưa đất sạt lở xuống dưới còn trơ bọc nylon phần chân tử sỹ nổi lên khỏi mặt đất , lính làm công tác tử sỹ mùa này hàng ngày phải đắp lại mộ cho anh em , một quả đồi nhỏ phải phát dần cây đi để lấy chỗ làm nghĩa trang cho lính F339 và lần sau tôi vào thì quả đồi này đã trọc lốc chẳng còn tý cây cối nào nữa .
 Lính F339 chịu đựng ác liệt hy sinh của những trận đánh hướng BG Thái lan và họ cũng chịu đựng bởi bệnh tật sốt rét rừng và ăn uống thiếu chất suốt một thời gian dài , nhiều người đã ngã gục bởi sốt rét ở chốn thâm sơn cùng cốc này . Lính F339 chịu đựng gian khổ ác liệt hơn mức mà chúng tôi từng biết , họ là những người Hùng của cánh rừng Pousat F339 .

D7 chúng tôi được nghỉ lại F339 thêm 1 ngày nữa cho đến sáng hôm sau có xe vào đón đưa ra tuyến ngoài , không gặp không thấy lính D8 và D9 chắc họ ở ngoài gần F bộ nên khi xong việc trước rút ra sớm hơn D7 nên cũng được chuyển ra tuyến ngoài sớm hơn .
 Sáng hôm đó tôi theo thằng Lộc đi vào F bộ F339 , chúng nó rủ vào con suối bên trong tắm rửa nghe nói suối đó sạch lắm nước trong veo còn ngoài này suối đã cạn phải đào sâu xuống thành giếng như ở trong Amleeng mới có nước bẩn toàn lá cây mục , tôi chẳng muốn đi nhưng thằng Lộc cứ lôi đi , nó muốn tôi đi lại cho khỏe người chứ nằm mãi người nó bết ra sốt càng cao càng lâu khỏi , kinh nghiệm tự chữa sốt rét cho mình là không được nằm một chỗ mà phải hoạt động , khi ngây ngấy sốt càng phải ngồi dậy đi lại loanh quanh cho đến khi không còn chịu nổi nữa thì mới phải nằm , khi dứt cơn rồi là phải ngồi dậy tiếp tục đi lại và lúc đó thì ăn khỏe như voi 3 4 bát cơm cũng ăn hết bay , cố mà ăn cho có chất bù lại số hồng cầu trong máu mới bị ký sinh trùng sốt rét phá hủy , hoạt động để tăng sức đề kháng của cơ thể cho cơ bắp không bị teo tóp sau cơn sốt cho máu lưu thông và cho tư tưởng đừng chán nản .
 Nhóm chúng tôi 5 6 thằng đi ngược vào suối trong F bộ F339 , lúc đi ngang cái sân bay trực thăng thì thấy một lính phi công người Liên xô to con lực lưỡng dầu mỡ đầu tay với cái tuốc lê vít cắm ở túi quần sau đang lúi húi chọc chọc ngoáy ngoáy gì đó , gần đó có mấy cái nhà lá và lính QTN VN mình ở đó khá đông . Chúng tôi nhìn nhau .
-Ơ ! Có cả lính Liên xô ở đây chúng mày ơi .
 Tất cả quay ra nhìn tôi chắc chúng nó nghĩ tôi biết tiếng Nga , chúng nó có biết đâu tôi thì lại chúa ghét cái môn ngoại ngữ từ ngày còn đi học phổ thông , cứ giờ ngoại ngữ là trốn hay ngủ gật , học được chữ nào thì học không học được bí quá về nhà hỏi bố , bố tôi tiếng Nga không giỏi lắm nhưng chắc khá hơn cả thày dạy tiếng Nga cho tôi lúc đó , bởi vậy sinh lười ỷ lại không chịu học hơn nữa ngoại ngữ học rồi để đấy thì coi như bằng không quên hết ngay , nhưng tôi cũng kịp nhớ ra vài từ chào hỏi anh lính Liên xô kia , thằng Lộc thấy tôi nói tiếng Nga dở quá nên nói chen vào :
- Úi giời ơi ! Tưởng mày biết tiếng Nga thế nào ? Nói sai bét cả để tao nói cho .
 Thế rồi nó xì xà xì xồ nói chuyện với anh lính phi công Liên xô kia ( chẳng biết có phải phi công lái máy bay không nữa chỉ thấy anh ấy đang sửa cái gì đó còn chưa thấy anh ấy lái máy bay ) , thằng Lộc có vẻ có năng khiếu ngoại ngữ nó nói tiếng Nga khá lưu loát mặc dù chẳng qua trường lớp gì ghê ghớm chỉ là học được từ thời còn đi học phổ thông mà tiếp thu được như vậy là khá lắm rồi , anh lính Liên xô kia có vẻ vui bởi có nhóm lính QTN VN biết tiếng của dân tộc anh ấy , có người nói chuyện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của anh ấy cũng làm anh ấy thấy bớt đi nỗi nhớ nhà nhớ quê hương . Lúc đó chúng tôi mới được biết trên trận tuyến này không chỉ có QTN VN chúng ta mà có cả những người lính QTN Xô Viết cũng cùng kề vai sát cánh chiến đấu cùng ta trong thời điểm khó khăn ác liệt đó .
 Trưa hôm đó về lại sốt xình xịch lại những cơn nóng lạnh đến tê người , lính C2 quá nửa lờ vờ như những người không hồn đi lại trong đội hình dừng chân tìm chỗ chuẩn bị nằm rên ư ử , bệnh sốt rét rừng thật ác bình thường không sao có người còn khỏe đằng khác nhưng chỉ vài phút sau đúng giờ đó là bắt đầu lên cơn sốt rồi , cứ như người giả vờ ốm tư tưởng vậy , mới cười đùa nói chuyện như pháo rang đó vài phút sau kêu ốm ngay được , đã vậy dứt cơn sốt là ăn , ăn bằng 2 bình thường , nhiều người không tâm lý thiếu hiểu biết chưa trải qua cái sốt rét thì ác mồm ác khẩu nói anh em ốm cơm ốm ăn nên đã có những xích mích từ chuyện sốt rét này , nói ẩu như vậy với anh em khi họ ốm đau như thế đâu phải là hay không động viên giúp đỡ thì thôi nói thế khác nào đổ dầu vào lửa , người đồng đội đang ốm nó tủi thân và những lời nói kiểu đó nó luôn để trong bụng chỉ chờ có dịp là nó chẳng nể nang phang thẳng vào mặt thằng nói ẩu nói càn , muốn biết nó ốm thật hay không thì ít nhất cũng sờ thử lên trán nó mà ước lượng xem nhiệt độ của nó lúc đó khoảng bao nhiêu rồi hãy nói , cả người nó lúc đó khác gì cục than hồng ngồi còn chẳng vững thì giả vờ ốm làm quái gì .
 Sáng sớm hôm sau chúng tôi có xe vào đưa ra tuyến ngoài , dọc đường đi vẫn như vậy của hành trình ngược lại trên tuyến đường , lúc sáng sớm lính vẫn khỏe vì thường những cơn sốt của lính phải bắt đầu từ 10h sáng , xe gì tôi không còn nhớ nhưng trên ca bin xe có thể ngồi được 4 người , lái xe 1 và 1 người của đơn vị nào đó đi cùng tôi không biết , anh Phượng và anh Tập cùng vào ngồi trong ca bin xe , lúc đó ca bin xe chật chội lắm nhưng cũng còn hơn đứng ngồi trong thùng xe như lính , anh Tập thấy vướng víu quá nên cởi cái thắt lưng đeo khẩu K54 đưa ra ngoài nhờ tôi giữ hộ , để cùng đống súng trên sàn xe thấy bất tiện nên tôi đeo vào người , anh Thao có vẻ khó chịu khi không có chỗ cho mình cùng ngồi trong ca bin xe .
 Xe chạy qua nhiều đoạn đường khó đi ngả nghiêng hết bên này đến bên kia xóc lắc nhảy tưng tưng trên đường cho tới cầu treo , lại xuống đi bộ qua bên kia đỉnh đồi lại khu Thị xã 5 nhà cho đến khi qua khỏi tới Đèo đá thì cũng đã trên 3h chiều rồi , lúc này thì lính sốt rét gần hết cả trên thùng xe , lính ngồi ngả dựa vào nhau dồn đống không ai còn sức để đứng bám thùng xe nữa chỉ còn vài người khỏe đứng ngay sau ca bin xe và trên trời thì nắng như đổ lửa ai đó úp lên đầu tôi cái mũ cối cho khỏi nắng , tôi thì chẳng mấy khi đội mũ nhưng trong hoàn cảnh có mũ cối cũng đỡ nắng rất nhiều , tôi ngồi giữa đám lính sốt rét dựa vào anh em lúc ngả góc này lúc nghiêng góc kia , xe chạy dồn lính xô ngã đè lên nhau dưới thùng xe , người bi dồn ép ngồi trong cùng kêu oai oái và chẳng còn ai có đủ sức để tự biết mình đang ngả về đâu . Lâu lâu lại một thằng bỗng hét lên vì bị chèn cứng về góc thành xe , rồi súng dựng đó đổ nghiêng ngả đè lên nhau xe xóc xô súng thúc vào người , sau mỗi lần như vậy những thằng lính ốm lại ngồi thẳng lên dựa vào nhau ngay ngắn hơn nhưng chẳng được bao lâu lại xô lại đè vào nhau theo chiều lắc của thân xe hết bên này sang bên kia , chúng tôi như những con chim cánh cụt Nam cực dựa vào nhau trong những cơn bão tuyết . Thế rồi thằng nào đó ngồi trong góc thành xe không thể chịu hơn được nữa vì nó liên tục bị anh em đè người vào theo nhịp xô của xe , nó hét ầm lên trong cơn mê man mệt mỏi :
- Sao chúng mày cứ đè vào tao mãi thế này .
 Rồi nó đạp nó đẩy cố gắng thoát khỏi tình cảnh bẹp ruột do mấy thằng chúng tôi nghiêng ngả ép về phía nó , đúng lúc đó tôi thấy trên đầu tôi có cái gì đập mạnh vào cái mũ cối , giật mình ngước lên mở mắt nhìn thì tiếp theo là một phát nữa đập giữa đỉnh mũ cối , theo cánh tay nhìn lên tôi nhận ra ngay là anh Thao đã dùng tay đấm vào đầu mũ của tôi miệng quát tháo :
- Chúng mày không tự ngồi được hay sao mà toàn đè vào chúng nó .
 Lúc này thì tôi không còn chịu đựng hơn được nữa ở cách cư xử của CTV phó C2 này , nhiều chuyện đã xảy ra tất cả anh em trong C2 đều nhịn , họ nhịn không phải do họ sợ CTV phó mà họ nhịn bởi họ nể mấy năm hơn tuổi quân , nể vì là lớp đàn anh trong đơn vị , tôi cũng nghĩ thế nhưng khi đã động chạm đến cá nhân tôi thì chắc chắn tôi sẽ không nể và bây giờ là lúc tôi không cần nể nang nữa , thu hết sức trước mặt toàn thể anh em C2 lúc đó tôi đứng bật dậy trên thùng xe , điềm tĩnh móc khẩu K54 của anh Tập gửi trong bao da ra tôi trở báng súng đập 2 phát vào mũ cối của anh Thao rồi nói :
- Tôi cảnh cáo anh , nếu lần sau mà động đến tôi thêm một lần nữa thì chắc chắn tôi sẽ không tha anh đâu .
 Anh Thao thì không thể ngờ sự phản ứng gay gắt của tôi đến như vậy nhưng khi thấy tôi kiên quyết thì có vẻ chờn và sau lần đó thái độ hách dịch hống hách coi thường cấp dưới của anh Thao cũng bớt dần , chúng tôi là quân nhân phục vụ quân đội không phải là đầy tớ người ăn kẻ ở nhà anh để anh thoải mái sai khiến hay cư xử bất công cũng phải nghiến răng chịu đâu .
 Xe chạy qua TP 20 nhà rồi ra đến đường QL5 , bỏ lại sau lưng những con đường đất bụi mù đến con đường nhựa ổ gà ổ trâu san sát trên đường , tới đây xe rẽ phải sẽ đi về Udong và về căn cứ Novea của chúng tôi nhưng nó lại rẽ trái , lính chúng tôi lúc này đã đỡ hơn nhiều rồi , tầm này là nhiều thằng đã dứt cơn sốt rét , lính chúng tôi đá mắt nhìn nhau như muốn hỏi :
- Gì nữa đây ? Lại nhiệm vụ gì nữa đây ?
 Xe chạy về hướng thị xã Pousat , một con sông chắn ngang trên đường QL5 và chiếc cầu sắt qua sông , nước sông đỏ ngầu như dòng sông Hồng quê tôi và bên kia sống là thị xã Pousat với những dãy nhà gạch mái ngói xây dựng đã nhiều năm , qua khỏi cầu thì xe rẽ phải chạy dọc theo sông khoảng 500m thì dừng lại , cả D7 chúng tôi xuống xe , đêm nay chúng tôi nghỉ lại đây , dọc bờ sông những luống cây trồng của lính QTN VN rất nhiều , số anh em này đang gánh nước tưới cây họ trồng cây gì chứ không phải rau xanh , họ là đơn vị nào chúng tôi không rõ chúng tôi chỉ tá túc ở đây đêm nay mai đi tiếp chẳng quan tâm làm gì , BCH D7 chọn vị trí dừng chân ở dọc sát bờ sông cho cả đội hình D , cứ đi qua những luống cây lính mình mới tưới vào sát sông rồi tự tìm chỗ nằm nghỉ đêm nay , lính gần như 90% đêm đó nằm đất bởi không có cây mà móc võng , một đêm nằm bụi bờ ven thị xã Pousat .
 Một lần nữa lính rừng về thị xã , chỉ 10 phút sau cái chợ chiều ở trên con đường ngang thị xã Pousat thấp thoáng bóng lính D7 , gạo được mang ra đổi lấy rau xanh chứ lính làm gì có gì để hòng mong có được những thứ xa xỉ khác và lúc đó Pousat hàng Thái lan tràn qua rất nhiều rồi .

Chúng tôi về đến căn cứ của đơn vị tại núi Novea chiều tối 27 tháng Chạp tức là trước Tết Nguyên đán 3 ngày , căn cứ doanh trại đơn vị tang hoang sau gần 3 tháng bỏ trống không người chăm nom , dân K ở phum quanh đó vào tháo dỡ đi một số tấm tôn dựng vách trong những nhà các B , hội trường C bộ và nhà anh nuôi mái lợp tranh thốt nốt bị tốc hàng mảng , mọt tre gỗ dụng lả tả sân thềm cỏ mọc um tùm cột cờ nghiêng ngả .
 Doanh trại đơn vị cần sửa sang lại nhưng ngay lúc này thì không thể nên đêm hôm đó chúng tôi tập trung hết trên hội trường móc võng nằm với nhau , lúc này lính cũng quá mệt mỏi rồi , cũng tưởng đi vắng thì ở nhà có người trông nom cơ sở vật chất của đơn vị để lính đi tác chiến về có cái dùng ngay hay có chỗ nghỉ ngơi sau nhiều ngày vất vả , ai ngờ anh em trông cứ co cụm hết về D bộ nên tất cả những doanh trại khác trong D7 bỏ hoang đó mặc sức cho dân vào phá hay thời tiết mưa gió hoành hành .
 Hiện tại sức khỏe của lính D7 suy sụp trầm trọng và cũng chính ngay đêm hôm đó , cái đêm đầu tiên chúng tôi mới từ Pousat trở về căn cứ thì gần như cả đêm lính vận tải D và anh em khác còn khỏe trong D7 liên tục phải chuyển đi lên viện phẫu C23 những ca cấp cứu do anh em lên cơn sốt rét ác tính , vài anh em đã tử vong trên đường khi đang khiêng cáng chuyển lên viện , súng đạn chưa hạ gục nổi họ nhưng siêu vi trùng sốt rét của cánh rừng Pousat đã hạ gục họ , số khác không chết thì phát điên phát dại gào thét ăn nói lảm nhảm không còn tự chủ được bản thân mình , anh em phải đè xuống lấy đũa ngáng ngang miệng không sợ cắn phải lưỡi , số khác đỡ hơn rét run từng cơn trên võng cố chịu đựng mà tiếng rên vẫn tự bật ra khỏi miệng .
  Người bình thường sốt 39 40 độ C là thấy người nóng như hòn than rồi nhưng đối với chúng tôi lúc đó có người sốt cao đến 41 độ cá biệt có người nhiệt độ cao hơn nữa , không ai có thể chịu nổi sốt ở nhiệt độ 42 độ C nhưng có vài trường hợp sốt ở nhiệt độ 41,5 độ C mà không chết , sức chịu đựng của những người lính chúng tôi phải gọi là phi thường , có thể do sốt nhiều rồi nên thân nhiệt quen bởi vậy khi cơn sốt ác tính đến thì với nhiệt độ đó chưa đủ để quật ngã những người lính .
 Thằng lính sau một đêm sốt rét ác tính nếu không chết thì tỉnh dần vì nó mới từ địa ngục trở về , Diêm vương chê không nhận nó thì nó tự khắc khỏe dần lên , thằng lính sốt rét ác tính khi lên cơn co giật đùng đùng và cái da mặt nó sau một đêm cháy đen như đít nồi rồi vài ngày sau bóc ra từng mảng da mặt đen xì cháy khô và đầu óc nó ngu ngu ngơ ngơ ăn nói lảm nhảm như người mất trí , vài ngày sau ăn uống đầy đủ nó sẽ tỉnh dần khôn ra dần .
 Còn những thằng lính chỉ sốt rét bình thường khác thì sau những cơn lạnh đông cứng tim gan phổi phèo của nó cái lạnh từ trong tận con tim lạnh ra từng cơn từng cơn khiến 2 hàm răng gõ vào nhau còng cọc , miệng nó mím chặt mà vẫn phải bật ra tiếng rên , tiếng rên nó làm cho thằng lính sốt rét thấy nhẹ người hơn , bao nhiều quần áo chăn màn nó quấn hết vào người rồi mê man trong cơn sốt cao cho đến khi sốt nóng , cả cơ thể nó nóng rừng rực nó cởi bằng hết nó đạp ra bằng hết cho đến khi toát mồ hôi , mồ hôi chảy như suối ướt đẫm cơ thể nó và nó tỉnh dần , nó khát nước nó uống ừng ực hàng lít nước vẫn chưa đã cơn khát , người nó dã rời rũ rượi như một bóng ma đầu nó đau như búa bổ cảm giác bộ óc của thằng lính sốt rét khô đến vón hòn vón cục nó long ra khỏi hộp sọ , hơi thở của nó nóng như bếp lò mắt nó đỏ rực , sau đó nó thấy đói và muốn được ăn , ăn để bù lại những gì nó đã mất trong cơn sốt rét , nhiều triệu hồng cầu trong máu của nó mới bị siêu vi trùng sốt rét phá hủy trong cơ thể mà thằng lính không biết và nhiều người lượng hồng cầu trong máu còn lại dưới mức báo động nguy hiểm đến sự sống .
 C2 của chúng tôi lúc đó mất sức chiến đấu gần hết , cả C chỉ có vài người chưa bị bệnh sốt rét quật ngã số còn lại người bị nặng người bị nhẹ hơn , cũng may có người bị nhẹ nên còn có người chăm sóc lẫn nhau khi người này ốm người kia lo hoặc ngược lại còn anh em khác nặng quá thì chuyển lên viện E chữa trị . Sau này chúng tôi mới được biết không phải chỉ có lính D7 bị sốt rét nặng như vậy mà cả E209 của chúng tôi đều chung cảnh ngộ của bệnh sốt rét rừng từ rừng F339 , viện E F đầy cứng lính sốt rét cho đến viện QD4 hỏi đâu cũng thấy lính E209 .
 Chúng tôi chuẩn bị đón Tết ta năm 1979 sang năm 1980 , ngày Tết cổ truyền cấp trên cũng lo cho lính khá đầy đủ , cũng măng khô miến dong , cũng nem cũng thịt , rồi thuốc lá chè khô rượu vài chai cho lính có cái chúc tụng nhau , lính chẳng dám đòi hỏi có từng đó là thấy tốt lắm rồi , anh nuôi cũng chế biến món này món kia cho anh em có cái cải thiện vui ngày Tết nhưng phần lớn anh em ốm đau sốt rét nặng quá không ăn nổi , cái Tết ta thứ 2 chúng tôi ăn Tết trên chiến trường K và mỗi cái Tết là 1 năm qua đi , mỗi năm đơn vị chúng tôi lại mỗi khác .
 Trên D đưa xuống Y tá cho C2 lo chuyện ốm đau của lính , ngoài mấy viên thuốc sốt rét với vài viên thuốc bổ B1 là chấm hết , cùng lắm thì tiêm Quinin cho những người sốt nặng quá và tiêm thì bắt buộc Y tá phải tự tay tiêm cho cho anh em song hình như thuốc Quinin tiêm không có nhiều cơ bản vẫn là thuốc viên dùng uống .
 Đêm giao thừa năm đó đơn vị cũng tổ chức liên hoan cho anh em đón năm mới trên D bộ nhưng C2 ở xa và anh em ốm đau gần hết nên xin tự tổ chức tại hội trường C2 , khoảng 7h tối chúng tôi tập trung về hội trường , anh em cố gắng động viên nhau lên chơi chung vui với nhau dù chỉ là ít phút rồi về nghỉ cũng được gọi là tý chút không khí ngày Tết , có người ốm quá chẳng muốn tham gia nhưng anh em khác thì muốn họ có mặt cho đỡ buồn nên đã mang theo cả võng móc lên giữa những dãy cột ở hội trường cho anh em ốm có chỗ nằm nghỉ mà vẫn tham gia sinh hoạt ngày Tết cùng anh em khác . C2 của chúng tôi là đơn vị rất kém về tiết mục văn hóa văn nghệ , chuyện hát hò thì nói thật là không thể ngửi nổi , chẳng có lấy nổi một giọng ca xuất sắc cấp C , tay đàn lởm khởm nhất thế giới Ban B phó cũng đi vắng khỏi đơn vị và lúc này không ai còn hơi sức đâu mà hát nữa nên sau màn nghiêm nghỉ chào cờ là anh Thao CTV phó chuyển qua tình hình nhiệm vụ rồi chuyển sang thành buổi rút kinh nghiệm chiến dịch tải gạo cho F339 lúc nào không hay , lính tráng chúng tôi ngồi dưới nghe ngán ngẩm lắc đầu với nhau cả , những chuyện chiến đấu với nhiệm vụ chúng tôi nghe mãi rồi , chán lắm rồi giờ đây một chút thời gian sinh hoạt chuyện trò cho bớt chút nặng nề cuộc sống lính thì lại bị ông CTV phó chuyển thể sang hướng nhiệm vụ công tác và cứ cái đà này có lẽ những thằng lính như chúng tôi sẽ thành người máy chiến đấu mất , cũng may anh Tập CTV đại đội mặc dù đang ốm thấy được sự lạc đề trong sinh hoạt đơn vị buổi tất niên lên đã chen vào hướng buổi sinh hoạt đơn vị về đúng vị trí của nó .
 Thôi thì không hát hò gì được thì kể chuyện vậy , anh Tập kể những câu chuyện vui trong đơn vị từ trước kia hay chuyện nhà chuyện gia đình , hướng buổi sinh hoạt như buổi anh em tâm sự chuyện riêng của mình và mọi người tham gia cùng kể chuyện , rồi bình luận nhận xét , có người mang chuyện tiếu lâm ra kể cho vui rồi cùng cười , chúng tôi đã tìm lại được nụ cười sau nhiều ngày vất vả gian khổ cùng ốm đau bệnh tật đó . Sau buổi sinh hoạt đại đội chúng tôi cũng tổ chức sang chúc Tết từng B , anh em chúc nhau những điều tốt đẹp nhất và câu cuối cùng của lời chúc đầu năm bao giờ cũng là : Chúc mày giữ được cái gáo mà trở về , có lẽ điều đó đối với chúng tôi khi đó quan trọng hơn cả .
 Thời gian cứ thế qua đi chúng tôi lại trở về với cuộc sống lính , củng cố đơn vị học chính trị , sửa sang doanh trại đào thêm hầm hố chiến đấu , giao thông hào thông giữa các B , anh em ốm đau cũng khỏi dần và cùng tham gia công tác , chúng tôi có lệnh vừa củng cố đơn vị vừa huấn luyện đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới vừa sẵn sàng chiến đấu .
 Khoảng giữa tháng 3.1980 anh Phượng gọi tôi ra ngoài rồi không cần úp mở anh đi thẳng vào vấn đề cần nói :
- Đơn vị sắp nhận lệnh đi tác chiến , chỉ vài ngày nữa là có lệnh xuống thôi , ngay bây giờ có 2 xuất đi học băng bó cứu thương trên E em có muốn đi học không ? Nếu em đi thì lần này anh đi tác chiến sẽ có nhiều khó khăn hơn nhưng anh muốn cho em lựa chọn .
 Suy nghĩ giây lát tôi trả lời anh Phượng :
- Đi học gì với em cũng được nhưng em đi học mà anh đi tác chiến như vậy em cũng không yên tâm , thôi anh chọn người khác đi .
- Vậy thì trong C mình theo em thì nên chọn ai ? Trên C bộ chọn thằng Việt rồi còn thằng nữa nên chọn thằng nào ?
- Theo em nên chọn Vinh lùn anh ạ , nó vừa nhanh nhẹn vừa là thương binh chưa đủ loại để ra quân công việc băng bó cứu thương trong chiến đấu hợp với khả năng của nó .
 Thật sự là tôi hơi thiên vị Vinh lùn hơn mọi người khác , điều tôi muốn lúc đó không hề xa xôi quá chỉ vì muốn Vinh lùn tránh được chiến dịch truy quét sắp tới , bởi tôi không muốn Vinh lùn phải gian khổ như chuyến tải gạo vừa rồi điều gì tôi giúp được Vinh lùn là tôi làm không cần ai biết kể cả Vinh lùn nếu tôi không nói ra , anh Phượng đã đồng ý với ý kiến của tôi chọn thằng Việt và Vinh lùn đi học cứu thương đợt đó . Chính vì sự lựa chọn này mà tôi cũng không thể ngờ được rằng từ đây 2 chúng tôi không còn được ở gần nhau nữa , sau 3 tháng học cứu thương tại F bộ toàn bộ nhóm lính đi học đợt đó của E209 cùng một số cán bộ nòng cốt khác chuyển hết sang tiểu đoàn dân vận 429 chuyên lo chuyện đi phát gạo cho dân K , họ ăn cùng ở cùng dân K cho mãi đến năm 1982 chuyển về tỉnh đội tỉnh Bến tre QK9 rồi ra quân từ đó . Số anh em này làm công tác dân vận ở những huyện quanh thủ đô Phnom Penh có điều kiện tốt nên cuộc sống khá đầy đủ , Vinh lùn và thằng Việt sau này có vài lần về đơn vị cũ thăm lại chúng tôi .
 3 ngày sau chúng tôi nhận lệnh vào càn quét trong thung lũng Tha Ma băng hướng Am leeng bắt đầu chiến dịch càn quét cuối mùa khô năm 1980 , trước ngày đơn vị đi tác chiến anh Tập CTV C2 được đi nghỉ phép , đây là đợt nghỉ phép đầu tiên cho SQ sau khi có lệnh tổng động viên vào đầu năm 1979 ở sư đoàn 7 bộ binh . Anh Tập phấn khởi ra mặt chuẩn bị đi phép , ngoài nghỉ phép có thêm nhiệm vụ điều tra lý lịch của ai đó bên C3 nữa anh ấy từ ngày nhập ngũ chưa từng nghỉ phép hay bước chân về nhà bao giờ , 6 năm lăn lóc 2 cuộc chiến tranh từ người lính trưởng thành lên làm đến CTV đại đội hôm nay mới có cơ hội được về thăm lại gia đình lòng anh ấy chắc vui lắm , chúng tôi cũng vui lây cùng anh Tập mặc dù vẫn biết chẳng bao giờ những thằng lính như chúng tôi được về phép thăm gia đình cả , chúng tôi không có quyền để ước mơ điều đó bởi chúng tôi chỉ là những thằng lính , chiến tranh ở 2 đầu Đất nước và lệnh tổng động viên đã lấy đi cả cái quyền nhớ đến gia đình người thân của những thằng lính chúng tôi .

Lần truy quét đợt này của D7 chúng tôi trong Amleeng cuối mùa khô 1980 thuộc loại truy quét định kỳ thì phải , các tiểu đoàn bộ binh trong E209 thay nhau vào càn quét , trước khi chúng tôi vào thì D8 cũng mới đi ra khỏi khu vực đó . Đợt truy quét lần này không kéo dài như mọi lần mà chỉ diễn ra chưa đến một tháng , không vất vả luồn sâu như trước kia mà chỉ là càn quét trong rừng Amleeng ngày đi đêm nghỉ , thời kỳ đó khu vực Amleeng gần như không có địch , hãn hữu lắm mới gặp địch lẻ tẻ 1 2 thằng , từ xa chúng phát hiện ra lính mình là lủi mất dạng suốt cả thời gian truy quét đó gần như không mấy khi chúng tôi phải nổ súng .
 Chúng tôi cũng chẳng biết tại sao địa danh có cái tên thung lũng Tha Ma Băng , tôi thì vẫn nhớ rằng trên tấm bản đồ chữ rắn giun đó có thêm chữ viết hệ La tinh và nó ghi như vậy ở điểm giữa dãy núi bên trong Âmleeng và núi Kimry , anh em khác thì nói rằng suốt cả chiến dịch GP Amleeng dân K và lính Pốt chết ở đây nhiều quá nên khu vực này nhiều ma , cả khu vực này là bãi Tha ma và băng là băng giá là sự lạnh lùng , bãi tha ma lạnh lùng cứ hiểu thế lính hay có cách đặt tên cho những địa danh từng đi qua và cũng chỉ có lính mới hiểu được cái chỗ đó tại sao nó tên như vậy . Thôi thì gọi là gì cũng được chỉ biết rằng nó là cái thung lũng khá là rộng nếu đi từ ngã 3 trong của Âmleeng cắt hướng bắc ghé đông khoảng 25 độ đi sâu vào khoảng 30km nữa sẽ tới Thung lũng Tha Ma Băng này , chúng tôi nghe nói sau khi lính F9 và E141 của F7 giải phóng Âmleeng xong thì E141 ở lại xây dựng căn cứ tại đó một thời gian nhưng sau này không còn ở đó nữa .
 Khoảng giữa tháng 4.1980 chúng tôi hành quân từ thung lũng Tha Ma Băng đi ra lúc này bắt đầu mùa mưa rồi , những trận mưa đầu màu lắc rắc rơi trên đầu nhưng không khí vẫn còn nóng và oi bức lắm , ngày thì trời nắng nhưng thỉnh thoảng vẫn có những cơn mưa nhỏ trong cái ánh nắng đó , suốt mùa khô lính chúng tôi đã quá quen thuộc vùng rừng núi này nên chuyện nước uống không có gì đáng ngại nữa , chuyện ăn uống của lính chúng tôi vẫn là không thay đổi và cái chúng tôi thấy thèm được ăn không phải là thịt cá mà lại là rau xanh , nhiều thằng lính chỉ ước mơ được ăn một bữa rau luộc thoải mái , rau gì cũng được miễn là rau xanh .
 Hôm đó chúng tôi nhận được lệnh hành quân ra gấp sẽ có xe chờ đón chúng tôi tại ngã 3 Amleeng ngoài và lúc đó D7 chúng tôi đang ở cách ngã 3 Amleeng trong khoảng trên 10km , 1 ngày để hành quân ra trên 20km thì quá đơn giản đối với lính D7 chúng tôi chẳng có điều gì để phải bàn bạc nữa , sáng sớm chúng tôi bắt đầu hành quân ra lính tráng chúng tôi khá gọn nhẹ nên đi rào rào đi ầm ầm , ai cũng thấy phấn khởi khi biết tin được quay ra kết thúc những ngày càn quét trong rừng buồn như châu chấu cắn , cứ nghĩ đến được về căn cứ là chúng tôi thấy hăng hái hành quân dồn bước không biết mỏi mệt , mưa mặc mưa , nắng mặc nắng , có lúc trời nắng nhìn thằng nào đó đi trước mặt mình vẫn khoác áo mưa trùm kín trong nắng đến là buồn cười , chẳng biết do trời hành hay sao mà hôm đó tôi lại hơi ngây ngấy sốt khi đi ra , có thể do thời tiết nắng mưa thất thường và cơ thể tôi đang yếu không thích nghi kịp nên phát sốt thế này , không nóng lắm nhưng uể oải mệt mỏi của người ốm .
 Khoảng trưa thì có lệnh nghỉ cơm nước rồi hành quân ra , lúc này chúng tôi đã đi qua khỏi ngã 3 Amleeng trong khoảng 3km rồi , từ đây ra đến ngã 3 ngoài còn khoảng 8 9km nữa chẳng đáng là bao nhiêu , khu vực này bên phải đường có một cánh rừng gỗ dầu lớn cây chết khô trơ trụi cành với thân cây trắng pốp dưới những thửa đất khô nứt nẻ chúng tôi biết từ lâu rồi về khu vực này , trước đây chỗ đó là rừng cây nhưng nằm ở chỗ thấp nên sau này Pôn Pốt cho đắp một con đập cắt ngang giữ nước cho màu khô bởi vậy cây rừng chỗ đất thấp bị đọng nước mới chết khô như vậy , nhiều vùng quanh khu vực này chúng tôi vẫn thấy những cảnh đó trên dọc đường hành quân , hôm nay tới đây chúng tôi có lệnh cho nghỉ nấu cơm ăn uống xong mới đi ra tiếp anh em nhanh chóng lao vào đi tìm nước nấu cơm , lúc đó tôi thấy mệt và sốt nên móc võng nằm nghỉ chẳng tham gia những chuyện đơn vị được . 2 hôm trước mùa mưa bắt đầu nên nước mưa cũng bắt đầu dồn về cái hồ cạn kia nằm cách đường vài trăm mét , lần trước chúng tôi đi qua thì cái hồ nước nằm tít xa kia mới có nước lần này sau 2 trận mưa lòng hồ thêm rộng nên mép nước cũng gần , khi ra đến mép nước anh em gọi nhau ầm ỹ cả :
- Rau muống chúng mày ơi .
 Đúng thế thật , rau muống trắng nõn nà với thân cây dài ít lá đang ngoi lên trên mặt nước , hàng bãi rau muống rộng xanh non mơn mởn dài cả 50 60cm thế là lính D7 ào xuống hái hàng ôm rau muống mang về , lính đang háo rau thèm vitamin C gặp rau muống non ngon nõn nà thế này thì quá là đại hạn gặp mưa rào , à mà đúng mưa rào thật , mới mưa đây thôi , mưa xuống nước ở lòng hồ dâng lên và rau muống ở mép hồ sau những ngày nắng nóng mùa khô cây rau chỉ thấp 3 5cm nhỏ tý ti , vậy mà khi mưa xuống nước dâng đến đâu ngọn rau muống mọc dài ra đến đó xanh non mơn mởn .
 Thế rồi trưa hôm đó món rau muống được lính D7 chế biến nào rau muống luộc chấm nước muối bỏ chút bột ngọt cho đậm đà , nước rau luộc thật nhiều để còn đổ vào bình tông cho lính mang theo uống thay nước , món này thì lính quê miền Bắc thằng nào chẳng mê rồi rau muống xào dầu lạc , canh rau muống , nhiều anh em còn hái lấy hàng ôm rau buộc ngang nắp ba lô mang về dùng dần , khi ăn ai cũng khen rau muống non và ngon và hình như có vài người kêu rau muống hơi đăng đắng nhưng vì quá thèm rau xanh nên lính tráng cho qua hết , có mà ăn lúc này là nhất rồi đắng cái gì ? Kêu cái gì ? Lính D7 chúng tôi hôm đó được ăn một bữa rau xanh thoải mái và mỹ mãn chưa từng thấy .
 Tôi lúc đó thì cứ ngây ngấy sốt khó chịu trong người chẳng thiết tha gì chuyện ăn uống , thấy anh em xì xụp chuyện rau muống luộc đấy , thằng đi ra đi vào bốc hàng nắm rau luộc còn bốc khói nghi ngút ăn ngấu nghiến có thấy đấy nhưng cũng dửng dưng thế mới lạ , đúng là khi ốm đau chẳng thiết tha gì chuyện ăn uống lúc khỏe tôi cũng thuộc loại ăn uống vớ vẩn rồi huống hồ lúc đang ốm dở này .
 Ăn uống xong xuôi nghỉ ngơi ít phút thì chúng tôi bắt đầu hành quân tiếp , mới đi khoảng một lúc thì bắt đầu có người kêu chóng mặt buồn nôn , lúc sau nữa có vài người cùng kêu ca như vậy , choáng váng nhức đầu khó chịu mặt hoa , rồi có người lăn quay ra trên đường hành quân mặt mũi tái nhợt , rồi cả D7 báo động ngược xuôi đội hình hành quân tình hình sức khỏe binh lính không biết tại sao lăn đùng ra với nhau cả đám thế này , Y tá các C lúng túng trước tình thế không rõ nguyên nhân này , lúc đầu còn bán tính bán nghi lính bị cảm gió nhưng sau có anh nào đó lính cũ từ thời KCCM trên D bộ chợt nhớ ra rồi kêu trời :
- Thôi chết rồi , rau muống rừng , ăn phải rau muống rừng nên ngộ độc cả rồi .
 Thế là bài thuốc chữa ngộ độc rau muống rừng được một lần nữa phát huy trong đội hình D7 chúng tôi ngày hôm đó , nước đường , cứ đổ nước đường cho những thằng lính ngộ độc rau muống rừng uống , chẳng có thuốc men gì hết chỉ có nước đường là hết cách vậy thôi , cả D7 chúng tôi say rau muống đến 70 80% quân số thì thuốc đâu ra cho đủ , mà thuốc gì , làm gì có thuốc gì lúc này cho từng đó thằng lính say nôn thốc nôn tháo do rau muống rừng .Rau muống rừng nếu muốn ăn phải hái rồi ngắt bỏ hết lá chỉ để lại cọng rồi bẻ ngắn lại bóp dập ngâm nước ít nhất 3h đồng hồ cho nhựa rau muống ra hết rồi đem luộc hay xào nấu vẫn ăn được , có điều không nên ăn nhiều .
 Thế là lệnh của D cho lính D7 dừng lại móc võng nghỉ chờ hết say rau muống rừng thì đi ra , người không say lo chuyện canh gác cho những thằng say nằm đó móc họng nôn , thằng nào nôn ra được thì còn đỡ chứ không nôn ra được mới là khốn nạn cho thân nó . Tôi may mắn thoát nạn vì bị ốm không ăn được cơm hôm đó , cái may giống như hôm D7 ăn cá say khi ở giáp BG Thái lan năm trước .
 Đêm đó D7 chúng tôi phải nằm lại do say rau muống , báo hại mấy ông lái xe chờ bên ngoài ngã 3 Amleeng ngoài được một phen sợ bị địch tấn công , sáng hôm sau D7 chúng tôi mới ra đến ngã 3 ngoài trở về căn cứ kết thúc chuyến truy quét thứ 4 ra vào rừng Amleeng .

___________________

Thợ Cạo st đặt tựa bài tổng hợp từ các chủ đề:
Ngã 3 Chóp - Biên giới Tây nam hướng sư đoàn 7 bộ binh
Mũi chính diện giải phóng Nông pênh 
Mũi chính diện giải phóng Nông pênh - phần 2 
Mũi chính diện giải phóng Nông pênh phần 3 . 
Chiến trường K - Hướng Sư đoàn 7 Bộ Binh (Mũi chính diện... PP - Phần 4)
Theo chân Anh, Tình Nguyện Quân Sư đoàn 7 BB (tt "Mũi chính diện..." - phần 5)

*****

Tìm kiếm Blog này