Tim thông tin blog này:

Thứ Tư, 19 tháng 11, 2014

Tính danh học Việt Nam: Nguồn gốc tên họ

Mục đích nghiên cứu của chương này là: (a) tìm hiểu nguồn gốc phát sinh tên họ tại Việt Nam, Trung Quốc và tây phương, (b) tìm hiểu những điểm tương đồng và dị biệt giữa tên họ tây phương và Việt Nam để từ đó biết được nguyên tắc chung của nhân loại trong vấn đề tên họ. Với 2 mục đích này, nội dung chương hai gồm 3 mục chính: mục một: tên họ của người Việt Nam, mục hai: tên họ của người tây phương, mục ba: so sánh tên họ tây phương với tên họ Việt Nam và Trung Quốc.
 MỤC I:  TÊN HỌ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM
Tìm hiểu tên họ Việt Nam, ta cần hiểu các vấn đề: (a) định nghĩa tên họ, (b) số tên họ tại Việt Nam, (c) nguồn gốc tên họ tại Trung Quốc, (d) nguồn gốc tên họ tại Việt Nam, (e) các hình thức tên họ Việt Nam, (f) sự biến đổi tên họ.
TIẾT  A:   ĐỊNH NGHĨA TÊN HỌ
Việt ngữ có bốn từ chỉ tên họ: Tính, Thị, Tộc và Họ. Trong bốn từ trên, họ là từ Nôm, còn ba từ kia là Hán Việt. Những tiếng ấy ai cũng hiểu, nhưng cũng nên dựa vào sách vở để có một định nghĩa rõ ràng.
Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức định nghĩa Họ: Gia tộc do một ông tổ gây ra. Trong một họ thường chia ra làm nhiều chi, họ nội, họ ngoại. Người cùng gia tộc gọi là người cùng họ.
Về chữ Tính, Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh định nghĩa như sau: Tính: họ. Nước ta mỗi người có mỗi họ như Lê, Nguyễn, Phạm…Còn chữ Tính, Thị nghĩa là: Họ. Nước Tàu, đời Tam Đại, đàn ông xưng là thị, đàn bà xưng là tính. Ở nước ta, đàn bà xưng là thị.
Cụ Thiều Chửu, trong Hán Việt Từ Điển, giải thích: Tính: họ. Con cháu gọi là tử tính, thứ dân gọi là bách tính. Thị là họ, ngành họ, tên đời, tên nước đều đệm chữ thị ở sau như Vô Hoài Thị, Cát Thiên Thị. Về chữ Tộc, cụ giải thích: loài giống, dòng dõi. Con cháu cùng liên thuộc với nhau gọi là tộc. Cùng một họ với nhau gọi là tộc. Loài, bụi, đám, 100 nhà là một tộc.
Riêng chữ tính còn cho ta biết thêm chi tiết về lịch sử tên họ thời cổ đại. Giáo sư Phan Văn Các ở Viện Hán Nôm tại Việt Nam, dựa vào Thuyết Văn Giải Tự của Trung Quốc, giải thích về chữ tính: “Nhân sinh dĩ vi tính tòng nữ sinh”. Mọi người đều biết thời cổ đại xa xưa, loài người đã trải qua chế độ thị tộc mẫu hệ, trong đó chế độ hôn nhân là ngoại tộc quần hôn. Cả một tốp những người nam giới cùng lứa tuổi của thị tộc A được đưa đến thị tộc B là chồng của cả một tốp người nữ cùng lứa. Con đẻ ra tất nhiên không biết bố mà chỉ sống với mẹ. Đó là nguyên nhân chính dẫn tới việc tạo ra chữ tính bằng cách ghép chữ nữ với chữ sinh[1].
Theo cách hiểu phổ thông của dân gian, tên họ là thành phần đứng đầu của tên, và nếu định nghĩa theo chức năng thì tên họ là tên để chỉ một gia tộc phụ hệ gồm những người cùng liên hệ huyết thống xa gần với nhau.
Về cách dùng các từ ngữ trên, dân gian thường dùng hai từ Tộc và Thị để viết gia phả: Nguyễn Phước Tộc Lược Biên,Trần Tộc, Lê Tộc, Lê Thị Gia Phả. Chữ Tính thường đi chung với tính danh, bách tính.
Như vậy, với Việt ngữ, Tính, Thị, Tộc có nghĩa là tên họ, giống như Anh ngữ dùng các từ: Surname, Last name, Family name để chỉ tên họ.
 TIẾT  B:   SỐ TÊN HỌ TẠI VIỆT NAM
Trước khi tìm hiểu số tên họ Việt Nam, ta cần biết số tên họ tại Trung Quốc vì tên họ của nước này có ảnh hưởng đến tên họ người Việt. Ðồng thời ta cũng nên biết số tên họ tại Nhật Bản để có tài liệu so sánh.
1.      Số Tên Họ Tại Trung Quốc: Dân số Trung Quốc, vào năm 2000 là trên 1200 triệu, nhưng người ta chưa biết Trung Quốc có bao nhiêu tên họ. Sau đây là những con số của  các học giả:
Bộ Khang Hy Tự Điển ra đời năm 1716 liệt kê 40,000  chữ, trong đó có 4000 chữ thông dụng, 2000 tên họ, và 30,000 chữ không dùng vào đâu[2].
Theo Bách Khoa Từ Điển Britannica, Trung Quốc đã phát triển hệ thống tên họ từ thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên, và số họ thông dụng hiện nay giảm bớt còn khoảng 200. Cũng theo tài liệu này, Đại Hàn có hơn 300 tên họ và phổ biến nhất là họ Kim, Park, Yi[3].
Theo Laio Fu Peng[4], số tên họ tại Trung Quốc đã tăng dần theo thời gian lịch sử. Ðời Ngũ Đế, tức thời sơ sử, Trung Quốc chỉ có 23 tên họ. Đời Hán có khoảng 130. Sang đời Đường (618-917) có gần 400. Đến đời Tống (960-1279) tên họ tăng lên 2300. Ðời Nguyên (1276-1368) có 3736 tên họ. Đời Minh (1368-1644) số tên họ là 4600.  Đời nhà Thanh (1644-1912) số tên họ là 5000.
Tác giả Lin Shan[5] dựa vào tài liệu Bách Gia Tính, viết thời Bắc Tống (960-1127) ghi nhận thời đó Trung Quốc có 438 họ, trong đó 408 họ đơn, 30 họ kép.
Wilkinson–Endymion[6] trích tài liệu của Trịnh Tiều trong tác phẩm Thông Chí viết năm 1149, ghi nhận có 2117 tên họ.
Mã Tuấn Lâm, trong Văn Hiến Thông Khảo, liệt kê 3736 tên họ[7]. Morton H. Fried, trong luận án tựa đề Distribution of Family Names in Taiwan, đệ trình tại phân khoa Xã Hội Học, viện Đại Học Đài Bắc, trích tài liệu của Vương Khâu trong Văn Hiến Thông Khảo, cho biết Trung Quốc có 4657 tên họ.
Đặng Hiến Kình[8], trong Trung Quốc Tánh Thị Tập xuất bản năm 1971 tại Đài Bắc, cho rằng Trung Quốc có 3484 họ đơn, 2032 họ kép, 146 họ ba chữ, tổng cộng là 5662 tên họ. Theo Hoàng A Tân, Trung Quốc có 3300 họ đơn, 2000 họ kép, 120 họ ba chữ, 6 họ bốn chữ, 2 họ năm chữ[9].  Hai tác giả Trần Minh Nguyên và Vương Tống Hổ soạn từ điển Trung Quốc Tính Thị Đại Toàn, liệt kê 5600 tên họ. Tóm lại, theo đa số tác giả, hiện nay Trung Quốc với trên 1 tỷ người có ít nhất  5500 tên họ.
Về sự phân phối tên họ tại Trung Quốc, năm 1982, chính quyền Trung Quốc  thực hiện cuộc kiểm kê dân số và theo kết quả cuộc kiểm kê này, các họ có đông người nhất là họ Lý chiếm 7.8% dân số, tức khoảng 87 triệu người, họ Vương 7.4 % tức 80 triệu, họ Trương 7.5% tức 70 triệu, họ Lưu 60 triệu, và họ Trần 50 triệu. Cả 5 họ trên chiếm tỷ lệ 1/3 dân số Trung Quốc, tức khoảng 360 triệu người. Nhưng nếu tính 100 họ có đông người thì các họ này chiếm 99% dân số Trung Quốc. Tại Đài Loan, các họ phổ biến nhất là Trần, Lâm, Hoàng, Trương, Lý, Vương, Lưu, Dương. Tám họ trên chiếm 52% dân số Ðài Loan[10].
2. Số Tên Họ Tại Nhật Bản: Theo nhà tính danh học Elsdon C. Smith[11], Nhật Bản xưa kia chỉ có hai họ là Kabane và Uji. Vua dùng hai họ này để ban cho một số ít công thần. Đến thời Minh Trị Thiên Hoàng (1867-1912), nhà vua ra lệnh mọi người phải lấy tên họ. Dân chúng Nhật thường lấy tên làng làm tên họ nên có khi cả làng chỉ có một họ. Ngày nay, Nhật Bản có khoảng 10,000 tên họ.
3. Số Tên Họ Tại Việt Nam: Việt Nam là nước đa sắc tộc. Vào năm 2000, dân số hơn 80 triệu, trong đó 88% là người Kinh, tức Việt., còn lại là các sắc dân thiểu số. Hiện nay, các nhà nghiên cứu, kể cả chính quyền, chưa có con số thống kê chính thức về tên họ, chỉ có những con số của một vài tác giả. Dĩ nhiên, những con số này không phản ảnh đúng tình hình tên họ. Muốn có danh sách đầy đủ, ta phải cậy nhờ vào chính quyền qua các cuộc kiểm kê dân số.
Vào năm 1949, ông Nguyễn Bạt Tụy, trong bài Tên Người Việt Nam, cho biết có 308 tên họ[12]. Ông Bình Nguyên Lộc liệt kê 147 tên họ[13]. Ông Dã Lan viết có chừng 300 họ. Ông Vũ Hiệp viết: Khối người kinh có khoảng 150 tên họ, không kể các dân tộc thiểu số thì chưa có thống kê rõ về con số dòng họ, có lẽ độ 109 dòng họ của dân tộc thiểu số mà thôi[14]. Giáo sư Nguyễn Đình Hòa, trong bài Vietnamese Names and Titles, cho biết Việt Nam có khoảng 300 họ. Giáo sư dựa vào tài liệu của nhà địa lý học Pierre Gourou cho rằng đồng bằng Bắc Việt có 202 dòng họ[15]. Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cho là Việt Nam có khoảng 300 tên họ, nhưng thông dụng chỉ khoảng vài mươi[16]. Giáo sư Hà Mai Phương và Bảng Phong, trong bài Lược Khảo Về Tên, Họ Người Việt Nam đưa ra danh sách 351 tên họ[17]. Năm 1992 , Tiến sĩ Lê Trung Hoa, trong sách Họ Và Tên Người Việt Nam, tạm đưa ra danh sách 931 họ[18].
Tại các nước tây phương, nhờ các cuộc kiểm kê dân số, người ta biết được có bao nhiêu tên họ, họ nào ở đâu có đông người, và mỗi họ chiếm bao nhiêu phần trăm dân số. Ngoài ra, các nhà tính danh học tây phương còn biết được lịch sử, ý nghĩa và xuất xứ của đa số tên họ. Đối với Việt Nam, chúng tôi thiết nghĩ, sau mỗi cuộc kiểm kê dân số, chính quyền nên để ý đến vấn đề thống kê tên họ. Với cá nhân, khi làm công tác nghiên cứu này, lẽ ra chúng tôi phải đến mọi vùng đất nước, nhất là các vùng có người thiểu số để thu thập dữ kiện. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh chưa cho phép, nên xin tạm đưa ra danh sách tên họ, dựa trên tài liệu thâu thập được trong thực tế và trong sách vở. Ước mong quý vị thức giả, nhất là các nhà dân tộc học, xin để ý đến vấn đề ý nghĩa và xuất xứ tên họ để một khi có đủ tài liệu, ta biết được lịch sử, ý nghĩa, và sự phân phối các dòng họ Việt Nam như thế nào.
Ðể độc giả biết các sắc tộc tại Việt Nam có họ như thế nào, chúng tôi liệt kê tên họ theo sắc tộc. Chọn lựa này giúp độc giả biết mỗi sắc tộc có họ gì, nhưng cũng dễ làm ta lẫn lộn người sắc tộc này với sắc tộc khác, vì nhiều sắc tộc khác nhau có cùng họ.
Ví dụ: sắc tộc Bố Y, Thổ, Trung Hoa, Kinh (Việt) đều có họ Phan. Sắc tộc Bố Y, Cao Lan, Chàm, Trung Hoa, Kinh đều có họ Dương, rất nhiều sắc tộc có họ Hoàng v.v…
TÊN HỌ VIỆT NAM XẾP THEO SẮC TỘC[19].
Sắc tộc Bố Y: Dương (Zàng), Lỗ (Lồ), Lục (Lù), Ngũ (Ngủ, U), Phan (Phán), Vi (Vầy),Vủ (Vù).
Sắc tộc Brâu : Kía.
Sắc tộc Cao Lan – Sán Chỉ : Chu, Dương, Ðàm, Hà, Hoàng, La, Lý, Liêu, Lương, Ninh, Nông, Tiêu, Trần, Trưởng, Vi.
Sắc tộc Co : Ðinh, Hồ, Lê, Trương.
Sắc tộc Côống: Chang, Chảo, Hù, Ly, Lò, Lùng.
Sắc tộc Cơ Ho (Chil): Adat, Buôr, Bondưng, Bontô (buolto), Brôl, Bullya, Chifichoreo, Chil, Chilyú, Chil Mup, Ðayout, Ðayk, Ðazur, Ðakriêng, Ðé, Ðoắt, Ðưngur, Kơ, Kdun, Klong, Kon Sar, Kơpa, Kơsă, Kơsar,Kơsor,Kơsơ,Krazanh, K’tol, Lâm Biêng, Lémou, Liêng Hót, Liêng Zarang, Lơmu, Mơ Bon (Mbon), Păng Tin, Próc, Rglê, Rờ Ô (Rơ Ô, Rờ Ôn), Sarem, Sơ Ao, Sơ Kết, Srê.
Sắc tộc Cơ Tu : A Chuếch (nước), A Dốt (vượn), A Mu (chó), A Rắt (con cuốc), Drâm (cái đầu), Nđnok (con bò), Prông (con sóc), Vọt (con khỉ).
Sắc tộc Cờ Lao : Cáo, Chảo, Chéng, Hồ Lý, Min, Sáng, Sềnh, Sú, Vần.
Sắc tộc Chàm (Chăm): Bá, Bạch, Báo, Bố, Châu, Chế, Chiêm, Cửu, Dụng, Dương, Ðàng, Ðạo, Ðạt, Ðổng, Fatimah, Hàm, Hán, Hứa, Kiều, Kim La, Lâm, Lộ, Lưu, Ma, Mahomach, Mang, Mân, Miêu, Nại, Não, Nguyễn, Ông (Ôn), Phú, Qua, Quảng Ðại, Sa Mách, Tài, Từ, Thành, Thập, Thị, Thiên Sanh, Thiết, Thổ, Thuận, Trà, Trương, Trượng, Văn.
Sắc tộc Chu Ru : B’nahria, Crugiang, Dnơng Sang, Ðơ Lơng, Ya, K’bao, B’nuh, Ma, M’hỏi.
Sắc tộc Dao : Bạch,  Bàn, Bao, Ðối, Ðường, Lan, Lý, Mãn, Mùng, Phùng, Phương, Trần, Triệu.
Sắc tộc Ðan Lai : Da, La, Lê, Vi.
Sắc tộc Ê Ðê : Adrâng (adrơng), Ayun, Ayun Cư, Ayun Tul H’wing, Arul, Atul, Buôn Yah (Yă), Buôn Krông, Duốt, Eban, Eban Rah Lan, Emô, Enuol, (Ênuôn),  Êman, Êmê, H’dơk, H’druê, Hmok, Hwing, Jdrơng, Kbul, Kêbour, Knul, Kpă, Kpơr, Ksor, Ktla, Ktub, Ktul, Mjâo, Mlô Ðuôn Ðu, Mlô Hut, Mlô Ksêi, Niê Blô, Niê Buôn Ðáp, Niê Buôn Rip, Niê Căm, Niê Gok, Niê Kđăm, Niê Hrak, Niê Mhiêng, Niê Mkriêk, Niê Mla, Niê Mlô, Niê Siêng, Niê Sơr, Niê Suk, Niê Tô, Niê Tray.
Sắc tộc Gia Rai : Hieu, Kpa, Ksor, Nây, Pui, Rahlan, Ramah, Rchom, Rơô, Siu.
Sắc tộc Giáy : Vùi.
Sắc tộc Giê – Triêng : Bluông, Bruôt, Căp Năng, Ê Duốt (tên loài chim) Khoông, Kriêng, Na Xó (vùng đất đỏ).
Sắc tộc Hà Nhì : Bờ, Có (cáo), Chu, Lò, Ly, Lỳ, Phà, Phu, Sần, Sờ, Toán, Vù.
Sắc tộc Hàng Tổng : Cảnh, Cầm, La, Lang, Lê, Lô, Lộc, Lự, Lưu, Mạc, Nà, Núi, Nguyễn, Phùng, Trần, Trịnh, Vi, Vũ.
Sắc tộc Hmông : Giàng, Ly, Thào, Và, Vàng.
Sắc tộc Trung Hoa (ở Việt Nam): An, Âu, Âu Dương, Bá, Bạch, Bàng, Bành, Bao, Bì, Bồ, Bùi, Cái, Cam, Can, Cao, Cáp, Cát, Cổ, Công, Cung, Chân, Chu, Chúc, Chử, Dao, Diệc, Diệp, Doãn, Dư, Dương, Ðái, Ðàm, Ðan (Ðơn) Ðào, Ðặng, Ðậu, Ðịch, Ðiền, Ðiêu, Ðinh, Ðoàn, Ðỗ, Ðông, Ðồng, Ðường, Giản, Giang, Giáp, Hà, Hạ, Hàn, Hán, Hạng, Hầu, Hinh, Hình, Hoa, Hoàng, Hoắc, Hồ, Hồng, Hùng, Hứa, Hướng, Kỉ, Kiều, Kim, Kha, Khoan, Khổng, Khu, Khuất, Khúc, Khứa, Khưu, Khương, La, Lã (Lữ), Lạc, Lai, Lao, Lăng, Lâm, Lê, Lệ, Lý, Liên, Lô, Lộ, Lôi, Lu, Lục, Lư, Lương, Ma, Mã, Mạc, Mạch, Mai, Mạnh, Mao, Mẫn, Mộc, Mục, Ninh, Ngạc, Ngô, Ngũ, Ngụy, Ngươn, Nguyễn, Nghê, Nghị, Nghiêm, Nhan, Nhâm, Nhữ, Ô, Ông, Phạm, Phan, Phàn, Phó, Phù, Phú, Phùng, Phương, Quách, Quan, Quản, Quang, Sầm, Si, Sĩ, Sở, Sử, Tạ, Tả, Tào, Tăng, Tân, Tần, Tất, Tiêu, Tô, Tôn, Tống, Từ, Tưởng, Thái, Thang, Thành, Thẩm, Thân, Thiệu, Thời, Thường, Toàn, Trác, Trang, Trần, Triệu, Trình, Trịnh, Trương, Ung, Uông, Văn, Vân, Vu, Vũ, Vương, Vưu, Xa.
Sắc tộc Kinh (Việt) : A,Ai, An, Áo, Ân, Âu, Bá, Bà, Bạc, Bạch, Bàn, Bàng, Bành, Bảo (Bửu), Bạt, Bằng, Bê, Bế, Bi, Bì, Bia, Biên, Biện, Bình, Bố, Bồ, Bổ, Bôi, Bông, Bu, Bùi, Ca, Cả, Cai, Cái, Cam, Cảm, Can, Càng, Cánh, Cảnh, Cao, Cáo, Cáp, Cát, Căn,Cắt, Cầm,  Cần, Cấn, Chan Chàng, Châm, Chân, Châu, Chế, Chi, Chim, Chiêm, Chiều, Chu (Châu), Chúc, Chung, Chuyên, Chử, Chức, Chương, Cô, Cố, Cổ, Cốc, Công, Công Huyền, Công Nữ, Công Tằng Tôn Nữ, Công Tôn, Cống, Cù, Cung, Cự, Cửu, Dã, Danh, Dân, Dì, Dị, Diệc, Diệp, Diêu, Diệu, Doãn, Dụ, Dung, Duy, Dư, Dương, Ða, Ðác, Ðái, Ðàm, Ðan (Ðơn), Ðào, Ðạo, Ðắc, Ðằng, Ðặng, Ðấu, Ðẩu, Ðậu, Ðèo, Ðiêm, Ðiền, Ðiệp, Ðiêu, Ðiều, Ðiểu, Ðiệu, Ðịch, Ðinh, Ðình, Ðịnh, Ðoái, Ðoàn, Ðồ, Ðỗ, Ðối, Ðôn, Ðông, Ðồng, Ðống, Ðổng, Ðức, Ðường, Gan, Giao, Giản, Giang, Giáng, Giao, Giáp, Giệp, Gioãn, Giốc, Gương, Hà, Há, Hạ, Hai, Hàm, Hàn, Hán, Hang, Hàng, Hạnh, Hào, Hảo, Hạp, Hâm, Hầu, Hê, Hi, Hinh, Hình, Hò, Hoa, Hoài, Hoan, Hoàng (Huỳnh), Hoắc, Hồ, Hội, Hồng, Hung, Hùng, Hui, Huy, Hứa, Hương, Hướng, Kan, Kem, Kha, Khả, Khâm, Khâu, Kheo, Khiên, Khiếu, Khôi, Khổng, Khu, Khuất, Khúc, Khương, Khưu, Kiên, Kiện, Kiều, Kiệu, Kim, Kỷ, La, Lã, (Lữ), Lại, Lại, Lang, Lanh, Lãnh, Lão, Lăng, Lâm, Lầu, Lê, Lều, Lịch, Liêm, Liên, Liêng, Liêu, Liễu, Linh, Lĩnh, Liu, Lò, Lô, Lỗ, Lộ, Lộc, Lôi, Lợi, Lù, Lục, Luyện, Lữ, Lương, Lưu, Lý, Ma, Mã, Mạc, Mạch, Mai, Man, Mang, Mạnh, Mao, Mẫn, Mật, Mậu, Mẫu, Mị, Miên,  Minh, Mục, Mùi, Nan, Nga, Ngạc, Ngân, Nghê, Nghi, Nghĩa, Nghiêm, Nghiên, Ngọ, Ngọc, Ngô, Ngũ, Ngụy, Nguyễn, Ngư, Ngưu, Nhã (Nhữ), Nham, Nhan, Nhạn, Nhâm, Nhân, Nhất, Nhiếp, Nhung, Niên, Ninh, Nông, Nung, Nùng, On, Ong, Ô, Ôn, Ông, Phạm, Phan, Phàn, Phẩm, Phí, Phó, Phòng, Phô, Phù, Phú, Phúc, Phùng, Phương, Quách, Quan, Quản, Quang, Quảng, Quấc (Quốc), Quân, Quất, Quyên, Quyến, Quyền, Quỳnh, Roãn, Sa, Sái, Sam, Sâm, Sầm, Sẩm, Sĩ, Sở, Sơn, Sử, Sưu, Tạ, Tán, Tang, Tào, Tạo, Tảo, Tắc, Tăng, Tân, Tần, Tất, Teo, Tha, Thạc, Thạch, Thái, Thang, Thanh, Thành, Thảo, Thẩm, Thân, Thê, Thể, Thềm, Thi, Thiên, Thiện, Thiết, Thiệt, Thiều, Thiệu, Thịnh, Thông, Thôi, Thủ, Thục, Thượng, Ti, Tích, Tiên, Tiến, Tiệt, Tiêu, Toàn, Tô, Tôn, Tôn Thất (Tôn Nữ) Tống, Tuyên, Trà, Trác,Trang, Trầm, Trần, Tri, Trí, Triển, Triệu, Trình, Trịnh, Trong, Tru, Trung, Trừ, Trực, Trưng, Trương, Trượng, Tuân, Tuấn, Tùng, Tư, Từ, Tường, Tướng, Tưởng, Tượng, U, Ủ, Uất, Ung, Uông, Uyển, Ưng, Ứng, Ửng, Vạn, Văn, Vân, Vận, Vầu, Vệ, Vi, Viêm, Viên, Viết, Vinh, Vĩnh, Vịnh, Vu, Vũ (Võ), Vòng, Vỏng, Vô, Vù, Vương, Vưu, Vỹ, Xa, Xuân, Yết.
Sắc tộc Khơ Me : Bàn, Binh, Chanh, Chau (Chao, Châu), Chiêm, Danh, Dương, Ðào, Ðiều, Ðoàn, Ðỗ, Hoàng (Huỳnh), Hứa, Kỳ, Kim, Khan, Khum, Khưu, La, Lâm, Lê, Lý, Liêu, Lộc, Lục, Lưu, Mai, Néang (Neong, Nương), Nuth, Ngô, Nguyễn, Panth, Pem, Phạm, Sơn, Tăng, Tô, Từ, Tưng, Thạch, Thị, Thuận, Trà, Trần, U, Uônth, Xanh, Xath, Xum.
Sắc tộc Khơ Mú :  Chưndre, Di Vê, Goi, Hrlip, Ho Họa, Hual, Ir Glaa, Kưmbur, Khư Tlốc, Klảng, Lang Tu, Ma, Moong, Ôm Cô Tlê, Ôm Lít Praga, Rét, Ric, Rivi, Rvai Deer, Rvai Tlăp, Rvai Veng Ung, Rvai Xênh Khương, Tgoóc Xloóc Ôm, Tiác, Thrăng, Tmoong Hol, Tmoong Rung, Tong, Tvạ Ngăm, Tvạ Tờ Rông Blai, Tvạ Vơor, Xoong.
Sắc tộc La Chí : Ly, Lùng, Tận, Vương.
Sắc tộc La Hủ : Cha, Chang, Giàng, Hoàng, Ky, Ly, Lò, Pờ, Phản, Phù, (Lo Phù), Thàng, Vàng.
Sắc tộc Lào : Ca, Lò, Lường, Vi.
Sắc tộc Lô Lô : Bàn, Cáng, Cổ, Chi, Chông, Dào, Dìu, Doãn, Duyền, Hoàng, Hồ, Lang, Làng, Lặc, Lý, Liềng, Lò, Lồ, Lồng, Lù, Màn, Mèo, Nùng, Pâu, Phái, Sình, Thàng, Thào, Thồ, Vàng, Văn.
Sắc tộc Lữ : Lò, Tao, Vàng.
Sắc tộc  Mày : Cao, Hồ.
Sắc tộc Man Thanh : Chưởng, Kha, Lang, Lò, Lô, Lộc, Lư, Ngân, Quang, Vì.
Sắc tộc Mèo : Cù, Giàng, Hản, Hầu, Lâu, Ly, Lù, Lùng, Mã, Mùa, Pa, Sùng, Tẩn, Thào, Thèn, Tráng, Vàng, Vù.
Sắc tộc Mnông : Ba Sưr, Bing, Byang, Bu Ðăm, Bu Ðớp, Bu Sor, Bu Tông, Bun Ô, Bun Tol, Buôn Krông, Chín, Ðak Cat (Ðắc Chắt), Ðinh Ðrang, Ja, Kliêng, Liêng, Liêng Hot, Long Ding, Lưk, Mbuôn, Mdrang, Mok, Nđu, Nong, N’tơr, Ong, Pang Pé, Pang Sur, Pang Ting, Pang Trong, Phi Mbre, Phok (Phôk), Rche, Rchil, Riam (Ryam), Rlăk, Sruk, Tơr, Tu Mol, Triek (Triếc) Uê Dak, Vmăk.
Sắc tộc Mường :  Bạch, Bùi, Cao, Ðinh, Hà, Hoàng, Lê, Phạm, Quách, Trịnh, Xa.
Sắc tộc Nguồn : Cao, Ðinh, Hồ, Ngô, Nguyễn, Thái, Trương.
Sắc tộc Nùng: Lành, Long, Mông, Vòng.
Sắc tộc Ơ Ðu : Khăm, Lò.
Sắc tộc Pà Thẻn : Ðờ (Ca Ðo) Hưng, Làn (Ca La Me), Lìu (Dìu), Phù (Ca Bô), Sình ( Ca Sơ),Táy, Tảy, Tấn, Tẩn, Vàn.
Sắc tộc Pu Nà : Chảo (Triệu), Giàng (Dương), Phán (Phan), Trần, Vàng (Vương)
Sắc tộc Pu Péo : Củng, Chồ, Chúng, Giàng, Lèng, Lù, Lùng, Ka Bởng, Ka Bu, Ka Căm, Ka Cung, Ka Chăm, Ka Rảm, Ka Ru, Ka Rựa, Ka Sô, Pề, Phủ, Thào, Tráng, Vàng,
Sắc tộc Phù Lá: A Sí, Nhơ Hê
Sắc tộc Quỉ : Hữu Vi, Lò Khăm (Sầm), Mướn Quán (Lang).
Sắc tộc Raglai : Ba Rau, Bo Bo, Catơ (Katơr), Cà Mau, Copuró, Chamalé, Chip, Do, Hà Dài, Jarao, Lao, Man, Patau Axá, Pateh, Pinăng, Pupor.
Sắc tộc Rhadé : Ayun, Buôn Driêng, Buôn Krong, Éban, Hdok, Mlô, Niê Kdam, Niê Hrah, Niê Kriêng, Niê Siêng.
Sắc tộc Sán Dìu : Diệp, Lê, Lý, Ninh, Tạ, Từ, Trần, Trương.
Sắc tộc Si La : Hù, Pồ (Bờ).
Sắc tộc Stiêng : Ðiểu
Sắc tộc Tà Ôi : Avét, Hoa Hăr.
Sắc tộc Tày Mười : Anh, Kha, Lô, Lộc, Lương, Núi, Ngân, Vàng, Xay, Xền.
Sắc tộc Tày Pọng : La, Viềng
Sắc tộc Tu Dí : Cháng, Dì, Giàng, Hoàng, Lồ, Nùng, Phố, Phùng, Thàng, Vàng, Vùi.
Sắc tộc Thái : Bạc, Bế, Bua, Bun, Cà (Hà, Kha, Mào, Sa), Cầm, Chẩu, Chiêu, Ðèo, Ðiều, Hà, Hoàng, Khằm Leo, Lèo, Lềm (Lâm, Lịm),Lý, Lò (Lô, La), Lộc, Lự, Lường (Lương), Mang, Mè, Nam, Nông, Ngần, Ngưu, Nho, Nhọt, Panh, Pha, Phia, Phìa, Quàng (Hoàng, Vàng), Quảng, Sầm, Tạ, Tày, Tao (Ðào), Tạo, Tòng (Toòng) Vang, Vì (Vi, Sa) Xa, Xin.
Sắc tộc Thổ : Bùi, Cao, Chu, Hoàng, Hồ, Lê, Nguyễn, Phạm, Phan, Trần, Trương.
Sắc tộc Thủy : Bàn, Lý, Mùng
Sắc tộc Xá Khmú : Co, Cút, Hùng, Lự, Moong, Xeo.
Sắc tộc Xinh Mun: Cút, Hoàng, Lò, Lường, Mè.
4. Sự Phân Phối Tên Họ Tại Việt Nam: Sau khi biết số tên họ tại Việt Nam, một câu hỏi  đặt ra là các dòng họ được phân phối thế nào? Một hiện tượng đúng cho mọi xã hội là quốc gia nào cũng chỉ có một số họ mà tỷ lệ dân chúng mang họ này nhiều hơn họ khác. Hiện nay, Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức cho biết tên họ đượcphân phối ra sao. Do đó, chúng tôi  trình bày vấn đề  căn cứ trên tài liệu sách vở và nhận xét thực tế.
Người đầu tiên đề cập đến vấn đề này là học giả Pháp Pierre Gourou. Trong tác phẩm Les Paysans Du Delta Tonkinois, xuất bản năm 1936, tác giả cho biết 37% dân số đồng bằng Bắc Việt mang họ Nguyễn. Nếu chỉ tính tỉnh Bắc Ninh thì có tất cả 93 tên họ, trong đó 54% dân số mang họ Nguyễn. Riêng xã Đại Liễn, 99% dân số có họ Nguyễn, một làng họ Đinh[20]. Riêng về họ Nguyễn tác giả Vũ Hiệp viết về tỷ lệ người Việt Nam mang họ Nguyễn như sau:
Khảo sát các lớp học nhiều cấp, từ tiểu học tới đại học ở ba miền đất nước, chúng tôi thống kê và thấy số sinh viên học sinh mang họ Nguyễn chiếm tỷ lệ 30% đến 35%, thậm chí có lớp học số học sinh họ Nguyễn chiếm 40% đến 45%. Nói chung, trong toàn quốc người Việt Nam mang họ Nguyễn có thể chiếm 33%. Như thế hiện nay (2000), nước ta có 74 triệu người thì số công dân Việt Nam mang họ Nguyễn đã có hơn 24 triệu người[21].
Đọc các tác phẩm địa phương chí, người ta thường thấy các thôn làng mang tên như Nguyễn Xá, Dương Xá, Cao Xá, Ngô Xá, Đặng Xá, Lưu Trạch, Đỗ Gia, Lý Trai.  Các từ Nguyễn, Dương, Đỗ, Lý là tên họ, các từ Xá, Trạch, Gia, Trai có nghĩa là nhà. Chắc hẳn, lúc ban đầu những làng đó được thành lập do một dòng họ và sau này, cư dân đều là hậu duệ của người đã lập ra làng. Làng Dương Xá thuộc huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa có đến 80% cư dân  mang họ Dương. Dương Tam Kha, theo Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, là người ở làng Dương Xá. Khi xưa, theo cách tổ chức làng xã, mỗi làng có nhiều giáp. Giáp có thể là tổ chức của các người cùng họ. Giáo sư Toan Ánh cho biết, làng Phù Ðổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh có 10 giáp chia theo dòng họ. Giáp Ðoài to nhất gồm những người họ Ðặng Trần, thứ đến họ Khổng thuộc giáp Ðông[22].
Các dòng họ ít người coi nhau như có huyết thống nên không có các cuộc hôn nhân giữa người cùng họ. Giáo sư Nghiêm Thẩm, trong tác phẩm Esquisse D’une Étude Sur Les Interdits Chez Les Vietnamiens, cho biết không bao giờ có cuộc hôn nhân giữa những người cùng họ Nghiêm.
Tài liệu sách vở không cho biết nhiều về sự phân phối tên họ tại Việt Nam. Nhưng, nếu xem các niên giám điện thoại, hoặc quan sát thực tế, ai cũng thấy các họ Nguyễn, Trần, Lê, Vũ, Phạm, Ngô là phổ biến nhất. Sau đó, đến các họ như Bùi, Chu (Châu), Cao, Dương, Đào, Đặng, Đinh, Đỗ, Hà, Hồ, Hoàng (Huỳnh), Lưu, Lâm, Mai, Phan, Phùng, Quan, Tạ, Tăng, Tô, Tôn, Tống, Thái, Trịnh, Triệu, Trương.
Vào năm 1972, căn cứ vào danh sách 34,857 cử tri xã Phú Nhuận, Quận Tân Bình, Tỉnh Gia Định, chúng tôi thống kê thấy họ Nguyễn chiếm 32%, họ Trần 11%, họ Lê 10%, họ Phạm 7%. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao bất cứ quốc gia nào cũng chỉ có một số ít tên họ chiếm tỷ lệ dân số cao? Các nhà tính danh học trên thế giới chưa có lời giải thích cho vấn nạn này.

TIẾT  C:   NGUỒN GỐC TÊN HỌ TẠI TRUNG QUỐC

Các dòng họ Việt Nam mà dân gian gọi là bách tính xuất phát do đâu và có tự bao giờ ? Ðể trả lời câu hỏi này, ta phải tìm hiểu nguồn gốc tên họ Trung Quốc vì hệ thống tên họ của ta chịu ảnh hưởng hệ thống tên họ của Tàu.
Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới biết đến hệ thống tên họ. Theo truyền thuyết, vua Phục Hy (2737-2852 TCN) đã lập ra hệ thống tên họ và buộc người dân phải có họ để phân biệt các gia tộc, đồng thời để ngăn ngừa người cùng gia tộc lấy nhau. Từ Phục Hy đến đời nhà Chu, dân Trung Quốc có hai hệ thống được dùng song hành: tính và thị. Ngày nay, tính hay thị đều được hiểu là tên họ, nhưng ngày xưa, tính và thị được hiểu khác nhau.
1. Hệ Thống Tính: Theo tác giả Sheau Yueh J. Chao[23],  khi xã hội Trung Quốc còn trong thời kỳ mẫu hệ, nền kinh tế còn ở thời kỳ hái lượm, thì hệ thống tính được dùng trước hệ thống thị. Tên họ, tức tính lúc đó để chỉ nguồn gốc một người được sinh ra do người đàn bà nào. Do vậy, chữ tính trong Hán tự được viết với chữ nữ và chữ sinh. Chứng tích của hệ thống này còn lại tới ngày nay là các tên họ được viết với bộ chữ nữ. Ví dụ: họ Khương, họ Cơ, họ Doãn, họ Từ.
2. Hệ Thống Thị: Khi chế độ vương quyền được thành lập tại Trung Quốc thì hệ thống thứ hai xuất hiện. Thị trước hết để chỉ tên thị tộc. Vào thời gian này, tên thị tộc đã có đặc tính cha truyền con nối, nhưng thị chưa biến thành tên họ vì mới chỉ lưu truyền trong hoàng tộc.
Đến thời Chiến Quốc (475-221), xã hội Trung Quốc chia thành nhiều tiểu quốc, các nhà lãnh đạo và dân chúng mỗi tiểu quốc lấy tên đất làm tên họ. Đồng thời, nền kinh tế nông nghiệp phát triển, vai trò người đàn ông trở nên quan trọng, do đó thị chiếm ưu thế và bắt đầu trở thành tên họ.
Đến khi Tần Thủy Hoàng (221-206 TCN) thống nhất đất nước, quyền lực các tiểu quốc không còn, kinh tế Trung Quốc phát triển, con người bắt đầu định canh, định cư, và nhu cầu kế thừa tài sản trở nên quan trọng, thì hai hệ thống tính và thị trở nên đồng nhất. Lúc này tính hay thị cũng chỉ có nghĩa là tên họ.
3. Các Nguồn Gốc Phát Sinh Tên Họ Tại Trung Quốc: Theo tác giả Sheau Yueh J. Chao[24], qua thời gian lịch sử dài trên 5000 năm, tên họ người Trung Quốc được hình thành qua các nguồn gốc sau đây:
a. Lấy tên triều đại làm tên họ: Ta có thể kể các thí dụ: Hạ, Thương, Chu, Tần, Hán, Ngô, Tấn, Đường, v.v…
b. Lấy tên nước làm tên họ: Khi người Tàu vượt sông Hoàng Hà, đuổi người Miêu Tộc đi thì mỗi họ chiếm một chỗ do tộc trưởng cai quản, gọi là ông Hậu. Các xứ nhỏ ấy có rất nhiều nên gọi là Vạn Bang và sau này trở thành các chư hầu. Các ông Hậu chọn người lãnh đạo chung gọi là Nguyên Hậu và sau này trở thành Vương, tức vua. Đầu đời nhà Chu (1122 TCN), số chư hầu có trên 1000. Đến thời Đông Chu (772 TCN), số chư hầu còn lại độ 100. Nhưng chỉ có khoảng 15 nước là đáng kể như: Tần, Tề, Ngô, Việt, Sở, Lỗ, Vệ, Yên, Triệu, Tống, Trần, Thái, Trịnh, Ngụy, Hàn. Tên hàng trăm tiểu quốc trên đã biến thành tên họ. Ví dụ Hạng Tịch tức Hạng Vũ có tổ tiên làm tướng nước Sở, được vua nước Sở phong cho ở đất Hạng nên đã nhận họ Hạng[25].
c. Lấy tên huyện làm tên họ: Thời xưa, đơn vị hành chánh của Trung Quốc là châu và huyện. Người ta đã lấy tên huyện làm tên họ. Ta có thể kể các ví dụ: Sở Văn Vương cho Lưu Phú đất huyện Hồng tại Sơn Tây để cai trị và phong cho ông tước Hầu nên gọi là Hồng Hầu. Hiện nay, con cháu còn cư ngụ tại đây và nhận tên Hồng làm tên họ. Họ Bi là tên một huyện ngày xưa, nay ở tỉnh Giang Tô. Họ Trác là tên một huyện ngày xưa và nay gọi là Trác quận.
d. Lấy tên làng làm tên họ: Hác là tên một làng đời Hán và đã trở thành tên họ. Họ Hác có một giai thoại, trở thành tục ngữ của người Trung Quốc. Đời Tấn, vợ của Vương Hồn là Chung thị, và vợ của Vương Trạm là Hác thị. Hai chị em dâu ăn ở rất hòa thuận nên khi khen cách ăn ở của hai chị em dâu, người Trung Quốc thường nói: Chung Hác. Dương Kiên được cho ở đất Tùy, sau đó nhận tên Tùy làm tên họ và khi lên ngôi vua xưng là Tùy Văn Đế. Nhương Hầu tên là Ngụy Nhiễm, em của Tần Chiêu Vương, được phong ở đất Nhương và có tước Hầu nên gọi là Nhương Hầu. Con cháu Ngụy Nhiễm đã lấy tên đất Nhương làm tên họ. Ngày nay, đất Nhương ở tỉnh Hà Nam.
e. Lấy tên đất hoang làm tên họ: Đời Xuân Thu–Chiến Quốc, để phát triển kinh tế nông nghiệp, nhà vua lấy đất hoang để phong cho một người. Người đó triệu tập dân chúng để  khai hoang lập ấp và cư dân lấy tên đất làm tên họ. Loại tên họ này, khi viết ra Hán tự, đều có bộ ấp đi kèm. Ấp có nghĩa là đất được người đứng lên chiêu dân khai khẩn lập ấp. Rất nhiều họ của người Việt Nam có bộ ấp. Ví dụ: họ Nguyễn, Trần, Đặng, Đào, Hàm, Thiệu, Châu, Kỳ, Quách. Uất.
f. Lấy tên thành làm tên họ. Ngày xưa các vua chúa xây thành quách để cư dân ở, chống ngoại xâm và dân cư đã lấy tên thành làm tên họ. Ta có thể kể các họ sau đây: Phùng, Thôi, Bảo, Dương, Bạch Mã, Mao, Miêu, Bình.
g. Lấy tên dịch đình làm tên họ: Tại Trung Quốc vào đời Hán, cứ 10 dặm đất được gọi là một đình, có người đình trưởng giữ gìn an ninh. Trên tuyến đường giao thông qua địa phương đó, người ta dựng một trạm gọi là dịch đình cho hành khách nghỉ chân. Cư dân ở đó, nhận tên dịch đình làm tên họ. Ví dụ: họ Mã, Âu, Dương.
h. Lấy phương hướng làm tên họ: Các họ như Đông, Tây, Nam, Bắc, Tây Môn, Đông Môn, Đông Cung, Nam Quốc. Tề Thần nối ngôi Tề Trang Công, cư ngụ phía đông của cung điện nhà Chu nên dân chúng đã chọn tên họ Đông Cung để tưởng nhớ vị vua này.
i. Lấy tên họ của các nhân vật lịch sử làm tên họ: Ví dụ: các họ Diêu,  Nhâm, Cơ, Tư, Phong.
j. Nhận tên chính của danh nhân làm tên họ: Ví dụ họ Ngũ, Kim, Thang, Phục, Kha, Cao, Dư, Liên, Lộ. Theo sách Nguyên Hà Tính Toản của Lâm Bảo viết vào đời Ðường (618-907), người sáng lập họ Dư là ông Do Dư  làm quan đời Tần, con cháu nhân tên Dư làm tên họ.
k. Dùng từ ngữ tôn kính làm tên họ: Các từ ngữ chỉ sự kính trọng trong Hán tự biến thành tên họ: Tôn, Quân, Ông, Phủ, Phụ, Quản, Thúc, Công v.v…
l. Dùng các từ chỉ thứ cấp trong gia đình làm tên họ: Ví dụ các họ: Tôn, Bá, Thúc, Mạnh, Trọng, Quý.
m. Nhận tên các bộ lạc xưa hay thị tộc làm tên họ: Ví dụ họ Khương là tên một chủng tộc mà sử sách gọi là rợ Khương. Họ Di là một giống trong nhóm Bách Việt. Họ Doãn là tên chỉ người Hung Nô.
n. Lấy tên chức quan làm tên họ: Ví dụ họ Tư Mã, họ Chúc, họ Sử. Thời chiến quốc, triều đình có 5 chức quan khởi đầu bằng chữ Tư: Tư Mã, Tư Đồ, Tư Không, Tư Sĩ, Tư Khấu. Tư Mã Nhương Thư giữ chức Tư Mã nên lấy họ là Tư Mã[26]. Họ Chúc: Đời xưa Trung Quốc đặt ra quan Chúc và quan Sử. Quan Chúc có hai nhiệm vụ. Một là cầu nguyện cho dân được hạnh phúc, hai là làm lịch, định ngày, tháng cho đúng bốn mùa, xem sao trời để đoán cát hung. Đời nhà Chu, quan Chúc cố vấn cho vua, nên sách Chu Lễ nói: Vương Điếu Tắc Dữ Chúc Tiền, nghĩa là vua đi điếu, có quan Chúc đi trước. Họ Sử: Quan Sử coi việc nhân sự. Đời Chu có các quan Đại Sử, Tiểu Sử, Tả Sử, Hữu  Sử, Nội Sử, Ngoại Sử. Chúc và Sử là hai chức vụ quan trọng, ai giữ chức vụ ấy được cha truyền con nối. Do vậy, chức quan Chúc và Sử biến thành tên họ.
o. Nhận tên chức vụ cao quý làm tên họ: Các họ đó là Vương, Hoàng, Công, Hầu, Bá, Tử,  Nam.
p. Lấy tên vua ban làm tên họ: Vua chúa Trung Quốc xưa có tục ban tên cho các công thần và dân chúng coi đó là một ân điển nên chọn tên vua ban làm tên họ: Ví dụ Thanh Thành Công được vua Thái Tổ nhà Minh là Chu Nguyên Chương ban cho tên Chu, nên ông này đổi tên thành Chu Thành Công. Vua Đường Cao Tôn ban tên Lý cho ông Dự Úc, nên ông đổi tên là Lý Nguyên[27].
q. Lấy tên nghề nghiệp làm tên họ: Ví dụ họ Ngư, Tiều, Canh, Mục.
r. Lấy danh từ chỉ kỹ năng chuyên môn làm tên họ: Ta có thể kể các tên họ sau đây: Ở Trung Quốc có lớp người gọi là Vu và Hích. Vu là người con trai, Hích là người con gái. Vu và Hích làm nghề đồng bóng, thầy cúng, thầy pháp. Họ có thế lực rất mạnh nên vua đặt chức Tư Vu. Dân Trung Quốc xưa lấy từ Vu và Hích làm tên họ. Họ Đồ tức đồ tể là người chuyên giết thịt súc vật. Họ Bốc do bốc phệ, bói toán. Họ Đào: người nặn và nung đồ gốm. Những nghề này cần có kỹ năng chuyên môn nên dân Trung Quốc đã chọn các chữ này làm tên họ.
s. Lấy tên cây cối làm tên họ: Loại tên này rất dễ nhận diện vì khi viết ra Hán tự các tên đều có bộ mộc. Ví dụ họ Lâm: rừng cây, họ Lý: cây mận, họ Quế: cây quế, họ Sở : bụi gai, họ Lê: cây lê.
t. Lấy tên đồ vật làm tên họ: Ta có thể kể những ví dụ sau: họ Xa: cái xe, họ Quan: cái mũ, họ Phù: cái thẻ làm bằng tre, họ Cung: cây cung.
u. Thêm từ ngữ thân tộc để thành tên họ ghép: Các từ Tôn, Bá, Mạnh, Trọng, Quý được thêm vào tên họ thành tên họ mới để chỉ người đó là con cháu của ai. Ví dụ họ Vương Tôn: cháu vua, Công Tôn: cháu của người có tước công. Nguyên Bá: con đầu lòng của ông họ Nguyên.
v. Lấy họ vợ ghép chung họ chồng thành họ mới của con: Ví dụ ông họ Trương lấy bà họ Trần. Con cái ông bà này mang họ Trương Trần. Loại họ này có nhiều ở Trung Quốc, nhưng không có đặc tính truyền thừa.
w. Lấy từ ngữ có nghĩa xấu làm tên họ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc xưa có tục trừng phạt một phạm nhân bằng cách bắt người đó nhận tên họ có ý nghĩa xấu xa, độc ác. Loại tên này, nếu viết ra Hán tự, đều có bộ trùng. Ví dụ họ Mãng: con trăn, họ Phục: con rắn độc, họ Ác: độc địa.

TIẾT  D:  NGUỒN GỐC TÊN HỌ  VIỆT NAM

 Không có sử liệu nào nói về nguồn gốc tên họ tại Việt Nam. Do vậy, ta phải nghiên cứu các vấn đề: (1)người Việt có tên họ từ bao giờ, (2) sự du nhập tên họ người Tàu vào xã hội Việt Nam, (3) tên họ do người Việt tự đặt, (4) người Việt bị bắt buộc hay bắt chước nhận tên họ, (5) sơ lược nguồn gốc những tên họ phổ biến nhất Việt Nam.
 1. Người Việt Có Tên Họ Tự Bao Giờ: Trong phần nghiên cứu về đế hiệu Hùng Vương ở chương một, chúng tôi đã đưa ra quan điểm cho rằng đế hiệu Hùng Vương là do người sau đặt cho các vị lãnh đạo ban đầu của nước ta, nên không thể nói Việt Nam đã có tên họ từ thời Hùng Vương, tức cách đây hơn  5000 năm. Giai đoạn này, dân ta  chưa có ý niệm về dòng họ theo lối phụ hệ như kiểu Trung Quốc. Đến thời Thục Phán và Triệu Đà (257-111 TCN), ta không thể nói Việt Nam đã có tên họ. Hai ông này là người Trung Quốc vì chống Tần, Hán mà sang  nước ta. Đến thời Hai Bà Trưng, xã hội Việt Nam vẫn còn trong thời kỳ mẫu hệ. Theo các nhà tính danh học, tên họ xuất hiện đồng thời với sự ra đời của chế độ phụ hệ. Chỉ khi xã hội Việt Nam đã tiến hóa, cộng với ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, và có những cuộc hôn nhân dị chủng Hán Việt, thì lúc đó Việt Nam mới chính thức có tên họ và các tên họ này giống với tên họ Trung Quốc. Kết luận này có thể chấp nhận được vì nhiều đồng bào Thượng ở Việt Nam, ít bị ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc, đến giữa thế kỷ 20 vẫn chưa có tên họ. Như vậy, sớm nhất Việt Nam có tên họ vào khoảng đầu Công Nguyên.
Tuy thế, nếu chúng tôi không lầm, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc, sớm có hệ thống tên họ theo lối phụ hệ. Mãi đến thế kỷ thứ 10, hệ thống tên họ của  Âu Châu mới bắt đầu hình thành, và đến thế kỷ 16 mới hoàn tất. Nhật Bản, theo ông Elsdon C. Smith, mãi đến đời Minh Trị Thiên Hoàng, toàn dân Nhật mới có tên họ. Các dân tộc ở Phi Châu, theo bách khoa từ điển Britannica, mới bắt chước tây phương lấy tên họ từ đầu thế kỷ 20[28]. Năm 1935, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh buộc người dân phải lấy tên họ. Đầu Công Nguyên, người Do Thái chưa có tên họ, chỉ có tên gọi, người ta gọi Chúa Giêsu, bà Maria, thánh Phaolô. Mãi đến đầu thế kỷ thứ 19, dân Do Thái mới có tên họ. Nhiều tên họ mà dân tộc này chọn là các từ ngữ liên quan đến các chức tư tế của Do Thái Giáo như Cantor, Canterini, Kantorowicz, nghĩa là các thày cả hạ phẩm (lower priest), các tên Kohn, Cohen, Cahen, Kaan, Kahane nghĩa là thày cả thượng phẩm (highest priest).
 2. Việc Du Nhập Tên Họ Người Tàu Vào Việt Nam: Tên họ tại Việt Nam xuất phát từ hai nguồn chính. Một là các tên họ Trung Quốc, hai là tên họ do người Việt Nam tự đặt. Về các tên họ Trung Quốc mà ta có hiện nay được du nhập vào Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử sau:
a. Thời bị đô hộ:  Trong hơn 1000 năm Việt Nam bị Trung Quốc đô hộ, sử cũ cho chúng ta nhiều bằng chứng những người Tàu như quan lại, binh lính, quý tộc, thương gia, nho sĩ, tội nhân bị đi đầy, dân nghèo, đã sang nước ta. Họ và gia thuộc đã ở lại, thông hôn với người Việt và biến thành người bản xứ. Chính những lớp người này đã đem đến đa số họ mà người Việt Nam có hiện nay. Xin trích ba ví dụ điển hình để chứng minh:
Lý Bôn, còn gọi là Lý Bí, là dòng dõi  người Tàu. Ông tổ bảy đời di cư sang Giao Châu lánh nạn từ cuối thời Tần, Hán[29]. Hồ Quý Ly, nguyên dòng dõi người Chiết Giang, có ông tổ là Hồ Hưng Dật, di cư sang nước ta đời Ngũ Quý (907-959) ở làng Bào Đột, huyện Quỳnh Lưu, Thanh Hóa[30].  Về sự lai giống bố Tàu mẹ Việt, theo ông Vũ Hiệp, thủy tổ dòng họ Vũ tại Việt Nam là ông tổ Vũ Hồn giữ chức Kinh Lược Sứ vào năm 841. Ông có mẹ người Việt tên là Nguyễn Thị Đức và cha là ông Vũ Huy người Phúc Kiến, Trung Quốc[31].
b. Người Minh Hương: Người Minh Hương sang nước ta vào thế kỷ 17 và 18. Nhóm người này tập trung nhiều ở miền Trung và Nam Việt Nam nên đã đem một số tên họ Tàu vào Việt Nam. Những nhân vật lịch sử như Trịnh Hoài Đức, Mạc Thiên Tích, nhà thơ Quách Tấn đều là người Minh Hương. Năm 1965, ở Chợ Lớn có 80 tỷ phú gốc Hoa được gọi là các “vua”. Các ông “vua” này có tên họ mà ta thường thấy trong xã hội Việt Nam như:  Lâm Huệ Hồ hoạt động trong ngành tín dụng, Lý Long Thân: dệt, Mã Hí: mễ cốc, Trần Thành: bột ngọt, Đào Mậu: ngân hàng, Trương Vĩnh Niên: phim ảnh, Trần Thoại Hà: trà, Lai Kim Dung: gạo, Vương Đạo Nghĩa: kem đánh răng, Lý Sen: sắt thép, Lưu Kiệt: nông cơ, v.v…
3. Tên Họ Do Người Việt Nam Tự Đặt: Đối với các tên họ do người Việt Nam tự đặt, sử liệu cho thấy một số  họ được vua chúa Việt Nam đặt cho các sắc dân thiểu số trong thời gian gần đây. Giáo sư Hà Mai Phương[32] trích sử liệu trong Đại Nam Thực Lục cho biết, thời Hậu Lê, các viên quan người thiểu số ở 9 châu thuộc vùng Thanh Hóa, Nghệ An được vua ban tên họ. Tuy nhiên, sử không cho biết các tên họ này là gì.
Theo Đại Nam Thực Lục, năm 1826, vua Minh Mạng cho các quan đang cai trị Cao Miên được phép đặt lại địa danh và đổi tên người Cao Miên sang chữ Hán để dễ đọc.
Năm 1827, theo Đại Nam Nhất Thống Chí tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, vua Minh Mạng ban cho các sắc tộc thiểu số vùng này các tên họ: Cốc, Đồng, Hướng, Kheo hay Khâu, Lãnh, Lâm, Sơn, Thạch, Thiết.
Đến năm 1832, theo Đại Nam Thực Lục, vua Minh Mạng lại ban cho các thổ tù vùng Trấn Ninh, Nghệ An những tên họ: Cáo, Cát, Cầm, Cần, Cổ, Chuyên, Dụ, Đa, Định, Đôn, Hào, Hảo, Hâm, Kiện, Kiệu, Khả, Khâm, Lang, Lương, Mỹ, Nham, Sầm, Sơn, Tạo, Thành, Thiệt, Trác, Tri, Trình, Triển, Uất.
Thổ tù thuộc Trấn Man, Thanh Hóa được các họ: Bảo, Cam, Cảm, Cát, Đạo, Huy.
Năm 1834, các người thiểu số Mường và Lào ở Thanh Hóa được vua Minh Mạng ban các tên họ: Hảo, Lâm, Lĩnh, Phàn, Sơn, Thạch, Vạn.
Sang năm 1835, vua Minh Mệnh cho phép các quan được dùng tên xã thôn để đặt tên họ cho dân chúng huyện Kiên Giang và Hà Châu tỉnh Hà Tiên để tiện việc thu thuế và kiểm soát an ninh.
Năm 1837, theo Quốc Triều Chánh Biên Toát Yếu, vua Minh Mệnh ban cho dân thiểu số ở Tây Ninh các họ: Dương, Đào, Hạnh, Lý, Mã, Ngưu, Tượng[33].
Năm 1838, theo Đại Nam Nhất Thống Chí tỉnh Biên Hòa, vua Minh Mệnh ban cho thổ dân huyện Long Khánh,  các họ: Dương, Đào, Lâm, Lý, Mai, Tùng[34].
Năm 1839, thổ dân huyện Phước Bình, phủ Phước Long được ban các họ: Hồng, Lâm, Mã, Ngưu, Nhạn, Sơn.[35] 
Năm 1841, vua Thiệu Trị ban họ Cửu cho quốc trưởng Ma Thái nước Hoả Xá ở Phú Yên.
Đối với người Chàm, vào năm 1837, vua Minh Mệnh xuống chiếu bắt người Chàm phải ăn mặc theo người Việt và thay đổi tên họ thành họ Lưu, Hàn, Đàng, Nguyễn, Trương, Châu, Phú, Dương[36].
Ngoài ra, còn thấy họ cũ sinh ra họ mới như họ của ông tổ nhà Nguyễn là Nguyễn Bặc (924-979) ở Thanh Hóa sinh  ra  họ mới là Nguyễn  Hựu, Nguyễn Phúc, Tôn Thất, Tôn Nữ, Công Tằng Tôn Nữ v..v…
Còn một số họ nữa do các tù trưởng bộ lạc thiểu số đặt cho dân chúng bộ tộc và các họ này thường là từ Nôm, hoặc là tiếng sắc tộc, chỉ phổ biến ở một vùng nhất định. Ví dụ họ Ðèo, Lò, Teo, Vù là các họ của các sắc dân thiểu số ở Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn. Hay các họ H’mok, Dham Niê của đồng bào Thượng miền cao nguyên Trung Phần.
Tóm lại, tên họ người Việt Nam xuất hiện vào khoảng đầu Công Nguyên và bắt nguồn từ tên họ của người Trung Quốc và các tên họ do người Việt Nam tự đặt. Tuy nhiên, một câu hỏi cần đặt ra là người Việt Nam có tên họ giống Tàu là vì bị bắt buộc hay bắt chước?
4. Người Việt Bắt Chước Hay Bị  Bắt Buộc Nhận Tên Họ: Về vấn đề  này, các học giả chia làm hai phái. Ông Nguyễn Bạt Tụy cho rằng người Việt bắt chước người Tàu[37]. Ông Nguyễn Đổng Chi, thuộc Ủy Ban Nghiên Cứu Khoa Học Xã Hội đồng quan điểm với lập trường trên. Ông viết:
Câu văn người sinh ra mới biết dòng giống và họ trong Hậu Hán Thư, cho thấy cho đến tận đầu Công Nguyên, người Việt Nam mới biết nắm lấy cái then chốt để phát triển quan hệ thân tộc phụ hệ, tức cái tên để chỉ dòng họ. Trước đó, có lẽ cha ông chúng ta cũng như đồng bào thượng gần đây chỉ có cái tên để chỉ cá nhân, chứ chưa có tên để chỉ tính hay thị như người Tàu[38].
Trái lại, ông Bình Nguyên Lộc lại cho rằng người Việt có lẽ bị bắt ép. Ông viết: Họ của ta nay hoàn toàn là họ của Trung Quốc, nhưng không biết đã tự ý theo phong tục của họ về phương diện lấy họ, hay bị ép buộc? Có lẽ bị bắt ép, nhưng chắc không phải vì nỗ lực đồng hóa, mà vì muốn tiện lợi việc kiểm tra dân số mà Mã Viện đã thực hiện sau khi diệt hai Bà Trưng[39].
Cùng một quan điểm như trên, Giáo sư Vũ Hiệp viết: Trong chính sách đồng hóa dân ta, các viên quan cai trị thâm độc như Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp đã cố tình khai hóa dân bản xứ Giao Chỉ rất có hệ thống. Họ bắt dân ta lúc đó phải theo lối sống, phong tục của Trung Quốc, cũng như bắt học chữ Nho…Tất nhiên, họ cũng bắt buộc dân ta phải có những tộc danh (tên dòng họ) theo kiểu Hán Tộc [40].
Còn Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy viết: Về mặt phong tục, người Việt đã từ chế độ mẫu hệ bước sang chế độ phụ hệ. Cùng với việc làm lễ cưới hỏi theo lối Trung Quốc, Người Việt đã có họ và theo họ của cha. Hầu hết các họ mà người Việt Nam còn dùng đến ngày nay, đều là những họ của người Trung Quốc, nhưng đọc trại theo tiếng Hán Việt [41].
Kết luận của các tác giả trên đây không thấy nói đã dựa vào một sử liệu nào, nên vấn đề bắt chước hay bị bắt buộc cần được nghiên cứu thêm. Ngoài ra, các tác giả đều đồng ý là họ Việt  giống họ Tàu, chỉ  khác là phát âm theo giọng Hán Việt. Nhận định này thiết tưởng quá tổng quát, cần bổ túc, vì có một số họ là từ Nôm, một thứ tiếng thuần túy của người Việt mà người Tàu không có. Hơn nữa, một số họ mới được đặt ra dưới thời Minh Mạng cũng là từ Hán Việt, nhưng không vì thế mà kết luận đó là họ Tàu.
5. Sơ Lược Nguồn Gốc Những Tên Họ Phổ Biến Nhất Tại Việt Nam: Không phải bất cứ tên họ nào của người Việt cũng là họ của Tàu. Tuy nhiên, đa số tên họ mà người Việt có, đều là họ của người Tàu. Ðiều đó không có nghĩa  ta là Tàu, mà chỉ có nghĩa ta đã bắt chước hay bị bắt buộc nhận tên họ của Tàu, vì ảnh hưởng văn hóa, vì các cuộc hôn nhân dị chủng. Sau đây là nguồn gốc các tên họ phổ biến nhất tại Việt Nam. Viết phần này, chúng tôi căn cứ theo tài liệu của Sheau Yeuh J. Chao trong tác phẩm: In Search Of Your Asian Roots – Genealogical Research On Chinese Surnames. 
Âu             Theo sách Đường Thư Tể Tướng Thế Hệ Biểu, Vô Cương chắt đời thứ 7 của Câu Tiễn được ban cho đất ở núi Âu Dư Sơn để cai trị. Do vậy, một số cháu chắt Vô Cương đã nhận họ Âu và chọn đất Bình Dương, tỉnh Thiểm Tây để cư ngụ, một số khác nhận họ kép Âu Dương vì ở đó có ngọn núi Âu Dương. Dòng họ Âu Dương cư ngụ tại 2 tỉnh Giang Tô và Sơn Đông.
Bùi            Theo sách Thông Chí Thị Tộc Lược, ông Bá Khôi, thời vua Đại Vũ nhà Hạ, được ban cho đất ở làng Bùi. Con cháu ông Bá Khôi nhận tên làng Bùi làm tên họ. Dòng họ Bùi ban đầu cư ngụ tại tỉnh Hà Đông, phía đông sông Hoàng Hà.
Cao           Theo Quảng Vận, đời Chu, con cháu của Kỷ Thái Công được ban cho nước Cao để cai trị. Cháu chắt đã nhận tên nước Cao làm tên họ. Dòng họ Cao ban đầu cư ngụ tại tỉnh Sơn Đông.
Chu           Thời xưa, nước Tàu có nước nhỏ gọi là Chu, do Thái Vương cai trị. Con là Văn Vương nối nghiệp, nhận tên Chu làm tên họ nên gọi là Chu Văn Vương. Ban đầu, dòng họ Chu cư ngụ tại Thiểm Tây, sau lan dần sang Hà Nam.
Cung         Theo sách Tính Thị Khảo Lược do Trần Đình Vi viết vào đời nhà Thanh, Huy là con thứ 5 của Hoàng Đế đã sáng chế ra cây cung nên được ban cho đất Trương để cai trị. Con cháu đã nhận chữ Cung và Trương làm tên họ. Theo sách Vạn Tính Thống Phổ, Thúc Cung làm quan đại phu nước Lỗ ở tỉnh Sơn Đông. Cháu chắt đã nhận chữ Cung làm tên họ. Gia tộc họ Cung phát triển ở vùng Sơn Tây. Vào thời Nam Bắc Triều, nhiều họ Cung đổi sang họ Trương để tránh bị bạc đãi.
Quan         Theo sách Cổ Kim Tính Thị Biện Chứng, họ Quan do tên chức quan canh gác cung điện nhà Chu. Quan Chí Cơ, giữ chức Đại Phu nước Ngu, là người đầu tiên nhận họ Quan. Dòng họ Quan tập trung nhiều ở tỉnh Sơn Tây là nơi ngày xưa có nước Ngu.
Doãn         Ban đầu từ Doãn để chỉ bộ lạc cổ gọi là rợ Nhung. Khi người Nhung cư ngụ trong lãnh thổ Hán, bị đồng hóa thì người Nhung đã nhận tên bộ tộc Doãn làm tên họ.
Dư            Theo sách Nguyên Hà Tính Toản của Lâm Bảo, viết vào đời Đường (618-907), người sáng lập họ Dư là Do Dư làm quan đời nhà Tần. Con cháu nhận tên ông làm tên họ. Trong Hán văn, hình dạng chữ Dư và chữ Xa rất giống nhau nên vào đời nhà Đường, vì viết lầm họ Dư ra họ Xa, nên từ đó nước Tàu có thêm họ Xa.
Dương     Theo sách Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo, họ Dương là chi nhánh của họ kép Dương Thiệt, và bắt đầu xuất hiện thời Xuân Thu- Chiến Quốc. Dòng tộc họ Dương ban đầu cư ngụ tại Sơn Tây, sau di chuyển qua Thái Sơn tỉnh Sơn Đông.
Đào           Họ Đào bắt nguồn từ chức quan gọi là Đào Chính. Đào Chính là chức quan trông coi việc chế tạo đồ gốm cho cung điện nhà Chu. Người đầu tiên giữ chức quan Đào Chính là ông Ngu, con cháu ông lấy từ Đào làm tên họ. Trong Hán tự, đào có nghĩa là đồ gốm.
Đặng         Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Đặng là chi nhánh của họ Mạn. Đặng là tên nước. Cuối đời Thương, con cháu của Kim Thiên Thị được ban cho đất Đặng để cai trị. Do vậy, cháu chắt đã nhận tên Đặng làm tên họ. Dòng họ Đặng cư ngụ tại Hà Nam là nơi xưa kia có nước Đặng.        
Đinh          Họ Đinh rất phổ biến tại Trung Quốc, theo Vạn Tính Thống Phổ và Thông Chí Thị Tộc Lược được viết vào đời Tống (960-1279), họ Đinh là chi nhánh của họ Khương, thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Vào đời nhà Chu, hậu duệ của Hoàng Đế nhận chữ Đinh làm tên họ. Dòng tộc Đinh ban đầu cư ngụ tại tỉnh Sơn Đông.
Đoàn         Theo Nguyên Hà Tính Toản, Đoàn là tên của giống dân du mục mà người Hán gọi là rợ Hồ. Khi họ định cư tại đất Hán vào đời hậu Chu (947-950), họ nhận tên Đoàn làm tên họ. Theo sách Sử Ký Ngụy Thế Gia, họ Đoàn là chi nhánh của họ kép Đoàn Can. Đoàn Can là tên ấp nằm trong nước Ngụy và ông tổ của dòng họ này là Đoàn Can Mộc. Dòng họ Đoàn và Đoàn Can ban đầu cư ngụ tại Sơn Tây và Hồ Bắc là nơi xưa kia có nước Ngụy.
Đỗ, Phạm: Theo Nguyên Hà Tính Toản và Lộ Sử,  Lưu Luy thuộc dòng Đường Đế Nghiêu. Lưu Luy lập ra nước Đường nay ở Sơn Tây và người ta thường gọi là Đường Đỗ Thị. Vào triều đại nhà Chu, Chu Thành Vương chiếm nước Đường. Một người  cháu Lưu Luy được cấp đất Đỗ Thành ở Tây An tỉnh Thiểm Tây và được phong tước Đỗ Bá. Do vậy, con cháu  nhận tên Đỗ làm tên họ. Đất Đỗ Thành lại bị Chu Tuyên Vương chiếm và con của Đỗ Bá là Đỗ Thấp Thúc chạy sang nước Tấn,  được phong chức Sĩ Sư nên đổi họ Đỗ thành họ Sĩ. Đến đời chắt của ông này là Sĩ Hội được ban cho đất Phạm, gọi là Phạm Ấp để cai trị, nên đã đổi họ Sĩ ra họ Phạm. Dòng họ Phạm phát triển mạnh tại tỉnh Sơn Tây.
Giang        Theo Nguyên Hà Tính Toản, chắt vua Chuyên Húc là Bá Khôi được ban cho đất Giang Lăng để cai trị. Vào thời Xuân Thu, nước Giang bị nước Sở thôn tính, cháu chắt Bá Khôi đã chọn tên Giang làm tên họ để tưởng nhớ nước Giang.
Giáp          Theo Phong Tục Thông, họ Giáp bắt nguồn từ họ kép Giáp Phụ và Giáp Phụ là tên nước.
Hà/Hàn     Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Hà có từ đời nhà Tần, là chi nhánh của họ Hàn, thuộc dòng dõi Chu Văn Vương. Người lập nên họ Hà là Hàn An, sống ở nước Hàn nay ở tỉnh Sơn Tây. Khi Tần Thủy Hoàng chiếm nước Hàn, Hàn An trốn sang Giang Tô và đổi thành họ Hà. Dòng họ Hà sinh sống dọc theo sông Dương Tử và sông Hoài chảy qua hai tỉnh Giang Tô và An Huy.
Hoàng       Theo Nguyên Hà Tính Toản, Hoàng là tên đất. Chu Vũ Vương cho con cháu Lục Chung đất Hoàng ở Hà Nam để cai trị. Nước Hoàng bị nước Sở Chiếm, con cháu Lục Chung nhận từ Hoàng làm tên họ để tưởng nhớ nước Hoàng.
Hồ             Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Hồ thuộc dòng dõi Đế Thuấn, và người lập nên họ Hồ là Hồ Công Mãn. Họ Hồ là chi nhánh của họ Trần. Hồ Công Mãn được Chu Vũ Vương ban cho đất Trần để cai trị. Khi Hồ Công Mãn chết, con cháu lấy họ Hồ để tưởng nhớ người sáng lập nước Trần. Dòng họ Hồ cư ngụ tại Hồ Bắc.
Khổng       Họ Khổng thuộc dòng dõi Hoàng Đế, theo Quảng Vận, họ Khổng là chi nhánh của họ Tử. Con của Đế Cốc đã nhận chữ Tử làm tên họ. Đến đời vua Thành Thang (1766-1753 TCN), một người chắt Đế Cốc được giữ chức Thái Ất. Do vậy, con cháu đã phối hợp chữ Tử và Ất, tạo thành chữ Khổng để làm tên họ. Người đầu tiên nhận họ Khổng là Khổng Phú Gia.
Khuất        Theo Thượng Hữu Lục và Vạn Tính Thống Phổ, Khuất là tên đất gọi là Khuất Ấp. Con của Chu Vũ Vương được ban cho Khuất Ấp để cai trị. Cháu chắt đã nhận địa danh Khuất làm tên họ. Dòng họ Khuất ban đầu cư ngụ tại Hà Nam.
Khúc         Theo Vạn Tính Thống Phổ và Thông Chí Thị Tộc Lược, họ Khúc thuộc dòng dõi Chu Văn Vương. Con của Mục Hầu nước Tấn được ban cho  đất gọi là Khúc Ốc. Do vậy, con cháu đã nhận họ Khúc. Dòng họ Khúc cư ngụ tại Thiểm Tây là nơi xưa kia có đất Khúc.
Kiều          Theo Nguyên Hà Tính Toản, và Vạn Tính Thống Phổ, họ Kiều là chi nhánh của họ Cơ, thuộc dòng dõi Hoàng Ðế. Theo hai sách này, Hoàng Ðế chết, được chôn ở núi Kiều Sơn nên con cháu nhận tên núi Kiều làm tên họ. Dòng dõi họ Kiều cư ngụ tại Sơn Tây.
Lại             Theo Tính Thị Khảo Lược, Lại là tên nước thời Xuân Thu. Người nước Lại lấy tên nước làm tên họ. Dòng dõi họ Lại đầu tiên cư ngụ tại tỉnh Hà Nam.
Lâm          Theo Lộ Sử và Nguyên Hà Tính Toản, họ Lâm là chi nhánh họ Tử thuộc dòng dõi vua Thành Thang. Người đầu tiên nhận họ Lâm là Tỷ Can. Tỷ Can bị Trụ Vương giết, con Tỷ Can trốn vào rừng. Về sau Chu Vũ Vương ban cho con Tỷ Can đất Bá Lăng, nay ở Hà Bắc và ban cho tên họ Lâm. Dòng họ Lâm ban đầu cư ngụ tại Hà Bắc, sau lan sang Sơn Đông và Hà Nam.
Lê              Có 2 tài liệu nói về họ Lê. Theo sách Phong Tục Thông, dưới triều vua Thiếu Hạo (2598-2513 TCN), có nhóm quan gồm 9 người gọi là Cửu Lê. Con cháu các quan này đã nhận chữ Lê làm tên họ. Theo Lộ Sử và Nguyên Hà Tính Toản, Lê là tên nước đời nhà Thương. Khi nhà Thương bị diệt, nước Lê thuộc nhà Chu. Con cháu Đường Đế Nghiêu được phong tước Lê Hầu. Do vậy con cháu đã lấy tên tước Lê làm tên họ. Dòng họ Lê ban đầu cư ngụ tại Sơn Đông là nơi khi xưa có nước Lê.
Lưu           Họ Lưu thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Theo sách Thông Chí Tính Tộc Lược, cháu chắt của Đường Đế Nghiêu được ban cho đất Lưu, nay ở tỉnh Hà Bắc để cai trị. Cháu chắt đã nhận tên đất Lưu làm tên họ. Nhưng theo sách Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo, Lưu là tên huyện. Một người cháu chắt Chu Văn Vương làm quan đại phu, được ban cho đất Lưu Ấp. Con cháu đã nhận tên đất Lưu làm tên họ.
Lương      Theo sách Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo, họ Lương thuộc thị tộc Doanh. Con của Tần Trọng được ban cho đất Hạ Dương và được phong tước Lương Bá. Cháu chắt Lương Bá nhận tên Lương làm tên họ. Một tài liệu khác cho rằng thời Bắc Ngụy, vua Hiếu Văn Đế ra nhiều sắc lệnh cải cách xã hội Tàu, trong đó có lệnh bắt đổi họ ba chữ Bạt Liệt Lan thành họ Lương.
Lý              Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Lý (nghĩa: cây mận) là chi nhánh của họ Lý (nghĩa: thớ thịt). Cả hai họ này có ông tổ chung là Chuyên Húc. Cửu Dao là cháu Chuyên Húc giữ chức Lý Quan tức quan án nên Cửu Dao đổi sang họ Lý (nghĩa: thớ thịt). Đến đời Thương, Lý Trưng phạm tội bị Trụ Vương đuổi khỏi nước và chết, con là Lý Lợi Trinh sống sót nhờ ăn trái cây gọi là Mộc Tử. Để ghi nhớ sự kiện này, ông ghép chữ Mộc và chữ  Tử thành chữ Lý( nghĩa: cây mận) để làm tên họ. Dòng họ Lý cư ngụ tại Hà Bắc.
Ma             Có 2 tài liệu nói về họ Ma. Theo sách Phong Tục Thông, thì Ma Anh làm quan đại phu nước Tề, con cháu nhận tên Ma làm tên họ. Theo sách Tính Thị Khảo Lược,  quan đại phu nước Sở được ban cho đất Ma gọi là Ma Ấp để cai trị. Cháu chắt đã nhận chữ Ma làm tên họ. Dòng họ Ma cư ngụ tại Hà Bắc là nơi xưa kia có nước Ma.
Mã             Họ Mã rất phổ thông tại Trung Quốc và đặc biệt đa số người họ Mã theo Hồi Giáo. Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Mã là chi nhánh của họ Doanh, thuộc dòng dõi Chuyên Húc. Người sáng lập dòng họ Mã là Triệu Xa. Triệu Xa giữ chức Mã Phục Quân là chức quan trông coi việc thuần thục ngựa cho kỵ binh thời Chiến Quốc. Con cháu Triệu Xa đã nhận tên chức quan Mã làm tên họ. Dòng họ Mã cư ngụ tại vùng Thiểm Tây.
Mạc           Theo Tính Thị Khảo Lược, Mạc là tên thành. Vua Chuyên Húc xây Mạc Thành. Cư dân trong Mạc Thành đã lấy chữ Mạc làm tên họ. Dòng họ Mạc cư ngụ nhiều tại Hà Bắc là nơi xưa kia đã xây Mạc Thành. Thuyết thứ hai cho rằng, họ Mạc là do tên chức vụ công quyền: chức Mạc Ngao. Khuất Nguyên của nước Sở giữ chức vụ này nên con cháu đã lấy chữ Mạc làm tên họ.
Mai            Theo Đường Thư Tể Tướng Thế Hệ Biểu, họ Mai là chi nhánh của họ Tử. Mai là tên đất. Vào đờI nhà Thương, người anh của Thái Đinh được ban cho đất Mai và được phong tước Mai Bá. Con cháu đã nhận tên đất Mai làm tên họ. Dòng họ Mai cư ngụ tại Hà Nam.
Nghiêm     Họ Nghiêm xuất phát từ họ Trang, thuộc dòng tộc Trang Vương nước Sở. Theo Nguyên Hà Tính Toản, khi Trang Vương mất, con cháu đã nhận tên Trang làm tên họ. Theo Tính Thị Khảo Lược, vì tránh tên húy của Hán Minh Đế nên ông Trang Quang đã đổi sang họ Nghiêm. Từ đó nảy sinh dòng họ Nghiêm. Dòng họ này phát triển mạnh tại tỉnh Chiết Giang.
Ngô           Vào thời Xuân Thu-Chiến Quốc, phía nam sông Dương Tử là vùng Giang Nam. Vùng này là lãnh thổ của nước Ngô. Theo Thông Chí Thị Tộc Lược, dân chúng nước Ngô đã nhận tên Ngô làm tên họ. Dòng họ Ngô ban đầu cư ngụ tại tỉnh Giang Tô là nơi có nước Ngô. Sau này, người họ Ngô cũng cư ngụ tại Chiết Giang và Sơn Đông.
Nguyễn     Theo hai tài liệu Nguyên Hà Tính Toản và Vạn Tính Thống Phổ, đời nhà Thương có nước Nguyễn. Cư dân nước này nhận tên Nguyễn làm tên họ. Nhiều người dòng họ Nguyễn cư ngụ tại tỉnh Hồ Nam.
Nông         Theo Vạn Tính Thống Phổ, họ Nông bắt nguồn từ Thần Nông Thị. Vua Thần Nông dậy dân làm ruộng nên dân chúng nhận tên Nông làm tên họ.
Ông           Theo Nguyên Hà Tính Toản và Tính Thị Khảo Lược, họ Ông thuộc dòng Chu Văn Vương. Con Chu Văn Vương là Chu Chiêu Vương được ban cho đất Ông để cai tri. Con cháu đã nhận tên họ Ông. Tại đất Ông có ngọn núi tên là Ông Sơ Dòng họ Ông cư ngụ tại Chiết Giang.
Phạm         Xem họ Đỗ.
Phan         Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Phan thuộc dòng tộc Chu Văn Vương. Chu Văn Vương cho chắt của mình là Chu Chí Tôn vùng đất gọi là Phan Ấp để cai trị. Con cháu Chí Tôn đã nhận tên Phan làm tên họ. Ban đầu dòng họ Phan cư ngụ tại Thiểm Tây, sau lan ra An Huy và Chiết Giang.
Phó           Theo Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo, người sáng lập dòng họ Phó là quan Thừa Tướng của vua Vũ Tính nhà Thương. Ông cư ngụ tại đất Phó Nghiễm, nay là tỉnh Sơn Tây. Con cháu đã nhận tên Phó làm tên họ. Dòng họ Phó cư ngụ tại Hà Bắc và Sơn Đông.
Phùng       Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Phùng thuộc dòng dõi Chu Văn Vương. Người con thứ 15 của vua này là Tất Công Cao được ban cho đất Phùng, gọi là Phùng Ấp để cai trị. Con cháu đã nhận tên Phùng làm tên họ. Dòng dõi họ Phùng cư ngụ tại Hà Nam và Sơn Tây.
Quách       Theo Tính Thị Khảo Lược, họ Quách có từ đời nhà Hạ. Thời nhà Hạ dân chúng sống trong khu vực có tường lũy bao quanh gọi là Quách. Dân chúng lấy tên Quách làm tên họ. Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Quách là chi nhánh của họ Cơ, thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Con thứ tư của Chu Văn Vương được ban cho đất Quách để cai trị nên con cháu nhận tên Quách làm tên họ. Dòng họ Quách phát triển mạnh tại Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây là nơi xưa kia có nước Quách.
Sơn           Theo Danh Hiền Thị Tộc Ngôn Hành Loại Cảo và Thông Chí Thị Tộc Lược, Sơn là tên một chức quan đời nhà Chu gọi là Sơn Sư. Quan Sơn Sư trông coi việc thu thuế lâm và ngư nghiệp. Con cháu nhận tên chức quan Sơn làm tên họ.
Tạ              Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Tạ là chi nhánh của họ Khương, thuộc dòng dõi Viêm Đế. Tạ là tên nước. Thân Bá là anh em rể của Chu Tuyên Vương được ban cho đất Tạ nên con cháu Thân Bá đã nhận tên Tạ làm tên họ. Đất Tạ nay ở tỉnh Sơn Đông.
Tăng         Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Tăng là chi nhánh của họ Từ, thuộc dòng dõi vua Đại Vũ đời nhà Hạ. Khi Thiếu Khang hồi phục nhà Hạ, ông ban đất Khoái cho con út của ông là Khúc Liệt để lập nên nước Khoái. Nước Khoái bị diệt, họ hàng chạy sang nước Lỗ và để tưởng nhớ nước Khoái, con cháu đã lấy chữ Khoái nhưng bỏ bớt ngữ căn Ấp để thành chữ Tăng làm tên họ. Dòng họ Tăng phát triển mạnh tại Giang Tây, Phúc Kiến, Quảng Đông.
Thái           Theo Tính Thị Tầm Nguyên, họ Thái là do họ kép Thái Thúc mà ra. Họ Thái Thúc là chi nhánh của họ Cơ, thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Người lập ra họ Thái Thúc là Thái Thúc Nghĩa. Con cháu đã nhận Thái Thúc làm tên họ. Họ Thái Thúc ban đầu ở Hà Nam, Hà Bắc, sau phát triển ở Sơn Đông.
Thân          Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Thân là chi nhánh họ Khương, thuộc dòng tộc Viêm Đế. Thân Lã được ban cho đất Thân để cai trị và được tước Thân Bá. Cháu chắt Thân Lã đã nhận địa danh Thân làm tên họ.
Tô              Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Tô thuộc dòng dõi Chuyên Húc. Đời nhà Hạ, Côn Ngô được ban cho đất Tô Thành nên con cháu đã lấy họ Tô. Đầu tiên, họ Tô cư ngụ tại Hà Nam. Sang đời Chu, họ rời về Cam Túc.
Tôn            Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Tôn bắt nguồn từ tên chức quan gọi là Tôn Bá. Chức quan này trông coi việc tế tự trong triều đình nhà Chu. Con cháu đã nhận tên chức quan làm tên họ. Họ Tôn cư ngụ tại phía đông sông Dương Tử, trong vùng gọi là Hà Đông.
Tống         Theo Vạn Tính Thế Phổ, họ Tống là chi nhánh của họ Tử và Tống là địa danh nước Tống. Chu Vũ Vương ban đất Tống cho Vi Tử Khải là con út của Đế Ất. Nước Tống bị nước Sở chiếm. Dân nước Tống nhận tên Tống làm tên họ. Họ Tống cư ngụ tại tỉnh Hà Nam.
Trần          Theo Thông Chí Thị Tộc Lược và Nguyên Hà Tính Toản, họ Trần là do tên nước Trần. Chu Vũ Vương cho Quỳ Mãn hay còn gọi là Hồ Công Mãn đất Trần nay ở tỉnh Hà Nam để cai trị. Mười thế hệ sau, cháu chắt Hồ Công Mãn bỏ đất Trần đi nơi khác để tránh binh biến. Để tưởng nhớ đất cũ, họ đã nhận tên nước Trần làm tên họ. Dòng dõi họ Trần cư ngụ nhiều tại tỉnh Hà Nam và Sơn Đông.
Triệu         Theo sách Bách Gia Tính xuất bản thời Bắc Tống, họ Triệu được con cháu đặt ra để tưởng nhớ vị sáng lập triều đại Bắc Tống là Triệu Khuông Dận. Theo sách Nguyên Hà Tính Toản, Triệu là tên vùng đất gọi là Triệu Thành. Đời nhà Chu, Tạo Phủ được ban cho đất Triệu Thành nên đã nhận chữ Triệu làm tên họ. Dòng họ Triệu cư ngụ tại Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây
Trịnh          Theo Nguyên Hà Tính Toản, Trịnh là tên nước. Đời vua Chu Tuyên Vương, Chu Hữu được ban cho đất Trịnh. Con cháu nhận tên Trịnh làm họ. Dòng họ Trịnh cư ngụ tại huyện Trịnh tỉnh Hà Nam.
Trương     Theo Tính Thị Khảo Lược và Nguyên Hà Tính Toản, họ Trương thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Người con thứ 5 là Huy sáng chế ra cây cung. Muốn bắn cung phải trương dây cung. Vì vậy, chữ Trương gồm 2 chữ Cung và Trường ghép lại. Một số cháu chắt ông Huy lấy từ Cung, số khác lấy từ Trương làm tên họ. Dòng họ Trương cư ngụ tại Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây.
Từ             Theo Nguyên Hà Tính Toản, ông tổ họ Từ là Bá Khôi. Bá Khôi là quan đại thần của Đế Thuấn. Vua Đại Vũ nhà Hạ ban nước Từ cho con cháu Bá Khôi cai trị. Nước Từ bị nước Sở chiếm nên cháu chắt Bá Khôi đã nhận tên Từ làm tên họ để tưởng nhớ quê hương cũ. Dòng họ Từ cư ngụ tại tỉnh Hà Nam.
Văn           Theo Phong Tục Thông, họ Văn thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Sau khi Chu Văn Vương chết, con cháu đã nhận chữ Văn làm tên họ.
Vũ/Võ       Có 2 tài liệu về họ Vũ. Theo Nguyên Hà Tính Toản, họ Vũ là chi nhánh của họ Cơ và người sáng lập dòng họ này là Cơ Vũ, con của Chu Bình Vương. Theo Phong Tục Thống, họ Vũ thuộc dòng dõi Tống Vũ Công thời Xuân Thu. Con cháu đã nhận tên Vũ làm họ để tưởng nhớ ông tổ Tống Vũ Công. Dòng họ Vũ cư ngụ tại Thái Nguyên, Sơn Tây và Giang Tô.
Vương:     Họ Vương rất phổ thông tại Trung Quốc là chi nhánh của nhiều họ trước đây là vua hay hoàng đế Trung Quốc. Theo Thông Chí Thị Tộc Lược, họ Vương là chi nhánh của dòng tộc Chu Văn Vương. Vương Đạo là con cháu danh tiếng nhất của dòng họ này. Tài liệu khác cho rằng họ Vương thuộc dòng họ Đế Thuấn. Dòng họ Vương lan tràn khắp nước Tàu như Sơn Đông, Thái Nguyên, Hà Nam, Hà Bắc, Giang Tô.

TIẾT  E:  CÁC HÌNH THỨC TÊN HỌ VIỆT NAM

Trước đây, người ta thường nghĩ Việt Nam chỉ có họ đơn, tức một chữ. Nhưng thực ra, căn cứ vào truyền thống dân gian, tên họ Việt Nam có hình thức đơn và hình thức ghép, tức hai họ hoặc nhiều từ ghép lại. Ví dụ:
-Họ một chữ: Nguyễn, Trần, Phạm.
-Họ hai chữ: Nguyễn Huỳnh, Ðặng Trần.
-Họ ba chữ: Công Tôn Nữ.
-Họ bốn chữ: Công Tằng Tôn Nữ.
Các họ ghép trên đây phát sinh do 5 nguyên nhân: (1) họ ghép vì đi làm con nuôi, (2) họ ghép vì được vua ban họ, (3) họ ghép vì muốn phân biệt,(4) họ ghép để biểu lộ ý niệm  huyết thống, (5) họ ghép vì muốn thêm họ mẹ.
1. Họ Ghép Vì Đi Làm Con Nuôi: Theo luật lệ của nhiều nước, người con nuôi phải mang tên họ của người cha nuôi. Tuy nhiên, nhiều người ý thức tầm quan trọng và giá trị của tên họ, đã không xóa bỏ tông tích người con nuôi, nên thêm tên họ người con nuôi vào sau tên họ của mình. Ta có thể trưng các ví dụ sau: tác giả nho bản Chinh Phụ Ngâm là Đặng Trần Côn sống đời Lê Hiển Tông (1740-1786), vốn có tên họ là Trần, nhưng làm con nuôi cho gia đình họ Đặng, nên có tên họ kép là Đặng Trần Côn. Con cháu ông vẫn tiếp tục mang họ ghép là Đặng Trần Thường, Đặng Trần Thiện. Hiện nay (2002), tại San Jose, California, Hoa Kỳ có ông Đặng Trần Yêm. Chúng tôi không rõ ông này có phải là hậu duệ của cụ Đặng Trần Côn hay không? Ông Vũ Phạm Hàm, người huyện Thanh Oai, Hà Đông, đỗ Thám Hoa năm Thành Thái thứ 4 (1894), đã có ông tổ làm con nuôi cho họ Vũ nên ông và con cháu đã mang họ Vũ Phạm. Luật pháp Việt Nam cũng bảo vệ dòng họ người con nuôi. Điều 189 trong Hoàng Việt Trung Kỳ Hộ Luật ghi:
Người con nuôi, bất cứ là bao nhiêu tuổi, sẽ thuộc về gia tộc người đứng nuôi, phải lấy tên họ người đứng nuôi và để tên họ của mình tiếp theo [42].
 2. Họ Ghép Vì Được Vua Ban Họ: Trước thời Nguyễn, những người giúp vua giữ vững ngoại biên gọi là tông phiên, được vua ban quốc tính[43]. Những người này bỏ tên họ cũ, mang tên họ nhà vua như danh tướng Trần Bình Trọng vốn có họ Lê, thuộc dòng dõi Lê Đại Hành, sau nhờ công lớn, được đổi sang họ Trần là họ nhà vua[44]. Sang đời Nguyễn, người mang quốc tính lại được đặt tên họ mình sau tên họ nhà vua như trường hợp nhân vật lịch sử Nguyễn Huỳnh Đức. Điều đáng chú ý là chỉ con trai được kế thừa quốc tính. Con gái, bị coi là nữ nhân ngoại tộc, không được mang quốc tính. Con trai cụ Nguyễn Huỳnh Đức là ông Nguyễn Huỳnh Nhiên, con gái cụ là bà Huỳnh Thị Hương và Huỳnh Thị Tài.
3. Họ Ghép Vì Được Đặt Thêm Họ Mẹ: Theo tục lệ và luật pháp của xã hội theo chế độ phụ hệ, người con phải mang dòng họ cha. Tuy nhiên, vào khoảng giữa thế kỷ 20, vì bị ảnh hưởng văn hóa tây phương, vì địa vị của người phụ nữ được đề cao, nên tên họ mẹ đã thấy xuất hiện sau tên họ cha trong thành phần tên họ của con. Mục đích này nhằm nhắc nhở cho con về dòng họ mẹ, hoặc ghi dấu cuộc hôn nhân giữa hai dòng họ. Khuynh hướng tốt đẹp này ngày càng phổ biến trong xã hội. Ngày xưa, giới nho gia cũng áp dụng cách thức ghép họ mẹ sau họ cha để làm tên họ người con. Xin trích dẫn hai trường hợp tiêu biểu mà Ông Nguyễn Bạt Tụy đã nêu ra: ông Từ Cao Cam có cha là ông Từ Bộ Chỉ và người mẹ họ Cao, ông Nguyễn Từ Hiền và ông Nguyễn Từ Ân có cha là ông Nguyễn Văn Mô và bà mẹ họ Từ[45]. Tuy nhiên, hình thức ghép họ mẹ  sau họ cha không có tính truyền thừa, tên họ sẽ thay đổi từ đời con sang đời cháu. Theo tác giả Sheau Yueh J. Chao[46], tại Trung Quốc, việc lấy họ vợ ghép chung với họ chồng thành họ của con rất phổ biến. Ví dụ ông họ Trương lấy bà họ Trần, con cái ông bà này sẽ mang họ Trương Trần.
4. Tên Họ Ghép Vì Muốn Phân Biệt: Như đã nói trong phần phân bố tên họ tại Việt Nam, nhiều làng chỉ có một dòng họ, do đó, để phân biệt các chi nhánh, người ta thêm vào sau tên họ các từ có ý nghĩa thân tộc như Mạnh, Đình, Trọng, Quý, Bá, Thúc, Tôn và người ta nói ông này họ Mạnh, ông kia họ Thúc. Thực ra, họ là các ông Trần Mạnh A, Trần Thúc B. Tập tục này cũng thấy có tại Trung Quốc.
5. Tên Họ Ghép Để Biểu Lộ Ý Niệm Huyết Thống: Tên đệm đặt sau tên họ được truyền thừa qua nhiều thế hệ biến thành họ ghép. Lối này được vua chúa và dân gian triệt để  áp dụng nhằm biểu lộ ý niệm huyết thống. Ta có thể  kể các bằng chứng sau:
Suốt triều đại hậu Lê, từ vua Lê Trang Tông (1533-1548), tức Lê Duy Ninh đến vua Lê Mẫn Đế (1787-1788), tức Lê Duy Kỳ, trải qua 17 đời vua, kéo dài 255 năm, vị vua nào cũng có họ là Lê Duy. Đến năm 1837, Đại Nam Thực Lục ghi các cuộc nổi dậy của con cháu nhà hậu Lê như Lê Duy Cự, Lê Duy Mật, Lê Duy Lương, Lê Duy Hoán và Lê Duy Hiển. Như vậy, sử sách đã chứng minh rằng dòng họ Lê Duy đã tồn tại trên đất nước này hơn 300 năm. Hiện nay, chúng tôi không biết còn ai giữ được họ Lê Duy không vì vua Minh Mạng và Thiệu Trị đã có chính sách phân tháp dòng họ này. Bằng chứng là tổ tiên của vị Giám Mục Lê Hữu Từ thuộc hoàng tộc họ Lê Duy. Năm 1822, vì có liên quan đến vụ Lê Duy Lương nổi lên chống triều đình nhà Nguyễn, nên tổ tiên bị đày vào Quảng Trị. Vì sự an toàn của gia đình, tổ tiên đã đổi sang dòng họ Lê Hữu[47].
Sang thời Trịnh, Nguyễn, đời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1614-1635) tất cả người hoàng phái trước kia có họ Nguyễn nay đổi thành Nguyễn Phúc. Ngược lại, cùng dòng họ Nguyễn, cùng có ông tổ là Nguyễn Bặc, nhưng chi nhánh họ Nguyễn ở lại Gia Miêu, Thanh Hóa, đổi thành Nguyễn Hựu. Lý do đổi từ họ Nguyễn sang họ Nguyễn Phúc, được gia phả họ Nguyễn Phúc ghi lại như sau:
Tương truyền rằng khi hoàng hậu (tức Thái Tổ Gia Dũ Hoàng Hậu) có thai, chiêm bao thấy thần nhân cho tờ giấy viết đầy cả chữ Phúc. Nhiều người đề nghị lấy chữ Phúc đặt tên cho con, thì bà cho rằng: Nếu đặt tên cho con thì chỉ có một người được hưởng, chi bằng lấy chữ Phúc làm chữ lót thì mọi người được hưởng phúc, bèn đặt tên cho con là Nguyễn Phúc Nguyên. Nhánh họ Nguyễn chúng ta đổi thành họ Nguyễn Phúc bắt đầu từ đấy [48].
Các vị nho gia cũng áp dụng nguyên tắc này. Các cụ chỉ đặt họ ghép cho con trai, không đặt cho con gái. Cụ Nguyễn Đình Chiểu có các ông tổ bốn đời mang họ ghép Nguyễn Đình. Con trai cụ là Nguyễn Ðình Chúc, Nguyễn Đình Ngưỡng, nhưng con gái là Nguyễn Thị Xuân Khuê  tức bà Sương Nguyệt Ánh. Cụ Trương Tấn Bửu có 3 trai, 1 gái là các ông Trương Tấn Cẩn, Trương Tấn Thuận, Trương Tấn Cường và bà Trương Thị Của[49].
Sau đây là một số họ ghép thường thấy tại Việt Nam: Âu Dương, Cao Bá, Đặng Trần, Hoàng Cao, Hồ Đắc, Lê Duy, Lê Đức, Lê Khoa, Lê Quang, Lê Bá, Nguyễn Phúc, Nguyễn Hựu, Nguyễn Khoa, Nguyễn Đăng, Nguyễn Đình, Nguyễn Quang, Ngô Đình, Ông Ích, Phạm Duy, Phạm Đình, Phạm Phú, Phạm Như, Phan Huy, Phan Đình, Tôn Thất,Tống Phước, Trần Đình, Trần Nguyên, Trương Gia, Trương Minh, Trương Vĩnh, Trương Sĩ,  Vũ Đình.
Tên họ người Việt Nam là một di sản linh thiêng, được truyền thừa từ đời này sang đời nọ. Nhưng không vì thế mà tên họ không bị biến đổi.
TIẾT F:   SỰ BIẾN ĐỔI TÊN HỌ TẠI VIỆT NAM
Tên họ người Việt Nam được coi là một chứng tích tồn tại của một gia đình, một dòng tộc. Tuy nhiên, người ta thấy 9 trường hợp tên họ đã bị biến đổi:
1. Đổi Tên Họ Vì Đi Làm Con Nuôi: Theo tục lệ, một người đi làm con nuôi sẽ mang tên họ của gia đình đứng nuôi. Đọc Tam Quốc Chí, ta thấy bố của Tào Tháo là Tào Tung, xưa có tên họ là Hạ Hầu, nhưng vì đi làm con nuôi cho Tào Đằng nên nhận tên họ Tào. Tại Việt Nam, chúng tôi xin nêu ba trường hợp điển hình trong lịch sử để làm ví dụ: Hồ Quý Ly nguyên thuộc dòng dõi người ở Chiết Giang, Trung Quốc, có ông tổ là Hồ Hưng Dật di cư sang nước ta đời Ngũ Quý (907-959) ở làng Bào Đột, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Thanh Hóa. Ông tổ bốn đời là Hồ Liêm đi làm con nuôi cho ông Lê Huấn, nên đổi ra họ Lê. Đến khi Lê Quý Ly lên ngôi, ông lại đổi thành Hồ Quý Ly[50].
Lý Công Uẩn, tức vua Lý Thái Tổ, là con nuôi của nhà sư Lý Khánh Vân nên lấy tên họ là Lý[51]. Theo nguyên văn Đại Nam Liệt Truyện: Lê Văn Khôi nguyên họ Bế, con một thổ mục Cao bằng là Văn Kiện. Khi lệ tòng quân cho lấy họ Công Đồng là Nguyễn Hựu, sau theo nghịch đổi họ theo Duyệt là Lê vì trước kia thuộc dưới trướng của Lê Văn Duyệt [52].
Việc đổi tên họ vì đi làm con nuôi cũng được áp dụng trong trường hợp bán khoán cho thần thánh. Bán vào cửa chùa lấy họ Mầu, bán vào đền thờ Đức Trần Hưng Đạo thì lấy họ Trần. Đến khi đứa trẻ lớn lên, cha mẹ làm lễ chuộc về thì con lại mang tên họ của cha mẹ như xưa[53].
 2. Đổi Tên Họ Vì Bị Bắt Buộc: Dưới thời quân chủ, mỗi khi thay đổi triều đại, triều đại mới thường muốn xoá bỏ dấu tích triều đại cũ để lòng dân khỏi mong nhớ. Biện pháp áp dụng có thể là ban quốc tính, hay bắt con cháu và những người có tên họ triều đại cũ phải đổi sang họ khác, với lý do để  tránh tên húy người trong hoàng tộc.
Đời nhà Trần, sau khi Trần Thủ Độ đưa Trần Cảnh lên ngôi, lập ra nhà Trần (1226-1400) thì biện pháp đầu tiên để tận diệt nhà Lý là đem các cung nhân, con gái họ Lý gả cho các tù trưởng ở các vùng miền núi xa xôi. Đến tháng Tư năm Nhâm Thìn (1232), vua Trần Thái Tôn ra lệnh cho người trong nước ai có tên họ Lý phải đổi ra họ Nguyễn vì thượng hoàng tên húy là Lý[54].
Đến cuối năm Nhâm Thìn, tôn thất nhà Lý quy tụ về thôn Thái Đường, xã Hoa Lâm, nay là huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh để làm lễ tế tổ tiên, thì nhân dịp này, theo nguyên văn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư:
Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết[55].
Tất cả các hành động trên là thủ đoạn chính trị của Trần Thủ Độ muốn tận diệt nhà Lý. Âm mưu này được sử gia Lê Tắc viết trong An Nam Chí Lược:
 Lên ngôi được một năm, năm Canh Dần (1230), Chiêu Thánh trao quốc chính cho chồng là Trần Nhật Cảnh. Tất cả tôn thất nhà Lý và bình dân họ Lý đều khiến đổi sang họ Nguyễn để dứt lòng mong nhớ [56].
Vì âm mưu tận diệt nhà Lý nên con trai thứ của Lý Anh Tông (1138-1175) là Lý Long Tường đã cùng đoàn tùy tùng trốn sang Đại Hàn. Hơn tám trăm năm sau, con cháu những người này đã về Việt Nam thăm lại quê cha đất tổ[57].
Lê Thái Tông (1434-1442) truy tôn mẹ ruột là bà Phạm Thị Ngọc Trần lên làm Cung từ quốc thái mẫu. Năm 1435, Thái Tông ra lệnh liệt kê tên húy của triều đình và quy định rằng: Khi gặp chữ chính về miếu húy, ngự danh thì không được viết, ai có tên họ trùng với các chữ húy thì phải đổi, như tên húy của Cung Từ quốc thái mẫu là Trần nên cho đổi thành Trình [58].
Việc đổi họ Trần qua họ Trình cũng nằm trong âm mưu của nhà Lê muốn dứt lòng dân mong nhớ nhà Trần.
3. Đổi Tên Họ Vì Vua Ban Quốc Tính: Dưới thời quân chủ, dòng họ vua được gọi là quốc tính, nhân dân ai có công lớn được vua cho đặc ân lấy tên họ vua làm tên họ mình. Đây là tập tục của Trung Quốc có từ đời Hán. Hán Cao Tổ, tức Lưu Bang ban cho Lâu Kính họ Lưu vì đã dâng kế sách dựng thành quách. Tại Việt Nam, triều đại nào cũng áp dụng thể chế này và nhân dân coi đó là một ân điển. Ví dụ Trần Bình Trọng là con cháu của vua Lê Đại Hành, có ông nội làm quan dưới triều Trần Thái Tông (1225-1258), lập được công lớn nên được mang quốc tính là Trần. Lê Hãn tức Trần Nguyên Hãn thuộc dòng dõi Trần Nguyên Đán. Ông Hãn lập nhiều chiến công dưới thời Lê Lợi kháng Minh nên được ban ban quốc tính là Lê Hãn.
Nhà Lê là triều đại ban quốc tính cho nhiều người nhất. Năm 1428, Lê Thái Tổ (1428-1433) ra sắc chỉ vinh danh công trạng những người theo vua khởi nghĩa, kể cả những người họ Trần, bằng cách ban chức tước và quốc tính trong ba đợt cho khoảng 218 người[59]. Việc ban quốc tính một cách rộng rãi này, theo tác giả Trần Gia Phụng[60], nằm trong âm mưu của Lê Thái Tổ muốn bịt miệng các chức quan để  ai cũng nói với nhà Minh rằng dòng họ nhà Trần đã tuyệt tự. Sở dĩ như vậy, vì Lê Thái Tổ đã xin nhà Minh phong Vương ba lần, nhưng cả ba lần nhà Minh đòi phải tìm kiếm con cháu nhà Trần lên làm vua. Nhưng 30 năm sau, khi ngôi vị nhà Lê đã vững chãi, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ban hành hai sắc dụ liên quan đến việc giới hạn và hủy bỏ chế độ ban quốc tính. Năm Quang Thuận thứ 4 (1463), vua Lê Thánh Tông ra sắc dụ giới hạn thời gian được hưởng quốc tính. Sắc dụ viết như sau:
Xưa Thái Tổ ta dãi gió dầm mưa để bình định thiên hạ, bấy giờ các bề tôi có công ra sức giúp dân, cùng chịu gian lao khổ ải, tình nghĩa đều vẹn toàn, vì thế đặc ân ban quốc tính để tỏ lòng yêu quý khác thường. Nhưng con cháu các người truyền nối lâu dài, e rằng quên mất họ cũ của tổ tiên, trái với đạo dạy người ta hiếu thảo. Từ  nay về sau, công thần được  đặc ân ban quốc tính thì chỉ một đời người ấy, còn con cháu đều theo họ cũ[61].
Rồi 4 năm sau, năm Quang Thuận thứ 8 (1467), nghe lời tâu của Lễ Bộ Thượng Thư Phạm Công Nghị, vua Lê Thánh Tông hủy bỏ luôn chế độ ban quốc tính. Câu chuyện được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại như sau:
Lễ bộ thượng thư Phạm Công Nghị tâu rằng: Đời xưa khi dựng nước, nhận tên nước mà đặt tên họ (tính), nhận chia đất mà ban tên họ (thị). Như ông Tiết khi được phong ở đất Thương, được ban họ Tử (Tử thị), ông Tắc khi được phong ở đất Thai, được ban họ để lập tông phái. Từ đó về sau, các đời đều có tên họ như Ngu Thuấn là họ Diêu (Diêu tính), Hạ Vũ họ Tự (Tự tính) Chu Văn họ Cơ (Cơ tính), mà Cửu  khanh, Tam Công, Ngũ thần, Thập loạn  đều có công lao với nước, nhưng chưa từng thấy ai được ban họ (nhà vua) cả. Đến Hán Cao Tổ cho Lâu Kính có công dâng kế sách dựng đô thành bèn ban cho họ Lưu. Đường Cao Tổ khen Thế Tích có khí tiết bề tôi trong sạch nên ban cho họ Lý. Đó chỉ là phương sách chế ngự hào kiệt mà thôi. Nhưng nguồn vừa mới khơi ra mà đã thành đục. Người làm tôi thì cũng cho thế là vinh hạnh, mà không hiểu rằng họ hàng phải có phả hệ, tuyệt đối không thể lẫn lộn được. Cái sai của việc ban tên họ có quan hệ rất lớn. Vì người làm tôi mà cùng họ với vua thì bất kính, người làm con mà quên mất gốc thì bất hiếu. Làm sao có kẻ bất kính bất hiếu mà làm nên việc được. Nên sửa bỏ lệ ấy đi. Tất cả bề tôi đã được ban cho họ của nhà vua đều cho đổi lại theo họ cũ của ông cha để cho tông phái nhà vua được phân minh, cội gốc các họ được rõ ràng. Vua y theo[62].
Sang đời Nguyễn, chế độ ban quốc tính được tái lập. Nhiều trường hợp được ban quốc tính mà điển hình là ông Huỳnh Tường Đức (1748-?) có công với nhà Nguyễn nên được mang quốc tính là Nguyễn Huỳnh Đức. Như đã trình bày, chỉ có con trai được kế thừa quốc tính. 
4. Đổi Tên Họ Vì An Ninh Cá Nhân: Khi xưa tại Trung Quốc cũng như Việt Nam, gia đình nào bị án tru di tam tộc mà con cháu trốn thoát được, phải đổi tên họ để tránh bắt bớ, tránh trả thù về sau, vì khi nộp đơn ứng thi, thí sinh phải khai rõ tên họ của thân nhân ba đời trước [63].
Khi đảng Cộng Sản Việt Nam bắt đầu hoạt động, các đảng viên đã lấy một bí danh khác hẳn tên cũ để tránh thực dân Pháp bắt bớ. Cụ thể nhất là Ông Nguyễn Tất Thành đã đổi tên rất nhiều lần để cuối cùng là Hồ Chí Minh. Việc ông Hồ Chí Minh đổi từ họ Nguyễn về họ Hồ được Giáo sư Trần Quốc Vượng[64], Giáo sư Sử học Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, trong tác phẩm Trong Cõi, kể về chuyện này và chúng tôi xin tóm tắt như sau:
Tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An có cụ Cử Nhân Hồ Sĩ Tạo. Cụ mê người con gái hát ả đào tên là Hà Thị Hy. Khi cô Hy có thai, cụ cử không cưới, nên nhà họ Hà đã tặng không cô Hy cho một lão ông góa vợ tên là Nguyễn Sinh Nhậm. Cô Hy sinh người con trai đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc, vì trên giấy tờ cô Hy là vợ ông Nguyễn Sinh Nhậm. Lớn lên, ông Nguyễn Sinh Sắc (sau đổi là Nguyễn Sinh Huy) kết hôn với bà Hoàng Thị Loan sinh ra ông Nguyễn Sinh Côn tức Hồ Chí Minh. Như vậy, ông Hồ Chí Minh bỏ họ Nguyễn, lấy lại họ Hồ là vì muốn trở về với dòng họ ông nội là cụ cử Hồ Sĩ Tạo.
Vào năm 1954, khi chia đôi đất nước, một số dân miền Nam tập kết ra Bắc, gia đình ở lại miền Nam thường đổi tên để tránh phiền phức về an ninh chính trị. Đến năm 1975, khi miền Bắc chiếm miền Nam, thống nhất đất nước, thì các gia đình này lại điều chỉnh giấy tờ hộ tịch, lấy lại tên họ cũ. Ngược lại, tại miền Bắc, chế độ Cộng Sản lên án và đả kích nhà Nguyễn nên một số người trong hoàng tộc nhà Nguyễn ở lại miền Bắc, đã bỏ bớt những chữ lót chứng minh mình thuộc hoàng phái. Các chữ lót đó là Miên, Hồng, Ưng, Bảo, Vĩnh. Các từ này sẽ được trình bày ở chương ba.
5. Đổi Tên Họ Để Hưởng Lợi Lộc: Đối với hoàng tộc, nhiều người mạo xưng con cháu dòng dõi tông phái để hưởng tước lộc triều đình. Đối với dân gian, người ta mạo xưng con cháu để được chia hương hoả, điền thổ. Chắc hẳn, sự mạo xưng này là một tệ nạn xã hội nên dưới thời Lê Huyền Tông (1662-1671), nhà vua đã ra sắc lệnh:
Làm người tên phải có họ để phân biệt tôn phái, cấm mạo xưng là con cháu nhà thế gia triều đại trước, hay là giả làm ra những bằng chứng về tôn phái, mạo ra chứng thư, lấy người chứng tá bậy bạ để nhận càn điền thổ của người khác. Ai trái lệnh này sẽ bị trị tội [65].
Thời Pháp thuộc, nhiều người dân không muốn khai sổ đinh để khỏi bị đóng thuế thân, đến khi cần việc làm, họ lấy giấy tờ của người khác đã chết để dùng. Từ đó, họ và con cháu mang tên họ không thuộc dòng họ mình.
6. Đổi Tên Họ Vì Sự Nghiệp Tương Đồng: Cho tới nay, chúng tôi biết được hai trường hợp còn ghi trong lịch sử: Trường hợp ông Hàn Thuyên. Ông làm Thượng Thư Bộ Hình dưới triều Trần Nhân Tôn (1279-1293). Theo sử, ông đã làm bài văn ném xuống sông để đuổi cá sấu đi. Vua thấy việc này tương tự như Hàn Dũ bên Tàu nên cho ông được đặc ân đổi sang họ Hàn. Từ đó, sách vở đều ghi tên ông là Hàn Thuyên[66].
Ông Ngụy Thức trước tên là Đồng Thức, người huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, giữ chức Ngự Sử Trung Tán dưới thời nhà Hồ. Vì nổi tiếng cương trực như viên Tể Tướng Ngụy Trưng đời Đường Thái Tông bên Tàu, nên vua Hồ Hán Thương cho ông đổi họ Đồng sang họ Ngụy.
7. Đổi Tên Họ Để Phù Hợp Với Nghề Nghiệp:  Ðời vua Trần Duệ Tông (1373-1377), có ông Đào Hy Nhan con của Tiến Sĩ Đào Thừa Mân, thi đậu Trạng Nguyên, rất giỏi sử học nên cho cải ra họ Sử tức Sử Hy Nhan[67]. Vua Trần Dụ Tôn làm việc trên là áp dụng nguyên tắc ở Trung Quốc. Đời xưa Trung Quốc đặt ra quan Chúc và Sử. Quan Chúc coi việc tế lễ, quan Sử coi việc nhân sự và ghi chép lịch sử. Đời Chu có các quan Đại Sử, Tiểu Sử, Tả Sử, Hữu Sử, Nội Sử, Ngoại Sử. Chúc và Sử  là hai chức vụ quan trọng, ai giữ chức vụ ấy được cha truyền con nối. Do vậy, tên chức quan Chúc và Sử biến thành tên họ.
 8. Đổi Từ Họ Ít Thấy Sang Họ Phổ Thông Hơn:
Dưới thời quân chủ, vua có quyền tuyệt đối, thấy điều gì không hợp ý, một tên họ họa hiếm chẳng hạn, là vua có quyền thay đổi, dân chúng phải tuân theo. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại chuyện đổi họ như sau:
Năm Giáp Thìn (1304), tháng Hai lấy Bùi Mộc Đạc làm Chi hậu bạ thư chánh chưởng trông coi Cung Thánh Từ. Mộc Đạc tên tự là Minh Đạo, người Hoàng Giang, họ Phí, tên Mộc Lạc có tài năng. Thượng Hoàng cho rằng họ Phí từ xưa không thấy có[68], mới đổi làm họ Bùi. Cái tên Mộc Lạc[69] là điềm chẳng may, mới đổi thành Mộc Đạc, sai theo hầu ngày đêm. Đến nay trao cho chức ấy. Sau này người họ Phí hâm mộ danh tiếng của Mộc Đạc nên nhiều người đổi thành họ Bùi [70].
Về họ Chúc, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi như sau: Anh em Ngộ Mai vốn trước là họ Chúc, khi Nhân Tôn xuất gia, làm nội học sinh theo hầu. Vua cho rằng họ Chúc không phải là họ lớn, mới đổi thành họ Phạm. Ngộ trước tên là Kiên, Mại trước tên là Cố. Cả hai đều theo học Nguyễn Sĩ Cố. Kiên tránh tên của Phán Thủ Huệ Nghĩa đổi là Ngộ. Cố tránh tên của thày đổi là Mại .
 9. Bị Truất Bỏ Tên Họ: Dưới thời quân chủ, một trong những hình phạt nhà vua có thể áp dụng cho những kẻ có tội, nhất là tội phản nghịch, là truất bỏ tên họ. Đại Việt Sử Ký Tiền Biên ghi lại khoản luật này như sau: Năm Kỷ Dậu (1309) mùa Đông tháng Mười, vua ra chiếu chỉ tất cả những người có tội phản nghịch đều bị tước bỏ tên họ, chỉ gọi tên [71].
Triều đại nào cũng áp dụng khoản luật này. Đời Lê Thái Tông (1434-1442), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi tên bọn phản nghịch như sau: Giết bọn giặc phản nghịch tên là Phong, tên Nhữ Hốt, tên An Vinh, tên Trung, tên Tồn, tên Sĩ Văn, tên Sùng Lễ, tên Xác [72].  
Đến đời Nguyễn, các tác giả viết Đại Nam Liệt Truyện khi viết tiểu sử hậu phi, hoàng tử, công chúa, các bề tôi có công, đều nhắc đầy đủ tên họ, tên đệm, tên chính. Nhưng khi nói về các nghịch thần, gian thần của triều Nguyễn, chỉ nhắc đến tên chính mà thôi. Ví dụ khi chép về Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Quang Toản, các sử gia triều Nguyễn chỉ chép là Nhạc, Huệ, Toản[73].
. . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nếu Quý vị muốn đọc toàn văn cuốn sách này thì xin bấm vào đường link phía dưới để tải vê

Trích từ nguồn: Honinh 
 

Tìm kiếm Blog này