Lang thang trên mạng, đọc điểm tin mới toanh của báo Đại Đoàn Kết: “Một đại gia phố núi ôm tiền bỏ trốn“ (http://daidoanket.vn/Index.aspx?Menu=1390&chitiet=50011&Style=1).
Đại gia nào thế nhỉ, sao mình dân Pleiku phố núi chính hiệu lại chẳng
nghe các thông tấn xã vĩa hè nói gì cả? Đọc kỷ lại, thì ra đại gia phố
núi ở đây là một cặp vợ chồng kinh doanh vật liệu xây dựng tại thị trấn
Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.(?!?)
Tò mò
“sớch Gu gồ” hai từ phố núi. Thật ấn tượng, có tới 37 triệu kết quả. Thử
lướt qua vài trang xem sao ( không tính đến những "phố núi" thuộc về
Pleiku):
Trang 1:
-Một cái tít giật gân : “Chợ tình phố núi: không sướng không tính tiền” (báo Pháp luật và xã hội http://phapluatxahoi.vn/20120425095330579p1001c1049/cho-tinh-pho-nui-khong-suong-khong-tinh-tien.htm),
phố núi ở đây là TP Ban Mê Thuột. Thở phào một cái, Pleiku phố núi chắc
cũng không thiếu cái khoản tươi mát kia, may mà chưa đến mức thành chợ
nên chưa được lên báo (?!?)
-Trang http://www.phattuvietnam.net/doisong/26/18093.html
trích báo Sức khỏe và đời sống quãng bá “ Ẩm thực chay phố núi”. Hay
nhỉ, một tháng thử vài lần ăn chay cũng nên quá đi chứ! Nhưng đọc kỷ
xong thất vọng, phố núi ở đây lại là Đà Lạt, một tháng vài lần lên đó ăn
chay có mà… ốm đòn (!?!)
-Trang http://vunguyen99.vnweblogs.com
với tên gọi Phố núi của blogger Trần Hoàng Vũ Nguyên, đọc hết hàng chục
trang thơ và comments mới biết tác giả hiện đang sống ở… Đà Lạt !
Trang 2: Tin hót không kém:
- “Giai nhân phố núi và đám cưới khủng 50 tỷ” (http://hn.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/giai-nhan-pho-nui-va-dam-cuoi-50-ty-dong-c46a438914.html); “Chân dung nữ đại gia phố núi” (http://www.tienphong.vn/xa-hoi/568455/Chan-dung-nu-dai-gia-pho-nui-tpp.html); “Siêu đám cưới” thiếu gia gây rúng động phố núi” (http://dantri.com.vn/c111/s111-570328/sieu-dam-cuoi-mot-thieu-gia-gay-rung-dong-pho-nui.htm); v.v và v.v ...
Thế
là nhờ nữ đại gia Nguyễn Thị Liễu mà thị trấn Tây Sơn, Hương Sơn, Hà
Tĩnh giờ đây nổi đình nổi đám, ai ai cũng biết đến với danh xưng phố núi
rồi nhé. Nên chăng dựng tượng nữ đại gia đã làm nên tên tuổi phố núi
cho thị trấn Tây Sơn để hậu thế chiêm ngưỡng nhỉ???
Trang n:
-“Chùm ảnh Ngày Xuân trên phố núi” ( http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Chum-anh-Ngay-xuan-tren-pho-nui-Son-La/107910.gd), toàn là ảnh của thành phố Sơn La
-
Báo Phú Yên Online cũng cũng tranh thủ phong cho thị trấn La Hai
(huyện Đồng Xuân, Phú Yên), một thị trấn không mấy tên tuổi danh hiệu
phố núi ( Bài “Phố núi bên sông”: http://www.baophuyen.com.vn/Phu-Yen---Ky-uc-va-uoc-vong-343/0005405105705205443).
-“Đại
gia phố núi hỏng “súng” vì tự bơm silicon” (các trang phunutoday.vn,
f.tin247.com, muabanraovat.org…), cái này thì có đọc đi đọc lại 100 lần
cũng chẳng biết là phố núi nào, cứ viết khơi khơi phố núi rồi đăng vậy
thôi. Có lẽ mấy trang này đều ba xạo ráo trọi (?!?)
Trang n+1: phố núi, phố núi, lại phố núi…
Đến
đây thì nhiều bạn đọc chắc cũng rối tinh rối mù vì chẳng biết ở đâu ra
mà lắm phố núi thế. Bạn Chuông Gió (Phong Linh Nguyễn) thậm chí còn hỏi
trên forum Gu gồ hỏi đáp: “Phố núi là phố núi nào? Sao lại gọi là phố
núi?” (http://www.google.com.vn/giaidap/thread?tid=2777a8ddd9d3b033),
để rồi nhận lấy câu trả lời phũ phàng: “Thành phố ở trên núi gọi là phố
núi”. Nghe cũng có lý, biết đâu còn hàng trăm phố khác trên núi đang
ngóng chờ danh hiệu phố núi mà chưa có sự kiện “hot”, “xì căng đan” nào
đình đám nên chưa được lên In-tẹt nét, chưa được Gu gồ cho xếp hàng ấy
chứ (?!?)
Sao thiên hạ thích vơ vào mình hai từ phố
núi thế nhỉ? Hay là hai từ ấy dễ thương quá, nên thơ quá, như người con
gái đẹp chưa thuộc về ai nên anh đàn ông nào cũng muốn xí cho riêng
mình?. Đúng là: Ô hô, thiên tai, thiên tai ! ( thiên, không phải thiện).
Tôi thì nghĩ khác, và luôn tin rằng: chỉ có Pleiku
mới thực sự là chủ nhân đúng nghĩa của phố núi. Thỉnh thoảng người ta
cũng dùng "phố núi" để chỉ Ban Mê Thuột và Đà Lạt, vốn là hai thành phố
có lịch sử lâu đời, cùng ở Tây nguyên và có nhiều nét tương đồng với
Pleiku- điều này khả dĩ còn chấp nhận được. Còn cái kiểu viết lách cứ
phố ở trên núi thì gọi là phố núi thực chất là lạm dụng từ ngữ, ăn theo
sự kiện để đánh bóng tên tuổi mà thôi.
Những năm 1970
về trước, “phố núi” không phải là hai từ ngữ thông dụng, và cũng chẳng
ai dùng “phố núi” để chỉ một nơi nào cả. Cho đến năm 1970, nhà thơ Vũ
Hữu Định trong chuyến đến thăm một người bạn gái ở Pleiku đã cảm hứng
viết nên bài thơ Còn một chút gì để nhớ:
Còn một chút gì để nhớ
phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong
xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc trên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên.
Đường Trịnh Minh Thế (nay là Trần Hưng Đạo), Pleiku
Bài
thơ đăng trên báo Khởi Hành của Viên Linh và sau đó được nhạc sĩ Phạm
Duy phổ thành ca khúc, trở nên rất nổi tiếng với giọng hát Thái Thanh và
nhiều ca sĩ khác. Nhiều người đã thừa nhận, rằng: Sau khi có bài thơ
ấy, đặc biệt là từ khi nó được Phạm Duy phổ nhạc thì Pleiku mới trở
thành phố núi- và phố núi mới thực sự trở thành logo (biểu tượng) của
Pleiku. Nói đến “phố núi”, người ta nghĩ ngay đến Pleiku với những người
con gái đẹp (má đỏ môi hồng), hình ảnh của phố phường nhỏ bé (đi dăm
phút đã về chốn cũ) và lẩn khuất giữa rất nhiều cây cối (phố núi cây
xanh trời thấp thật buồn). “Trời thấp” là một sáng tạo chữ nghĩa của thi
sĩ, nhưng cũng cần nói ngay cái nghĩa gần gũi mà nó tạo ra, ấy là cây
rất nhiều, tán lá đan cài miên man trên các nẻo đường làm tầm nhìn của
“anh khách lạ” bị hạn chế, cũng là điều tất nhiên. Nói vậy để thêm một
lần nữa khẳng định: Phố núi ngày xưa có rất nhiều cây xanh; cây xanh (và
dốc) là một nét đặc trưng của Pleiku. Người dân Pleiku, cùng nhiều
khách phương xa từng có dịp đến đây đều không ngần ngại nói rằng đường
Trịnh Minh Thế (nay là đường Trần Hưng Đạo)- là con đường đẹp nhất
Pleiku ngày xưa, với những hàng cây cao tỏa bóng mát vào mùa khô và
những khóm lá luôn giữ lại đôi giọt mưa để bất chợt thả xuống cổ đám học
trò những giọt nước bất ngờ, thú vị vào mùa mưa. Cây xanh ngày ấy nhiều
đến độ, đường sá, phố phường trở nên nhỏ nhoi dưới hàng trăm gốc đại
thụ âm u, cao vút (*)
Chẳng có luật pháp nào quy định
phải đăng ký bản quyền cho biệt danh phố núi của Pleiku, nhưng trong
trái tim người dân sống tại Pleiku và những người yêu thơ, nhạc nói
chung; phố núi thực sự đã thuộc về Pleiku và sống mãi với Còn một chút
gì để nhớ …Đó chính là điều khác biệt làm nên Pleiku phố núi. Những "phố
núi" khác dù có gán ghép kiểu gì cũng chỉ là gượng ép, vay mượn chữ
nghĩa đơn thuần để nói lên một chút đặc điểm phố ở trên núi mà thôi.
NPV-05.2012
(*): Trích: Pleiku xưa-Phố núi cây xanh (Nguyễn Quang Tuệ)
Nguồn: Nhuygialai
(blog: Phố núi và bạn bè...)