Chương II.
SÁT CÁNH TRUY QUÉT TÀN QUÂN ĐỊCH. XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG (1981 - 1985)
SÁT CÁNH TRUY QUÉT TÀN QUÂN ĐỊCH. XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG, CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG (1981 - 1985)
1. Giúp Bạn củng cố thế trận, phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng
Cuối năm 1980, đầu năm 1981, sau hơn một năm rút lực lượng chủ lực còn lại lên đứng chân ở biên giới giáp Thái Lan, địch tiến hành củng cố, bổ sung thêm quân số trang bị cho các sư đoàn chủ lực. Chúng đưa một bộ phận lực lượng (khoảng 1/3 quân chủ lực) vào các địa bàn xung yếu của 7 tỉnh biên giới phía Tây nhằm xây dựng các "căn cứ lõm" trong dân, đồng thời đẩy mạnh hoạt động du kích ở 12 tỉnh nội địa.
Ở các tỉnh biên giới giáp Thái Lan, địch tập trung xây dựng căn cứ của các cơ quan Trung ương, cơ quan bộ tổng tham mưu, các bộ tư lệnh quân khu bắc, tây bắc, cơ quan chỉ huy mặt trận đông và tây, hệ thống hậu cần, kho tàng, cửa khẩu tiếp nhận viện trợ, bệnh viện, khu huấn luyện và hậu cứ các sư đoàn. Các căn cứ này đều ở sâu trong đất Thái Lan từ 2 đến 10 kilômét.
Phần lớn các sư đoàn chủ lực được địch bố trí trên tuyến biên giới tiếp giáp với Thái Lan để bảo vệ các căn cứ này. Đồng thời, địch tổ chức lực lượng luồn sâu (từ 2 đến 3 tiểu đoàn) đánh phá giao thông và vùng giải phóng của Bạn. Chúng phân chia địa bàn hoạt động cho các sư đoàn như sau: Sư đoàn 164, sở chỉ huy sư đoàn và 2 tiểu đoàn hoạt động ở biên giới giáp Thái Lan, còn 3 tiểu đoàn hoạt động trong nội địa tỉnh Cô Công. Các sư đoàn 502, 221, 340 (thuộc Bộ Tổng tham mưu), sở chỉ huy ở biên giới Thái Lan, có các bộ phận hoạt động ở Tàsanh, Sămlốt, Rôviêng, Phlêch (đường 36). Các sư đoàn 1, 2, 3 (quân khu tây bắc cũ), sở chỉ huy ở biên giới giáp Thái Lan, hoạt động ở nam Nimít, Takung Krao, Bavel, rừng Preychat, Svaychek, Thmapuok. Sư đoàn 775 (quân khu Bắc cũ), sở chỉ huy ở đất Thái Lan, hoạt động từ bắc Sàmrông đến Anlongveng, Xiêm Riệp. Các sư đoàn 515, 912 (quân khu Kanđan cũ) sở chỉ huy ở biên giới giáp Thái Lan, có bộ phận cấp tiểu đoàn hoạt động ở đông núi Hồng, huyện Chi Kreng và đường số 6 (Xiêm Riệp). Các sư đoàn 801 và 920 hoạt động ở khu vực ngã ba biên giới.
Ở 12 tỉnh nội địa, địch đưa một số lực lượng chủ lực luồn sâu ém sẵn ở một số tỉnh (vùng). Bước đầu chúng hình thành mặt trận 1 (gồm các tỉnh Puốcxát, Côngpông Chnăng, Côngpông Spư, Phnôm Pênh) do tên Ren, Phó Tổng tham mưu trưởng chỉ huy[1]. Mục tiêu chiến lược của địch là làm chuyển biến về so sánh lực lượng ở Campuchia theo hướng có lợi cho chúng. Phá vỡ liên minh chiến lược, chiến đấu giữa Việt Nam - Campuchia, làm cho Việt Nam bị tiêu hao, bị kiệt sức, phải nản lòng, phải rút quân về nước trong khi cách mạng Campuchia còn non yếu.
Chúng đặt chỉ tiêu đến năm 1982 sẽ giành phần lớn ba tỉnh Báttambang, Xiêm Riệp, Prếtvihia và tây Stung Treng để làm căn cứ bàn đạp, tạo thế hai vùng, hai chính quyền đối lập trong nội địa Campuchia. Từ đó mở rộng hoạt động du kích trong cả nước, giành 60% ấp, xã; 50 đến 60% số dân; trên cơ sở đó đưa lực lượng tàn quân Pôn Pốt lên sáu vạn tên, được trang bị đầy đủ và có thể tác chiến ở các quy mô khác nhau; xây dựng lực lượng cho bọn phản động Xom Xen, ở bên đất Thái Lan; xây dựng lực lượng ngầm trong nội bộ cách mạng và trong các vùng cách mạng kiểm soát để làm nội ứng cho tiến công quân sự, làm cơ sở tiến hành bạo loạn khi cần thiết; chiếm lĩnh và phá rối thị trường Campuchia, làm cho nền kinh tế không khôi phục lại được, tiếp tục suy sụp[2].
------------------------------------------
1. Tình hình địch từ tháng 12 năm 1980 đến tháng 4 năm 1981. Tài liệu của Tiền phương Cục Nghiên cứu Bộ Tổng Tham mưu KC-655.
2. Đại tướng Lê Đức Anh: Quân đội nhân dân Việt Nam và nhiệm vụ quốc tế cao cả trên đất Bạn Campuchia, Nxb QĐND, H. 1986, tr. 71.
Về phía ta, sau các hoạt động tác chiến mùa mưa năm 1980, bước vào mùa khô năm 1980-1981, bên cạnh những thuận lợi, các đơn vị Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự ta cũng đứng trước những khó khăn thử thách, những nhiệm vụ mới, đòi hỏi sự chỉ đạo thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị.
Trước tình hình đó, Đảng ủy Mặt trận 479 chủ trương phát huy thắng lợi đã giành được, tiếp tục đẩy mạnh mọi hoạt động quân sự, chính trị, ngoại giao, chủ động tiến công địch toàn diện trên chiến trường. Nắm chắc dân, củng cố chính quyền cách mạng vững chắc, phát triển lực lượng vũ trang đảm bảo về số lượng và chất lượng, loại trừ phần tử hai mặt. Phát huy sức mạnh tổng hợp, liên tục tiến công địch trên cả hai mặt trận nội địa và biên giới. Sẵn sàng đập tan các cuộc tiến công với mọi quy mô của địch từ ngoài vào, đồng thời phải đề phòng ngăn chặn, loại trừ và dập tắt các cuộc bạo loạn ở nội địa, bảo vệ vững chắc địa bàn. Không ngừng củng cố tình đoàn kết liên minh chiến đấu, hợp tác toàn diện, lâu dài giữa hai dân tộc, hai quân đội Việt Nam - Campuchia, đưa cách mạng Campuchia tiến nhanh, tiến vừng chắc, góp phần đập tan mọi âm mưu của thế lực phản động nước ngoài can thiệp vào Campuchia.
Thực hiện chủ trương của Đảng ủy và chỉ thị của Bộ tư lệnh Mặt trận 479, mùa khô 1980-1981, Sư đoàn 5 vừa tập trung làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đập tan mọi luận điệu chiến tranh tâm lý của địch, vừa phối hợp với quân dân các địa phương tích cực truy quét địch, bảo vệ vùng giải phóng. Những tháng đầu năm 1981 , Sư đoàn triển khai lực lượng hoạt động ở các huyện Xixôphôn, Thmopuốc, Phnumsrôk, Phnepria, Môngconrôrây. Cán bộ, chiến sĩ các trung đoàn 16, 688, 4, 28, 174, 689 cùng các tiểu đoàn đặc công, pháo binh, xe tăng - thiết giáp mở nhiều đợt truy quét địch ở ngoài rừng kết hợp với lực lượng bám địa bàn bóc gỡ các toán quân địch cài cắm trong dân. Điển hình là các trận ngày 17 tháng 4 năm 1981, Đại đội 13 Trung đoàn 16 phục kích diệt 11 tên; trận đêm 11 tháng 5 năm 1981, Trung đoàn 689 biên phòng tập kích cụm quân địch ở phum Ria (cao điểm 217), diệt 38 tên. Ngoài ra, các đơn vị của Sư đoàn 5 còn kết hợp với lực lượng dân quân và bộ đội địa phương của Bạn đánh phá các căn cứ lõm của địch ở đông bắc huyện Thmopuốc, gọi hàng 158 tên địch, giúp Bạn xây dựng 14 đội du kích ở hai huyện Thmopuốc và Môngconrôrây.
Là lực lượng dự bị cơ động tăng cường cho Mặt trận 479, đứng chân ở hai tỉnh Báttambang, Xiêm Riệp, Sư đoàn 317 được giao nhiệm vụ xây dựng huấn luyện thành lực lượng dự bị cơ động của mặt trận trên ba hướng là Xixôphôn, Sầmrông và Báttambang, sẵn sàng thay chân các sư đoàn phòng thủ phía trước khi có lệnh. Tiến hành tác chiến cơ động cùng với đơn vị bạn trên các hướng, đập tan các cuộc tấn công của dịch với mọi qui mô từ ngoài vào, đồng thời dập tắt các cuộc bạo loạn trong nội địa, bảo vệ vững chắc các khu vực then chốt và mục tiêu quan trọng trên địa bàn của Mặt trận gồm Xixôphôn, Poipét, Sầmrông, Báttambang và Xiêm Riệp. Thường xuyên theo dõi nắm địch, nghiên cứu nắm chắc tình hình, địa hình, đường cơ động trên các hướng, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu cao, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống; bảo vệ thành quả cách mạng, tham gia xây dựng, củng cố chính quyền các cấp và xây dựng lực lượng vũ trang Bạn vững mạnh về mọi mặt.
Thực hiện kế hoạch hoạt động mùa khô 1980 - 1981, Sư đoàn triển khai lực lượng đánh địch trên địa bàn hai tỉnh Xiêm Riệp và Báttambang. Từ ngày 8 tháng 12 năm 1980 đến cuối tháng 1 năm 1981, Sư đoàn 317 cùng với Sư đoàn 5 đánh vào căn cứ Tàkôngkrao. Trung đoàn 775 và Trung đoàn 6 được pháo binh Mặt trận chi viện, đánh chiếm được mục tiêu, diệt và bắt nhiều tên, thu gần 2 tấn đạn các loại.
Theo yêu cầu của Mặt trận, từ ngày 15 tháng 2 đến 27 tháng 3, Sư đoàn sử dụng hai trung đoàn 775 và 747 đứng chân ở khu vực Xiêm Riệpu, Bầntiâysrây; đồng thời sử dụng một lực lượng bảo vệ khu vực Ăngco cùng Đoàn quân sự 7705 truy quét địch, hỗ trợ cho Bạn củng cố chính quyền, điều tra nắm dân số để chuẩn bị bầu cử. Từ ngày 27 tháng 3 đến 30 tháng 5, Sư đoàn lệnh cho Trung đoàn 775 về đứng chân ở huyện Chicreng và huyện Sônicum làm nhiệm vụ truy quét địch ở khu vực rừng Prâychơka, cùng với Trung đoàn 115, Đoàn quân sự 7701 hoạt động trên khu vực ranh giới ba tỉnh Xiêm Riệp, Côngpông Thom và Pếtvihia.
Triển khai thực hiện nhiệm vụ do Tiền phương Bộ Quốc phòng giao, mùa khô 1980-1981, Quân đoàn 4 phối hợp với Bạn tổ chức đợt tác chiến từ ngày 10 tháng 12 năm 1980 đến 16 tháng 3 năm 1981. Bộ tư lệnh Quân đoàn sử dụng hai sư đoàn (7 và 9) đánh địch ở nam bắc Ôrang, tây Ămleng, bắc quận 16 (Côngpông Chnăng); Sư đoàn 339 và các lực lượng tăng cường (Trung đoàn 2 Sư đoàn 330 và 1 tiểu đoàn của thành đội Phnôm Pênh) đánh địch ở nam bắc đường 56, trọng điểm là căn cứ của Sà Rươn ở bắc đường 56; Trung đoàn 686 tiến công địch ở điểm cao 492; Đoàn quân sự tỉnh Hậu Giang phối hợp với một bộ phận lực lượng vũ trang Bạn đánh địch ở Cồn Xiêm, Biển Hồ, gây cho chúng một số thiệt hại.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, các đơn vị bám địa bàn tích cực tổ chức các đợt tiến công truy quét địch. Đến đầu tháng 3 năm 1981, bộ đội ta cơ bản làm chủ các địa bàn, buộc địch phải rút các lực lượng lên sát biên giới với Thái Lan. Trong đợt hoạt động này, ngoài việc tiêu diệt lực lượng địch ở điểm cao 492 , ta còn đánh trúng căn cứ 31 (đông Ô ran), diệt chỉ huy và nhiều địch ở đây.
Phát huy thắng lợi vừa giành được, bước vào đợt 2 (từ ngày 16 tháng 4 đến ngày 17 tháng 7) , Quân đoàn sử dụng Sư đoàn 7 (thiếu) phối hợp với Bạn và lực lượng chủ lực của Quân khu 9 diệt địch ở điểm cao 322, tây Ămleng và nam dãy Kravanh. Sư đoàn 339 và Đoàn quân sự Tiền Giang củng cố địa bàn xung quanh khu vực Puốcxát - Phlếch. Một bộ phận Sư đoàn 7, Đoàn quân sự Hậu Giang và lực lượng bạn mở chiến dịch tổng hợp diệt căn cứ của Sà Rượn (phía nam ga Bannâk).
Trong đợt 2, thực hiện mệnh lệnh của Bộ tư lệnh 719, Quân đoàn đưa Sư đoàn 9 (thiếu Trung đoàn 2 và Trung đoàn 42) từ đường 5 sang đường số 6 đánh địch, phối hợp với các đơn vị bạn truy quét quân địch trên địa bàn hai huyện giáp ranh giữa Côngpông Thom và Xiêm Riệp. Trung đoàn 141 (Sư đoàn 7) chuyển về hoạt động bảo vệ khu vực đường sắt. Trung đoàn 2 (Sư đoàn 9) từ nam Bannâk chuyển sang truy quyét địch ở khu vực Ôrang, Rômía.
Mặc dù địch tung ra nhiều thủ đoạn mới như dùng hoả lực mạnh, sử dụng quy mô đại đội, tiểu đoàn tiến công chiếm chốt tiền tiêu của ta, tăng cường gài mìn phục kích trên các tuyến đường, nhưng do làm tốt công tác chuẩn bị, có nhiều biện pháp đối phó kịp thời và tổ chức hợp đồng chiến đấu chặt chẽ, các đơn vị tham gia truy quét đợt hai đã đạt hiệu suất chiến đấu cao.
Cùng thời gian này, các đơn vị thuộc Quân khu 5 vừa truy quét địch, vừa giúp Bạn xây dựng các tiểu đoàn địa bàn, đưa 41 đại đội hai chức năng xuống hoạt động ở cơ sở. Trước tình hình mới, các đơn vị xác định 5 nhiệm vụ chủ yếu là:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm Chỉ thị 34 của Tiền phương Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ giúp Bạn, cùng Bạn đẩy mạnh phong trào bảo đảm trật tự xã hội trong phạm vi địa bàn. Giúp Bạn bầu cử Hội đồng nhân dân xã và bầu cử Quốc hội, xây dựng nền nếp, mối quan hệ giữa ta và Bạn, nắm dân, giúp dân sản xuất, xây dựng thực lực cách mạng, củng cố chính quyền, du kích và bộ đội tỉnh, huyện của Bạn.
2. Đẩy mạnh tác chiến truy quét địch theo khu vực đã phân công và theo nhiệm vụ trên giao, sàn sàng chấp hành mệnh lệnh cơ động đến địa bàn mới.
3. Thực hiện đầy đủ chương trình huấn luyện quy định của trên. Đẩy mạnh phong trào "toàn quân hành động theo điều lệnh", thực hiện tốt chế độ chức trách, xây dựng tác phong, lề lối làm việc chính quy.
4. Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bảo đảm đời sống, nâng cao chất lượng bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ; bảo đảm đầy đủ các chế độ, đẩy mạnh công tác vệ sinh phòng bệnh, bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội.
5. Về công tác đảng, công tác chính trị, hoàn thành học tập Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, học tập Hiến pháp và các nghị quyết của Trung ương Đảng, tập trung giải quyết tư tưởng, kiên định nhiệm vụ giúp Bạn lâu dài.
Thực hiện nhiệm vụ Bộ tư lệnh Quân khu 5 giao, tháng 1 năm 1981, Sư đoàn 315 cử 84 cán bộ, chiến sĩ xuống hai tỉnh Ráttanakiri và Stung Treng để cùng Bạn tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng tham gia cuộc bầu cử chính quyền các cấp.
Tiếp đó trong tháng 2 năm 1981, Sư đoàn phối hợp với lực lượng vũ trang Bạn mở đợt hoạt động tổng hợp (quân sự, chính trị, binh vận), vừa đẩy mạnh truy quét địch lẩn trốn trong rừng, vừa bóc gỡ địch bu bám trong dân, bảo vệ bầu cử các cấp Sau đợt hoạt động này, chấp hành mệnh lệnh của Mặt trận, Sư đoàn đưa toàn bộ lực lượng cơ động lên bảo vệ địa bàn đông và tây sông Mê Công. Trung đoàn 143 đứng chân ở Thala vừa truy quét tàn quân địch, vừa bảo vệ nâng cấp đrường 126 từ Thala đến Chép. Trung đoàn 142 giữ khu vực ngã ba đường 19 và đường 13 đến Ôkriêng, giáp Krachiê, hoạt động đánh địch và giúp bạn ở Xiêmbọt. Trung đoàn 733 đứng chân ở Côngpông Xalâu (tây Mường Khổng thuộc đất Lào) hoạt động từ tây sông Mê Công đến Pleikhằn, đánh cắt hành lang địch ở khu vực tiếp giáp biên giới ba nước Thái Lan - Lào - Campuchia. Trung đoàn 729 đứng chân ở khu vực điểm cao 190 tập trung huấn luyện chuẩn bị diễn tập và giúp Bạn xây dựng địa bàn ở khu vực Chưrốp. Ngoài việc giúp Bạn bảo vệ tốt bầu cử ở các địa phương, các đơn vị của Sư đoàn 315 đã tích cực đi sâu nắm dân, nắm địch, giúp các địa phương sản xuất, bảo vệ chính quyền cách mạng.
Trên địa bàn 8 huyện thuộc tỉnh Xiêm Riệp, từ ngày 18 tháng 2 đến 31 tháng 5 năm 1981, các đơn vị thuộc Quân khu 7 mở chiến dịch tổng hợp truy quét làm trong sạch địa bàn. Ta diệt 122 tên, bắt 135 tên, gọi hàng 424 tên, tạo điều kiện củng cố chính quyền địa phương, giúp dân phát triển sản xuất.
Hướng Quân khu 9, những tháng đầu năm 1981, ta truy quét tàn quân địch ở đông và tây sông Mê Công, tiêu diệt tàn quân sư đoàn 164, làm chủ căn cứ 336.
Vừa đẩy mạnh các hoạt động truy quét địch, ta vừa giúp bạn phát động quần chúng tích cực củng cố, xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang các cấp. Cùng với phát động quần chúng đánh địch bằng mọi hình thức quân sự, chính trị, kinh tế, binh vận, địch vận, phá các tổ chức ngầm của địch, loại các phần tử hai mặt, làm trong sạch nội bộ, Sư đoàn còn giúp bạn đẩy mạnh sản xuất ổn định đời sống, phục hồi các hoạt động văn hoá, tôn giáo bình thường của nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Quân tình nguyện, các đoàn chuyên gia quân sự được giao nhiệm vụ giúp Bạn xây dựng cơ sở đã tích cực tổ chức lực lượng bám địa bàn, bám dân, phát hiện địch, không cho chúng lập căn cứ lõm trong các vùng giải phóng, ngăn chặn các hành lang vận chuyển của địch từ biên giới vào nội địa.
Ngày 9 tháng 4 năm 1981, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 98/QĐ-QP thành lập Trường bồi dưỡng chuyên gia quân sự, mang phiên hiệu Trường 481 thuộc Đoàn 478.
Trường có nhiệm vụ bồi dưỡng chuyên gia ở Campuchia, tập huấn chuyên đề nghiệp vụ cho chuyên gia quân sự ở Campuchia, đào tạo phiên dịch tiếng Campuchia cho chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia. Tiếp đó, ngày 30 tháng 4 năm 1981, Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị số 66/CT-QP giao nhiệm vụ cho các trường quân sự tiếp nhận và tổ chức huấn luyện học sinh quân sự Lào và Campuchia, trong đó có 780 học viên Campuchia được nhận vào các trường quân sự của Việt Nam. Đây là một nỗ lực lớn nhằm nâng cao chất lượng chuyên gia và giúp bạn giải quyết những khó khăn về thiếu cán bộ quân sự.
Song song với hoạt động quân sự, thời gian này ta giúp Bạn đẩy mạnh công tác xây dựng chính quyền cơ sở, tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội và chính quyền các cấp của Bạn.
(Lược bớt 1đọan nói về Đảng NDCM CPC và bầu cử QH-K)
Sau Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia lần thứ IV, trên cơ sở các chủ trương về hợp tác Việt Nam - Campuchia đã được hai Đảng, hai Nhà nước thoả thuận, để thống nhất lãnh đạo chỉ huy, nâng cao hiệu suất chiến đấu và công tác của các lực lượng vũ trang Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, ngày 18 tháng 5 năm 1981, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 36/QUTƯ về tổ chức Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Căn cứ chủ trương của Bộ Chính trị và nghị quyết của Quân ủy Trung ương, ngày 6 tháng 6 năm 1981, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 185/QĐ-QP thành lập Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (mang phiên hiệu Bộ tư lệnh 719), do Thượng tướng Lê Đức Anh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Tư lệnh; Trung tướng Lê Hai, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Phó Tư lệnh về Chính trị. Theo quyết định, Bộ tư lệnh 719 trực thuộc Bộ Quốc phòng, đồng thời là cơ quan đại diện của Bộ Quốc phòng trên hướng Tây Nam. Bộ tư lệnh 719 có nhiệm vụ:
1. Thống nhất chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng vũ trang của Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia về tác chiến và hoạt động giúp Bạn; kịp thời có những biện pháp có hiệu lực để nâng cao sức mạnh chiến đấu và chất lượng công tác của các đơn vị Quân tình nguyện.
2. Trực tiếp giúp Bạn xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng các lực lượng vũ trang cách mạng và tổ chức phòng thủ đất nước. Có kế hoạch phối hợp chặt chẽ các lực lượng vũ trang Việt Nam ở Campuchia với lực lượng vũ trang Bạn trong nhiệm vụ tác chiến, phòng thủ và trong các hoạt động khác. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam giúp Bạn xây dựng và bảo vệ thực lực cách mạng của Bạn.
3. Nghiên cứu, đề xuất với Bộ Quốc phòng các vấn đề có ý nghĩa chiến lược trên chiến trường Campuchia và các vấn đề có liên quan giữa chiến trường Campuchia với các chiến trường khác ở khu vực Đông Dương.
4. Hợp đồng với các quân khu phía Nam trong kế hoạch đánh địch, bảo vệ biên giới hai nước.
Tư lệnh 719 đồng thời là đại diện của Bộ Quốc phòng Việt Nam bên cạnh Bộ Quốc phòng Bạn, được ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ huy, chỉ đạo các tổ chức của Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, các quân khu, quân chủng, binh chủng ở phía Nam trong nhiệm vụ bảo đảm chiến đấu, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho các lực lượng vũ trang hoạt động trên chiến trường Campuchia. Bộ tư lệnh 719 được ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo cơ quan chuyên gia quân sự Việt Nam ở Campuchia, chỉ đạo Bộ tư lệnh các quân khu 5, 7, 9 thực hiện các công tác bảo đảm hậu cần và kỹ thuật đối với các lực lượng của quân khu hoạt động ở Campuchia và tham gia ý kiến với các bộ tư lệnh quân khu về công tác xây dựng các đơn vị này.
Về tổ chức, Bộ tư lệnh 719 gồm có tư lệnh, các phó tư lệnh (6 đồng chí) và các cơ quan tham mưu, chính trị; cơ quan đại diện của Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Cục Cán bộ, Cục Tài vụ; các bộ tư lệnh quân chủng, binh chủng và một số cơ quan chức năng khác.
Từ đây, việc lãnh đạo, chỉ huy Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam ngày càng thống nhất, chặt chẽ.
Trên cơ sở hiệp ước hoà bình, hữu nghị và hợp tác (ký ngày 18-2-1979), ngày 11 tháng 6 năm 1981, tại Phnôm Pênh, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Campuchia ký Hiệp định về giúp đỡ và hợp tác quân sự giữa hai nước. Đây là cơ sở pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Quốc phòng hai nước triển khai các hoạt động giúp đỡ lẫn nhau.
Từ ngày 15 đến 20 tháng 6 năm 1981, Đại tướng Văn Tiến Dũng, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu Đoàn đại biểu quân sự nước ta thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hoà nhân dân Campuchia và dự lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày truyền thống các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia. Trong chuyến thăm Campuchia, đồng chí Bộ trưởng đã trực tiếp làm việc với Bộ tư lệnh Quân tình nguyện, các cơ quan tiền phương của Bộ tư lệnh các quân khu 5, 7, 9, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 và có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia.
Sau chuyến thăm của đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, căn cứ tình hình thực tế chiến trường và đề nghị của Bộ tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, ngày 18 tháng 7 năm 1981, Bộ Quốc phòng ra các quyết định (từ số 230/QĐ-QP đến số 232/QĐ-QP) chuyển cơ quan Tiền phương của các bộ tư lệnh Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9 thành các bộ tư lệnh Mặt trận 579, Mặt trận 779, Mặt trận 979. Các bộ tư lệnh 579, 779, 979 có quyền hạn tương đương Bộ tư lệnh Quân đoàn, chịu sự chỉ dạo, chỉ huy của Bộ tư lệnh 719 về tác chiến và hoạt động ở Campuchia, đồng thời chịu sự chỉ đạo, chỉ huy của các bộ tư lệnh Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9 về các mặt khác.
Cụ thể, Bộ Tư lệnh 579, do đồng chí Huỳnh Hữu Anh làm Tư lệnh, chỉ huy các đơn vị Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự của Quân khu 5 (gồm các sư đoàn bộ binh 315, 307, một số trung đoàn độc lập, đơn vị binh chủng và các đoàn quân sự của các tỉnh thuộc Quân khu) hoạt động trên địa bàn 4 tỉnh (Mônđônkiri, Rátanakiri, Stung Treng, Prếtvihia).
Bộ tư lệnh 779, do Tư lệnh Nguyễn Minh Châu chỉ huy các đơn vị Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự của Quân khu 7 (gồm các đoàn quân sự của các tỉnh thuộc Quân khu, 4 trung đoàn của các sư đoàn 5, 302, 317[1] và một số lực lượng binh chủng tăng cường), hoạt động trên địa bàn 5 tỉnh: Côngpông Thom, Côngpông Chàm, Svâyriêng, Prâyveng, Krachiê (phía đông và đông nam Campuchia).
Bộ tư lệnh 979 Tư lệnh Nguyễn Đệ chỉ huy các đơn vị Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự của Quân khu 9 (gồm các sư đoàn bộ binh 4, 8, 330, các đoàn quân sự của các tỉnh thuộc Quân khu và một số đơn vị binh chủng tăng cường), hoạt động trên địa bàn 8 tỉnh: Côngpông Spư, Côngpông Chnăng, Puốcxát, Campốt, Tàkeo, Kandan, Cô Công, Côngpông Thom(?) (phía nam và tây nam Campuchia).
Cùng ngày 18 tháng 7, Bộ Quốc phòng ra một số quyết định giải thể các đoàn chuyên gia quân sự trực thuộc các quân khu để thành lập các phòng chuyên gia quân sự thuộc Bộ tư lệnh các quân khu, gồm: Quyết định số 229/QĐ-QP giải thể Đoàn 578, thành lập Phòng Chuyên gia quân sự trực thuộc Bộ tư lệnh 579 Quân khu 5; Quyết định số 227/QĐ-QP giải thể Đoàn 779, thành lập Phòng Chuyên gia quân sự trực thuộc Bộ tư lệnh 779 Quân khu 7; Quyết số 228/QĐ-QP giải thể Đoàn 978, thành lập Phòng Chuyên gia quân sự trực thuộc Bộ tư lệnh 979 Quân khu 9. Tiếp đó, ngày 9 tháng 10 năm 1981, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 340/QĐ-QP chuyển Bộ tư lệnh Mặt trận 479 thuộc Bộ tư lệnh Quân khu 7 về trực thuộc Bộ Quốc phòng (kể từ ngày 1-11-1981). Lực lượng nòng cốt của Bộ tư lệnh 479 là các sư đoàn 5, 302, 317 và một số đơn vị tăng cường của Quân đoàn 4[2]. Quyền hạn Bộ tư lệnh 479 tương đương Bộ tư lệnh Quân đoàn. Bộ tư lệnh 479 tiếp tục làm nhiệm vụ tác chiến và hoạt động giúp Bạn trên địa bàn hai tỉnh Xiêm Riệp và Báttambang.
Trong khi ta chấn chỉnh tổ chức, điều chỉnh lực lượng để hoàn thành thế bố trí chiến lược thích hợp với đặc điểm cụ thể của chiến trường Campuchia thì Pôn Pốt - Iêng Xari ra sức thu thập tàn quân, củng cố lực lượng chống phá cách mạng Campuchia.
------------------------------------------------
1. Lực lượng chủ yếu của các sư đoàn 5, 302, 317 thời kỳ này luân phiên hoạt động dưới sự chỉ huy của Mặt trận 479.
2. Lực lượng chủ yếu của Quân đoàn 4 thời điểm này vẫn làm nhiệm vụ cơ động của Bộ trên chiến trường Campuchia.
Mùa khô 1981 - 1982, địch phục hồi được 11 sư đoàn chiến đấu, chiếm giữ một phần quan trọng biên giới 7 tỉnh phía bắc và tây bắc Campuchia. Trong nội địa, chúng đẩy mạnh hoạt động trên địa bàn 12 tỉnh. Tuy cường độ và quy mô hoạt động thấp hơn các năm trước, nhưng số vụ nghiêm trọng nhiều hơn. Tháng 12 năm 1981, ba phái (Pôn Pốt, Sêrêka, Mônika) thành lập “Chính phủ liên hiệp ba phái”, gây tác động tâm lý trong dân và tạo được một số ảnh hưởng về chính trị, ngoại giao. Ở nội địa, địch chủ trương tiếp tục đưa quân chủ lực vào sâu nội địa, phân tán lực lượng, tích cực xây dựng và củng cố lực lượng ngầm, xây dựng “mặt trận” cấp phum, xã, tăng cường đánh du kích mạnh và rộng khắp (nhất là đánh giao thông, vận chuyển), đồng thời thúc đẩy việc tăng gia sản xuất tạo nguồn hậu cần tại chỗ về lương thực. Ở biên giới, chúng ra sức xây dựng các đơn vị chủ lực, tăng cường phòng thủ các căn cứ bằng mìn, vật cản, chống ta tập kích, truy quét.
Về chính trị, ngoại giao, chúng tiếp tục tăng cường chiến tranh tâm lý, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhằm phát huy tác dụng của “chính phủ liên hiệp” trong việc tập hợp lực lượng, gây thanh thế, tranh thủ viện trợ và tăng sức ép về ngoại giao đòi Việt Nam rút quân[1].
Về phía ta, sau khi ký các hiệp định về tiếp tục cử Chuyên gia quân sự Việt Nam sang công tác tại Campuchia (20-11-1981) và hiệp định về Việt Nam viện trợ quân sự cho Campuchia (25-11-1981), để kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ, chuyên gia quân sự đang làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Campuchia, ngày 10 tháng 2 năm 1982, Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị số 108/CT-QP bổ sung một số điểm về chính sách, chế độ đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia và Lào như bảo đảm về sinh hoạt, chế độ khen thưởng, chế độ khuyến khích những người phục vụ kéo dài (kể từ năm thứ tư trở đi), chế độ đối với thương binh, bệnh binh, liệt sĩ; chính sách đối với gia đình quân nhân, chính sách đối với chuyên gia quân sự, phiên dịch.
Triển khai nhiệm vụ tác chiến năm 1981-1982 đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao, trên cơ sở phân tích tình hình chiến trường, Bộ tư lệnh 719 chủ trương tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận lớn quân địch đã lọt vào nội địa, xoá bỏ trình trạng xen kẽ địch - ta ở biên giới; không để địch mở rộng hoạt động; giúp Bạn từng bước nâng cao khả năng chỉ dạo, chỉ huy, vận động quần chúng, xây dựng lực lượng đánh địch rộng khắp.
----------------------------------------
1. Báo cáo tình hình địch quý IV năm 1981 của Cục Nghiên cứu Bộ Tổng Tham mưu (tiền phương) ngày 2 tháng 1 năm 1982. KC655, lưu Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thực hiện chủ trương của Bộ tư lệnh Quân tình nguyện, bước vào mùa khô 1981- 1982, Quân đoàn 4 điều chỉnh lực lượng, phân chia địa bàn hoạt động thành hai mặt trận: Mặt trận 1 gồm các đơn vị bộ đội địa phương Campuchia và một phần lực lượng của Quân đoàn 4 đóng trên ba tỉnh Kanđan, Côngpông Chnăng, (p.176) Puốcxát, với nhiệm vụ chủ yếu là vận động quần chúng, vạch mặt bọn địch trà trộn trong dân, tiêu diệt các toán quân địch hoạt động trong nội địa. Mặt trận 2 gồm lực lượng chủ yếu của Quân đoàn 4 kết hợp với một số đơn vị chủ lực của Quân đội cách mạng Campuchia có nhiệm vụ đánh phá các căn cứ, chặn hành lang tiếp tế của địch từ biên giới vào nội địa.
Trong đợt 1 của chiến dịch mùa khô, Quân đoàn 4 sử dụng Sư đoàn 7 (thiếu), Sư đoàn 339, bộ đội công binh, vận tải của Quân đoàn cùng các lực lượng phối thuộc gồm Trung đoàn 250 (Sư đoàn 339), Sư đoàn 196 (thiếu), Binh đoàn 2 của Bạn và một tiểu đoàn của Thành đội Phnôm Pênh tổ chức các đợt hoạt động tập trung từ nam đường 10 đến nam đường 56 theo tuyến chiến đấu nhằm tiêu diệt một bộ phận lực lượng của Sà Rươn, sư đoàn 111 và các sư đoàn thuộc mặt trận 1 quân Pôn Pốt. Sư đoàn 9 (thiếu) hoạt động ở khu vực Stưng - Chikleng, núi Hồng, dưới sự chỉ huy của Mặt trận 479; đồng thời từng bước chuyển toàn bộ đội hình về đứng chân ở khu vực mới, sẵn sàng cơ động theo đường số 6 về hướng Xixôphôn khi có lệnh.
Mở đầu đợt 1 chiến dịch mùa khô 1981 - 1982, ngày 1 tháng 11 năm 1981, ta sử dụng Sư đoàn 7 (thiếu), Trung đoàn 8 (Sư đoàn 339) và một số đơn vị của Sư đoàn 196 (Bạn) tiến công căn cứ của Sà Rươn. Trên hướng phối hợp, Sư đoàn 339 và các lực lượng của Binh đoàn 2 (Bạn) tiến công các căn cứ lõm của sư đoàn 111 ở ven đường 56, Rôviêng, Samátđông. Sư đoàn 9 phối hợp với Đoàn 9903 đánh các căn cứ do tên Thi và Lơvây chỉ huy.
Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ trong đợt 1, ngày 15 tháng 3 năm 1982, Quân đoàn 4 tiến hành đợt 2 chiến dịch, tập trung lực lượng tiến công một số căn cứ địch ở biên giới. Trên hướng Sư đoàn 7 (được tăng cường 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 250 biên phòng, 2 trung đoàn của Sư đoàn 196 và 2 khẩu pháo 130mm), ta mở đợt tiến công căn cứ Chămca Srâu - Tứcsóc và cao điểm 348. Do quá trình chuẩn bị chiến trường của ta không đảm bảo bí mật nên trước khi ta nổ súng, địch kịp phân tán lực lượng, chỉ để lại một bộ phận nhỏ cầm cự. Ta chiếm được mục tiêu nhưng chỉ tiêu diệt được một lực lượng nhỏ của địch, thu 276 súng, 14 máy thông tin và một số quân trang, quân dụng. Tiếp đó, Sư đoàn 7 được lệnh cơ động về địa bàn tỉnh Côngpông Chnăng, triển khai lực lượng giữ Pônlây, ga Banâk và khu vực Rômía.
Trên hướng Sư đoàn 339, các đơn vị phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang Bạn đánh bại các đợt tập kích của địch bằng hoả lực và bộ binh nhằm chiếm các điểm tựa của ta ở khu vực tây sông Mênam, điểm cao 492, bảo vệ an toàn đường 56. Sư đoàn 9 cùng các đơn vị Bạn mở các đợt truy quét tàn quân địch, bảo vệ an toàn giao thông trên đường số 5 và hệ thống đường sắt. Qua hai đợt tác chiến mùa khô, tuy Quân đoàn 4 chưa tiêu diệt được nhiều sinh lực địch (vì địch phân tán lực lượng, tránh các cuộc tấn công trực tiếp của ta và Bạn) nhưng các đơn vị của Quân đoàn đã giúp bạn giữ vững các địa bàn, củng cố chính quyền cách mạng, đập tan âm mưu của địch lấn đất giành dân, xây dựng chính quyền hai mặt. (p.178)
Ở Mặt trận 779, mùa khô 1981-1982, Sư đoàn 5 và một số lực lượng tăng cường phối hợp với Sư đoàn 309, một bộ phận Đoàn quân sự 7704 và bộ đội địa phương Campuchia đánh căn cứ sư đoàn 320, văn phòng trung ương của Pôn Pốt ở Ôđa, Kaomêlai, Đầmrông, Namsáp, đồng thời tiếp tục bung lực lượng ra truy quét, triệt phá hành lang của địch ở khu vực nam cao điểm 175. Ngày 14 tháng 1 năm 1982, sư đoàn 5 sử dụng Trung đoàn 16 phối hợp với Sư đoàn 309 tiến công căn cứ Sư đoàn 320 Pôn Pốt. Sau 3 ngày chiến đấu ác liệt, Trung đoàn 16 đánh chiếm và làm chủ khu vực Namsáp, sau đó phát triển chiến đấu đánh chiếm Tàngóc. Trong đợt 1 chiến dịch, Sư đoàn 5 cùng Sư đoàn 309 diệt hơn 200 tên, thu 92 súng (có 1 pháo 37mm), 10 tấn đạn, 6 xe ô tô, 1 máy thông tin, 30 tấn gạo, phá hủy 1 pháo 105mm.
Trong đợt 2 của chiến dịch, Sư đoàn 5 cùng các đơn vị truy quét đánh chặn lực lượng địch ở khu nam cứ điểm Kaomêlai. Do địa hình phức tạp, địch bố trí nhiều mìn và vật cản ngăn chặn, công tác nắm địch và chuẩn bị của ta chưa chu đáo nên trận đánh kéo dài, thương vong cao, các đơn vị của Sư đoàn phải dừng lại củng cố, rút kinh nghiệm.
Thời gian này, trên hướng Mặt trận 579, các sư đoàn 315, 307 tiến công các căn cứ của sư đoàn 801 Pôn Pốt và bọn phỉ Lào ở ngã ba biên giới Lào - Campuchia - Thái Lan. Ta đánh trúng sở chỉ huy, hậu cứ sư đoàn 801 quân Pôn Pốt, diệt gọn hai tiểu đoàn (701, 703) phỉ Lào, loại khỏi chiến đấu 342 tên địch, thu 107 súng các loại.
Ngoài ra, các đơn vị còn truy quét bọn tàn quân trung đoàn 83 (sư đoàn 801 Pôn Pốt) ở tây bắc Xiêmpăng, đánh vào đông bắc Vonsai, tây nam Bôkeo, căn cứ của các trung đoàn 402, 403 (sư đoàn 775 Pôn Pốt), căn cứ sư đoàn 920 ở Mônđônkiri, căn cứ 547 trên biên giới Thái Lan. Trong nội địa, các tiểu đoàn địa bàn 2, 36, 50, 80, 96 đánh các trận vừa và nhỏ, kết hợp chặt chẽ với công tác địch vận, làm tan rã nhiều tổ chức phản động, kêu gọi hàng trăm binh lính địch ra hàng.
(lược 1 đoạn ...)
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn cách mạng mới, ngày 8 tháng 6 năm 1982, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia (thay Ban phụ trách công tác K (Campuchia) và Tổng đoàn chuyên gia). Đồng chí Lê Đức Anh được chỉ định làm Trưởng ban. Cùng ngày, (p.180) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 847/QĐ-BQP chuyển Lữ đoàn 950 thuộc Bộ tư lệnh 979 thành Đoàn quân sự làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia tại Đặc khu Côngpông Xom, mang phiên hiệu Đoàn 950.
Thợ cạo tổng hợp theo Bodoibucket
Nguồn: Vnmilitaryhistory