Những gia
đình này đã bỏ công, bỏ sức, kể cả tiền bạc để thuê mướn nhân công, bắt
đầu khai khẩn đất đai. Địa điểm đánh dấu khai sinh làng Lương Khế đầu
tiên đó là địa điểm Am Bà (nay thuộc góc đường Hoàng Văn Thụ - Nguyễn
Đình Chiểu). Trong quá trình khai hoang, mở mang đất đai ranh giới của
làng lúc bấy giờ phía Bắc giáp khu rừng (đường Phan Chu Trinh), phía Nam
giáp làng Tân Hương (đường Nguyễn Đình Chiểu), phía Tây giáp làng Trung
Lương (đường Hoàng Văn Thụ), phía Đông giáp làng Phương Nghĩa (đường
Tăng Bạch Hổ).
Trong những
buổi đầu sơ khai lập địa, dân làng phải chịu biết bao cơ cực trước cảnh
hoang vu, khí hậu khắc nghiệt, sơn lâm chướng khí, sốt rét, bệnh tật,
thú dữ, rắn rết, đêm đêm cọp đến tận nhà rình bắt người. Trước những khó
khăn thách thức đó, dân làng Lương Khế đã đứng ra lập một ngôi đình để
thờ Thành Hoàng bản xứ, với mong muốn thần linh phù hộ cho dân làng an
cư, lạc nghiệp. Đó là khoảng thời gian năm 1913.
Lúc đầu, ngôi
đình chỉ dựng tạm bằng mái tranh, vách nứa, nền đất, mặt đình quay về
hướng nằm trên khu đất cao ở trung tâm của làng.
Đến khoảng
năm 1924-1925, cuộc sống của dân làng đã ổn định, sung túc, đầy đủ hơn.
Họ nghĩ đến việc trùng tu lại ngôi đình, mái đình được lợp ngói vảy,
sườn gỗ, tường gạch vôi vỉa. Trên đầu nóc nhà có đắp nổi tượng "Lưỡng long chầu nguyệt",
các hàng cột ở tiền sảnh có khắc hình rồng uốn lượn. Và vào ngày 26
tháng 06 năm 1925, Đình Lương Khế đã được vua Khải Định ban sắc thần.
Năm 1964,
ngôi đình được kiến tạo lại mới hoàn toàn, phỏng theo kiến trúc dân gian
Huế do ông Phạm Văn Lưu thiết kế và đốc công xây dựng. Ngày nay đình
Lương Khế tọa lạc tại phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum. Mặt đình
quay về hướng Tây giáp đường Trần Phú. Nhìn tổng thể kiến trúc theo kiểu
chữ Môn, gồm có Chánh điện, nhà Tiền hiền và Cô hồn, trước mặt đình tạo
dựng một bức bình phong án ngự có nắp nổi hình cuốn thư.
Chánh điện là
một ngôi nhà 3 gian 2 chái, cổ lầu, gian chính giữ rộng hơn gian hai
bên. Cấu trúc đình theo kiểu chồng diềm hai tầng mái, mái đình lợp ngói
vảy, trên bờ nóc ở chính giữa gắn hình "Lưỡng long chầu nguyệt". Bốn đầu đao tầng mái trên, dưới mái đình gắn dây cuốn.
Trong chánh
điện, ở trung tâm thờ vú tổ Hùng Vương, ở phía sau bàn thờ Vua Hùng là
bàn thờ thần, hai bên tả hữu thờ Tiền hiền khai khẩn, Hậu tiền khai cơ.
Trên 4 trụ cột treo bốn câu liễn đối được sơn son thếp vaqngf do bà con
trong làng phụng cúng. Trên các mảng tường trong chánh điện treo các bản
gỗ, khắc tên những người có công góp tiền của để kiến tạo đình.
Ở dãy nhà
quay về hướng Nam thờ các vị Tiền hiền có công khai phá xây dựng làng.
Dãy nhà hướng Bắc là nơi dân làng hội họp trong các ngày lễ hàng năm của
làng.
Hằng năm, cứ
vào dịp từ 14 tháng 2 âm lịch và ngày 10 tháng 3 âm lịch. Trong làng
thường tổ chức lễ tế Thần, giỗ tổ Hùng Vương và hội làng. Các thủ tục
làm lễ rất trang nghiêm, Văn tế có bài bản do các vị chức sắc trong làng
đảm nhiệm nhất là thủ tục tế lễ trời đất, được chuẩn bị lễ vật công phu
để dâng lên điện thờ và cả đoàn người đi dọc theo đường Trần phú từ
phía đình tiến đến Điện Thánh Mẫu (nơi thờ Mẫu Thiên Y A Na), dẫn đầu là
đội khèn, trống "bát âm" tiếp theo là ban tế lễ bận lễ phục có Long
Đỉnh đi trước để rước sắc thần của vua Khải Định về Đình Làng.
Sau buổi tế
lễ dân làng mới tập trung vào ăn uống và bàn việc chung của làng, qua đó
mới kể cho con cháu nghe về những người có công tạo dựng nên làng. Đến
tối bắt đầu khai hội...Kết thúc lễ hội, Ban tế lễ lại đưa sắc thần về
cất tại Điện Thánh mẫu.
Nhìn lại lịch
sử, Đình lương Khế từ khi lập đền đến nay đã gần 100 năm tuổi, trải qua
biết bao biến cố lịch sửngôi đình đã bị hư hỏng và mất mát rất nhiều về
những di vật trong di tích. Phần kiến trúc bị thay đổi, các phần lễ hội
bị lãng quên không còn tổ chức nguyên vẹn như xưa. Sau ngày giải phóng,
việc chia tách phường lại chia cắt làng Lương Khế cũ thành nhiều khu
vực khác nhau (phường Quyết Thắng, Phường Thắng Lợi...) do đó, người dân
làng cũ bị tản mác, không còn điều kiện gắn bó như trước.
Ngoài ý nghĩa
là một chứng tích của người Kinh lên lập nghiệp sớm ở Kon Tum. Đình
Lương Khế còn là một công trình kiến trúc dân gian của người Việt ở vùng
miền Trung Việt Nam có mặt sớm ở Tây Nguyên cần được bảo tồn gìn giữ.
Bên cạnh là một di tích về kiến trúc dân gian, cùng các di vật lịch sử
được lưu giữ tại đình đã góp phần làm phong phú thêm vốn di sản văn hóa
của địa phương và là tư liệu quý phục vụ cho công tác nghiên cứu lich
sử, địa chí của tỉnh nhà. Sự có mặt của người kinh làng Lương Khế ở đây
đã góp phần lớn công sức của họ trong quá trình khai phá để biến một
vùng đất hoang vu thành những làng xóm trù phú, những ruộng rẫy tốt
tươi, phố xá sầm uất ở Kon Tum như ngày nay.
Tường Lam
(Theo CTTĐTTKT)
Xem thêm: Sự tích chùa Bác Ái và đình Võ Lâm