Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Sông nước miền Tây: Luật chim trời cá nước

Ảnh Trần Chí Kông
Nam Bộ là vùng đất mới khẩn hoang, đất rộng người thưa, thiên nhiên ưu đãi nhưng cũng không thiếu thử thách khắc nghiệt. Trong điều kiện cần sống cộng cư giữa nhiều cộng đồng dân tộc, hợp sức chống lại thiên nhiên, đã hình thành lên tính cách con người và những sinh hoạt tập quán riêng. Thực tế, người Nam Bộ đã hình thành nhiều luật lệ, tập tục bất thành văn nhưng ai cũng biết, tuân thủ một cách tự nhiên, rất nhân ái, rất hài hòa giữa cá nhân với cộng đồng.


Chim trời cá nước là một trong những “luật” ấy. Xem tuồng Tiếng Hỏ Sông Hậu, mỗi lần nghệ sĩ Diệp Lang đóng vai ông Hội Đồng lên giọng “cái gì trên đất của ông Hội là của ông Hội, con chim bay ngang vườn ông Hội là của ông Hội”, khán giả Nam Bộ bất giác cười ổ lên nhưng người vủng miền khác không hiểu vì sao lại cười như vậy. Theo luật lệ dân sự hiện nay và theo các quy định chung của nhiều nơi thì điều này đúng. Người chủ sử dụng đất có toàn quyền sử dụng phần không gian, lòng đất trong diện tích của mình. Nhà này trồng cây để tàn lá lấn qua nhà người khác là có chuyện. Thậm chí nước mưa trên mái nhà này đổ sang nhà khác cũng gây rắc rối… Thế nhưng với người Nam Bộ, câu nói của ông Hội lại phạm vào luật chim trời cá nước mà ai cũng biết, cũng thi hành dù không nói ra thành lời. Quan niệm ke re cắc rắc kiểu ông Hội bị xem là keo bẩn, nhỏ mọn, bị xem thường.
Chủ đất chỉ có quyền với chính phẩm
Theo ứng xử của người Nam bộ, tình người là quan trọng, tài sản là phẩn phụ nên người chủ đất ruộng, vườn chỉ có quyền chủ sở hữu với cây trồng, vật nuôi chính của phần đất ấy. Các sản phẩm phụ, phế phẩm có thể được chia sẻ với cộng đồng. Với ruộng lúa, sau khi chủ nhà thu hoạch lúa xong, người khác có quyền đi mót lúa rơi vãi còn sót lại hoặc đập rơm thu hoạch những hạt lúa còn sót trong rơm. Thơm thảo họ sẽ hỏi xin cho lấy lệ còn ngang tàng thì cứ mót, cứ đập mà chủ nhà không có quyền ngăn cản. Ngay với rơm hay gốc rạ, nếu người chủ không cần, không lấy thì người chòm xóm cũng có thể xin mà không phải mua. Người nuôi vịt chạy đồng cũng có thể lùa vịt đi ăn trên đồng ruộng đã thu hoạch mà không cần xin phép ai. Nghề nuôi vịt chạy đồng là nghề vất vả nhưng thu nhập khá cao vì chỉ tốn con giống còn lượng thức ăn chủ yếu là lúa đổ, tôm tép tự nhiên trên đồng ruộng. Tương tự, ruộng khoai, rẫy bắp, người chủ thu hoạch xong phần còn sót lại là của cộng đồng.
Vật tự nhiên, ai bắt người đó hưởng
Ảnh Trần Chí Kông

Đó là với sản phẩm nuôi trồng, còn những sản phẩm tự nhiên trên ruộng đó thì sao? Quyền sở hữu của người chủ cũng rất tương đối lỏng lẻo. Ngày xưa, chưa có kỹ thuật sạ khô, phải chờ mưa nổi nước ngập đồng mới gieo mạ, cấy lúa. Trước khi cấy phải có trâu kéo bừa, trục đất cho bằng phẳng. Từng đám trẻ con bu theo sau giản bửa, trục để bắt cá ngóp bị trục cán qua. Gia đình chủ đất có muốn bắt cá thì cùng đi theo nhóm đó chứ không có quyền nhân danh chủ đất giành bắt cá một mình.
Mùa gió chướng, nước trên đồng bắt đầu cạn, cá trên đồng sẽ ngược từ ruộng về sông, đó là mùa vét hầm bắt cá. Quan sát những luồng đất trũng, người ta đào hố, lấy bùn non tô cho thật láng gọi là hầm, cá trên đường đi rơi vô đó không thể nào lóc ra được. Mỗi sáng, người vét hầm chỉ cẩn xách đục đi một vòng thu hoạch cá. Đáng nói là người vét hầm có quyền vét ở bất kỳ ruộng của ai mà không phải xin, miễn là không được làm hư lúa. Tương tự, trong mùa nước nổi, cá từ biển Hồ đổ về tràn lên ruộng, mọi người đều có quyền đem lưới ra giăng ở sông rạch và ngay trên ruộng của người khác.
Đầu mùa mưa, nước vừa nổi ngập ruộng là thời điểm cá từ sông đổ lên đồng, đó là mùa bắt cua bắt cá ban ngày và soi ếch nhái ban đêm. Lúc này ruộng còn trống chưa cấy lúa nên tha hồ kéo nhau đi hết ruộng này sang ruông khác săn bắt. Vui nhất là bắt ếch những trận mưa đầu mùa. Ếch vào thời điểm giao phối nên đeo nhau từng cặp, gặp ánh đèn sáng, mạnh, ếch bị tê liệt phản ứng cứ ngồi trơ ra đó, người bắt cứ nhẹ nhàng chộp lấy cho vô đục. Đêm đêm đồng ruộng li ti những đốm đèn soi ếch, nhìn xa xa như một dãy ngân hà đang chảy qua đồng ruộng,
Đất vườn vẫn có thể xin thứ phẩm và vật tự nhiên
Đó là với ruộng, còn với vườn nhà thì sao? Tuy quyền sở hữu của chủ vườn có cao hơn một chút nhưng về nguyên tắc cũng tương tự như vậy. Đương nhiên, bước vô vườn nhà người khác là phải xin nhưng với những phế phẩm, sản phẩm phụ vả vật tự nhiên thì chủ nhà không thể không cho. Mà những vật có thể xin như vậy có rất nhiều. Cây chuối là để ăn trái, trái chuối là chánh phẩm nhưng lá chuối, thân cây chuối là phế phẩm nên có thể xin. Nhà này gói bánh không có lá chuối cứ qua nhà khác xin không phải ngại. Có nhiều người tiện tặn, chuyên săn lùng xin thân cây chuối đã lấy buồng về làm thực phẩm cho heo, cho gà và giàu lên nhờ nghề nuôi không vốn.
Những người chơi gác cu cũng đi lông bông hết vườn nhà này sang vườn nhà khác đặt lồng bẩy cu bởi chim trời là vật tự nhiên. Trẻ con muốn tìm mổi để câu cá rô, cứ đi lòng vòng trong xóm coi nhà nào có ổ kiến vàng thì xin vô thọc. Trứng kiến vàng là mồi câu cá rô cực bén. Ngay đến nấm mối là loại thực phẩm quý. Đến mùa gió Tây, mưa ngâu lất phất, gió Tây phơn phớt là nấm mối mọc lên từng vạt ở chỗ đất ẩm thấp từng có mối làm tổ, nếu chủ nhà chậm tay bị hàng xóm phát hiện săn nấm trước thì cũng chỉ cười trừ. Biết họ làm vậy là chơi xấu nhưng cũng không thể chê trách họ tham, vì chim trời cá nước là chuyện trời cho. Trong vườn nhà Nam Bộ, có nhiều loại cây hoang dã như rau ráng, dây choạy, cây nhào, cây cách … có thể dùng làm thức ăn. Người trong xóm chỉ cần hỏi qua chủ nhà một tiếng là tha hồ hái lá.
Với những vật tự nhiên dưới nước, người chòm xóm cũng có quyền xin chủ nhà để bắt một số loài vật nguy hiểm như cua biển, rắn. Ở xóm tôi, có một gia đình chuyên sống bằng nghể móc cua, xom rắn. Nhà không có một cục đất chọi chim nhưng vẫn sống khỏe, sống phong lưu với hai dụng cụ đơn giản là cái nôm bắt cá và cái chỉa xom rắn, móc cua.
Luật chim trời cá nước cũng có hạn chế nhất định làm quyền tài sản của cá nhân bị giảm đi phần nào nhưng nó như dung môi cho quan hệ chòm xón láng giếng, cá nhân cộng đồng luôn gần gũi, cởi mở, gắn kết với nhau, tránh được lối sống cô lập của thành thị đèn nhà ai nấy sáng. Ngày nay, điều kiện sản xuât đã thay đổi, lúa sạ khô ngay khi đồng chưa nổi nước, không còn làm đất trục trâu, nguồn cá thiên nhiên đã bị khai thác cạn kiệt nên mùa bắt cá ngóp theo chân trục, theo mưa đầu mùa hẩu như không còn nữa, mùa soi ếch cũng giảm đi nhưng vẫn còn đó mùa giăng lưới, bắt cá nhảy hầm, thọc kiến vàng. Luật chim trời cá nước tuy có phần phai nhạt nhưng vẫn đang bàng bạc trong đời sống nông thôn, duy trì tình làng nghĩa xóm.

Chú thích ảnh:
Trục gốc rạ sau khi thu hoạch là dịp trẻ con bắt cá ngóp
Mùa giăng lưới
Ảnh Trần Chí Kông
 
Nguồn: Nguoidongbang

Tìm kiếm Blog này