Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Đêm nằm mơ “Pot ở đầu phum Ta cuối phum”.

Xem câu chuyện đau lòng này trên Bên thắng cuộc của Huy Đức phản ánh một góc ở chiến trường Camphuchia, làm mình day dứt, vừa đáng thương vừa đáng giận! Ba đại đội trưởng hy sinh, sĩ quan chỉ huy thiếu bản lĩnh dẫn theo cả đại đội bị động, tư tưởng cầu an, tinh thần bạt nhược rệu rã, thì bại trận, chết thê thảm, không hoàn thành nhiệm vụ là điều tất nhiên trước kẻ thù có ý chí và khôn ngoan ma mảnh hơn. Biết bao cán bộ chiến sĩ cấp dưới chết theo vì lây nhiễm cái hèn từ người chỉ huy. Điều này bộc lộ lỗ hổng về khâu tổ chức lực lượng, huấn luyện của quân đội không theo kịp yêu cầu.

Mời bạn xem trích đoạn từ Huy Đức và nhận xét của Th09:
Tháng 5-1986, Thượng úy Trần Hữu Long, đang là giáo viên quân sự ở trường Quân chính Quân khu VII, được điều sang chiến trường Campuchia làm đại đội trưởng Đại đội 11, Trung đoàn 4, Sư 5, Mặt trận 479. Long kể: “Đơn vị đóng ở nơi ác liệt nhất, nhưng vũ khí vẫn rất thiếu thốn. Đại đội tôi có 110 người mà chỉ còn chín mươi khẩu súng; theo lý thuyết thì hỏa lực phải được trang bị tới tận phân đội nhưng tiểu đội thì có B40, trung liên, tiểu đội không”.
Đóng quân ở bìa rừng, nơi lực lượng Khmer Đỏ thường từ Thái Lan vượt biên giới vào bên trong đất Campuchia. Long kể: “Chiến tranh như trò đùa, chúng tôi thì cứ phơi mặt ra, trong khi Khmer Đỏ lại lẩn khuất trong bóng đêm, trong dân. Từ biên giới luồn qua, tụi lính Pol Pot lại dừng lại đánh nhau với tụi tôi một chặp, sau đó đi về lại bắn nhau thêm một chặp nữa. Chúng tôi phải đắp tường và đào hào vây quanh doanh trại theo kiểu pháo đài. Loại pháo đài tường đất với những ngôi nhà tranh tre chỉ cần một phát B40 là cháy rụi”.
Sự ác liệt mà những người lính ở Campuchia đã phải trải qua là không thể định lượng. Đánh chiếm một căn cứ của Khmer Đỏ thì có vẻ như rất dễ, nhưng tiêu diệt lực lượng Pol Pot thì rất khó. Có những đơn vị Quân Tình nguyện Việt Nam đã từng bị “xóa sổ”. Thượng úy Long kể: Đầu mùa khô năm 1986, trung đoàn tổ chức truy lùng địch, đại đội tôi được giao ở nhà giữ cứ. Tối, tôi qua Đại đội 13, anh em kêu ngồi vào uống ly rượu tiễn. Đang ăn, Đại đội trưởng Thụ hỏi: “Còn đạn K54 không?”. Tôi rút nguyên băng đạn từ khẩu K54 bên hông đưa cho Thụ. Trưa hôm sau ra phum, thấy mấy người già Khmer ngồi khóc, nói: “Bộ đội ông Thụ chết hết rồi”.
Toàn bộ lực lượng Đại đội 13 tham gia trận đánh bị hy sinh, chỉ còn một người lính vác chân đại liên sống sót. Đêm ấy, gần 300 lính Khmer Đỏ bị Trung đoàn 4 bao vây, dồn đánh. Chúng buộc phải mở đột phá khẩu. Nơi chúng chọn nằm trong phạm vi chốt chặn của Đại đội 13. Những tên lính Khmer Đỏ hung hãn nã B40 như vãi xuống những người lính đang phơi lưng giữa đồng trống. Người lính sống sót về kể rằng, trước khi chúng đến, anh kịp nằm sấp xuống, kéo xác đồng đội đè lên.
Lính Khmer Đỏ lần lượt bắn bồi vào những cái xác bộ đội Việt Nam, nhưng không hiểu sao anh sống sót. Sáng hôm sau, người dân đưa xe bò vào rừng chở về bốn mươi xác bộ đội trong đó có cả “Đại đội trưởng Thụ”.
Sau trận ấy, Thượng úy Long triệu tập đơn vị nói, lực lượng mỏng, chúng ta có thể bị đánh bất cứ lúc nào. Rồi ra lệnh mở kho đạn, nâng cấp báo động, đặt đơn vị trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đầu năm 1987, một tiểu đoàn Pol Pot xuất hiện trong khu vực đại đội Long đóng quân. Lúc này, Long đã chuyển sang chỉ huy Đại đội 12. Người dân trong phum nói: “Ông Long ơi, nó chuẩn bị đánh bộ đội 12 đó”.
Nguôn, tiểu đoàn trưởng Khmer Đỏ, nhắn qua dân: “Nói ông Long chỉ cần ra khỏi doanh trại, bước qua bìa phum là tôi bắn”. Thượng úy Long nhắn lại: “Nói ông Nguôn có giỏi thì cứ đưa quân về đây”. Khmer Đỏ không đánh ngay mà cứ dấm dứ hàng tháng trời hòng đặt bộ đội của Thượng úy Long trong trạng thái căng thẳng kéo dài cho đến khi mệt mỏi. Bộ đội của Long vẫn thường nghêu ngao hát: “Pot ở đầu phum / Ta cuối Phum / Uống chung dòng nước thối um um / Lên đây đã trải bao mùa lúa / Pot vẫn đầu phum ta cuối phum”564.
Thượng úy Long kể: “Đêm Campuchia tối tới mức ngửa lòng bàn tay ra đưa lên trước mặt cũng không nhìn thấy. Khi hành quân đêm, chúng tôi phải bắt con sâu đất có ánh lân tinh quệt lên ba lô của người lính trước mặt để bám theo nhau. Đêm đi qua trảng trống, nếu lỡ tụt lại phía sau phải nằm sát mặt đất may ra mới nhìn thấy bóng những người lính hành quân in trên nền trời”. Những khoảnh khắc hay bị phục kích nhất là ở thời điểm trăng vừa lên, Khmer Đỏ phục sẵn chỉ chờ có ánh sáng nhận rõ mục tiêu là bắn. Khi tiểu đoàn Khmer Đỏ của Nguôn vẫn thập thò ngoài rừng, Long kể: “Cứ hai tiếng một lần, tôi lại phải dậy đi một vòng đốc gác. Tiền đồn tối như mực mà không có lấy một trái hỏa châu. Khmer Đỏ áp sát hàng rào cũng khó lòng nhìn thấy”.
Sau bốn ngày bị bao vây, “bộ đội 12” căng như dây đàn nhưng đám lính Khmer Đỏ vẫn chưa khởi chiến. Trung đoàn 4 lúc đó cũng không còn khả năng chi viện vì lực lượng đã bị dàn mỏng. Tiểu đoàn nhắn xuống: “Tập trung phòng thủ cho tốt”.
Khoảng 4:30 sáng, Thượng úy Long đi đốc gác lần cuối, thấy anh em chấp hành nghiêm, anh trở về lán. Long kể: Vừa đặt lưng, tôi nghe tiếng AK nổ phát một bụp, bụp. Chưa kịp nhảy ra thì quả B40 thứ nhất nổ sát nóc nhà sở chỉ huy. Tôi phóng xuống hầm.
Nghe đạn của tụi Pol Pot bắn hết cỡ mà không thấy tiếng súng bắn trả của anh em mình. Tôi nói với cậu liên lạc: không ra đánh là chết hết. Vừa dợm chân ra thì một trái B40 nổ ngay cửa hầm hất mình trở lại. Nhìn thấy miệng cậu liên lạc mấp máy, tôi hét lên: “Tao còn sống, đánh!”. Ra khỏi hầm, thấy hàng chục nóc nhà đang bốc lửa. Một nhóm bộ đội đang vác khẩu cối 82 chạy ra phía sau. Long hét: “Dựng nòng, bắn cấp tập”. Hô xong vẫn không nghe tiếng cối, Long quát: “Không bắn, tao bắn tụi bây bây giờ”. Quát xong nhìn lại, thấy miệng khẩu cối chớp liên tục, anh em không kịp gá chân, cứ thế dựng nòng, thả đạn. Khi ấy, Long mới biết tai mình đã điếc.
Chạy xuống Trung đội 1, thấy một chiến sỹ bị thương lòi ruột, anh em đang lấy bát úp bụng băng lại. Ở Trung đội 2, Trung đội trưởng Nê bị một viên đạn xuyên qua ngực, chết trong khi tay ôm chặt một chiếc gối hồng. Đại đội trưởng Long giật mình. Chỉ hai ngày trước, khi nhìn thấy chiếc gối, Long đùa: “Ai tặng đây?”. Nê tự hào: “Người yêu em tặng. Có chết em cũng sẽ ôm theo chiếc gối”. Người yêu của Nê là một cô gái người Khmer mới quen. Người lính có mặt trong giờ phút trung đội trưởng Nê hy sinh kể: “Anh ấy đang chỉ huy thì khựng lại, máu rỉ ra từ một vết nhỏ trên ngực. Ngay lập tức anh ấy bảo em vào hầm lấy chiếc gối, rồi ra lệnh: Bắn! Anh ấy ôm chặt chiếc gối cho đến khi mặt tái lại và lịm dần”.
Trời sáng, lực lượng Khmer Đỏ rút lui. Ở Trung đội 3, hai người lính đang cố gắng để nâng xác một đồng đội bị B40 xé nát một mảng lưng. Lửa vẫn cháy ở gần như tất cả những ngôi nhà của đại đội. Ba người lính hy sinh, ba người khác bị thương. Xác anh em được đưa về Sở Chỉ huy. Long lấy khăn lau mặt cho từng tử sỹ rồi đợi xe bò của người Khmer vào đưa xác những bộ đội xấu số lên trung đoàn. “Đêm khô như tiếng mõ trâu / Rừng khô như tờ bánh tráng / Trời không một tia gió thoảng”565. Mùa khô ở Campuchia, đất sắt lại, phải hai ba người đào một ngày mới được một cái huyệt để chôn đồng đội.
Ngay cổng chính, xác một lính Khmer Đỏ bị bắn chết khi đang vác khẩu B40 với viên đạn đã sẵn sàng nhưng chưa kịp bắn. Trên lưng hắn ta còn sáu quả đạn. Tiếng AK “bụp” phát một mà Long nghe khi vừa trở về chỗ nằm là của người lính mà anh vừa gặp khi đi đốc gác. Nếu anh bộ đội để cho tên lính Khmer Đỏ mang bảy quả B40 ấy lọt qua hàng rào thì thế trận có nguy cơ vỡ. Đêm ấy, lực lượng Pol Pot chỉ tấn công ba mặt, chừa một mặt để, nếu “bộ đội 12” bỏ chạy, sẽ rơi trọn vào bẫy phục kích của chúng. Đấy là trận tập kích khốc liệt nhất của Khmer Đỏ vào nơi đóng quân của “bộ đội 12” nhưng không phải là trận đánh duy nhất. Thượng úy Long đến Mặt trận 479 tháng 5-1986, từ đó cho tới giữa năm 1987 anh chỉ huy đơn vị phản công, phục kích và truy kích Khmer Đỏ tổng cộng sáu mươi tám trận.
Cùng thời gian ấy, có tin đồn ở Sài Gòn rằng Long hy sinh. Mẹ Long, bà Đỗ Thị Bích Hà, đến Phòng Cán bộ Quân khu nhiều lần để hỏi thăm. Nhưng thông tin liên lạc tới chiến trường, nhất là tới những đơn vị đóng sát biên giới Thái Lan như đơn vị Long là hết sức khó khăn. Sau ba tháng hỏi han, mẹ Long chỉ được cho biết: Vào thời gian ấy tại Mặt trận 479 có ba thượng úy tên Long chết.
Tháng 8-1987, Trần Hữu Long có lệnh rời chiến trường. Nghe tin Long về nước, Tuân, người nhận bàn giao chức đại đội trưởng Đại đội 11 từ Long, cho liên lạc cắt rừng, gửi anh một lá thư ngắn: “Mình được tin Long về nước mà không gặp được.
Chỉ mong Long về nhà, hạnh phúc”. Tuân và Long đã từng mắc võng nằm trò chuyện với nhau suốt đêm ngoài rừng. Đấy là lá thư cuối cùng giữa hai người. Khi Long về tới Bộ Chỉ huy Sư đoàn 5, xác của Tuân và một người phó của anh cũng vừa được đưa về Sư đoàn bộ. Ở chiến trường có những cái chết không thể nào lường trước. Tuân không chết bởi Khmer Đỏ mà chết bởi đạn của một chiến sỹ, trong cơn kích động do chịu đựng căng thẳng kéo dài, đã mất trí bắn vào đồng đội. Cho đến nay, người dân vẫn không được biết chính xác có bao nhiêu “quân tình nguyện” đã hy sinh ở Campuchia. Con số bộ đội Việt Nam bị chết, bị tàn phế bởi mìn zip và mìn K58 trong mười năm ở đây lên đến hàng trăm nghìn566. Các văn kiện của Đảng và Nhà nước Việt Nam lúc đó mô tả: “Đất nước vừa có hòa bình vừa có nguy cơ xảy ra chiến tranh”.
Nhưng không chỉ là nguy cơ. Đưa quân sang Campuchia là để giữ cho không gian chiến tranh ở xa biên giới Tây Nam, vậy mà ở những quân y viện Sài Gòn, Cần Thơ vẫn tấp nập thương binh.Những người lính ở “Chiến trường K” lâu ngày bặt tin đã đưa không gian chiến tranh tràn về những làng quê, góc phố.
(hết trích)

_____________

Một số chi tiết theo tôi khó thể chấp nhận:
- Một Thượng úy giáo viên ở trường huấn luyện, chưa từng có kinh nghiệm chiến đấu, vậỵ mà đùng một phát giao cương vị Đại đội trưởng, nắm sinh mệnh cả trăm người ở nơi ác liệt của chiến trường.
- Về tính chất trận đánh, tôi đoán đây không hẳn là một trận tuyến 2 bên đối đầu nhằm tiêu diệt nhau mà là tranh chấp địa bàn, quân Pol Pot muốn bứng đại đội ra khỏi địa phương để chúng khống chế dân và dễ bề hoạt động.
- "Đại đội tôi có 110 người mà chỉ còn chín mươi khẩu súng"."Toàn bộ lực lượng Đại đội 13 tham gia trận đánh bị hy sinh, chỉ còn một người lính". "chết bởi đạn của một chiến sỹ, trong cơn kích động do chịu đựng căng thẳng kéo dài, đã mất trí bắn vào đồng đội" - Vô lý?
- "Chúng tôi phải đắp tường và đào hào vây quanh doanh trại theo kiểu pháo đài." - Tức là tự rúc đầu chờ nó đánh, mình đỡ. Lẽ ra họ phải cắm quân ở nhà dân và tổ chức chốt chặn từ xa.
- "Đại đội trưởng Thụ hỏi: “Còn đạn K54 không?. Tôi rút nguyên băng đạn từ khẩu K54 bên hông đưa cho Thụ.” - Quân ít, có khi phân tán đội hình mà 2 ông chỉ huy dùng súng ngắn K54 thì đánh đấm gì!.
- "Sau bốn ngày bị bao vây, “bộ đội 12” căng như dây đàn nhưng đám lính Khmer Đỏ vẫn chưa khởi chiến...Tiểu đoàn nhắn xuống: “Tập trung phòng thủ cho tốt”."Tôi nói với cậu liên lạc: không ra đánh là chết hết." - Đơn vị hoàn toàn thụ động trong tác chiến, rúc đầu chờ chết và cấp trên cũng phó mặc, không đưa ra được hướng chỉ đạo nào trước tình thế.
- “Không bắn, tao bắn tụi bây bây giờ”. "Đêm ấy, lực lượng Pol Pot chỉ tấn công ba mặt, chừa một mặt để, nếu “bộ đội 12” bỏ chạy, sẽ rơi trọn vào bẫy phục kích của chúng". B40 địch bắn vào cả dãy nhà đơn vị, chứng tỏ địch áp sát bờ rào, cách quân ta chừng 50-70 mét. Sở dĩ địch chỉ đánh vào phía cổng vì các hướng còn lại sợ nhào vô vấp phải mìn bố phòng. Lính sợ đến nổi “Không bắn, tao bắn tụi bây bây giờ”, quân ta hoảng loạn dùng cối 82 bắn áp chế loạn xạ... Qua những gì được kể, chứng tỏ quân địch không phải gan dạ gì, chủ yếu là đứng nằm ngoài nện vào, nếu chỉ huy quân Pol Pot hiếu chiến đánh mạnh chiếm cửa mở, chắc chắn quân ta vỡ trận, buột phải mở đường máu thoát, may ra chỉ sống được vài người.
- Dân làng báo tin địch sắp đánh, khóc thương, chở tử sĩ bộ đội ta: Có nghĩa là trong dân có những người tốt nhưng không biết phát huy mối quan hệ, làm tốt công tác địch vận và xây dựng tình báo cơ sở hậu thuẫn cho đơn vị.

Địch quá đông bao vây ta ít thì tổn thất nặng là điều khó tránh khỏi. Bàn luận việc đã rồi mà không chứng kiến, hỏi rõ ngọn ngành, chắn chắn chủ quan và phiến diện. Vậy thôi. nói thì hay làm mới khó. Chỉ những người trong cuộc mới biết chính xác điều gì đã xảy ra. Nếu có gì không đúng với đồng đội còn sống hay xúc phạm đến danh dự người đã khuất . Mong anh em đồng đội  thứ lỗi !. 
____________

Kinh nghiêm của tôi khi còn ở K, chỉ huy một Đội công tác 10 lính hoạt động trên địa bàn một xã rộng, phum (làng) xa nhất ở trong rừng đi 3 giờ mới đến. Xã nằm ở cuối Tỉnh, cách xa Tiểu đoàn, phải qua sông Mê Kông, đi mất một buổi mới đến, không có máy thông tin, y tá cứu thương. Vậy mà chúng tôi trụ mấy năm liền an toàn, trong khi đó một Đội công tác ở xã khác bị đánh úp.
Tôi luôn quan niệm dựa vào dân để tồn tại và tìm địch mà đánh chứ không để địch tìm mình. Mình không đánh nó, ắc có ngày nó đánh mình đó là quy luật! Hằng ngày tôi cắt một tổ 3 người tuần tra quanh khu vực đang ở bán kính 5 km để phát hiện dấu hiệu địch từ xa. Chúng tôi quần bọn chúng bể mình... có trường hợp quân ta chỉ 6 người tình cờ thấy vài chục thằng địch đi cắt ngang qua lộ trong rừng, nắm yếu tố bất ngờ tôi vẫn lệnh nổ súng...
1980 - Lão thợ cạo ở ngoài cùng bên trái, một thời đẹp trai chai mặt, dám chơi dám chịu ở Campuchia. Tự hào chưa từng ngán thằng Pot cóc khô nào ngoài rừng và là khắc tinh của bọn địch ngầm cài cắm trong dân!

BS thêm thông tin liên quan đến đơn vị và trận đánh trong bài trên Vnmilitaryhistory

Truyện của thượng úy Long c trưởng c11 e4 kể theo tôi là chính xác. Chính xác đến từng chi tiết như chuyện anh kể về trận c13 bị xóa sổ: 40 tay súng tham chiến chỉ sống sót duy nhất 1 người. Người đó tên là Châu quê Tân Uyên, Bình Dương. Anh này mắt lúc nào cũng đỏ chực khóc khi nhắc lại chuyện xưa. Tôi gọi là Châu mắt đỏ. Trận đó có nhắc đến tên anh Thụ. Thụ nguyên đại đội trưởng c13 từng là lính của poipet1979. Năm 1983 khi poipet1979 phục viên thì thì đôn Thụ lên chỉ huy cấp trung đội, đến năm 1986 lên làm c trưởng c13 là đúng trình tự thăng tiến trong quân ngũ rồi. Đại phó c13 trận đó là Nguyễn Văn Bé Tám, lính Đồng Tháp nhập ngũ 82, là lính trong trung đội tôi và ông Thư già. Sau một thời gian ngắn làm lính trong trung đội, Bé Tám được rút lên làm liên lạc đại đội, sau được cho đi học sỹ quan, năm 1986 làm c phó c13. Đại phó Nguyễn Văn Bé Tám cùng đại trưởng Thụ và 37 cán bộ chiến sỹ nữa hy sinh trong trận đánh Pốt ở huyện Phnum Xroc.



Vị trí của phum không tên (trong trận Phum không tên của d3 e4 đầu tháng 5/79 theo chỉ dẫn của @ducthao)

Trước khi diễn ra trận đánh vào Phum không tên tôi từng đi theo con đường đất sỏi đỏ để đi lấy nước cho trung đội, đi về mất gần cả đêm. Khi chúng tôi đánh vào phum không tên thì thằng địch bỏ chạy. Sau đó nó dồn lực lượng tập trung phản kích gây nhiều thương vong cho ta. Trận đấu cối giữa c13 và Pốt diễn ra trong cơn mưa đầu mùa 1979. Sau khi cối c13 bị đánh trúng thì cối 82 của tiểu đoàn 3 lên tiếng chế áp hỏa lực địch. Mưa tầm tả trong suốt thời gian giao chiến này. Và nước hiện diện khắp nơi trên chiến trường. Chúng tôi không cần phải đi lấy nước nữa. Chỉ cần trải tấm nylon đi mưa ra hứng là có nước đọng vũng ngay trong đó. 
Bạn Quocngoaicu có thể hướng dẫn thượng úy Long vào tham gia diễn đàn này để giao lưu với anh em được không? Quân số đông thì vũ khí thiếu - nhất là hỏa lực - là điều có thể xãy ra mà. Vì còn phải trừ bộ phận anh nuôi - chắc lên tới hàng chục- để phục vụ cho quân số 110 người kia, trừ thêm những người phải mang vác đạn như đạn cối, đạn đại liên... Grin
Cấp trung đội thời mình (79-82) quân số thường dưới 10 người, hỏa lực có 3 cây là: 1 B40, 1 B41, 1RPD là tương đối đủ. Có thời điểm như tháng 7/79 sau đợt bổ sung lính 3/79 cấp trung đội lên tới gần 20 tay súng, anh em lính mới trừ những người khỏe mạnh to con được giao giữ hỏa lực, số còn lại được giao cầm súng CKC - chiến lợi phẩm thu được của Pốt thời giải phóng Amleang tháng 3/79.

 Một C chiến đâu 110 quân,có lẻ là tính luôn các bộ phận hỏa lực tăng cường Ducthao giải thích cũng có lý.Tôi cũng từng ở 1 đơn vị (trong đội hình D5b-E 174) với 1B khoảng 25 người tính luôn 1 y-tá cho mổi B nhưng chỉ được 1 thời gian ngắn và thời gian sau nêu B lên quân số cao nhất cũng chỉ 15-16 người nhưng được có vài ngày mà thôi,còn quân số thường xuyên cũng chỉ 6-10/B.Năm 1982 trận đánh cuối để phá tăng sau khi lính 78 được cho rút ra chờ ra quân B2 sát nhập vào B tôi thì quân số lên được 4 tay súng nhưng vẩn đãm nhiệm "chiếm và chốt cửa mở" đến phút chót chỉ còn 3 vào vị trí tiến nhập (do 1 người báo bệnh).Tuy quân số các B thiếu hụt thường xuyên nhưng khi chốt vẩn đầy đủ B40,B41,RPD chỉ khi nào hành quân đánh nhau mà không có đủ người mang mới gửi tạm ở cứ (thường thì 1AK+HL cá nhân).
Chuyện quân số, chuyện vũ khí ở chiến trường K những năm 1979 trở đi thì chúng ta có cả tỷ chuyện để nói, chả có đơn vị nào giống đơn vị nào đâu các bác ạ. Grin
 Các đơn vị trực thuộc Quân Khu thì nghe nói có cả vũ khí của Mỹ như AR15 M16 đến M30 M60 M79 M72, chứ đơn vị BY lính Quân Đoàn thì thời còn ở BGTN thì có dùng đồ Mỹ như M72 M79 và mìn Claymore, lựu đạn đến băng cứu thương của Mỹ, nhưng sau GP Phnom Penh thu hồi lại hết và trang bị vũ khí xịn Trung Của mới coong còong coòng, mỗi C bộ binh những 2 đại liên, 2 cối 60ly, mỗi B những 2 B40, 2 B41 và 2 RPD cũng mới cứng cựa luôn, riêng cối 60ly và B41 còn có cả kính ngắm quang học cùng đệm bọc lót chống nóng khi mang vác, RPD có những 3 băng tiếp đạn. Ấy thế mà sau vài trận là tháo vứt bỏ tùm lum, kính ngắm quang học cũng quăng đường kính ngắm, đệm lót cũng ném dáo đi đằng nào cả. Quân số cứ hao dần sau mỗi trận đánh, súng trả về trên đằng súng, người đi 1 2 ít khi quay lại đơn vị cũ trừ mấy ông bị gai cấy xấu hổ nó cào, 1 là về Tây Ninh nhập hộ khẩu nằm nghỉ ngơi vĩnh viễn mà 2 là đi viện ở tận miền Bắc, còn lại thương tật vớ vẩn thì về trại ăn dưỡng sư đoàn nằm vươn thở chờ phân loại, thằng nào "dở hơi" thì dưới 31% thương tật nên quay lại đơn vị "oánh" nhau tiếp, thằng nào trên 31% thương tật thì đá đít cho về luôn, thường bọn này chẳng bao giờ ngoái cổ nhìn lại đơn vị cũ của mình từng một thời cùng anh em sống chết.
 Vì vậy súng ống thừa tùm lum, tất nhiên là sẽ giữ lại hỏa lực chỉ mang trả súng AK, riêng hỏa lực mạnh như đại liên và cối 60ly thì trả bớt mỗi loại 1 khẩu, sau này cũng giải tán A cối 60ly luôn nên súng cũng mang trả nốt chỉ giữ lại khẩu đại liên, quân số chiến đấu về sau này khi xuất kích cũng tòm tèm trên 20 mạng là hết, cũng vì thế đội hình hành quân tác chiến toàn hỏa lực mạnh cả, thằng nào vác AK là loại ngon và có máu mặt ở đơn vị đấy, C trưởng CTV cũng nhét cái "tỏi gà" K54 xuống đáy ba lô hoặc mang trả về D mà đeo AK cho nó hòa đồng với "quần chúng", anh nuôi, quản lý cũng lẵng nhẵng treo trên đầu đòn gánh khẩu AK mà phòng thân. Sau trận đánh, thu súng địch thì anh em chán chả buồn nhận thành tích, thằng nào thu súng địch thì phải viết báo cáo là diệt địch trong hoàn cảnh nào ...vv và người thu súng phải mang vác cho đến khi bàn giao súng lên cấp trên, đã đeo vác nặng trong chiến đấu lại thêm súng địch nữa nên thằng nào cũng chối đây đẩy không chịu mang vác, nhiều khi phải nghĩ kế hủy súng địch đi cho nó đỡ phiền, cách hủy súng cũng đơn giản thôi, chất một đống củi to rồi tháo súng ra mà ném vào đống lửa, nhiệt độ cao là súng nó cong keo hỏng hết, mang ném mỗi thứ mỗi nơi là coi như "thủ tiêu" xong tang vật. Súng và đạn là thứ mà lính không bao giờ thiếu, nhu yếu phẩm thì không có chứ súng đạn thì cứ vô tư. Grin 
Hình ảnh về lễ giỗ 39 liệt sĩ c13 d3 e4 hy sinh ở Phnum Xroc ngày 29/11/1986
Bằng tổ quốc ghi công

Tìm kiếm Blog này