Tim thông tin blog này:

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Chuyện đồng chí Larry Hillblom


Chuyện đồng chí Larry Hillblom
Kỳ1
Apr 11, 2012 10:05
Blog Phanthehai
Đồng chí Larry Hillblom đã tịch cách đây 17 năm vì tai nạn máy bay và mất xác trên biển Thái Bình Dương. Chuyện chả có gì đáng nói, nhưng vì lúc đó đồng chí là giám đốc hãng chuyển phát nhanh DHL với tổng tài sản cỡ hơn tỷ đô. Hơn thế, đồng chí lại là người có một mớ con rơi ở một số nước mà đồng chí từng đi qua.
Với VN, đồng chí là nhà đầu tư nước ngoài tiên phong bỏ vốn vào khách sạn Novotel và xây sân golf Phan Thiết. Cũng trong thời gian mần ăn ở đây, đồng chí đã để lại một đứa con rơi tên là Nguyễn Bé Lory, người được thừa kế gia tài hàng chục triệu USD.
Tuần trước Nguyễn Bé Lory cùng mẹ là Nguyễn Thị Bé từ Mỹ về thăm gia đình ở tỉnh Bình Thuận thì một lần nữa, chuyện về Nguyễn Bé Lory lại là đề tài nóng hổi. Chuyện không chỉ thuần túy về mặt tình ái mà hơn thế là câu chuyện pháp lý xung quanh quyền thừa kế rất đáng để suy ngẫm.

Nguyễn Bé Lory cùng với mẹ khi vừa sang Mỹ năm 1998. - Ảnh Thợ cạo thêm vào
Đồng chí Larry Hillblom sinh năm 1943 ở California; quán triệt sâu sắc đường lối của Tiệc, và sự ưu việt của nền giáo dục XHCN, đồng chí đồng chí đã tốt nghiệp trường Luật – Đại học Berkeley. Năm 1969, Larry cùng hai người bạn là Adrian Dalsey và Robert Lynn, thành lập công ty chuyển phát nhanh, lấy chữ đầu của tên ba người ghép lại, thành DHL.
Thoạt đầu, DHL dùng máy bay, giao nhận thư tín, các loại giấy tờ, vận đơn của tàu biển đến những cảng, nơi tàu sẽ cập bến. Khi tàu đến, việc bốc dỡ hàng hóa diễn ra rất nhanh gọn bởi lẽ mọi thủ tục đã được hoàn tất từ trước rồi.
Dần dà, DHL trở thành hãng chuyển phát nhanh lớn và nổi tiếng nhất hành tinh với đủ chủng loại – từ cây kim may quần áo đến chiếc xe ủi đất. Bên cạnh đó, DHL cũng là hãng duy nhất có tuyến giao nhận ở Cuba và Bắc Hàn.
Ước tính, vào thời điểm trước khi Hillblom chết, tài sản của DHL vào khoảng 5,7 tỉ USD, bao gồm 420 máy bay chở hàng, hơn 100 tàu biển, 76.200 xe vận tải, 450 kho hàng cùng các bất động sản khác. Trong đó, phần của Hillblom chừng 1,6 tỉ. Với 285 nghìn nhân viên làm việc tại 222 chi nhánh trên toàn thế giới. Mỗi năm, DHL vận chuyển khoảng 1,5 tỉ chuyến hàng.
Đồng chí là một người đam mê máy bay, và đặc biệt, rất thích bay với các loại máy bay cổ điển. Sau những năm 80, khi sự thành công đã lên đến đỉnh cao, đ/c Hillblom bỗng quyết định tôn thờ chủ nghĩa độc thân và quan hệ với phụ nữ theo kiểu mua lẻ, “bóc bánh trả tiền”. Cách sống ấy được những cộng sự và luật sư riêng của đồng chí giữ bí mật. Chỉ sau khi Hillblom chết, cuộc chiến giành quyền thừa kế giữa những đứa con rơi nổ ra, người ta mới biết đ/c Hillblom có cả một chuỗi mai mối ở các nước mà đồng chí đã từng lưu lạc, chuyên cung cấp cho đồng chí những cô gái còn trinh trắng.
Hầu hết những cô này là bồi bàn, hoặc phục vụ trong những quán bar. Thông thường, đ/c Hillblom chỉ quan hệ với mỗi cô trong vòng vài tuần. Sau đó, đ/c cho họ một ít tiền, vài món quà rồi… thay cô khác theo chính sách luân chuyển cán bộ một cách thật thà.
Năm 1982, đ/c Hillblom chuyển đến sống ở đảo Saipan, thủ phủ của quần đảo Mariana, là vùng lãnh thổ thuộc Mỹ nằm ở phía đông Philippine. Tại đây, đ/c trực tiếp điều hành các thương vụ kinh doanh tại quần đảo Hawaii, Philippines. Riêng tại Việt Nam, Hillblom bỏ ra 40 triệu USD để đầu tư cải tạo, nâng cấp khách sạn Palace, Đà Lạt.
Việc đầu tư phải thông qua một công ty của một nước thứ ba vì thời điểm ấy, Mỹ vẫn thi hành lệnh cấm vận với Việt Nam. Cũng chính vì Mỹ quốc chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận nên khách sạn của đ/c đìu hiu, hoạt động lay lắt một thời gian rồi phải đóng cửa.
Như đã nói ở trên, đ/c Hillblom có máu say mê các loại máy bay du lịch. Ngoài mấy chiếc Cessna 4 chỗ ngồi, Beachcraft 8 chỗ ngồi, đ/c còn sở hữu một chiếc thủy phi cơ kiểu Catalina, mà đ/c đặt tên là “Seabee” (ong biển).
Chính chiếc thủy phi cơ này đã vùi đ/c Hillblom cùng một người bạn và viên phi công xuống vùng biển Anatahan vào ngày 21/5/1995, khi đồng chí trên đường từ Saipan đến đảo Pagan để xem núi lửa phun cho thỏa chí tò mò. Vì thời tiết quá xấu nên đ/c phải quay về, nhưng đ/c đã không về đến nhà mà là về với đáy đại dương. Tìm kiếm suốt một tuần lễ, nhân viên cứu hộ chỉ vớt được xác bạn đ/c và viên phi công. Còn đ/c Hillblom thì mãi mãi biến mất.

Kỳ2: Đ/c Hillblom và những đứa con rơi
Apr 12, 2012 5:01 PM
Blog Phanthehai
Năm 1982, khi bắt đầu đến đảo Saipan sinh sống, ở tuổi 40, đ/c Hillblom đột ngột viết… di chúc. Trong di chúc, đ/c để lại toàn bộ tài sản cho Trường đại học UC – San Francisco, California, và tuyệt nhiên không hề có một dòng chữ nào nói về những đứa con rơi ở phần thừa kế.
Ngay cả mẹ đồng chí là bà Helen Anderson cùng hai người anh, em ruột, tên là Grant Anderson và Terry Hillblom cũng được đ/c cho… đi tàu suốt! Tuy nhiên, theo luật Saipan – là nơi Hillblom đăng ký thường trú, thì những đứa con sinh ra sau khi viết di chúc, vẫn có quyền thừa hưởng tài sản của người cha.
Vì vậy, lúc thông tin về cái chết của Hillblom được công bố, có nhiều cô gái ở nhiều nước đã lên tiếng, rằng đồng chí này là cha của con mình. Mẹ cháu bé Mercedita Felliciano cho biết, cô đã bán trinh cho Hillblom với giá 2.200 USD, và kết quả là sự ra đời của đứa con gái.
Mẹ một bé trai khác – tên là Jellian Cuatero cũng khẳng định trong một lần đến quán bar nơi cô làm việc ở Philippines, Hillblom – thông qua một “má mì”, đã ngủ với cô ba đêm, thù lao là một chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng và 1.500 USD.
Riêng cháu bé Junior Larry Hillblom ở đảo Guam thì đặc biệt hơn cả. Hillblom đã ở với mẹ cháu gần 4 tháng, rồi khi cô này có bầu, đ/c đã đồng ý cho cô lấy họ, tên Hillblom để đặt cho con.
Tổng cộng, có tất cả 8 bà mẹ, với 11 đứa con mà bà nào cũng quả quyết con mình là “thứ thiệt”. Thế nhưng, trong tất cả những cuộc tình chớp nhoáng ấy, Hillblom hầu như không bao giờ chụp hình chung với những cô gái mà đ/c đã từng ăn ở, cũng như sau khi chia tay, có lẽ do say sưa hoạt động cách mạng nên đ/c chẳng thư từ thăm hỏi gì nên tất cả các “bà mẹ” đều chỉ có thể chứng minh bằng… miệng mà thôi!
Chính cái mắc mứu này đã khiến giới luật sư được dịp hốt bạc và có thể nói, trong số hơn 200 luật sư ở Saipan, hầu như ông nào cũng dính dáng đến vụ kiện đòi tiền thừa kế.
Để có thể hưởng phần thừa kế, thì phải chứng minh đứa bé mang trong mình dòng máu của Hillblom bằng phương pháp xét nghiệm ADN. Thế nhưng, vì xác của Hillblom không được tìm thấy, nên không thể lấy mẫu tế bào của đ/c này để làm xét nghiệm.
Điều đáng ngạc nhiên là một tuần sau khi Hillblom chết, căn nhà của đ/c ở Saipan đã được ai đó lau chùi rất sạch sẽ. Ngay cả bồn tắm – là nơi có thể tìm thấy những mẩu tóc của Hillblom để phân tích ADN, cũng được rửa bằng axít muriatic (là loại axít có tác dụng phân hủy nhanh chóng tế bào sừng như tóc, lông, móng tay).
Hai chiếc ôtô du lịch của Hillblom cũng thế – nghĩa là được tẩy rửa từ trong ra ngoài. Riêng những vật dụng cá nhân như lược, dao cạo râu, quần áo, bàn chải đánh răng… của Hillblom, lại được chôn trong khu vườn phía sau nhà. Và khi tìm ra, thì chúng không còn phục vụ cho việc xét nghiệm được nữa.
Có giả thuyết nói rằng, do con rơi con rớt nhiều quá, sợ sau này khi Hillblom chết, chúng sẽ tranh nhau gia tài của ông, nên Hillblom đã âm thầm dặn dò một số cộng sự thân tín, rằng nếu chẳng may tịch sớm, thì tất cả những gì có thể giúp cho những đứa con rơi chứng minh được, nó là con của đ/c phải tiêu hủy hết.
Lại có giả thuyết nói, Trường đại học UC San Francisco sợ… mất phần vì phải chia năm sẻ bảy, nên đã mua chuộc những người giúp việc trong nhà, để họ xóa bỏ mọi dấu tích của đ/c Hillblom. Tuy nhiên, vì đ/c Hillblom đã hy sinh, mà người chết thì không nói nên giả thuyết mãi mãi vẫn chỉ là giả thuyết mà thôi.
Giới luật sư quyết không chịu thua bởi lẽ nếu thắng kiện đòi thừa kế, thì họ là một trong những người vớ bẫm nhất. Thậm chí, họ còn trả tiền để điều tra xem túi đựng rác của nhà Hillblom là những túi nào, rồi thuê người ra bãi rác, bới tung lên, hòng kiếm một mẩu móng tay của Hillblom, cũng như dò hỏi những tiệm hớt tóc mà Hillblom hay lui tới, xem lần cuối cùng đ/c cắt tóc là lần nào.
Sau nhiều ngày mò mẫm, họ biết trước kia đ/c Hillblom từng bị tai nạn, và đã từng vào bệnh viện của Trường đại học UC San Francisco để cấy ghép da mặt. Qua nhiều lần thương thảo, Trường UC đồng ý cho họ tiến hành lấy mẫu ADN trên mẫu da mặt của Hillblom mà trường vẫn còn bảo quản, mặc dù điều này có thể khiến UC mất đi một phần tài sản mà Hillblom đã tặng cho trường nếu nó chứng minh được rằng Hillblom có con rơi. Bên cạnh đó, giới luật sư còn ra sức thuyết phục mẹ và anh, em của Hillblom cho họ lấy mẫu ADN nhưng đã bị từ chối.
Sau khi phân tích ADN từ mẩu da mặt được cho là của Hillblom, rồi đối chiếu với ADN của hai đứa bé là Jellian Cuartero và Junior Larry Hillblom, thì hóa ra nó lại không trùng khớp. Như vậy, một là mẩu da ấy không phải của Hillblom và hai là hai đứa bé kia, chẳng đứa nào là con rơi của ông tỉ phú.
Lần này, cánh luật sư phải nhờ đến một chuyên gia hàng đầu thế giới về di truyền là Giáo sư – tiến sĩ Brener, và ông đưa ra một giải pháp: Đó là so sánh ADN của những đứa bé – được cho là con rơi của Hillblom với nhau. Mặc dù những người phụ nữ đã từng chung chạ với Hillblom ở nhiều quốc gia khác nhau, nhưng nếu những đứa con của họ – là cùng một ông bố, thì ADN của nó cũng sẽ phải giống nhau.
Tất cả những việc ấy, đều không qua khỏi con mắt của bà Helen Anderson – là mẹ ruột Hillblom. Có lẽ sợ… mất phần – mặc dù thực tế thì trong di chúc, bà chả có phần gì – cuối cùng bà Helen đồng ý cung cấp mẫu ADN của bà cho phòng xét nghiệm. Đổi lại, bà được 1 triệu USD cùng một ngôi biệt thự xây theo kiểu Pháp, trị giá cũng khoảng triệu rưỡi USD.
Kết quả cho thấy trong số hàng chục đứa “con rơi” đòi quyền thừa kế, thì chỉ 4 đứa là “con thật” của đồng chí Hillblom đáng kính. Đó là Jellian Cuartero, Mercedita Felliciano, Junior Larry Hillblom và Nguyễn Bé Lory.

Kỳ3: Vị đắng có hậu của mối tình với Hillblom
Posted on 15/04/2012 by Doi Thoai
Apr 15, 2012 12:46
Blog Phanthehai
· Kỳ2: Đ/c Hillblom và những đứa con rơi
· Chuyện đồng chí Larry Hillblom
Đồng chí Larry Hillblom gặp Nguyễn Thị Bé năm 1993, lúc ấy cô mới 18 tuổi. Sau nhiều lần đến Phan Thiết, đ/c Hillblom quyết định đầu tư vào khách sạn Vĩnh Thủy, theo hình thức hợp tác liên doanh và bỏ thêm vốn nâng cấp nội thất biến nó thành khách sạn Novotel như hiện nay.

Bên cạnh đó, đồng chí còn cho xây dựng một sân golf 18 lỗ chỉ nhằm để thỏa mãn thú chơi golf của mình. Sân golf này có thời được đánh giá là sân golf đẹp nhất châu Á. Hiện giờ sân đã được xã hội hóa đông người chơi nhưng hồi mới ra đời, chủ yếu chỉ phục vụ cho nhu cầu của Hillblom, mỗi năm đồng chí tạt qua vài ba lần giao lưu với bạn hữu ở đó, bỏ ra một số tiền để bảo dưỡng mặt cỏ để năm sau quay lại.
Tại khách sạn Vĩnh Thủy – nơi Nguyễn Thị Bé làm công, đ/c Hillblom đã để mắt đến cô và kết quả là Nguyễn Bé Lory ra đời. Nhưng cũng như mẹ của Jellian Cuartero, Mercedita và Junior Larry Hillblom, Nguyễn Thị Bé sau khi mang thai Nguyễn Bé Lory, thì Hillblom không hề có một lời thăm hỏi, chứ đừng nói gì đến chu cấp tiền bạc.
Lúc đó, Nguyễn Thị Bé chỉ là lao động hợp đồng theo thời vụ, khi bầu bí càng to, khách sạn không thuê cô nữa, đành ngậm ngùi về quê, kiếm một căn lều rách nát nương thân. Trở về quê để tránh búa rìu dư luận vì theo Tây có thai ngoài giá thú, nhưng cô Nguyễn Thị Bé không thể trốn mãi trong căn chòi lá rách nát. Dù bụng mang dạ chửa, Bé vẫn phải ráng ra đồng đi gặt, đi làm cỏ mướn để kiếm ăn.
Trong lúc mang thai, Nguyễn Bé không có tiền để mua sữa uống, ăn cơm với rau mắm qua ngày, thịt cá cũng chỉ là giấc mơ. Cuối năm 1994, dẫu bà mẹ thiếu dinh dưỡng thằng cu vẫn ra đời nặng gần 4 kg. Bà mụ vườn soi ngọn đèn dầu leo lét cắt rốn, vỗ đánh đét vào mông đứa bé khiến nó khóc ngằn ngặt rồi reo lên: “Một thằng Mỹ lai, mày đặt tên nó là gì?”. Ôm đứa con trai kháu khỉnh vào lòng, Bé ứa nước mắt ghép tên của mình và người tình tỷ phú.
Nhưng khi đi làm khai sinh cho cháu, lóng ngóng thế nào cha cô ghi lộn chữ Larry thành Lory. Cái tên Nguyễn Bé Lory ra đời từ đó. Thằng bé trổ giò lớn nhanh như thổi. Nó có khuôn mặt tựa người cha điển trai nhưng lại thừa hưởng mái tóc đen mượt của mẹ.
Nghe tin Bé sinh con, một người bạn của cô đã đến chụp cô Bé và Lory ba kiểu ảnh và gửi lên Đà Lạt cho người thân cận chuyển đến Larry. Nhờ những tấm ảnh này, tỷ phú Larry mới biết mình có con rơi ở Việt Nam .
Năm 1995, khi thằng bé chưa đủ tuổi thôi nôi, một thanh niên tên H. ở Phan Thiết đến làm thuê ở Tân Xuân xót thương hoàn cảnh của cô Bé đã ngỏ lời cầu hôn. Đối với Bé đó là mối tình đầu đời của cô dù cả hai đều là những người cùng khổ. Anh H. dọn về ở chung trong căn chòi lá với Bé ở Tân Xuân và hai người cũng sống với nhau không hôn thú.
Tuy nhiên, cuộc sống của họ thật sự hạnh phúc dù mỗi ngày phải làm thuê đong gạo ký. Bé Lory gọi anh H. là cha và nó luôn quyến luyến, nũng nịu đòi cha bắt dế, bắt chim mỗi chiều khi anh H. đi làm đồng về. Nó hoàn toàn không có thứ đồ chơi nào mà chỉ biết vọc cát quanh nhà. Thế nhưng căn nhà lá trống trước hụt sau vẫn đầy ắp tiếng cười của thương yêu.
Khi bé Lory giáp thôi nôi, cả cô Bé và Lory đều không biết rằng cha nó – tỷ phú Larry Hillblom sắp có một chuyến bay cuối cùng. Cũng chính từ biến cố của chuyến bay tử thần này đã làm thay đổi cuộc đời của mẹ con cô Bé.
Cái chết của tỷ phú Larry Hillblom lúc đó cũng chưa có một ảnh hưởng nào đến cậu nhóc Nguyễn Bé Lory lẫn mối tình nghèo của Bé và anh H. Năm 1996, Bé sinh cho anh H. một đứa con gái bụ bẫm và đặt tên là Nhung.
Một đêm hè 1996, khi Lory vừa lên hai tuổi thì có một nhóm người Tây + ta đi xe hơi bóng lộn xuất hiện tại căn nhà lá. Lory được đưa cho túi đồ đắt tiền nhưng lạ thay nó không buồn nhận mà như ý thức được điều gì đó nên khóc thét và ôm chặt người cha dượng.
Ngay sau khi biết chính xác Nguyễn Bé Lory là con ruột của Hillblom qua kết quả xét nghiệm ADN, hai luật sư John Veaque và Garrick Gallager đã làm thủ tục, đưa mẹ con Nguyễn Thị Bé và Nguyễn Bé Lory ra khỏi Việt Nam để đến sinh sống ở một thành phố nhỏ thuộc miền Đông nước Mỹ.
Cho đến nay, giới luật sư đã lấy ra từ tài khoản của Hillblom 25 triệu USD. Tổng số tiền mà 4 đứa “con thật” của Hillblom sẽ được hưởng là 300 triệu USD, nhưng họ chỉ thực nhận mỗi người 30 USD triệu vì phải nộp thuế liên bang và thuế lợi tức. Riêng Bệnh viện UC San Francisco được 200 triệu USD.
Hiện tại, mỗi tháng mẹ con cô Nguyễn Thị Bé được nhận từ ngân hàng 5.000 USD để tiêu dùng. Khi Nguyễn Bé Lory đủ 18 tuổi – nghĩa là vào năm 2013, mẹ con cô sẽ được lĩnh tổng cộng 60 triệu USD (bao gồm cả tiền thừa kế chính thức cộng với lãi ngân hàng).
Có lẽ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ – và một số quốc gia khác, thì Nguyễn Bé Lory là người giàu nhất. Nói chung, ai cũng mừng cho mẹ con cô Nguyễn Thị Bé với một hậu vận tốt đẹp. Nhưng – vẫn là một chữ nhưng, nếu đến lúc này mà Larry Hillblom vẫn còn sống, thì chẳng hiểu đời Bé Lory cùng Jellian Cuartero, Mercedita Felliciano, Junior Larry Hillblom – và có thể sẽ còn có thêm những đứa bé khác, sẽ như thế nào?
Chuyện về những đứa con rơi của nhà tỉ phú Larry Hillblom chưa phải đến đó là chấm dứt. Mới đây, một phụ nữ có tên Sally Bauer lại gửi đơn khởi kiện lên Tòa tối cao Saipan , đòi quyền thừa kế cho 2 đứa con – mà Bayer khẳng định đó là con của Hillblom. Theo lời Bauer, chỉ đến khi cô xem tivi nói về Larry Hillblom và về chuyện thừa kế, thì lúc ấy cô mới biết Hillblom đã chết.
Phát biểu với báo chí, một luật sư của Bauer là ông Antonio M Altalig, cho biết: “Đây không chỉ là sự đòi hỏi công bằng cho bà Bauer, mà là cho hai đứa trẻ. Chúng có quyền được biết ai thật sự là cha chúng, và trong thâm tâm của chúng, cha chúng là ông Larry Hillblom”.
Dẫu đã tịch cách đây 17 năm, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Larry Hillblom là vô cùng phong phú và chuyện về những đứa con rơi cũng thú vị không kém. Khi không còn trên cõi đời này nữa thì chủ đề về đ/c vẫn là đề tài hấp dẫn với báo chí.
LVZ
(tổng hợp từ các nguồn)


Tìm kiếm Blog này