Những ngày Tết Mậu Thân (1968) bầu trời
thị xã Kon Tum rừng rực màu lửa đạn. Tiếng nổ vọng ran trời, ngỡ chừng
không dứt. Lửa cháy ngút ngàn khắp nơi, khói xông mù khét. Trên các ngã
đường, xe tăng quần thảo như rà tìm chà nghiến tất cả những gì chẳng may
nằm dưới lằn xích sắt. Trên trời máy bay gầm réo nhào lộn như đàn bò
điên thi nhau rống rú hồng hộc.
Trong
những ngày ấy, có một câu chuyện như truyện thần kỳ đã kích động và ám
ảnh mãi tâm trí mọi người. Chuyện kể rằng chỉ vài "tên" đặc công Việt
Cộng chiếm giữ Chợ Lồng mà quân đội "Quốc gia" huy động hàng bao nhiêu
đợt tấn công vẫn không vào nổi. Cuối cùng phải rải bom xăng thiêu rụi cả
một công trình kiến trúc độc đáo, to đẹp. (Chợ được thiết kế theo kiến
trúc Pháp, kiểu mái vòm như một cái lồng nên gọi Chợ Lồng. Sau năm 1975
đã phá bỏ).
Một
trong những "tên" Việt Cộng còn sống sót duy nhất trong cuộc chiến đấu 5
ngày đêm huyền thoại ấy là Anh hùng lực lượng vũ trang A Xâu ngày nay. A
Xâu dân tộc Jẻ, sinh năm 1944 tại làng Lao Lu xã Đăk Blô huyện Đăk Glei
- Kon Tum, nơi tận cùng của cực bắc Kon Tum, tận cùng cực bắc Tây
Nguyên.
Năm
1954, vừa 10 tuổi, đứng nhìn ông chú A Nhơn theo chân trung đoàn 120 tập
kết ra Bắc, niềm mơ ước con nít trong lòng thôi thúc A Xâu thích đi
"làm cách mạng" như chú để được đi đây đó! Sau nhiều lần xin theo "làm
cách mạng" mà không được chấp nhận, đến năm 13 tuổi, thấy A Xâu tuy bé
người nhỏ tuổi nhưng tỏ ra gan dạ, lanh lợi, "người lớn" bèn cho làm
liên lạc xã. Làm liên lạc cũng tốt thôi, nhưng quanh quẩn mãi một nơi
cũng chán, thấy mình hèn hèn thế nào ấy! Đến 1960, 16 tuổi, A Xâu xin
vào bộ đội.
Ngay
năm đầu được "làm bộ đội" A Xâu đã tham gia trận đánh 6 đồn vùng Đăk
Tả. 1961 phiên về tiểu đoàn 46 đặc công tỉnh đội Kon Tum. 1963 học Quân
báo tại Dốc Cọp - Quảng Ngãi do Quân khu 5 tổ chức. Trận đánh thực tập
kết thúc khoá học là trận Núi Tròn. Tổ 3 người hy sinh 2, còn mỗi A Xâu.
1964 lại về đơn vị cũ, hoạt động ở vùng lõm Đăk Ui, Ngọc Réo, Đăk
Kôi... Thời gian này A Xâu nhớ nhất trận đánh đồn Kon Xơm Lũ. Đại đội 30
người, sau trận đánh còn 5. A Xâu bị thương không đi được, ngồi canh
xác đồng đội để 4 người kia đi vận động đồng bào và thanh niên chuyển
xác. Cứ thế, bước đường chiến trận của A Xâu ngày càng dày lên theo
những trận đánh. Năm 1966 A Xâu vinh dự đứng vào hàng ngũ đảng viên.
Trở
lại trận đánh Tết Mậu Thân - trận đánh mà danh xưng "Tử thần Chợ Lồng
Kon Tum" bà con đã dành để gọi A Xâu: -Kế hoạch chiến đấu của tiểu đoàn
46 đặc công được phân công: Đại đội 209 phụ trách mũi tấn công khu vực
B12 (cơ quan MACVI của cố vấn Mỹ), đại đội 208 phụ trách mũi tiến chiếm
dinh Tỉnh trưởng và khu cơ quan hành chính quanh đó. Đại đội 207 (có A
Xâu) gồm 30 quân chia 3 nhóm, mỗi nhóm 10 người, trtong đó có một mũi
đánh chiếm kho xăng dầu và trại Nguyễn Huệ rồi chốt giữ cầu Đăk Bla
phòng biệt kích Lôi Hổ từ B15 sang ứng cứu Thị xã.
Đúng
Giao thừa (Mồng Một Tết), mũi của A Xâu xuất kích từ ngã ba làng Plei
Tơnghia (đường Bà Triệu - Hoàng Thị Loan - Hai Bà Trưng bây giờ) tiến
đánh đồn Quân trấn nơi góc đường Ngô Quyền - Phan Thanh Giản (nay là
Trần Phú). Mới tờ mờ sáng, 10 người đã hy sinh 3 còn 7. A Xâu cắt 2
chiến sĩ chốt giữ ngã ba Phan Thanh Giản - Nguyễn Huệ để cầm chân bọn
Lôi Hổ, nếu có tràn sang, vì lúc này đã nghe tin mũi đánh trại Nguyễn
Huệ và kho xăng dầu ở đầu cầu đã hy sinh hết! (2 người này sau đó cũng
hy sinh). A Xâu dẫn 4 đồng đội đánh giạt sang chiếm trụ sở xã Châu Thành
(Thanh tra tỉnh Kon Tum bây giờ), chốt giữ ngã tư Phan Thanh Giản - Lê
Thánh Tôn (nay là Trần Hưng Đạo). Lúc này đại đội 208 đánh dinh Tỉnh
trưởng cũng không còn một ai nên không có lực lượng kềm chân địch từ
Biệt khu 24 tiến xuống. Thế là gọng kềm Biệt kích từ B15 phía Nam đánh
sang, bộ binh từ Biệt khu 24 phía Bắc đánh tới khiến 5 người kẹt ở giữa.
Cầm cự đến trưa, để tránh địa thế trống trải, A Xâu dẫn đầu chạy giạt
sang chiếm giữ Chợ Lồng. 5 người dựa thế vào những ụ xi măng xây làm sạp
bán hàng, xoay lưng vào nhau, súng hướng ra ngoài chiến đấu. Địch tổ
chức mấy đợt xông vào không được vì thế trận địa võng thiên la của chợ
và tài bắn tỉa của những người bên trong. Thấy súng không tác dụng, địch
dùng chiến thuật ném lựu đạn. Lựu đạn tới tấp ném vào, nổ đinh tai nhức
óc. 5 người nhờ các ụ xi măng che chắn. Có trái quẳng trúng nơi ẩn nấp,
anh em nhanh tay chụp ném trả lại. Riêng A Xâu ném trả được 3 quả. Một
quả không kịp ném trả đã nổ làm 2 người hy sinh, 3 bị thương. A Xâu bị
miểng ghim vào đầu máu chảy tràn mặt. Sau cú nổ lựu đạn ấy một lát,
không thấy động tĩnh gì, địch cho người mò vào xem thử. Vừa lúc tên lính
ló đầu lên khỏi ụ xi măng cũng đúng lúc A Xâu sau phút nén đau và lau
máu cũng ngoi lên để quan sát. Hai bên chạm mặt nhau bất ngờ trong gang
tất. Thoáng giật mình, cả hai cùng đưa súng lảy cò. Cây AR 15 trong tay
tên lính nổ trước, đầu viên đạn AR 15 xé toạc nòng khẩu AK báng xếp của A
Xâu chẻ làm 2 ngạnh, cắm phập vào má trái, dính luôn ở đấy! Mặc dầu
kinh khiếp và đau đớn vô cùng nhưng A Xâu nghĩ nếu rút viên đạn ra máu
sẽ chảy nhiều hơn nữa nên để vậy luôn, tiếp tục chiến đấu.
Gùn
nghè nhau từ 12 giờ trưa Mồng Một đến 15 giờ chiều Mồng Hai Tết, địch
vẫn không vào được chợ. Núng thế, chúng cho máy bay trực thăng rải bom
xăng đốt chợ cháy ngất trời. 3 con người bé nhỏ đau đớn đói khát, mờ mắt
ù tai, không chịu nổi sức nóng bèn mở đường máu chạy giạt sang sân vận
động. May mà địch cũng không chịu nổi nóng nên lùi ra phục kích ngoài
xa, không kịp bắn trúng 3 bóng người vụt qua đường Trình Minh Thế (nay
là Lê Hồng Phong). Địch ập vào sân vận động. Những gờ ụ của khán đài lại
thành "công sự" che chắn cho 3 chiến binh gần cạn sức. Lúc này mũi đại
đội 209 ở khu vực B12 và MACVI cũng đã vỡ nên địch từ phía
Tây giăng xuống chốt ngã tư chùa Trung Khánh gần đó (ngả tư Trần Hưng
Đạo - Phan Đình Phùng ngày nay). Thế là 4 mặt đều thọ địch, 3 người
không còn đường chạy nữa. Đến 18 giờ Mồng Ba Tết lại 2 người hy sinh.
Còn một mình, A Xâu khoát lên mình 3 khẩu AK và một ít bộc phá tự tạo
còn lại (làm bằng ống lồ ô nhồi thuốc nổ). Để đánh lừa địch, thay vì
chạy thẳng theo hướng Tây qua trường trung học Hoàng Đạo (nay là trường
THCS Lý Tự Trọng), A Xâu lại băng ngược hướng Đông về phía Chợ Lồng còn
rừng rực lửa khói, tấp vào rạp hát Hoà Bình (nay là rạp 17-3), chốt lại
suốt đêm Mồng Ba. Khoảng 16 giờ chiều Mồng Bốn, A Xâu nằm trong đống
gạch đá trước sân rạp hát liếc mắt sang chùa Huệ Hương trước mặt kiếm
ngõ thoát thân. Liều mình, A Xâu vùng dậy chạy như tên bắn qua khuôn
viên chùa Huệ Hương. Nấp được vào chỗ kẹt của tượng Phật Bà Quan Âm sát
mương nước chảy. Đến chạng vạng, trườn theo mương nước (là mương thoát
của thị xã Kon Tum) A Xâu lò mò băng được qua cống đường Lê Văn Duyệt
(Hoàng Văn Thụ bây giờ), qua cống đường Trình Minh Thế, qua khu Giọt
Nước, qua cống đường Phan đình Phùng, vòng vo lọt qua được khu vực Cảnh
sát dã chiến đóng sát mép mương. (Năm 1967 A Xâu có tham gia trận tập
kích vào khu vực Cảnh sát dã chiến này nên nhớ lối). Len được ra cánh
đồng của làng Plei Tơnghia tìm chỗ nấp hết đêm Mồng Bốn qua hết ngày
Mồng Năm. Chờ đêm trời tối, men theo mương, qua được cầu
Rỏ Rẻ (đường vào quận lỵ Kon Tum, có đồn địch chốt giữ) về địa phận xã
Gio Lai (Đăk Kấm bây giờ). Đến đây gặp đại đội công binh tỉnh đội Kon
Tum. Ngỡ A Xâu là địch (vì lúc tập kích toàn bộ đặc công mặc quân phục
địch để đánh lừa) bị "phe ta" bắt lại và tra hỏi, A Xâu trả lời đúng tên
đại đội trưởng của mình là tên Anh, các đồng chí công binh mới biết là
phe ta. A Xâu chỉ nói được đến thế thì mắt hoa, tai ù, hàm ngậm cứng,
kiệt sức hoàn toàn. Anh em công binh vội võng A Xâu về trạm phẫu ở vùng
lõm Đăk Kấm. Y sĩ Ngọc (giờ về hưu, ở đường Trương Quang Trọng - Kon
Tum) là người trực tiếp chữa trị và gắp viên đạn AR 15 trên má trái A
Xâu trong trận cận xạ ở Chợ Lồng.
Điều
trị, an dưỡng xong, A Xâu được tổ chức tung vào quấy rối giữa lòng thị
xã Kon Tum, nhằm gây hoang mang trong tư tưởng địch. A Xâu nhớ nhất lần
đánh quấy rối thứ 5, tổ 3 người xuất phát từ Đăk Kấm đánh vào Biệt khu
24 (thành Đăk Pha), dạt sang phi trường (vừa bắn vừa di chuyển), tìm chỗ
bám trụ, tiếp tục thi thoảng lại nổ súng. Cứ thế kéo dài 4 ngày đêm,
làm địch bối rối bởi đã có Việt Cộng trà trộn trong lòng đô thị. Xong
trận, tổ 3 người rút theo hướng làng Kon Rơwang, Kon Klor, bơi sông Đăk
Bla, lội suối Đăk Rơwa về làng Kon Kơtu, lại vượt sông về làng Kon Jơri.
Ém quân 3 ngày ở đấy rồi lại tiếp tục cắt rừng, băng qua Kon Sơm Lũ
(nơi trước kia A Xâu ngồi canh xác đồng đội), vượt Kon Prẫy về căn cứ an
toàn.
A Xâu
được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1969.
Cuộc đời chiến đấu của người anh hùng còn tiếp tục đến ngày về hưu...
Ngày nay, tại thị trấn Đăk Glei heo hút xa xôi thuộc tỉnh Kon Tum, dưới
chân con đèo Lò Xo xoắn ốcẳtên cung đường thiên lý Hồ Chí Minh, có một
ông già nhỏ thó, điềm đạm, dễ mến đang cư ngụ. Ông là một "Già làng"
đáng kính của bà con dân tộc Jẻ nơi đây. Người lạ gặp ông không biết đó
chính là Anh hùng A Xâu, "tên tử thần của Chợ Lồng Kon Tum" lừng danh
một thuở.
__________
Post by Th09