Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Những bức ảnh CQ-88: 3 - Hòn đảo mang tên người thuyền trưởng

Đảo Phan Vinh chỉ nổi khi thủy triều xuống thấp, khi triều lên chỉ có một vài mỏm đá nổi cao hơn mặt nước. Đảo bé tẹo nhưng có ít nhất hai chiếc xe tăng vài ba cổ pháo 37 ly cho thấy tính khẩn trương và quyết liệt của thời điểm này...
Đảo Trường Sa Đông. Tháng 5/1988.

Trường Sa Đông (tên quốc tế: Central London Reef) là một phần của dải san hô London thuộc quần đảo Trường Sa, hiện do Việt Nam sở hữu. Nó nằm ở vị trí 8°55' Bắc, 112°21' Đông.
Ngày 04-04-1978, tàu 681 thuộc đoàn 125 đưa 19 cán bộ, chiến sỹ do đồng chí Nguyễn Trung Cang, Tham mưu trưởng Trung đoàn 146 chỉ huy 1 lực lượng ra đóng giữ đảo. Ngày 19-04-1978, một lực lượng khác gồm 17 đồng chí ra thay cho bộ phận của đồng chí Nguyễn Trung Cang. Chỉ huy trưởng lúc này là đồng chí Bùi Xuân Nhã. Do làm tốt công tác giáo dục, quán triệt và xác định tốt nhiệm vụ sau gần một tháng khẩn trương xây dựng trận địa, công sự chiến đấu hoàn tất, đời sống cán bộ, chiến sỹ ổn định, khắc phục khó khăn quyết tâm bám trụ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Chiến sĩ bắt cá cải thiện bữa ăn.
Sau khi thăm các đảo vùng London reefs Đoàn tiếp tục đi về hướng Đông mà mục tiêu sắp tới là đảo Phan Vinh.
Biễu diển văn nghệ trong lúc tàu vẫn hành tiến
Anh Đào hay nhắc lại những lần đi qua đảo Gạc Ma, dự lễ thả vòng hoa tưởng niệm những chiến sỹ đã hy sinh ở đó. “Các anh ấy còn trẻ lắm, mãi không được về với người thân. Khi đến đó, Anh Đào luôn cầu mong cho Trường Sa mãi mãi bình yên, để những đứa con của Tổ quốc không còn phải ngã xuống nữa.” Chị hát “Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi. Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu, ơi Trường Sa ơi…”, những giọt lệ lại lăn dài trên má.
Từng đàn cá heo bơi lội theo tàu
Đoàn ra đảo vào lúc Trường sa bước vào mùa mưa. Gió mùa Tây Nam đã thổi thay cho gió mùa Đông Bắc từ đầu tháng tư có cảm giác một cơn mưa bất chợt bằng hiện tượng từng đàn cá heo nổi lên mặt biển, biểu diễn tiết mục nhào lộn. Hoan hô cá heo! Hoan hô trời mưa! Cá càng nổi nhiều, càng nhảy lộn, trời càng mau mưa.
Tấm ảnh này có thể được chụp ở vùng biển đảo Phan Vinh. Khuya đó sau buổi biểu diễn văn nghệ cả đảo chìm vào giấc ngủ thì giông tố nổi lên, gió quay tít mù đấy, nhưng chẳng hề có một giọt nước nào, có chăng cũng chỉ thoáng qua một vài hạt như trêu tức. Rồi đột nhiên không gian vỡ òa bơi tiếng sấm rền, tiếng mưa. Mưa! Mưa. Mưa Trường Sa ... Mưa như trút nước. Đảo chìm trong mưa Trong phút chốc trời và biển hòa làm một: Từng tốp lính đảo hè reo lao ra ngoài trời tắm mưa, họ tắm như chưa bao giờ được tắm. Những tấm lưng trần đen bóng, những tiếng cười nói sảng khoái vô tư.
Mưa Trường Sa


Sáng tác: Xuân An
Đêm ru... biển ngủ yên
Biển ru... đảo ngủ yên
Gió về... mây se lạnh
Mây chở... từng giọt mưa
Mưa qua... trên đảo xa
Mưa!
Trời mưa!
Á ha, trời mưa!
Từng bàn tay với lên trời cao, vuốt trên mặt người thấm từng giọt mưa lẫn dòng nước mắt
Mưa!
Trời mưa!
Á ha, trời mưa!
Từng đôi chân bay qua chiến hào thoáng giây ngập ngừng giữa thềm san hô đón dòng nước ngọt
Mưa Trường Sa là giọt sương trên nụ hoa thắm tươi bình minh
Mưa Trường Sa, là nụ hôn cho tình yêu phút đầu gặp em
Xôn xao...
Bàng hoàng..
Chơi vơi...
Hạnh phúc...
Mưa Trường Sa, là bài ca ươm mầm xanh lớn trên đảo xa
Mưa Trường Sa, là tình thương từ đất liền suốt đời bao dung
Mưa đi mưa đi đảo nhỏ chờ mưa
Mưa đi mưa đi chúng tôi cần mưa
....
Mưa ơi mưa ơi đảo nhỏ cần mưa
Mưa ơi mưa ơi chúng tôi là mưa...
"Đảo Phan Vinh nửa nổi nữa chìm, chuyện kể rằng từ một ổ trứng chim, con cháu bà Âu Cơ đặt chân lên, biết đây là một phần Tổ quốc. Và từ đó chim bay về đây, và từ đó xanh xanh hàng cây. Sự sống sinh sôi khi chúng ta bước chân lên đảo...”-lời ca của bài “Tôi hát- đảo Phan Vinh” do nhạc sỹ Lê Mây sáng tác.
Quả thật nhìn ảnh dưới đây thấy Phan Vinh chông chênh giữa trời biển bao la
Đảo Phan Vinh lúc này ta mới đóng quân được ở điểm A nằm ở cực Đông Bắc của vành san hô. Ảnh trên đươc chụp từ hướng Đông - Đông Nam. Một chiếc K-63-85 nằm ngay đầu đảo. Có thể thấy một nhóm các chiến sĩ đang đứng trên chiếc tăng này nhìn đoàn tàu tiến lại gần.
Đảo Phan Vinh (tên quốc tế: Pearson Reef), tên cũ là Hòn Sập là một hòn đảo san hô thuộc quần đảo Trường Sa, nằm tại tọa độ 8o56' vĩ Bắc, 113o38' kinh Đông. Ngày 30/3/1978, ta đóng giữ đảo Hòn Sập (Phan Vinh)
Đảo được đặt tên theo trung úy Nguyễn Phan Vinh, người Điện Bàn, thuyền trưởng của nhiều con tàu không số trong Chiến tranh Việt Nam
Đảo Phan Vinh chỉ nổi khi thủy triều xuống thấp, khi triều lên chỉ có một vài mỏm đá nổi cao hơn mặt nước. Đảo nằm cách đảo Núi Le 12 hải lý.
Đô đốc Giáp Văn Cương, tư lệnh quân chủng Hải quân hướng dẫn Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thăm cán bộ chiến sỹ đảo Phan Vinh. Tháng 5/1988
Chụp ảnh kỷ niệm trước nhà chỉ huy của đảo
Cố Nhạc sĩ Xuân An (Sở VHTT Phú Khánh) và ca sĩ Thanh Thanh biểu diễn trên mâm pháo. Bên cạnh là một chiếc xe tăng. Đảo bé tẹo nhưng có ít nhất hai chiếc xe tăng vài ba cổ pháo 37 ly cho thấy tính khẩn trương và quyết liệt của thời điểm này.
Ca sĩ Thanh Thanh nổi tiếng với bài hát GẦN LẮM TRƯỜNG SA của cố nhạc sĩ Hình Phước Long. Mỗi lần cô hát đều được lính đảo Trường Sa hoan hô nhiệt liệt. Thêm một điều oái oăm nữa không phải ai cũng biết tác giả của bài hát đó là ai. Tất cả vinh quang mà bài hát gặt hái được lại dồn hết về người biểu diễn. Một số lính còn quả quyết rằng chính Thanh Thanh là người sáng tác ra nó, nếu không thì cô chẳng thể hát được hay đến như vậy, cứ như rót vào lòng người nghe! Vâng, chuyện ấy vẫn thường khi xảy ra. Một tác phẩm hay chưa bao giờ là tài sản riêng của một người.
Thật không dễ có dịp chụp ảnh kỷ niệm với Đại Tướng trước nhà chỉ huy của đảo Phan Vinh
Anh Đào và chiến sĩ đảo Phan Vinh, tháng 5-1988, ảnh của Nguyễn Viết Thái
Người của Trường Sa
Sau lần Anh Đào ra Trường Sa lần thứ hai năm 1988, chồng chị bảo chị chuyển ngành, không đi hát nữa. Khi đó con trai chị mới hơn 3 tháng tuổi. Chị xin anh cho 3 đêm để suy nghĩ. Đồng nghiệp kể, khi họ ra Trường Sa, chiến sỹ đều hỏi có ca sỹ Anh Đào không. Ai cũng ước được lính Trường Sa yêu mến như mình, sao mình lại nghỉ hát, lại không được ra Trường Sa nữa. Chị nói với anh, không thể chuyển ngành. Anh ấy buồn, những lần chị đi hát, tình cảm của anh ấy giảm dần. Anh đi làm ăn xa, xa dần… Từ đó, Anh Đào nuôi con một mình. Năm 2002 và năm 2004, chị lại ra với Trường Sa. Dịp Tết Giáp Thân (2004), cầu truyền hình được tổ chức tại đảo Trường Sa Lớn, Anh Đào được ăn Tết với chiến sỹ trên đảo, được đón tuổi mới ở Trường Sa. Tối 21-3-2010, chương trình truyền hình trực tiếp “Triệu trái tim hướng về biển đảo Tổ quốc” tổ chức tại Quân cảng Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, Anh Đào lại được mời hát về Trường Sa. “Trường Sa là mảnh đất nóng ở thời bình, gần 30 năm qua, nhiều kỷ niệm với Trường Sa lắm, được hát về Trường Sa là vinh dự lớn lắm.” Chị tâm sự.
Nhiều người hỏi, sao Anh Đào không là nghệ sỹ ưu tú. Nhưng đối với Anh Đào, được gọi là “ca sỹ của Trường Sa” là danh hiệu lớn nhất, vinh dự lớn nhất của chị. Khi hát về Trường Sa, Anh Đào không coi mình là ca sỹ, chiến sỹ Trường Sa không phải là khán giả. Chị là người của Trường Sa, đang trở về quê hương của mình, chia sẻ tình cảm với người thân của mình.
Chuyển quà của Đất liền đến đảo Phan Vinh.
Để leo lên cái vọng gác nổi tiếng của Phan Vinh người ta còn phải dùng cái thang gỗ đặt bên ngoài. Trời giông bão thì ai dứng gác chắc phải chịu trận trên vọng gác thôi.
Quà tặng cho chiến sỉ đảo Phan Vinh ngoài bánh trái còn thấy có mấy bao khoai.
Quý nhất là máy cat set, cái TV màu 14" và dàn video hàng second hand.
Ca sĩ Thanh Thanh vá áo cho các chiến sĩ
Anh Đào và ca sỹ Thanh Thanh cùng mang theo kim chỉ để tranh thủ khâu áo cho anh em, vừa khâu vừa hát để kìm bớt cảm xúc. Nhưng nhìn chiến sỹ đang nghe, đang ngắm, như uống từng lời hát, nước mắt các chị cứ chực trào ra.
Bác Nguyễn Viết Thái và Nhà báo Phạm Đình Quát ở đảo Phan Vinh
Nhà báo Phạm Đình Quát và một sĩ quan trên đảo Phan Vinh
“Khi lên đảo Phan Vinh, chúng tôi nghe anh y sĩ kể, các anh vừa làm vệ sinh kho gạo, đập chết và đốt 75 ký xác gián”. Nhà báo Phạm Đình Quát hiện công tác tại Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, kể về một ấn tượng sâu sắc trong chuyến đi Trường Sa năm 1988. Gián, chuột không cách nào diệt hết, nhưng sau mùa mưa bão, cả đàn gà trên đảo chỉ còn một chú gà trống. Hàng ngày, nó lủi thủi đi ăn rồi về chuồng, chẳng buồn gáy nữa. Cho đến khi đảo có khách. Buổi tối sinh hoạt văn nghệ thật ấm cúng, hai nữ ca sĩ Anh Đào, Thanh Thanh say sưa hát, như chưa từng hát. Các chàng lính đảo, chẳng rõ chăm chú nghe hay ngắm hai ca sĩ hát, cứ ngẩn ra... Khoảng hơn 4 giờ sáng hôm sau, bỗng đảo nhỏ xôn xao bởi tiếng gà gáy. Chú gà trống đứng trên ụ pháo, vỗ cánh phành phạch, ngóc cao đầu gáy liên tục. Một pháo thủ trẻ dí dỏm bảo: “Vì hai người đẹp xuất hiện trên đảo, có “cân bằng sinh thái” nên con gà mới có hứng thú gáy”.
Một ca mổ trong hầm quân y đảo Phan Vinh.
Trường sa cũng "dzô chăm phần chăm"
Nhà báo Viết Thái ( Thứ ba từ trái sang), và Nhà văn Khuất Quang Thụy ( Thứ tư từ trái sang ) cùng các đồng chí chỉ huy Trung đoàn 83 Công binh Hải quân.
Đêm ở đảo Phan Vinh, đang hát Anh Đào thấy mọi người chuyền tay nhau đưa chị một gói giấy xi măng. Hát xong, chị vô hậu trường, giở gói giấy thấy có 3 cái trứng chim biển và mẩu giấy nhỏ ghi “trứng chim biển đã luộc chín rồi, gửi cho ca sỹ Anh Đào ăn nhé”. Chị khóc vì hạnh phúc. Đêm đó, đang ngủ bỗng nhiên chị nghe tiếng reo hò, giật mình tỉnh dậy, thấy mấy chục chiến sỹ đang tắm mưa, như một bầy trẻ quê. Trời ơi, nửa đêm tắm mưa, cảnh chỉ có ở Trường Sa. Anh Đào lại không kìm được nước mắt.
Chiến sĩ ta thưởng thức ngay món quà từ đất liền
Theo VAPUTIN (PARACELISLANDS.ASI)

Tìm kiếm Blog này