Tim thông tin blog này:

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Chuyện đánh nhau lấy xác tử sĩ trong Chiến dịch phản công Biên giới Tây Nam

Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây Nam

Vào đầu tháng 12 năm 1977, đơn vị tôi đóng quân ở Bỉm Sơn -Thanh Hóa, thì được lệnh vào chiến trường Tây Nam  để chiến đấu. Cả đơn vị xôn xao, bàn tán suốt cả ngày. " Lại chiến tranh rồi ư? Vừa giải phóng Miền Nam xong, mới thống nhất đất nước, sao còn đánh nhau nữa? mà đánh nhau với ai kia chứ?". Cứ tưởng rằng đợt lính nhập ngũ năm 1976 chúng tôi chỉ còn là lính nghĩa vụ, đi để xây dựng một quân đội thật chính quy và hiện đại thôi. Ai ngờ ... Mà cũng đúng, chúng tôi là quân chủ lực mà. Chúng tôi nhập ngũ được biên chế vào quân đoàn 1, F320, E48. Đây là đơn vị có truyền thống trăm trận trăm thắng, nổi tiếng từ hồi chống Mỹ .
   Cho đến lúc này, cả đơn vị tôi, nhất là C11 toàn lính Hà nội. Cùng tiểu khu Quang Trung, quận Đống Đa, nên  một số đã quen biết nhau vì cùng học với nhau ở trường cấp 3 Đống Đa cả. Lúc này, chúng tôi mới bắt đầu theo dõi thời sự qua Đài tiếng nói Việt nam, mới vỡ lẽ là ở Xa Mát, Lò Gò, Tây Ninh vừa có một vụ thảm sát  cả cô lẫn trò trường tiểu học Xa Mát và dân thường ở đó, do quân Khơ Me đỏ tràn sang gây hấn.  Vậy là cả đơn vị tôi sục sôi. Ai cũng muốn mau  chóng được vào ngay chiến trường. Tôi cảm thấy trong đại đội tôi  không có ai tỏ ra lo sợ cả. Mặc dù chưa ai   biết đánh  nhau là gì và sẽ như thế nào. Trong những ngày chờ đợi, chúng tôi ai cũng tranh thủ viết thư về nhà, cho gia đình, bố mẹ, người yêu... là mình chuẩn bị  được vào Tây Ninh chiến đấu .

   Sốt ruột chờ đợi, rồi cũng có lệnh lên đường. Sáng ngày 15/12/1977, tất cả chúng tôi rời Bỉm Sơn - Thanh Hóa, nơi mà đã gắn bó chúng tôi gần một năm trời với bao kỷ niệm vui, buồn. Cả Trung đoàn 48 chúng tôi lên đường! Không, cả sư đoàn thì đúng hơn. Quân tư trang thật gọn nhẹ, chỉ một ba lô con cóc. Chúng tôi ra đi chiến đấu, rời miền Bắc thân yêu, nhẹ nhàng như là một buổi đi tập dã ngoại. Quả thật, chúng tôi  hiện đại hơn lớp cha anh thời chống Mỹ ở chỗ chúng tôi hành quân bằng ô tô. Không phải đi bộ hàng tháng trời mới vào tới chiến trường. Từng đoàn xe ô tô chở cả trung đoàn chúng tôi vào biên giới Tây ninh, nơi mà chiến trường mới rất ác liệt đang chờ đón chúng tôi. Trên suốt dọc đường hành quân, tất cả anh em chúng tôi lại càng gắn bó, thân thiết với nhau hơn bao giờ hết. Cùng nhau hát lên những bài ca "Đại đoàn đồng bằng" và " Tôi xa Hà nội năm tôi mười tám khi vừa biết yêu". Mãi cho đến tối  23/12/1977 thì chúng tôi vào tới Xa Mát, Lò Gò ,Tây Ninh. Chúng tôi đổ quân xuống một cánh rừng giáp biên giới Campuchia, phần vì mệt do đi đường xa, phần vì lần đầu tiên trong đời bộ đội nằm đất, ngủ rừng, chúng tôi túm tụm lại, rì rầm trò chuyện  rồi thiếp đi lúc nào không hay, mặc cho phía sau cánh rừng tiếng súng nổ đì đùng...

... Mưa. Mưa thối đất thối cát.
   Mùa mưa  của miền Tây nam bộ này ghê thật. Có vào đây tôi mới thấu hiểu được cái mùa mưa mà trong cuốn tiểu thuyết Mẫn và Tôi miêu tả nó thật như thế nào. Nằm giữa rừng già, chỉ có cái võng và cái tăng che ở trên đầu, một cơn gió nhẹ là mưa lại ào vào ướt hết cả. Cũng vì mưa mà cả 2 ngày hôm nay tiếng súng trên chốt đỡ hẳn. Thỉnh thoảng mới có vài tiếng AK nổ  Tằng. Tằng. Tằng... như muốn báo rằng ta vẫn luôn cảnh giác... 

... Mấy tháng qua, những trận chiến dai dẳng, triền miên nay lại tái hiện qua giây phút nghỉ ngơi này. Rất may mắn  là cả tiểu đội tôi chưa có thương vong nào. Ngày ngày đào hầm, nào thì hầm phẫu thuật, nào thì hầm sở chỉ huy. Hầm của chúng tôi  có kích thước rộng 3 m, dài 5m, sâu 1m8, trên lát gỗ để tránh pháo, rồi thì hầm cho thương binh nằm, lo đạn dược, gạo, thực phẩm cho cả trung đoàn. Tối đến, tải đạn xuống cho các Tiểu đoàn và lấy thương binh, tử sĩ về.  Với một núi công việc khổng lồ như vậy,  thật ngoài sức chịu đựng của con người. Vậy mà chúng tôi vẫn luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ. Dù sao vẫn còn sướng hơn anh em bộ binh, cả ngày nằm dưới hầm chữ A, mưa ướt hết mà lúc nào cũng cận kề với cái chết.
   Hồi còn ở nhà tôi đã từng đọc cuốn Dấu chân người lính, cái khổ  cực, cái ác liệt của các anh, giờ tôi đã hiểu. Cũng nhờ có cuốn tiểu thuyết này mà tôi bước chân vào đời lính nhẹ nhàng như trong tiểu thuyết vậy. Tất cả mọi cái như sắp sẵn cho tôi, cũng những cánh rừng già đại ngàn, cũng những cây cổ thụ cao tít tắp, dây leo chằng chịt. Đi dưới  rừng già, nhiều lúc tôi đã quên đi thực tại, rừng đã cho tôi  cảm giác bình yên. Những giây phút ấy thật hiếm hoi. Trong trận chiến này, cái khốc liệt là dai dẳng, liên tục không có "điều nghiên", không có chuẩn bị cho trận đánh nào. Ta và địch ở giữa hai biên giới nên có lúc cả mấy ngày không ngớt tiếng súng, do vậy quân ta bị thương và hy sinh khá nhiều. Thương binh thì đưa ngay về tuyến sau, còn tử sĩ thì chúng tôi phải tập trung lại, khâm liệm đàng hoàng. Nói là đàng hoàng, nhưng cũng chỉ quấn vải trắng cho các anh, rồi cho vào nilon. Mấy chục ca hy sinh chưa đưa về tuyến sau được. Đêm nay lại phải  thay nhau gác cho các anh, sợ thú rừng đến  tha mất xác. Giữa rừng già, đêm mắc võng nằm ngang trên xác các anh trông chừng .
   Trời ! Hồi đầu dù có mệt đến mấy cũng không thể nào chợp mắt được vì chứng kiến các anh hy sinh có mấy ai lành lặn đâu .Thế là từ những vết thương cứ phát ra tiếng phì phì của ruột gan, tiếng xì xì  như tiếng thở dài ... Chúng tôi nằm đó như nghe được cái chết cuối cùng của từng tế bào trong cơ thể con người. Vậy mà không có được một nén nhang để thắp cho các anh.Mấy tháng qua, những trận chiến dai dẳng, triền miên nay lại tái hiện qua giây phút nghỉ ngơi này. Rất may mắn  là cả tiểu đội tôi chưa có thương vong nào. Ngày ngày đào hầm, nào thì hầm phẫu thuật, nào thì hầm sở chỉ huy. Hầm của chúng tôi  có kích thước rộng 3 m, dài 5m, sâu 1m8, trên lát gỗ để tránh pháo, rồi thì hầm cho thương binh nằm, lo đạn dược, gạo, thực phẩm cho cả trung đoàn. Tối đến, tải đạn xuống cho các Tiểu đoàn và lấy thương binh, tử sĩ về.  Với một núi công việc khổng lồ như vậy,  thật ngoài sức chịu đựng của con người. Vậy mà chúng tôi vẫn luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ. Dù sao vẫn còn sướng hơn anh em bộ binh, cả ngày nằm dưới hầm chữ A, mưa ướt hết mà lúc nào cũng cận kề với cái chết.
   Hồi còn ở nhà tôi đã từng đọc cuốn Dấu chân người lính, cái khổ  cực, cái ác liệt của các anh, giờ tôi đã hiểu. Cũng nhờ có cuốn tiểu thuyết này mà tôi bước chân vào đời lính nhẹ nhàng như trong tiểu thuyết vậy. Tất cả mọi cái như sắp sẵn cho tôi, cũng những cánh rừng già đại ngàn, cũng những cây cổ thụ cao tít tắp, dây leo chằng chịt. Đi dưới  rừng già, nhiều lúc tôi đã quên đi thực tại, rừng đã cho tôi  cảm giác bình yên. Những giây phút ấy thật hiếm hoi. Trong trận chiến này, cái khốc liệt là dai dẳng, liên tục không có "điều nghiên", không có chuẩn bị cho trận đánh nào. Ta và địch ở giữa hai biên giới nên có lúc cả mấy ngày không ngớt tiếng súng, do vậy quân ta bị thương và hy sinh khá nhiều. Thương binh thì đưa ngay về tuyến sau, còn tử sĩ thì chúng tôi phải tập trung lại, khâm liệm đàng hoàng. Nói là đàng hoàng, nhưng cũng chỉ quấn vải trắng cho các anh, rồi cho vào nilon. Mấy chục ca hy sinh chưa đưa về tuyến sau được. Đêm nay lại phải  thay nhau gác cho các anh, sợ thú rừng đến  tha mất xác. Giữa rừng già, đêm mắc võng nằm ngang trên xác các anh trông chừng .
   Trời ! Hồi đầu dù có mệt đến mấy cũng không thể nào chợp mắt được vì chứng kiến các anh hy sinh có mấy ai lành lặn đâu .Thế là từ những vết thương cứ phát ra tiếng phì phì của ruột gan, tiếng xì xì  như tiếng thở dài ... Chúng tôi nằm đó như nghe được cái chết cuối cùng của từng tế bào trong cơ thể con người. Vậy mà không có được một nén nhang để thắp cho các anh...

.... Mấy tháng trời, không ngày nào ngớt tiếng súng. Bạn bè cùng đợt vào đã có hơn chục thằng hy sinh rồi. Noel ... rồi cái Tết qua nhanh quá. Tôi chỉ nhớ cả đơn vị phải ăn Tết sớm, mỗi người được một cái bánh tét, hai bao thuốc lá Lao động, mấy gói kẹo, thế là xong cái tết.
   Cả Trung đoàn chốt giữ dọc biên giới dài khoảng 15 km. Trong cánh rừng già Tây Ninh, dọc theo sông Vàm Cỏ Tây. Rừng ở đây khác với rừng ngoài Bắc nhiều, không ẩm thấp, cheo leo mà bằng phẳng đẹp tuyệt. Những lúc ngớt tiếng súng hoặc đi tải đạn về, tôi lại lang thang trong rừng, ngắm những cây to mà cả mấy người ôm không xuể. Cây cối, dây leo  ở đây chằng chịt, rậm rạp mà lại khô ráo, dưới chân toàn cát. Có thể nằm lăn ra ngay dưới cát mà nghe chim kêu, vượn hú mỗi khi trời về chiều hoặc trong lúc tiếng súng tạm thời im lặng, cái im lặng  của không gian chết chóc ập tới lúc nào không hay. Rừng ở đây thật kỳ thú, những đêm trăng có loài đom đóm to như ngón tay út cứ sáng xanh, bay nhanh như sao đổi ngôi, chứ không lập lòe như đóm đóm ngoài Bắc. Còn những con mối thì mới to làm sao. Đêm ngủ, nếu không treo balô cẩn thận thì sáng hôm sau nó ăn hết sạch. Nó ăn nghe cứ rào rào như một đoàn quân ra trận vậy.
   Cuộc chiến ngày càng căng thẳng, suốt ngày đêm không lúc nào được nghỉ ngơi, ngày nào cũng có  thương binh tử sĩ. Lúc thì một hai ca, lúc thì ba ca nên chỉ 4 đến 6 người đi là đủ. Những lúc ấy tôi thường dẫn mọi người đi. Còn tiểu đội phó Soạn ở nhà, nếu có việc gì thì đi tiếp. Chính vì vậy mà mọi người thương tôi lắm, có lúc còn bắt tôi ở nhà nghỉ cho đỡ mệt. Vào thời điểm này Tây Ninh vẫn còn những trận mưa như trút nước, mưa cũng chẳng dai dẳng lắm, nhưng khổ một nỗi nhiều khi đưa thương binh về, cả mình và thương binh đều  ướt như chuột lột, mệt đứt cả hơi không dám nghỉ. Chẳng may có vấp ngã thì cũng phải cố ngóc cái đầu lên để cho cáng khỏi chạm đất, sợ thương binh bị đau thêm. Mệt quá, cực quá, đến nỗi ông Vòng phải thốt lên :" Thà khiêng tử sĩ còn sướng hơn! Có ngã các ông ấy cũng chẳng kêu đau gì cả !"  Nghe hắn buột miệng nói thế, tôi bực mình HỪ một tiếng, nhưng rồi nghĩ lại thương anh em và cũng thương cho cả cái thân tôi nữa...

... Cho đến tháng 6 năm 1978, giai đoạn này đã hết mùa mưa. Ta đã quyết định không giằng co ở biên giới nữa, mà đưa chiến trận sang đất của quân Khme đỏ. Nghĩa là trận chiến sẽ ở trên đất của địch, tránh cho dân ở vùng giáp biên giới không bị thiệt mạng vô ích. Lúc này trung đoàn đã đánh bật địch ra khỏi suối Đà Ha, đẩy lui chúng vào sâu đất Campuchia khoảng 15-20 km. Toàn tuyến biên giới giữa ta và quân Khme đỏ càng khốc liệt hơn bao giờ hết.Khoảng giữa tháng 6, tiểu đội tôi được lệnh đi phối thuộc với tiểu đoàn 4. Lần này nhiệm vụ của chúng tôi thật rõ ràng. Tôi được Đại đội và Trung đoàn gọi lên giao nhiệm vụ:
- Hiện nay ta có hai đồng chí bị địch phục kích đã hy sinh 14 ngày rồi mà vẫn chưa lấy được xác. Chính sách của Đảng và Nhà nước ta là không được để đồng chí nào hy sinh mà bị mất xác. Dù thương vong bao nhiêu cũng phải lấy về!
Nhận nhiệm vụ xong, tôi về triển khai ngay với anh em. Lần đầu tiên chúng tôi đi phối thuộc không phải cõng đạn dược, chỉ mang một khẩu AK với 2 cái võng theo người. Còn gọn nhẹ hơn cả lính trinh sát.
Đúng 3 giờ sáng, chúng tôi xuất phát. Đến tiểu đoàn 4, chúng tôi được trinh sát Tiểu đoàn đưa xuống chốt đại đội 5. Nói là nhanh, nhưng thực ra đến 5 giờ sáng chúng tôi mới đến được đại đội 5. Tôi vội nắm tình hình. Vì nửa tiếng nữa đã tới giờ nổ súng rồi. Do rừng rất rậm rạp, lúc này ta chỉ định hướng được chỗ các đồng chí hy sinh của mình nằm ở khu vực phía trước theo mùi tử sĩ bốc lên. Định hướng xong, ta đặt một quả mìn DH30, quả mìn này có tính chất phát quang chướng ngại vật trong vòng 100m, có như vậy chúng tôi mới thấy rõ chỗ của đông chí mình nằm ở đâu. Tiếng mìn nổ cũng là lúc ta khai hỏa. Bấy giờ tôi mới quay lại phân công anh em. Vòng, Sơn, Sáng, Bình ở lại với tôi. Còn Soạn ở lại phía sau cùng với các anh em khác chờ tiếp ứng và lo cho thương binh nếu có.
Đúng 5 rưỡi sáng, với đường kính 50cm, quả mìn định hướng DH30 bùng lên một vòng sáng, vì quá gần chúng tôi chỉ nghe ào lên một tiếng, rồi tất cả các loại súng đều đồng loạt khai hỏa. Phía địch bị bất ngờ mất một lúc mới phản công lại một cách dữ dội. Hình như chúng đoán biết được bên ta bằng mọi giá phải đưa được đồng đội của mình về, nên chúng cũng có chuẩn bị sẵn. Lúc này tôi mới để ý, toàn bộ anh em trong tiểu đội tôi đều thiếu kinh nghiệm chiến đấu, nên tất cả đều nằm phơi mình trên mặt đất. Tôi phải bò lại gần, dặn anh em đừng bắn trả mà lộ mục tiêu. Nhiệm vụ của ta là lên đưa tử sĩ về. Cứ tìm chỗ nằm yên, chờ bộ binh đánh bật địch lui bớt về phía sau rồi mình hãy lên.
Trước mặt tôi đã lộ ra một khoảng trống do mìn nổ. Đã nhìn thấy xác của đồng đội ở phía trước. Trời đã sáng, 7 giờ, 8 giờ, 9 giờ, tiếng súng càng ngày càng dữ dội, ta vẫn chưa đánh bật được chúng ra khỏi điểm chốt. Cả mấy anh em tôi nằm giữa 2 luồng đạn. Trước là địch, sau là ta. Ta mới chỉ đẩy lui được hai bên cánh phải và cánh trái. Còn phía trước địch vẫn bắn trả quyết liệt. Tôi chỉ còn biết nằm dán mình xuống đất nghe tiếng đạn nổ để phân biệt phía nào là địch, phía nào là ta. Tiếng AK của ta bắn thì nghe: tằng tằng! tằng tằng! Tiếng Trung liên thì Đoành đoành, đoành đoành! B40 thì Pình pàng! 12ly 7 thì cùng cùng, cùng cùng. Còn phía địch bắn lại thì cứ toang toác! toang toác! Do đạn va vào thân cây. Cứ vỡ toác ra. Chiu chiu! Ùng oàng! Lựu đạn thì cứ oàng oành. Tôi loay hoay thế nào mà lại nằm giữa họng trung liên phía trước tôi. Đạn cứ toang toác đốn cây ngã gục. Nằm dưới nhìn lên cứ như nằm dưới hào giao thông vậy . "Không biết chúng có nhìn thấy tôi không mà bắn rát thế". Tôi bắt đầu lo lắng, từ lo lắng chuyển dần sang hoảng sợ. Cứ nằm đây thì chết mất. Đường đạn bay cứ mát cả tóc. Tôi thầm nghĩ, bây giờ chỉ cần giơ tay lên một chút hoặc co chân lên là dính đạn ngay lập tức.
Chợt trong đầu tôi bỗng lóe lên một ý nghĩ hèn nhát: "Hay là mình co chân lên, hứng đạn để bị thương và sẽ được lui về tuyến sau? Sẽ không có ai biết cả, mà có ai nhìn thấy cũng không sao ... Do sơ xuất mà bị thương chứ có phải tự mình bắn mình đâu mà sợ?" Tôi vội liếc nhìn sang hai bên thì thấy Sơn cũng đang nằm run lên từng chặp. Sáng thì úp mặt xuống đất không động đậy. Tôi càng lo lắng, tưởng thằng Sáng bị trúng đạn rồi. Nhìn chếch về phía sau thì bắt gặp ánh mắt của Vòng đang nhìn tôi. Nó cười với tôi mà như mếu. Tôi đưa mắt nhìn tiếp mà không thấy Bình đâu cả. Nhưng chắc ánh mắt của họ ở đâu đó đang theo dõi tôi, nguời tiểu đội trưởng mà họ luôn tin tưởng.
Thoáng chốc, tôi cảm thấy xấu hổ với họ, với bản thân tôi, và với mẹ tôi nữa. Mới ngày nào mẹ vào thăm tôi tận nơi chiến trường. Mẹ đâu có sợ? Mẹ đã tự hào về tôi. Tôi bỗng rùng mình thoát khỏi cơn sợ hãi đang bao trùm lên con người tôi. Phải thoát khỏi chỗ này. Tôi quay sang bên phải, cách tôi mấy mét. Có hai gốc cây rất to. Nếu tối đến được đó thì không sợ gì nữa. Tôi vội ra hiệu cho anh em, tôi cầm nắm đất ném vào người Sáng thấy cu cậu cựa quậy nhìn tôi. Tôi cười vì nó... vẫn sống. Tôi bò quay người về phía gốc cây và chờ cho tiếng súng dứt, lúc chúng thay băng đạn. Không hiểu sao, lúc này tôi lại tưởng tượng tôi là chiến binh Tokaito trong phim "Những đứa con của Gấu mẹ vĩ đại" mà tôi đã được xem. Nhổm người lên và dường như là bay về phía gốc cây. Vì sức bật cuả tôi quá vội và không để ý đến cái dây leo như đang mắc võng trước mặt thế là tôi cứ vắt vẻo ở trên đó như một tấm bia, tôi cứ lủng lắng như thế chắc cũng chỉ mấy giây thôi mà tôi cảm giác như cả một thế kỷ. Toàn thân tôi như có một tia chớp chạy qua, bủn rủn hết cả người. Một trăm phần trăm là tôi sẽ hứng trọn băng đạn tiếp theo. Tôi vội lăn ra sau gốc cây thì đạn cũng vừa vặn găm vào đó. Thật hú vía!
10 giờ, ta vẫn chưa đầy lùi được chúng. Nếu cứ đà này thì gay quá, ta đã có thương vong khá nhiều. "Không khéo thì chết hết". Tôi nghĩ bụng, quay sang bảo Vòng và Sơn:
- Tôi lên, hai ông bám theo sau tôi nhé! Yểm hộ cho tôi!
Tôi bỏ súng lại, bò lên cho dễ. Bò lên đã thấy đồng đội nằm kia. Hai người cách nhau mấy mét. Bò lại gần, ruồi nhặng bay lên vù vù. Đã mười mấy ngày rồi còn gì ... Tới nơi, tôi quan sát thì thấy xung quanh tử sĩ toàn lựu đạn rơi vãi quanh người. Kheo chân cũng có lựu đạn.
Trong cái tĩnh lặng đến rợn người, nghe tiếng động của đám nhặng xanh phát ra, địch lại ném lựu đạn. Bịch...! Oành ! Bất đắc dĩ tôi vội chúi đầu vào xác tử sĩ. Không việc gì ... tôi thở phào vội chạy về nhảy xuống cái hố gặp ngay hai lính bộ binh . Một đang ôm bụng kêu đau, một trắng trẻo thư sinh có vẻ trầm tĩnh hơn. Lúc thấy động thì địch lại càng bắn dữ dội hơn. Tôi sốt ruột cứ ngóc đầu lên để nhìn, thì tay bộ binh thư sinh kia liên tục nhắc tôi là thấp đầu xuống. Bực mình tôi quát:
- Ông im đi cho tôi nhờ ! Để yên cho tôi nhìn.
Được một lát tôi quay sang hỏi:
- Ông có đoạn dây võng nào ở đây không?
- Để làm gì? Anh ta hỏi.
- Để tôi lên buộc dây vào chân tử sĩ, kéo xem chúng có gài mìn vào xác tử sĩ không?, rồi mới đưa về đựợc.
Anh ta đập tay vào cậu đang ôm bụng nói anh ấy đưa cho tôi những thứ mà tôi yêu cầu.
Cầm dây dù, tôi lại bò lên. Chúng lại bắn. Mặc kệ, tôi cứ bò. Lên đến nơi, tôi buộc dây dù vào chân tử sĩ. Rồi cứ thế chạy ào về hố. Đạn cứ như tránh tôi. Kéo thử mấy cái, không có tiếng nổ nào. Yên tâm là không có gì. Lần này cả Vòng và Sơn bò theo tôi. Tôi kịp nhận ra quần Sơn ướt hết, có lẽ vì quá sợ nên tè cả ra quần. Tôi trải võng ra bên cạnh xác. Tôi nằm một bên, cầm cổ áo tử sĩ lật úp anh vào võng. Vì đã hy sinh lâu ngày, tóc và da mặt anh tuột hết. Từ trong hốc mắt và miệng ròi cứ nhung nhúc rơi ra. Ruồi nhặng bay ra ào ào. Thế là chúng lại ném lựu đạn. Vẫn không sao. Sơn và Vòng một đầu võng, ghì vào vai mà bò. Tôi ở đầu sau, bò ngửa để căng võng ra, không cho võng quệt xuống đất và cành cây. Khỏi gây tiếng động.
Xong! Một đồng chí! 11 giờ trưa. Thật khủng khiếp!
Tất cả chúng tôi như trút được gánh nặng. Thương vong và hy sinh đã quá lớn (cả đại đội 5 gần 70 người nay còn có 25 người) mới đưa được một tử sĩ về. Tôi quay lại cái hố khi nãy, thì tay thư sinh vỗ vai tôi và cười, móc túi đưa cho tôi bao thuốc lá Sông Cầu bảo tôi chia cho anh em hút. Tôi giật thót cả mình, vì thuốc lá Sông Cầu chỉ cấp cho Tiểu đoàn trưởng trở lên! Hóa ra anh là Tình - chính trị viên tiểu đoàn. Thế có chết tôi không? Thấy tôi hơi bối rối, anh vỗ vai bảo:
- Không sao! ông cừ lắm!
Ca tử sĩ thứ 2, tôi bình tĩnh hơn và cũng rút kinh nghiệm hơn. Nhưng cũng phải lên xuống mấy lượt vì chúng bắn rát quá. Tôi quyết định, một mình tôi lên. Bò lên tới nơi. Tôi luồn tay vào cổ tử sĩ, một tay ở dưới kheo chân, tôi bế thốc anh lên và chạy ào về. Đạn bắn vãi như mưa, mà tôi không hề bị dính phát nào. Hình như các anh đã phù hộ cho tôi thì phải.
Toàn thắng! Tiểu đội tôi không ai bị thương. Đồng hồ chỉ 6 giờ chiều.
Anh Tình ôm chặt lấy tôi mà cám ơn:
- Không có các cậu thì thương vong còn nhiều nữa.
Sau này anh Tình lên chính ủy Trung đoàn, nhưng hễ gặp tôi ở đâu, giữa chỗ đông người, anh tranh thủ giới thiệu tôi với mọi người về trận đánh đầy kỷ niệm. Còn tôi, tôi thấy buồn cười và cứ phân vân mãi đấy có phải là hành động dũng cảm không? Hay là sợ quá hóa liều? Cái ranh giới giữa sự dũng cảm và hèn nhát thật mong manh...

   ... Lúc này là giữa mùa khô, cái nắng thật gay gắt. May mà  chúng tôi vẫn ở trong cánh rừng già nên vẫn còn được chút mát mẻ. Mấy ngày nay tiếng súng tạm lắng xuống và lại những đợt bổ sung quân. Trong cánh rừng đại ngàn bỗng chốc lại ồn ào vui vẻ. Tiểu đội tôi cũng được bổ sung thêm lính  mới. Toàn lính 78, trẻ măng. Lính Hà bắc, Thái Bình , Hưng Yên , Hải phòng...
Sắp xếp cho 3 lính mới xong, tôi lên đại đội họp giao ban. Lại chuẩn bị chiến dịch rồi. Lần này ta đánh lớn. Có tin là mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia đã được thành lập để lật đổ chính quyền Pô pốt. Họ đang tìm cách bắt liên lạc với ta. Không khí chuẩn bị cho chiến dịch thật chu đáo. Đạn dược, luơng thực, thực phẩm được chuyển đến  không thiếu thứ gì.      

      Chiến dịch. Hai từ "chiến dịch " tôi chỉ được xem trong phim và đọc truyện nên đã biết và hình dung nó ra thế nào đâu. Suốt từng ấy thời gian, chúng tôi chỉ có mỗi việc từ Trung đoàn xuống các tiểu đoàn rồi thì xuống chốt lấy thương binh tử sĩ, có gặp được mấy ai? Vậy mà nay vào chiến dịch, cả trung đoàn rầm rập chuyển quân. Các đơn vị thuộc trung đoàn bộ cùng các tiểu đoàn từ trong rừng túa ra... Sao mà đông đến thế! Cả khu rừng như vỡ òa ra. Cảm giác lúc đó thật là náo nức như ngày hội ... 

... Lần đầu tiên đánh lớn, hợp đồng binh chủng. Thật là khí thế! Tiếng súng của ta đã nổ rộ lên kèm với tiếng hô xung phong ào ào như lốc từ các đơn vị ở gần đấy vọng lại. Tin tức báo về liên tục, ta phát triển thuận lợi, đã chiếm được cao điểm 13. Tiểu đoàn 5 báo về: “thời cơ thuận lợi xin được đột kích tiếp”. Hầu như tất cả các hướng báo về đều tốt. Cho đến 10 g sáng thì ở tất cả các hướng tiếng súng nổ càng lúc càng dữ dội. Đặc biệt ở hướng tiểu đoàn 5 thương binh và tử sĩ đã có rất nhiều. Cả đại đội tôi lao vào tải thương, tải đạn. Lúc này tôi mới nhận ra  rằng tất cả thương binh nặng hay nhẹ, câu đầu tiên tôi nghe thấy đều là: “Mẹ ơi, con đau quá! Mẹ ơi con chết mất!". Có anh bị mìn cụt mất bàn chân, chỉ còn trơ xương ống chân. Anh đau quá cứ đạp cái ống chận cồng cộc xuống đất mà kêu Mẹ. Chúng tôi phải buộc  ống chân  anh vào một cành cây và nẹp chặt  lại cho anh khỏi đạp. Thế mới biết, trong những lúc đau đớn, kề cận với cái chết hai tiếng  "Mẹ ơi " mới kỳ diệu làm sao , có lẽ nó làm cho bất cứ nỗi đau nào cũng đều cảm thấy êm dịu và ngọt ngào.

           12 giờ trưa .

      Tin xấu báo về: “Tiểu đoàn 4 bị vây hãm”. Hóa ra tiểu đoàn 4 đánh nhanh quá nên bỏ xa các tiểu đoàn bạn và bị chúng vây chặt. Chúng tôi vừa mới ở đấy về, vừa mang đạn xuống và lấy thương binh tử sĩ. Lúc nãy, gặp Long Khùa – bạn tôi bị thương, bị một viên găm vào phổi .Đã kịp nói chuyện gì với nhau đâu. Tôi chỉ kịp nói với bạn: "Tiểu đoàn mày bị vây rồi. Thôi ra ngoài chóng lành nhé!". Long nắm chặt tay tôi, thều thào:

"Cố mà sống Tuấn tròn nhé!". Thương bạn, tôi gượng cười, gật đầu.
       Vậy là cả trung đoàn tôi bị kẹt ở cao điểm 13. Các đơn vị bạn, E64 , E48 cử các tiểu đoàn cùng với trung đoàn tôi đi  phá vây cho tiểu đoàn 4. Bọn Pôn pốt đã dùng cả một sư đoàn định vây trung đoàn 52 chúng tôi, nhưng vì tiểu đoàn 4 thọc sâu quá, nên chúng chỉ vây được tiểu đoàn 4. Tình hình vô cùng căng thẳng. Không tiếp tế được đạn dược cho tiểu đoàn 4, mà thương binh tử sĩ cũng không thể nào mang về được.

***
          Hai ngày…  rồi năm ngày.

          Tình hình vẫn không mấy sáng sủa. Giữa mùa khô nóng nực này cả trung đoàn bộ  nằm giữa cánh rừng khoọc nắng như thiêu như đốt mà chỉ có mỗi một  hố bom nước dành cho cả mấy trăm con người. Mọi người dùng hết sức tiết kiệm nhưng cũng chỉ sang ngày thứ 6 thì nước ở hố bom đã cạn sạch. Chỉ còn một thứ nước sền sệt những bùn là bùn, để cả ngày cũng không lắng được chút nào nước trong. Tất cả những ai còn nước ở trong bình tông  đều phải để dành cho thương binh. Thiếu gì còn được chứ thiếu nước thì thật khốn khổ. Đưa đạn xuống các tiểu đoàn phá vây, khiêng thương binh về  rất mệt mỏi, cổ họng chúng tôi khát khô rang, đi nhiều mồ hôi vã ra lại càng khát. Khát kinh khủng! Cảm giác như muốn phát điên lên. Môi người nào người nấy nứt nẻ hết cả .

         Sang đến ngày thứ 9,  lúc này hầu như ai cũng đã gần mất hết sức chiến đấu thì may mắn làm sao có xe của trung đoàn đi lấy nước đã về kịp. Nước về, cơn khát của chúng tôi phần nào cũng dịu bớt.

          Mãi sang ngày  thứ 11. Bên ta phá được vòng vây, đánh mạnh buộc chúng phải rút về phía sau. Cả trung đoàn đã di chuyển lên phía trước, chiếm được trận địa của chúng bên cạnh một dòng suối. Chúng tôi  sung sướng vô cùng, nhảy ào xuống tắm rửa thỏa thích. Chưa tắm xong thì đã có lệnh của  Trung đoàn: “Toàn bộ đại đội C25 chuẩn bị mỗi người mang ít nhất phải được 20 lít nước đem xuống các chốt cho các chiến sĩ bộ binh tắm rửa”. Huy động cả cán bộ chiến sĩ trong trung đoàn bộ  gùi  nước xuống. Chúng tôi đùm nước vào túi nilon, rồi cho vào balô. Đây là phần thưởng  quý nhất cho  các chiến sĩ bộ binh thời điểm này.

          Xuống đến nơi, C25 ở lại lấy tử sĩ. Lần này ta tổn thất quá lớn. Cả tiểu đoàn 4 chỉ sống sót được vài chục người. Lại đi! Đi cả đêm. Các chiến sĩ bộ binh nhìn thấy nước mà cứ run run, không ai có thể nói nổi một tiếng cảm ơn vì quá khát. Khi mọi người uống no nê, chúng tôi bảo anh em rửa ráy cho mát, nhưng ai cũng ngần ngại không dám rửa. Phải để dành thôi! có cho cả trăm lít cũng chả ai dám phung phí, vì anh em đã phải đái ra mà uống mất mấy hôm rồi.

          Sau khi đã lấy lại sức, chúng tôi được anh em ở chốt đưa đi tiền nhập luôn. 4 giờ sáng, chúng tôi đến sát khu vực anh em tử sĩ nằm. Lại cái mùi tử sĩ quen thuộc bốc lên nồng nặc. Mệt đứt cả hơi, muốn nhắm mắt một tí để lấy lại sức mà không tài nào ngủ được vì mùi nặng quá. Xác định rất gần đây thôi, thế nào cũng có anh em mình hy sinh nằm, tôi quay sang hỏi tay trinh sát tiểu đoàn 3: “Địch ở phía nào?”. Anh chỉ: “Ở bên kia bãi trống, anh em hy sinh nằm cả phía trước và có thể ở quanh đây”. Quả như anh nói, tờ mờ sáng, khi đã thấy được mọi vật, lần theo mùi tử sĩ chỉ cách tôi 5m, tôi đã thấy một cái mũ cối và một ba lô. Tôi tiến gần đến và nhặt được một cái gương nhỏ, lật đằng sau có ghi hàng chữ: “Nguyễn văn Trung - Kim Động, Hải Hưng”. Tôi huýt sáo khẽ gọi Thao lại nhặt các thứ đó và theo tôi. Cách 10 m nữa thì thấy khẩu AK, không thấy người đâu cả. Đi tiếp mấy bước nữa và nhìn sang bên kia bờ suối cạn, tôi thấy một anh đang nằm ở tư thế bò lên bờ suối. Anh nằm với một tư thế thật tự nhiên, đầu nghiêng một bên, tay phải nắm lấy một gốc cây nhỏ, tay trái đang cầm quả lựu đạn. Nhìn tư thế bất động của anh, tôi đoán: "Chắc anh đã cố hết sức để dành lấy sự sống mà không được". Anh bị quá nhiều vết thương. Tôi miên suy nghĩ trong lúc tiếng súng đã nổ từ lúc nào mà tôi không hay. Tôi và Thao vội lấy tăng võng liệm anh lại  rồi để  anh luôn đấy làm điểm tập kết tử sĩ . Lần này đã có kinh nghiệm và đã quá quen với công việc. Chúng tôi cho mấy trung đội tản ra xung quanh tìm. Còn ngoài bãi trống, cứ bò lên nhằm chỗ nào có nhặng xanh bay lên là đúng chỗ anh em mình nằm. Rất nhiều chiến sĩ ta bị thương, bị chúng bắt được trói chặt và chôn sống. Chúng lấy thắt lưng trói tay chân lại ở tư thế ngồi xổm và đào cái hố vừa người ngồi rồi chúng chôn các anh ở tư thế như vậy. Nhìn anh em hy sinh như vậy thật đau lòng. Chúng tôi cứ thế dùng tay moi, cào đất rồi bế các anh lên, vì các anh hy sinh  đã nhiều ngày nên chúng tôi không biết làm thế nào mà để các anh nằm thẳng ra được, đành cứ để các anh ngồi tập trung lại. Chúng tôi người đứng, người ngồi lẫn với các anh cứ như thể các anh vẫn còn sống và đang  ngồi nói chuyện cùng chúng tôi vậy.

Nghĩ thế tôi bỗng thấy ngồ ngộ.

         Trận này, chúng chống trả  không quyết liệt lắm, vì thế đến 2, 3 giờ chiều thì chúng tôi đã  đưa được toàn bộ mấy chục anh em  hy sinh về tuyến sau.

Trung đoàn tôi vẫn vừa đánh vừa vận động tiến sâu về phía địch. Bắt đầu tấn công về phía có bản làng. Nhưng lạ, đánh vào bản  không thấy một bóng người  dân nào. Không phải vì dân họ bỏ chạy, mà tôi nhìn thấy  tất cả các nhà dân ở đây đều đã hoang phế. Dây leo và cỏ đã mọc bò hết vào trong nhà. Chắc họ đã đi khỏi đây từ lâu lắm rồi . Bản làng thật tiêu điều hoang tàn. Thì ra bọn Pôn pốt đã xua họ đi trại tập trung  từ năm 75. Chúng tôi tạm thời dừng chân và đóng quân ở rừng cao su, cánh rừng cao su bạt ngàn .Ngoài mấy bản bỏ hoang thì chỉ có mấy căn nhà nhỏ , có vẻ là có người ở. Xác lính Pônpốt chết nằm rải rác khắp nơi. Vẫn còn lại mấy con bò, mấy con ngựa. Cả xe bò và xe ngựa nữa. Thấy xe bò chỉ có mỗi một càng xe ở giữa, lính Bắc chúng tôi lạ lắm, chửi thề lung tung: “Xe kiểu này thì biét mắc kiểu gì hả?". Nhìn ngắm một hồi, tôi mới chợt nhớ và à lên một tiếng bảo thằng Thao:

Mày dắt hai con bò lại đây cho anh!
Thằng Thao ngơ  ngác dắt bò lại. Tôi đóng bò có vẻ ngon lành làm cả Trung đội

cứ tròn xoe mắt ngạc nhiên. Thằng Vọng tròn mắt lên:

Ông này ở Hà Nội sao lại biết mắc bò kiểu này  nhỉ?
Tôi cười, vênh mặt lên nói:
- Tao xem trong phim cao bồi Mỹ, nó làm như thế nên tao bắt chước  thôi". Có gì mà không biết.

 Sướng quá, bây giờ mà dùng xe bò chở đạn, gạo xuống các tiểu đoàn thì khỏe re. Đang vui vì chuyện cái xe bò, chợt thấy anh em  xục xạo đi lại khắp nơi. Tôi hoảng hốt, quát to :
           - Không ai được đi lại lung tung! tôi nói chưa dứt lời thì: "Ầm!" và tiếp theo đó là tiếng thằng Bình kêu: "Mẹ ơi! Ối chân tiệp ơi là chân tiệp!"
          Tôi vội chạy lại, thấy Bình "chân Tiệp" đang ôm lấy chân vì dẫm phải mìn. Thật tôi không thể tưởng tượng nổi, lính già như nó lại bị thương một cách quá đơn giản như vậy.Vừa tức, lại vừa xót xa cho bạn. Garô xong đưa nó lên xe bò chở về, thằng Vòng làm một câu:
         - Sướng nhất mày, được ngồi xe bò đầu tiên nhá!"
         Đang đau mà thằng Binh cũng phải bật cười hinh hích.

 *****

        Vậy là không còn phải ở trong rừng sâu nữa, đã ra ngoài có đường có xá hẳn hoi . Cứ chở đạn và gạo xuống tiểu đoàn bằng xe bò, xe ngựa tha hồ nhàn nhã. Mấy ngày liền xe bò chở đạn, không mệt nhọc gì, chúng tôi  tha hồ ngó nghiêng, chuyện trò. Lúc về, tôi đang lững thững đi, vừa đi ngắm hàng cây cao su thẳng tắp, chợt nghĩ đến câu ca dao xưa: "Cao su đi dễ khó về ... " thì nhìn thấy một con dao găm Trung Quốc rất đẹp ở một cái hố rất rộng ven đường -  cái hố này có một lớp đất mỏng có vẻ mới phủ lên. 
          Vì Ần đi phía trước, tôi mới gọi :  "Ần ơi, xuống kia nhặt con dao găm đẹp quá! 
           Ần ta nhìn thấy chạy xuống liền. Nhưng hắn đi được mấy bước thì cứ thấy bập bùng dưới chân. Ra gần đến nơi, hắn không dám bước nữa vì có lẽ hắn thấy ghê ghê bởi mùi thối bắt đầu bốc lên nồng nặc. Hắn vội co một chân, cúi xuống nhặt con dao. Vì phải với, nên chân Ần thụt sâu tới tận háng. Hoảng quá  nó vội vàng  vùng vẫy lung tung. Trời ơi! Kinh khủng quá, dưới lớp đất mỏng… tôi không thể ngờ.  Ần  cứ đạp đến đâu, xương cốt, đầu lâu đã phân hủy thi nhau trồi lên đến đó. Tôi sợ, đứng bất động như trời trồng. Thằng Ần cứ như bơi trên cái thứ nước sình lầy đen kịt lẫn với đầu lâu, xương xẩu đó . Có mấy mét mà không  đếm được bao nhiêu cái  đã trồi lên như vậy. Tôi thò tay kéo  được Ần lên , thiếu chút xíu nữa là nó ngất xỉu vì quá kinh sợ. Hóa ra đó là hố chôn người của bọn Pônpốt. Lúc ấy chúng tôi mới đưa  mắt nhìn xung quanh. Còn mấy hố nữa nhưng bởi dọc đường cũng có nhiều xác lính Pônpốt chết nên không ai để ý đến sự hôi thối cả . 

        Tôi  khẩn trương cho người về báo cáo trung đoàn đến xem xét. Thế là chúng tôi đã phát hiện hố chôn người tập thể đầu tiên trên đất Campuchia. Hàng trăm  xác chết trong một hố. Tất cả trẻ con lẫn người già, phụ nữ… đều bị chúng  đập chết bằng cuốc, vì chúng tôi nhận thấy tất cả các hộp sọ đều bị vỡ. Lúc ấy chưa ai hiểu được sự dã man của  bọn Pônpốt mãi cho tới khi sư đoàn điện xuống: "Phải chụp ảnh. Đó là sự diệt chủng của Pônpốt Iêng xari !" thì chúng tôi mới thấy rõ được bản chất tàn bạo của chúng.

*****

         Cũng từ hôm đó Ần thấy ít nói hơn, nó có vẻ lầm lì suy tư. Thỉnh thoảng nó lại lầm bầm: "Việt Nam, Việt Nam tứ đời chiến tranh". Tôi nghĩ nó vẫn còn ghê vì cảm giác bơi trong đám sọ người nên tôi thường kéo nó đi mỗi khi có việc gì đó. Hôm đó, chúng tôi đưa hai xe bò đạn gạo xuống tiểu đoàn , lúc quay về chúng tôi ngồi trên xe vừa đi vừa nghêu ngao hát .Chợt tôi nhìn thấy bên đường có bụi tre, nhiều măng lắm. Tôi bảo: "Thao và Sáng, theo tao bẻ mấy cái măng về xào ăn đi!". Nghe tôi nói thế, bọn nó hào hứng đi ngay, để lại thằng Ần ngồi một mình trên xe sau. Ần thấy buồn lại nhảy lên xe trước ngồi. Sáu thằng lại hát hò với nhau như không hề có chiến trận. Bẻ được lưng ba lô măng, chúng tôi vui mừng vừa chạy, vừa gọi với theo: " Bọn mày ơi! Chờ bọn tao với!" . Gọi chưa kịp dứt câu thì: "Rầm"  một tiếng,  rồi sau đó là tiếng ào của gió bạt... cách gần 5, 6 chục mét mà tôi cũng bị sức gió đẩy ngửa ra sau. Trúng mìn rồi. Tôi chỉ kịp nhìn cả sáu đồng đội của tôi trên xe bò trước đã như những cánh vạc bay vút lên không trung. Tôi cố nhổm dậy thật nhanh trong cột khói đen mịt mù. Vấp ngã. Tôi lại vấp ngay phải thằng Ần. Tôi gào lên: "Ần ơi ! mày có sao không? Tất cả chúng mày có  đứa nào còn sống không?". Tôi gào lạc cả giọng...

            Không thấy thằng nào trả lời tôi, cả không gian tĩnh lặng  kéo dài tưởng chừng như vô tận, còn thời gian như ngưng lại, đứng im đến tê dại. Thằng gần nhất cũng cách quả mìn cỡ 25 m. Tôi hoảng hốt ngẩng lên, xác thằng Giảng vẫn còn mắc trên ngọn cây cao su. Bánh xe bò đã đè lên quả mìn chống tăng. Tôi ngồi chết lặng bên thằng Ần. Bỗng nghe Ần rên lên yếu ớt. Tôi vội hô  Sáng và Thao  bế Ần lên chiếc xe bò còn lại. Tôi ngồi ôm chặt lấy Ần,  còn Ần – chắc nó cố chút sức tàn còn lại mấp máy: "Mẹ ơi! Việt nam tứ đời chiến tranh thế hả mẹ?”. Thế là Ần lịm đi, nó đã hy sinh  trong vòng tay của tôi như vậy. Tôi chợt như một người mộng du, gào lên: "Sao mày bỏ tao? sao chúng mày bỏ tao? Không thằng nào ăn măng tao vừa kiếm được à? Thằng Bình  thì cụt chân, rồi đến bọn mày, cả 6 thằng chê tao không thèm ở  với tao nữa. Mà toàn những thằng hiền lành cả. Sao mấy thằng ngổ ngáo như tao, Vòng, Sáng thì vẫn không việc gì, lại trơ trơ như thổ địa? Sao chúng mày bỏ ta..o...o ?". Tôi cứ gào lên như thế giữa cánh rừng...

          Tôi buồn bã thiếu hụt mất mấy ngày. Đành rằmg tôi đã tiễn đưa biết bao người hy sinh, nhưng tại sao cùng một lúc cả 6 người  vào sinh ra tử với tôi bao ngày lại ra đi cùng một lúc chứ? Lúc nào tôi cũng thấy chúng nó như đang quanh quẩn bên mình, cả tuần liền tôi vẫn gọi nhầm tên chúng nó.
           Anh Long Funro cứ động viên tôi mãi: "Thôi số chúng nó như vậy, buồn làm gì nhiều ..." Nếu có việc phải đi, anh lại bảo : "Thôi mày ở nhà để tao đi cho "
           Vậy là anh đi thay tôi, rồi cũng vì đi thay tôi mà anh cũng bỏ tôi đi mãi. Khi xuống tới tiểu đoàn, anh Long Funro của tôi đã bị đạn 37ly bắn tà âm vào giữa ngực. Toàn bộ lồng ngực của anh mất hết. Xuống khiêng anh về mà nứoc mắt tôi cứ trào ra trong tiếng nấc ầng ậc... 

           Tình trạng của tôi lúc đó thật thảm hại. Không phải vì tôi sợ, mà  tôi buồn vì hẫng hụt và mất mát đến với tiểu đội tôi quá lớn. Trung đoàn muốn giúp tôi nguôi ngoai nên đã cử tôi đi học lớp tập huấn một tháng . Đợt tập huấn này là để chuẩn bị cho một chiến dịch mới trong nay mai...

Hoa Hướng Dương
_____________ 

Trinhsat post lên Diễn đàn VNM vào tháng Tám, 2008
Với lời giới thiệu:
Đây là các mẩu chuyện của một người lính từng tham gia chiến đấu ở Biên giới Tây nam, thời đánh Polpot. Các câu chuyện do anh kể lại và được vợ anh, chị Hoa Hướng Dương viết lại. Tuấn "tròn", tên người lính tình nguyện CPC, là một người lính vận tải thuộc c25, trung đoàn 52, sư 320. Anh không trực tiếp cầm súng, nhưng câu chuyện tác chiến ở CPC dưới góc nhìn của một người lính vận tải cũng rất đáng để chúng ta quan tâm.
Mời ghé thăm 1 Blog, nơi có những bài của HHD viết về "lão gia" của mình:
http://www.ngoisaoblog.com/m.php?u=sadwomen&p=109404
(link nay đã không còn)

Vài nhận xét bình luận:

...Cường điệu...

Ngoài tình đồng đội ra, công tác tử sỹ làm không tốt thì kể cả tiểu đoàn trưởng, CTV cũng toi ngay. Trận C1 chạy, bỏ lại người, TĐT em thời đó cũng phải nghiến răng tổ chức đánh lại cướp xác đấy. Nguyên văn:
"....Đ...cần biết các anh diệt bao nhiêu! Mang xác 5 thằng kia về đây ngay chiều nay cho tôi!"
May mà gom đủ !

nướng 50 quân đổi lấy 2 liệt sỹ cả . Đấy chỉ là 1 trận đánh kết hợp việc lấy xác và trận đánh này không được chuẩn bị tốt , chỉ huy kém nên thương vong nhiều

trong chiến tranh thì mọi chuyện có thể xảy ra.

Cái này thì đúng kiểu lấy xác ở K rồi.
Tôi đã gặp những người đi lấy xác đồng đội. Đêm đến phải lần mò vào tận nơi. Lấy dây một đầu buộc vào chân liệt sỹ, rồi lùi ra xa kéo thử. Nếu yên tĩnh thì buộc vào chân mình mà bò ra xa Tới chỗ an toàn rồi mới gói ghém xác khiêng về. Có lần không có dây, phải nối thắt lưng lại làm dây kéo. Các xác bị gài mình là thường xuyên. Có nhiều lần mìn nổ phải kéo dây chạy thục mạng dưới các tầm đạn địch bắn ra. Lúc quay được đầu lại nhìn thì xác liệt sĩ chỉ còn cái chân nối với đoạn dây.
Bản thân tôi cúng đứng hàng giờ nhìn lính mình gài mìn dưới các xác Miên và quanh đấy.

hehe , nếu đây là chuyện sáng tác thì đề nghị đưa xuống box văn công còn nếu là chuyện thật thì ném cục đá chơi : ở K nên gọi là phum , sóc cho nó đúng chứ không nên gọi là bản làng , trớt he à , đạp trúng mìn không thằng nào kêu la ngay được vì lúc đó bị sốc , choáng và cũng chẳng có chuyện ôm nổi cái chân trúng mìn . Chuyện cười càng không có , lúc đó hoặc là nằm im thiêm thiếp hoặc gào khóc chửi bới . Vận chuyển thương binh trúng mìn bằng xe bò là 1 cực hình vì thương binh nằm dài trên xe cái chân cụt bị treo cao lủng lẳng dằn xóc cực kỳ , thằng lì thì nghiến răng trào nước mắt , thằng nhát thì khóc lóc kêu la nghe nẫu cả ruột . Anh em tụi tui ngáng nhất là vụ cáng mấy ca này , nó tra tấn mình về tâm lý dữ lắm .

Tôi đã đọc cơ bản các bài ở mục này ,  các bác cũng bàn tán nhiều nhất là chuyện lấy tử sỹ ,xin mạn phép các bác có vài ý thế này : nếu là hồi ức thì có lẽ đã được cường điệu , gọi  là truyện ngắn thì đúng hơn
 - Khi tử sỹ đang nằm phía trên tôi cam đoan với các bác không ai dùng DH để quét cây mà quan sát  vì như vậy là giết anh em lần thứ hai , nếu dùng DH để đánh mở cửa thì BB phải bám vào đó để xung phong , nếu đã đặt được mìn Dh thì cũng đồng nghĩa với bí mật bò lên cột dây vào chân anh em kéo về được
 _Ở chiến trường có chỉ huy và phân cấp đàng hoàng , Vận tải E thường chỉ vác đạn đến D và đưa thương binh ở đó về không thể có việc vận tải E bò lên lấy tử sỹ mà vận tải D ngồi uống trà được và tử sỹ của đơn vị nào đơn vị đó tổ chức lấy đưa về sau  cho vận tải D ,chứ vận tải D nó cũng không bò lên trước BB để lấy đâu , ( trừ trường hợp được tăng cường vận tải nhưng bao giờ cũng xuống một cấp :tức là e xuống D, D xuống C và đương nhiên thằng vận tải không bao giờ bò trước bộ binh
 _ Làm D v mà không hiểu lấy tử sỹ phải dùng dây kéo để tránh bị bẫy thì lạ quá
 _ Giữa 2 làn đạn mà bình tĩnh trải võng  , khênh anh em đặt vào đó thì bái phục ,
_ Tôi tiếp xúc với anh em cán bộ f320 nhiều nhưng cũng chưa bao giờ nghe chuyện P bắt được thương binh ta rồi chôn sống.Trên Tây nam không bao giờ lính ta chịu để bắt tù binh ,thường là cùng quá thì tự sát
   Đôi lời với tác giả

Vụ đạp mìn,tôi có thể kể chính sác 03 trường hợp mà tay tôi tự băng bó và xác dịnh rõ được luôn vị trí đạp mìn chỗ nào của bàn chân.

Người thứ nhất,đó là thằng Dũng sứt.Nhà ở,nhà máy gỗ diêm cầu Đuống.Khi bị thương do mìn cụt chân phải,nó còn đứng khom trong hào có nắp để tôi băng cho nó.Quả mìn nổ,cắt ngọt cả bàn chân lên tới 1/3 ống chân,vát từ trong lòng bắp chân lên phía ngoài bên phải bắp chân.Để lòi một khúc xương ngà ngà vàng,có vết phớt đỏ của máu.Theo kinh nghiệm,nó đạp phải mìn có sát thương nhỏ.Vị trí quả mìn khi đạp phải,gót chân lệch về bên phải tạo thành vết thương vạt chéo,bên bắp ngoài của chân phải.
Lúc tôi băng cho nó,nó đứng khom khom chìa cái hàm răng khểnh ra nhìn tôi có ý lo lắng,dò hỏi,không tỏ vẻ đau đớn gì.

Người thứ 02,đó là thằng Võ Nguyễn Hồng Nha.Nhà ở,trường trung cấp quản lý kinh tế bộ công nghiệp Châu Quỳ,Gia Lâm.Khi bị thương do mìn cụt chân trái,vết thương tiện đứt bàn chân.Bay nguyên phần trước của cẳng chân,vát từ gót trên lên hướng đầu gối,tới quá nửa ống chân,còn nguyên cái gân to bằng ngón tay cái chạy từ bắp chân xuống gót.Theo dự đoán của tôi,nó đạp phải mìn có sát thương nhỏ.Khi đạp phải mìn,vị trí đạp phải là ở giữa bàn chân,đang ở tư thế chạy thấp.Khi tôi băng cho nó,nó nằm như chết rồi.Người nó từ chân lên tóc,nhuốm đen thuốc và những cục đất nám đen khói thuốc nổ,xen lẫn máu,thịt và xương vụn.Quanh ống xương bị đứt bắt đầu ứa máu,giống như bị ra máu ở chân răng,lý do là nó bị thương cỡ hơn 30 phút rồi.Sau khi bị sức ép của trái nổ,máu đã lưu thông chở lại.Bắt buộc tôi phải garo trước khi băng phần dưới,khi băng phần dưới vì vương cái ngân chân thò ra khoảng 20 cm.Tôi kêu lấy cho tôi con dao,con dao làm bàng mảnh pháo rất sắc.Cầm con dao tôi cứa,chặt cái gân đó mấy cái không được.Tôi vừa tiếp tục cứa tiếp,nó từ từ chậm dãi nói: tao đau lắm,....đừng cắt....
Sau khi băng xong,tôi kiểm tra lần cuối khắp người nó và bảo anh em,chuẩn bị 02 người đưa nó xuống.Thấy ở đúng cái cục uyết hầu của nó đầy đất,quện khói thuốc có dòng máu chảy nhẹ ra.Tôi lấy ngón tay ngạt xem,bàn tay chạm vào một vật màu sám hơi tròn một bên và một bên là vết vỡ tương đối phẳng.Rút miếng đó ra để lên ngực nó,tôi lấy quận băng quấn quanh cổ mấy vòng.Sau đó mới nhìn cái mảnh đã cắm vào cổ nó,đó là mẩu xương mắt cá chân.

Người thứ 03 va là người cuối cùng bị thương của đơn vị.Đó là thằng Mai,người làng Vân,Hà Bắc.Bị thương do mìn nhỏ,vị trí đạp phải mìn gót chân.Vết thương do quả mìn nổ,thổi bay ngót tới mắt cá chân.Cái ngân trước của bàn chân còn nguyên,treo lủng lẳng cái bàn chân mềm rũ như tầu là chuối bị cháy nắng rủ xuống,năm ngón chân duỗi tự do như lớn hơn,phần nối với ngót còn mỗi cá ngân.
Nó nằm ngửa dưới hào mặt hơi tái có phần bàng hoàng,vết thương chưa ra máu.Tôi gập phần bàn chân sát vào với bắp chân và băng lại,nó bị thương ở 1050,chỗ này là phạm vị của vận tải D hoặc có thể nếu có anh em cùng C lên thì gửi đi kèm không chờ vận tải D.Trường hợp bị thương của cậu Mai,đúng lúc có cậu Xá người Dương Xá,Gia Lâm lên tôi yêu cầu cõng xuống.
Về vấn đề tải thương xuống,cậu Dũng bị thương ở tổ phục,cử 01 người dìu xuống tới hầm chỉ huy.Từ hầm chỉ huy sẽ có anh em từ 1050 cùng đơn vị sẽ chuyển tiếp tới sườn 1050,ở đây sẽ có anh em vận tải phía sau được phái vận động lên cáng về phía sau.Trường hợp của cậu Nha,bị thương ở tiền tiêu,bị nặng cần 02 người đưa xuống hầm chỉ huy,trình tự tiếp theo như trường hợp của cậu Dũng.
Tại sao không có vận tải,tải thương lên sát tuyến.
Theo tôi thứ nhất,anh em không quen với địa hình,với tình hình địch dễ bị thương vong hơn,sẽ gây khó khăn thêm cho đơn vị.
Thứ hai là,địa hình chật hẹp không thể dồn đông người lên được.
Thứ ba là,cách vận động của anh em tải thương sẽ không phù hợp với nơi giáp tuyến,dễ gây lộ vị trí,dễ bị địch phát hiện,dễ bị trúng đạn hay mảnh pháo găm.
Có lẽ vì lẽ đó,tổ chức và phân tuyến tải thương rất rõ ràng.Còn khi bị trúng mìn chưa thấy ai la,thét,khóc.Tuyệt đại đa số tự vận động bằng cách lăn,bò,trườn về nơi,về vị tri an toàn.

Bác Tài nói chính xác, đi lấy tử sỹ nếu là lấy trên cửa mở thì đơn vị đánh ở đó tổ chức đi lấy như C của em hồi đánh 772. Lính vận tải của E chỉ đưa tử sỹ từ nơi tập kết của D về tuyến sau khâm liệm thôi. 

Thời gian đầu bị mìn nhiều lắm,nhiều trái do pháo bắn hắt vào.Giữa bãi mìn phân định ta và địch,phần ngoài về phía địch.Mỗi khi trời mù trắng xóa,thì anh em mò ra theo những vị trí đã nhớ sẵn trong đầu,bứt cỏ làm rau chẳng hề đạp phải mìn.Đến khi mò về gần hào,thì đạp phải mìn của ta cài chống bộ binh???. Có đứa dính hai trái liền nhau ngay thành hào,đó là trường hợp của thằng Liệu lùn,Trần Đức Liệu cũng người Gia Lâm.Nó đạp một trái,ngã quỵ xuống và bị trái khác bốc lên... thảm..

Khanhhuyen tả vụ Liệu lùn giống y như vụ thằng Vinh Tôm bạn tôi nhà ở 17 hàng Buồm cũng bị dính mìn đúng như vậy, đạp 1 quả , ngã xuống ngồi lên 1 quả, Vận tải chuyển nó về D để dưới cây thốt nốt ,đúng hôm đó tôi lên D lấy gạo về cho C, nghe nói lính HN bên C1 tôi hoảng quá linh tính mách bảo là thằng Vinh vì mấy ngày trước tôi nghe tin nó đi phục kích bên bờ mương.
 Lật tấm tôn lên , đúng nó, chia ra nhiều mảnh, thương tâm hơn những gì mình biết trên cuộc đời này .
 Khóc cho nó và khóc luôn cho cả mình nữa.

Nhân vật chính ngày nay trong câu chuyện


Trinh sát:
Đúng là những mẩu chuyện trong chủ đề này không phải là của tôi, như tôi đã nói ở phần mở đầu. Tôi quen Thuỷ (tên thật của HHD) và đã được xem các bài cô ấy viết về chuyện lính của người bạn đời của mình. Sinh sau năm 1970 (kém chồng hơn một Giáp), chỉ nghe chồng kể chuyện lúc rảnh rỗi thôi mà viêt được những mấu chuyện lính rất thật, như người trong cuộc, khiến tôi kinh ngạc và thán phục cô ấy. Những mẩu chuyện viết rất chân thật, mạch lạc và dễ cảm nhận.
Tôi không biết tí gì về chiến trường K. Xem "Biên giới Tây Nam" thấy xúc động và cảm phục tài viết của TS1, qua đó tôi hiểu thêm về cái mặt trận 479 này rất nhiều. Khoái nữa vì TS1 đã mô tả cuộc sống đời lính rất thật, muôn hình muôn vẻ, rất lính.
Thấy những chuyện HHD viết thay chồng, cũng là về Biên giới Tây Nam, cũng rất hay nên tôi tạo chủ đề này để gửi cho mọi ngưòi cùng xem, như là một cái râu tôm gắn vào cả một chiến hào dài rộng "Biên giới Tây Nam" của TS1. Cũng là làm phong phú thêm chuyện chiến trường K.

Trích lượt từ nguồn: Vnmilitaryhistory

*****

Tìm kiếm Blog này