Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Tại sao Miền Bắc gọi anh trưởng là anh Cả, Miền Nam gọi anh Hai?


Tiếng Việt vốn phong phú không chỉ ở ngữ pháp mà còn ở cách dùng từ của từng vùng miền dọc theo chiều dài đất nước. Với hai miền Bắc Nam, có rất nhiều từ cùng chỉ một sự vật nhưng cách gọi khác nhau, ví dụ: Hoa và Bông, Lợn và Heo, Lạc và Đậu phộng, Vừng và mè, rau mùi và rau ngò, bát và chén, ca và hát... Nhưng sự khác biệt vùng miền thể hiện rõ rệt nhất ở cách gọi anh (hoặc chị) Cả và anh (hoặc chị) Hai cùng với nghĩa chỉ người con trai (hoặc con gái) đầu tiên trong gia đình.

Trong tiếng Việt, “cả” chỉ sự đứng đầu, sự to lớn bao quát ví dụ sông Lam còn gọi là sông Cả, cá lớn gọi là cá cả...Người con đầu tiên trong gia đình cũng có địa vị quan trọng đứng đầu vậy. Khi cha mẹ còn sống, người con đó phải chăm sóc các em, quán xuyến việc nhà. Khi cha mẹ mất đi, người con đó lại thay cha mẹ lo toan chu toàn mọi việc từ cưới xin, hiếu, hỉ. Toàn bộ sự định đoạt các việc lớn nhỏ trong gia đình đều thuộc về người con trưởng. Vì vậy, miền Bắc gọi người con trưởng là con Cả là hợp lẽ.

Theo thứ tự như trên thì sau anh cả là anh hai, nghĩa là người con thứ hai trong gia đình sinh ra sau người con cả. Nhưng theo phong tục miền Nam nước ta, anh hai, chị hai lại chính là người con sinh ra đầu tiên, tương ứng cách gọi anh cả, chị cả ở ngoài Bắc.

Vì sao có hiện tượng khác biệt tưởng như vô lý này?


Điều này được lý giải xuất phát từ chế độ phụ quyền thời phong kiến và lịch sử Việt Nam ta thời Trịnh - Nguyễn phân tranh.

Như chúng ta đã biết, Việt Nam thời phong kiến là một nước theo đạo Khổng lấy Nho giáo làm nền tảng tư tưởng chính thống. Chế độ phụ quyền Nho giáo coi vai trò của người con trai cả quan trọng chỉ kém người cha trong gia đình một bậc. Người con cả đến tuổi trưởng thành phải đảm nhiệm mọi công việc nếu người cha đi xa nhà. Khi ngưòi cha mất đi, người con đó lại thay cha thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng ông bà, mẹ mình cho tròn đạo hiếu, phải lo nuôi dạy và dựng vợ gả chồng cho các em. Bởi vậy, ngưòi con cả mới được trao cho thứ quyền gọi là “quyền huynh thế phụ”.

Xã hội xưa vốn trọng chữ Hiếu. Gia đình nào khi cha mẹ chết, người con cả không có nhà coi như vô phúc. Bản thân người đó sống quãng đời còn lại luôn day dứt, ân hận và có phần tủi hổ với cộng đồng. Chính vì thế Khổng Tử mới dạy rằng: “Phụ mẫu tại, bất khả viễn du. Du tất hữu phương”. Nghĩa là cha mẹ còn sống, không nên đi xa. Mà nếu đi xa thì phải có chủ đích ở nơi nào. Tức là phải biết rõ đi đâu, để nếu gia đình có việc còn biết nơi chốn tìm kiếm.

Phong tục xưa có phần cổ hủ đã buộc chặt trách nhiệm của người con cả với gia đình, quê hương làng xóm. Vì vậy những việc khác như đi xâu, đi lính, nhà nước cho phép người em có thể đi thay.

Bởi luật lệ này mà năm Mậu Ngọ (1558) đời vua Lê Anh Tông, sử chép: “Tháng 10, thái sư Trịnh Kiểm vào chầu dâng biểu xin sai con thứ của Chiêu huân tĩnh công là Đoan quận công Nguyễn Hoàng đem quân vào chấn thủ xứ Thuận Hoá, để phòng giặc phía Đông, cùng trấn với Trấn quốc công ở Quảng Nam, cùng giúp đỡ nhau...” Như mọi người đều biết, vợ Trịnh Kiểm là chị ruột Nguyễn Hoàng, Kiểm muốn dùng Hoàng tăng thêm vây cánh. Nhưng sau anh em nghi kỵ nhau. Sợ bị hại, Nguyễn Hoàng không ra Bắc nữa, mà ở lại Thuận Hoá, xưng thần với nhà Lê, từ đó cát cứ tại phía Nam, lấy sông Gianh là địa giới phân ly cùng với họ Trịnh tranh thiên hạ. Nguyễn Hoàng là em của Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng chính là chúa Tiên, Thái Tổ của triều Nguyễn sau này. Ông là con thứ của Triệu tổ Nguyễn Kim.

Có một điều đặc biệt là đoàn quân của Nguyễn Hoàng tiến vào Thuận Hoá năm xưa cũng gồm toàn con thứ. Bởi những người con cả phải ở lại quê hương giữ đạo hiếu, giữ hương hoả. Cũng từ đó, người Nam nói về anh cả là để chỉ các người còn lại ở đất Bắc, và những người đi lập nghiệp tại phía Nam đều là các anh hai. Chính vì thế miền Nam không có từ anh cả, chị cả mà chỉ kêu là anh hai, chị hai. Điểm xuất phát ấy sau trở thành nếp, thành thói quen, thành phong tục, không những thế, nó còn là đạo lý truyền thống của dân tộc ta.

Những người con thứ khi phải tha hương đi mở cõi, khai phá những vùng đất mới nhưng trong lòng vẫn luôn nặng tình với quê hương, luôn cánh cánh trong lòng nỗi nhớ cố hương và vùng đất tiên tổ. Tôi xin lấy 4 câu thơ nổi tiếng trong bài thơ "Nhớ Bắc" của thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ để thay cho lời kết:

Ai về xứ Bắc ta đi với 
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng 
Từ thuở mang gươm đi mở cõi (*) 
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

.....
Nếu tổng kết lại một nét văn hoá đặt thứ tự vai vế những đứa con trong một gia đình, chúng ta sẽ thấy, từ phía ngoài đèo Hải Vân trở ra các đứa con thứ tự trong gia đình là thứ cả, thứ hai, thứ ba, ... Nhưng phía Nam đèo Hải vân trở vào thì con đầu lòng là thứ hai, không có thứ cả. Một nét văn hoá rất nhỏ, nhưng độc đáo và nói lên nhiều điều.

Điều đầu tiên về mặt logic thời mở cõi Nam tiến của ông cha ta là vào vùng rừng thiêng, nước độc. Tương truyền rằng thời đó, bệnh tật, thú dữ đã lấy đi những đứa trẻ mới sinh ra đời. Ông cha thời mở cõi đã nghĩ ra một cái kế để dối lừa cả đất trời trong cách khấn vái mỗi lúc sinh con đại ý rằng: "Thưa Thần Hoàng, thổ địa, con chỉ còn có một mụn con là thằng/con thứ hai này. Đứa cả con đã dâng hiến cho đất trời. Con cầu mong thần hoàng, thổ địa cho con nuôi đứa hai mạnh khoẻ để nối dõi tông đường..." Qua năm tháng, dân từ Đà Nẵng trở vào, lời khấn ấy trở thành một nét văn hoá, hễ sinh ra đứa con đầu lòng thì đặt thứ hai chứ không đặt thứ cả, như dân từ Huế trở ra.

( Giả thuyết mà tôi viết ra là tình cờ nói chuyện với một thằng mắt xanh mũi lõ người Pháp nó nói chuyện về văn hóa Việt. Nó ngâm cứu văn hóa Việt mấy chục năm. Nó cũng đưa ra nhiều giả thuyết tương tự, nhưng trong đó, nó đưa ra giả thuyết này mà tôi thấy chưa có nơi đâu viết và bàn luận. Nên tôi đưa ra cũng chỉ là một bổ sung cho cái thiếu về thứ cả và thứ hai mà những người làm văn hóa Việt chưa quan tâm. )

ST

Tìm kiếm Blog này