Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Cộng đồng người Khmer tại Miền Nam

(Tài liệu tham khảo - tác giả Nguyễn Văn Huy là Tiến sĩ Dân tộc học, giáo sư phụ trách khoa Các Dân Tộc Ðông Nam Á tại Ðại Học Paris 7.)

Nguyễn Văn Huy

Đầu tháng 8-2005, một nhóm gồm 25 tăng sĩ Phật giáo tiểu thừa và 80 người Việt gốc Khmer tụ tập trước trụ sở Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Phnom Penh xin hưởng qui chế tị nạn. Những người này đến từ nhiều nơi khác nhau trên đồng bằng sông Cửu Long (Mekong) Việt Nam và đang tạm trú trong một chùa tại Phnom Penh. Sở dĩ có sự tụ tập này là vì họ bị buộc phải dời khỏi ngôi chùa vừa nói nên đến đây xin tị nạn. Những người này lo sợ cho số phận của họ vì trước đó một tuần chính quyền Campuchia đã cưỡng bách hồi hương về Việt Nam gần 100 người Thượng sau khi bị khước từ quyền tị nạn, vì tình nghi có tham gia vào những cuộc xuống đường hồi tháng 4-2004 vừa qua trên Tây Nguyên.

Các tổ chức Khmer Krom

Trả lời phỏng vấn của đài RFA (đài Á Châu Tự Do, phát thanh tại Hoa Kỳ) ngày 3-8-2005, những người này cho biết họ đã trốn sang Campuchia vì bị cáo buộc hoạt động cho một tổ chức của người Khmer ở Mỹ, một số sãi thường xuyên bị công an mời lên làm việc… Nhiều người nói thêm là họ không được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, đất đai bị tịch thu, không được sử dụng internet và bị cấm nghe các đài phát thanh của nước ngoài.

Sự thật như thế nào ? Sự hiện diện của những người Việt gốc Khmer này tại Phom Penh đã có từ lâu, ít nhất là từ nhiều tháng qua, và số phận của họ không có gì là bị đe dọa. Qua hình ảnh, người ta thấy những người này đều ăn mặc sạch sẽ, dáng người khỏe mạnh, cười nói tự nhiên trước ống kính các phóng viên quốc tế và được cảnh sát Campuchia tận tình giúp đỡ. Tổ chức mà họ bị cáo buộc tham gia mang tên KKF (Khmer Kampuchea-Krom Federation), trụ sở đặt tại Comlumbus, Ohio, Hoa Kỳ, do các ông Edward Tuon Son (chủ tịch), Kim To (tổng thư ký), Tran Manrinh (phát ngôn viên) lãnh đạo. Tổ chức KKF có một website KKN (http://www.khmerkrom.net), một đài phát thanh tên VOKK (Voice of Kampuchea-Krom Radio, trụ sở đặt tại Pennsauken, New Jersey), một hội sinh viên Phật giáo KKKUBS (Khmer Kampuchea Krom Union Bouddhist Students), do nhà sư Yieng Vanna làm chủ tịch và hội các tu sĩ Phật giáo KKBM (Khmer Krom Buddhist Monks), trụ sở đặt tại Phom Penh.
Chủ trương của KKF là đòi Việt Nam trả lại lãnh thổ Kampuchea Krom, tức toàn bộ lãnh thổ miền Nam Việt Nam từ Bà Rịa, Đồng Nai, Sông Bé đến Hà Tiên và mũi Cà Mau. Tổ chức KKF không ngừng gởi thư đến các định chế quốc tế tố cáo chính quyền cộng sản Việt Nam đàn áp người Việt gốc Khmer tại Việt Nam và dựng đứng nhiều chuyện ghê rợn như 10.000 người Khmer Krom bị thiêu sống năm 1945, hàng ngàn người Khmer Krom bị giết thả trôi sông từ 1976 đến 1979, hàng ngàn người Khmer Krom bị tàn sát tại Trà Vinh và Vĩnh Long từ 1984 đến 1990, v.v.

Hàng năm, cứ đến ngày 6-4, tổ chức KKF này vận động các sư sãi Khmer tại Việt Nam làm lễ kỷ niệm ngày chính quyền Pháp chuyển giao lãnh thổ Nam Kỳ (Cochinchine) cho Việt Nam (6-4-1949) và tố cáo các chính quyền Việt Nam cai trị lãnh thổ này như một thuộc địa (!). Chính sau những dịp này, vì sợ các chính quyền cộng sản địa phương bắt, một số sư sãi và thành viên KKF sinh sống trên đồng bằng sông Cửu Long dẫn gia đình sang Campuchia lánh nạn. Chính quyền Campuchia sẵn sàng cho họ tị nạn nhưng tất cả đều muốn được Mỹ cho tị nạn. 

Một sự kiện cũng cần ghi nhận là chống Việt Nam gần như là đồng thuận chung của tất cả đảng phái chính trị tại Campuchia, nhất là vào những dịp tranh cử. Hiện nay tổ chức KKF được những đảng lớn như Funcipec, Sam Rainsy ủng hộ và giúp đỡ. Sở dĩ có sự đồng thuận này là vì lãnh thổ miền Nam trù phú hơn Campuchia nhiều lần và ước muốn của mọi người Khmer là thu hồi lại, trong khi phần lãnh thổ phía tây-bắc kém trù phú hơn (hiện nay là các tỉnh của Thái Lan : Trat, Chantaburi, Prachinburi, Burinam, Surin, Sisaket, Ubon Ratchathani, trước kia thuộc lãnh thổ đế quốc Angkor) không hề được nhắc tới. Phần đất kém trù phú này và lãnh thổ Nam Lào được người Khmer gọi là gọi là Kampuchea Leu (Campuchia Thượng). Lãnh thổ chính của người Khmer hiện nay là Kampuchea Kandal (Campuchia trung tâm), gồm các vùng đất quanh Biển Hồ (Tonlé Sap).

Những nhóm dân cư đầu tiên tại miền Nam

Những nhóm Khmer Krom thường viện dẫn những lý do lịch sử và văn hóa để chứng minh chủ quyền của người Khmer trên lãnh thổ miền Nam. Sự tiếp cận này tuy hợp lý nhưng không đúng. Người Khmer chưa hề làm chủ vùng đất này. Đế quốc Angkor trong thời cực thịnh nhất, từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 12, cũng chưa bao giờ làm chủ vùng đất này vì một lý do giản dị : người Khmer không có mặt trên đồng bằng sông Cửu Long. Cho đến nay khoa khảo cổ học không tìm thấy đền đài nào của thời Angkor trên đồng bằng sông Cửu Long. Cũng nên biết nền văn minh chói sáng của các thời đại Angkor thể hiện qua các công trình kiến trúc bằng đá, tất cả đều tập trung quanh khu vực Siem Reap và Battambang. Thời kỳ sau đó, từ thế kỷ thứ 15 đến thế kỷ 17, lãnh thổ của vương quốc Chân Lạp chỉ quanh quẩn từ khu vực phía nam hồ Tonle Sap đến khu Mỏ Vẹt phía đông, và từ Stung Treng phía bắc đến Tàkeo về phía nam, mỗi khu vực do một tiểu vương chiếm giữ và đánh phá lẫn nhau. Những danh xưng như Moat Chruk (Châu Đốc), Phsar Dek (Sa Đéc), Toek Khmau (Cà Mau), v.v. chỉ xuất hiện sau này khi người Khmer theo chân người Việt và người Minh Hương đến khai phá đồng bằng sông Cửu Long, từ giữa thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19. Di tích xưa nhất của người Khmer : các chùa chiền có cùng niên đại với sự xuất hiện của người Hoa và người Việt, nghĩa là cách đây khoảng 300 năm.

Những khám phá khảo cổ gần đây cho thấy những cư dân đầu tiên trên lãnh thổ miền Nam cách đây từ 8 đến 10.000 năm là người Melanesien, da đen, tóc quắn, thấp người, sinh sống bằng nghề hái lượm ; nhóm này đã đồng hóa những nhóm Veda có mặt cách đây trên 15.000 năm. Về sau là các sắc dân Indonesien di cư từ miền Tây Ấn Độ, cách đây từ 2.500 đến 4.000 năm, đến lập nghiệp, nhóm này đồng hóa những nhóm Melanesien có mặt trước đó. Địa bàn cư trú của những người này là những vùng đất cao, xa biển, có nhiều rừng và sông ngòi. Dấu vết người Indonesien được tìm thấy nhiều nhất tại tỉnh Đồng Nai và Kiên Giang, với những dụng cụ bằng đá và sắt.

Vào đầu công nguyên, ở vùng địa đầu miền Nam Việt Nam, những nhóm Indonesien bản địa, người Môn, đã kết hợp lại cùng nhau xây dựng vương quốc Phù Nam. Di chỉ Óc Eo ngày nay là một chứng tích. Hấp dẫn bởi sự phồn vinh của Phù Nam, nhiều nhóm Malayo-Polynesien (Nam Đảo) từ vùng biển phía nam đổ bộ lên vịnh Hà Tiên sinh sống, truyền bá luôn văn hóa và tổ chức xã hội theo khuôn mẫu Ấn Độ mà họ đã hấp thụ. Trong thế kỷ thứ 5, Phù Nam bị suy yếu dần vì nạn hải tặc ; đến giữa thế kỷ thứ 7, Phù Nam bị những nhóm Khmer từ cao nguyên Korat tràn xuống tiêu diệt và thành lập đế quốc Angkor. Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một vùng đất hoang, địa bàn sinh trú của các bầy thú dữ và rắn độc.

Trong suốt thời kỳ hưng thịnh nhất của đế quốc Angkor, trung tâm chính trị và văn hóa được thiết lập phía bắc hồ Tonlé Sap, quanh Battambang và Siem Reap, nơi các đền Đế Thiên (Angkor Wat), Đế Thích (Angkor Thom) được xây dựng. Gần như tất cả dân cư sinh sống quanh trung tâm này đều bị bắt về làm nô lệ để xây dựng đền đài. Khi đế quốc Angkor bị người Xiêm La (Thái Lan) tiêu diệt vào giữa thế kỷ 15, không người Khmer nào dám phiêu lưu xuống đồng bằng sông Cửu Long lánh nạn hay lập nghiệp vì sợ rừng thiêng nước độc. Gần như tất cả dân cư Khmer đều tập cư quanh nơi tiếp giáp Biển Hồ và sông Mekong, tức thủ đô Pnom Penh ngày nay. Về sau, để tránh cảnh lụt lội, một số di dân phiêu lưu xuống những gò đất cao (giồng) tại Đồng Tháp và Châu Đốc định cư.

Mở rộng miền Đông

Theo Mak Phoeun (Histoire du Cambodge de la fin du XVIe siècle au début du XVIIe, EFEO, Paris, tr. 178), cho tới cuối thế kỷ 17 vùng đất phía Đông Nam, Prei Nokor (Gia Định) chỉ chính thức được sáp nhập vào lãnh thổ vương quốc Chân Lạp dưới triều Paramaraja III (1566-1576). Lý do là Paramaraja III muốn ngăn chặn sự xâm nhập của người Champa (Chăm và Thượng) vào sâu trong nội địa Chân Lạp, lúc đó đã có mặt đông đảo tại Barea (Bà Rịa) và Daung Nay (Đồng Nai). Trong quá khứ, Chiêm Thành và Chân Lạp đã nhiều lần tranh chấp và xâm chiếm lãnh thổ lẫn nhau. Đi theo đoàn quân này là một số nông dân Khmer phiêu lưu đến Tuol Ta Mauk (Thủ Dầu Một) và Kanhchoeu (Cần Giờ) khai khẩn đất hoang.

Để tách khỏi sự kềm chế của Xiêm La, năm 1620 Jayajettha II (1619-1627) muốn kết nghĩa sui gia với chúa Nguyễn ở Đàng Trong bằng cách cho người sang Phú Yên xin cưới công chúa Ngọc Vạn. Hậu ý của Jayajettha II là muốn được quân Việt tiếp cứu khi bị Xiêm La tấn công, đây là một tính toán chiến lược quan trọng vì người Việt ở quá xa lãnh thổ Chân Lạp nên không lo ngại bị xâm chiếm vì có vương quốc Champa làm khu trái đệm. Trong thời kỳ này, Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), đang tranh chấp với chúa Trịnh, rất cần nguồn lương thực để nuôi quân ; có được một đồng minh chiến lược như Chân Lạp để làm hậu cần thì không gì quí bằng. Cả hai đều ngại kết hợp với người Chăm tại Panduranga để làm đồng minh. Bù lại, Jayajettha II nhượng cho Sãi vương quyền khai thác lãnh thổ Prei Nokor trong vòng 5 năm để làm nơi thu mua và vận chuyển hàng hóa (súc vật và lúa gạo) ra miền Trung. Kompong Trabei (Bến Nghé, tức Sài Gòn hiện nay) là nơi tồn trữ súc vật.

Từ 1622 đến 1623, quân Xiêm La tiến chiếm khu vực tây-bắc Biển Hồ và xúi giục các lãnh chúa địa phương chống lại Udong, thủ phủ Chân Lạp. Chống không lại, Jayajettha II cử người sang xứ Đàng Trong cầu cứu. Sau vài trận giao tranh, quân Xiêm bị đánh bật ra khỏi lãnh thổ, nhiều người bị bắt làm tù binh. Từ đó vua Khmer rất cần sự hiện diện của quân Việt trên lãnh thổ của mình, việc thu hồi hai nhượng địa Prei Nokor và Kompong Trabei không còn đặt ra nữa. Để tăng cường địa bàn hậu cần này, chúa Nguyễn đưa tù nhân bị đày biệt xứ và khuyến khích cư dân miền Bình Trị Thiên vào đây lập nghiệp.

Năm 1627, khi Jayajettha II qua đời, Chân Lạp trở nên loạn lạc. Anh em, chú bác và con cháu các dòng vương tôn tranh ngôi báu lẫn nhau, tất cả đều nhờ Xiêm La hoặc Đàng Trong vào can thiệp. Năm 1658 quân Xiêm tiến chiếm toàn bộ lãnh thổ phía tây-bắc Biển Hồ, Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) mang quân sang lấy lại. Nhưng sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Chân Lạp không giải quyết được gì, các dòng vương tôn tiếp tục tranh chấp lẫn nhau ngôi báu.

Năm 1674, Nặc Ông Nộn (Ang Nan hay Padumaraja) bị Nặc Ông Đài (Jayachettha III), người anh con chú bác, nhờ quân Xiêm giúp chiếm ngôi vua. Ông Nộn chạy sang Khánh Hòa (dinh Thái Khang) cấu cứu. Chúa Hiền sai Nguyễn Dương Lâm (tổng trấn Khánh Hòa) và Nguyễn Đình Phái (tham mưu) đưa Nặc Ông Nộn về chiếm lại Sài Gòn (Prei Nokor), Gò Bích (Longvek) và Nam Vang (Phom Penh), rồi vây thành Long Úc (Oudong). Nặc Ông Đài chạy vào rừng trốn, em là Nặc Ông Thu (Ang Sor hay Jayajettha IV) ra hàng. Từ đó Chân Lạp bị chia ra làm hai : Nặc Ông Thu làm đệ nhất vương cai trị vùng đất cao phía tây sông Mekong, thuộc ảnh hưởng của Xiêm La, thủ đô đóng tại Long Úc ; Nặc Ông Nộn làm đệ nhị vương cai trị vùng đất phía đông sông Mekong, tức miền Đông Nam phần (Châu Đốc, Đồng Tháp, Gia Định), thuộc ảnh hưởng của chúa Nguyễn, thủ đô đặt tại Prei Nokor (Sài Gòn). Nhưng tình hình vẫn không yên, cậy thế được quân Xiêm hay quân Việt bảo vệ, lãnh tụ hai phe Khmer tiếp tục tranh chấp lẫn nhau để giành độc quyền lãnh đạo lãnh thổ trung tâm. Cho đến gần cuối thế kỷ 17, khu vực Sài Gòn - Gia Định là một vùng tranh chấp, không thế lực nào làm chủ quyền thật sự.

Năm 1679 hai vị tướng nhà Minh - Dương Ngạn Địch (tổng binh quận Long Môn, tỉnh Quảng Tây) cùng phó tướng Hoàng Tiến, và Trần Thượng Xuyên (tổng binh các quận Cao-Lôi-Liêm, tỉnh Quảng Đông) cùng phó tướng Trần An Bình - không chịu hàng nhà Thanh, mang 3.000 quân bản bộ đi trên 50 chiến thuyền tới bể Tư Dung (Đà Nẵng) xin tị nạn, chúa Hiền chấp thuận và được đưa vào miền Đông khẩn hoang đất mới. Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến đem binh thuyền vào cửa Soài Rạp và Đại Tiểu, đồn trú tại Lộc Dã (Đồng Nai), Mỹ Tho (Định Tường) và Cao Lãnh (Cai Lậy). Trần Thượng Xuyên (Trần Thắng Tài) và Trần An Bình cùng binh sĩ dừng lại ở cù lao Phố (Nông Nại Đại Phố, hay Đồng Nai đại phố), Bàn Lân (Biên Hòa) và Đề Ngạn (Gia Định cũ) lập nghiệp. Nhiều người Minh Hương tị nạn trước đó tại những làng xã dọc bờ biển miền Trung cũng xin miền Đông lập nghiệp với hai binh đoàn này.

Từ đó hai đoàn quân Minh triều cùng với người Minh Hương vỡ đất phá rừng, đào kinh, cất phố, lập chợ, đưa văn hóa, văn minh và kỹ thuật cao của Trung Hoa vào thẳng miền Nam Việt Nam. Họ chọn những vị trí thuận lợi cho việc giao thông (những vùng đất cao cạnh mé sông) và tập trung khai thác những vùng đất mới.

Cũng nên biết miền Đông vào thời này còn rất hoang dã, nhiều huyền thoại của người Hoa còn lưu truyền cho đến nay, như huyền thoại về các võ sư người Hoa đến đất Gia Định tìm long mạch để khôi phục lại nhà Minh., từ đó xảy ra nhiều chuyện đấu võ giữa các võ sư phái Thiếu Lâm Tự và các võ sư bản địa, nhất là với phái võ Bình Định của Tây Sơn tại 18 thôn Vườn Trầu. Năm 1770 ông Tăng Ân, một võ sư người Hoa, đánh cọp bằng tay không tại chợ Tân Cảnh (Gia Định). Năm 1786, ông Võ Tánh đánh cọp tại thôn Vườn Trầu. Đất Gia Định thời đó còn nổi tiếng về ma quái và bùa phép. Nhiều am miếu, chùa chiền của người Hoa được xây dựng trong địa bàn Biên Hòa (cù lao Phố) và Gia Định như chùa Quan Đế năm 1694, chùa Giác Lâm do Lý Thoại Long xây năm 1774, chùa Kim Chương (hay Kim Chung) năm 1775, chùa Gia Thạnh năm 1789, Quan Võ Miếu năm 1820, chùa Bà Thiên Hậu... để tạ ơn các vị thần và trấn áp ma quỷ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Sau khi tạm ổn định cư trú và muốn phát triển vùng đất mới, Trần Thượng Xuyên kêu gọi những thương nhân gốc Hoa từ các quốc gia khác (Singapore, Mã Lai, Trung Hoa) đến buôn bán và làm phát triển nền kinh tế của vùng đất mới. Thương thuyền các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Java qua lại trao đổi và buôn bán rất tấp nập.

Trong giai đoạn này sự phân chia lãnh thổ cư trú giữa các thành phần chủng tộc cũng khá đặc biệt. Quân và lưu dân Việt Nam trú đóng mạn bắc Sài Gòn (Bà Rịa và Bến Nghé). Quân Minh triều cũ và người Minh Hương đồn trú tại Gia Định, Biên Hòa, Mỹ Tho và Định Tường. Dân chúng Khmer tập trung tại Phú Lâm và các làng xã dọc hai bờ sông Cửu Long, đông nhất là tại Sóc Trăng. Ba thành phần sắc tộc này, do điều kiện sinh kế, đã sống xen kẽ và nương tựa lẫn nhau. Người Khmer thích ở nhà sàn, định cư trên những vùng đất cao (giồng), người Việt và Hoa thích nhà trệt và sống trong các vùng đất thấp (đồng bằng). Sự giao lưu giữa ba thành phần này có lúc rất hài hòa nhưng cũng có lúc rất gay go vì ngôn ngữ và văn hóa bất đồng.

Năm 1698, Minh vương Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Kính làm Kinh lược sứ lãnh thổ miền Đông, ông lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lấy đất Biên Hòa lập Trấn Biên dinh và đất Gia Định lập Phiên Trấn dinh. Ông chiêu mộ lưu dân ngũ Quảng (Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên) vào khai khẩn đất hoang. Từ đó toàn bộ đất đai miền Đông được sát nhập vào sổ bộ Việt Nam. Những thành phố, làng xã mang tên Khmer đều được phiên âm ra tiếng Nôm (dựa theo cách phát âm của người Hoa). Theo Trịnh Hoài Đức (Gia Định thành thông chí), vào đầu thế kỷ 18, đất Gia Định rộng 1.000 dặm, dân số được hơn 40.000 hộ (200.000 người), đa số là người di dân gốc Việt, số còn lại là người Hoa và Khmer sinh sống bằng nghề buôn bán và làm rẫy.

Khai phá miền Tây

Năm 1671, một người Hoa tên Mạc Cửu (Mạc Kính Cửu), quê ở Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, mang cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu khoảng 400 người lên thuyền rời khỏi Phúc Kiến. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, phái đoàn Mạc Cửu đổ bộ lên một vùng đất hoang trong Vịnh Thái Lan. Sau khi dò hỏi và biết vùng đất này thuộc ảnh hưởng Chân Lạp, phái đoàn liền tìm đường đến Oudong xin tị nạn, nhưng lúc đó nội bộ Chân Lạp có loạn. Mạc Cửu gặp Nặc Ông Thu (Ang Sur, Jayajettha III) và ở lại hợp tác cho đến năm 1681. Vì không được tin cậy, Mạc Cửu từ giả nhà vua và được chấp thuận khai khẩn vùng đất hoang trong vịnh Thái Lan mà không phải trả một khoảng thuế nào. Cũng nên biết trong giai đoạn này uy quyền của vua Chân Lạp không ảnh hưởng gì trên những vùng đất ven biển, vịnh Thái Lan là nơi hành nghề của các đám hải tặc gốc Hoa và Thái vì thương thuyền qua lại nơi này rất đông.

Mạc Cửu là một người giỏi tổ chức. Nhận thấy có khả năng khai thác nguồn lợi từ những đám hải tặc trong vịnh này mang lại, ông lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển để kinh tài : Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Kompong Som), Sài Mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral). Thủ phủ đặt tại Mán Khảm (cảng của người Mán, rtức người Khmer), sau đổi thành Căn Khẩu (Căn Kháo hay Căn Cáo). Tiếng đồn vang xa, lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi trong vịnh Thái Lan xin vào đây lập nghiệp, dần dần vùng đất này trở thành một lãnh địa phồn vinh với tên gọi mới : Căn Khẩu Quốc. Đảo Koh Tral cũng đổi tên thành Phú Quốc (vùng đất phú cường). Nhiều gia đình Khmer trong nội địa đã di cư đến đây lập nghiệp và sinh sống bằng nghề phục dịch. Những tay phiêu lưu giang hồ tứ xứ đến đầu quân dưới trướng Mạc Cửu ngày càng đông và là một đe dọa uy cho quyền Xiêm La đang lên trong vùng.

Năm 1708 Mạc Cửu liên lạc được với Minh vương Nguyễn Phúc Chu và năm 1711 được mời ra Huế tiếp kiến. Năm 1714, Mạc Cửu xin làm thuộc hạ của chúa Nguyễn và được phong chức tổng binh cai trị đất Căn Khẩu. Năm 1724, Mạc Cửu dâng luôn toàn bộ đất đai và được phong làm đô đốc cai trị lãnh thổ Căn Khẩu, đổi tên thành Long Hồ dinh. Từ 1729, Long Hồ dinh nổi tiếng là vùng đất trù phú nhất vịnh Thái Lan. Mạc Cửu mất (1735), con là Mạc Sĩ Lân, sau đổi thành Mạc Thiên Tứ, được phong làm đô đốc, kế nghiệp cha cai trị Long Hồ dinh. Gia đình họ Mạc được Ninh vương Nguyễn Phúc Trú nâng lên hàng vương tôn. Long Hồ dinh đổi tên thành trấn Hà Tiên. Năm 1739, Mạc Thiên Tứ lập thêm bốn huyện : Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (bắc Bạc Liêu).

Thời bấy giờ nội bộ Chân Lạp tiếp tục có loạn, các vương tôn tranh nhau ngôi báu. Mỗi dòng đều cậy nhờ quân Việt hoặc quân Xiêm vào giúp đỡ. Năm 1755, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng chúa Nguyễn lãnh thổ hai phủ Tầm Bôn (Cần Thơ) và Lôi Lập (Long Xuyên) để được về Nam Vang cai trị. Năm 1758, chúa Nguyễn đưa Nặc Tôn (Ang Ton II) lên làm vua và được tặng thêm lãnh thổ Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc). Nặc Tôn tặng riêng Mạc Thiên Tứ lãnh thổ 5 phủ miền Đông-Nam Chân Lạp : Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Trực Sâm (Chưng Rừm), Sài Mạt (Cheal Meas) và Linh Quỳnh (vùng duyên hải từ xã Sré Ambel đến làng Peam), nói chung là toàn bộ vùng biển ven duyên quanh đảo Phú Quốc, Mạc Thiên Tứ dâng hết cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Thật ra đây là những vùng đất hoang, không người Khmer nào sinh sống tại đây vì sình lầy và lụt lội quanh năm. Võ vương sát nhập tất cả các vùng đất mới vào trấn Hà Tiên, giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị.

Từ đó các lãnh thổ miền Tây được qui thành ba đạo : Đông Khẩu đạo (Sa Đéc), Tân Châu đạo (Tiền Giang) và Châu Đốc đạo (Hậu Giang). Long Hồ dinh được chuyển về Tầm Bào (Vĩnh Long) thuộc Châu Đốc đạo. Năm 1759, công cuộc bình định đất đai miền Nam xem như hoàn tất.

Cộng đồng người Khmer dưới triều Nguyễn

Trong cuộc tranh chấp giữa các vua chúa Chân Lạp, cộng đồng người Khmer tại miền Nam giữ thái độ trung lập. Dân chúng Khmer thường tìm cách tránh xa nơi nào có giao tranh, hoặc di cư về những vùng đất cao dọc hai bờ Tiền Giang và Hậu Giang (Ba Thắc) sinh sống (Trà Vinh, Sóc Trăng ngày nay) lập nghiệp. Khi thấy chúa Nguyễn bị quân Tây Sơn nhiều lần đánh bại (1776-1777), cộng đồng người Khmer tại Trà Vinh có nổi lên ủng hộ nhưng bị Đỗ Thành Nhân cùng binh đoàn Đông Sơn tàn sát rất dã man năm 1780. Từ đó người Khmer giữ thái độ trung lập trong các cuộc tranh chấp giữa người Việt và người Hoa tiến chiếm các tỉnh miền Đông và miền Tây, cộng đồng người Khmer tránh xa những nơi hành quân và tranh chấp giữa quân Việt và quân Pháp.

Dưới thời Gia Long (1802-1820), toàn bộ lãnh thổ miền Nam tương đối ổn định. Khu vực biên giới giữa Việt Nam (Gia Định, Vĩnh Thanh) và Chân Lạp , tuy chưa được phân chia một cách rõ ràng nhưng rất ổn định. Chủ quyền trên các hải đảo trong vịnh Thái Lan cũng đã rõ ràng : đảo Phú Quốc, đảo Thổ Châu thuộc về nhà Nguyễn. Toàn bộ lãnh thổ Chân Lạp từ Phnom Penh đến hữu ngạn sông Hậu Giang (Kandal, Takeo, Kocong) đặt dưới quyền bảo hộ của nhà Nguyễn.

Năm 1817, Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) tuyển mộ người Việt và người Khmer đào kinh Núi Sập (Thoại Hà) từ Hậu Giang đến Rạch Giá. Từ đầu năm 1818, tướng Lê Văn Duyệt chỉ huy 55.000 dân công, trong đó dân công Việt được tuyển mộ ở Vĩnh Thanh và Định Tường do Thoại Ngọc Hầu điều khiển, dân công Khmer tuyển mộ ở Trà Ôn (đồn Uy Viễn) do Nguyễn Văn Tồn (một tướng gốc Khmer được Gia Long ban họ Nguyễn) chỉ huy đào kinh Vĩnh Tế, nối liền Châu Đốc với Hà Tiên đến năm 1823 thì hoàn tất. Từ đó đồng bằng sông Cửu Long đông đảo dần, người Việt và người Khmer sinh sống xen kẽ với nhau. Các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Sóc Trăng, Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ trở nên trù phú. Do đất đai còn rộng, nhiều gia đình Khmer tự ý thay đổi chỗ ở khi có người Việt hoặc người Hoa đến lập nghiệp kế bên. Cũng nên biết người Khmer rất tôn trọng sự thuần chủng, những cuộc hôn nhân dị chủng, nhất là với phái nữ, rất khó được chấp nhận. Thêm vào đó yếu tố tôn giáo cũng rất quan trọng, đa số người Khmer theo văn hóa Ấn Độ và Phật giáo tiểu thừa nên không muốn có sự chung chạ trong các lễ đưa nước, rước nước…

Dưới thời các chúa Nguyễn và Gia Long, cộng đồng người Khmer hưởng qui chế tự trị. Sang thời Minh Mạng, chính sách đồng hóa (về văn hóa), dưới tên gọi "nhất thị đồng nhơn", nghĩa là phải coi họ là người (như chúng ta), được áp dụng chung cho tất cả các sắc tộc, kể cả những cộng đồng người Khmer sinh sống từ lâu tại miền Nam : Trà Ôn (Châu Đốc), Lạc Hóa (Cầu Kè, Tiểu Cần), Ba Thắc (Sóc Trăng, Kế Sách), Ô Môn (bắc Cần Thơ), Hà Tiên. Quyền hạn của giới tăng lữ Phật giáo tiểu thừa cũng bị giới hạn. Chịu không nổi chính sách đồng hóa của Minh Mạng, năm 1820 nhiều lãnh tụ Khmer như Achar Kuy (Chauvai Kuy), Teva Som ở Trà Cú kêu gọi dân chúng Khmer nổi lên chống lại, tất cả đều bị dẹp trong biển máu. Từ sau khi Lê Văn Khôi bị đánh dẹp năm 1835, cộng đồng người Khmer càng bị trù dập nhiều hơn : phải sống cố định, phum, sóc đổi thành làng, xã và họ tên của mỗi người phải được phiên âm tiếng Việt như Sơn, Thạch, Kim, Kiên…

Chính sách đồng hóa này gây bất mãn trong cộng đồng người Khmer. Năm 1838, một người tên Gi, giữ chức an phủ, và một viên quản cơ Khmer ở vùng biên giới Hà Tiên-An Giang cấu kết với quân Xiêm chống lại triều đình ; cuộc nổi dậy bị thất bại và tất cả các thủ lãnh đều bị giết. Năm 1840, người Khmer tiếp tục chống đối ở vùng biên giới này, hàng ngàn người Khmer từ núi Thất Sơn tràn qua biên giới đốt phá làng xã, chợ búa của người Kinh tại Kiên Giang, Rạch Giá, Tri Tôn.

Dưới thời Thiệu Trị, những cuộc nổi loạn của người Khmer xảy ra nhiều hơn, đặc biệt là tại Lạc Hóa (Trà Vinh, Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Chong), tức Trà Vinh (nay là Vĩnh Bình). Cuộc nổi dậy kéo dài 7 tháng, từ tháng 3 đến tháng 10-1841, thủ lãnh là Sana Som (Lâm Sum). Lâm Sum dùng bùa phép xui giục dân chúng Khmer địa phương theo nếu không sẽ bị hại, đa số người Khmer vì sợ thần thánh đã nghe theo. Khoảng 8.000 quân nổi loạn chiếm cứ một vùng đất dài hơn 30 km dọc hai bờ sông Hậu Giang. Thừa thắng xông lên, dân chúng Khmer sinh sống tại Sóc Trăng, Ba Xuyên, Trà Tâm, Sóc Sâm do Sana Tía lãnh đạo và tại Thất Sơn, Vĩnh Tế, Rầy Đéc, Cần Sư, Tịnh Biên, Hà Dương, Hà Âm, được quân Xiêm La do Phi Nhã Chất Tri (Chakri) lãnh đạo, cũng nổi lên chống lại quân triều đình. Nhà Nguyễn phải gởi những tướng nổi tiếng nhất của triều đình thời đó (Bùi Công Huyên, tổng đốc, tham tán trấn Tây Thành, Nguyễn Tấn Lâm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương, Trương Minh Giảng) đến dẹp, tất cả đã phải rất khó khăn mới dẹp được yên. 

Từ sau 1842, quan quân triều Nguyễn tỏ ra rất dè dặt với người Khmer, người Kinh từ miền Trung và những tội nhân thường phạm được ồ ạt đưa vào sống xen kẽ với người Khmer tại Lạc Hóa, Ba Xuyên, Tịnh Biên, nhiều kinh lạch được đào thêm để sự di chuyển của quân đội được dễ dàng, đặc biệt là trên kinh Long An Hà, nhiều đồn điền quân sự được thành lập dọc vùng biên giới (Giang Thành, Vĩnh Tế). Cộng đồng người Khmer tại đồng bằng sông Cửu Long bị cô lập hoàn toàn với triều đình Chân Lạp. Nói chung, cho đến khi Pháp chiếm đóng Lục Tỉnh, toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long đã được tổ chức rất nề nếp, mỗi địa phương quan trọng đều có một quan gốc Kinh cai trị.

Dưới thời Pháp thuộc, khu vực biên giới miền Nam và Cambodge đã được xác định lại khá rõ ràng. Tại một vài nơi như Cà Mau và Rạch Giá, người Pháp để người Khmer cai quản người Việt nên đã xảy ra nhiều cuộc tranh chấp đáng tiếc giữa hai cộng đồng năm 1868. Tuy nhiên đời sống người Khmer trong thời kỳ này thấp hơn người Kinh, vì người Khmer rất sợ giới quan quyền nên chịu nhiều thiệt thòi về ruộng đất và quyền lợi. Thêm vào đó, các quan chức Pháp rất coi thường người Khmer vì cho rằng không có kiến thức, trừ những người đã có chức phận từ thời nhà Nguyễn. Tên họ những người Khmer bị đặt một cách tùy tiện như Danh cho đàn ông và Thị cho đàn bà.

Trong những năm mất mùa vì lụt lội hay bão tố, cộng đồng người Khmer đã cùng người Kinh nhiều lần nổi lên chống lại những chính sách ức hiếp của người Pháp như năm 1928 tại Rạch Giá (vụ Ninh Thạnh Lợi) chống tịch biên ruộng đất và đòi dân sinh do chủ điền Chọt, Mốc và Cồ Cui cầm đầu. Nhưng nói chung, cộng đồng người Khmer vẫn thích sống tách biệt với cộng đồng người Việt và người Hoa. Trong thập niên 1940 phong trào Việt Minh có tiếp cận cộng đồng này, nhưng không đạt hiệu quả mong muốn, chỉ vài người như Lâm Phát (phó chủ tịch ủy ban hành chánh kháng chiến tỉnh Cửu Long), Maha Thông (hội trưởng hội Khmer Issarak), Thạch Ngọc Biên đã tỏ ra tích cực hợp tác. Tại một vài nơi, quân đội Pháp không dám vào Cầu Kè, Cầu Ngang, Hòa Tú, Lộc Hòa, Trường Khánh, Trà Vinh do Việt Minh chiếm giữ.

Cộng đồng người Khmer tại miền Nam ngày nay

Sau 1954, cộng đồng người Khmer đặt dưới quyền lãnh đạo của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Cộng đồng người Khmer cũng như rất nhiều cộng đồng sắc tộc khác rất bất mãn trước các dụ số 2, 7 và 57 (1956) nhằm đồng hóa họ theo người Kinh của chính quyền Ngô Đình Diệm. Lợi dụng cơ hội này, cán bộ cộng sản nằm vùng chiêu dụ được một số sư sãi Khmer như nhà sư Achar Lui Sarat, vì thành phần sư sãi rất được dân chúng Khmer nghe theo, chống lại chính quyền miền Nam. Để chống lại chính quyền miền Nam, họ lập ra hội Phật giáo tiểu thừa Theravada và hội Phật giáo người Việt gốc Miên (Khemaranikay) để lôi kéo người Khmer về phía mình. Nhiều nhân sĩ Khmer được bầu vào quốc hội như Sơn Thái Nguyên, Keo Seo Mây (Thạch Ngô). Nhiều đảng phái chống cộng được thành lập và được sư ủng hộ của chính quyền miền Nam như Đảng khăn trắng, Khmer Srei (Khmer tự do), Khmer Krom. Khu vực Trà Vinh, Trà Cú, Tri Tôn, Châu Thành, Lạc Hòa trở thành nơi tranh chấp giữa hai phe quốc gia và cộng sản, tất cả đều muốn tranh thủ các vị sư sãi, tức những nhà lãnh đạo tinh thần của người Khmer.

Ngày 20-9-1964, dưới sự đỡ đầu của tướng Khmer gốc Chăm, Les Kosem, tổ chức Fulro Khmer do Chau Dera lãnh đạo được thành lập tại Phnom Penh với ý đồ đòi lại lãnh thồ miền Nam, để cùng với người Chăm thành lập một quốc gia riêng. Tổ chức này có đưa người về miền Nam vận động giới sư sãi Khmer ủng hộ nhưng không mấy được theo vì người Khmer tại miền Nam không muốn bị một người Khmer gốc Chăm lãnh đạo. Mặc dầu vậy, cộng đồng người Khmer tại miền vẫn bị chính quyền Sài Gòn theo dõi khắc khe hơn, những sĩ quan và binh sĩ gốc Khmer bị kiểm soát chặt chẽ hơn và gần như tất cả những quân nhân và công chức cao cấp gốc Khmer được thuyên chuyển sang những đơn vị do người Kinh điều khiển.

Trong cuộc thảo luận ngày 30-12-1966 tại quốc hội Sài Gòn, danh xưng sắc tộc thiểu số được áp dựng cho tất cả các sắc tộc khác trừ người Khmer và người Hoa. Lý do là vì nếu được nhìn là người sắc tộc thì được miễn quân dịch, do đó thanh niên gốc Hoa và Khmer đều phải gia nhập quân đội. Nhưng chính quyền và dân chúng miền Nam vẫn nhìn người Khmer tại miền Nam với con mắt đầy nghi kỵ, vì những hành vi tàn ác của những thành phần Khmer cực đoan tại Cam-bốt đối với người Việt, nhất là sau năm 1970 khi xác người Việt bị giết thả trôi trên sông Tiền và sông Hậu. Sau khi quân đội Mỹ và miền Nam làm chủ chiến trường Cam-bốt sau 1971, sự giao thương qua lại giữa cộng đồng người Khmer tại miền Nam với Cam-bốt đã rất khắn khít. Nhân dịp này những thành phần Khmer quá khích tại Cam-bốt thành lập tổ chức Kampuchia Khmer Krom (KKK) để xúi giục người Khmer tại miền Nam Việt Nam đòi sáp nhập lãnh thổ miền Nam vào Cam-bốt. Tuy có làm nhiều cố gắng, những dân biểu gốc Khmer trong quốc hội đã tỏ ra bất lực trong việc giải tỏa ý đồ này.

Sau ngày 30-4-1975, cộng đồng người Khmer tại tỉnh Cửu Long được đảng cộng sản ưu đãi vì những thành tích chống chính quyền miền Nam trước đó. Sự kiện này càng làm cộng đồng người Khmer bị cô lập hơn vì đa số dân chúng miền Nam không ưa cộng sản. Với thời gian, cộng đồng người Khmer, cũng như toàn thể dân chúng miền Nam, nhận thấy sự tuyên truyền của chế độ cộng sản chỉ là láo khoét, cuộc sống của họ không khá gì hơn nếu không muốn nói là cơ cực hơn bởi các chính sách hợp tác hóa, đánh tư sản, v.v. Từ đó giới sư sãi của dân chúng Khmer nhìn chế độ cộng sản với con mắt nghi kỵ, nhất là từ sau 1979 khi Hà Nội chiếm đóng Campuchia. Đa số người Khmer miền Nam chống lại sự chiếm đóng này và cũng phần nào ủng hộ chủ trương sáp nhập lãnh thổ miền Nam vào Campuchia. Điều này không đúng với sự thật. Nhìn lại lịch sử, tổ tiên người Khmer tại miền Nam không phải là những người đầu tiên khai phá đồng bằng sông Cửu Long, công lao này thuộc về người Kinh và người Hoa.

Cộng đồng người Khmer tại miền Nam hiện nay khoảng 1,2 triệu người, đa số (90%) sinh sống trên lãnh thổ các tỉnh Cửu Long, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang và Minh Hải, số còn lại sinh trú và lập nghiệp quanh Sài Gòn và Tây Ninh.
  
Nguon: Thongluan

Tìm kiếm Blog này