Ông Dư Tư Tòng, người Việt gốc hoa, sinh năm 1916, quê quán ở Bồng
Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định. Do có tham gia hoạt động cách mạng trong
kháng chiến chống pháp, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, để tránh sự
truy tìm khủng bố của địch, ông Dư Tư Tòng đã đưa gia đình lên Kon Tum
làm ăn. Do khi còn ở quê, ông có quen biết với ông Bùi Vật, một gia đình
cách mạng có con đi tập kết, nên khi lên Kon Tum họ lại tiếp tục gắn bó
với nhau và tìm cách móc nối với cách mạng. Đến năm 1963, ông Dư Tư
Tòng đã trở thành một cơ sở tin cậy ở vùng căn cứ lõm nội thị, một trong
số 13 cơ sở của Ban cán sự H5 (Mật danh của thị uỷ Kon Tum khi đó).
Tới năm 1965, vì biết ông gốc là người Hoa, giỏi nấu ăn buôn bán,
cấp trên gợi ý và giao cho ông nhiệm vụ mở một nhà hàng để có điều kiện
nắm tin tức của địch. Nhận nhiệm vụ cấp trên giao, cuối năm 1965, ông Dư
Tư Tòng đã mở một nhà hàng có tên là: '' Nhà hàng Hồng Kông'' tại đường
Phan Đình Phùng (góc Lê Lợi - Phan Đình Phùng hiện nay). Nhà hàng bán
các món ăn cả ta và tàu, chủ yếu phục vụ lính Mỹ. Đây một phần là chủ
trương của ta, một phần cũng do nhà hàng lớn, có nhiều lính Mỹ ra vào
nên dân thường người Việt ít dám vào ăn, chỉ trừ bọn lính tráng đi trận
về vào ăn nhậu quậy phá.
Cùng với quán giải khát Cao Nguyên (Một cơ sở khác của cách mạng
cũng ở thị xã Kon Tum), nhà hàng Hồng Kông đã có vai trò rất lớn trong
việc thu thập tin tức của địch để báo cho cấp trên. Các kế hoạch hành
quân, đi càn, đánh chiếm , quân số, lực lượng tham gia... của bọn địch
do chúng vô tình tiết lộ trong lúc ăn nhậu, trong lúc làm oai với đồng
bọn, với “em út”... tất cả đều được ông chủ quán thu thập gửi ra căn cứ.
Bên cạnh đó nhà hàng còn là nơi đi lại của một số cán bộ cách mạng. Lợi
dụng việc hàng ngày phải ra vùng ven mua thực phẩm, chở than cho nhà
hàng, ông Tòng đã rất tích cực mua vải, đèn pin, thuốc tây, đường sữa,
đồ hộp, máy radio,... là những thứ rất cần thiết, quý báu đưa ra rừng
tiếp tế cho cách mạng. Đặc biệt trong cuộc tổng tấn công Xuân Mậu Thân
năm 1968, bằng xe lam của gia đình, ông Dư Tư Tòng đã vượt qua hiểm
nguy, qua mặt mạng lưới cảnh sát, mật vụ, an ninh dày đặc của kẻ thù,
dũng cảm đưa vũ khí đạn dược, chở bộ đội đặc công (đã được cải trang
thành lính nguỵ) vào nội thị, ém sẵn tại các cơ sở mật, chờ giờ nổ súng.
Trong số 13 bao vũ khí đạn dược được ngụy trang trong các bao than đưa
vào nội thị, ông Dư Tư Tòng đã đưa về nhà mình 5 bao để đến giờ tấn công
phát cho bộ đội.
Nhớ lại những ngày cách đây 45 năm, bà Lâm Thị Hương (vợ ông Dư Tư
Tòng) kể lại: “Quán Hồng Kông của nhà tôi lúc đó bán đồ ăn của cả ta và
tàu: cơm, phở, bánh mì Ốp-la, thịt bò bít tết... Ông nhà tôi nấu ăn khá
ngon nên quán rất đông khách. Ngày ấy tôi cũng biết về một số công việc
của chồng và lặng lẽ giúp chồng hoạt động. Hàng bán chạy, làm ăn cũng
khấm khá song nhiều khi cũng khốn khổ vì bọn lính tráng quậy phá. Còn
nhớ khi mới mở quán chừng nửa tháng, bọn thuỷ quân lục chiến đi trận về
kéo vào ăn nhậu, đập phá gần một ngày trời. Thiếu một chút rau, một chút
ớt là chúng quát nạt, hoạch hoẹ. Ăn xong chúng đứng dậy không trả một
đồng. Khi tôi hỏi, chúng rút súng bắn một loạt xuống nền nhà, đạn đập
vào nền xi măng toé lửa, rồi bỏ đi. Lại có lần một đám lính dù ngụy vào
hạch sách: "Tại sao quán bàn hàng cho Mỹ, không bán cho người Việt?".
Khi ăn xong, chúng rút lựu đạn đặt trên bàn, tôi phải chắp tay lạy chúng
đem lựu đi cho. Rồi lần khác khi cả lũ ăn xong, một tên kêu bị mất sợi
dây chuyền trong quán rồi lè nhè gây chuyện. Mình đã không lấy được tiền
ăn còn phải mất tiền kêu xích lô chở chúng đi. Ngày ấy bọn chúng lính
trận sống nay chết mai chẳng biết thế nào nên quậy phá dữ lắm. Mặc dù
vậy, nhà hàng vẫn làm ăn phỏt đạt. Chính vì vậy, sau Mậu Thân cơ sở bị
đổ bể, ông ấy bị địch bắt, nhà, quán bị niêm phong, xe lam bị địch
thu... có người cho rằng đó là do bọn cảnh sát kiếm chuyện làm tiền. Có
kẻ lại độc địa bảo vợ chồng tôi là "loại ngu dại", "cơm không muốn ăn
muốn ăn c…". Tuy vậy cũng có nhiều người hiểu, họ bí mật an ủi động viên
tôi: "Thôi chị đừng buồn, anh ấy bị tù nhưng là tù vinh dự chứ không
phải trộm cắp gì, chị yên tâm làm ăn nuôi con".
Sau tổng tấn công Xuân Mậu Thân, khi quân ta rút đi, địch điên
cuồng vây ráp, truy tróc các cơ sở mật của ta, phong trào cách mạng vùng
nội thị Kon Tum bị tổn thất nặng nề. Do có người bị bắt bị tra tấn,
không chịu nổi đòn roi của kẻ địch đã khai báo nên hầu hết các cơ sở mật
của H5 (thị xã Kon Tum) đều bị bắt.
Ông Dư Tư Tòng bị bắt ngày mồng 10 Tết (10 tháng giêng năm 1968).
Địch đưa ông về Ty cảnh sát tra tấn, đánh dập dã man hàng tháng trời.
Đêm đến, bọn lính uống rượu vào rồi bịt mặt lại, lôi ông ra đánh đập,
tra khảo. Các ngón đòn "tàu bay", "tàu lặn", dùng kim găm vào mười đầu
ngón tay lấy quạt giấy cà qua cà lại, búp miệng đổ nước vôi trộn xà
bông... làm ông chết đi sống lại nhiều lần. Lúc đầu chúng đánh, ông vô
tình đỡ, biết ông có võ chúng càng điên, càng đánh dữ. Những tù nhân
khác chỉ bị nhốt hầm, riêng ông chúng không yên tâm nên lúc nào cũng bị
trói giật cánh khỉ suốt ngày đêm. Chúng đánh ông gẫy xương vai, gẫy mấy
dẻ xương sườn. Ông bị đánh đến nỗi mềm cả da đầu, chỉ khẽ động vào là
nước vàng chảy ra. Ông nghiến răng chịu đựng mọi đòn khảo tra, trước sau không hộ răng khai báo một lời.
Về những ngày chồng bị giam giữ, tra tấn, bà Lâm Thị Hương
kể: "Vì trước khi ông ấy bị bắt một hai ngày đã có cơ sở bị lộ và bị
bắt. Do đó đề phòng nên trong nhà còn một khẩu súng, vài trái lựu đạn
ổng đó đem phi tang xuống hầm cầu. Khi bị bắt chúng tra tấn ông rất dã
man và lục soát nhà tôi mấy ngày liền. Do có người chỉ điểm, chúng cho
người lội hầm cầu mò lôi lên khẩu súng và mấy trái lựu đạn. Chúng đưa
ông ấy về nhà chụp hình làm bằng chứng. Ông ấy đi không vững, mặt mày
sưng mọng, tím bầm như trái bồ quân, nước vàng từ trên đầu chảy xuống
mặt thành vệt. Bọn chúng bắt ông ấy đứng trước nhà, hai tay bị trói đưa
lên trước ngực đỡ khẩu súng và mấy trái lựu đạn "tang chứng" để chụp
hình. Mấy mẹ con tôi chỉ biết nhào vào chồng, cha kêu khóc...".
Ông Tòng bị địch giam giữ tại Kon Tum 6 tháng đến tháng 8 năm đó
(1968) thì bị đưa xuống quân lao Nha Trang cùng một số tù chính trị của
Kon Tum gồm các ông, bà Bùi Vật, Bùi Văn Diêu, Nguyễn Thị Hiệp, Nguyễn
Thị Khảm, Bùi Thị Tưởng, Nguyễn Đức Bá, Bùi Thanh Châu, Phạm Bồng...
Tại toà án quân sự mặt trận Vùng 2 chiến thuật Nha Trang tháng 9/1969,
ông bị địch kết án 3 năm tù "tội phản nghịch".
Trong lằn ranh của sự sống và cái chết, giữa bản lĩnh và sự
suy sụp, giữa niềm tin vào ngày chiến thắng và sự đầu hàng, phản bội...
Ông Dư Tư Tòng đã đứng vững, một lòng trung thành với cách mạng.
Trong "Giấy chứng nhận" về công lao thành tích
kháng chiến của ông Dư Tư Tòng, đồng chí Nguyễn Thế Vũ (nguyên Phó Bí
thư Ban cán sự H5 trong kháng chiến chống Mỹ, sau giải phóng có thời
gian là Bí thư Thị ủy Kon Tum) người trực tiếp lãnh đạo ông Dư Tư Tòng
viết: "... Sau 1968, cơ sở bị lộ, ông Tòng bị địch bắt, bị tra tấn
thương tật song vẫn một lòng kiên trung không khai báo, giữ vững khí
tiết cách mạng. Đến năm 1972 địch thả về, ông vẫn tìm cách móc nối lại
với cách mạng và hoạt động cho đến ngày giải phóng".