Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Yuon và người Việt: điều gì trong một tên ngoại dụng?

(bài tham khảo)
______________

Tạp chí talawas số mùa Thu 2009
Chuyên đề “Bao nhiêu chủ nghĩa dân tộc là đủ?”
Kenneth T. So và Sophal Ear 

Phạm Văn lược dịch


Xenonym
xeno “ngoại” + onym “tên”

1. Tên gọi một dân tộc hoặc một ngôn ngữ hoặc một thành phố… không do chính người bản xứ dùng. Chẳng hạn, German là một tên ngoại dụng dùng để chỉ những người gọi chính họ là deutsch, Germans là một tên ngoại dụng để chỉ Deutsche, Cologne là một chữ ngoại để chỉ Köln, Austria để chỉ từ Österreich... (http://en.wiktionary.org/wiki/xenonym)

Người ta nói, “Để hiểu người khác, trước tiên bạn phải hiểu chính mình”. Chúng tôi tin rằng đối với những người ngoại quốc muốn hiểu người Khmer, biết tiếng Khmer và sống ở Cam Bốt1 là cần thiết nhưng vẫn không đủ. Tính cách Khmer [Khmerness] là một phạm trù rộng lớn hơn ngôn ngữ và kinh nghiệm sống ở Cam Bốt. Tính cách Khmer là nói tiếng Khmer, hiểu thành ngữ Khmer, thưởng thức câu nói đùa Khmer cùng những điểm ý nhị của nó, và yêu thích âm nhạc cùng thi ca Khmer. Đó là sự cảm nhận cùng chia sẻ với người Khmer sống ở Cam Bốt. Là người Khmer không phải là đồng nghĩa với Pol Pot. Những việc làm của Pol Pot hoàn toàn phản lại tâm hồn Khmer. Một người Khmer là người hãnh diện với di sản nền văn minh Angkor đã để lại.
Người Khmer từng sống dưới mối đe doạ tuyệt chủng (có lẽ thậm chí đã được chủ nghĩa thực dân Pháp cứu vớt), và đã chứng kiến lãnh thổ Khmer mất vào tay các nước láng giềng hùng mạnh là Việt Nam và Thái Lan. Đây là thực tế trước mặt chúng tôi khi viết bài báo này.

____________________________
1 Lời người dịch: Cambodia được dịch là Cam Bốt, Mien là Miên, trong khi vẫn giữ nguyên Campuchia, Kampuchea, Khmer và Champa… Những chữ trong […] là của người dịch.

Như Yimsut (2005) đã nói:
Những nhận thức này về [kẻ xâm lược] Việt Nam cũng rất đúng về mặt lịch sử. Cái gọi là
‘Kampuchea Krom’ (vùng đất ngày nay là miền nam Việt Nam – bao gồm thành phố Hồ Chí Minh và vùng châu thổ sông Cửu Long), và cựu ‘Vương quốc Champa’ (vùng đất ngày nay là miền bắc Việt Nam [sic]) là hai thí dụ lịch sử về hành động thôn tính và chủ nghĩa bành trướng của Việt Nam.

Bài viết này không có ý định nhìn lại lịch sử quan hệ Khmer-Việt Nam vì đây là một vấn đề rộng lớn.

Kang (2004:5) viết:
Trong giai đoạn 1813-1815, người Việt đã phạm vào việc tàn sát bỉ ổi mà người Khmer nào cũng biết qua cụm từ ‘Prayat Kompup Te Ong’. Họ áp dụng cách tra tấn dã man nhất, theo đó người
Khmer bị chôn sống tới cổ, đầu họ bị dùng để kê nồi đun nước cho các ông chủ người Việt. Khi
các nạn nhân bị phỏng và đau đớn, đầu họ ngọ ngoạy. Lúc ấy những người Việt đang tra tấn họ nói đùa với nhau, ‘Cẩn thận nào, đừng làm đổ nước trà của ông chủ’.


Khi được đề nghị viết về cách người Khmer nhìn người Việt, chúng tôi thấy đây là một việc quá khó để thực hiện trong một bài viết ngắn. Việc này cần nhiều bộ sách. Tạm thời, chúng ta hãy thử xem xét chỉ một chương, vấn đề ngôn ngữ và chữ người Cam Bốt dùng để chỉ người Việt: “Yuon”. Điều này vẫn còn là nguồn gốc gây ra tranh cãi vì nhiều người không phải là người Khmer biện luận rằng chữ “Yuon” hàm chứa bản chất kỳ thị chủng tộc trong cách dùng thông thường của từ này.

Chữ “Yuon” có thể đã bắt nguồn từ chữ “Yueh”, trong tiếng quan thoại của người Trung Quốc dùng để gọi Việt Nam, “Yueh Nam”. Chữ “Nam” nghĩa là phía nam trong tiếng Hán. “Yueh”chỉ tên dân tộc ở vùng đó. Vì thế, “Yueh” nghĩa là Việt hay người Việt trong tiếng Hán, và “Yueh Nam” nghĩa là người “Yueh” ở phía nam. Trong trường hợp này, phía nam là phía nam Trung Quốc. Người miền Nam phát âm là Yeaknam (với âm “Y” [Diệc Nam]).

Chou Ta-Kuan (Zhou Daguan [周達觀, Chu Đạt Quan]), vị sứ giả lừng danh của Trung Quốc đến Cam Bốt vào thế kỷ 13, viết trong báo cáo của ông rằng đã có một số đông người Trung Quốc định cư ở Cam Bốt
vào thời ấy. Ông nói người Trung Quốc thích cuộc sống ở Đế quốc Khmer vì đời sống dễ dàng hơn ở
Trung Quốc. Nhiều đàn ông Trung Quốc cưới vợ người bản xứ Cam Bốt. Chữ “Yuon” có thể lấy từ chữ Hán “Yueh” để chỉ người Việt. Nếu chúng ta ngẫm nghĩ về nó, “Việt” (như người miền bắc Việt Nam phát âm) hay “Yeak” [“Diệc”] (như người miền nam Việt Nam phát âm) nghe rất giống với “Yueh”; và “Yueh”, nghĩa là người Việt, lại nghe rất giống với “Yuon”.

George Coedes, một chuyên gia về Đông Nam Á, tìm thấy chữ “Yuon” khắc bằng tiếng Khmer trên một tấm bia thời Vua Khmer Suryavarman I (1002-1050). Adhémar Leclère, viên Toàn quyền người Pháp đã sống 25 năm tại Cam Bốt, dùng từ “Yuon” rất nhiều chỗ trong cuốn Histoire du Cambodge depuit le 1er siècle de notre ère của ông.

Trong khi đó, chữ “Yuon” được xem như đồng nghĩa với dã man (Roberts, 2002). Thật ra, dã man dịch sang tiếng Cam Bốt là “Pourk Prey” hay “Phnong” (thật không may, cũng là từ để chỉ một bộ lạc sắc tộc thiểu số miền núi sống ở Cam Bốt). Người Cam Bốt gọi người Việt là “Yuon”, cũng giống như họ gọi người Ấn là “Khleung”, người Miến Điện là “Phoumea”, người Pháp là “Barang”, và người Trung Quốc là “Chen”. Tất cả đều là những tên riêng tiếng nước ngoài được nhập vào và chuyển tự sang tiếng Khmer.

Đôi khi người Việt gọi người Khmer là “người Miên” (lẽ ra họ nên dùng chữ “người Campuchia”). Đây là cách gọi không chính xác, vì “Miên” là tên của một nhóm người thiểu số không thuộc sắc tộc Khmer. Theo Mien Network (http://www.miennetwork.com/miencommunity/history.html),
“Người Miên là một nhóm nhỏ của người Dao ở Trung Quốc, bắt nguồn từ phía tây nam Trung Quốc. Theo kết quả điều tra dân số do Viện Nghiên cứu Bộ tộc ở Chiang Mai xuất bản năm 1995, có trên 40.000 người Miên sống trong 173 làng ở phía bắc Thái Lan. Có khá đông người Miên sống ở Lào (85.000 người) và Việt Nam (474.000 người) [hơn ở Cam Bốt], trong khi đa số vẫn ở Trung Quốc. Theo điều tra dân số năm 1990, có khoảng 2,1 triệu người Dao sống ở Trung Quốc.”

Việc này cũng giống như nói một người Anh là người Basque. Về mặt địa lý là hoàn toàn sai, nhưng theo nghĩa rộng khả dĩ chấp nhận được thì có thể là một dân tộc không có quốc gia riêng [a nation without a state]. Vào cuối thế kỷ 17, triều đình Việt Nam ở Huế đổi tên các công chúa Cam Bốt Ang Mei, Ang Pen, Ang Peou, và Ang Snguon, tương ứng qua tên mang âm Việt là Ngọc Vân, Ngọc Biên, Ngọc Tú, và Ngọc Nguyên. Phnom Penh cũng được biết trong tiếng Việt là Nam Vang. Thật vậy, món hủ tíu Phnom Penh lừng danh của chúng tôi được quảng cáo khác đi bằng tiếng Việt là “hủ tíu Nam Vang”. Trong khi đó, chúng tôi gọi Châu Đốc và Sài Gòn (bây giờ là thành phố Hồ Chí Minh) là Moat Chrouk và Prey Nokor. Đây là hiện tượng tương đương trong cách dùng khi như chữ “Yuon”, một tên ngoại dụng.

Chúng tôi phỏng đoán rằng sự lẫn lộn về chữ “Yuon” bắt nguồn từ sự tồn tại của chữ “(người) Việt”. Điều gây nên hiểu lầm là người Khmer chọn cách dùng chữ “Yuon” thay vì chữ “(người) Việt” đã khiến cho người không phải gốc Khmer có ấn tượng là chúng tôi kỳ thị chủng tộc. Nói như thế cũng tương tự như nói người nào dùng chữ “người Cam Bốt” thay vì chữ “người Khmer” là kỳ thị chủng tộc.

Khi chúng tôi nói tiếng Khmer thì dùng chữ “Viet Nam” sẽ rất ngọng nghịu, nghe không thuận tai, và chữ “người Việt” thậm chí còn khó nghe hơn. Tuy nhiên, khi chúng tôi nói tiếng Anh hay Pháp, dùng chữ Vietnamese hay Vietnamien có vẻ tự nhiên hơn, và dùng chữ “Yuon” lại trở nên ngọng nghịu.

Chẳng hạn, nếu chúng tôi muốn nói “ngư phủ phần lớn là người Việt”, và nếu cả hai chữ “Yuon” và “người Việt Nam” đều được dùng trong câu tiếng Khmer, kết quả sẽ như sau: “Pourk Neak Nisart Trey Keu Chreun Tè Youn” hoặc “Pourk Neak Nisart Trey Keu Chreun Tè Choun Cheat Vietnam”. Như trong ví dụ này, ta thấy cần nhiều âm tiết hơn khi dùng chữ Việt Nam để diễn tả người Việt, vì chúng tôi phải nói

“Choun Cheat Vietnam” (dịch sát từng chữ là ”Quốc tịch Việt Nam”) để tả một người Việt. Chúng tôi không thể nói "Pourk Neak Nisart Trey Keu Chreun Tè Vietnam", vì từ Vietnam để chỉ một nước. Trong tiếng Khmer, chữ người Việt thực ra không có, trừ phi dùng chữ “Yuon”.

Trong ngôn ngữ Khmer, hiếm khi có một từ kỳ thị chủng tộc để gọi các dân tộc khác. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có ngôn từ khiếm nhã. Ngược lại, khi muốn tỏ ý thiếu tôn kính đối với ai, chúng tôi thêm một tính từ “A” trước chữ định dùng. Nếu chúng tôi nói “A Yuon” thì đó là dấu hiệu thiếu kính trọng, nhưng không nhất thiết là câu nói kỳ thị chủng tộc. Để tỏ ý kỳ thị chủng tộc, phải dùng những chữ như sau: “A Katop” (tựa như đánh đồng một người Việt với cái tã lót), “A Gnieung” (có thể là một cách chơi chữ với họ Nguyễn thường có của người Việt), hoặc “A Sakei Daung” (đánh đồng một người Việt với cái vỏ dừa). Một số người có thể so sánh chữ “Yuon” với chữ “Nigger”, nhưng so sánh này là thái quá và không mang tính lịch sử. Dù thế nào đi nữa, gọi một người sống thời 1860 là kỳ thị chủng tộc khi người ấy dùng chữ “Nigger” là không đúng về mặt lịch sử. Hồi đó, cách nói này là thông lệ, rồi về sau trở nên không hợp thời nữa.

Nguyên cớ duy nhất cho lời phê phán chữ “Yuon” là vào thời Lon Nol (Cộng hoà Khmer 1970-1975), từ “Yuon” quả thật bị dùng theo cách khinh miệt lúc tấn công người Việt. Vì thế, từ “Yuon” mang nghĩa xấu trong thập niên 1970, và nghe nói là bị cấm dùng trong thập niên 1980 khi Cam Bốt bị Việt Nam chiếm đóng. Món canh chua Việt Nam “samlar machou Yuon” trở thành “samlar machou Vietnam”, nhưng đến thập niên 1990 lại mang tên cũ. Tất nhiên, Khmer Rouge cũng dùng chữ “Yuon”, như khi họ gọi United Nations Transitional Authority in Cambodia (UNTAC, [cơ quan giám sát tổng tuyển cử tại Cam Bốt do Liên hiệp quốc bảo trợ thành lập năm 1991]) là Yuon-TAC, ám chỉ cơ quan này thực tế là tay sai của Đảng Nhân dân Cam Bốt được Việt Nam hậu thuẫn. Nhưng như đã nói, chỉ vì Khmer Đỏ và chính quyền Lon Nol thời Cộng hoà Khmer đã cưỡng đoạt từ ngữ ấy, không có nghĩa là nó phải bị loại ra khỏi ngôn ngữ hàng ngày.

Nếu chúng tôi nói tiếng Khmer và gọi người Việt là “A Katop”, khi ấy sẽ bị xem là mang nội dung xúc phạm và kỳ thị chủng tộc. Nếu chúng tôi nói “Pourk Yuon” hay chỉ nói “Yuon”, nghĩa là dân tộc Việt Nam hay người Việt, khi ấy không có lý do gì để lên án chúng tôi vì đã nói như thế. Nếu chúng tôi nói “A Yuon”, xin nhắc lại cũng không hẳn là kỳ thị chủng tộc, nhưng chắc chắn là từ ngữ để tỏ sự thiếu tôn trọng đối với một người Việt Nam nào đó, cũng như “A Khleung”, “A Phoumea”, “A Barang”, và “A Chen”, đều là một từ khiếm nhã thêm vào một từ mô tả bình thường.

Chẳng hạn, khi một người Khmer nói “Lombol Yo, Tveu Oy Ahgn Lours Proleung”, đại khái có nghĩa là “đồ quỷ, mày làm tao sợ mất vía”. Bây giờ, nếu tôi thêm “A” phía trước câu như sau “A Lombol Yo, Tveu Oy Ahgn Lours Proleung”, khi ấy nghĩa trở thành thô tục, tương đương như nói, “đồ chó đẻ, mày làm tao sợ mất vía”.
Tựa như vụ Taliban phá huỷ các bức tượng Phật, Touch (2003) viết:
Để người Việt chấp nhận một từ khác, từ ‘yuon’, và hiểu rằng từ này không miệt thị và không đê tiện có lẽ sẽ dễ hơn và ít tốn kém hơn là buộc người Khmer bỏ nó, một việc có thể đòi hỏi phải phá huỷ câu khắc đã tồn tại 1000 năm [trên tấm bia của Vua Khmer Suryavarman I] (hoặc ít nhất là làm mờ bớt đi cái chữ mang tính ‘xúc phạm’ trong câu khắc đó) cũng như phải huỷ tất cả từ điển tiếng Khmer.

Tài liệu tham khảo
Chou Ta-Kuan, The Customs of Cambodia, The Siam Society, Bangkok, Third Edition, 1993, do Paul Pelliot dịch từ bản dịch tiếng Pháp của J. Gilman d'Arcy Paul.
George Coedes, The Indianized States of Southeast Asia, do Walter F. Vella biên tập và Sue Brown Cowing dịch, University of Hawaii Press, Honolulu, 1968.
Kang, Pol (2004). “Vietnam’s Expansionism in Indochina: Strategies and Consequences on the Regional Security,” People’s Lively Voice, May. Truy cập ngày 3 tháng 9, 2009. http://devaraja.free.fr/khcrucial-event/viet- expansionism/viet-expansionism01.pdf
Leclère, Adhémar (1914). Histoire du Cambodge depuit le 1er siècle de notre ère, Paris: Librairie Paul Geuthner. Truy cập ngày 3 tháng 9, 2009.
http://books.google.com/books/download/Histoire_du_Cambodge_depuis_le_1er_si c.pdf?id=g4p5AAAAIAAJ&outp ut=pdf&sig=ACfU3U0sUzogNV2PIBpIgtHfxKyXqBFlew&source=gbs_v2_summary_r&cad=0
Roberts, David (2002). “Cambodian coverage deserved critical review,” Washington Times, 13 September. Truy cập ngày 3 tháng 9, 2009. http://www.khmerinstitute.org/musings/mu4.html#10
Touch, Bora (2003). “The Term 'Yuon' and Its Political Manipulation,” Khmer Connection, Home > Channels > Politics
> Opinion, 16 February. Truy cập ngày 3 tháng 9, 2009. http://www.khmer.cc/channels/0,4,37,01,6856.html
Ung, Bun Heang (2009). "Mutual Friends," Sacravatoons no. 1432, 7 June. Truy cập ngày 3 tháng 9, 2009. http://sacrava.blogspot.com/2009/06/sacravatoons-no-1432-mutual-friends.html
Ung, Bun Heang (2008). "The Indochina's Emperor," Sacravatoons no. 1042, 7 July. Truy cập ngày 3 tháng 9, 2009. http://sacrava.blogspot.com/2008/07/sacravatoons-no-1042-indochinas-emperor.html
Yimsut, Ronnie (2005). “Vietnam: Was It Liberation or Invasion?” online essay, 2 June. Truy cập ngày 3 tháng 9,


(TC lượt bỏ 1 ảnh minh họa)
__________________________________________________________


bachkhoatrithuc.vn

Tại sao người Khmer gọi người Việt Nam là “Duôn''?,

            ĐỘC GIẢ: Tại sao người Khmer gọi người Việt Nam Là Duôn?
            AN CHI: Người Khmer gọi người Việt Nam là yuôn còn người Chàm thì gọi là ywan. Nhiều dân tộc ở Tây Nguyên cũng chịu ảnh hưởng của tiếng Khmer hoặc tiếng Chàm mà gọi người Việt bằng những tên tương tự. Yuôn là dạng tiếng Khmer còn ywan là dạng tiếng Chàm của tiếng Sanskrit yavana. Trong bi ký cổ xưa bằng tiếng Sanskrit, người Chàm đã gọi người Việt bằng cái tên yavana này. Vậy yavana là gì? Dictionnaire sanskrit-français của N.Stchoupak, L.Nitti và L.Renou (Paris, 1932) đã đối dịch từ này như sau: ''étranger, barbare”. Một vài học giả và nhà nghiên cứu vì hiểu nhầm barbare là ''dã man” nên đã vội vàng tránh né cái nguyên từ yavana đích thực mà đi tìm cho yuôn, ywan một ''nguyên từ” khác, đương nhiên là hoàn toàn xa lạ.
            Sự thật thì barbare ở đây đồng nghĩa với étranger. Cái nghĩa đó đã được Nouveau Petit Larousse en couleurs (édition 1969) cho như sau: ''Etranger, qui appartient à une autre civilisation nghĩa là ''dị chủng, thuộc về một nền văn minh khác”. Xét theo định nghĩa này, người Khmer và người Chàm là đồng văn với người Ấn Độ và đồng văn với nhau. Còn người Việt và người Nhật là đồng văn với người Trung Hoa và cũng đồng văn với nhau. Rõ ràng người Việt Nam là người ''dị văn" với cả người Khmer lẫn người Chàm. Vậy hoàn toàn chẳng có gì lạ nếu họ gọi chúng ta là yavana, Khmer hóa thành yuôn và Chàm hóa thành ywan, tức là những kẻ ''dị văn”.
_______________

Tham khảo thêm giải đáp của Học giả An Chi về: Cao Miên - Mang Khảm - Campuchia

Tìm kiếm Blog này