Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

Tài liệu: Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam tại K (V)

Trên cơ sở những kết quả giúp Bạn đã đạt được trên các mặt công tác, ngày 14 tháng 7 năm 1982, Bộ Quốc phòng chỉ đạo rút một bộ phận Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia về nước. Đây là đợt rút quân đầu tiên theo Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ba nước Đông Dương lần thứ 6 diễn ra từ ngày 6 đến ngày 7 tháng 6 năm 1982 tại thành phố Hồ Chí Minh). Sư đoàn bộ binh 317 (Quân khu 7) và một số đơn vị hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia - được lệnh trở về Tổ quốc đã được Nhà nước Cộng hoà nhân dân Campuchia và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng nhiều phần thưởng cao quý1.
------------------------------------
1. Từ tháng 3 năm 1979 đến tháng 7 năm 1982, Sư đoàn 317 đánh 2.342 trận lớn nhỏ, loại khỏi chiến đấu 5.935 tên; giúp Bạn xây dựng 5 huyện, 79 xã, 669 ấp. Sư đoàn được Nhà nước Cộng hoà nhân dân Campuchia tặng Huân chương Bảo vệ hạng Nhất, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Quân công hạng Nhất. 244 tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công các loại.
--------------------------

Nhân chứng, tư liệu bổ sung:
@Kon Tiahien - F317: Trong hình này là Dũng Tây (khác với Dũng Tây F5, sẽ nói ở sau) chộp lúc chưa bị mất 1 chân. Vào chính ngày hành quân ra nơi tập kết để trở về VN(tháng 7-1982), Dũng Tây đạp mìn ở giữa đội hình khoảng 5 h sáng. Đi kế là Trí bị 1 miểng gần con mắt trái, đi kế nữa là Tiahien thật may mắn nên bình yên vô sự. Dũng Tây phải ở lại 7E điều trị và về nước sau. Tội nghiệp nó không được bắt tay trực tiếp với Bu Thoong (Bộ Trưởng QP của bạn , Đại sứ Ngô Điền và các tướng lĩnh K ra chào tạm biệt tại quảng trường Xiêm Riệp ngày hôm đó)
 
 
(lược 1 đoạn nói về Bộ Quốc phòng quyết định chuyển Trường 481 thuộc Đoàn 478 về trực thuộc Bộ Quốc phòng. Bộ ủy nhiệm cho Bộ tư lệnh 719 quản lý, chỉ huy và chỉ đạo Trường 481 về mọi mặt. …)

Trên cơ sở nhiệm vụ đã được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương giao, căn cứ điều kiện và tình hình thực tế trên chiến trường những năm 1981 - 1982, Bộ tư lệnh 719 đề ra ba nhiệm vụ , trong đó nhiệm vụ “giúp cho Bạn mạnh dần lên trên các mặt, đủ sức đấu tranh với địch, bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng, xây dựng đất nước” được xác định là nhiệm vụ then chốt cơ bản nhất.

Theo phương hướng đó, bên cạnh việc tiếp tục kiện toàn các đoàn quân sự, các tiểu đoàn địa bàn, tạo điều kiện để Bạn chủ động trong tác chiến, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam trên các mặt trận đã giành nhiều thời gian huấn luyện cho Bạn.

Phương châm huấn luyện nâng cao hiệu suất chiến đấu của phân đội nhỏ, nâng cao trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng cấp tiểu đoàn, trung đoàn, giúp Bạn xây dựng thế trận bảo vệ biên giới, chủ động đánh địch trong nội địa luôn được chỉ huy các mặt trận, các đoàn chuyên gia quân sự quán triệt sâu sắc và vận dụng linh hoạt phù hợp với điều kiện từng chiến trường. Các đợt tập huấn về cách đánh, về phát động quần chúng tham gia xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng thu hút đông đảo quần chúng tham gia.



Từ chỗ “ta, Bạn cùng làm” dần dần chuyên gia ta đã giúp cho Bạn trưởng thành, tự 1àm một phần kế hoạch, tự triển khai lực lượng và đảm nhiệm tác chiến trên từng hướng, từng khu vực, từng bước vững chắc, đẩy địch vào thế khó khăn suy yếu. Các kế hoạch tạo ra hai vùng, hai chính quyền trên lãnh thổ Campuchia của địch liên tiếp bị thất bại làm cho cục diện chiến trường đi vào thế ổn định, an ninh chính trị được giữ vững, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã góp phần tạo ra so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho các lực lượng cách mạng Campuchia.

Đến năm 1982, ta đã giúp Bạn xây dựng 2 binh đoàn, 2 sư đoàn, 12 tiểu đoàn binh chủng, 33 tiểu đoàn bộ đội tỉnh, 135 đại đội bộ đội huyện, 3 tiểu đoàn biên phòng, 13 trường đào tạo cán bộ cơ sở sơ cấp và trung cấp với tổng quân số 52.214 người (trong đó có 6.000 cán bộ). Vừa xây dựng phát triển bộ đội chủ lực, ta vừa xây dựng cho Bạn một đội ngũ cán bộ cơ sở rộng khắp với 184 đội công tác (11.507 người) và hơn 128.000 dân quân tự vệ xã ấp, góp phần thiết thực bảo vệ chính quyền cách mạng. So với trước ngày Tổng tiến công giải phóng Campuchia thì lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia, qua hơn 3 năm xây dựng đã có sự lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng và chất lượng[1].

Cùng với việc giúp Bạn xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Campuchia còn đồng thời triển khai nhiệm vụ cứu đói, giúp nhân dân Campuchia ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất.

Nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, chia sẻ và cảm thông sâu sắc với những khó khăn của nhân dân Campuchia, cán bộ, chiến sĩ ta hoạt động trên chiến trường Campuchia đã nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, tạo mọi điều kiện giúp đỡ nhân dân các địa phương nhanh chóng ổn định đời sống, phát triển sản xuất. Quân đoàn 4 là lực lượng nòng cốt trong việc triển khai giúp 1,2 triệu dân ba tỉnh Kanđan, Côngpông Chnăng, Puốcxát và 7 vạn dân huyện Mung (tỉnh Báttambang). Bộ tư lệnh Quân đoàn đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực giúp nhân dân thoát khỏi nạn đói. Những ngày đầu đất nước Campuchia mới giải phóng, các kho lương thực của chế độ Pôn Pốt đều trống rỗng, lương thực trong dân bị tàn quân Pôn Pốt chạy qua cướp sạch. Công tác vận chuyển đảm bảo hậu cần của Quân đoàn gặp không ít khó khăn do địch đánh chặn giao thông, khẩu phần ăn bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ phải tính toán từng ngày. Mặc dù vậy nhiệm vụ cứu đói cho dân vẫn được cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thực hiện kịp thời với nhiều biện pháp thiết thực. Trong khi vận chuyển từ phía sau chưa lên kịp, bộ đội tình nguyện nhường bớt khẩu phần ăn hàng ngày để cứu dân. Sư đoàn 7 cử các tổ cứu đói giúp nhân dân ba huyện thuộc tỉnh Kandan. Sư đoàn 9 thành lập các tổ công tác mang gạo và thuốc chữa bệnh giúp nhân dân tỉnh Côngpông Chnăng. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341 nhịn ăn bữa sáng để giúp nhân dân huyện Mung. Sư đoàn 339 mỗi tuần một lần chở gạo xuống giúp nhân dân huyện Lếch. Các đoàn 24, 25, 71 quyên góp gạo tiết kiệm hàng ngày gửi giúp nhân dân các huyện còn lại của tỉnh Kanđan.
-------------------------------------
1. Trước ngày Tổng tiến công giải phóng Campuchia khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt, các lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia mới có 21 tiểu đoàn, 5 đại đội, 69 đội công tác với tổng quân số 4.890 người, trong đó có 316 cán bộ.

Kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ công tác của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự các mặt trận 579, 779, 979 đi sâu xuống các bản làng với tinh thần “viên thuốc chia đôi, bát cơm sẻ nửa”, chịu đựng mọi gian khổ hy sinh, vượt qua mọi sự rình rập, phá hoại của kẻ thù để giúp nhân dân các địa phương khắc phục nạn đói, dịch bệnh đang lan tràn. Ở các phum, sóc xa xôi, do địch đánh phá, vận chuyển lương thực gặp khó khăn, nhiều gia đình phải ăn củ mài, củ chuối thay cơm, cán bộ, chiến sĩ ta đến công tác đã san sẻ cả khẩu phần ăn rất ít ỏi của mình để giúp dân.

Cháu Xa Văn Ni lên 8 tuổi được y tá Chu Trọng Tố thuộc đại đội 10 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 141 Sư đoàn 7 cứu sống trong tình trạng đói lả hấp hối chờ chết. Hàng trăm cháu khác ở trong tình trạng tương tự được các cán bộ, chiến sĩ các mặt trận 479, 579, 779, 979 đem về nuôi dưỡng ở các trại mồ côi. Được chia sẻ những lon gạo, những viên thuốc trong lúc cái chết đã kề bên, nhiều người dân Campuchia ghi lòng tạc dạ sự giúp đỡ chí tình của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam. Càng hiểu sâu sắc những phẩm chất tốt đẹp của người tính cách mạng, của Bộ đội Cụ Hồ, bà con càng tin tưởng ủng hộ bộ đội Việt Nam. Bà Bun Mi ở phum Chom, huyện Kiri sau khi 7 người trong gia đình được cứu khỏi chết đói, đã đến đội công tác xin cho hai con được đi theo bộ đội Việt Nam. Nhiều gia đình ở huyện Lếch, huyện Mung vận động chồng con trước đây là binh lính, sĩ quan trong quân đội Pôn Pốt ra trình diện chính quyền cách mạng.

Không chỉ giúp Bạn trong những vấn đề cấp bách trước mắt, Đảng và Nhà nước ta còn chỉ đạo Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự phối hợp chặt chẽ với chuyên gia các bộ, các ngành tích cực giúp Bạn trên tất cả các lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực văn hoá giáo dục, đến năm 1982, ta đã hoàn thành 37 hạng mục công trình văn hoá giúp Bạn, Hai bên đã ký kết các hiệp định về đào tạo chuyên gia kinh tế, văn hoá, theo đó năm 1982, ta giúp Bạn đào tạo 374 chuyên gia (dài hạn 88, ngắn hạn 286), đáp ứng được yêu cầu của Bạn. Năm 1982, ta nhận đào tạo cho Bạn được 409 học sinh, sinh viên (gồm trên đại học 13, đại học 127, trung học 127 và phổ thông 142).

Ngoài ra, các trường chính trị hàng năm nhận khoảng 800 người, quốc phòng - an ninh 1.000 người. Chuyên gia ta giúp Bạn đào tạo tại Campuchia 1.500 sinh viên, 1.000 trung cấp, sơ cấp các ngành kỹ thuật và hàng ngàn cán bộ học bổ túc văn hoá trong các lớp nghiệp vụ ngắn hạn. Ta đã đón 17 đoàn cán bộ các ngành của Campuchia sang học tập, trao đổi kinh nghiệm trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả giúp Bạn, ngày 15 tháng 11 năm 1982, Bộ Quốc phòng ra chỉ thị về kiện toàn các đoàn chuyên gia quân sự giúp các sư đoàn bộ binh Campuchia, đồng thời hoàn chỉnh biểu biên chế Đoàn chuyên gia quân sự của Bộ Quốc phòng ta giúp Bộ Quốc phòng Campuchia. Trong thời gian này, các đoàn chuyên gia của các tổng cục, quân chủng, binh chủng sáp nhập đầu mối về trực thuộc Đoàn chuyên gia quân sự 478.

Từ ngày 18 đến ngày 23 tháng 12 năm 1982, nhận lời mời của Bộ Quốc phòng nước ta, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao nước Cộng hoà nhân dân Campuchia do đồng chí Bu Thoong, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu thăm hữu nghị chính thức nước ta. Trong buổi làm việc ngày 23 tháng 12 tại Hà Nội, đại diện hai Bộ Quốc phòng đã ký văn kiện hợp tác giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội nhân dân cách mạng Campuchia.



Đánh giá về hoạt động của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam ở Campuchia năm 1982, Bộ tư lệnh Quân tình nguyện (719) khẳng định: “Bộ đội ta phối hợp chặt chẽ với chuyên gia các ngành đã giành được những thắng lợi quan trọng, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố và phát triển thành quả cách mạng... Lực lượng cách mạng Campuchia được củng cố một bước về chất lượng. Một số đơn vị Campuchia có khả năng chiến đấu và hoạt động tốt”[1]. Những thành tựu đó đã giúp Bạn xây dựng lực lượng, củng cố chính quyền, ổn định đời sống, phát triển sản xuất, làm cho tình hình chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế, văn hoá, xã hội của Campuchia được cải thiện và có bước phát triển vững chắc, góp phần vào việc củng cố khối liên minh chiến đấu đặc biệt ba nước Đông Dương ngày càng vững mạnh.

Trong hai năm 1981-1982, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hoạt động trên đất Bạn trong hoàn cảnh rất nhiều khó khăn thử thách: tàn quân địch còn đông, nhiều tổ chức phản động ở cả trong nước và nước ngoài phối hợp hoạt động chống phá ta ráo riết ở khắp nơi; chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang bạn còn non trẻ, chưa đủ sức bảo vệ thành quả cách mạng. Vượt qua mọi khó khăn gian khổ, Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ chiến đấu truy quét, tiêu diệt tàn quân địch với nhiệm vụ bảo vệ vùng giải phóng, củng cố, phát triển lực lượng vũ trang, bảo vệ chính quyền cách mạng. Đến năm 1982, ta đã cơ bản thực hiện được mục tiêu “ta, Bạn cùng làm”, “ta một, Bạn một”, đã rút một phần Quân tình nguyện Việt Nam về nước và nỗ lực phấn đấu theo hướng “Bạn hai, ta một” để Bạn tự đảm đương phần lớn nhiệm vụ xây dựng phát triển lực lượng vũ trang, bảo vệ vùng giải phóng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng. Đây là cơ sở quan trọng để Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hoạt động có hiệu quả hơn trên chiến trường Campuchia những năm tiếp theo.
-----------------------------------------
1. Nghị Quyết số 210A-NQ ngày 26 tháng 10 năm 1982 của Bộ Tư lệnh 719, Lưu trữ văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 7.

2. Phối hợp với Bạn tiến công, tiêu diệt các căn cứ dọc biên giới phía Tây, truy quét tàn quân địch.

Sau thất bại nặng nề về quân sự trong hai năm 1981-1982, bước sang năm 1983, địch âm mưu đánh chiếm và kiểm soát một vùng gắn liền với biên giới Thái Lan nhằm tạo nên hình thái “2 vùng, 2 chủ lực, 2 chính quyền”. Chúng chủ trương đưa chiến tranh vào nội địa, giành dân, xây dựng lực lượng phản động ngầm hòng làm cho tình hình Campuchia mất ổn định, gây bạo loạn, cướp chính quyền ở từng khu vực, từng bước tiến tới thực hiện âm mưu cơ bản xoá bỏ Nhà nước Campuchia.

Được sự giúp đỡ của Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam cùng đội ngũ cán bộ, chuyên gia dân, chính đảng từ Trung ương và các địa phương của Việt Nam, đến năm 1984, các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội của Campuchia đã đạt được những thành tựu đáng kể. Về kinh tế, (lược bớt 1 đoạn…)

Nền sản xuất công nghiệp được phục hồi, hàng trăm nhà máy, xí nghiệp đã khôi phục và xây dựng mới. (lược bớt 1 đoạn …)
Về quân sự, (lược bớt 1 đoạn …)

Trước tình hình địch vẫn ngoan cố dựa vào sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài, tập trung lực lượng chống phá ác liệt cách mạng Campuchia, ngày 15  tháng 2 năm 1983, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia ra Nghị quyết số 39/NQ-TW “Về điều chỉnh tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang (1983-1986)”. Nghị quyết xác định ba mục tiêu chiến lược của cách mạng Campuchia:

“1. Tiếp tục làm cho Pôn Pốt tan rã, suy tàn hơn nữa.

2. Tiếp tục xây dựng thực lực cách mạng Campuchia mạnh hơn lên cả về số lượng và chất lượng, đủ sức đảm nhiệm cuộc chiến đấu thắng lợi với mọi kẻ thù, bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng, bảo vệ và xây dựng đất nước.

3. Bảo đảm đoàn kết liên minh chiến lược, chiến đấu Campuchia - Việt Nam trên một thế vững chắc hơn và mạnh hơn”[1].

Trên cơ sở 3 mục tiêu chiến lược của cách mạng Campuchia, nghị quyết xác định mục tiêu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia từ năm 1983 đến năm 1986 phải nhanh chóng có số lượng quân chủ lực và quân địa phương khoảng 12 vạn, tổ chức thành 8 sư đoàn, 20 trung đoàn bộ binh, 7 trung đoàn binh chủng, 15 tiểu đoàn bộ binh, 300 đại đội bộ binh và khoảng 15 vạn dân quân du kích.

Để bảo đảm tiến độ xây dựng tuyến phòng thủ chất lượng tốt và vững chắc, Bộ Chính trị Campuchia chủ trương tổ chức một số đơn vị hỗn hợp, gồm cả lực lượng Campuchia và Việt Nam. Ở các sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn chính quy và đơn vị binh chủng kỹ thuật, yêu cầu Quân đội nhân dân Việt Nam tăng cường cho một số cán bộ mà Campuchia chưa có điều kiện đào tạo, bồi dưỡng. Ở các huyện và tỉnh, nếu thấy cần thiết tăng cường cho một số cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm về (p.192) công tác cơ sở và công tác phát động quần chúng ở cơ sở.

Các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam được tăng cường có nhiệm vụ và quyền hạn như cán bộ, chiến sĩ Campuchia và dưới sự chỉ đạo của Đảng và Quân đội nhân dân cách mạng Campuchia.

Quán triệt yêu cầu, nhiệm vụ giúp Bạn trong tình hình mới, đầu năm 1983, Bộ Tư lệnh 719 ra nghị quyết về nhiệm vụ công tác năm 1983 của Bộ đội tình nguyện trên chiến trường Campuchia. Nghị quyết nêu rõ: “Mục tiêu chiến lược là giúp Bạn mạnh lên, hơn hẳn địch về số lượng và chất lượng để Bạn có thể tự đảm đương nhiệm vụ bảo vệ cách mạng Campuchia, phải được coi là nhiệm vụ hàng đầu”[2].
(lược bớt 1 đoạn …).
-------------------------------------
1. Biên niên sự kiện hoạt động của Đảng, Nhà nước, quân đội, chuyên gia Việt Nam - Campuchia, tập III, 2008. Tài liệu lưu tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, tr. 194.
2. Bộ Tư lệnh 719, [/i]Nghị quyết về nhiệm vụ công tác năm 1983 của bộ đội tình nguyện trên chiến trường Campuchia.[/i] Tư liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông 34. ĐVBQ số 1009.

Trên địa bàn Mặt trận 479 phụ trách có các sư đoàn 5, 302, 309, 317; 6 trung đoàn bộ binh trực thuộc (6, 7, 160, 205, 726, 740); 5 trung đoàn thuộc các binh chủng (xe tăng, thiết giáp, pháo binh, công binh, cao xạ, thông tin). Nhiệm vụ của Mặt trận 479 là hỗ trợ bạn mở nhiều đợt tiến công đánh vào các căn cứ và cơ quan Trung ương của địch ở vùng biên giới phía Tây Campuchia.

Đợt hoạt động lớn chủ yếu là đánh vào khu căn cứ, sở chỉ huy, kho tàng của các phe phái phản động.

Theo kế hoạch, từ ngày 1 đến ngày 8 tháng 2 năm 1983, Trung đoàn 16, Trung đoàn 174 (Sư đoàn 5) tiến công đánh chiếm căn cứ Phân khu 205 (lực lượng Sêrêka) ở Nông Chăn*. 12 giờ ngày 1 tháng 2, ta làm chủ toàn bộ Phân khu. Liên tiếp những ngày sau đó, ta tổ chức truy kích và đánh địch phản kích. Qua 7 ngày chiến đấu, ta tiêu diệt 272 tên địch, đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn, thu 102 súng và nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng. Phối hợp với trận tiến công căn cứ Nông Chăn, ngày 2 tháng 2 năm 1983, một phân đội thuộc Tiểu đoàn 13 Trung đoàn 429 Sư đoàn 302 (gồm 14 đồng chí) tập kích quân địch ở Núi Cóc, diệt 25 tên, thu một số vũ khí.

Các đơn vị làm nhiệm vụ dọc biên giới phía Tây Campuchia không quản khó khăn, vất vả, anh dũng cùng Bạn chiến đấu. Ngày 3 tháng 3 năm 1983, Trung đoàn 429 Sư đoàn 302 tổ chức đánh chiếm căn cứ Ôxamếch (lực lượng Mônika) diệt 257 tên, bắt 25 tên, thu 82 súng các loại, bắn rơi 1 máy bay A37, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Ngày 10 tháng 3 năm 1983, Trung đoàn 16 (Sư đoàn 302) tiến công đánh chiếm các căn cứ Ôkalúa (quân Sêrêka), Ôxamếch, Cần Riêng (Tà Xanh, Sămlốt), diệt nhiều dịch, thu vũ khí của chúng.
---------------
* Là 1 căn cứ bên Thái sát biên giới K, căn cứ này bị đánh nhiều lần ... xem thêm ở đây: http://www.quansuvn.net/index.php/topic,10208.msg155023.html#msg155023

Chuyện bên lề trận Noong Chăn:
--------------------------------

Có một lần vào mùa hè năm 1983, tôi đưa đồng chí Tổng Tham mưu trưởng đi sang Campuchia nghiên cứu kế hoạch tác chiến mùa khô 1983 - 1984. Khi trực thăng từ sân bay Tân Sơn Nhất bay sang hạ cánh ở sân bay quân sự Pôchengtông, đồng chí Tư lệnh 917 ra đón đồng chí TTM trưởng về làm việc. Sau khi làm việc với Bộ Tư lệnh 719, tôi bố trí trực thăng đưa đồng chí TTM trưởng đi làm việc với các mặt trận và xuống các đơn vị. Cùng đi với Tổng Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh 719 cử đồng chí Cục phó Cục Tác chiến và 1 đồng chí cán bộ Phòng Tác chiến cùng đi. Tới Bộ Tư lệnh 479, sau khi nghe đồng chí Tư lệnh mặt trận báo cáo kế hoạch tác chiến đã được Bộ Tư lệnh 719 thông qua, đoàn tới thăm và nghe kế hoạch cụ thể của các đơn vị đóng quân ở Xixôphôn, Báttambang. Trở về Phnôm Pênh, đoàn tới Bộ Tư lệnh 979 nghe đồng chí Tư lệnh Mặt trận 979 báo cáo, rồi bay đi Sihanoukville.

Kết thúc chuyến đi công tác ở Campuchia, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng về Thành phố Hồ Chí Minh, rồi lên Học viện Lục quân Đà Lạt làm việc. Tôi được phép trở về thăm và nghỉ ở gia đình.

Sáng hôm sau, tôi ra sân bay Tân Sơn Nhất để cùng đi chung máy bay YAK40 ra Hà Nội, thì đồng chí TTM trưởng hỏi tôi có nghe tin bộ đội 479 đánh sang đất Thái Lan không mà đài địch nó kêu? Tôi báo cáo là tôi có vào cơ quan tác chiến ở Tân Sơn Nhất nghe anh em nói bộ đội ta có đánh một căn cứ Khmer đỏ ở Nong Chang trên biên giới đất Thái, nhưng chưa rõ kết quả, mà khi ở Bộ Tư lệnh 479 anh đã nghe anh Tư lệnh báo cáo kế hoạch này đã được Bộ Tư lệnh 719 thông qua. Tình hình tưởng không có việc gì rắc rối xảy ra.

Về Hà Nội được vài ngày, một buổi chiều đồng chí Bộ trưởng Quốc Phòng gọi tôi sang nhà riêng nói: “Vừa qua anh đi với TTM trưởng sang Campuchia, thông qua kế hoạch đánh địch trên đất Thái thế nào mà bây giờ nó kêu om sòm là quân Việt Nam lại xâm lược Thái Lan? Ở Matxcơva anh Ba, anh Tô  đang hội đàm về việc viện trợ với đồng chí Brê-giơ-nhép, đồng chí ấy nói: “Trong tình hình hiện nay, các đồng chí không nên đưa chiến tranh sang một nước thứ ba nữa...”. Anh Thận cũng điện thoại hỏi tôi, sao lại cho quân ta sang đất Thái? Kế hoạch đánh thế nào mà không báo cáo Quân ủy, tôi cũng không biết...? Tôi báo cáo lại tình hình chuyến đi công tác với TTM trưởng vừa qua và sự kiện đánh Noọng Chang là kế hoạch của Bộ Tư lệnh 479 đã được Bộ Tư lệnh 719 thông qua, không phải TTM trưởng thông qua kế hoạch này. TTM trưởng chỉ nói với Bộ Tư lệnh 479 kế hoạch đã được Bộ Tư lệnh 719 thông qua rồi thì các đồng chí cứ thi hành. TTM trưởng chỉ nhắc nhở: “Phải chuẩn bị chu đáo, thận trọng, đánh chắc thắng, tiêu diệt nhanh gọn, rút về...”. Bộ trưởng Quốc Phòng bảo tôi: “Thế thì ngày mai cậu đi trực thăng xuống Đồ Sơn báo cáo với anh Thận, anh không bằng lòng về chuyện này đấy! để anh Thận điện sang anh Ba, anh Tô biết...”.

Sáng hôm sau tôi đi trực thăng UH1 hạ cánh xuống sân bay nhỏ ở Đồ Sơn, Văn phòng Trung ương đã cho xe đón ở đây. Tôi vào khu nhà nghỉ của Trung ương ở khu trung tâm Đồ Sơn, báo cáo mọi sự việc với anh Thận. Anh Thận nói: “Các đồng chí quân sự chỉ đạo tác chiến bây giờ phải thận trọng, vì tình hình chính trị phức tạp và kinh tế ta đang gặp khó khăn.

Bộ đội ta đánh sang đất Thái thế nào mà họ kêu rùm beng, động đến các đồng chí lãnh đạo ta đang bàn xin viện trợ ở Liên Xô. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đang ngồi bàn bên đất Thái. Kinh tế đang gặp khó khăn, dân đang đói vì thiếu gạo nghiêm trọng. Vừa qua bàn với Thái Lan, họ chịu bán gạo gửi gấp sang ta, chỉ có 5 vạn tấn gạo tấm thôi, thế mà nay họ đình lại, bộ đội Campuchia đánh sang đất Thái sao Quân ủy không biết. Tổng tham mưu trưởng sang nghe tình hình thế nào mà về không báo cáo với Quân ủy? Thôi, sáng ngày mai đồng chí vào Sài Gòn gặp anh Sáu Thọ và anh Sáu Nam  truyền đạt ý kiến của Bộ Chính trị là từ nay trở đi không được hành động như thế. Rồi khi anh Ba, anh Tô về sẽ họp kiểm điểm vấn đề này...”. Ngay chiều hôm đó, tôi đi trực thăng về Hà Nội và sang báo cáo ngay Bộ trưởng Quốc Phòng. Bộ trưởng Quốc Phòng chỉ thị ngày mai tôi phải đi máy bay vào Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo sự việc này với anh Sáu Thọ và anh Sáu Nam. 10 giờ trưa ngày hôm sau, tôi vào cơ quan tác chiến ở sân bay Tân Sơn Nhất, gọi điện thoại Văn phòng Trung ương 2 ở T78 tại Thành phố Hồ Chí Minh xin gặp hai anh để báo cáo ý kiến anh Thận và Bộ trưởng Quốc Phòng. Buổi chiều, khi vào cơ quan T78, đầu tiên gặp trước báo cáo với anh Sáu Nam. Anh Sáu Nam nghe, im lặng rồi nói chủ trương đánh địch ở đây, có anh Sáu Thọ đại diện Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo, anh sang báo cáo với anh Sáu Thọ, anh ấy cũng đang chờ nghe anh báo cáo đấy!”.

Tôi sang nhà bên cạnh gặp anh Thọ đang mặc bộ quần áo bà ba lụa vàng, phe phẩy cái quạt cầm tay, thấy tôi, anh gọi vào ngồi ở ghế salông nghe báo cáo. Tôi giở sổ đỏ đã ghi toàn bộ ý kiến anh Ba, anh Tô điện ở Matxcơva về, ý kiến anh Thận nói ở Đồ Sơn và ý kiến Bộ trưởng Quốc Phòng trước khi tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh. Nghe chưa hết bản báo cáo của tôi, anh Thọ có vẻ không bằng lòng, đứng dậy xếp quạt, tay phải cầm quạt, gõ đầu quạt vào bàn tay trái, vừa đi lại trong phòng, vừa nói: “Các anh tham mưu tác chiến biết tình hình mà cũng không báo cáo rõ cho các anh trên biết. Tổng tham mưu trưởng và anh, Cục trưởng Cục Tác chiến vào thông qua kế hoạch tác chiến, tại sao không báo cáo với Quân ủy lại đổ lỗi cho bọn này? Các anh cũng biết đấy, địch nó cứ ở biên giới bên đất Thái Lan, mà Thái Lan cho phép nó ẩn náu ở đấy, bắn pháo sang đất Campuchia làm thương vong bộ đội ta và dân Campuchia. Ta cứ ngồi thế mà chịu đòn à? Cứ nói đánh trên đất Campuchia thôi, thì đánh vỗ mặt làm sao bao vây tiêu diệt được nó, lại ăn pháo nó. Nó từ đất Thái bắn pháo sang đất Campuchia, thì ta bắn pháo sang tiêu diệt quân Khơme đỏ, có bắn vào quân đội và dân Thái đâu. Đánh vòng sang đất Thái một tí, chỉ để diệt Khơme đỏ mà Thái cho nó đóng quân ở đấy! Vì Thái cho Khơme đỏ đóng quân, để cảnh báo, họ còn che giấu quân Khơme đỏ trên đất Thái đánh tôi, thì tôi có quyền đánh trả và tôi còn đánh nữa đấy? Còn chuyện không để lại dấu vết, thì anh em đã cố gắng thu dọn chiến trường sạch trước khi lui quân. Nhưng có phải sân nhà mình đâu, mà bảo anh em phải quét cho sạch dấu vết được. Anh ra báo cáo lại cho các anh ngoài đó biết...”. Sự việc tôi cứ tưởng như thế là qua! Không ngờ, sau khoảng 10 ngày, đồng chí Ba và đồng chí Tô đã về Hà Nội. Đồng chí Sáu Thọ cũng đã ra Hà Nội, các đồng chí Bộ Chính trị họp bàn gì, mà một hôm trực ban tác chiến báo với tôi, là điện thoại Văn phòng Trung ương báo chiều nay anh sang gặp đồng chí Sáu Thọ tại nhà riêng (số 7 dường Nguyễn Cảnh Chân).

2 giờ chiều hôm đó, tôi đến nhà riêng đồng chí Sáu Thọ qua phòng làm việc của đồng chí Ngọc (Bí thư đồng chí Thọ) bảo anh Sáu đang chờ anh trong đó. Tôi vào phòng của đồng chí Thọ, thấy đồng chí cũng trong bộ quần áo bà ba lụa vàng, đang ngồi trên một ghế salông. Đồng chí chỉ tôi ngồi ghế trước mặt, rồi đồng chí nói ngay một loạt: “Anh về báo cáo thế nào mà để các đồng chí trong Bộ Chính trị hiểu lầm nhau, làm tham mưu, làm Cục trưởng Cục Tác chiến phải báo cáo cho đúng sự thật, đừng che giấu khuyết điểm của mình, đừng bao che cho thủ trưởng mình, lại đổ lỗi cho tôi tự do cho quân sang đánh trên đất Thái Lan. Chính Tổng tham mưu trưởng, Cục trưởng Cục Tác chiến các anh sang thông qua kế hoạch rồi về lại nói không biết...”. Tôi vừa mở cặp, vừa giở sổ ghi chép lời nói của đồng chí nói với tôi ở T78 và những lời tôi báo cáo lại với đồng chí Bộ trưởng Quốc Phòng (nguyên văn lời đồng chí Thọ nói), chứ không báo cáo với anh Thận (vì không được gọi để báo cáo). Nhưng đồng chí Sáu Thọ không cho tôi báo cáo hết, mà cứ nói tiếp, tay trái vừa rút trong túi áo bà ba một tập điện đánh máy: “đây này, điện tôi gởi ra Bộ Chính trị, anh em cơ yếu có gởi Quân ủy Trung ương nói tình hình cụ thể, chủ trương đánh địch thế này!

Đây này! Đây này! Sao lại nói không báo cáo, tự do chủ trương đánh sang đất Thái... Các anh Quân ủy không ai đọc, Cục trưởng Cục Tác chiến cũng không đọc à? Sao lại bảo không có báo cáo?...”, đồng chí cứ nói đi nói lại liên tục, tôi vừa cải chính thì đồng chí lại ngắt lời tôi và nói tiếp. Tôi ức quá nghẹn cả cổ, không nói lên lời được nữa, bỏ sổ vào cặp, ngồi thẫn người, nghe đồng chí phân tích tình hình, nói cả những việc trước đây trong hội nghị Pari, đồng chí đấu tranh với Kít-xinh-giơ thế nào, ý kiến của đồng chí thế nào, ý kiến chỉ đạo thế nào. Tôi đang căng đầu, nên cũng không hiểu được gì cả và cũng không còn nhớ gì nữa! Nói một hồi xong, đồng chí nói “thôi nhé! Về báo cáo lại với TTM trưởng...”. Tôi đứng dậy chào ra về, qua phòng đồng chí Ngọc - Bí thư, tôi nói không hiểu sao hôm nay anh Thọ gọi tôi sang “quạt” một trận nên thân, tôi chìa quyển sổ ghi chép của tôi và nói “tôi định báo cáo nội dung tôi đã báo cáo với Bộ trưởng Quốc Phòng thế này, nhưng anh ấy không cho nói...”.

Đồng chí Ngọc cầm quyển sổ ghi chép của tôi và nói “anh Sáu nóng một tí thế thôi, để sổ đây, tôi xem và báo cáo lại với anh ấy...”.

Hai ngày sau, Cục phó Cục Tác chiến ra Hà Nội gặp tôi. Tôi nói lại chuyện hôm tôi gặp anh Thọ. Cục phó Cục Tác chiến nói “được rồi, tôi cùng đi với TTM trưởng và anh lên Mặt trận 479, nghe Tư lệnh 479 báo cáo kế hoạch, việc đánh Noọng Chang là do Bộ Tư lệnh 719 thông qua, có phải TTM trưởng thông qua đâu, tôi sẽ sang thăm anh Thọ và báo cáo lại”. Chiều hôm sau, Cục phó Cục Tác chiến và tôi lại sang nhà riêng anh Thọ ở đường Nguyễn Cảnh Chân. Sau khi chào hỏi, Cục phó Cục Tác chiến nói vắn tắt qua tình hình Campuchia gần đây, tôi nói tiếp “hôm trước anh không cho tôi báo cáo tình hình về chuyện đánh Noọng Chang, hôm nay có Cục phó Cục Tác chiến đây, báo cáo thêm với anh”. Cục phó Cục Tác chiến báo cáo rõ thêm sự việc hôm cùng đi với TTM trưởng và tôi lên Mặt trận 479. Anh Thọ mặt vẻ bình thường, không cáu giận như hôm trước, cầm quyển số đỏ ghi chép của tôi (mà tôi đã đưa cho đồng chí Ngọc khi ra về) trả lại cho tôi và nói: “Thôi được, mấy ngày tới, tôi sẽ đi nghỉ ở Đà Lạt, ghé qua gặp hỏi thêm các đồng chí trong đó...”.

Mười ngày sau, tôi đang làm việc ở cơ quan Cục Tác chiến, thì đồng chí Trưởng phòng hành chính Bộ Quốc Phòng sang gặp đưa xem một bức điện của Ban Cơ yếu Trung ương (Phòng 6) chuyển sang Văn phòng Bộ Quốc phòng. Nội dung bức điện:

“Gửi anh xxx, Bộ Quốc phòng.
Tôi sang đây gặp anh em nói thì sự việc anh báo cáo là đúng. Báo lại để anh yên tâm.
Sáu Thọ”

Tôi cầm bức điện này lên đưa cho đồng chí TTM trưởng và đồng chí Bộ trưởng Quốc Phòng đọc.

Sự kiện này cũng để lại một dấu ấn trong đời làm công tác tham mưu tác chiến của tôi. Tuy không vấp phải một khuyết điểm gì nghiêm trọng qua sự kiện này, về công tác tham mưu tôi có ưu điểm ghi chép đầy đủ, báo cáo đúng sự thật với cấp trên, nhưng tự kiểm điểm, theo trách nhiệm của một Cục trưởng Cục Tác chiến, không nhạy bén trước tình hình chính trị, kinh tế của đất nước, không làm tròn vai trò tham mưu của mình đề đạt về tình hình khi nghe thủ trưởng thông qua kế hoạch. Ý thức đơn giản trước một sự kiện quan trọng có liên quan đến chính trị, nếu không nói là “quân sự thuần túy”. Khi tình hình chiến sự xảy ra, chỉ để nắm về diễn biến, kết quả trận đánh, mà không suy nghĩ đến hậu quả và ảnh hưởng của nó sau này.
(Hồi kí của Cục trưởng Cục Tác chiến)
 
Thợ cạo tổng hợp theo Bodoibucket
Nguồn: Vnmilitaryhistory

Tìm kiếm Blog này