Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Phóng viên chiến trường Nick Út và ‘cô bé napalm’ Kim Phúc

Ngày 8/6/1972 là một ngày bình thường tại miền Nam khi cuộc chiến khốc liệt vẫn diễn ra hàng ngày nhưng, tại Trảng Bàng trên Quốc lộ 1 vào lúc 2g chiều, đó lại là một ngày ‘định mệnh’ đối với 2 người: phóng viên chiến trường Nick Út làm việc cho hãng AP và cô bé Phan Thị Kim Phúc. Định mệnh đã đưa đẩy Nick Út đến khoảnh khắc dùng chiếc máy ảnh Leica M3 ghi lại hình ảnh cô bé Kim Phúc, 9 tuổi, đang trần truồng chạy ra từ đám khói lửa của bom mapalm phía sau lưng.



Sau này, người ta xác nhận trong bức hình lịch sử của Nick Út có 5 đứa trẻ đều trong tư thế chạy trong hoảng loạn, từ trái sang phải, gồm:

(1) Phan Thanh Tâm, em trai của Kim Phúc, đang mếu máo, cặp mắt nhắm tít (sau tai nạn này em bị hỏng một mắt);
(2) Phan Thanh Phước, em trai Kim Phúc, vừa chạy vừa ngoái đầu nhìn lại khói lửa phía sau lưng;
(3) Kim Phúc với bộ mặt vô cùng hốt hoảng, đang gào thét trong những bước chạy với hai cánh tay tựa như một con chim cánh cụt;
(4) Hồ Văn Bốn và (5) Hồ Thị Tùng là chị em bà con với Kim Phúc, đang dắt nhau thoát thân khỏi vùng khói lửa.

Phía sau những đứa trẻ là 4 người lính thuộc Sư đoàn 25 Bộ binh, tất cả cũng đều trong tư thế chạy. Người thứ nhất nhìn xuống mặt đường, người thứ hai chạy vung tay, người thứ ba hai tay ôm súng và người thứ tư cũng đang ngoái nhìn về cùng một hướng với Phan Thanh Phước. Đó là hướng những quả bom napalm đang lần lượt nổ. Lọt lại phía sau cùng trong ảnh là một người lính mờ nhạt chỉ còn là một cái bóng.

Sau cùng là đám khói lửa từ 4 quả bom napalm được thả từ một phi cơ. Người thì bảo đó là máy bay Mỹ, kẻ thì nói là phi cơ thuộc không lực VNCH. Giả thuyết thứ hai có phần đúng hơn vì vào thời điểm năm 1972 quân đội Mỹ đã rút khỏi Việt Nam, không quân Mỹ chỉ yểm trợ cho những trận đánh lớn bằng các phi vụ xuất phát từ Đệ thất hạm đội.

Người ta còn nói đó là một phi vụ ‘oanh tạc lầm’, thả ngay trên đầu ‘phe ta’ nên mới có cảnh tháo chạy hỗn loạn. Mọi người trong ảnh, từ những người lính đến trẻ em, chạy ra khỏi chỗ bom nổ với những khuôn mặt hoảng loạn. Kim Phúc còn hai đứa em nhỏ đã thiệt mạng ngay lúc bom nổ nên không hiện diện trên bức hình.

Kim Phúc được binh sĩ chữa phỏng tại chỗ
bằng nước trong bidông và nước mưa trên đường

Phan Thanh Tâm đưa tay dụi mắt, sau này bị hỏng một mắt

Những đứa trẻ tiếp tục chạy

Bom napalm là loại bom cháy với nhiều cỡ: cỡ nhỏ là các loại bom có khối lượng 6 hoặc 10 pound, cỡ vừa có khối lượng từ 100 đến 200 pound, cỡ lớn có khối lượng 500 đến 750 pound. Bom napalm dễ bốc cháy, khi cháy có khói màu đen, lửa màu vàng và có mùi khét. Nhiệt độ cháy từ 800 – 1.000 độ. Độ bám dính vào vật thể rất lớn và rơi xuống nước vẫn cháy. Với các bom 250 pound, phạm vi gây cháy từ 20 - 30 m.

Bom napalm gây bỏng nặng và bỏng sâu trên thân thể con người. Napalm - còn gọi là ‘phốt-pho trắng’ hay lân tinh - là chất cháy gây phỏng đặc biệt nguy hiểm, có thể giết chết nạn nhân một cách nhanh chóng. Đối với những người sống sót nhưng bị bỏng độ 3, phần da và mạch (vascular dermis) bị thương tổn nặng. Tuy nhiên, các nạn nhân bị bỏng độ 2 do bị dính các giọt napalm cũng sẽ phải chịu rất nhiều đau đớn.

Phan Thị Kim Phúc và bức ản “định mệnh” tại Salt Lake City

Tháng 9/2006 -- 34 năm sau khi bức ảnh nổi tiếng của Nick Út đến với toàn thế giới -- Cô bé Napalm (Napalm Girl) đã trở thành người phụ nữ 43 tuổi với hai con trai, 9 và 12 tuổi. Trước một cử tọa 1.200 người tham dự buổi lễ trao giải Thành tựu nổi bật hàng năm tại Trung tâm YWCA, thành phố Salt Lake, Kim Phúc hồi tưởng lại những khoảnh khắc định mệnh 34 năm về trước:

“Tôi nghe thấy có tiếng bom từ máy bay thả  xuống. Sau đó tôi nhìn thấy lửa cháy khắp nơi quanh tôi. Tôi hoảng sợ. Toàn bộ quần áo của tôi đã bị cháy hết. Tôi thấy da thịt mình bị cháy, còn mọi người thì hét lên “Nóng quá, nóng quá”. Đau đớn không thể nào tưởng tượng được. Nhiều lúc tôi cứ ngỡ mình đã chết rồi. Nhưng sức mạnh sâu thẳm bên trong của một cô gái nhỏ đã giúp tôi vượt qua”.

Cô bé Napalm đã phải trải qua 14 tháng ròng rã sống trong đau đớn với 17 ca phẫu thuật. Mark Gorney, lúc đó là bác sĩ tình nguyện của chương trình ‘giải phẫu thẩm mỹ trẻ em Barksy’ tại Sài Gòn, kể lại lúc ông gặp Kim Phúc: “Cằm của cô bé dính vào ngực vì các vết sẹo và cánh tay trái gần như bị cháy tới xương”.

Theo Kim Phúc, khó khăn nhất đối với cô không phải là vượt qua những đau đớn mà chính là tha thứ cho những người đã bỏ bom ngôi làng và gây ra cho cô nhiều nỗi khổ đau.

“Tôi bị phỏng quá nặng nên phải phẫu thuật ghép da, chủ yếu là lấy da từ vùng chân. Giờ đây tôi vẫn bị đau vì các dây thần kinh đã bị tổn thương. Vì thế, một chỗ đau kéo theo tất cả những chỗ khác”.

“Mọi người bảo tôi là một nạn nhân của chiến tranh, tôi muốn rời bỏ cuộc sống bơ vơ để được sống một cuộc sống hòa bình. Nhưng chính tôi cũng không biết mình muốn gì. Tôi sẽ mãi là một nạn nhân của chiến tranh, tôi hiểu điều đó.

“Mọi người cũng muốn biết tôi sẽ trách cứ ai với những gì đã gây ra cho tôi nhưng tôi không thể giữ mãi hận thù trong lòng. Cuộc sống đã dạy tôi hiểu rằng tha thứ còn mạnh hơn bất kỳ vũ khí chiến tranh nào”.

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí HealthDay, Kim Phúc cho biết cô bị phỏng độ 3, những vết phỏng chiếm 65% cơ thể, nên toàn bộ vùng da ở lưng, tay trái bị cháy xém. Điều còn may mắn là gương mặt không bị ảnh hưởng. Những vết bỏng đã để lại dấu tích vĩnh viễn trên người Kim Phúc và những cơn đau vẫn trở đi trở lại khi trái nắng trở trời.

Mãi đến 10 năm sau vụ nổ, một ký giả người Hòa Lan mới tìm ra tông tích của Cô bé Napalm trong bức hình nổi tiếng ngày nào. Năm 1985, nhân kỷ niệm 10 năm ‘giải phóng’ Sài Gòn, chính quyền đã đưa Kim Phúc ra tiếp xúc với các phóng viên nước ngoài và các hãng truyền hình quốc tế như một “chứng tích sống”, một biểu tượng của “tội ác Mỹ-Ngụy”. Bức ảnh Cô bé Napalm còn được trưng bày trong Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh tại Sài Gòn.  

Bức ảnh được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Sài Gòn

Năm 1986 Kim Phúc được nhà nước Việt Nam đưa sang Cuba để điều trị các di chứng và học ngành dược. Năm 1989, nhóm Hòa Bình Mỹ (American Peace) mời Kim Phúc đến thăm nước Mỹ nhưng vào giờ chót chuyến đi bị nhà cầm quyền hủy bỏ.

Trong thời gian ở Cuba, Kim Phúc gặp Bùi Huy Toàn cũng là sinh viên ngành y. Năm 1992 hai người kết hôn và đi hưởng tuần trăm mật tại Moscow. Trên đường trở về Cuba, máy bay dừng lại tại Newfoundland, Canada, để tiếp nhiên liệu. Lợi dụng cơ hội này, hai người đã xin tị nạn chính trị.

Kim Phúc & con trai Thomas và chồng Bùi Huy Toàn tại Canada

Từ năm 2006, Kim Phúc trở thành Đại sứ Thiện chí của Liên Hiệp Quốc (United Nations Goodwill Ambassador) và là người sáng lập ra Quỹ Kim (Kim Foundation International), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Canada nhằm giúp đỡ những trẻ em nạn nhân chiến tranh.

Kim Phúc trở thành nhân vật nổi tiếng, đi nhiều nơi để nói chuyện về chiến tranh, gặp gỡ nhiều nguyên thủ quốc gia trong đó có buổi gặp gỡ Nữ hoàng Elizabeth II vào tháng 4/2002 cùng với Nick Út. Bảo tàng Khoa học Luân Đôn đã mượn chiếc máy ảnh Leica mà Nick Út từng chụp Kim Phúc để triển lãm trong suốt 20 năm. Có một phim mang tên The Road from Vietnam đã được đạo diễn Shelley Saywell, người Canada, thực hiện về Kim Phúc và cũng có nhiều cuốn sách viết về cô.

Kim Phúc trong vai trò “Đại sứ Thiện chí của Liên Hiệp Quốc”

Nick Út gặp lại Kim Phúc lần đầu tiên tại Cuba năm 1989 và sau này họ thường xuyên liên lạc với nhau. Bức ảnh đã ghi lại khoảnh khắc kinh hoàng của cô bé 9 tuổi nhưng ngược lại cũng đem cho Nick Út nhiều giải thưởng quốc tế như Giải thưởng Nhiếp ảnh lớn nhất châu Âu, giải Pulitzer, Sigma Delta Chi, George Polk Memorial, Overseas Press Club, National Press Club, The Lucie, Associated Press Managing Editors trong năm 1973... Bức ảnh còn được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.

Kim Phúc & Nick Út

Nick Út, tên thật Huỳnh Công Út, sinh ngày 29/3/1951 tại Long An. Cuộc đời phóng viên chiến trường của Nick Út gặp rất nhiều may mắn sau khi đã bị thương 3 lần và nhiều lần thoát chết trong gang tấc. Anh cho biết:

“Trong cuộc đời của phóng viên chiến trường, thoát chết là chuyện chắc chắn đã xảy ra. Lần nào thoát chết cũng nhớ dai! Nhớ có lần, cũng vùng tôi chụp Kim Phúc [Trảng Bàng], xe tôi là mục tiêu cho pháo kích từ trong rừng rậm, xe chạy thục mạng, càng chạy, đạn pháo càng pháo theo…. Đố làm sao quên được”.

May mắn lớn nhất của Nick Út đã phải trả giá bằng cái chết của người anh, Huỳnh Thanh Mỹ, vào ngày 10/10/1965: “Anh ruột tôi, Huỳnh Thanh Mỹ, đang làm cho AP đã bỏ mình trong một chuyến đi tác nghiệp. Lúc đó tôi 16 tuổi, đang làm việc trong phòng tối, tập sự chụp ảnh cho AP nhưng được đánh giá tốt. Khi người anh mất, AP cho tôi thế chỗ và trở thành phóng viên chiến trường. Ở Sài Gòn, AP chỉ có vài người Việt”.

Phóng viên ảnh Huỳnh Thành Mỹ tại Đồng bằng sông Cửu Long
một tháng trước khi tử trận ngày 10/10/1965 

Khi mới vào nghề, tên Út của anh rất khó gọi đối với các đồng nghiệp người Mỹ nên một phóng viên nổi tiếng của AP tên Henri Huet (1) thấy Út nhỏ con bèn đặt cho anh biệt danh “Nick” (bé nhỏ). Từ đó Út được đồng nghiệp biết đến qua biệt danh Nick Út.

Trong một bài phỏng vấn Nick Út của Hoài Hương đăng trên Báo Mới có một chi tiết không thật về Henri Huet qua lời kể của Nick Út: “Cuối năm 1969, trong một kỳ nghỉ ở Hồng Kông, tôi đã nhường suất của mình cho Huet, ai dè đó là chuyến bay định mệnh, máy bay bị nổ ngay khi chưa ra khỏi không phận VN. Tôi đã lấy cái nickname - “bé nhỏ” đó làm tên của mình từ khi ấy để kỷ niệm về người bạn. Và đó là một cái “nick” rất hên với sự nghiệp của tôi” (www.baomoi.com/.../119/4106132.epi).

Tôi không nghĩ Nick Út đã nói đoạn trên vì chắc anh cũng biết rất rõ Henri Huet tử nạn máy bay trực thăng cùng tướng Hoàng Xuân Lãm gần biên giới Lào năm 1971. Tác giả Hoài Hương đã cho Henri chết trước 2 năm so với thực tế. Nick Út không thể nào dựng đứng cái chết của Henri Huet, một phóng viên kỳ cựu của AP và cũng là bậc đàn anh của Nick.   

Nick Út tại Đồi 881, Khe Sanh, gần biên giới Lào

Theo Nick Út, phóng viên chiến trường cũng là một người lính nhưng có điều vũ khí trong tay là máy ảnh: “Tôi nghĩ, phóng viên chiến trường cũng là một người lính, người lính thông tin, muốn có bức ảnh đắt giá thì phải chấp nhận hiểm nguy để tác nghiệp. Có rất nhiều lần tôi đang chụp mà đạn bay vèo vèo, lúc đầu cũng nổi da gà lắm nhưng riết rồi phải quen. Súng đạn ở chiến trường thì đâu có biết ai với ai, lúc tác nghiệp tôi chỉ nghĩ tới bức hình, ý tưởng và cảm xúc của nó để quên đi những nguy hiểm bên cạnh”.

Sau năm 1975, anh định cư tại California và Nick vẫn tiếp tục làm việc cho AP. Với 10 năm kinh nghiệm của một phóng viên chiến trường tại Việt Nam, Lào, Campucia anh đã truyền lại cho các phóng viên trẻ tại chiến trường Iraq một số kinh nghiệm như nên mang theo những loại máy nào và sử dụng ra sao. Anh còn cho biết:

“Khi ở Việt Nam tôi chỉ biết chụp ảnh thời sự và chiến trường, sau đó qua Mỹ, tôi phải chụp những sự kiện có tài tử, ngôi sao hay chính trị gia. Lúc đầu cũng rất khó khăn để tác nghiệp nhưng được bạn bè giúp đỡ nên tôi cứng tay lên rất nhiều. Tôi học hỏi được nhiều và giúp đỡ người khác cũng rất nhiều”.

Nick Út tại Hội thảo Eddie Adams (2) năm 2010

Sau hơn 30 năm xa cách quê hương, Nick Út dự định triển lãm ảnh tại Hội Nhiếp ảnh Sài Gòn vào ngày 1/6/2007, với chủ đề Hai phương trời, Một hướng nhìn cùng với nhiếp ảnh gia Huỳnh Ngọc Dân. Điều đáng tiếc, Đồng Đức Thành, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhiếp, đã ra quyết định “tạm hoãn”.

Từ Mỹ, trong email gửi cho Đồng Đức Thành, có đoạn Nick Út viết: “…Út không trách anh và các anh em, sau khi báo chí trong nước đăng báo về cuộc triển lãm bị hủy bỏ…. Anh Thành, thật sự Út muốn được bình yên, không muốn ai nhắc lại cuộc triển lãm vừa qua, các báo bên quận Cam California họ lấy tin trên báo Việt Nam để đăng lại và viết nhiều việc không tốt, đối với Út cũng không muốn họ phỏng vấn mình. Trước khi rời Việt Nam các đài truyền hình trong nước muốn phỏng vấn Út, mình không cho phỏng vấn…”

Một trong những nguyên nhân chính, theo Nick Út, có lẽ liên quan đến vấn đề chính trị. “Ngay từ đầu, phía Việt Nam nói rằng, họ muốn triển lãm nghệ thuật chứ không phải báo chí”. Nick Út trả lời: “Tôi là một nhà báo. Tôi làm phóng viên cho AP hơn 41 năm. Buổi triển lãm này là báo chí chứ không chỉ là nghệ thuật”.

Nick Út đã quay lại Việt Nam nhiều lần, anh đã từng đến Bệnh viện Từ Dũ để thăm trẻ em dị tật vì chất độc da cam và mới đây vào tháng 4/2010 anh đã có dịp hội ngộ “cựu binh” Tim Page (3) tại Khách sạn Majestic, Sài Gòn.

“June 8, 1972
Trang Bang Village
Kim Phuc 9 year-old girl
South Vietnam drop napalm
in her village
NICK UT”

Mãi đến cuối năm 1973 tôi mới có dịp được coi bức ảnh Cô bé Napalm của Nick Út trong một trường hợp khá đặc biệt. Lúc đó tôi đang trên chuyến bay từ Hoa Kỳ về Việt Nam sau một thời gian du học. Một trong những tạp chí phục vụ hành khách (in-flight magazine) trên chuyến bay đường dài có đăng bức ảnh Kim Phúc trong giây phút những trái bom lân tinh phát nổ.

Tôi đã lặng đi một lúc và sau đó mới trở lại tâm trạng bình thường. Bức ảnh Cô bé Napalm đã đưa tôi trở về với một thực tế phũ phàng: chiếc máy bay đang xa dần thế giới thanh bình để trở về Việt Nam đang oằn mình vì gánh nặng chiến tranh. Phi cơ giảm cao độ để chuẩn bị đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Từ trên cao nhìn xuống, những hố bom chằng chịt trên nền xanh của những cánh rừng. Không biết đâu là hố bom napalm đã trút xuống Trảng Bàng của Kim Phúc?   

Ảnh của Henri Huet, AP

===

Chú thích

(1) Henri Huet (1927 – 10/2/1971): nhiếp ảnh viên người Pháp sinh năm 1927 tại Đà Lạt, cha là người Pháp và mẹ là người Việt. Gia đình Huet về Pháp khi Henri lên 5 tuổi. Khi tham gia quân đội Pháp và được đào tạo ngành nhiếp ảnh, ông trở lại Việt Nam vào năm 1949 như một nhiếp ảnh viên chiến trường cho quân đội Pháp trong Chiến tranh Đông Dương. Sau khi giải ngũ, khi cuộc chiến chấm dứt vào năm 1954, Huet ở lại Việt Nam như một nhiếp ảnh viên dân sự làm việc cho chính phủ Pháp và chính phủ Hoa Kỳ.

Ông trở thành nhiếp ảnh viên cho United Press International (UPI), và sau đó chuyển sang làm việc cho AP vào năm 1965. Những bức ảnh của Huet có ảnh hưởng mạnh đến dư luận tại Hoa Kỳ. Một trong những ảnh đáng nhớ nhất của ông có Binh nhất Thomas Cole, một người cứu thương trẻ của Sư đoàn Kỵ binh I của quân đội Hoa Kỳ, đang săn sóc bạn mặc dù anh ta cũng đã bị thương. Một loạt 12 bức ảnh của ông được đăng trên tạp chí LIFE vào ngày 11/2/1966, với bức ảnh ám ảnh của Thomas Cole được dùng làm bìa của số này. Năm 1967, Overseas Press Club (Câu lạc bộ Báo chí Hải ngoại) đã trao tặng Huet Huy chương vàng Robert Capa.

"Binh nhì Thomas Cole", ảnh của Henri Huet (AP)

Khi Quân lực VNCH tiến vào Lào năm 1971, Huet đi cùng với Tướng Hoàng Xuân Lãm, cùng với ba nhiếp ảnh viên khác, trên một chiếc trực thăng thị sát chiến trường. Chiếc trực thăng bị bắn rơi trên đường mòn Hồ Chí Minh và tất cả mọi người trong chuyến bay được xem như mất tích. Các nhiếp ảnh viên bạn của Huet trên cùng chuyến bay là Larry Burrows (Tạp chí LIFE), Kent Potter (UPI) và Shimamoto Keizaburo (Newsweek). Vào năm 1998, một toán tìm kiếm dẫn đầu bởi Hoa Kỳ đã đào một địa điểm được cho là chiếc trực thăng rơi. Tại đó, họ đã tìm thấy vài mảnh máy bay nhỏ, hai mũ sắt quân đội và vài mảnh phim 35 mm. Không có thi hài nào được tìm thấy.

(2) Eddie Adams (1933 – 2004): nhiếp ảnh gia người Mỹ được biết đến qua các những bức chân dung của các nhân vật nổi tiếng, các chính trị gia, đồng thời là phóng viên chiến trường. Bức ảnh nổi tiếng nhất của ông được chụp khi ông là phóng viên của hãng thông tấn AP trong Chiến tranh Việt Nam: Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia VNCH Nguyễn Ngọc Loan bắn thẳng vào đầu một đặc công Việt Cộng đã bị trói tay trên đường phố Sài Gòn vào Tết Mậu Thân.

Bức ảnh Tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan bắn Nguyễn Văn Lém (Bảy Lốp) ngay trên đường phố Sài Gòn của Adams đã giành được giải Pulitzer năm 1969 cho ảnh sự kiện và Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới năm 1968, tuy nhiên sau đó ông tỏ ra áy náy vì hậu quả đối với cá nhân tướng Loan.



Hội thảo Eddie Adams được tổ chức hàng năm, kéo dài trong 4 ngày là dịp hội tụ các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hàng đầu kèm theo 100 khách mời là những nhiếp ảnh gia mới nổi có thành tích xuất sắc.

(3) Tim Page: Sinh năm 1944 tại Anh, là phóng viên chiến trường cho UPI và AP tại Việt Nam từ năm 1965 đến 1969. Ông là người sáng lập Indochina Media Memorial Foundation (IMMF - Quỹ tưởng niệm báo chí Đông Dương) một quỹ từ thiện phi lợi nhuận để tưởng niệm các nhà báo, các nhà nhiếp ảnh đã hy sinh từ năm 1945 đến 1975 và hỗ trợ truyền thông ở các nước Đông Dương.

Tim Page cũng là nhân vật chính của bộ phim tài liệu Vietnam Unseen War do kênh truyền hình nổi tiếng thế giới National Geographic Television thực hiện. Ông cũng có mặt trong nhiều phim tài liệu khác, đồng thời là tác giả của 9 cuốn sách ảnh trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến cuốn Requiem (Hồi niệm) tập hợp những bức ảnh của các nhà nhiếp ảnh từ hai phía đã hy sinh trong chiến tranh ở Đông Dương.

Sách ảnh của Tim Page về chiến tranh Việt Nam

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 4 – Thời quân ngũ)
Nguồn: Chinhhoiuc

*****

Tìm kiếm Blog này