ĐẠI CƯƠNG
Giống như ngôn ngữ và chữ viết của các nước trên thế giới, ngôn ngữ chúng ta, khi cần, đã mượn một số chữ hay nhóm chữ của những dân tộc mà chúng ta có giao lưu thương mại hay văn hóa để dùng trong ngôn ngữ của chúng ta. Chúng tôi đã có dịp trình bày với quý độc giả về “chữ Việt gốc Tàu”. Trong bài nầy, chúng tôi sẽ trình bày những chữ Việt gốc Khmer (Khm) hay Kampuchia (Kp). (Sách Việt còn dùng chữ Cam bốt, Anh: Cambodia, Pháp: Cambodge). Vì chữ Khmer thông dụng trong văn chương quốc tế để chỉ người, hoặc ngôn ngữ của quốc gia Kampuchia nên chúng tôi sẽ dùng chữ Khmer (Khm) cho việc ghi chú bên dưới.
Vào khoảng thập niên 1965-75, nhà văn Bình Nguyên Lộc (BNL) có viết nhiều quyển sách nói về sự liên hệ giữa tiếng Việt và tiếng nói của những nước thuộc Đông và Nam Á (Đ&N Á) như: Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam (NGML), Lột trần Việt ngữ, Tự vựng đối chiếu 10 ngàn từ (giống nhau giữa các dân tộc Đ&N Á). Rất tiếc, chúng tôi không có quyển Tự vựng đối chiếu. Trong quyển NGML, BNL cũng đã cho rất nhiều chữ trong tiếng Việt do nguồn gốc mà ông gọi là “Mã Lai” (Mã Lai là tên của một ngôn ngữ, chớ không phải xứ hay quốc gia Mã Lai = Malaysia mà chúng ta thường nghe tới). Ông Lộc cũng cho chúng ta nhiều chữ mà rất nhiều chủng tộc ở vùng Đông Nam Á, bao gồm Khmer, đều dùng với âm và nghĩa giống
1
nhau hay trại đi do điều kiện địa lý, hay ngôn ngữ. Xin xem bản liệt kê ở phần sau.Vào năm 2004, qua một buổi nói chuyện ở Viện Việt Học tại Westminster, California, bác sĩ kiêm học giả Nguyễn Hy Vọng (NHV) cho chúng ta biết là nhiều dân tộc vùng Đông và Nam Á Châu dùng rất nhiều từ ngữ rất giống hay gần giống nhau cả âm lẫn nghĩa. Ông nghiên cứu trong nhiều năm và ông cũng đã viết xong quyển Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt (TĐNGTV, Cognatic dictionary of the Vietnamese language). Theo ông thì VN, Khmer, một số sắc tộc Đồng bào Thượng VN, Thái Lan, Myanmar (tên cũ: Burma hay Miến Điện), một số sắc tộc thuộc Trung Quốc (Trung Hoa, Hán, hay Tàu) v.v. có chung một nguồn gốc ngôn ngữ mà ông xác định là thuộc nhóm ngôn ngữ Môn (đọc là Mòn.) Cũng theo NHV, quyển sách của ông liệt kê ra khoảng 27 ngàn chữ đồng âm đồng nghĩa nói trên, trong đó có nhiều ngàn chữ giống nhau giữa VN và Khm. Ông chưa xuất bản quyển từ điển. Tuy nhiên một phần nhỏ của quyển sách đã được đưa vào CD và chúng tôi có nhận được một CD do ông tặng. (Phần cuối bài nầy về những chữ đồng âm, đồng nghĩa giữa VN và Kp đã được trích từ CD nầy với sự chấp thuận nồng nhiệt của bác sĩ NHV.).
Trong bài nầy, chúng tôi không có tham vọng nghiên cứu như hai học giả vừa kể trên vì chúng tôi không có căn bản học vấn về ngữ học. Chúng tôi chỉ tìm đọc, và học thêm những chữ liên hệ giữa VN và Khm, liệt kê ra đây một số chữ để chúng ta cùng tham khảo và mong rằng giúp ích một phần nhỏ cho các thế hệ VN lớn lên ở hải ngoại có dịp nhìn vào nguồn gốc hoặc thành phần của tiếng Việt mà chúng ta đang dùng. Những chữ nầy gồm 2 loại:
2
Thứ nhứt là những chữ Việt gốc Kampuchia thông dụng trong tiếng Việt. Dân Việt đã ký âm những chữ nầy bằng cách dùng mẫu tự tiếng Việt. Chúng ta đã dùng những chữ loại nầy vài thế kỷ nay, đến nỗi chúng ta không biết nó từ đâu mà có, chỉ cần hiểu nghĩa và dùng chúng như những chữ Việt thông dụng khác. Cũng như trường hợp chữ Việt gốc Tàu, chữ Việt gốc Khmer là một điểm đặc thù của nền văn hóa Đồng Nai – Cửu Long (ĐN-CL) vì đa số những chữ nầy chỉ thông dụng trong miền ĐN-CL.
Và thứ hai là một phần của những chữ đồng âm & đồng nghĩa (hoặc âm và nghĩa gần giống nhau) giữa VN và Khm có chung nguồn gốc Mã Lai (theo BNL) hay nguồn gốc “Môn” như NHV đã nghiên cứu.
MỘT CHÚT LỊCH SỬ
Trước thế kỷ thứ 7, Miền ĐN-CL thuộc Vương quốc Phù Nam. Nước nầy đã có một thời hưng thịnh qua sự giao thương với các nước từ Trung Hoa đến Ấn Độ (India). Trung tâm phồn thịnh nhất của Phù Nam là Óc Eo, một thành phố ven vịnh Thái Lan, (nay thuộc vùng Long Xuyên). Nền văn minh của Phù Nam đã được những nhà nghiên cứu đặt tên là “văn minh Óc Eo”.
“. . . Nay di tích còn lại chỉ là những nền nhà và các cổ vật chìm sâu dưới mặt đất. Di chỉ Óc Eo với cả vô số vỏ sò hến tìm thấy ở chân núi Ba Thê, Long Xuyên nay đã cách xa bờ biển khiến các nhà khảo cổ cho rằng từ nhiều thế kỷ trước là một hải cảng do phù sa bồi mà nay lùi sâu vào trong đất liền.” (4)
Vào thế kỷ thứ 7, đế quốc Angkor Khmer (ngày nay là Kampuchia) đã tiêu diệt Phù Nam. Do đó miền nầy thành
3
một phần của Angkor Khmer mà trong nhiều sách còn gọi phần đất nầy là Thủy Chân Lạp.
Trong khoảng 150 năm, từ 1620 đến 1758, dưới nhiều phương thức khác nhau, Chúa Nguyễn đã thâu nhập Thủy Chân Lạp vào lãnh thổ VN.
Trước hết là dùng hình thức thông gia. Năm 1620 Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả con là công chúa Ngọc Vạn cho vua Chey-Chetta II. Bà trở thành hoàng hậu Kampuchia. Cuộc hôn nhơn nầy đã trở thành một công cụ ngoại giao rất lợi cho VN trong việc thâu nhập thêm nhiều phần đất của Thủy Chân Lạp. Ngay từ năm 1623, dân VN được vua Chetta II cho vào khai khẩn ở vùng Mô Xoài (Bà Rịa). Sau nầy, nhóm người Minh Hương, với sự đỡ đầu của Chúa Nguyễn, được sự chấp thuận của vua Kampuchia cho vào khai khẩn vùng Biên Hòa và Mỹ Tho.
Hình thức thứ hai là dùng sự rối loạn nội bộ của Kp, Chúa Nguyễn đã tùy cơ giúp quân viện và tái lập ngôi vị cho vua Kp nào tỏ ý thần phục chúa Nguyễn. Mỗi lần như vậy, VN lại thâu nhập thêm đất đai mới.
Hình thức thứ ba là nhận sự thần phục của nhiều nhóm người Tàu lưu vong. Nhóm Trần Thượng Xuyên khai khẩn vùng Biên Hòa, nhóm Dương Ngạn Địch vùng Mỹ Tho, mở đường cho sự thâu nhập sau nầy. Ngoài ra, nhóm Mạc Cữu đã đem vùng đất Hà Tiên xin xáp nhập vào VN, sau khi đã khai phá và mở mang vùng nầy.
Tóm lại, trong vòng gần một thế kỷ rưỡi, VN đã thâu nhập xong Thủy Chân Lạp. Điều cần ghi nhận là trước kia, khi còn có chủ quyền trên đất Thủy Chân Lạp, người Khmer lại không cư trú ở vùng phía Bắc của Tiền Giang. Họ chỉ lập nghiệp ở miền Nam của Hậu Giang. Do đó
4
miền nầy còn lại nhiều dấu tích cũ của họ như những chùa, các sóc (làng với loại nhà và chùa có cách kiến trúc đặc thù của Khmer, khác với cách kiến trúc của VN), và những địa danh VN có nguồn gốc Khmer. Những người Khmer ở vùng Hậu giang vẫn tiếp tục sinh sống ở đó như xưa. Do đó sự giao lưu về ngôn ngữ vẫn tiếp tục, nhứt là VN và Kampuchia vẫn còn biên giới chung và không được xác định một cách rõ ràng lắm vì thiếu những văn kiện ngoại giao chính thức và sự đo đạc ngày xưa kém chính xác.
Sau đây chúng tôi sẽ lần lượt liệt kê những chữ Việt gốc Khmer và một số nhỏ những chữ đồng âm / đồng nghĩa (hoặc gần âm / nghĩa) mà chúng tôi có dịp nghe biết, hoặc tìm thấy trong những quyển tự điển của những nhà khảo cứu đã nói trên, với hy vọng nhỏ là đóng góp một chút hiểu biết vào sự phát triển của ngôn ngữ VN.
NHỮNG CHỮ VIỆT THÔNG DỤNG GỐC KHMER
Chỉ có một số chữ Việt gốc Khmer thông dụng khắp VN như chữ á-phiện, chơn hay chưn, khèn, khố v.v..., hầu hết những chữ khác chỉ thông dụng ở vùng đồng bằng Đồng Nai – Cửu Long (ĐN-CL). Sau đây là những chữ Việt gốc Khmer liệt kê theo thứ tự A,B,C. Trong bản liệt kê nầy quý độc giả có thể tìm thấy những chữ liên quan đến: địa danh, thảo mộc, thủy sản và động vật, và những vật dụng v.v.
VỀ ĐỊA DANH
Vùng Hậu Giang có nhiều địa danh gốc Khmer. Đây là những dấu chứng rõ rệt nhất là vùng đất nầy xưa kia có người Khmer cư trú. Chúng tôi chỉ kể ra đây một vài địa
5
danh làm thí dụ. Đa số những địa danh dưới đây đều từ quyển Tự vị tiếng Việt miền Nam của Thầy Vương Hồng Sển, (VHS) người Sóc Trăng.
Tất cả những địa danh bắt đầu bằng chữ “sóc” đều có nguồn từ tiếng Khmer. Sóc hay Sốc: xóm, làng của người Khmer. Khm: srôk (hay srok) = xóm, làng.
Theo Ts Phan Tấn Tài, ngoài những địa danh ghi trong Danh sách những chữ thông dụng ở đoạn tiếp theo:
“Chúng ta còn có nhiều địa danh mượn từ tiếng Khm như Tắc Cậu (Kiên Giang), Cái Răng (Cần Thơ), Mặc Cần Dưng (An Giang).
Theo 2 hệ thống hoa tiêu vệ tinh Đức (Satelit-Navigationssystem), ở Việt Nam có 45 địa danh có chữ “sóc”, 16 địa danh có chữ vàm, 63 địa danh có chữ “cái” và 24 địa danh có chữ “cần”.
Trong những địa danh gốc Khmer, Sóc và Vàm từ gốc tiếng Khmer, Cái từ gốc Mạ (theo Bình Nguyên Lộc). Riêng nhóm địa danh Cần có thể kể 2 nguồn gốc, một số thuộc vào nhóm gốc Hán Việt và một số có thể cũng gốc tiếng Khmer như Cần Đước, Cần Giọt, Cần Giuộc.
Cũng cần nói thêm rằng những nhóm địa danh trên của 2 hệ thống hoa tiêu Đức, (còn trong thời kỳ chuẩn bị cho việc bán xe có hoa tiêu vệ tinh sau này), còn rất nhiều thiếu sót. Thí dụ trong đó chưa có các địa danh “Sóc Veng” và “Sóc Xoài”. Sóc Veng thời Pháp thuộc đã từng là quận lỵ của Rạch Giá. Sóc Xoài nằm trên đường Rạch Giá- Hà Tiên, một địa danh đã đi vào lịch sử quân sự Việt Nam. Tướng Huỳnh Thủ (tức Huỳnh tướng quân trong bài hát “Tầm Vu”) lần đầu tiên đã dùng chiến thuật “bè cá nhân” (bè bằng bụp dừa, đủ để chở 1 quân nhân và một khẩu súng) đánh thắng quân Pháp tại trận nước nổi Sóc Xoài và đoạt khẩu đại bác thứ hai trong quân nghiệp của tướng Thủ, sau khẩu đại bác “Tầm Vu” (8).
6
VỀ THỦY SẢN và ĐỘNG VẬT
Ngoài tên những thủy sản rải rác trong Danh sách những chữ thông dụng ở đoạn tiếp theo, chúng ta còn có tên nhiều loại cá dùng giống nhau giữa VN và Khm. Xin các bạn xem danh sách đính kèm. Ts Phan Tấn Tài sưu tầm (8), thêm lời chú thích, và cho phép chúng tôi sử dụng vào bài nầy cho thêm phần phong phú.
Tên khoa học Tên Việt Tên Khmer
Notopterus notopterus Cá thát lát Trey slat 1
Probarbus jullieni Cá chài sóc Trasork 1
Cosmochilus harmandi Cá duồng bay Kampoulbai 2
Barbonymus altus Cá he vàng Cahe 2
Barbonymus schwanenfeldii Cá he đỏ Trey cahe 2
Barbonymus gonionotus Cá mè vinh
(cá trà vinh) Chhpin 3
Thynnichthys thynnoides Cá linh cám Linh 2
Cirrhinus caudimaculatus Cá linh gió Trey riel 1
Labeo chrysophekadion Cá éc Kaek 1
Micronema bleekeri Cá kết Trey kes 1
Helicophagus waandersii Cá tra chuột Trey pra kandor 1
Pangasius bocourti Cá Ba sa Trey pra kchau 0,3
Pangasius conchophilus Cá hú Trey pra ke 0,3
Pangasius hypophthalmus Cá tra nuôi Trey pra 1
Pangasius krempfi Cá bông lau Trey bong lao 2
Pangasius macronema Cá xác sọc Trey chhweat 0
Pangasius pleurotaenia Cá xác bầu Trey chhviet 0
Pangasius polyuranodon Cá dứa Trey chhviet 0
Pangasius larnaudii Cá vồ đém Trey po 1
Pangasius sanitwongsei Cá vồ cờ Trey po pruy 1, 4
Pangasianodon gigas Cá tra dầu Trey reach 4
Pseudomystus siamensis Cá chốt chuột Trey chouchus
thmar 1, 4
7
Mystus cavasius Cá chốt giấy Trey kanchos chhnau 1
Mystus rhegma Cá chốt sọc Trey kanchos 1
Mystus wolffii Cá chốt trắng Trey kanchos 1
Mystus bocourti Cá chốt cờ Trey kanchos kdong 1
Hemibagrus wyckii Cá lăng Trey chhlang thmor 1
Osteogeneiosus militaris Cá úc thép Trey kaok 1
Arius truncatus Cá úc sào Trey kaok 1
Arius stormii Cá thiều Trey kaok 3
Hemipimelodus borneensis Cá úc mím Trey kaok 1
Scatophagus argus Cá nâu Cá nào 3
Channa striata Cá lóc Ptuok 1
1) Có thể từ Việt gốc Khmer; 2) Có thể từ Khmer gốc Việt, 3) Có mối nghi ngờ, 4) Giống cá 3 ngạnh đặc biệt. (không thấy nói ý nghĩa của số 0)
Chú thích thêm của ts PTT về 1) và 2):
“Từ ngữ về tên cá ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, với nhiều loại cá đối với vùng đất cũ còn xa lạ, là nhóm từ ngữ vay mượn của nhau quan trọng nhất giữa hai dân tộc Việt-Khmer, trong khu vực từ ngữ này ai đã mượn của ai ?
Vì vậy trong bảng ghi 1) hoặc 2) chỉ có tính cách phỏng đoán. Cahe (cá he), kampoulbai (cá duồng bay), linh (cá linh cám) là những thí dụ cho sự hoài nghi ta mượn tiếng Khmer hay ngược lại. Các chi (Genus) Pangasius (cá hú - trey pra -, cá tra - trey pra - và cá vồ - trey po -), Arius (cá úc - trey kaok -) và Mystus (Cá chốt - trey kanchos -) dù có sự khám phá thêm loại (cá bông lau, cá basa) vẫn còn giữ nét đậm của sự vay mượn từ ngữ từ tiếng Khmer. . .
Hai loại cá mà ông cha ta gọi là "cá tra" là loại cá tra dầu (Pangasianodon gigas) và cá vồ cờ (Pangasius sanitwongsei) tức cá tra đen và cá tra xám thuộc vào những loại cá khổng lồ của sông Cửu Long, loại "cá tra dầu" lớn con đến nỗi các nhà khoa học dùng chữ Pangasianodon thay vì Pagasius để gọi chúng, cũng như tên những con vật khổng lồ tiền sử (Dinosaurus), con cá vồ
8
cờ tuy vẫn còn gọi là pangasius nhưng kèm theo tên địa điểm phát hiện vì chưa bao giờ gặp trên thế giới. Hai loại này có thể đạt trọng lượng 200-300 kg. Đối với người Việt ngày xưa hai loại cá này là cá tra, ngày nay tên con cá Pangasius sanitwongsei được gọi theo tiếng Khmer là cá vồ cờ (trey po pruy).
Hai giống cá tra khổng lồ này không chỉ sống trong sông Cửu Long như nhiều bài viết đã quả quyết, mà người ta cũng đã dùng lưới bắt một con cá vồ cờ (cá tra xám) trên sông Cái Bé (Kiên Giang), riêng cặp trứng con cá này nặng trên 8 kg.
Trong số các loại "cá tra" về sau do sự phát triển của ngành nuôi cá được phân biệt rõ ràng hơn ngày xưa, cá tra (Việt) và trey pra (Khmer) thay đổi tên gọi, trong đó cá tra chỉ còn được gọi tên một số ít các loại cá của chi pangasius. Nhưng điều lý thú là cá bông lau cũng được người Khmer gọi là trey bong lao! Tên cá này có lẽ mới có sau này đối với người Việt lẫn người Khmer.”
[(Bác sĩ Ngô Thế Vinh (4) cũng có nhắc đến loại cá tra khổng lồ nầy trên những khúc sông Cửu long (Mékong) thuộc Laos và Thailand. Ông bày tỏ sự lo ngại về sự diệt chủng của loại cá nầy. Lý do là vì Trung Quốc xây những đập thủy điện ở thượng nguồn Mékong làm cạn dòng và làm ô nhiễm phần hạ lưu, khiến loại cá nầy không còn môi sinh để phát triển như xưa.)]
Có một vụ thưa kiện giữa VN và HK về tên của cá tra. Khi xuất khẩu cá tra sang HK, VN lại dùng tên HK là cat fish. Vì giá cat fish VN quá rẻ làm ảnh hưởng thị trường cat fish HK nên hội ngư phủ HK kiện (cách đây vài năm) VN bao che giá cả. VN thua kiện, phải đổi nhãn hiệu lại là basa mới được tiếp tục xuất khẩu cá tra sang HK.
9
BẢN LIỆT KÊ NHỮNG CHỮ THÔNG DỤNG
(theo thứ tự a,b,c)
Á phiện. Khm: a-phiên = loại thuốc khi hút có hậu quả là bệnh ghiền. Tên Hán Việt (HV) là nha phiến do âm chữ Tàu từ chữ “aphyon” và dân ghiền gán cho nó cái tên ả phù dung. Anh và Pháp dùng chữ opium để chỉ loại dược chất nầy. Tên “nha phiến” đã nổi danh trong lịch sử chiến tranh giữa Tàu và các nước Tây phương. Trong “cuộc chiến tranh nha phiến” năm 1842, Tàu thua phải nhường cho các nước Tây phương quyền thương mãi ở những khu đặc biệt gọi là “tô giới”.
Bầu 1. Khm: l-pầu = loại trái như bầu, bí.
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Bầu 2: bình để đựng (như bầu rượu). Khm: lpầu = cái bình tròn rỗng.
Bầu 3: (ghe): tên một loại ghe lớn. Khm: Xòm pầu = ghe bầu; chi xòm pầu = đi ghe bầu. Ca dao miền Nam có câu:
Ghe bầu dọn dẹp kéo neo,
Mấy chú bạn chèo bắt cái hò khoan
Bến Tre. Khm: Srôk Tréy = xóm cá. Có lẽ dân ta đọc là Sóc Tre. Có người giải thích rằng vùng nầy vì có rất nhiều cá nên có nhiều ghe chài lưới, và do đó phải có bến cho ghe đậu. Sóc Tre có thể do đó mà biến thành Bến Tre (xóm cá đã biến thành bến cá).
Bò hóc: một loại mắm cá của người Khmer. Khm: prohôk.
Bò Ót: tên một vùng thuộc tỉnh Cần Thơ. Khm: Srok tùk laak = xóm nước đục.
Bồ nâu. Khm: pô nâu = một loại trái giống trái sung nhưng nhỏ hơn.
Cà Mau: tên vùng cực Nam của VN. Khm: Tuk Khmau = đất đen.
10
Cà na. Khm: kana. Cà na là loại cây/trái của chi canarium, hình dáng trái cà na không khác gì trái olive và cũng có các màu sắc lúc trái chín như olive: có loại màu đen, có loại màu xanh lợt, có loại màu trắng, cho nên loại cà na đen (loại làm mứt bán trong các tiệm tạp hóa) với tên khoa học canarium pimela được gọi là chinese black olive. Nói về vùng sinh sống chánh, Miền Nam VN được liệt kê vào hàng đầu, rồi tới Mã Lai, Thái Lan (Thailand), Nam Trung quốc. Ca na trong tiếng Việt còn được gọi là tráp (phương Bắc), Trung quốc gọi là lãm, Khmer gọi là kana. Cùng trong chi canarium có loại cây hạt pili được người Phi Luật Tân (Philippines) gọi là kanari. Cà na là từ ngữ trở thành tên gọi của một chi trong khoa học thảo mộc (canarium), bắt nguồn từ tiếng Nam Dương (Indonesia), Khmer hoặc Việt (8).
Cà om. Khm: ko-om = một loại dụng cụ dùng đựng chất nước với dung tích độ vài lít. VN còn gọi cà om là cái “hủ” hay cái “tỉn”.
Cà ràng. Khm: kran = một loại lò bếp, có đáy chứa tro và than. Bếp lò nầy làm bằng đất sét nung, có hai phần rộng, phần rộng phía trước là phần lò lửa, trên miệng có gắn 3 cái chấu (ông táo) để bắc nồi ơ, phần rộng thứ hai là chỗ chứa củi đang chụm. Phần rộng này cũng là nơi chứa tro và than đỏ để làm thành cái bếp nướng (nướng kẹp tre).
[(“Đây là kiến trúc lò thông dụng ở tất cả những ngôi nhà nền đất Hậu giang (Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau). Lò có đáy là để tránh hơi ẩm từ lòng đất rút vào củi lúc đốt lửa.
Kiến trúc lò này cũng thích ứng để sử dụng “đất cháy” của vùng Cà Mau, khi sử dụng đất cháy, phần rộng thứ hai được dùng làm nơi hâm đất cho thoát hơi nước trước khi đưa vào vùng lò đốt (phần rộng thứ nhứt).
Kiến trúc “cà ràng” cũng được thông dụng trong tất cả những nhà sàn vùng Tân Châu, Châu Đốc…, ở nhà
11
sàn, cái đáy của cà ràng còn giữ vai trò bảo vệ cái sàn chống hỏa hoạn.
Kiến trúc cà ràng cũng rất thông dụng trên những chiếc ghe của dân chài lưới, hoặc những ghe có người sống như nhà lưu động, hoặc nhà hàng lưu động.
Cà ràng là một trong những biểu tượng của văn hóa hội nhập suốt từ thời khai hoang miền Nam cho tới những năm 70 của thế kỷ 20.” (8)]
Cà ròn. Khm: karông = một loại bao nhỏ đa dụng, đan bằng sợi bàng có thể chứa đựng khoảng 20 đến 40 lít, thông dụng nhứt là cà ròn 1 giạ (40 lít); trong lúc bao “bố tời” (chữ Việt gốc Quảng Đông) là loại bao lớn (3 giạ, 120 lít) dùng đựng gạo.
Cầy. Khm: ch-kầy = con chó.
Cồng. Khm: kôông = tên một loại nhạc khí bằng hợp kim của người Khmer.
Châu Đốc: Xưa kia là tên của một tỉnh. Hiện giờ là một phần của tỉnh An Giang. Khm: mắt cruk = miệng heo.
Chắc Cà Đao: Tên một con rạch và cũng là tên một chợ nhỏ (nay là thị trấn An Châu) gần thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Học giả VHS (7), ghi lại hai giải thích là:
- Theo ông Nguyễn văn Đính, thì địa danh Chắc Cà Đao có thể do chữ Khm chắp kdam (= bắt cua) mà ra vì vùng nầy xưa kia có nhiều cua.
- Theo nhà văn Sơn Nam (6), Chắc Cà Đao do chữ Prek Pedao; Prek = rạch; pédao = loại dây mây; rạch có nhiều dây mây.
Học giả VHS nói ông nghĩ rằng giả thuyết của Nguyễn văn Đính hợp lý hơn.
Chắc Đốt: Tên một làng thuộc Sóc Trăng. Khm: mo-chap mo-dott = tay bắt cá tay xỏ cá (vô dây). Vùng nầy có nhiều cá nên có thành ngữ “mo-chap mo-dott” và dân ta đặt tên làng Chắc Đốt.
Chông. Khm: chông = cây nhọn làm chướng ngại, hoặc làm bẩy.
12
Chơn. Khm: chơơng = bên dưới; cũng có nghĩa là cái chơn hay cái chưn, đi chưn.
Chụm. Khm: chum = gom lại, vây lại quanh một cái gì (ví dụ chúng nó ngồi chụm lại quanh chiếc chiếu để nói chuyện riêng).
Duôn hay yuôn: Theo BNL “duôn” là tiếng Ấn Độ có nghĩa là “man di” để chỉ những người không phải người Ấn. Những quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn như Kampuchia, Thái, Lào, Mon và Chăm đều dùng “duôn” để gọi hay chỉ người VN. Có thể họ không hiểu nghĩa của nguyên ngữ “duôn”; hay có thể hiểu nhưng vẫn dùng.
Cáp duồn. Khm: cắp duôn = chặt người Việt. Ngày xưa khi Kampuchia đánh nhau với VN, lúc xông trận họ la “cắp duôn” tức là chém hay chặt người VN (cho chết). Mỗi khi có cuộc nổi loạn của một “sóc” (xóm làng) người Khmer chống lại dân Việt, người Việt thường thông báo nhau là coi chừng bị họ “cáp duồn”. Chữ nầy thông dụng trong khoảng 1940-50. Pròteh duôn = nước Việt.
Ên: một mình, như câu: Tôi tới đây mình ên, không có ai đi chung. Khm: êng, hay k-êng. Chữ “ên” rất thông dụng ở miền Châu Đốc, Rạch Giá.
Ghe chài: ghe có trọng tải lớn. Khm: tuk pokchay. (Đây là một tiếng Khm rất đặc biệt vì tuk là tiếng Khm = ghe; còn pokchay = chở đủ thứ, là tiếng Triều Châu đã được Khmer dùng như là tiếng Khmer. Dân ta dịch chữ tuk ra chữ ghe, nhưng lại mượn chữ pokchay đọc thành “chài” (7). Theo Bình Nguyên Lộc (BNL) (1) người Khm còn gọi ghe chài là thwe.
Hên: may mắn. Khm: hêng (có thể đồng âm đồng nghĩa, tuy vậy trong bộ tự điển của nhà Văn Hoa Xã Hội và tự điển trực tuyến không có chữ hên, trong khi đó trong tự
13
điển Việt-Pháp của Đào Đăng Vỹ có chữ này, như vậy “hên” chắc chắn là từ ngữ của miền Nam, có phải gốc Khmer hay không thì chưa chắc chắn).
Khèn. Khm: khèn = một loại nhạc khí làm bằng nhiều ống trúc, dùng hơi để thổi.
Khiên. Khm: khêl = dụng cụ che chở, chống lại gươm giáo hoặc tên, tránh cho người dùng nó khỏi bị thương.
Khố. Khm: kho-ô = miếng vải nhỏ dùng che giấu bộ phận sinh dục. Chữ nầy thường dùng cho phái nam: đàn ông đóng khố. Trên miền cao nguyên VN, đàn ông của một số bộ lạc dùng khố thay vì quần (và nhiều bộ lạc ở Phi Châu, đàn ông cũng đóng khố). Ngày xưa, một số đàn ông VN vì nghèo quá không có tiền mua quần mặc nên phải đóng khố. Do đó có thành ngữ “khố rách áo ôm”. Trong văn thơ bình dân VN có truyện “Trần Minh khố chuối” (trong câu chuyện nầy, Trần Minh là một thơ sinh nhà nghèo, không có tiền mua vải, phải dùng lá chuối làm khố mặc). Trong tiếng Việt, khố còn có nghĩa là “vải nịt bụng” dùng như dây thắt lưng; thí dụ câu “khăn khố chỉnh tề” (3)
Lấp Vò: địa danh thuộc tỉnh An Giang. Khm: srôk tak por = xóm nước nóng.
Lóc (cá). Khm: trêy rot = một loại cá nước ngọt, có rất nhiều ở vùng đồng bằng Cửu Long. Còn có nhiều tên khác nhau như cá chuối, cá quả (Bắc Việt), cá tràu (3). Tên khoa học của loại cá nầy là “ophiocephalus” (cá đầu rắn, vì đầu cá có hình giống đầu rắn).
Lọp. Khm: lộp = dụng cụ đan bằng tre, dùng để bắt cá tôm. Một đầu của lọp có gắn một cái “hom” (dụng cụ đan bằng tre hình phễu, cá tôm đi vào được nhưng không ra được), nhiều loại lọp có kết thêm một cái hom ở giữa thân lọp. Lọp dùng đặt nơi tôm cá di chuyển, trường hợp này không cần có mồi, những nơi không phải là “đường cá” như ao, đìa, người ta để mồi vào đáy lọp để nhử tôm cá. Những
14
nhà nông hay ngư phủ ở vùng ĐN–CL đều biết tên dụng cụ nầy.
Lục. Khm: lục = ông. Dân Việt lại dùng chữ “ông lục” để chỉ những nhà sư (ông sãi áo vàng) người Kampuchia.
Mặc nưa. Khm: mắc khưa = loại cây nhỏ, trái nhỏ bằng đầu ngón tay, hột chứa nhiều hóa chất dùng nhuộm quần áo rất tốt.
Mẻ. Khmer: khméh = tên một loại chất chua do cơm nguội để lâu, lên men rượu và thành men giấm, dùng nấu canh chua.
Mẹc. Khm: mek = ông; chức danh cao cấp nhất trong phẩm trật sư sãi Kampuchia. (VN: Ông Lục, Ông Mẹc. Trong tỉnh Trà Vinh có ngôi chùa Khmer mà dân Việt quen gọi là Chùa Ông Mẹc.)
Mùng. Khm: mung = dụng cụ bằng vải thưa và mỏng, dùng chặn muỗi khỏi cắn người ngủ bên trong. Ca dao:
Trống treo ai dám đánh thùng
Bậu không, ai dám giở mùng chun vô.
Hoặc: Khoác mùng ra thấy mùng không
Gối loan để đó lệ hồng tuôn rơi.
(Có thể nói chắc chắn mùng là từ ngữ của miền Nam, được sử dụng rất lâu đời, nhưng ai vay mượn của ai chưa thể xác định được. Khách quan mà nói, mùng là một kiến trúc bằng vải, thuở nguyên thủy của cái mùng có thể do người Việt sáng chế, vì người Khmer đã có cái nóp) (8).
Mỹ Lồng: địa danh và tên sông thuộc Tiền Giang (Kiến Hòa). Khm: Srok Mi Lôn = xứ, xóm của nàng tên Lôn.
Ná. Khm: sna = dụng cụ bắn chim hình chữ V có cán, buộc dây thun, dùng bắn viên đạn tròn ra (giàn thun). Tục ngữ VN có câu “đặng chim bẻ ná, đặng cá quên nôm”. Ca dao có câu:
Tiếc công chuốt ná lau tên
Nhạn bay về đền công uổng danh hư.
15
Phum. Khmer: phuum = xóm hay làng có cây.
Sa Đéc: Tên một tỉnh ngày xưa. Khm: phsar dèk = chợ (bán) sắt.
Sầu riêng. Khm: turen. Tên một loại cây/trái đặc sản miền Nam. Tên loại cây/trái này đã được đưa vào danh sách thảo mộc thế giới năm 1776 cho cả một chi (Genus), Durio, với cái tên Durio zibethinus L. Dù rằng Durio zibethinus L. rất có thể gốc từ tiếng Nam Dương (Djoerian), nhưng chiếc cầu từ Djoerian sang Sầu riêng có thể là từ gốc Khmer “Turen”. Từ ngữ để gọi cây/trái sầu riêng hầu hết các nước trên thế giới có giọng đọc tương tự như tiếng Anh/Pháp/Đức/Tây Ban Nha (Spain): Durian (8).
Sóc Trăng: Tên một tỉnh. Khm: Srok Khlẳn (khléang) = Xóm kho bạc. Khi vùng nầy còn thuộc Thủy Chân Lạp, người Khmer có lập một kho chứa vàng và bạc ở đây.
Soi rạp hay Lôi lạp: tên cửa biển có nhiều mũi đất, thuộc quận Tân Hưng, tỉnh Gò Công. Khm: Péam prêk chroy phkẩm. Theo ông Vương Hồng Sển, Péam prek = cửa biển, chroy = mũi đất, và phkham = xâu chuổi.
Sọt (sọt rác): giỏ đựng rác hay giấy vụn, làm bằng bằng tre đan. Khmer: kksok.
Tầm phong luông hay Tầm phong long là một địa danh thuộc Châu Đốc. Khm: Kampong luông (hay Kompong luon). Kampong = vũng nước, luông (hay luon) = vua. Có nghĩa bờ sông có vua đến (“bến vua” hay “bến ngự”). Ngày xưa nơi nào vua Kampuchia ghé ghe (thuyền) nghỉ ngơi, người Khmer gọi nơi đó là Kampong Luông. Về địa lý, địa danh Kampong luông hay Tầm phong long là một vùng rất rộng trải dài từ Vĩnh Long - Sa Đéc đến khỏi Long Xuyên - Châu Đốc, sang đất Kampuchia ngày nay. Vào thế kỷ 18, vua Kp dâng vùng đất khoảng An Giang ngày nay (Long Xuyên-Châu đốc) cho VN. Vì vậy một vùng đất gần
16
biên giới VN/Kp có tên là Tầm phong long. Sau nay Tầm phong long đổi thành Hồng ngự, tên một quận thuộc tỉnh An Giang.
[Trong quyển Sài Gòn Tạp pín lù (một quyển sách kể nhiều chuyện liên quan đến Sài Gòn ngày xưa, không phải là sách nghiên cứu) ông VHS có kể rằng vùng đất quanh cột cờ Thủ Ngữ (mũi đất ở ven sông Sài Gòn, có biệt danh là Point des blagueurs = mũi tán dóc) ngày xưa còn gọi là “Kampong Luông” vì “ngày trước phó vương Đàn Thổ thường ra tắm sông nơi nầy” (trang 392) (xưa dân ta gọi người Khmer là Thổ hoặc Đàn Thổ hay Đàng Thổ (?). Nếu chuyện nầy đúng, thì địa danh Tầm phong long phải bắt đầu từ vùng Sài Gòn, chớ không phải từ Vĩnh Long.]
Tha la. Khmer: sala = chòi nhỏ ngoài đồng.
Thau lau (cây). Khm: sralau = loại cây quí, gỗ màu trắng rất cứng nhưng dòn.
Thốt nốt. Khm: Thnốt = thực vật thuộc họ dừa, trái cho mật dùng làm đường. Đường thốt nốt là một đặc sản nổi danh của Kp.
Tra (cá). Khm: trêy pra = tên loại cá nước ngọt có da láng. Cá tra có loại lưng đen bụng trắng (cá tra đen) và loại lưng xám bụng trắng (cá tra xám).
[Cả hai loại đều rất lớn con, những con cá tra bắt được vùng Vàm Nao (chỗ thông nhau của Tiền-Hậu Giang) có trọng lượng 150 đến 200 kg (cá tra đen) và 70 đến 150 kg (cá tra xám). Về sau người ta đặt tên Việt cho một loại cá này là “cá bông lau”. Giống cá tra đen dễ nuôi nên được nuôi xuất khẩu. Bất hạnh trong vụ đặt tên mới này ở chỗ ta đã có một loại cá mang tên đó từ xưa, vì trên lưng chúng có sọc tương tợ hình bông lau. Do đó, cá bông lau trở thành cá bông và cá tra đen trở thành cá bông lau (8) ]
Trà Ngoa: tên một ngôi chùa ở Cần Thơ. Khm: vat svày = chùa xoài.
17
Úc: tên một phụ chi cá sông thuộc họ cá có râu, có 3 ngạnh (2 ngạnh mang và ngạnh lưng). Khm: úc; trêy úc = cá úc.
[(Cá úc: Cá có râu, 3 ngạnh sống gần mặt nước gồm cá lăng và cá chốt. Cá có râu 3 ngạnh sống ở đáy sông gồm cá ngác và các loại cá úc. Trong nhóm (phụ chi) cá úc, lớn con nhứt là cá úc nghệ, kế tới là cá úc dừa, nhỏ con nhứt là cá úc chuột (bây giờ là cá chốt chuột). Cá úc nghệ màu vàng nghệ, nhiều xương, có trứng bằng đầu đũa cũng màu vàng nghệ (to hơn golden caviar). Người ta phẩm bình rằng trứng cá úc nghệ ngon hơn golden caviar. Loại cá úc dừa, màu xám, là loại nhiều nhứt sống ở sông, ít xương, nhiều thịt, trứng rất ngon, có thể so với caviar đen. Cá út chuột chỉ to bằng ngón chưn cái, màu đen đốm to và trắng, ít xương. Món ăn cố cựu từ cá úc là canh chua (8).]
Vàm. Khm: péam = cửa sông, nơi một con sông nhỏ (rạch) chảy vào con sông lớn. Ở đồng bằng ĐN-CL có nhiều sông rạch, do đó có rất nhiều địa danh bắt đầu bằng chữ “vàm” như Vàm Cống (thuộc Gò Công), Vàm Nước Trong (Kiến Hòa), Vàm Sông Thượng (Cần Thơ), Vàm Nao (An Giang).
Vàm Nao: một trong những địa danh nổi tiếng ở miền Nam. Địa danh nầy đã đi vào văn chương bình dân VN:
“Ngó lên Châu Đốc Vàm Nao,
Thấy buồm em chạy như dao cắt lòng;
Ngó lên Châu Đốc Vàm Nao,
Thấy con cá đao bổ nhào vô lưới,
Biết chừng nào anh cưới được em;
Ngó lên Châu Đốc, ngó xuống Vàm Nao,
Anh thương em ruột thắt gan bào,
Biết em thương lại chút nào hay không ?.”
Chữ “vàm” còn dùng làm tên sông: sông Vàm Cỏ có nguồn từ Kampuchia, gồm hai nhánh. Vàm Cỏ Đông (chảy ngang qua Bến Lức) và Vàm Cỏ Tây (ngang qua Tân An). Cả hai sông nầy ở phía Nam của Sài Gòn.
18
Vắt. Khm: tiek = một loại động vật hút máu, sống trên đất ẩm tới khô, nơi đất khô vắt bị khô cứng khi có nắng nên chỉ hoạt động về đêm tới sáng tinh sương mà thôi. Vắt phát hiện và định hướng động vật hoặc người bằng sự sai biệt nhiệt độ. Vắt có thể cảm nhận sai biệt nhiệt độ dưới 1 độ (C) chênh lệch, chúng di chuyển rất nhanh về hướng nhiệt độ cao để bám vào thú hoặc người và hút máu.
Vĩnh Long (hay Vũng Luông, Vãng luông): tên một tỉnh vùng Hậu Giang. Cũng có nguồn từ chữ Kampong luông. Kompong = vũng. Luông = vua = Long.
[Có thể là VN, Kampuchia và cả Lào đều mượn chữ “long” (= rồng) = “vua” của Trung Hoa. Khmer có Kampong Luông; VN có Tầm phong Long; Laos có Luôngprapang (Louang Prabang); tất cả đều liên hệ đến chữ vua.]
Xà di. (không rõ cách viết âm theo Khm). Một loại bẫy. Có 2 loại xà di: xà di chuột và xà di cá. Xà di chuột có kiến trúc tròn dài bằng tre, đường kính độ 10-15 cm, dài độ 1 m, có hai hom, dùng bắt chuột vào đầu mùa khô. Xà di cá có kiến trúc là một cái lưới 5 mạng hình ống loa bằng dây lăng hoặc dây đừng. Bắt cá bằng xà di là một cách săn cá rất điệu nghệ của người Việt/Khmer Hậu Giang: chỉ những loại cá quá khích như cá lóc, cá bông (lau) mới mắc vào xà di. Chúng dùng toàn lực chui vào để phá cho hư hỏng.
Xà neng. Khm = sneng. Dụng cụ đa năng bằng nang tre của người Khmer, có hình một cái xuổng. Người Khm dùng để xúc lúa và bắt cá. Người TH ở Việt Nam dùng xúc lúa, người Việt tiếp nhận để bắt cá cận bờ.
Xăm (cũng đọc là xom). Khm: xăm = cây chỉa có 3 đầu nhọn dùng đâm (chỉa) cá. Danh từ xăm (vật dụng) và động từ xăm (chỉa) đã hoàn toàn Việt hóa từ lâu đời.
Xoài. Khm: Svay Prey. (xin xem địa danh Chùa Xoài). Loại cây/trái đặc sản của vùng nhiệt đới, tên khoa học Mangifera Indica L.
Yuôn: (Xem chữ Duôn).
19
NHỮNG CHỮ VIỆT ĐỒNG ÂM và
ĐỒNG NGHĨA VỚI CHỮ KHMER
Một số nhỏ những chữ nầy trích ra từ quyển “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc VN ” (NGML) của tác giả Bình Nguyên Lộc (BNL). Sau mỗi chữ trích từ sách BNL sẽ có dấu qui ước*. Ví dụ: Ăn* [ănh] = VN Ăn, Khm [ăng]
Những chữ không ghi dấu qui ước, trích từ CD của Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng (NHV), và có nơi ghi thêm ý kiến riêng của giáo sư Phan Tấn Tài hay của chúng tôi khi viết bài nầy. Trong số những chữ bên dưới đây, có nhiều chữ người Việt đã dùng từ xưa, có nhiều chữ không biết ai mượn của ai, rất khó xác định nguyên gốc. Ngoài ra còn có những chữ tượng thanh, thì nếu âm giống nhau sẽ không có gì đáng ngạc nhiên. Điều đáng nói là một số khá đông chúng ta ít có người biết được sự sử dụng giống nhau nầy.
BẢN LIỆT KÊ
Sau đây là bảng liệt kê một số rất nhỏ những chữ thuộc loại đồng âm đồng nghĩa hay âm & nghĩa gần giống nhau. (Vì là dùng tiếng VN để ký âm, nên có thể có những chữ diễn tả không đúng như âm Khm vì không có những âm tương đương trong vần VN, hoặc chỗ thì dùng “c” chỗ thì dùng “k” (trường hợp chữ côn / kôn) do khác tác giả.
------------------
Ả trong chữ óng ả = tốt đẹp. Khm: k-ả k-óng.
Ách: đầy trướng lên như “no phát ách”. Khm: Ch-ach, chòm-ach = no đầy.
Ác = một loài chim. Khm: ak hay k-ak = con diều. Người Việt gọi chim “ác là”, là một loại chim săn như ó, diều, có
20
lông trắng, thân hình nhỏ hơn ó hay diều, có giọng la nhức tai mỗi khi chúng chạm trán với nhau.
Ảng (hay Áng): vật dụng đựng nước. Người Việt hiểu ảng là một loại chậu nước lớn và trẹt. Khm: ang = hồ nước (như hồ nuôi cá, hồ tắm, hồ nước trên núi).
Ao: hồ nước nhỏ. Khm: ao = hồ nước nhỏ.
Ăn* (ăn uống). [ănh.]
Ắp: đầy. Khm: ắp, kh-ăp.
Âu yếm: thương, quyến luyến. Khm: kr-yêm = thẹn thùng; có vẻ thương nhau.
Bang hay báng: phình to (chang bang). Khm: kàm bang, kàm piang = chè bè ra, phình ra.
Băng: bó kín. Khm: kòm băng, boom băng.
Bắt (buộc): ép phải làm theo. Khm: bătch; chàm-bătch = yêu cầu, đòi hỏi.
Bắn*. [panh.]
Can: cản ngăn chận. Khm: khang = can ngăn.
Cà: trái cà. Khm: kar, klar.
Cà chớn: lười biếng, vô tư cách, vô trách nhiệm. Khm: kh-chơi, kchưl = cà chớn; kần chrới = vô trách nhiệm; kàm chơi = nhác nhớm.
Cà kê: khề khà (cà kê dê ngổng). Khm: r-kề r-cà.
Cà nhắt: khập khểnh. Khm: kh-nhak; dao nhăk nhok = đi ỏng ẹo.
Cà tong: ốm tong teo. Khm: kr-taong = cà tong cà teo.
Cà thọt: (đi chân thấp chân cao). Khm: kòn chọt = xiêu vẹo.
Càng: thêm (như “được như vậy càng tốt”). Khm: kàng = hơn, thêm nữa.
Căm: giận. Khm: r-kăm; rkam chơi = lòng căm giận.
Cháu* (con cháu). [cha.]
Chí* (rận). [chaay.]
Chín* (nấu chín, trái cây chín). [ch’eanh.]
Chó* (con vật). [cho.]
21
(Chò) ho, cho ho : một cách ngồi. Khm: ch-hoh = ngồi trên hai chân, đít không chạm đất (ngồi chồm hổm).
Chơn (chưn). Khm: chơơng = bên dưới; cũng có nghĩa là cái chơn hay cái chưn.
Con* (cha con). [côn.]
Con (cha con). Khm: kôn, kun. Kôn chau = con cháu.
Con (con vật). Khm: kôn. Kôn ch-kêy = con chó.
Con ruồi* (ruồi muỗi). [ko ruy.]
Còng* (vòng): cái vật còng tay. [kong.]
E: có ý sợ như e dè, e ngại. Khm: bòng e bòng ung = e ngại, ấp úng. È ạch, Ì ạch: nặng nề, khó nhọc. Khm: ph-è, chàm-è.
Ẹ: dơ bẩn. Khm: ch-e; klơn ch-e = mùi hôi. Èo ọp: ốm yếu. Khm: r-op, tr-op.
Ém: dấu mất. Khm: Ém.
Ép: đẩy dính sát vào nhau, làm áp lực. Khm: ép, bòng-ep.
Ê: đau, hơi đau. Khm: xằng ê; xằng ê thmin = ê răng. Êm: dịu, nhẹ nhàng. Khm: ph-êm.
Ếch: như ếch nhái. Khm: ênh hay ếch; côn chanh ch-ếch = con ếch.
Ghe* (thuyền). [thwe] : ghe chài, loại ghe lớn.
Hằn học: giận. Khm: kàm hok = nạt nộ, la mắng.
Hầm: nấu lâu. Khm: hầm.
Hấn: hư, như “không hề hấn gì”, không bị hư hao chút nào. Khm: hân = làm hư hại.
[ Trong tiếng Việt, chữ hấn đứng riêng chỉ có nghĩa theo tiếng Hán Việt là thù oán, trong chữ nôm (VN) chỉ đi chung với (hề) hấn tức thiệt hại. Nếu là từ Việt gốc Kp thì hấn chỉ đóng vai trò từ ghép mà thôi. Từ hấn trong chữ ghép hề hấn là một cấu trúc của tiếng Việt, chính chữ hấn ở đây không có nghĩa gì hết, nhưng đi chung với hề (hệ) mới có nghĩa (8).]
Hất: làm văng ra. Khm: hất.
22
Heo hút: vắng hẻo lánh. Khm: hieo hay r heo hay tleo = vắng trống, hiu quạnh.
Hênh : hở như hớ hên. Khm: r-hêng, pr hêng; kr-hêng = để hở ra.
(Tác) hoát: mở rộng ra. Khm: puồng hoát.
Hiên: phần ngoài của nhà. Khm: riên hay hiên.
Hò: (như hò hát). Khm: hò, tr-hò. Hò còn có nghĩa giữ lại.
Hóc: mắc xương. Khm: k-hok.
Hóc: hẻm, kẹt. Khm: l-hok = hóc
Ì: không di chuyển. Khm: ì : chậm, khó nhọc. Ì ạch: nặng nhọc, chậm chạp. Khm: ik-ak = khệ nệ, hì hục.
Im: không có tiếng động. Khm: sng-iêm, kr-im.
Kình (hay kềnh): to lớn như chày kình, kềnh càng. Khm: kềng = to lớn. Kỉnh: gắt gỏng, cáu kỉnh. Khm: kin = la rầy, quở mắng.
Kíp: cái bật, cái ngòi nổ. Khm: kip hay krip = ngòi nổ.
Kít kít: tiếng kêu như câu “cò ke cút kít”. Khm: krit krit, nghit nghit, krut krưt.
La* (hét). [lôla.]
Lá* (lá cây). [slat.]
Mái* (giống cái loài chim). [maai.] = cung phi.
Mặt* (mặt mủi). [muk.]
Mây* (đám hơi nước trên trời). [mek.] = mây, hay trời.
Mẹ*(cha mẹ). [mê.] = đàn bà trẻ tuổi; [ma đai.] mẹ, má.
Mới* (mới cũ). [thmây.]
Múi* (màu). [mau.]
Muỗi* (ruồi muỗi). [mú.]
Năm* (gồm 12 tháng). [cho-nam.]
Ngày* (ngày đêm). [thngay.]
Ngáp* (ngáp buồn ngủ). [sngáp.]
23
Nghêu. Khm: nghiêu = con sò, con ngao. Đây là loại có vỏ sống ở bãi cát sông hay biển. [Xa ngao 蛼螯 con nghêu (từ điển Hán Việt Thiều Chửu). Đây cũng là chữ cùng âm cùng nghĩa (8).]
Người* (người ta). [m’nư.]
Nhắm* (ăn). [nham.]
Non* (núi, non). [phơnơm.]
O o: tiếng kêu. Khm: or or = tiếng ồn ào.
Ỏn ẻn: uốn éo yểu điệu. Khm: en-on; đa en- on: đi ỏn ẻn.
Oằn: cong (“đến sắt cũng phải oằn” Nguyễn Công Hoan). Khm: kr-oằng.
Ọc: ói ra, đổ ra. Khm: bòng-ọc: đổ ọc vào.
Ô hô: tiếng than (tiếng Việt cổ). Khm: ô.
Ồ ồ: tiếng kêu. Khm: ồ ồ, kr-ồ; niyây ồ ồ = nói ồ ồ.
Ở: chỗ cư trú. Khm: ơ; ơ na = ở đâu; ơ kớt = ở phía đông; ơ kra-oi = ở phía đàng sau.
Sạch* (sạch sẽ). [soạt.]
Sâu* (ngược với cạn). [chrau.]
Tắc kè* (geico). [tắc kè.]
Thêm* (thêm bớt). [them.]
Ù ù: tiếng động. Khm: xờ ù, ù ù.
Út: nhỏ nhất như con út, ngón tay út. Khm: t-utch, p-utch, đàm-nutch, t-uôtch. A t-utch = thằng bé nhỏ nhất; chông p-utch = sau hết.
Ươn: hư (cá ươn), thấp kém (ươn hèn). Khm: bòng-ê, bòng ương = hèn kém, kém cõi, bất lực.
Ưỡn: đưa ra, nảy ra. Khm: ươt = nhổm lên chồm lên; r-ươl = giật nảy người lên.
Ướp: để chung lại (thịt heo ướp tỏi, trà ướp sen). Khm: ơp. Ưng: vừa ý. Khm: ưng.
Xương* (xương thịt). [chxoang.]
24
Chúng tôi không có software viết chữ Khmer cho mỗi chữ gốc Khmer hay những chữ “đồng âm/đồng nghĩa đã ghi bên trên. Do đó chúng tôi đính kèm theo đây bản đối chiếu một số chữ qua bản scan để quý vị tiện việc so sánh (trích trong Từ điển nguồn gốc tiếng Việt của Bs. Nguyễn Hy Vọng).
25
26
NHẬN XÉT
Những Chữ Thông Dụng
Trước hết, số chữ Việt gốc Khmer gọi là “thông dụng” tương đối rất ít, và đa số những chữ nầy chỉ được dùng nhiều ở đồng bằng Đồng Nai – Cửu Long mà thôi. Ngay cả rất nhiều người gốc Sài Gòn, Biên Hòa cũng không biết đến một số chữ nầy; thí dụ chữ “cà ràng”, “cái nóp”, “mình ên”.
Có nhiều chữ mà chúng tôi không biết rõ là chữ Việt gốc Khmer hay chữ Khmer gốc Việt, chỉ biết rằng cả hai, VN và Khm đều dùng. Vấn đề ai mượn của ai tức nguồn gốc chính xác của nguyên ngữ, vì không đủ khả năng chuyên môn và không có tài liệu, nên chúng tôi không dám lạm bàn.
Có nhiều chữ rõ ràng là chữ VN gốc Khm, nhưng chúng ta dùng quá lâu đời nên đã hoàn toàn VN hóa, chúng ta không hề nghĩ đến đó là những chữ VN gốc Khm như “Thốt nốt, Sóc trăng, Cà mau, Bến tre”.
Tên các thủy sản có ghi dấu nhiều sự vay mượn qua lại.
Rất nhiều địa danh rõ ràng là có gốc Khm và là dấu chỉ rằng vùng đất Cửu Long ngày xưa thuộc Khmer.
Tuy là con số tương đối rất khiêm tốn, nhưng chúng nói lên sự giao lưu văn hóa tự nhiên của hai chủng tộc sống gần nhau, và là một điểm đặc thù của nền văn hóa ĐN-CL, nhứt là những tên các loại cá.
27
Những Chữ Đồng Âm Đồng Nghĩa
Kế đến là những chữ “đồng âm – đồng nghĩa, (hay gần giống âm và nghĩa), chúng mang lại cho chúng tôi điều ngạc nhiên thích thú: Số chữ loại nầy lại quá nhiều, nhiều hơn sự hiểu biết thông thường của chúng tôi, và tôi nghĩ là cũng là sự hiểu biết của đa số chúng ta. Các học giả như Vương Hồng Sển, Lê Ngọc Trụ, Bình Nguyên Lộc, và gần đây, Nguyễn Hy Vọng, và một số học giả khác, đã để ra không biết bao nhiêu công phu nghiên cứu, đã giúp cho chúng ta biết thêm về cuộc hôn nhơn ngôn ngữ giữa VN và các nước, hay sắc tộc vùng Đông và Nam Á Châu. Thật là một điều đáng được học hỏi, và phổ biến.
Tài Liệu Tham Khảo
SÁCH
1. Bình Nguyên Lộc (1971). Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam. Nxb Xuân Thu xb lại ở HK, Los Alamitos California, USA. (không thấy đề năm nào).
2. Lê Ngọc Trụ (1993). Tầm-nguyên tự điển Việt-Nam. Nxb TP Hồ Chí Minh. VN.
3. Lê Ngọc Trụ, Lê Văn Đức (1970). Việt Nam Tự Điển, nxb Khai Trí, Sài Gòn, VN.
4. Ngô Thế Vinh (2000). Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng. Nxb Văn Nghệ, Westminster, California, USA.
5. Nguyễn Hy Vọng (2005). Tự điển nguồn gốc tiếng Việt. CD, Tác giả phát hành. California, USA.
6. Sơn Nam (1968 (?). Lịch sử khai hoang Miền Nam. Nxb Lá Bối, Sài Gòn, VN
7. Vương Hồng Sển (1993). Tự vị tiếng Việt miền Nam. Nxb Văn Hóa, TP Hồ Chí Minh, VN.
28
TƯ LIỆU
8. Phan tấn Tài (sưu tầm và gởi qua email): Bản đối chiếu tên khoa học, tên VN, và tên Khm một số thủy sản ở miền Nam; một số tên các loại thảo mộc.
9. Một số bạn người Khmer, chuyên viên Chương Trình Bảo Vệ Trẻ Em Á Châu, (Child Protective Services Program) County Los Angeles như Vannarith Khiev, Saren Ath, đã giúp cho tôi một số chữ tương đồng VN/Khm, và xác nhận giùm tính cách trung thực của một số chữ Khm (phiên âm theo Việt ngữ) trong bài.
10. Bài nầy bắt đầu từ bằng hữu “học trò rễ” Đoàn Công Cẩn”, khi Anh cho tôi xem bản sao một phần quyển tự điển của BS Nguyễn Hy Vọng (đã tặng cho Anh). Cám ơn Anh Cẩn và Minh Nga đã “gợi ý” cho tôi viết bài nầy.
11. Chúng tôi cảm ơn Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng đã cho phép trích đăng một số chữ đồng âm/ đồng nghĩa bên trên qua cuộc điện đàm vào cuối tháng November, 2005.
12. Chúng tôi cũng cảm tạ các đồng nghiệp Khmer đã giúp chúng tôi trong việc học hỏi.
12. Chúng tôi không thể nào quên công khó của người bạn “chợ trời chữ nghĩa, ông Vo Cao, đã để thì giờ đọc và hiệu đính giùm bài “chữ Việt gốc Tàu” và “Chữ Việt gốc Khmer”.
14. Và sau hết, xin cảm tạ bằng hữu “văn kỳ danh bất kiến kỳ hình” (chỉ biết qua ảnh mà thôi), Tiến sĩ Phan Tấn Tài, chịu khó đọc, hiệu đính, cho thêm tài liệu, và nhiều giải thích cần thiết, giúp bài hoàn hảo hơn.