Hậu Khảo Cổ
Gần 20 năm trước, hồi học Nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Viện KHXH vùng
Nam bộ (1994), khi làm tiểu luận về lịch sử cận đại VN, mình đã chọn và
viết về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản. Đại ý như sau:
* Trong số những nhân vật lịch sử Việt Nam cận đại, tôi đặc biệt yêu quý
Phan Thanh Giản, dù trước đây tôi được học về ông như một "kẻ bán
nước". Càng học Sử và tìm hiểu về văn hóa Nam bộ, tôi phải tự hỏi: vì
sao Phan Thanh Giản lại được dân Nam bộ thờ cúng lâu dài và kính trọng
đến thế? Không thể nói dân Nam bộ thờ “kẻ bán nước” vì họ là những người
đã “đi trước về sau” trong các cuộc chiến chống ngoại xâm. Vậy thì câu
trả lời phải đến từ góc nhìn khác chứ không chỉ dựa vào “chính sử”.
Qua tìm hiểu, và ít nhất như tôi được biết, đó là do Phan Thanh Giản là
vị Tiến sĩ đầu tiên của đất Nam bộ (là một nhân tài); ông là vị quan
thanh liêm đến cuối đời (là một hiền tài); và ông là người dám chịu
trách nhiệm về hành động của mình: ông tự tử sau khi ký 2 hòa ước với
Pháp. Đó là sự dũng cảm, dám chịu trách nhiệm cá nhân vì đã làm tổn hại
cho đất nước, hành động đó thể hiện một Nhân cách.
Dân Thờ ông như tôn vinh một con người có tài, liêm khiết và có nhân
cách. Dân thờ ông, còn là sự bày tỏ thái độ đối với vua Tự Đức và triều
đình nhà Nguyễn, khi ông mất rồi còn bị nhà vua còn kết tội, mà lẽ ra,
với cương vị là người đứng đầu quốc gia, Vua phải là người chịu trách
nhiệm trước hết và trên hết với sự an nguy của đất nước.
Đánh giá một nhân vật lịch sử nếu chỉ nhìn
vào sự kiện lịch sử hay “con người chính trị” của họ thì sẽ không lý
giải được, hoặc sẽ nhìn nhận sai lầm, cực đoan về những sự kiện và hiện
tượng xã hội của/ quanh nhân vật ấy. Khi đó, bài học lịch sử để lại cho
đời sau tiếp tục là những “bài học’ đầy thiên kiến, sai lạc.
Thái độ và sự đánh giá đối với người đã khuất – nhất là những nhân vật
lịch sử - là sự đánh giá nhân cách người đó, là thái độ phản ứng hay
đồng tình đối với người còn sống có liên quan mật thiết (hẹp là gia đình, rộng hơn là chính quyền), nhưng cũng là sự thể hiện nhân cách của những người bày tỏ thái độ, đánh giá, đặc biệt là những nhà sử học.*
Nhân chuyện Tướng Giáp vừa khuất núi,
trong cuộc trò chuyện với hai người bạn thân về lịch sử, mình có nói
“dân đã thờ ai thì không bao giờ lầm” (câu này có thể nhiều người đã nói và mình nghe được ở đâu đó).
Và mình kể lại chuyện trên, nhắc/ nói lại câu này như như một bài học
mình rút ra từ lịch sử, và cũng để răn mình: đừng tự cho mình quyền phán
xét ai đó, nhất là phán xét tình cảm của nhân dân, dù nhân dân có khi
chỉ là một cộng đồng nhỏ! Bởi vì chính trị nào rồi cũng sẽ qua đi… chỉ
có những giá trị nhân dân/ cộng đồng thực sự coi trọng là sẽ tồn tại
mãi: nhân cách, lòng khoan dung và sự công bằng.
Nguồn: FB Hậu Khảo Cổ
Theo Phuocbeo
Chuyện chưa từng có: Nhà cách mạng được tôn phong làm Thành hoàng làng!
Thủy Lạc là một làng quê trù phú hiền hòa thuộc xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Làng nằm bên cửa sông Hồng mà vào
khoảng những năm 30 của thế kỷ trước còn là vùng đất ngập nước hoang vu.
Có một người thanh niên trí thức quê ở Hà Tĩnh đến đây vận động bà con
di dân ra bãi, khai hoang lập ấp. Người thanh niên này còn thuyết phục
chính quyền sở tại chu cấp một số nhu yếu phẩm và vật dụng cần thiết đáp
ứng những nhu cầu ban đầu của việc di dân.
Từ thế hệ này qua thế hệ khác, dân
làng lưu truyền cho con cháu một ước nguyện là được tôn cụ Nguyễn Tạo -
người thanh niên Hà Tĩnh năm nào - làm Thành hoàng làng để được đời đời
thờ phụng và nhớ ơn người có công khai sinh ra làng.
Nghèo đói, chiến tranh liên miên,
mãi đến năm 2005, làng mới dựng bia thờ và năm 2010 tôn tạo lại được Đền
làng. Bia thờ Thánh Trần Khánh Dư và Bản cảnh Thành hoàng Nguyễn Tạo,
đặt sát cạnh Đền.
Nhưng họ vẫn chưa biết gì nhiều về cụ Nguyễn Tạo.
May mắn có ông Cao Vĩnh Hải cố vấn
chương trình Môi trường & Tài nguyên khi đi khảo sát lập quy hoạch
vùng biển ngập mặn Tiền Hải Thái Bình đã cho biết rằng ông Nguyễn Tạo là
một nhà cách mạng, chết được mai táng ở Nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội.
Dân làng cử người lên Mai Dịch và thấy:
Dân làng tìm gặp các cơ quan có thẩm
quyền và được biết đây chính là ông Nguyễn Tạo từng có thời gian hoạt
động bí mật ở Tiền Hải Thái Bình vào đúng thời kỳ "người thanh niên trí
thức Hà Tĩnh - Nguyễn Tạo" vận động những vị thủy tố làng Thủy Lạc di
dân lập ấp.
Theo địa chỉ ghi trên mộ chí, đầu năm 2011 họ đến gặp gia đình cụ Nguyễn Tạo tìm hiểu tiếp.
Là con một nhà nho làm nghề thuốc
nổi tiếng ở Hà Tĩnh, ông Nguyễn Tạo tham gia cách mạng giải phóng dân
tộc từ rất sớm. Ông nhiều lần bị thực dân Pháp bắt và giam ở Hỏa Lò,
Buôn Mê Thuật, Lao Bảo. Sau này ông giữ nhiều trọng trách. Khi làm Bộ
trưởng Bộ lâm nghiệp, ông để lại dấu ấn như thành lập Rừng quốc gia Cúc
Phương, thành lập Viện nghiên cứu Lâm nghiệp, thành lập lực lượng Kiểm
lâm Việt nam...
Năm 1994, tại lễ mừng đại thọ ông
Nguyễn Tạo 90 tuổi, ông Cù Huy Cận đã kể lại một câu chuyện vui: "...
Hôm đó Bộ Chính trị nghe các ngành báo cáo. Tổng Bí thư Lê Duẩn hỏi ông
Tạo về tình hình Lâm nghiệp. Ông Tạo trả lời: "Thưa anh Duẩn, à, báo cáo
đồng chí Tổng Bí thư, "Sự nghiệp phá rừng của chúng ta đã cơ bản hoàn
thành!" (Tư liệu: Nguyễn Sơn, con trai cả ông Nguyễn Tạo)
Một câu nói đủ thấy ông Nguyễn Tạo
là người có tâm huyết với công việc mình đảm trách và ông là người thẳng
thắn, dám nhìn vào sự thật và dám nói ra sự thật.
Khi đã tìm ra được đúng danh tính
người mà dân làng qua nhiều thế hệ muốn tôn thờ làm Thành hoàng của
làng, Chi bộ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong
làng đồng lòng nhất trí đề nghị với "trên" chính thức công nhận cụ
Nguyễn Tạo là Thành hoàng làng Thủy Lạc.
Chưa có quy định cụ thể nào về tôn
phong Thành hoàng làng nên "trên" chỉ đồng ý miệng. Ông Trần văn Điền,
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin - Du lịch Thái Bình cũng có mặt và
phát biểu tại buổi lễ đặt bài vị và bát nhang cụ Nguyễn Tạo.
5g30 ngày 11 tháng 8 vừa qua, làng
cử một đoàn đại biểu lên thắp hương bàn thờ cụ Nguyễn Tạo tại 125 Lò Đúc
Hà Nội rồi xin thỉnh chân nhang, lập bài vị cụ Nguyễn Tạo rước về Đền
làng chính thức thờ Cụ.
10g cùng ngày là lễ rước bài vị cụ Nguyễn Tạo từ câu lạc bộ thể thao văn hóa cựu quân nhân xã Nam Phú về Đền làng Thủy Lạc.
Xem thêm: Pcthang