Tim thông tin blog này:

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Người Việt thiếu tư duy biển

Xây dựng “tư duy biển”, “văn hóa biển” giờ đây là việc đòi hỏi phải được gắn chặt với hoạt động đầu tư, nghiên cứu khoa học có hiệu quả, chứ không thể chỉ hô khẩu hiệu suông “tiến ra biển lớn!”.
Đoan Trang

Dân tộc chúng ta sau những mất mát quá lớn giờ đang tìm lại những gì dân tộc ấy đã có, những gì dân tộc ấy phải có và những gì dân tộc ấy xứng đáng được có.
Có phải là nghịch lý không khi một đất nước có tới 1 triệu km2 diện tích vùng biển, rộng gần gấp ba đất liền, mà suốt bao thế kỷ không có nổi một đội thương thuyền, một nhà hàng hải, hay nói nhẹ nhàng hơn, không khai thác được kho vàng quý báu trải dài 3.444 km ngay trước mặt ấy? Nghịch lý của người Việt là thế: một dân tộc thừa biển nhưng lại thiếu tư duy biển.
Tư duy biển hiểu đơn giản là tinh thần hướng ra biển với tâm lý chủ động khai thác, sẵn sàng mạo hiểm chinh phục, khám phá. Thông thường những dân tộc có tư duy biển là người ở những vùng đất ven biển hoặc trên đảo, chẳng hạn Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Điển. Châu Á thì có Nhật Bản, Indonesia, và gần Việt Nam nhất là người Champa.  Một số học giả cho rằng, như đã thành quy luật, những xứ sở phát triển nhất trong mỗi thời kỳ văn minh đều là những quốc gia ven biển hoặc quốc đảo, nói cách khác đều là nơi cư ngụ của những dân tộc có “tư duy biển”. Từ thời cổ đại ở Âu châu (bắt đầu vào thế kỷ thứ 8, thứ 7 trước CN), thế giới đã chứng kiến sự phát triển rực rỡ của văn minh Hy Lạp – La Mã, gắn với những chiến thuyền, thương thuyền buôn bán xuyên Địa Trung Hải. Thời phong kiến, những chiếc tàu khởi hành từ bán đảo Iberia đã mang về cho lục địa già cỗi bao nhiêu châu báu, hương liệu quý, và cuối cùng mở ra cả một tân thế giới: châu Mỹ. Rồi xứ Anh Cát Lợi thế kỷ 17-18, với giấc mơ “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh”, quốc đảo Nhật Bản vươn mình thành cường quốc thế kỷ 19-20. Gần đây nhất trong thế kỷ 20 là sự bùng nổ về thương mại và thịnh vượng của các hải cảng lớn trên thế giới: Hong Kong, Singapore…
Nước phát triển thường là nước có biển. Vậy ngược lại, xứ sở có biển có phát triển không? Điều này không được khẳng định, vì chúng ta vẫn thấy một số dân tộc được hưởng ưu đãi trời phú đó mà chưa vươn lên hàng ngũ “nước giàu”, như người Champa, Indonesia hay Malaysia. Tuy nhiên, chắc chắn là tư duy biển có ảnh hưởng rất tốt đến năng lực làm giàu của một dân tộc. Giáo sư sử học Cao Xuân Phổ giải thích: “Biển rộng bát ngát, mênh mông không ranh giới, cho nên tâm hồn con người đi biển cũng phóng khoáng, cởi mở, không có ý thức giữ đất, bám chặt lấy đất”. Ông nói thêm, người Champa vốn gốc Nam Đảo (Indonesia) nên đi biển giỏi, và nhờ tiếp nhận văn hóa Champa nên văn hóa Việt mới mềm đi, bớt cứng nhắc mà uyển chuyển và đa dạng hơn. “Như ở nước mình bây giờ, về văn hóa, cái gì cũng có. Tính đa dạng cao như vậy là do có sự du nhập từ bên ngoài, chủ yếu là theo đường biển; và còn do người Việt dễ tiếp nhận, mà cái đó cũng là nhờ yếu tố biển”.
Sự cởi mở đưa đến tinh thần sẵn sàng mạo hiểm khám phá và tới khát vọng làm giàu. Ngược lại, tác phong nông nghiệp là bám đất, đủng đỉnh, cầu an, “đủ ăn là được”. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà văn hóa nông nghiệp ít có đóng góp gì cho phát triển, trong khi tư duy biển là một tâm lý rất có lợi cho sự giàu mạnh của dân tộc.
Nhưng người Việt từ xưa đến nay đã không có được tâm lý đó.
“Quay lưng ra biển”
Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP. HCM, cho rằng từ sâu xa trong cõi vô thức của dân tộc, người Việt đã sợ biển, “né” biển:

“Nghề đánh bắt cá hay cư dân sống trên sông nước chỉ có trong cổ tích với những nhân vật như Trương Chi, Chử Đồng Tử… luôn có vị thế xã hội thấp kém hơn người, nghề khác; biểu hiện bằng những mối tình với tầng lớp trên là tiểu thư con quan, công chúa con vua. Người Việt cũng hay nói “tấc đất tấc vàng”, “rừng vàng biển bạc”, với hàm ý đất đai có giá trị cao nhất, cần giữ chặt không xa rời.
Thời hiện đại, những câu nói thể hiện nỗi ngại biển từ trong tiềm thức vẫn chưa hết hẳn: “Vững tay chèo ra biển lớn”. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nhận xét: “Đã ra biển thì phải đi tàu, mà tàu thì chạy bằng máy chứ ai dùng chèo, dùng sức người? Ngay từ cách sử dụng ngôn ngữ trở đi, chúng ta đã chứng tỏ rằng mình không có tư duy biển”.
Đó là nỗi sợ tiềm ẩn trong lớp vỏ bọc ngôn ngữ. Còn trong lịch sử, cũng có rất nhiều câu chuyện cho thấy tâm lý quay lưng ra biển của người Việt. Cha ông ta, đã đành không phải là những “con sói biển” như dân Viking hay người bán đảo Iberia, nhưng thực sự chỉ tận dụng biển để đánh bắt cá, và do hạn chế về phương tiện nên cũng chỉ đánh bắt ven bờ. Nhà nghiên cứu cổ sử Trung Quốc và Việt Nam, ông Phạm Hoàng Quân, cho hay: “Dân mình xưa ỷ vào đất liền để làm ăn, ít nghĩ tới đi biển, càng không có sự đầu tư, nghiên cứu về kỹ thuật đóng tàu thuyền. Cho tới thời nhà Nguyễn, tuyến đường hàng hải chủ yếu của ta vẫn là dọc theo bờ biển Việt Nam – Trung Quốc, không đi xa hơn được”.
Nói về hoạt động buôn bán qua đường biển, ông Quân bảo: “Việt Nam không có truyền thống đi buôn đường xa, chủ động dùng tàu thuyền đưa hàng ra nước ngoài giao dịch. Chỉ có thương nhân nước ngoài đến xứ ta thôi, như ở cảng Phố Hiến, Hội An… Chủ yếu người Việt buôn bán nội địa, sử dụng đường sông”. Nhưng ngay cả đi trên sông thì tàu thuyền của Việt Nam cũng nhỏ bé (có thể do các sông của Việt Nam nhỏ và ít hiểm trở) và không đổi mới gì về kỹ thuật, trải suốt hàng trăm năm.

Thuyền chiến, thuyền buồm, thuyền chỉ huy thời Vua Tự Đức (1847- 1883)
Tâm lý ngại biển của người Việt có thể xuất phát từ một số nguyên nhân. Thoạt kỳ thủy, Việt Nam thuộc nền “văn minh lúa nước”, cư dân sinh sống trên vùng châu thổ sông Hồng nên gắn với đất, trọng đất từ đó. Thế rồi, trong quá trình phát triển của cộng đồng, biển lại giống như một mối đe dọa hơn là kho tài nguyên khổng lồ cần khai thác: thiên tai, giặc giã, tất cả đều từ phía ấy. Giặc Chà Và kéo sang cướp bóc, rồi cuối cùng đến thực dân Pháp bắn vào Việt Nam, cũng đều từ ngoài biển.  Kể từ khi Nguyễn Hoàng tiến hành công cuộc “mang gươm đi mở cõi”, vì sinh kế, người Việt mới có ý thức khai thác biển hơn. Theo Giáo sư Cao Xuân Phổ, cũng từ đó, Việt Nam mới bắt tay xây dựng những đội hải thuyền. Song nghề nông trồng lúa nước vẫn cứ là ngành sản xuất chính ở vùng đất mới. Kỹ thuật đóng tàu thuyền vẫn không có bước cải tiến nào. (Nếu đi sâu hơn nữa thì vấn đề này còn liên quan tới sự yếu kém trong hoạt động nghiên cứu và lưu trữ tài liệu của người đi trước để người đi sau học hỏi. Học giả Phạm Hoàng Quân cho biết những ghi chép mà sử sách để lại về nghề đóng tàu rất sơ sài, gần như toàn là mô tả bằng lời, không tranh vẽ, không mô hình, không thông số…).
Mãi tới thế kỷ 19, triều đình Minh Mạng mới mua được một chiếc tàu của Bồ Đào Nha và mày mò học cách chế tàu chạy hơi nước. Nhưng đã muộn: Năm 1858, tiếng súng giặc Pháp vang lên trên bán đảo Sơn Trà…
Xóa bỏ nghịch lý “thừa biển, sợ biển”
Thế kỷ 21 được gọi là “thế kỷ của đại dương”. Không chỉ riêng Việt Nam mà có lẽ tất cả các quốc gia có biển đều đã ý thức được về giá trị vô tận của kho vàng trước mặt họ. Không nước nào sợ biển nữa. Nhưng vấn đề bây giờ không còn là việc cử những đội thuyền lớn đi thám hiểm vùng đất mới, hay ra sức khai thác biển được chừng nào tốt chừng ấy. Thay vì thế, tư duy biển, văn hóa biển giờ đây là sự kết hợp hài hòa giữa khai thác với phát triển tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân trong đó có ngư dân và những người mà cuộc mưu sinh gắn liền với biển. Và tất nhiên, không thể thiếu nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền đất nước đối với biển, đảo.  Tất cả những điều trên đều đòi hỏi trước tiên là hoạt động nghiên cứu khoa học bài bản để đánh giá tổng thể tiềm năng của biển, những việc cần phải làm, ai làm và làm như thế nào, để xây dựng kinh tế biển (gồm đa ngành: thủy hải sản, vận tải, hải quan, dầu khí, an ninh quốc phòng, môi trường…). Từ đó có một tầm nhìn lớn, thể hiện qua chiến lược phát triển tổng thể kinh tế biển. Cuối cùng là triển khai chiến lược, hiện thực hóa các kết quả nghiên cứu.
Một điều đáng để suy nghĩ là: Từ năm 1985 đến nay, nước ta đã có ít nhất 4 chương trình nghiên cứu biển đảo, mỗi chương trình có khoảng 20-25 đề tài riêng biệt. Tuy thế, kết quả của những công trình này được công bố và hiện thực hóa cụ thể như thế nào thì ít người hay biết…
Xây dựng “tư duy biển”, “văn hóa biển” giờ đây là việc đòi hỏi phải được gắn chặt với hoạt động đầu tư, nghiên cứu khoa học có hiệu quả, chứ không thể chỉ hô khẩu hiệu suông “tiến ra biển lớn!”.
Theo Tia Sáng

Tư duy biển với lịch sử Việt Nam

Cao Tự Thanh

Tranh minh họa trận đánh trên sông Bạch Đằng
trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược
Nguyên Mông lần thứ ba, năm 1288.

Vấn đề biển đảo như một điểm nóng trong sinh hoạt chính trị đang đặt ra ở Việt Nam hiện nay là kết quả phức hợp của nhiều nguyên nhân cả hiện tại lẫn quá khứ. Bởi vậy, trong việc khẳng định và bảo vệ quyền lợi quốc gia đối với biển đảo cần được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh, trong đó có tiến trình về tư duy biển của con người Việt Nam.
    Những truyền thuyết ít giá trị sử liệu hiện còn không đủ là cơ sở để nhận định, nhưng trước thế kỷ X, tư duy về biển của người Việt dường như cũng chưa mấy rõ ràng. Mai An Tiêm bị đày ra đảo hoang vẫn trồng dưa hấu để bán, An Dương vương bị phá hỏng nỏ thần thua trận chạy tới bờ biển là kể như cùng đường. Nhưng sau khi Việt Nam giành được độc lập từ thế kỷ X trở đi thì khác. Ngô Quyền phá quân Nam Hán, nhà Trần chống Nguyên Mông đều dựa vào thủy quân, những xung đột quân sự với Chiêm Thành trước chiến tranh Nam - Bắc triều cũng cho thấy người Việt Nam không hề thờ ơ với biển đảo. Dĩ nhiên tư duy biển thời bấy giờ chưa thể toàn diện, vì trình độ sức sản xuất đương thời chỉ cho phép nhiều dân tộc và quốc gia khai thác biển chủ yếu như một nguồn tài nguyên tự nhiên về tôm cá và nhiều chính quyền chỉ quan tâm tới biển để bảo vệ đất liền, tức yếu tố quốc phòng vẫn tách rời yếu tố kinh tế. Tình hình nói trên đã thay đổi từ thế kỷ XVI trở đi, nhất là sau khi quốc gia Đại Việt bị tách thành hai tiểu quốc Đàng ngoài - Đàng trong.
     Với bộ phận dân tộc ở Đàng trong phải phát triển xuống phía Nam men theo bờ biển, biển cả không chỉ là nguồn tài nguyên về tôm cá mà còn là điều kiện cho hoạt động thương nghiệp biển – ngoại thương. Tư Dung vãn của Đào Duy Từ đã nói tới những cánh buồm thương nhân – thị dân trên vùng biển miền Trung “Buồm ai dàng dạng chân trời, Phất phơ cờ gió thẳng vời chèo trăng”. 
    Sau thương cảng Hội An thế kỷ XVI – XVII người Việt Nam ở Đàng trong lại có thêm thương cảng Hà Tiên thế kỷ XVIII. Các đền miếu thờ Long vương, Hải thần, Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần, phong tục thờ cá ông, các bài vè đi biển... phổ biến suốt vùng duyên hải Việt Nam từ đèo Hải Vân trở vào Nam còn cho thấy người Việt Nam ở Đàng trong đã nhất hóa nhiều yếu tố biển vào với sinh hoạt vật chất và tinh thần của cộng đồng mình. Phiên chế của quân đội Đàng trong có đơn vị thuyền, Thích Đại Sán đi thuyền do thủy quân chèo tay từ Thuận Hóa tới Hội An chỉ mất có một đêm, và nếu nhớ lại cách thức trưng binh của họ Nguyễn Đàng trong thì có thể thấy thủy quân Đàng trong là những ngư dân tài giỏi nhất được phiên chế vào binh tịch, nên không lạ gì mà thủy quân Đàng trong từng đánh bại cả hạm đội Hà Lan. 
    Bên cạnh việc đón tiếp thuyền Châu ấn từ Nhật tới, chính quyền Đàng trong cũng cử thuyền Long bài qua Nhật Bản - bộ tranh khắc gỗ Xuân họa Phù thế hội chi mê hoặc của Fukuda Kazuhiko thậm chí còn có bức thể hiện cảnh “thương nhân Giao Chỉ” hành lạc với kỹ nữ Nagasaki. Dấu ấn kinh tế biển in rõ trên cả hoạt động quản lý xã hội: các dinh trấn ở miền Trung từ đèo Hải Vân trở vào Nam thời Đàng trong (và cả Lục tỉnh Nam Kỳ thời Nguyễn về sau) đều có cửa sông cửa biển, nên sông ngòi miền Trung vốn chảy theo hướng Đông - Tây cũng trở thành những tuyến giao thông nối liền cửa biển với đầu nguồn. Tuy nhiên chính hệ thống sông ngòi ấy lại hạn chế việc kinh tế biển biến toàn bộ miền Trung thành một thị trường nội địa tương đối thống nhất khiến nền kinh tế thương nghiệp hình thành trên cơ sở sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp và khai thác tài nguyên phát triển một cách tự phát ấy chủ yếu chỉ mới đẩy mạnh việc giao lưu nội vùng, nên tâm lý địa phương lại chi phối việc xây dựng hàng loạt cảng biển và kinh tế miền Trung hiện nay vẫn thiếu một “nhạc trưởng” như Diễn đàn kinh tế miền Trung năm trước đã nêu ra.
    Song nhìn chung việc hướng ra biển cũng đã bước đầu tích lũy cho con người Việt Nam thế kỷ XVIII những khả năng kinh tế – kỹ thuật mới để giải quyết các vấn đề của đất nước. Lực lượng thủy quân như một kết quả đặc biệt của sự phát triển kinh tế thương nghiệp biển đã góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ tình trạng phân tranh và kết thúc nội chiến - bộ phận tàu chiến kiểu phương Tây đã giúp thủy quân của Nguyễn Ánh nâng cao hiệu suất chiến đấu trong các trận hải chiến từ cửa Thi Nại tới núi Đâu Mâu, và chỉ sau khi tiêu diệt được gần như toàn bộ thủy quân Tây Sơn năm 1801, Nguyễn Ánh mới có thể tiến ra Thăng Long năm 1802.  Cần nói thêm rằng sau khi nhà Thanh thay thế nhà Minh cai trị Trung Hoa từ 1644 thì hoạt động trên biển của chính quyền Trung Hoa đã hoàn toàn tách rời truyền thống hải hành với đỉnh cao “thất hạ Tây dương” của Tam bảo Thái giám Trịnh Hòa trước đó, nên triều đình Khang Hy vẫn phải dùng một viên tướng người Hán là Thi Lang làm Tư lệnh trong chiến dịch tấn công Đài Loan, thống nhất Trung Hoa năm 1683. Nhưng khi nhà Thanh quay lưng với biển thì các chúa Nguyễn Đàng trong thế kỷ XVII – XVIII lại hướng ra phía biển, nên sau gần ba thế kỷ phân tranh và nội chiến Việt Nam không những mở rộng được lãnh thổ tới vịnh Thái Lan mà còn có thể thống nhất trở lại vào năm 1802.
    Khác với bờ biển miền Trung, bờ biển Nam Bộ từ phía Nam Vũng Tàu tới mũi Cà Mau là bờ biển phù sa bồi, nên việc phát triển kinh tế biển cần đầu tư nhiều về hạ tầng kỹ thuật dưới thời phong kiến và thời Pháp thuộc nói chung là một điều không dễ. Tuy nhiên điều đáng nói là sau 1802 nhà Nguyễn lại bế quan tỏa cảng. Trên cửu đỉnh mà Minh Mạng cho đúc năm 1835 tuy vẫn có khắc hình ghe ô, ghe lê, tàu đa sách (tàu nhiều dây buồm) nhưng đó là một sự thoái bộ về tư duy biển, vì nó lại trở về nhấn mạnh yếu tố quốc phòng đồng thời giới hạn trong phạm vi lợi ích của phía quan phương như người ta đã thấy qua các đơn vị bán quân sự kiểu Đội Trường Sa.  Và tương tự nhà Thanh ở Trung Quốc, nhà Nguyễn ở Việt Nam thế kỷ XIX không xây dựng được sức mạnh kinh tế – quốc phòng mang tính chất toàn dân từ biển đảo nên phải mất đất liền. Nhưng dưới thời Pháp thuộc thì yếu tố kinh tế biển trong kinh tế Nam Kỳ vẫn không có sự tiến triển nào đáng kể. Chủ trương “Nam Kỳ có thể và phải trở thành một thuộc địa nông nghiệp” của chính quyền thuộc địa đã khiến kinh tế vùng này phát triển theo một quỹ đạo ngày càng xa rời vòng quay kinh tế biển, chẳng hạn mặc dù sản lượng gạo xuất khẩu liên tiếp gia tăng, kinh tế biển ở Nam Kỳ trước 1945 vẫn gói gọn trong các hoạt động truyền thống như đánh bắt cá, chế biến thủy hải sản. Chủ nhân các đội tàu vận tải biển ở Nam Kỳ trước 1945 chủ yếu là Hoa kiều và người Pháp chứ tuyệt nhiên không có người Việt Nam.
    Hiện nay khái niệm kinh tế biển không còn gói gọn trong phạm vi đánh bắt cá, ngoại thương biển, đón tiếp du lịch mà đã mở rộng ra các lãnh vực khai thác tài nguyên dưới đáy biển, khai thác năng lượng biển, công nghiệp xây dựng trên biển, bảo vệ môi trường biển vân vân. Tình hình nói trên cho thấy đã đến lúc xã hội Việt Nam phải nhìn nhận lại vấn đề biển đảo một cách toàn diện mới có thể bảo vệ được quyền lợi chính đáng và lâu dài của toàn dân tộc.  
    “Ý thức không gì khác hơn là sự tồn tại được ý thức” – tư duy biển luôn được quy định bởi tư duy kinh tế biển, mà như người ta đã thấy, tư duy kinh tế biển của người Việt Nam trong lịch sử luôn bị giới hạn bởi nhãn quan chính trị và định hướng kinh tế nhiều khi rất thiển cận và ít tiến bộ của các chính quyền.
Nguồn: Tiasang 

Cần một tư duy Biển Đông
Ở Trung Quốc, sau khi thất trận ở phương Nam dưới thời Lê Lợi, nhà Minh lâm vào khủng hoảng kinh tế. Các Nho thần bảo thủ thời ấy bèn viện dẫn lời đức Thánh Khổng là “cha mẹ còn tại thế mà mình đi xa thì là bất hiếu!” để nói rằng chẳng có lý do gì khiến ta phải giong buồm ra biển. Sau khi Trịnh Hoà qua đời và được thủy táng trong chuyến hải hành thứ bảy, Minh Tuyên Đức ra lệnh cấm đóng tàu viễn dương, không ai được có tàu có quá ba cột buồm. Từ cái lệnh gọi là “hải cấm” ấy, từ giữa thế kỷ 15 trở đi Trung Quốc bế quan tỏa cảng và thu vét phương tiện phòng thủ để chỉ là cường quốc lục địa, không có tư duy hải dương.
Sau khi họ bị các nước khác tấn công từ biển và sau khi bị Nhật thôn tính một số đảo, tư duy hải dương của Trung Quốc đã ra đời. Nhờ có tư duy này, ở Biển Đông, đến nay Trung Quốc đã phát triển rất mạnh về ý thức, đội ngũ nghiên cứu, nhất quán tích cực.
Trong khi đó, cho tới gần đây, nói chung chúng ta vẫn chỉ nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa, mặc dù những đòi hỏi của Trung Quốc trên Biển Đông liên quan đến cả những vùng biển nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Hoàng Sa và Trường Sa theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển. Nói cách khác, có nhiều đòi hỏi của Trung Quốc trên Biển Đông không liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa.
Vì thế, chúng ta phải tích cực xây dựng một tư duy Biển Đông. Từ đó, phải có một đội ngũ hùng hậu nghiên cứu các vấn đề liên quan đến biển, chiến lược biển, xây dựng một ý chí quốc gia, nâng cao ý thức và kiến thức về Biển Đông.

Chiến lược ngoại giao và truyền thông

Là nước nhỏ, trong chiến lược của chúng ta phải tận dụng biện pháp ngoại giao. Tuy không nên tin rằng nếu Trung Quốc tiến chiếm một số đảo của Việt Nam thì sẽ có nước nào đó giúp chúng ta, nhưng phải nhìn nhận là ngoại giao có trọng lượng trên bàn cân “chiếm hay không” của Trung Quốc. Chúng ta phải tăng tối đa trọng lượng này.
Trong chiến lược ngoại giao của ta phải có quyền lợi gì cho các nước khác. Tốt nhất là chiến lược ngoại giao của chúng ta có khía cạnh giúp những nước khác giành cho họ những quyền lợi không phải của ta.
Hơn nữa, việc tuyên truyền và thu hút sự quan tâm trên phương diện quốc tế cũng vô cùng quan trọng cho việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Mặc dù có cơ sở rất yếu về phương diện lịch sử và pháp lý đồi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc đã và đang tiến hành công cuộc tuyên truyền về chủ quyền của họ đối với quần đảo này.

Dù yêu sách đường lưỡi bò của họ hoàn toàn vô lý, và mặc dù việc Trung Quốc tiến hành thăm dò và khai thác trên khu vực này là “không thể chấp nhận được”, phần lớn các hãng tin quốc tế, khi đưa tin về dự án này, đã không đả động gì tới thực tế là vùng biển này đang bị tranh chấp.

Vì vậy, bằng con đường truyền thông và ngoại giao, cần vận động sự quan tâm và ủng hộ của dư luận quốc tế cho một giải pháp công bằng và hoà bình cho các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Quốc tế sẽ ủng hộ chúng ta khi thấy công lý và lẽ phải thuộc về chúng ta, cũng như thấy được quyền lợi của họ từ những giải pháp công bằng và hòa bình đó.
Đường lưỡi bò của Trung Quốc xâm phạm đến chủ quyền của các nước khác trong ASEAN. Do vậy, trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cần phải tận dụng ưu thế thành viên của mình để vận động cho một tiếng nói chung. Ngoài ra, trong việc hội nhập ASEAN cũng như trong việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế Đông Á, Việt Nam cần phải giữ thế chủ động.

Phương diện pháp lý

Trong thế giới văn minh hiện nay, pháp luật đã trở thành nền tảng cho ứng xử giữa các quốc gia. Việt Nam, là nước nhỏ, cần phải tận dụng phương tiện và lý luận luật pháp để bảo vệ chủ quyền của mình. Việt Nam cần đào tạo và huy động các chuyên gia luật quan tâm và tham gia vào việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.
Đi vào một số chi tiết, đối với Hoàng Sa, Trường Sa, những sự kiện lịch sử trước năm 1954 đã xác lâp chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này theo công pháp quốc tế. Theo giáo sư luật quốc tế người Pháp Monique Chemillier-Gendreau, các lập luận của Trung Quốc dựa trên những sự kiện lịch sử trước thế kỷ 20 đều không có giá trị trên diện công pháp quốc tế[1]. Đối với Hoàng Sa, các lập luận của Trung Quốc trước năm 1954 thua kém lập luận của Việt Nam[2]. Đối với Trường Sa, lập luận của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và chỉ biện hộ cho chính sách mở rộng lãnh thổ trên biển[3].

Đối với các vùng biển không thuộc về Hoàng Sa hay Trường Sa, ranh giới lưỡi bò đe doạ chủ quyền của Việt Nam ở ngay cả những vùng biển không liên quan tới những vùng này. Việt Nam cần phải tách vấn đề chủ quyền đối với những vùng biển này ra khỏi tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa để:

(1) Trung Quốc không thể dùng tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa để nguỵ trang cho ý đồ lưỡi bò của họ;
(2) chúng ta có thể thực thi chủ quyền đối với những vùng biển này trong khi Hoàng Sa, Trường Sa còn bị tranh chấp; và
(3) nếu chủ quyền trên những vùng biển này đã được giải quyết thì sức ép trên chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa sẽ giảm xuống rất nhiều.

Phát huy sức mạnh của toàn dân tộc

Phát huy sức mạnh của toàn dân tộc (Ảnh Phạm Hải)
Trong hơn 60 năm qua kể từ khi Trung Quốc công bố bản đồ lưỡi bò khoanh 75% Biển Đông một cách mập mờ vào năm 1947 cho tới nay, Việt Nam chưa thực sự phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Đây là một thiệt thòi tương tự như việc chiến đấu trong khi một tay bị buộc sau lưng.
Trong hoàn cảnh hiện nay, dân tộc Việt Nam cần phải vượt qua những cách biệt và Nhà nước cần phải tạo điều kiện để phát huy sức mạnh tổng thể của toàn dân trong việc đấu tranh chống lại những hành động “không thể chấp nhận được” từ phía Trung Quốc. Ngày 9/12/2008, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh tại Hội nghị Quân chính toàn quân: “Phải tiếp tục làm cho toàn quân, toàn dân nhận thức đầy đủ hơn về mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam XHCN trong điều kiện mới.”[4]
Để có thể phát huy sức mạnh của toàn dân, cần phải có một Quy tắc ứng xử chung về Biển Đông giữa Nhà nước và nhân dân và giữa các cộng đồng người Việt Nam với nhau. Quy tắc này không cần phải là luật, chỉ cần là một thoả thuận bất thành văn, được nhiều cá nhân và hội nhóm công khai tôn trọng.
Nếu không có một quy tắc ứng xử chung về Biển Đông cho dân tộc Việt Nam, dù quy tắc đó chỉ là một sự thông cảm bất thành văn, thì nhân dân và Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục ứng phó trong tình trạng một tay bị buộc chặt sau lưng, trong khi Trung Quốc càng ngày càng tiến xa, tiến mạnh với yêu sách và hành động để biến 75% Biển Đông thành “biển lịch sử” của họ.
***
Ngày nay, Việt Nam đứng trước một sự đe doạ nguy hại cho tương lai lâu dài của dân tộc. Khác với trong quá khứ, sự đe doạ này tiến triển rất chậm, nhưng càng ngày càng nghiêm trọng, qua nhiều thập niên, có thể nói là cả thế kỷ. Nhiều khi sự đe doạ này rất nhẹ nhàng, dường như không có, nhiều khi có những động thái phi bạo lực, tương đối ít khi tiến tới bằng bạo lực. Nhưng chúng ta đừng để sự nhẹ nhàng, chậm rãi này làm chúng ta coi thường hay thờ ơ. Nếu sự đe doạ này đi tới đích của nó thì hậu quả cho đất nước sẽ vô cùng trầm trọng. Chúng ta phải ứng phó sự đe doạ này với một sự tích cực không kém gì tổ tiên ta đã từng giữ nước.
Lê Minh Phiếu - Dương Danh Huy (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)
Thứ Năm, 09/06/2011, 10:10 (GMT+7) 

 
Phát triển kinh tế biển: Cần một tư duy đột phá
TT - Muốn phát triển kinh tế biển hiệu quả, tương xứng với tiềm năng cần phải thoát ra khỏi tư duy “tiểu nông”, “cục bộ địa phương”. Thay vào đó, phải có đột phá về tư duy trên cơ sở phát huy các nguồn lực và phải đầu tư có trọng điểm.


Đây là nhận định được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình tại Diễn đàn kinh tế biển VN 2011, diễn ra ngày 8-6 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, do Tổng cục Biển và hải đảo phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ biển và hải đảo VN.
“Biển bạc” nhưng sao vẫn nghèo?
Tại diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế đều khẳng định biển VN đúng nghĩa là “biển bạc” vì chứa đựng trong nó tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế. Cụ thể, nước ta có bờ biển dài 3.260km, vùng biển chủ quyền rộng khoảng 1 triệu km2, trung bình 100km2 đất liền thì có 1km bờ biển, cao gấp sáu lần mức trung bình của thế giới.
Dọc biển có nhiều vịnh đẹp (Hạ Long, Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang...) và 2.779 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích 1.636km2, có 90 cảng biển lớn nhỏ và gần 100 địa điểm có thể xây dựng cảng, kể cả cảng trung chuyển quốc tế, 125 bãi biển có cảnh quan đẹp, trong đó có 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế để phát triển du lịch biển.
Ven biển có nhiều loại khoáng sản và vật liệu xây dựng. Tổng trữ lượng dầu khí dự báo địa chất của toàn thềm lục địa khoảng 10 tỉ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác 4-5 tỉ tấn, trữ lượng khí đồng hành 250-300 tỉ m3. Trữ lượng hải sản khoảng 3-3,5 triệu tấn...
Tuy nhiên, GS Võ Đại Lược, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, giám đốc Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, đặt vấn đề: “Tại sao có tiềm năng to lớn như vậy mà bao nhiêu năm nay chúng ta vẫn cứ nghèo?”. Ông Lược cho rằng nhiều nước trên thế giới không có được tiềm năng biển như VN nhưng vẫn phát triển rất mạnh, như Singapore là một ví dụ.
Theo ông Lược, thể chế hành chính và thể chế kinh tế bất cập của chúng ta là hai điểm nghẽn. “Giống như chúng ta ở bên bờ hồ Hoàn Kiếm, giá trị mỗi mét đất cả 1 tỉ đồng nhưng nếu chúng ta chỉ mở một hàng nước chè thì muôn đời vẫn nghèo” - ông Lược ví von.
TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế VN - cho rằng cách tiếp cận phát triển kinh tế biển của VN hiện nay có hai thiếu sót lớn. “Một là xu hướng muốn vận dụng một cách đơn giản và dễ dãi tư duy phát triển nông nghiệp truyền thống - tư duy phát triển tiểu nông, gắn với “con trâu đi trước cái cày đi sau” - vào công cuộc phát triển kinh tế biển. Đó là cách thức khai thác biển theo lối đánh bắt ven bờ” - ông Thiên phân tích.
Và theo ông, về thực chất, đó là việc mang vác cách thức phát triển nông dân cổ truyền, làm ruộng trên cạn ra khai thác biển, chinh phục đại dương vốn khác căn bản về tính chất, về các điều kiện khai thác và mức độ rủi ro. “Hai là thiếu tư duy toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chưa rõ tầm nhìn toàn cầu và thời đại trong công cuộc phát triển kinh tế biển trong bối cảnh hiện đại, trong khi cả thế giới đang đồng loạt tiến ra biển, chiếm hữu không gian biển, khai thác biển ở tất cả các loại hình, cấp độ với những công cụ và phương thức hiện đại” - ông Thiên nhấn mạnh.
TS Trần Du Lịch - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM - lại cho rằng ở tầm vĩ mô chúng ta chưa thấy hết lợi thế so sánh về tiềm năng kinh tế biển, mà ông gọi là “cái mặt tiền”. Ông Lịch nhắc lại từ Quốc hội khóa IX đã có chủ trương về đánh bắt xa bờ nhưng khi thực hiện lại không đồng bộ dẫn đến không hiệu quả.
Giảm bớt các khu kinh tế
GS Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận xét rằng VN có thừa cảng biển nhưng lại thiếu hệ thống hạ tầng kết nối nên không phát huy được lợi thế vận tải biển và vì thế không thu hút được nhà đầu tư. Từ góc độ nhà quản lý, ông Trần Duy Đông - phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Bộ Kế hoạch và đầu tư - nhìn nhận một số khu kinh tế được thành lập khi chưa thật sự đáp ứng đầy đủ các yếu tố và điều kiện cần thiết, do đó gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư, kết quả hoạt động chưa đạt được như mong muốn.
Các khu kinh tế chưa thể hiện được mối quan hệ liên kết, tương hỗ trong quá trình hoạt động mặc dù một số khu kinh tế có vị trí địa lý và các điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông kết nối để hình thành mối quan hệ này. Một số công trình hạ tầng kỹ thuật như cảng biển nước sâu, nhà máy điện, nhà máy thép... đã không được tính toán để có sự chia sẻ trong quá trình đầu tư.
GS Võ Đại Lược cho rằng việc cần làm là giảm bớt các khu kinh tế hiện nay và chỉ nên tập trung xây dựng ở mỗi miền Bắc, Trung, Nam một khu kinh tế theo mô hình đặc khu kinh tế tự do mà ở đó những nút thắt về thể chế kinh tế được tháo bỏ.
TS. Bùi Tất Thắng - phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư - cũng cho rằng không nên chạy theo phát triển số lượng khu kinh tế biển mà nên chọn một vài khu kinh tế để đầu tư có trọng điểm với một thể chế kinh tế, trình độ quản lý, trình độ công nghệ cao.
Về tổng thể, các chuyên gia khuyến nghị cần có đột phá về tư duy kinh tế để đánh giá một cách đầy đủ về các nguồn lực đầu tư, con người, khoa học công nghệ, từ đó ưu tiên các mục tiêu đầu tư cho kinh tế biển.
Riêng với hệ thống các khu kinh tế biển, cảng biển trên cơ sở quy hoạch hiện có cần phải cân nhắc đặc thù, lợi thế của từng khu vực để dồn sức đầu tư có trọng điểm. Chẳng hạn, nhiều chuyên gia cho rằng lợi thế về vị trí chiến lược của vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) trên bản đồ vận tải hàng hải quốc tế là không phải bàn cãi, thậm chí có chuyên gia còn đặt Vân Phong trong tam giác liên kết với Hong Kong và Singapore.
TS Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế VN): Đừng phung phí mỏ vàng
Ngày nay, VN không tiến ra biển với “hành trang” thời Mai An Tiêm. Tư duy biển - chủ quyền lãnh hải, sự hiện diện, sự chinh phục, hợp tác quốc tế giải quyết tranh chấp... Các định hướng phát triển biển theo nguyên lý hiện đại như phát triển ngành đóng tàu và hàng hải viễn dương, du lịch biển, thăm dò, khai thác biển đã bắt đầu định hình và được thực thi.
Đó là những nền tảng ban đầu để hình thành một chiến lược biển với các nội dung cụ thể, khả thi, hay đúng hơn, các chiến lược kinh tế biển cụ thể. Chỉ với các chiến lược cụ thể đó, chúng ta mới trả lời được câu hỏi: VN sẽ vươn ra biển lớn như thế nào?
Việc định hình chiến lược kinh tế biển theo tư duy mới cần được thực hiện đồng thời và tổng thể ở ba phương diện: khai thác vùng không gian biển, khai thác vùng bờ biển và phát triển các lĩnh vực “hậu cần” cho kinh tế biển và các khu vực kết nối.
Ba phương diện này hình thành các khâu liên tục của một chuỗi phát triển cho bất cứ ngành kinh tế biển cụ thể nào. Thiếu một khâu bất kỳ nào, các ngành kinh tế biển cũng đều sẽ bị mất cân đối, khó vươn lên thành ngành hiện đại, hoạt động hiệu quả và có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Mặt khác, cùng với cách tiếp cận hệ thống tổng thể, cần chú ý nguyên tắc tập trung phát huy lợi thế trong phát triển. Với nguồn lực có hạn, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc lựa chọn mục tiêu trọng tâm trong chiến lược biển để ưu tiên thực hiện là một yêu cầu bắt buộc đối với VN.
Để làm được điều này, phải thoát khỏi cách tư duy chia đều và phải nhất quán xuất phát từ lập trường, quan điểm phát triển vì lợi ích quốc gia để nhanh chóng hình thành các đầu mối, các tọa độ đột phá lớn, phục vụ cho chiến lược quốc gia tổng thể chứ không phải vì lợi ích của từng địa phương hay lợi ích nhóm.
Chẳng hạn, bờ biển và các bãi biển VN chính là mỏ vàng lớn, là một trong những nội dung chính tạo nên khái niệm “rừng vàng, biển bạc”. Ta đang khai thác một cách phung phí, ngắn hạn mỏ vàng này và gây ra những hệ lụy dài hạn không nhỏ.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần chú ý khai thác bãi biển với tư cách là một trọng tâm ưu tiên quốc gia, không để xảy ra những tranh chấp thể hiện sự tham lam ngắn hạn, sự ngu dốt tiểu nông kiểu như giữa một bên là khai thác cát, khai thác titan với một bên là băm nát bờ biển để làm resort chỉ phục vụ người giàu.
Cái chúng ta đang cần là một tư duy “vượt trước” để có thể biến biển của chúng ta thật sự trở thành “biển bạc”!
GS.TSKH Võ Đại Lược (nguyên viện trưởng Viện Kinh tế thế giới): Quy hoạch lại toàn bộ vùng kinh tế ven biển
Tôi kiến nghị nên tìm một tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới để giúp chúng ta quy hoạch lại toàn bộ vùng kinh tế ven biển. Và theo tôi nên mời các tập đoàn ở những nước không có lợi ích tại vùng biển Đông. Phải lấy sức mạnh của thời đại để giúp ta khai thác tài nguyên biển, chứ nếu chỉ dùng sức lực của chúng ta thì cũng chỉ như mang vó ra khơi bắt cá mà thôi.
TS Nguyễn Chu Hồi (phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo VN): Cần quản lý theo không gian ba chiều
Chúng ta chỉ mới chú trọng nhiều vào khai thác tài nguyên vật chất, chưa chú ý nhiều vào các dạng tài nguyên phi vật chất, phi vật thể như giá trị vị thế các mảng không gian biển, giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái... Biển phải được quản lý theo không gian ba chiều, bởi tài nguyên biển phân tầng ở trên mặt nước, mặt bằng dưới đáy biển và ở tầng sâu dưới đáy biển đều có tài nguyên.
TS Trần Du Lịch (nguyên viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM): Phải có bộ quản lý phát triển kinh tế biển
Nếu ta thấy kinh tế biển là một động lực cạnh tranh thì sau diễn đàn này nên kiến nghị với Nhà nước, với Quốc hội là phải có một bộ quản lý phát triển kinh tế biển có vị trí ngang tầm và chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ những vấn đề về kinh tế biển, từ trên bờ cho tới đại dương.
NGUYỄN TRIỀU - VĂN KỲ

Nghĩ về tư duy Biển

Tàu thuyền trở về cầu cảng đảo Lý Sơn sau một đêm giăng đèn bắt cá cơm
(VOV) - Để biển trở thành một không gian phát triển chiến lược cho quốc gia, mang lại sự thịnh vượng lâu dài, cần có một tư duy đột phá về kinh tế biển
Với hơn 3.000km bờ biển và vùng đặc quyền kinh tế trên biển Đông rộng hơn 1.000.000km2, Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển một cách toàn diện. Tuy vậy, để biển trở thành một không gian phát triển chiến lược cho quốc gia, mang lại sự thịnh vượng lâu dài cho nhiều thế hệ  mai sau, cần có một tư duy đột phá về kinh tế biển.
Nước ta thật may mắn có mặt tiền là biển Đông rộng lớn, cùng hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và hai quần đảo ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa. Dọc theo 3.000 km bờ biển, Việt Nam còn có 100 cảng biển lớn nhỏ, 48 vũng - vịnh và khoảng 112 cửa sông lạch đổ ra biển. Đó là chưa kể rất nhiều tài nguyên khoảng sản tiềm tàng trong lòng biển và dưới thềm lục địa như dầu mỏ, băng cháy (loại năng lượng mới của loài người trong thế kỷ 21)... Không những thế, Biển Đông còn là một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, có thể coi như một huyết mạch trọng yếu giúp cho nền kinh tế thế giới có thể “sống” được bình thường.
Biển Đông là không gian sinh tồn và nguồn gốc thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam hôm nay và mai sau.Vị trí địa lý-chiến lược mà Việt Nam đang có cũng như nguồn tài sản dồi dào từ đại dương  đang là nỗi thèm muốn của nhiều thế lực. Thực tế này càng khiến chúng ta phải nhanh chóng hoàn thiện chiến lược biển trên cơ sở một tầm nhìn sâu rộng về biển đảo.
Là một quốc gia biển, ý thức được tầm quan trọng của biển với sự tồn tại và phát triển của đất nước, tuy vậy, chúng ta quan tâm thấu đáo đến khai thác tiềm năng kinh tế biển một cách toàn diện cách đây chưa lâu. Có thể nói, chuyển đổi có tính bước ngoặt trong tư duy biển chính là Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, của Ban chấp hành TƯ Đảng khóa X. Mục tiêu của chiến lược này là sẽ biến Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.
Do tiềm lực kinh tế, năng lực khoa học công nghệ còn hạn chế nên có một thực tế là cho đến nay, chúng ta vẫn chưa đánh gía được một cách chính xác nguồn tài nguyên trong lòng biển và dưới thềm lục địa, nói cách khác, ta chưa biết mình thực sự giàu như thế nào. Cũng vì lý do này, chúng ta cũng chưa nắm bắt được một cách có hệ thống các qui luật tự nhiên và môi trường biển, do vậy việc ứng dụng vào khai thác còn hạn chế. Việt Nam đang thiếu một hệ thống cơ sở dữ liệu cơ bản về biển để phục vụ công tác quản lý, qui hoạch và xây dựng các chính sách khai thác tiềm năng biển.
Từ biển, có thể phát triển nhiều ngành kinh tế như hàng hải, du lịch, thủy sản, dầu khí, đóng tàu…, tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam mới đánh thức tiềm năng của các ngành này ở mức thấp.
Để giải quyết những bất cập, hạn chế nói trên, cần có một tư duy biển mang tính đột phá, trước hết là về thể chế, chính sách.
Tư duy mở cửa, hội nhập triệt để với thế giới cũng sẽ phát huy hiệu quả rất cao trong kinh tế biển như đã thấy với nhiều ngành kinh tế khác. Cụ thể là cần chủ động thiếp lập sự hợp tác đặc biệt với các cường quốc biển (có tiềm lực mạnh về kinh tế, khoa học công nghệ) để nghiên cứu, khảo sát nhằm đánh giá một cách chính xác tiềm năng biển Việt Nam. Từ đó, lập kế hoach, qui hoạch  khai thác một cách khoa học, bài bản. Cần chủ động mời gọi các nhà đầu tư lớn có tiềm lực trên thế giới tham gia cùng đầu tư, khai thác và chia sẻ lợi nhuận một cách thỏa đáng.
Ví dụ, với một cơ chế chính sách tốt, hấp dẫn, hoàn toàn có thể lôi kéo được những nhà sản xuất hàng đầu thế giới đến đầu tư vào ngành đóng tàu chứ không nhất thiết phải bỏ tiền ra tự đầu tư vào ngành này.
Các chuyên ngành kinh tế biển khác như hàng hải, du lịch, khai thác thủy sản cũng đang chờ đợi những chính sách mới có tầm tư duy đột phá.
Điều quan trọng nhất là cần làm cho tư duy biển trở thành tâm thức của mọi người dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Từ đó, tập hợp và khơi dậy được  sức mạnh về tinh thần, trí tuệ, vật chất của cả dân tộc vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, biến không gian biển trở thành không gian phát triển hòa bình của dân tộc Việt Nam./.

Phạm Mạnh Hùng

*****


Tìm kiếm Blog này