Phan Cẩm Thượng
Tạp chí Tia Sáng
Lỗ Tấn từng viết về những người nhà quê của A Q thái hành dài bằng đốt ngón tay, trong văn chương Tự lực văn đoàn cũng có những cảnh hài hước khi muốn chế giễu những người được cho là quê mùa nào đó, ví dụ cho một anh nông dân nhảy đầm. Từ hoang dã đến con người hiện đại là quãng thời gian hàng vạn năm, rất nhiều hành vi đã ngưng đọng lại không bao giờ thay đổi nữa. Đó chính là cử chỉ thông thường của một dân tộc, không bao giờ đánh giá theo thang giá trị đẹp hay xấu.
Cũng giống như tất cả người Việt khác, tôi ít khi để ý đến hành vi thường ngày của mình, nhưng dần dà cũng có những phân biệt nhất định, nhất là khi đi sơ tán, tôi thấy người sống ở nông thôn có những cách hành xử khác với người ở thành thị. Tiếp xúc với những người thuộc các sắc tộc khác nhau, lại thấy những hành xử khác nữa, rồi gặp người nước ngoài lại là một cách sống khác. Cái gì tạo nên những phong cách sống, như một số người có đầu óc kỳ thị thường phân biệt giữa người nhà quê và người thành phố, giữa người da trắng và người da màu, mà về bản chất nó không phản ánh sự tốt xấu, sang hèn chỉ là hệ quả của cả hành trình dân tộc.
Bà tôi và những cụ già khác thường nhai trầu bỏm bẻm, khi răng yếu các cụ có chiếc cối nghiền trầu nho nhỏ và ngoáy vào đó suốt ngày. Tôi thấy một cụ già nhờ nhà sư chùa làng nhai trầu hộ, rồi bà ăn sau, một hôm nhà sư bận nên nói bà nhờ cô gái này này. Bà cụ bảo: Cô này miệng hôi tôi không ăn được. Nhà sư: Miệng tôi mới hôi, còn miệng các cô ấy thơm lắm. Bà cụ nói: Các thầy là người tu hành nên khí chất thơm tho, còn các cô ấy có tu gì đâu mà thơm hay hôi. Như vậy cách quan niệm của các cụ già xưa thật khác thường, đạo đức quyết định tất cả những phẩm chất còn lại, mà thực tế thì không hẳn như vậy. Dưới cái mũi của con người động vật nói chung rất hôi hám, nhưng chúng không liên quan gì đến giá trị thiện ác cả, và nếu có thì động vật rất thiện so với con người. Lỗ Tấn cũng viết một cách hài hước rằng có lẽ mồ hôi của cô tiểu thư thành thị thì thơm hơn mồ hôi của anh công nhân chăng?
Nụ cười thiếu nữ. Bưu ảnh Pháp đầu thế kỷ XX.
Hay cười, xỉa răng, ngồi xổm là ba hành vi đặc trưng của người Việt, dù ngày nay đã thay đổi chút ít.
Gặp bất cứ ai, dù không quen biết, người Việt có thói quen hay cười, rồi cả quen nhau rồi, mỗi khi kết thúc công việc gì đó lại cười. Bắt tay cười, mua hàng cười, nói chuyện cười, xem đám đông cười, thắng lợi cười, thất bại cũng cười... nghĩa là cười ở bất cứ đâu, với bất cứ ai, trong đó có cả cười một mình và lẩm bẩm một mình. Cười trở thành một thói quen bắt đầu cho một giao tiếp, đến nỗi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cho rằng hay dân tộc mình còn trẻ con. Cái cười này không nhất thiết bộc lộ niềm vui, nó giống như lời chào thôi, để kết thúc một việc, nhất là khi gặp gỡ quan lại sai nha xưa để giải quyết hành chính, cười còn có tính nịnh nọt, nhằm lấy lòng cho được việc. Song trong cuộc sống thường nhật, không nhất thiết phải cầu cạnh ai người ta vẫn cười, điều đó cho thấy cười đã trở thành một hành vi vô thức, không nhất thiết phải có việc hay thái độ gì. Cười là sự tự kỷ của người Việt.
Xỉa răng chỉ là một việc rất nhỏ sau khi ăn của người Việt, nhưng được người phương Tây nhìn nhận như một đặc trưng tính cách, như trên đã dẫn, họ cho rằng người Việt hay ăn cỗ, và ai ăn xong rồi thì được đánh dấu bằng một cái que cắm vào mồm. Hầu hết người Việt lớn lên đôi chút là chân răng thường hở, khiến cho khi ăn thức ăn giắt vào kẽ răng và phải xỉa răng. Tập tục ăn trầu có chất vôi và nhuộm răng đen làm cho răng chắc khỏe, với những ai giữ được thói quen truyền thống này thì có thể giảm xỉa răng. Tuy nhiên trong quá khứ, thuốc đánh răng và bàn chải chỉ xuất hiện khi người phương Tây sang, còn người Việt cổ chỉ có xúc miệng bằng nước chè, rượu, đánh rằng bằng than hay múi cau khô. Ngoài bốn mươi, sự lão hóa bắt đầu và răng bắt đầu rụng cũng như doãng ra, người ta buộc phải xỉa răng. Người Việt cổ già tương đối sớm, cũng như lập gia đình sớm. 50 tuổi là ra đình lên lão, 60 tuổi là hết vòng hoa giáp có thể chầu trời, 70 tuổi là rất hiếm. Tục xỉa răng không phổ biến ở người phương Tây và ngay cả người Trung Hoa, nên được coi là cử chỉ riêng của người Việt. Xỉa răng sau khi ăn thực ra liên quan đến cách thức nấu nướng hằng ngày. Chúng ta không rõ thời trung cổ người phương Tây ăn những tảng thịt nướng to tướng thì họ sẽ xử lý răng miệng thế nào, nhưng về sau nhiều các đồ ăn phương Tây chuyển sang hầm nhừ, bộ răng không quá vất vả. Món ăn Trung Hoa cũng vậy, không nhiều đồ luộc như Việt Nam. Người Việt ăn nhiều chất sơ và đồ luộc, chất sơ từ rau cỏ, lại ăn nhanh và không nhai kỹ, lại luôn mồm nói chuyện trong khi ăn, nên luôn làm cho bộ răng ngứa ngáy. Vả lại đàn ông xỉa răng để nói nốt câu chuyện tào lao rồi uống trà, đàn bà che miệng xỉa răng lộ vẻ kín đáo.
|
- Ngồi khoanh chân xếp bằng như tọa Thiền là tính cách riêng của người phương Đông. Đầu gối người phương Tây do quá trình sống riêng rất khó gập được như vậy. Nhưng ngay cả người phương Đông hiện đại không phải ai cũng ngồi xếp bằng được, bởi thói quen mới ngồi duỗi chân với bàn ghế cao và bệnh béo phì, còn người xưa ngồi chiếu là phổ biến. Cái chiếu phổ biến đến mức nó trở thành khái niệm tượng trưng, xác định vị thế xã hội của con người. Người ta gọi là hộ tịch, tức là góc chiếu của gia đình và cá nhân nào đó, trong đó hộ là cái cửa nhà, cái nhà, còn tịch là cái chiếu. Người đứng đầu gọi là chủ tịch, nhưng người khác gọi là tịch viên. Và người có mặt nhưng không có quyền như những người trong cuộc khác thì gọi là liệt tịch. Liệt tịch bao gồm cả con ngựa ta cưỡi đến dự một cuộc khai hội (họp), nghĩa là chúng có đến cùng với chủ nhưng không được quyền phát biểu. Ra đình bạn sẽ được ngồi xếp bằng trên một góc chiếu, đó là vị thế của bạn. Có chiếu trên chiếu dưới phân cấp. Chiếu trên thì gần bàn thờ Thánh, càng xa bàn thờ thì càng là chiếu thấp, thấp nữa là chiếu ngoài sân đình. Riêng những người làm mõ thì ngồi chiếu riêng, ăn mâm riêng được coi là những người hạ đẳng xuất thân từ dân ngụ cư. Chiếu cao hơn thì cỗ cũng to hơn, nhiều món hơn. Kẻ thấp sẽ ghen tức vì mâm kẻ cao thật nhiều sơn hào hải vị. Mới có câu Bầu dục không đến bàn thứ tám. Cái văn hóa góc chiếu giữa đình này chưa hề mất đi, ngày nay nó được thay thế bằng văn hóa phong bì, nghĩa là ăn tiệc sẽ như nhau, nhưng tiền thưởng theo đẳng cấp.
Những người yoga và những bậc Thiền sư dùng ngay thế ngồi xếp bằng đặc trưng làm kỹ thuật tu luyện, hoặc bắt chéo cả hai chân lên nhau (gọi là kiết già toàn phần), hoặc bắt một chân (kiết già bán phần) và đưa vào đó ý nghĩa mới của sự thanh tĩnh hướng nội. Cái bệ rạc nhất trở thành cái cao khiết nhất trong nháy mắt trong cùng một cử chỉ, và vì thế ngồi xếp bằng được coi là một đặc trưng phương Đông về sự an tĩnh đàng hoàng. Ở Trung Hoa, phổ biến trong thời Tần Hán là cách ngồi quỳ đầu gối, bàn ghế chưa đóng vai trò nhiều, trừ chiếc bàn thấp để uống rượu đàm đạo. Cách ngồi quỳ đã từ lâu lui vào dĩ vãng ở Trung Quốc thì vẫn còn thịnh hành ở Nhật Bản nhiều thế kỷ sau. Những người du mục Mông Cổ luôn ngồi tư thế thõng chân trên mình ngựa, khi xuống đất hoặc ngồi khoanh chân hoặc ngồi cao thõng chân xuống đất. Tất cả những tư thế trên có nguồn gốc sinh hoạt của nó, mà người Việt không có. Quỳ lạy được dùng trong tế lễ, yết kiến vua quan, không thật phổ biến trong sinh hoạt. Đại bộ phận nông dân thích ngồi xổm, tức là ngồi gập đầu gối, đít kê hòn gạch hoặc ghế đẩu, hoặc ngồi không, hoặc ngồi bệt. Ăn và ỉa đều ngồi xổm, riêng ăn thì là tư thế thông thường trong chiến tranh, cái dạ dày luôn bị ép lại, cũng phù hợp với nguồn thức ăn không dồi dào. Và ngồi xổm để đại tiểu tiện cũng dễ cho con người. Cho đến ngày nay, nông thôn đã xây nhà vệ sinh hiện đại, nhưng người ta vẫn ngồi chồm hổm trên đó.
Mất nhiệt cả ngày vào mùa đông, chịu nóng ẩm vào mùa hè, xương cốt khí chất người Việt ngày càng lỏng lẻo dù mới qua tuổi ba mươi. Họ luôn có tư thế so vai rụt cổ, khi ngồi trên ghế tựa, thỉnh thoảng phải co cả hai chân lên ôm gối. Khoa xem tướng nhận định rằng những người đầu gối quá tai ( tư thế ngồi xổm ) là tướng bần hàn suốt đời. Khi viết về người Trung Quốc, người phương Tây nhận xét rằng người Trung Quốc ít khi nhìn thẳng, hay cúi đầu cụp mắt, hệ quả của hàng ngàn năm phong kiến nô dịch. Cúi đầu, lom khom, rụt rè...thực ra là hành vi phổ biến ở người phương Đông bình dân xưa. Những tư thế ăn vào máu con người, vào thời hiện đại, khi không sợ ông vua nữa, thì họ cũng không tự tin khi đứng trước người phương Tây. Thế rồi hình thành một loại người đứng trước người Tây thì như nô lệ, đứng trước người ta lại như thực dân.
Dáng người thấp nhưng đậm, cơ bắp khỏe, người nông dân xưa đi lại luôn có xu hướng chúi về đằng trước. Dáng đi này chịu ảnh hưởng của việc liên tục gánh gồng. Gánh nước, gánh thóc, gánh củi, gánh rau cỏ, gánh phân...từ trẻ con đến người già không ai không phải làm. Đôi vai trở nên vạm vỡ, cơ ngực cũng nở nang, trừ những thời kỳ đói ăn dài, người phụ nữ Việt có bộ ngực nở hơn phụ nữ Hoa. Một số làng thay vì gánh thì đội thúng trên đầu, nhất là các bà đồng nát, nhưng người Việt cũng không thể đội lọ như những người Ấn Độ - Khmer. Người Việt cũng không quen gùi trên lưng như những sắc tộc miền núi, mà sở trường là gánh nặng và đi đường xa. Kéo xe, thồ hàng bằng xe kéo, hoặc bằng xe đạp ( thế kỷ 20 ) cũng là thói quen lao động. Chân giã gạo, tay xay cối, vai gánh nặng, lội đồng, bơi sông, trèo cây hái củi...những hành vi thường ngày có tác dụng rèn luyện sức khỏe và uốn nắn cơ thể có những thói quen ứng xử nhất định, nên khi không lao động nữa người Việt thích ngả ngốn, tưởng chừng không theo một tư thế nào nhất định, nhưng thực ra vẫn là ngồi xổm, gác chân lên bàn hoặc lên ghế, sờ soạng linh tinh, nghiêng bên nọ, ngả bên kia và thay đổi tư thế liên tục. Họ vừa thiếu lại vừa thừa năng lượng. Khí hậu nóng ẩm hay thay đổi, nhiều ruồi muỗi, khiến ai nấy luôn tay gãi và quạt. Tất cả những điều này cộng lại cho thấy rất ít người Việt có khả năng ngồi yên một chỗ năm sáu tiếng, làm nghiên cứu khoa học kiên trì ngày này qua ngày khác, theo đuổi một mục đích duy lý dài lâu. Trong suốt một ngàn năm phong kiến chỉ có hai người có khả năng ấy mà trở thành nhà nghiên cứu duy nhất, đó là Lê Quý Đôn và một người gần được như thế là Phan Huy Chú.
Người Việt cổ vốn ít râu và lông trên người, như lông chân, lông tay, còn lông ngực rất hạn hữu. Quá trình lội bùn cày cấy và mò cua bắt ốc, những lỗ chân lông gần như bị bịt hết, lớp da của họ nhẵn thín như tráng lên đó một lớp màng ni lông nâu bóng, do vậy khả năng đổ mồ hôi khi trời mưa nắng và nóng do lao động rất chậm, trừ khu vực đầu. Đặc điểm này giúp cho cơ thể người nông dân tránh bị cảm nắng khi lội nước dầm dề, nhưng lại thường gây chướng khí trong bụng. Người Việt do đó hay bị đầy hơi chướng, hay đánh rắm bừa bãi, hay khó tiêu. Cho nên theo truyền thống phần lớn thức ăn đem luộc ít xào nướng bằng dầu mỡ và các loại ẩm thực đặc sản rất thanh nhẹ, như bánh gio, bánh cuốn, bánh tẻ. Nếu ăn xong bị đầy bụng, người ta nếu là đàn ông thường véo bảy cái vào bụng và mỗi lần véo thì hú lên một hú, còn đàn bà thì véo chín cái. Trừ tóc và bộ phận sinh dục, thì bao nhiêu lông sót trên người, người ta có xu hướng vặt bằng sạch, như lông nách. Bộ tóc được chăm chút hằng ngày, chải bằng lược thưa và lược bí răng dày. Bẩn thì gội bằng bồ kết nướng. Cả đàn ông và đàn bà đều không cắt tóc, cứ để dài, rồi búi tròn trên đỉnh đầu (gọi là Nhục kháo). Nhưng ông đồ thì chau chuốt hơn, mai tóc vắt lên tai, gọi là mai gọng kính còn móng tay có vài người không bao giờ cắt, để dài tới vài chục phân. Tất cả tóc rụng, móng tay móng chân đều phải nhặt lại. Móng sừng thì cho vào cái túi nhỏ, tóc lại thường giắt vào liếp, có thể dùng đánh gió khi cảm. Khi nào chết người ta gom tóc và móng sừng để vào áo quan. Đó là một phần của trời đất và mẹ cha cho mình không được phép vứt bỏ.
Người Việt không ưa đàn ông trẻ mà để râu. Râu ria chỉ được phép để khi ngoài 40 tuổi. Nghề cạo râu, sửa tóc, lấy ráy tai có khá sớm, riêng môn cắt tóc chỉ thịnh hành khi phong trào Duy tân và Đông kinh nghĩa thục kêu gọi đổi mới. Còn nhổ lông trên người và nhổ tóc sâu, bắt chấy người ta thường làm giúp nhau như bầy khỉ. Dẫu vậy từng người một, người Việt vẫn tự ngó ngoáy vào cơ thể mình cả ngày. Ngoáy mũi, ngoáy lỗ tai, gãi đầu, nhổ lông nách và ngửi nách, quạt phành phạch. Nếu có đàn bà con gái đứng quanh thì cũng tròng ghẹo, phát vào mông, véo má, véo tai, nếu là trẻ con người ta hay cắn nhẹ vào tay và má. Tất cả các hành vi này đều mang tính vô thức, giải tỏa năng lượng thừa, tạo niềm vui trong cuộc sống thường nhật và gắn kết cộng đồng. Ai không như vậy lại thường không được ưa lắm.
Ở phương Tây nếu không phải người đồng tính người ta rất kị người cùng giới chung phòng hoặc chạm vào nhau. Số người đồng tính ở Việt Nam trong quá khứ không nhiều, trừ những người có căn đồng mà chúng ta có thể bàn sau, nhưng hiện tượng người cùng giới sống thân mật là phổ biến. Đây là một tính cách dân tộc và rất lành mạnh không liên quan gì đến đời sống tính dục. Khi bạn bè thân nhau, người ta hay thích ngủ chung giường và trò chuyện suốt đêm. Khi Khổng giáo phát triển, người ta rất kị việc nam nữ chung sống đặc biệt chưa hôn thú. Ngay với trẻ con cũng vậy, nếu đi đâu xa phải ngủ tập thể, thì nam nằm với nam, nữ nằm với nữ. Trong lối đào tạo Quan họ cổ, trẻ con lên bảy lên tám tuổi, đến nhà ông trùm bà trùm ( những bậc thầy hát Quan họ ) học hát và ngủ đêm luôn ở đó, gọi là ngủ bọn, các bé trai ngủ ở nhà ông trùm, các bé gái ngủ ở nhà bà trùm. Tuy vậy trong giao tiếp hằng ngày, người Việt không ôm hôn, không bắt tay, chào nhau thì cúi đầu, ngả mũ hoặc giơ nón mũ lên cao, đi ra xa thì vẫy tay. Con cái lớn không đứng gần và đứng trước cha mẹ, học trò luôn đi sau thầy, vợ đi sau chồng, trước mặt người lạ luôn giữ một khoảng cách, khoảng cách đó kể cả với chồng. Ở nhà thường nhật hai vợ chồng có thể ngồi cùng mâm, nhưng nếu có khách đến chơi, thì vợ và các con xuống bếp ăn, mâm trên nhà chỉ có ông chủ nhà và khách. Khi chủ nhà đi vắng, người con cả sẽ ngồi tiếp thay bố, chứ mẹ thì không. (Lưu ý rằng những tính cách ứng xử này trong thời chưa ảnh hưởng văn minh phương Tây, không phải là hiện nay).
|
- Có lần dẫn một người bạn nước ngoài đi xem bảo tàng, anh ta thắc mắc trong các chạm khắc đình làng luôn có hình ảnh con người ngửa mặt lên trời hoặc cúi gằm xuống đất. Tôi đã xem điêu khắc đình làng nhiều lần nhưng chưa bao giờ nảy ra câu hỏi như vậy, bèn trả lời cho qua chuyện, cái này cũng giống như điêu khắc Gothic ở phương Tây, con người luôn chỉ có hai tư thế ngửa mặt lên trời cầu Thiên chúa, và cúi mặt xuống đất nhẫn nhục. Có lẽ hình ảnh con người trong chạm khắc cổ Việt Nam phản chiếu một vấn đề khác không có tính tôn giáo như nghệ thuật Gothic. Sự nhẫn nhục, phục tùng là phổ biến trong tính cách bình dân phương Đông cổ, hằng ngày, trong nghệ thuật, và cả ngày nay cũng chưa hết như vậy. Song ngửa mặt lên trời lại không phải là hành vi phổ biến, trong nghệ thuật nó chỉ là biểu hiện sự vui đùa thôi, nó thể hiện sự không coi cái gì ra gì (nhất thời), sự chế nhạo, tự tâng bốc và thỏa mãn với bản thân mình, sự điên rồ tùy hứng, bởi không mấy khi hào sảng như vậy.
- Nịnh hót, xun xoe, khúm núm là hành vi hay là phẩm chất, hay đôi khi là cả hai, thì cũng rất thông thường ở người Việt. Mặc dù không ai thích như vậy, nhưng ít ai tránh khỏi vì đó là một tính cách bản năng mất rồi. Người phương Tây sang Việt Nam thế kỷ 17, 18 nhận xét rằng gặp quan lại Việt Nam không thể không có quà biếu. Trao và nhận quà biếu cũng là một tính cách dân tộc có liên hệ mật thiết với sự nịnh hót, khúm núm nói trên. Biểu cảm như thế nào còn là tùy hoàn cảnh và con người cụ thể. Hoặc may hai chiếc áo có hai vạt khác nhau như truyện dân gian về một ông quan. Lúc gặp quan trên thì mặc áo vạt trước ngắn, vì phải cúi mình, lúc gặp dân đen thì mặc áo vạt sau ngắn vì ưỡn bụng vênh vang. Cúi lưng, xoa tay, ngửa mặt đớp lời quan khách, cười nhạt nhưng niềm nở, mắt hấp háy, chân nam đá chân siêu, luống cuống làm việc nọ xọ việc kia, bưng chén hai tay, đuổi ruồi cho ngài, sửa vạt áo cho ngài, xếp lại giày cho ngài, pha trà hảo hạng, mở chai rượu mới nhãn hiệu Napoleon, ngọt giọng bảo vợ đun lại nước sôi, gọi con gái xinh đẹp ra chào khách, khen ngài dạo này trẻ khỏe, hơi gầy, nhưng nom tướng rất phát, ta thán về sự bận bịu của ngài lo việc dân việc nước... Riêng về đề tài này chỉ liệt kê chắc được một bài dài năm bảy trang.