Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Ai chưa biết nơi chôn nhau cắt rốn của ông bà mình ở miền Nam, thì tìm đây (II)

Các tỉnh thành cũ ở Việt Nam ( trước đây )

Arrow Kiến Tường

Kiến Tường là một tỉnh cũ ở Nam Bộ Việt Nam vào thời Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ). Tỉnh Kiến Tường được thành lập trên cơ sở tỉnh Mộc Hóa cũ (thành lập tháng 2 năm 1956) và là một trong 22 tỉnh của Nam Phần được chính quyền Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ) thiết lập theo sắc lệnh 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956. Tỉnh lị đặt tại Mộc Hóa.


Tỉnh Kiến Tường bao gồm ba quận, ba tổng, 18 xã (ngày 24 tháng 4 năm 1957):

Quận Châu Thành, quận lị ở xã Tuyên Thạnh, có một tổng là Thanh Hòa Hạ.
Quận Tuyên Bình, quận lị ở xã Tuyên Bình, có một tổng là Thanh Hòa Thượng.
Quận Ấp Bắc, quận lị ở xã Tân Hòa, có một tổng là Ninh Hòa.

Ngày 7 tháng 6 năm 1958, tỉnh Kiến Tường bao gồm ba quận, chín tổng, 23 xã:

Quận Châu Thành Mộc Hóa, quận lị ở xã Tuyên Thạnh, có hai tổng là Mộc Hóa Hạ và Mộc Hóa Thượng.
Quận Tuyên Bình, quận lị ở xã Tuyên Bình, có ba tổng là Tuyên Bình Hạ, Tuyên Bình Trung và Tuyên Bình Thượng.
Quận Kiến Bình, quận lị ở xã Tân Hòa, có bốn tổng là Kiến Bình Đông, Kiến Bình Tây, Mỹ Bình Hạ, Mỹ Bình Thượng.

Ngày 10 tháng 3 năm 1959, Kiến Tường được lập thêm quận mới là Tuyên Nhơn, do tách từ quận Kiến Bình, quận lị ở xã Thủy Đông, gồm hai tổng là Mỹ Bình Hạ, Mỹ Bình Thượng, có sáu xã .

Tháng 2 năm 1976, tỉnh được nhập vào tỉnh Long An.

Arrow Long Khánh

Long Khánh là một tỉnh cũ thuộc Đông Nam Bộ Việt Nam thời Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ), được lập theo Sắc lệnh 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956 của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ), do tách từ Biên Hòa. Từ 30 tháng 4 năm 1975, tỉnh trở thành huyện Xuân Lộc.

Hành chính

Long Khánh phía bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía đông giáp tỉnh Bình Tuy, phía nam giáp Phước Tuy, phía tây giáp hai tỉnh Biên Hòa, Phước Long. Diện tích 3.457 kilômét vuông. Tỉnh lỵ đặt tại Xuân Lộc.

Theo Nghị định số 131-BNV/HC/NĐ của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ) ngày 24/4/1957 thì tỉnh Long Khánh có 2 quận, 3 tổng, 34 xã:

Quận Xuân Lộc, gồm 1 tổng: Bình Lâm Thượng. Quận lị: Xuân Lộc.
Quận Định Quán, gồm 2 tổng: Ta Lai, Bình Tuy. Quận lị: Định Quán.

Khi tỉnh Phước Thành được thành lập vào tháng 1 năm 1959, vùng Ta Lai tách khỏi Long Khánh để nhập vào Phước Thành. Tỉnh sắp xếp lại còn 2 quận, 2 tổng, 16 xã.

Sau lập thêm quận Kiệm Tân.

Địa lý tự nhiên

Tỉnh có nhiều núi và rừng rậm, đất đỏ xám. Hầu hết là núi thấp có rừng bao phủ như: núi Chứa Chan (còn gọi là núi Gia Rai) lớn nhất, cao 838 mét; núi Cam Tiên cao 441 mét, núi Bé Bạc cao 319 mét, núi Đồng Bác cao 236 mét, núi Gia cao 225 mét, núi Tràn cao 209 mét, núi Hok cao 157 mét; dãy núi Mây Tào cao 716 mét nằm tại ngã ba ranh giới với Phước Tuy và Bình Tuy.

Sông chính của tỉnh là sông Đồng Nai, chảy dọc tỉnh theo hướng tây-nam. Các sông khác là sông La Ngà, sông Vong, sông Lục, sông Gia Ớt, suối Tâm Bung.

Khí hậu

Tỉnh có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, với hai mùa: mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Tháng 12 thỉnh thoảng có sương lạnh.

Giao thông

Quốc lộ 1, 20 và liên tỉnh lộ 2, 3 là những đường giao thông quan trọng, nối Long Khánh với các tỉnh khác. Sân bay đặt tại Bến Nôm.

Dân cư

Dân cư đông nhất là người Kinh, còn lại là một số dân tộc gốc Khmer, Chàm và các sắc tộc Tày, Nùng, Thái, Dao, Mạ....Tôn giáo chính là đạo Phật, Thiên Chúa, thờ ông bà...

Vùng Gia Kiệm là nơi sinh sống của nhiều người Thiên chúa giáo miền Bắc di cư vào Nam năm 1954.

Kinh tế

Đất Long Khánh phù hợp với các loại cây công nghiệp như: cao su (trồng nhiều cao su nhất ở quận Xuân Lộc). Ngoài ra còn các loại hồ tiêu, cà phê, cây lấy dầu, thuốc lá và mía. Rừng Long Khánh còn cho các loại gỗ như trắc, cẩm lai, căm xe, bằng lăng, trẹ. Thú rừng có nai, sơn dương, gà rừng, chồn, nhím, chim câu, chim đậu ngược. Núi Chứa Chan có trên 2.000 giống cây khác nhau. Ngoài ra, người dân còn trồng các loại hoa màu phụ như đậu phọng, bắp, đậu xanh, đậu đỏ, chuối...

Khoáng sản của Long Khánh có nhiều hầm đá xanh, đá trắng được khai thác cho việc xây dựng đường sá và những hầm cát trắng làm thủy tinh.

Arrow Lâm Viên

Lâm Viên, đôi khi cũng gọi là Langbiang, Langbian hay Lâm Biên, là một tỉnh cũ ở Nam Trung Bộ, miền Nam Việt Nam.

Ngày 6 tháng 1 năm 1916: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Lâm Viên, gồm đại lý Đà Lạt mới lập lại và đại lý Di Linh, tách từ tỉnh Bình Thuận. Tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt.

Ngày 31 tháng 10 năm 1920: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định xóa bỏ tỉnh Lâm Viên, một phần lập ra thành phố Đà Lạt, phần còn lại lập lại tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt tại Di Linh.

Ngày 8 tháng 1 năm 1941, lập lại tỉnh Lâm Viên, tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt.

Tháng 6 năm 1957, chính quyền Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ) thành lập tỉnh Tuyên Đức trên cơ sở tỉnh Lâm Viên cộng với một phần nhỏ tỉnh Đồng Nai Thượng. Còn chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhập tỉnh Lâm Viên với tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng.

Arrow Lục Nam

Lục Nam là một tỉnh cũ ở Bắc Bộ Việt Nam, nay là địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Từ ngày 5 tháng 11 năm 1889 đến ngày 9 tháng 9 năm 1891, đã tồn tại tỉnh Lục Nam. Tỉnh Lục Nam gồm các huyện Bảo Lộc, Phượng Nhỡn, Lục Nam, Hữu Lũng (tách từ phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh, ở bên tả ngạn sông Thương) và huyện Yên Bái (tách từ tỉnh Lạng Sơn).

Năm 1891, sau khi trả hai huyện Bảo Lộc và Phượng Nhỡn cho tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Lục Nam bị xóa bỏ để nhập vào Đạo Quan binh.

Arrow Minh Hải

Minh Hải là một tỉnh cũ ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam.

Tỉnh được thành lập tháng 2 năm 1976 trên cơ sở tỉnh An Xuyên và một phần tỉnh Bạc Liêu do Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ) lập ra. Khi đó, Minh Hải bắc giáp hai tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang, đông nam giáp Biển Đông, tây giáp vịnh Thái Lan.

Tỉnh lị ban đầu là thị xã Bạc Liêu, được đổi tên là thị xã Minh Hải. Từ ngày 18/12/1984 tỉnh lị chuyển về thị xã Cà Mau, thị xã Minh Hải lại lấy lại tên cũ là thị xã Bạc Liêu (17/5/1984).

Thay đổi hành chính

Ban đầu tỉnh có 2 thị xã (Cà Mau và Bạc Liêu) và 6 huyện. Ngày 29/12/1978 thành lập thêm 6 huyện mới là Cà Mau, Phước Long, U Minh, Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn, nâng tổng số huyện lên 12: An Xuyên, Phước Long, Phú Tân, Năm Căn, Thủy Vân, Nam Hải, Vĩnh Lợi, Thái Bình, Ngọc Hiển, Thanh Vân (khi đó còn gọi là Thái Vân), Hồng Dân và U Minh.

Ngày 30/8/1983, giải thể huyện An Xuyên, nhập 9 xã và 1 thị trấn của huyện vào thị xã Cà Mau, 7 xã còn lại nhập vào các huyện Thủy Vân, Nam Hải, Thái Bình.

Ngày 17/5/1984 sáp nhập huyện Phước Long vào huyện Hồng Dân, huyện Phú Tân vào huyện Thủy Vân.

Ngày 17/12/1984 đổi tên huyện Năm Căn thành huyện Ngọc Hiển, còn huyện Ngọc Hiển thì đổi tên thành huyện Đầm Dơi.

Từ năm 1997, Minh Hải được tách thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Khi đó 2 tỉnh mới chỉ có tổng cộng 9 huyện.Trong đó tỉnh Cà Mau có thị xã Cà Mau (đổi từ An Xuyên), Cái Nước (đổi từ Thủy Vân), Đầm Dơi, U Minh, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời (đổi từ Thanh Vân). Tỉnh Bạc Liêu có thị xã Bạc Liêu, huyện Hồng Dân, Giá Rai (đổi từ Nam Hải), Phước Long, Thới Bình (đổi từ Thái Bình)

Diện tích và dân số

Tỉnh Minh Hải có diện tích 7.697 km². Dân số năm 1979 là 1.139.700 người; 1981: 1.238.000 người, 1984: 1.549.500 người; 1989: 1.562.000 người; 1991: 1.604.881 người.

Arrow Mộc Hóa

Mộc Hóa là tỉnh cũ ở Nam Bộ Việt Nam vào thời Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ), tồn tại trong năm 1956.

Tỉnh Mộc Hóa được thành lập theo Sắc lệnh 21-NV ngày 17 tháng 2 năm 1956 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ). Đất đai tỉnh Mộc Hóa bao gồm:

Quận Mộc Hóa (thuộc tỉnh Tân An).
Phần đất quận Thủ Thừa (thuộc tỉnh Tân An).
Phần đất tỉnh Sa Đéc ở phía đông bắc kênh Vĩnh Hạ-Mỹ Tho và kênh số 4 nối dài.
Phần đất tỉnh Mỹ Tho ở phía bắc một đường ranh giới được quy định như sau: kênh số 4 nối dài, kênh số 4 tới vàm kênh Tổng đốc Lộc và kênh Tổng đốc Lộc tới vàm kênh Thương mãi, kênh Thương mãi.

Tỉnh lị đặt tại Mộc Hóa.

Về phương diện quân sự, tỉnh Phong Thạnh là một tiểu khu thuộc phân khu Đồng Tháp Mười.

Ngày 22 tháng 10 năm 1956, tỉnh Mộc Hóa được đổi tên thành tỉnh Kiến Tường.

Từ tháng 2 năm 1976, tỉnh Kiến Tường được sáp nhập với tỉnh Long An thành tỉnh Long An mới.

Arrow Mỹ Tho

Mỹ Tho là tỉnh cũ Đông Nam Bộ Việt Nam.

Thời Pháp thuộc

Năm 1876, Mỹ Tho, vốn trước kia thuộc tỉnh Định Tường thời "Nam Kỳ lục tỉnh", trở thành một hạt tham biện (arrondissement) thuộc khu vực (circonscription) Mỹ Tho do thực dân Pháp đặt ra.

Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Mỹ Tho trở thành tỉnh Mỹ Tho. Tỉnh lị là thị xã Mỹ Tho.

Ban đầu tỉnh Mỹ Tho có 3 trung tâm hành chính và 15 tổng:

Châu Thành có 4 tổng: Thuận Trị, Thuận Bình, Hưng Nhơn, Hưng Nhượng
Chợ Gạo có 5 tổng: Thạnh Phong, Thạnh Quơn, Hòa Hảo, Hòa Quới, Hòa Thinh
Cai Lậy có 6 tổng: Lợi Trinh, Lợi Thuận, Lợi Mỹ, Lợi Trường, Phong Hòa, Phong Phú

Sau này các trung tâm hành chính chuyển thành các quận: Cai Lậy (thành lập năm 1904), Cái Bè (thành lập ngày 12 tháng 3 năm 1912), An Hóa (thành lập ngày 12 tháng 3 năm 1912), Bến Tranh (thành lập ngày 9 tháng 2 năm 1913), Châu Thành (thành lập ngày 22 tháng 3 năm 1912), Chợ Gạo (thành lập ngày 22 tháng 3 năm 1912).

Từ ngày 9 tháng 2 năm 1913 đến ngày 9 tháng 2 năm 1924, tỉnh Mỹ Tho bao gồm cả tỉnh Gò Công nhập vào, thành quận Gò Công.

Thời kỳ 1945 - 1975

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, cấp tổng bị bỏ, làng chuyển thành xã. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ) mãi đến năm 1963 mới bỏ cấp tổng.

Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ) thành lập tỉnh Định Tường theo Sắc lệnh 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956 trên phần đất tỉnh Mỹ Tho (trừ quận An Hóa nằm phía nam sông Tiền Giang nhập vào tỉnh Kiến Hòa và đổi tên là quận Bình Đại). Tuy nhiên chính quyền Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tỉnh này và vẫn giữ tỉnh cũ là Mỹ Tho. Năm 1957, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhập 2 tỉnh Gò Công và Mỹ Tho làm một đơn vị và gọi là tỉnh Mỹ Tho với các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công.

Tháng 8 năm 1968, quận Gò Công được chính quyền Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tách khỏi tỉnh Mỹ Tho để lập lại tỉnh Gò Công.

Tháng 2 năm 1976, tỉnh Mỹ Tho (hoặc Định Tường) nhập với Gò Công thành tỉnh Tiền Giang (trừ quận Bình Đại nằm phía nam sông Tiền Giang nhập vào tỉnh Bến Tre từ trước).

Arrow Nam Hà

Nam Hà là một tỉnh cũ của Việt Nam nằm ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ, với tỉnh lỵ là thành phố Nam Định. Tỉnh được thành lập ngày 21 tháng 4 năm 1965 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Hà Nam và Nam Định.

Từ 27 tháng 12 năm 1975, Nam Hà lại được hợp nhất với Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh.

Ngày 26 tháng 12 năm 1991, tỉnh Nam Hà được tái lập. Khi tách ra tỉnh Nam Hà có diện tích 2.423,59 km², dân số là 2.435.995 người, gồm thành phố Nam Định, thị xã Hà Nam và 11 huyện: Xuân Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Ninh, Ý Yên, Vụ Bản, Bình Lục, Lý Nhân, Thanh Liêm, Duy Tiên, Kim Bảng.

Theo thống kê năm 1993, tỉnh có diện tích 2.479,8 km², dân số là 2.590.373 người.

Kể từ 6 tháng 11 năm 1996, Nam Hà được chia lại thành hai tỉnh Hà Nam và Nam Định.

Lightbulb Nghĩa Bình

Nghĩa Bình là tên một tỉnh cũ thuộc ven biển Trung Trung Bộ của Việt Nam. Tỉnh này được thành lập tháng 2 năm 1976 trên cơ sở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Đến tháng 6 năm 1989, tỉnh lại được tách ra thành hai tỉnh.

Đơn vị hành chính tỉnh bao gồm: Thị xã Quy Nhơn (thủ phủ), Thị xã Quảng Ngãi, 20 huyện: Bình Sơn, Sơ Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long, Tam Long (sau này đổi thành Ba Tơ), Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Bình Khê, Tuy Phước, An Lão, Thạch Lâm (sau này đổi thành Vĩnh Thạnh), Vân Canh.

Arrow Nghĩa Lộ

Nghĩa Lộ là một tỉnh cũ, thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam. Tỉnh Nghĩa Lộ được thành lập theo Nghị quyết đổi tên khu tự trị Thái Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thông qua ngày 27 tháng 9 năm 1962.

Tỉnh Nghĩa Lộ lúc thành lập gồm 4 huyện: Than Uyên, Mù Cang Chải, Văn Chấn và Phù Yên và nằm trong Khu tự trị Tây Bắc. Sau này lập thêm 2 huyện Trạm Tấu và Bắc Yên. Tỉnh lỵ là thị xã Nghĩa Lộ.

Kể từ ngày 27 tháng 12 năm 1975, tỉnh được sáp nhập với các tỉnh Yên Bái, Lào Cai thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, trừ hai huyện Bắc Yên và Phù Yên ở phía nam nhập vào tỉnh Sơn La.

Từ 26 tháng 12 năm 1991, Hoàng Liên Sơn được chia lại thành 2 tỉnh Lào Cai với Yên Bái; phần lớn tỉnh Nghĩa Lộ (gồm các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu) được sáp nhập vào tỉnh Yên Bái. Riêng huyện Than Uyên nhập vào tỉnh Lào Cai, cho đến năm 2004 thì chuyển sang tỉnh Lai Châu mới.

Arrow Nghệ Tĩnh

Nghệ Tĩnh là tên một tỉnh cũ từ năm 1976 đến 1991, từ năm 1991 tách ra thành 2 tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh.

Lịch sử

- Thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê: gọi là Hoan Châu

- Thời nhà Lý, năm 1030, bắt đầu gọi là châu Nghệ An

- Thời nhà Hậu Lê, từ năm 1490 gọi là xứ Nghệ An

- Thời nhà Tây Sơn, gọi là Nghĩa An trấn

- Thời nhà Nguyễn, Gia Long lại đặt làm Nghệ An trấn

- Năm 1831, vua Minh Mạng chia Nghệ An trấn thành 2 tỉnh: Nghệ An (phía Bắc sông Lam); Hà Tĩnh (phía nam sông Lam).

- Từ năm 1976 đến 1991, sát nhập Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh, đơn vị hành chính bao gồm: thành phố Vinh, thị xã Hà Tĩnh và 25 huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Diên Châu, Đô Lương, Hưng Nguyên, Kỳ Sơn, Nam Đàn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Qùy Hợp, Quỳ Châu, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Thanh Chương, Tương Dương, Yên Thành, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Thạch Hà.

- Năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh lại tách ra thành Nghệ An và Hà Tĩnh như ngày nay.

Arrow Phan Rang

Phan Rang là tên gọi cũ của tỉnh Ninh Thuận, ở Nam Trung Bộ Việt Nam.

Đầu thế kỷ 17, chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần), con thứ hai của Thượng vương, đánh đuổi quân Chiêm Thành đến phía đông sông Phan Rang, đặt làm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, đặt dinh Thái Khang ở phía tây sông, vẫn cho lệ thuộc vào nước Chiêm Thành, chỉ ràng buộc quốc vương Chiêm Thành là Bà Tâm hàng năm phải cống nộp. Đến đời Minh vương (Nguyễn Phúc Chu), con truởng là Ngãi vương đem quân đánh Chiêm Thành, bắt chúa Chiêm là Bà Tranh, lấy đất đặt làm trấn Thuận Thành. Năm 1693, chúa Minh lập địa danh hành chính: đạo Phan Rang, thuộc dinh Bình Thuận, sau là Trấn Bình Thuận rồi Thuận Thành. Năm Minh Mệnh thứ 13, Triều Nguyễn bỏ trấn Thuận Thành lập phủ Ninh Thuận và Phủ Hàm Thuận. Phủ Ninh Thuận có hai huyện là Yên Phước và Tuy Phong. Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), huyện Yên Phước nhập vào tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 20 tháng 5 năm 1901, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Phan Rang, tỉnh lị cũng là Phan Rang. Tỉnh Phan Rang gồm phủ (còn gọi là đạo) Ninh Thuận, huyện An Phước, huyện Tân Khai, tách từ tỉnh Khánh Hòa ra. Ngoài ra, Đà Lạt là đại lý hành chính thuộc tỉnh Phan Rang.

Năm 1913, tỉnh Phan Rang bị xóa bỏ, phần phía bắc nhập vào tỉnh Khánh Hòa, còn phần phía nam gọi là đại lý hành chính, thuộc tỉnh Bình Thuận.

Nghị định ngày 10 tháng 5 năm 1914 phân chia địa lý hành chính Phan Rang thành 2 khu vực: khu vực dân tộc thiểu số cư trú (huyện Tân Khai) vẫn thuộc tỉnh Bình Thuận, còn khu vực người Việt và người Chăm cư trú nhập vào tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 5 tháng 7 năm 1922, phủ Ninh Thuận được tách khỏi tỉnh Khánh Hòa lập tỉnh Phan Rang, còn gọi là tỉnh Ninh Thuận. Tổ chức hành chánh được chia thành 5 tổng ở đồng bằng (gồm Tổng Mỹ Tường, Đắc Nhơn, Kinh Dinh, Vạn Phước và Phú Quý) 2 tổng ở miền núi (É Lâm Thượng và É Lâm Hạ) và huyện An Phước.

Arrow Phong Dinh

Phong Dinh là một trong 22 tỉnh của Nam Phần được chính quyền Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ) thiết lập theo Sắc lệnh 143-NV của Tổng thống ngày 22 tháng 10 năm 1956, do đổi tên từ tỉnh Cần Thơ. Tỉnh lị: Cần Thơ (được lập làm thị xã ngày 30/9/1970).

Năm 1957, tỉnh Phong Dinh có 5 quận, 10 tổng và 59 xã:

Quận Châu Thành Phong Dinh có 2 tổng: Định An, Định Bảo; quận lị: Tân An.
Quận Phụng Hiệp có 2 tổng: Định Phước, Định Hòa; quận lị: Phụng Hiệp.
Quận Ô Môn có 2 tổng: Định Thới, Thới Bảo; quận lị: Thới An. Ngày 16/10/1958, đổi tên là quận Phong Phú.
Quận Long Mỹ có 2 tổng: An Ninh, Thanh Tuyền; quận lị: Long Trị.
Quận Kế Sách có 2 tổng: Định Khánh, Định Tường; quận lị: Kế An. Ngày 16/9/1968, chuyển quận Kế Sách sang tỉnh Ba Xuyên.
Ngày 18/3/1960, lập thêm quận Đức Long (gồm 7 xã); quận lị: xã Vị Thanh.

Ngày 2/7/1962, lập thêm 2 quận Khắc Trung (quận lị đặt tại Cờ Đỏ), Khắc Nhơn (quận lị đặt tại Bảy Ngàn).
Ngày 20/4/1964, đổi tên 2 quận Khắc Trung, Khắc Nhơn thành Thuận Trung, Thuận Nhơn.

Ngày 26/5/1966, lập thêm quận Phong Điền (gồm 5 xã), tách từ phần đất của các quận Châu Thành, Phong Phú và Thuận Nhơn.

Sau lại lập thêm quận Phong Thuận gồm 5 xã.

Tính đến năm 1971, dân số tỉnh là 337.159.

Chính quyền Mặt trận Dân Tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi "Phong Dinh" mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Cần Thơ.

Tháng 2/1976, tỉnh Phong Dinh trở thành một phần của tỉnh Hậu Giang. Năm 1991, tỉnh Hậu Giang tách ra thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng như cũ.

Arrow Phong Thạnh

Phong Thạnh là tỉnh cũ ở Nam Bộ Việt Nam vào thời Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ), tồn tại trong năm 1956.

Phong Thạnh được thành lập theo Sắc lệnh 22-NV ngày 17 tháng 2 năm 1956. Đất đai tỉnh Phong Thạnh vốn là phần đất nằm ở bờ trái (bờ bắc) sông Tiền của các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên và Sa Đéc trước kia, bao gồm:

Địa phận quận Hồng Ngự, cù lao Long Khánh, cù lao Cai Vung và cù lao Tây (thuộc tỉnh Châu Đốc.
Địa phận quận Phong Thạnh Thượng và tổng An Bình (thuộc tỉnh Long Xuyên).
Địa phận quận Cao Lãnh (thuộc tỉnh Sa Đéc), trừ phần đất ở phía đông bắc kênh Vĩnh Hạ-Mỹ Tho và kênh số 4 nối dài (nhập vào tỉnh Mộc Hóa).
Phần đất tỉnh Mỹ Tho ở phía tây một đường ranh giới được quy định như sau: kênh số 4 tới vàm kênh Tổng đốc Lộc và kênh Tổng đốc Lộc tới Mỹ Hiệp.
Tỉnh lị tỉnh Phong Thạnh được đặt tại Cao Lãnh.

Về phương diện quân sự, tỉnh Phong Thạnh là một tiểu khu thuộc phân khu Đồng Tháp Mười.

Ngày 22 tháng 10 năm 1956, tỉnh Phong Thạnh được đổi tên thành tỉnh Kiến Phong.

Tháng 2 năm 1976, tỉnh Kiến Phong được sáp nhập với tỉnh Sa Đéc thành tỉnh Đồng Tháp.

Arrow Phù Lỗ

Phù Lỗ là một tỉnh cũ của Việt Nam. Tỉnh Phù Lỗ tồn tại từ ngày 6/10/1901 đến ngày 18/2/1904 thì đổi tên thành tỉnh Phúc Yên (tỉnh).

Tỉnh Phù Lỗ bao gồm huyện Yên Lãng của tỉnh Vĩnh Yên, phủ Đa Phúc, huyện Kim Anh, một phần huyện Đông Khê (thuộc phủ Từ Sơn) của tỉnh Bắc Ninh tách ra. Tỉnh lị đặt tại xã Tiên Dược Thượng (Đa Phúc), đến ngày 10/12/1903 chuyển về làng Tháp Miếu, tổng Bạch Trĩ, huyện Yên Lãng.

Ngày 12/2/1902, lập thêm huyện Vĩnh Ninh từ một số tổng của 2 huyện Đông Khê và Yên Lãng.

Ngày 10/4/1903, huyện Đông Khê đổi tên thành huyện Đông Anh.

Arrow Phú Bổn

Phú Bổn là một tỉnh cũ thời Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ). Tháng 9-1962, chính quyền Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ) chia tỉnh Pleiku ra 2 tỉnh: Pleiku và Phú Bổn. Từ năm 1976, tỉnh được nhập vào tỉnh Đắc Lắc, sau phần lớn cắt sang Gia Lai - Kon Tum.

Địa lý

Hành chính

Phú Bổn giáp hai tỉnh Pleiku và Bình Định về phía bắc, tỉnh Phú Yên về phía đông, Đắc Lắc về phía nam và tây nam, Pleiku về phía tây. Diện tích toàn tỉnh là 4.822 km². Tỉnh lỵ đặt tại Hậu Bổn (Cheo Reo). Tỉnh có 3 quận là Phú Thiện, Phú Túc (nay là Krông Pa) và Thuần Mẫn.

Quận lị Thuần Mẫn cách Hậu Bổn (Cheo Reo) 15 km về phía tây nam, nay nằm ở vùng giáp ranh hai tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc.

Sau năm 1975, tỉnh được nhập vào tỉnh Đắc Lắc, sau phần lớn địa bàn tỉnh chuyển sang tỉnh Gia Lai-Kon Tum, riêng vùng phía nam quận Thuần Mẫn nay thuộc tỉnh Đắc Lắc.

Tự nhiên

Phú Bổn nằm ở cao độ từ 150 m đến 1.000 m, có núi rừng bao bọc chung quanh. Những ngọn núi cao ở đây gồm có Chu Tryan 1.331 m, Chu Kheur 1.088 m; Chu Dju cao 1.230 m, Chu Dlé Ya cao 1.215 m.

Sông chính của Phú Bổn là sông Ba (người Thượng còn gọi là Ia Ba hay Ea Pa), phát nguồn từ núi Ngọc Roo (thuộc tỉnh Quảng Ngãi), chảy theo hướng bắc-nam, khi tới Cheo Reo thì gặp sông Ia Ayun. Sông Ia Ayun bắt nguồn từ chân núi Kon Lack (thuộc tỉnh Pleiku), chảy vào Phú Bổn theo liên tỉnh lộ số 7. Sông Ba có các sông nhánh chính là sông Ea Thul, phát nguồn từ núi Kong Wan Riom; sông Cà Lúi và sông Ba M'la, phát nguồn từ núi Chu Prong và sông Krong Nang phát nguồn từ núi Chu Dlé Ya. Vào mùa mưa, sông Ia Ayun và sông Krong Nang thêm nước vào sông Ba làm lưu lượng nước chảy mạnh về phía đông nam, cuốn nhiều đất phù sa bồi đắp cho bình nguyên Phú Bổn.

Khí hậu

Khí hậu Phú Bổn có hai mùa mưa nắng, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9, mùa nắng từ tháng 10 đến tháng 3.

Dân số

Tính đến năm 1971, tỉnh Phú Bổn có tổng cộng 69.765 người, đa số là người Jarai và Bahnar.

Giao thông

Liên tỉnh lộ 7 là đường giao thông quan trọng, nối Phú Bổn với các tỉnh lân cận.

Arrow Phú Khánh

Phú Khánh là một tỉnh cũ của Việt Nam được hợp nhất từ tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa trước đó.

Tỉnh Phú Khánh tồn tại từ ngày 29 tháng 10 năm 1975 đến 30 tháng 6 năm 1989. Tỉnh lỵ của Phú Khánh là thành phố Nha Trang và 8 huyện: Xuân An, Vĩnh Xương, Tuy Hoà, Khánh Ninh, Diên Khánh, Cam Ranh, Tây Sơn và Trường Sa.

Sau 30 tháng 6 năm 1989, Phú Khánh lại được tách ra thành Phú Yên và Khánh Hòa như trước.

Arrow Phúc Yên

Phúc Yên là một tỉnh cũ của Việt Nam. Tỉnh Phúc Yên ra đời theo nghị định ngày 18/2/1904 của Toàn quyền Đông Dương, do đổi tên từ tỉnh Phù Lỗ.

Tỉnh Phù Lỗ được thành lập ngày 6/10/1901, bao gồm huyện Yên Lãng của tỉnh Vĩnh Yên, phủ Đa Phúc, huyện Kim Anh, một phần huyện Đông Khê (thuộc phủ Từ Sơn) của tỉnh Bắc Ninh tách ra. Tỉnh lị đặt tại xã Tiên Dược Thượng (Đa Phúc), đến ngày 10/12/1903 chuyển về làng Tháp Miếu, tổng Bạch Trĩ, huyện Yên Lãng. Thị xã Phúc Yên được thành lập ngày 31/10/1905, là tỉnh lị.

Ngày 12/2/1902, lập thêm huyện Vĩnh Ninh từ một số tổng của 2 huyện Đông Khê và Yên Lãng.

Ngày 10/4/1903, huyện Đông Khê đổi tên thành huyện Đông Anh.

Ngày 7/3/1913, tỉnh Phúc Yên chuyển thành đại lý hành chính Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Yên. Ngày 31/3/1923, tỉnh Phúc Yên được tái lập trên cơ sở đại lý Phúc Yên. Từ đó cho đến năm 1950, tỉnh Phúc Yên bao gồm 2 phủ Đa Phúc, Yên Lãng và 2 huyện Đông Anh, Kim Anh.

Trong kháng chiến chống Pháp, Vĩnh Yên thuộc Liên khu Việt Bắc.

Ngày 12 tháng 2 năm 1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc. Trước khi hợp nhất tỉnh Phúc Yên có 4 huyện: Đa Phúc, Đông Anh, Kim Anh, Yên Lãng.

Huyện Đa Phúc thời Trần gọi là Tân Phúc, thuộc châu Bắc Giang, phủ Bắc Giang; đời Lê đổi là Thiên Phúc rồi Tiên Phúc. Huyện Kim Anh có tên cũ là Kim Hoa. Cả 3 huyện Đông Anh, Kim Anh, Đa Phúc trước kia đều thuộc tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc thành phố Hà Nội. Hai huyện Đa Phúc và Kim Anh đã nhập thành huyện Sóc Sơn.

Arrow Phước Long

Phước Long là một tỉnh cũ ở miền Đông Nam Bộ Việt Nam.

Phước Long được thành lập theo Sắc lệnh số 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956 do Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ) ký, chia Nam phần thành 22 tỉnh. Phước Long và Bình Long là 2 tỉnh mới tách ra từ một phần tỉnh Biên Hòa và một phần tỉnh Thủ Dầu Một. Tỉnh lị đặt tại Phước Bình, trước đây thuộc quận Bà Rá của tỉnh Biên Hòa.

Theo Nghị định 311/BNV/NC/ND ngày 10 tháng 10 năm 1957 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ) thì tỉnh Phước Long bao gồm 3 quận, 17 tổng và 21 xã:

Quận Phước Bình có 10 tổng: Khun Narr, Khun Klenh, Xer Nuk, Bình Cách, Tân Thuận, Thuận Lợi, Bù Đăng, Dek Cuorr, Bù Nard, Bù R'Noun; quận lị đặt tại xã Sơn Giang, tổng Khun Narr.
Quận Bù Đốp có 4 tổng: Phước Lễ, Bù Yam Phút, Bù Yu, Dag Huyt; quận lị đặt tại xã Phước Lục, tổng Phước Lễ. Ngày 19/5/1958, quận Bù Đốp đổi tên thành quận Bố Đức
Quận Phước Hòa có 2 tổng: Bù Prang, Bù R'lâp; quận lị đặt tại Bù Prang.

Ngày 23/1/1959, một phần đất của tỉnh Phước Long được tách ra để lập tỉnh Phước Thành.

Theo Nghị định 172-NV ngày 19 tháng 5 năm 1959 của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ( chế độ cũ) thì tỉnh Phước Long bao gồm 4 quận: Phước Bình, Bù Đốp, Phước Hòa và Đức Phong.

Ngày 24/7/1961, quận Phước Hòa giải thể để thành lập quận mới Đôn Luân. Từ đó tổ chức hành chính của tỉnh Phước Long gồm 4 quận:

Bố Đức có 5 tổng, 5 xã, 22 ấp, quận lị đặt tại xã Phước Lục, tổng Phước Lễ. 5 tổng là (mỗi tổng có 1 xã): Phước Lễ (xã Phước Lục), Bù Yam Phút (xã Bù Ghirr), Bù Yu (xã Bù Quak), Bù Prang (xã Bù Ja Mập), Dag Huyt (xã Bù Tom Yun).
Phước Bình có 3 tổng, 4 xã, 18 ấp, quận lị đặt tại xã Sơn Giang, tổng Khun Narr. 3 tổng là: Khun Narr (2 xã Phước Quả, Sơn Giang), Khun Klenh (xã Bù Nho), Xer Nuk (xã Dakia),
Đức Phong có 2 tổng, 3 xã, 5 ấp, quận lị đặt tại xã Bù Đăng, tổng Bù Đăng. 2 tổng là: Bù Đăng (2 xã Bù Đăng, Vĩnh Thiện), Bù R'lâp (xã Bù Barr).
Đôn Luân có 4 tổng, 5 xã, 7 ấp, quận lị đặt tại Đồng Xoài, xã Phước Thiện. 4 tổng là: Tân Thuận (xã Tân Thuận), Thuận Lợi (2 xã Thuận Lợi, Phước Thiện), Bù Yum (xã Phú Riềng), N'dreng (xã N'dreng).

Năm 1965, quận Phú Giáo của tỉnh Phước Thành vừa giải thể được nhập vào tỉnh Phước Long.

Sau khi đất nước thống nhất, 3 tỉnh Phước Long, Bình Long và Bình Dương hợp nhất thành tỉnh Sông Bé, đến cuối năm 1996, tỉnh Sông Bé lại tách ra làm 2 tỉnh Bình Phước và Bình Dương. Địa bàn tỉnh Phước Long nay là một phần của tỉnh Bình Phước.

Arrow Phước Thành

Phước Thành là tỉnh cũ ở Nam Bộ Việt Nam vào thời Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ), tồn tại từ năm 1959 đến năm 1965.

Tỉnh Phước Thành được thành lập theo Sắc lệnh số 25-NV ngày 23 tháng 1 năm 1959 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ). Đất đai tỉnh Phước Thành lấy từ phần đất của quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, và phần đất của các tỉnh Phước Long, Long Khánh, Bình Dương.

Tỉnh bị giải thể theo Sắc lệnh số 131-NV ngày 6 tháng 7 năm 1965 của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ).

Vị trí

Tỉnh Phước Thành phía Bắc giáp tỉnh Phước Long, phía Đông là Long Khánh, phía Nam giáp tỉnh Biên Hòa, phía Tây là hai tỉnh Bình Dương và Bình Long. Diện tích toàn tỉnh là 1.300 km². Tỉnh lỵ đặt ở Phước Vĩnh.

Hành chính

Tỉnh Phước Thành có các quận:

Phú Giáo: quận lỵ đặt tại Bố Lá, trước đó là Nước Vàng.
Tân Uyên: quận lỵ đặt tại Uyên Hưng, tức Tân Uyên.
Hiếu Liêm: quận lỵ đặt tại Lạc An, trước đó là vàm Sông Bé, xã Chánh Hưng..
Tỉnh lỵ Phước Vĩnh. Phước Thành có hai phi trường ở tỉnh lỵ Phước Vĩnh và gần sông Da Sa Mạch.

Địa lý tự nhiên

Đất Phước Thành phần nhiều là đồng bằng, rừng và vườn trái cây, không có núi cao. Sông chính của tỉnh là sông Bé (một chi lưu của sông Đồng Nai), từ Bình Long và Phước Long chảy qua theo hướng Bắc-Nam, đến An Linh chảy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam và có một phụ lưu là sông Giai. Kế đến là sông Đồng Nai, chảy sát ranh giới với Long Khánh và Biên Hòa ở phía Nam. Ngoài ra, tỉnh còn có các sông, suối đáng kể khác như Da Sa Mạch, rạch Rát, suối Lạch Bé, suối Ma Da, suối Ram, suối Trong, suối Tiên....

Khí hậu của tỉnh nóng ẩm và cũng chia làm hai mùa: Mùa khô từ tháng Mười đến tháng Tư, mùa mưa từ tháng Năm đến tháng Mười. Hai liên tỉnh lộ số 1 và 16 nối Phước Thành với các tỉnh lân cận.

Dân cư, kinh tế

Ngoài số đồng bào Kinh sinh sống phần đông ở đây, còn có đồng bào Thượng sắc tộc Stiêng, Mạa Churu và đồng bào gốc Khmer, Chàm. Các tôn giáo chính là đạo Phật, Thiên Chúa, Tin Lành, thờ phụng Thần linh, Tổ tiên.

Lúa gạo là hoa màu chính, rồi đến các hoa màu phụ như sắn, các loại khoai và đậu. Loại cây công nghiệp trồng khá nhiều là cao su, cà phê.

Vườn cây ăn trái trồng nhiều loại như mãng cầu xiêm, mãng cầu (na), cam, quít, sầu riêng, ổi... Dân ta còn trồng mía ở những nơi gần sông ngòi.

Rừng cho một số cây như tre, nứa, gỗ dầu, củi, mây....

Di tích, thắng cảnh

Phước Thành không có nhiều di tích và danh lam thắng cảnh. Ngoài các sông ngòi và các vườn trái cây, người ta có thể đến thăm suối Tiên và thác Trị An ở phía Nam tỉnh, sát ranh giới với tỉnh Biên Hòa.

Arrow Phước Tuy

Phước Tuy là một tỉnh cũ của miền Đông Nam Bộ Việt Nam. Ngày 22 tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ) lập tỉnh Phước Tuy gồm địa bàn tỉnh Bà Rịa và Vũng Tàu, sau thêm quần đảo Trường Sa. Tỉnh lị là Phước Lễ (Bà Rịa ngày nay).

Tỉnh Phước Tuy phía bắc giáp tỉnh Long Khánh, phía đông giáp tỉnh Bình Tuy, phía tây bắc giáp tỉnh Biên Hòa, phía tây giáp tỉnh Gia Định.

Ngày 3/1/1957, tỉnh Phước Tuy có 6 quận, 8 tổng, 41 xã:

Quận Châu Thành Phước Tuy, gồm 3 tổng: An Phú Hạ, An Phú Tân , Cơ Trạch. Quận lị: Phước Lễ.
Quận Xuyên Mộc, gồm 1 tổng: Nhơn Xương. Quận lị: Xuyên Mộc.
Quận Long Điền, gồm 1 tổng: An Phú Thượng. Quận lị: Long Điền.
Quận Đất Đỏ, gồm 3 tổng: Phước Hưng Thượng, Phước Hưng Trung, Phước Hưng Hạ. Quận lị: Phước Thọ. Năm 1958, quận Đất Đỏ nhập vào quận Long Điền
Quận Vũng Tàu, gồm 5 xã: Vũng Tàu, Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam, Sơn Long. Quận lị: Vũng Tàu.
Quận Cần Giờ, gồm 6 xã: Thạnh An, Thạnh Thới (năm 1958 nhập vào xã Long Thạnh), Cần Thạnh, Tân Thạnh, Đồng Hóa, Long Thạnh. Quận lị: Cần Thạnh.

Ngày 6 tháng 9 năm 1973, Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ) Trần Thiện Khiêm ban hành Nghị định số 420-BNV/HC DP/26, (do Tổng Trưởng Nội Vụ Lê Công Chất ký) sáp nhập Trường Sa và các đảo phụ cận vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

Tỉnh Phước Tuy có 5 quận: Đất Đỏ, Long Lễ, Đức Thạnh, Xuyên Mộc và Long Điền, gồm 29 xã, 129 ấp. Diện tích: 1927 km². Dân số: 102.893 người (năm 1966); 106.256 người (tháng 7, 1967); 124.844 (năm 1971).

Trong chiến tranh Việt Nam, đây là nơi xảy ra trận Bình Giã năm 1964 với chiến thắng thuộc về Quân giải phóng miền Nam. Cũng tại đây, tiểu đoàn 3 lính dù Úc đánh bật lực lượng cấp trung đoàn của quân đội Nhân dân Việt Nam vào ngày 25 tháng 5 năm 1968.

Lightbulb Quảng Nam - Đà Nẵng

Quảng Nam – Đà Nẵng là một tỉnh cũ ở Trung Trung Bộ Việt Nam, tỉnh lị là thành phố Đà Nẵng. Tỉnh được thành lập vào tháng 2 năm 1976 do hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Tỉnh có diện tích 11.985,2 kilômét vuông và số dân 1.914.864 (vào năm 1993).

Đơn vị hành chính gồm Tp Đà Nẵng, 2 thị xã Tam Kỳ và Hội An, 14 huyện: Hoà Vang, Hoàng Sa, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Tam Kỳ, Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn, Trà Mi, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang.

Từ ngày 6 tháng 11 năm 1996, Quảng Nam – Đà Nẵng được chia thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương.

Arrow Quảng Tín

Quảng Tín là một tỉnh cũ ở ven biển Trung Trung Bộ Việt Nam. Ngày 31 tháng 7 năm 1962, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ) ra sắc lệnh 162-NV chia tỉnh Quảng Nam thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín. Tỉnh thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam ngày nay. Từ năm 1976, tỉnh được hợp nhất với Quảng Nam và Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

Địa lý

Quảng Tín giáp Quảng Nam cũ về phía bắc, Biển Đông về phía đông, Quảng Ngãi và Kontum về phía nam, sát biên giới nước Lào về phía tây. Diện tích toàn tỉnh là 5.454 kilômét vuông.

Hành chính

Tỉnh Quảng Tín có 6 quận, 1 thị xã, 89 xã. Tỉnh lỵ đặt tại quận Tam Kỳ.

Arrow Quảng Yên

Quảng Yên là một tỉnh cũ ở phía đông Bắc Bộ, Việt Nam. Tỉnh lị là thị xã Quảng Yên bên bờ sông Chanh, nay là thị trấn huyện lị huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.

Tỉnh Quảng Yên được thành lập năm 1831, dưới thời Minh Mạng. Trước đó, nó là trấn An Bang thuộc Đông Đạo thời Lê, trấn An Quảng cuối thời Lê đầu thời Nguyễn. Còn gọi không chính thức là tỉnh Đông.

Năm 1906, tách phủ Hải Ninh khỏi tỉnh Quảng Yên lập thành tỉnh Hải Ninh.

Ngày 21-1-1949, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu I công nhận huyện Hoành Bồ gồm 10 xã thuộc tỉnh Quảng Yên. Ngày 5-10-1949, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu I lại tách huyện Hoành Bồ khỏi tỉnh Quảng Yên, nhập vào Đặc khu Hồng Gai.

Đầu năm 1950, tỉnh Quảng Yên thuộc Liên khu Việt Bắc (1949-1956) và gồm 8 huyện: Chí Linh, Đông Triều, Yên Hưng, Cát Hải, Sơn Động, Kinh Môn, Nam Sách, Thủy Nguyên. Ngày 4-3-1950, huyện Thủy Nguyên trả về tỉnh Kiến An.

Ngày 22 tháng 2 năm 1955, tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hồng Gai hợp nhất thành khu Hồng Quảng. Khi đó 3 huyện Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách trả về tỉnh Hải Dương, còn huyện Sơn Động trả về tỉnh Bắc Giang. Ngày 30/10/1963, khu Hồng Quảng lại sáp nhập với tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

Arrow Quảng Đà

Quảng Đà là một tỉnh cũ ở ven biển Trung Trung Bộ Việt Nam. Ngày 31 tháng 7 năm 1962, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ) ra sắc lệnh 162-NV chia tỉnh Quảng Nam thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín.

Ngay sau đó, Uỷ ban kháng chiến Quảng Nam chấp hành nghị quyết của Khu ủy V chia tỉnh thành hai đơn vị hành chính: tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà.

Tháng 11 năm 1967, khu ủy V ra quyết định hợp nhất tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà.

Tháng 2 năm 1976, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà sát nhập thành tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.

Hành chính

Quảng Đà gồm có 5 huyện: Hòa Vang, Đại Lộc, Thống Nhất, Điện Bàn, Duy Xuyên.

Arrow Quảng Đức

Quảng Đức là một tỉnh cũ nằm trên cao nguyên Mơ-nông thuộc Tây Nguyên - miền Trung Việt Nam.

Tỉnh Quảng Đức được thành lập theo Sắc lệnh số 24-NV ngày 23 tháng 1 năm 1959 của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ), trên cơ sở tách gần như toàn bộ quận Đăk Song (trừ tổng Đăk Lao ở phía bắc) và một phần quận Lăk từ tỉnh Darlac (Đăk Lăk), cùng với một phần nhỏ tỉnh Phước Long và tỉnh Lâm Đồng. Năm 1962 lại tách thêm một phần tỉnh Đăk Lăk nhập vào tỉnh Quảng Đức.

Đơn vị hành chính

Tỉnh Quảng Đức với diện tích 5.958 km² giáp các tỉnh Đăk Lăk, Tuyên Đức, Lâm Đồng và Phước Long, ngoài ra còn giáp Campuchia. Tỉnh lị là thị xã Gia Nghĩa. Tỉnh Quảng Đức có 3 quận, 4 tổng, 14 xã (năm 1960):

Đức Lập (6 xã), gồm tổng Đức Minh (2 xã) và 4 xã lẻ; quận lỵ: Đức Minh (Dakmil), sau đổi là Tư Minh.
Kiến Đức (4 xã), gồm 2 tổng Kiến Minh (2 xã), Kiến Đạo (2 xã); quận lỵ: Sùng Đức (B'Pré).
Khiêm Đức (4 xã), gồm tổng Sơn Khê (2 xã) và 2 xã lẻ; quận lỵ: Tamoung.
Sau lập thêm cơ sở phái viên hành chính Đức Xuyên (3 xã).

Tháng 2 năm 1976, tỉnh Quảng Đức lại nhập vào tỉnh Đăk Lăk.

Địa bàn tỉnh Quảng Đức gần như là địa bàn tỉnh Đăk Nông ngày nay.

Dân số

Tính đến năm 1971, dân số tỉnh Quảng Đức là 38.305 người, đa số là người Thượng: bao gồm Ê-đê, Xtiêng, Cơ ho và M'Nông. Vị dân biểu đại diện cho Tỉnh Quảng Đức của Hạ Nghị Viện chế độ Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ) nhiệm kỳ cuối cùng trước 30-04-1975 là ông Vương Sơn Thông.

Arrow Rạch Giá

Rạch Giá là tỉnh cũ ở miền Tây Nam Bộ, giáp vịnh Thái Lan.

Năm 1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn, mỗi khu vực hành chính lại chia nhỏ thành các tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement administratif) thì tỉnh Hà Tiên cũ bị chia thành 2 hạt tham biện là Hà Tiên và Rạch Giá. Hạt tham biện Rạch Giá là phần đất huyện Kiên Giang của tỉnh Hà Tiên cũ.

Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Rạch Giá trở thành tỉnh Rạch Giá.

Thời thuộc Pháp, tỉnh Rạch Giá gồm 4 quận: Châu Thành, Giồng Riềng, Long Mỹ, Phước Long (năm 1948 đổi thành quận Hồng Dân, nay thuộc tỉnh Bạc Liêu). Sau này lập thêm quận Gò Quao, tách từ quận Phước Long. Tỉnh lị đặt tại thị xã Rạch Giá.

Năm 1951, tỉnh Rạch Giá bị xé lẻ, nhập vào các tỉnh Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng, đến năm 1954 lại tái lập.

Thời Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ), Rạch Giá là một phần của tỉnh Kiên Giang. Nhưng trên các bản đồ Việt Nam do Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xuất bản, vẫn ghi hai tỉnh riêng biệt là Hà Tiên và Rạch Giá.

Đầu năm 1976, tỉnh Kiên Giang được thành lập. Địa bàn tỉnh Hà Tiên cũ nay là huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên.

Arrow Sa Đéc

Sa Đéc là tỉnh cũ ở Nam Bộ Việt Nam, thành lập tháng 12 năm 1899.

Trước khi chúa Nguyễn khai phá miền đất phía Nam, Sa Đéc thuộc đất Tầm Phong Long của Thủy Chân Lạp, với tên gọi nguyên gốc là Phsar Dek. Nhiều người cho rằng Sa Đéc theo tiếng Khmer nghĩa là "chợ sắt". Tuy nhiên Sơn Nam và nhiều nhà nghiên cứu khác không chắc chắn lắm với luận điểm này.

Thời Chúa Nguyễn và nhà Nguyễn

Khoảng cuối thập niên 1750, Chúa Nguyễn thành lập năm đạo ở miền Tây Nam Bộ, để bảo vệ cho Dinh Long Hồ trong đó có Đông Khẩu Đạo là thị xã Sa Đéc và một số huyện lân cận. Trong một thời gian dài, Sa Đéc từng là một trong những khu chợ sung túc nhất ở phía Nam.

Năm 1832, sau khi Lê Văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng chia lại miền Nam thành ngũ trấn gồm lục tỉnh. Khi đó Sa Đéc lại thuộc phủ Tân Thành tỉnh An Giang.

Thời Pháp thuộc

Sau khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây Nam Kỳ (1867), thì năm sau (1868) địa bàn tỉnh An Giang thời "Nam Kỳ lục tỉnh" trước đây được chia thành 3 hạt: hạt Châu Đốc (phủ Tuy Biên cũ), hạt Sa Đéc (phủ Tân Thành), và hạt Ba Xuyên. Theo Nghị định của Thống Đốc Nam Kỳ Bonard ngày 1 tháng 1 năm 1868, hạt Sa Đéc gồm 3 huyện (An Xuyên, Vĩnh An và Phong Phú) và trị sở (gọi là Tòa bố) đặt tại Sa Đéc.

Năm 1876, Sa Đéc trở thành một hạt tham biện (arrondissement) thuộc khu vực hành chính (circonscription) Vĩnh Long do thực dân Pháp đặt ra.

Địa hạt Sa Đéc trong giai đoạn 1876-1889 không còn chia cấp huyện nữa mà trực tiếp quản lý từ cấp tổng trở xuống. Lúc ấy Sa Đéc có dân số khoảng 102.421 người gồm 9 tổng: 84 thôn

An Mỹ với 12 thôn
An Hội với 6 thôn
An Trung với 8 thôn
An Thạnh với 14 thôn
An Thới với 12 thôn
An Tịnh với 6 thôn
Phong Thạnh với 6 thôn
Phong Mẫn vói 11 thôn.

Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Sa Đéc trở thành tỉnh Sa Đéc. Tỉnh Sa Đéc nằm ở hai bên sông Tiền Giang, giáp các tỉnh Long Xuyên, Tân An, Vĩnh Long, Cần Thơ và Mỹ Tho. Tỉnh lỵ là thị xã Sa Đéc. Dân số tỉnh Sa Đéc theo số liệu thống kê năm 1901 là 182.924 người và năm 1920 là 203.588 người.

Từ ngày 9 tháng 2 năm 1913 đến ngày 9 tháng 2 năm 1924, Sa Đéc được nhập vào tỉnh Vĩnh Long, sau đó lại tái lập tỉnh.

Thời kỳ 1945 - 1975

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), Sa Đéc là một trong số 21 tỉnh của Nam Bộ.

Ngày 14/5/1949, huyện Lấp Vò được nhập vào tỉnh Sa Đéc.

Tháng 6 năm 1951, chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sáp nhập tỉnh Sa Đéc với tỉnh Long Châu Tiền thành tỉnh Long Châu Sa. Tuy nhiên việc này không được chính quyền Quốc gia Việt Nam (chế độ cũ) của Bảo Đại công nhận. Tỉnh Long Châu Sa tồn tại đến năm 1954 và tỉnh Sa Đéc được tái lập.

Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ) bỏ tỉnh Sa Đéc, phần bắc tỉnh này ở bờ trái (bờ bắc) sông Tiền nhập vào tỉnh Kiến Phong, phần nam tỉnh này ở bờ phải (bờ nam) sông Tiền (giữa sông Tiền và sông Hậu, gồm các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành, thị xã Sa Đéc) nhập vào tỉnh Vĩnh Long.

Ngày 24/9/1966, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ) khôi phục lại tỉnh Sa Đéc. Tỉnh Sa Đéc mới tách ra từ tỉnh Vĩnh Long, chỉ gồm phần đất nằm giữa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang, với diện tích khoảng 900 km². Sa Đéc phía bắc giáp tỉnh Kiến Phong, phía đông giáp tỉnh Định Tường, phía đông và đông nam giáp tỉnh Vĩnh Long, phía tây nam giáp tỉnh Phong Dinh và phía tây giáp tỉnh An Giang. Tỉnh có 4 quận:
Lấp Vò, gồm 2 tổng Phú Thượng và Phong Thới với 8 xã.
Sa Đéc, gồm 3 tổng An Thạnh, An Thới và An Trung với 13 xã. Đến ngày 14/2/1968 đổi tên thành quận Đức Thịnh.
Đức Thành, gồm 3 tổng An Khương, Ti Thiện và Tiến Nghĩa với 8 xã.
Đức Tôn, gồm 2 tổng An Mỹ Đông và An Mỹ Tây với 7 xã.

Từ tháng 2 năm 1976, tỉnh Sa Đéc được sáp nhập với tỉnh Kiến Phong thành tỉnh Đồng Tháp.

Sa Đéc ngày nay

Từ khi được sát nhập vào tỉnh Kiến Phong nay là Đồng Tháp. Nền kinh tế thị xã Sa Đéc vẫn tiếp tục không ngừng phát triển. Thị xã tập trung 3 trên tổng số 5 khu Công Nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Và vào năm 2007 thị xã đã được Bộ xây dựng là đô thị loại 3, vào năm 2010 là thành phố Sa Đéc trực thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Arrow Sông Bé

Sông Bé đã từng là một tỉnh ở miền Đông Nam Bộ Việt Nam có địa giới bao gồm hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước hiện nay.

Sông Bé được thành lập năm 1976 sau khi Việt Nam thống nhất trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long tồn tại trước đó, trong trào lưu hợp nhất tỉnh diễn ra khắp cả nước.

Ngày 1 tháng 1 năm 1997, tỉnh này tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước hiện nay; trong đó Bình Dương có địa giới giống tỉnh Bình Dương cũ, còn Bình Phước có địa giới bao gồm Bình Long và Phước Long cũ.

Vị trí

Tỉnh Sông Bé có biên giới giáp với Campuchia ở phía bắc, phía đông bắc và đông giáp Đắc Lắc và Lâm Đồng, phía đông nam giáp Đồng Nai, phía nam và tây nam giáp thành phố Hồ Chí Minh, phía tây giáp Tây Ninh.

Các đơn vị hành chính

Khi mới thành lập, tỉnh Sông Bé có 14 huyện, nguyên là 14 quận của 3 tỉnh cũ: Tân Uyên, Lái Thiêu, Dĩ An, Châu Thành, Bến Cát, Dầu Tiếng, Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành, Bù Đốp (đổi tên từ Bố Đức), Đồng Xoài (đổi tên từ Đôn Luân), Bù Đăng (đổi tên từ Đức Phong), Phước Bình, Phú Giáo.

Năm 1977 hợp nhất 3 huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành thành huyện Bình Long, hợp nhất 3 huyện Bù Đốp, Phước Bình, Bù Đăng thành huyện Phước Long, hợp nhất 2 huyện Đồng Xoài và Phú Giáo thành huyện Đồng Phú.

Năm 1987 lập lại huyện Lộc Ninh từ một số xã của 2 huyện Bình Long và Phước Long.

Năm 1988 lập lại Bù Đăng từ một số xã của huyện Phước Long. Trước khi chia tách, tỉnh Sông Bé được chia thành 1 thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh lỵ) và 8 huyện: Bình Long, Phước Long, Lộc Ninh, Đồng Phú, Tân Uyên, Bến Cát, Thuận An và Bù Đăng.

Diện tích và dân số qua các thời kỳ

Năm 1979: diện tích 9745 km², dân số 722.300 người
Năm 1981: diện tích 9859 km², dân số 671.000 người
Năm 1984: diện tích 9859 km², dân số 734.200 người
Năm 1993: diện tích 9442 km², dân số 939.000 người
Năm 1995: diện tích 8519,4 km², dân số 1.081.700 người

Arrow Sơn Tây

Sơn Tây là một tỉnh cũ ở đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam.

Sơn Tây là một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ (năm 1831), dưới thời vua Minh Mạng, gồm phần lớn địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tây, phía bắc tỉnh Phú Thọ, một phần tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội ngày nay. Vốn trước đó là trấn Sơn Tây, tục gọi là trấn Tây hay trấn Đoài (Đoài nghĩa là Tây).

Tỉnh lị: thị xã Sơn Tây.

Tỉnh Sơn Tây thường được gọi là xứ Đoài:

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
(Đôi mắt người Sơn Tây, Quang Dũng).

Lịch sử

Khi thành lập tỉnh Sơn Tây có 5 phủ:
Phủ Quốc Oai, gồm các huyện: Đan Phượng, Mỹ Lương (nay là địa bàn huyện Mỹ Đức; và huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình), Phúc Lộc (về sau là Phúc Thọ), Thạch Thất, Yên Sơn (nay là huyện Quốc Oai). Riêng huyện Từ Liêm thuộc phủ Quốc Oai thời còn là trấn Sơn Tây được cắt về tỉnh Hà Nội năm 1831.
Phủ Quảng Oai, gồm các huyện: Bất Bạt, Minh Nghĩa (đến năm 1853 đổi là Tùng Thiện), Tiên Phong (về sau là huyện Quảng Oai).
Phủ Tam Đới /Đái (nay thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc), gồm các huyện: Bạch Hạc, Lập Thạch, Phù Khang, Yên Lạc, Yên Lãng.
Phủ Đoan Hùng (nay thuộc các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang), gồm các huyện: Đông Quan, Đương Đạo, Sơn Dương, Tam Dương, Tây Quan.
Phủ Lâm Thao (nay thuộc tỉnh Phú Thọ), gồm các huyện: Hạ Hoa (nay là Hạ Hoà), Hoa Khê (nay là Cẩm Khê), Sơn Vi (nay là huyện Lâm Thao),Thanh Ba. Riêng huyện Tam Nông tách khỏi Sơn Tây năm 1831 để nhập vào tỉnh Hưng Hóa, làm nơi đặt tỉnh lị tỉnh Hưng Hóa.

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, sau khi đánh chiếm và đô hộ Bắc Kỳ, chính quyền thực dân Pháp thực thi chính sách chia để trị, tỉnh Sơn Tây đã bị cắt phần lớn đất đai để lập mới các tỉnh Hưng Hóa, Vĩnh Yên, Phù Lỗ, Hòa Bình.

Ngày 22 tháng 7 năm 1886, tách các vùng người Mường cư trú để lập tỉnh Mường (tức tỉnh Hòa Bình sau này). Có một khoảng thời gian tỉnh lị tỉnh Mường đặt ở xã Phương Lâm, vốn thuộc huyện Bất Bạt, phủ Quốc Oai.

Ngày 18 tháng 4 năm 1888, thống sứ Bắc Kỳ ra nghị định tách phủ Đoan Hùng (lúc đó gồm 3 huyện Hùng Quan, Ngọc Quan và Sơn Dương) khỏi tỉnh Sơn Tây để nhập vào tỉnh Tuyên Quang. Tỉnh Sơn Tây sau đó còn 4 phủ: phủ Quốc Oai (gồm 2 huyện Thạch Thất và Yên Sơn), phủ Quảng Oai (gồm 4 huyện Bất Bạt, Phúc Thọ, Tiên Phong, Tùng Thiện), phủ Vĩnh Tường (gồm 5 huyện Bạch Hạc, Lập Thạch, Yên Lạc, Yên Lãng và Tam Dương), phủ Lâm Thao (gồm 5 huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, Phù Ninh, Sơn Vi, Thanh Ba).

Ngày 20 tháng 10 năm 1890, tách toàn bộ phủ Vĩnh Tường, cùng với huyện Bình Xuyên của tỉnh Thái Nguyên lập đạo Vĩnh Yên. Nhưng đến 12/4/1891 lại bãi bỏ đạo Vĩnh Yên, nhập vào tỉnh Sơn Tây. Như vậy tỉnh Sơn Tây có thêm huyện Bình Xuyên. Đến ngày 29/12/1899 lại tách đạo Vĩnh Yên (gồm cả huyện Bình Xuyên) ra để lập tỉnh Vĩnh Yên.

Phủ Lâm Thao cũng được tách khỏi tỉnh Sơn Tây. Sau khi tỉnh Hưng Hóa được tách đất để lập mới các quân khu, tiểu quân khu, khu quân sự Lào Cai, Yên Bái, Vạn Bú... chỉ còn lại 2 huyện Tam Nông và Thanh Thuỷ. Ngày 8/9/1891, 3 huyện Phù Ninh, Sơn Vi, Thanh Ba của phủ Lâm Thao được tách khỏi tỉnh Sơn Tây, kết hợp với 2 huyện còn lại của tỉnh Hưng Hoá để thành lập tỉnh Hưng Hóa mới ; 2 huyện Cẩm Khê và Hạ Hoà được tách khỏi phủ Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây để nhập vào Tiểu quân khu Yên Bái. Ngày 9 tháng 12 năm 1892, huyện Cẩm Khê lại được tách khỏi tiểu quân khu Yên Bái để nhập về tỉnh Hưng Hoá mới; ngày 5/6/1893 huyện Hạ Hòa cũng được tách khỏi tiểu quân khu Yên Bái để vào nhập vào tỉnh Hưng Hóa mới. Như vậy, từ tháng 9 năm 1891 đến tháng 6 năm 1893, toàn bộ phủ Lâm Thao gồm 5 huyện đều được điều chuyển về tỉnh Hưng Hóa mới. Từ năm 1903 tỉnh Hưng Hóa mới đổi tên là tỉnh Phú Thọ.

Sau khi đã tách đất cho các tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc ngày nay, ranh giới phía tây, phía bắc và phía đông của tỉnh Sơn Tây là sông Đà, sông Hồng và sông Đáy.

Từ khi thành lập nước Việt nam dân chủ cộng hoà, Sơn Tây vẫn là 1 tỉnh gồm có 6 huyện: Bất Bạt, Quảng Oai, Tùng Thiện, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và trụ sở tỉnh lỵ là thị xã Sơn Tây.

Ngày 1 tháng 7 năm 1965, tỉnh Sơn Tây nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây. Sau đó, vào ngày 27 tháng 12 năm 1975, tỉnh Hà Tây nhập với tỉnh Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình.

Năm 1978, tỉnh Sơn Tây cũ (trừ huyện Quốc Oai) tách khỏi tỉnh Hà Sơn Bình và nhập vào thành phố Hà Nội; từ 1991 nhập trở lại tỉnh Hà Tây. Từ 1/8/2008, Quốc Hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam quyết định nhập Sơn Tây cùng toàn bộ tỉnh Hà Tây vào Hà Nội.

Arrow Tam Cần

Tam Cần là tỉnh cũ ở Nam Bộ Việt Nam vào thời Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ), tồn tại trong năm 1956. Tỉnh lị đặt tại Trà Ôn.

Tỉnh Tam Cần được thành lập theo Sắc lệnh 16-NV ngày 17 tháng 2 năm 1956 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ). Đất đai tỉnh Tam Cần bao gồm 4 quận:
Quận Cầu Kè
Quận Tiểu Cần
Quận Trà Ôn
Quận Vũng Liêm

Ngày 22 tháng 10 năm 1956, tỉnh Tam Cần hợp nhất với tỉnh Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Bình.

Hai quận Cầu Kè và Tiểu Cần nay là hai huyện thuộc tỉnh Trà Vinh, còn hai quận Trà Ôn và Vũng Liêm nay là hai huyện thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Arrow Thuận Hải

Thuận Hải là một tỉnh cũ ở khu vực Nam Trung Bộ Việt Nam.

Tỉnh Thuận Hải được thành lập tháng 2 năm 1976 do việc hợp nhất ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, và Bình Tuy (Bình Tuy là khu vực gồm huyện phía tây nam của Bình Thuận ngày nay như Hàm Tân, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Đức Linh, TX.La Gi). Tỉnh lị của tỉnh Thuận Hải là thị xã Phan Thiết.

Đến 26 tháng 12 năm 1991, Thuận Hải lại chia ra thành hai tỉnh riêng là Bình Thuận và Ninh Thuận. Các tỉnh mới đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 1992.

Đơn vị hành chính của Thuận Hải bao gồm 3 thị xã Phan Rang, Phan Thiết ( thủ phủ), Hàm Tân và 17 huyện: Thanh Hải, Bửu Sơn, An Phước, Du Long, Sông Pha, Bác Ái, Anh Dũng, Trường Phúc, Thiện Giáo, Hàm Thuận, Phan Lý, Tuy Phong, Hải Ninh, Hải Long, Hàm Tân, Tánh Linh, Hoài Đức.

Diện tích và dân số

1979 (tháng 8): 11.450 km², 909.500 người
1981 (1 tháng 10) 11.374 km², 958.000 người
1984 (31 tháng 12) 11.374 km², 1084.600 người
1990 (theo Sổ tay địa danh Việt Nam của Đinh Xuân Vịnh): 11.422 km², 1.169.930 người.

Arrow Thủ Biên

Thủ Biên là một tỉnh cũ ở Đông Nam Bộ Việt Nam. Tỉnh tồn tại từ tháng 5 năm 1951 đến cuối năm 1954 và từ tháng 9 năm 1960 đến tháng 7 năm 1961.

Từ tháng 5 năm 1951 đến cuối năm 1954, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sáp nhập tỉnh Biên Hòa với tỉnh Thủ Dầu Một thành tỉnh Thủ Biên. Địa giới tỉnh Thủ Biên bao gồm phần đất các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), trừ huyện Long Thành lúc này được giao về tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn.

Cuối năm 1954, tỉnh Thủ Biên được tách ra lập lại hai tỉnh: Biên Hòa và Thủ Dầu Một.

Từ tháng 9 năm 1960 đến tháng 7 năm 1961, chính quyền Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại tái lập tỉnh Thủ Biên.

Tháng 7 năm 1961, tỉnh Thủ Biên được tách thành 3 tỉnh: Thủ Dầu Một, Biên Hòa và Phước Thành.

Arrow Thủ Dầu Một

Thủ Dầu Một là tên một tỉnh cũ ở miền Đông Nam Bộ Việt Nam.

Tỉnh được thành lập tháng 12 năm 1899 trên cơ sở Sở tham biện Thủ Dầu Một tách ra từ tỉnh Biên Hoà cũ.

Từ tháng 5 năm 1951 đến tháng 4 năm 1955 và từ tháng 9 năm 1960 đến tháng 7 năm 1961, tỉnh sáp nhập với tỉnh Biên Hoà mới thành tỉnh Thủ Biên.

Tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hoà (chế độ cũ) chia Thủ Dầu Một thành các tỉnh Bình Dương, Bình Long và Bình Phước.

Từ năm 1976, tỉnh Thủ Dầu Một sáp nhập với tỉnh Bình Phước thành tỉnh Sông Bé.

Từ ngày 6 tháng 11 năm 1996, tỉnh Sông Bé được chia lại thành hai tỉnh: Bình Phước, Bình Dương.

Arrow Tuyên Đức

Tuyên Đức là một tỉnh cũ thuộc Tây Nguyên, thời Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ). Từ năm 1976, tỉnh được sáp nhập vào tỉnh Lâm Đồng.

Địa lý

Tuyên Đức nằm trên độ cao 1.000 mét so với mực nước biển; phía bắc giáp tỉnh Đắc Lắc, phía đông giáp hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, phía nam giáp hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng, phía tây giáp tỉnh Quảng Đức. Diện tích toàn tỉnh là 4.704 kilômét vuông. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Đà Lạt.

Phần lớn tỉnh Tuyên Đức là núi và rừng thông, các ngọn núi cao là Chu Yan Sin 2.405 mét, Bi Doup 2.267 mét, Lâm Viên (Lang Biang) 2.163 mét, Yan Cung Klang 2.000 mét, Dan Scha 1.956 mét, Hon Nga 1.948 thước, Chu Yên Du 1.913 mét...

Sông suối ở đây rất nhiều, đa phần chảy vào sông Đồng Nai. Những sông chính là sông Đa Nhim, sông Cam Ly, sông Đa Dung và sông Krong Kno, ba sông này đều đổ vào sông Đồng Nai ở ranh giới hai tỉnh Lâm Đồng và Tuyên Đức.

Lịch sử

Tỉnh Tuyên Đức được thành lập theo Sắc lệnh số 261-NV ngày 19/5/1958 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ), trên cơ sở địa phận đô thị Đà Lạt và quận Dran của tỉnh Lâm Đồng. Tỉnh Tuyên Đức gồm 3 quận, 11 tổng, 28 xã (theo Nghị định số 592-BNV/NC7/NĐ ngày 30/10/1958 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, chế độ cũ):

* Quận Đơn Dương (Dran cũ) có 4 tổng: Lạc Mỹ, Linh Nhân, Tu Trang, Xuân Lạc.
* Quận Đức Trọng có 4 tổng: Dinh Tân, Mỹ Lệ, Ninh Thanh, Sơn Binh.
* Quận Lạc Dương có 3 tổng: Đa Tân, Nhân Lạc, Phước Thọ.

Ngày 7/9/1967, tỉnh lỵ tỉnh Tuyên Đức được dời khỏi thị xã Đà Lạt đến xã Tùng Nghĩa, quận Đức Trọng.

Thời tiết

Do nằm ở vị trí cao nên thời tiết Tuyên Đức mát dịu quanh năm. Mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4, tương đối lạnh. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mưa nhiều và ẩm ướt.

Giao thông

Ba quốc lộ quan trọng đi ngang qua tỉnh là quốc lộ 21, 20 và 11. Có sân bay Liên Khương.

Dân cư

Dân cư sống tại Tuyên Đức phần lớn là người Thượng, với các sắc tộc Koho, Chill, Sré, Mạ Churu và Eaglai

Tôn giáo

Các tôn giáo chính là đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành, Cao Đài. Một số dân tộc Thượng vẫn thờ thần linh như Thần sông, núi, lửa, và vẫn giữ một số phong tục tập quán riêng.

Kinh tế

Trồng lúa (lúa sạ, lúa cấy và lúa rẫy), hoa mầu (rau cải, khoai lang, khoai tây, hành tây, cà rốt, su su, cải hoa, ngô, sắn, tỏi...), cây ăn trái (dâu tây, đu đủ, chuối, mận tây, xoài, bơ, chuối "la-ba" nổi tiếng ngon), cây công nghiệp (cà phê và trà, với số lượng sản xuất cao), hoa ôn đới (hoa hồng và hoa đào...).

Rừng Tuyên Đức có nhiều lâm sản quý giá như huỳnh đàn, trắc, bách diệp, cẩm lai, ngô tùng, sao, bạch tùng, thông tre, nhựa thông và thông ba lá dùng làm bột giấy....

Thắng cảnh

Tuyên Đức có ba ngôi tháp cổ của người Chàm nằm trong rừng, thuộc quận Đơn Dương, đó là các tháp Kreyo, Sopmatronghay và Msré.

* Hồ và đập Đa Nhim: thuộc quận Đơn Dương, cách Đà Lạt 36 cây số. Đập Đa Nhim là một công trình thủy điện quy mô do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ( chế độ cũ) xây trước năm 1975. Hồ Đa Nhim rộng khoảng 100 mẫu, có thể nuôi nhiều cá và cung cấp nước ngọt cho toàn vùng.

* Đèo Ngoạn Mục: nằm trên dãy núi ngăn cách Phan Rang với tỉnh Tuyên Đức, dài 20 cây số trên quốc lộ 11. Đứng trên đèo có thể nhìn thấy cả bãi biển miền Trung.

* Đập Suối Vàng: cách Đà Lạt 18 cây số, xây bằng đá theo vòng cung và có hồ chứa nước.

* Thác Datania: trên quốc lộ 20, cách Đà Lạt ba cây số, gần thác Prenn.

* Thác Prenn: cạnh quốc lộ 20, cách Đà Lạt 10 cây số.

* Thác Liên Khương, gần sân bay Liên Khương.

* Thác Gougah.

* Thác Pongour.

Arrow Tân An

Tân An là tỉnh cũ ở Nam Bộ Việt Nam.

Tỉnh được thành lập tháng 12 năm 1889 trên cơ sở tách tỉnh Gia Định thành sáu tỉnh nhỏ ("Nam Kỳ lục tỉnh").

Tháng 10 năm 1956, tỉnh được sát nhập với phần lớn tỉnh Chợ Lớn thành tỉnh Long An.

Arrow Vĩnh Bình

Tỉnh Vĩnh Bình là một trong 22 tỉnh của Nam Phần được chính quyền Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ) thiết lập theo Sắc lệnh 143-NV của Tổng thống ngày 22 tháng 10 năm 1956, do đổi tên từ tỉnh Trà Vinh.

Theo Nghị định số 3-BNV/HC/NĐ của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ) ngày 3/1/1957 thì tỉnh Vĩnh Bình có tỉnh lị là Phú Vinh và gồm 9 quận, 20 tổng, 75 xã:

* Quận Châu Thành có 3 tổng: Trà Bình, Trà Nhiêu, Trà Phú; quận lị: Phú Vinh.
* Quận Càng Long có 3 tổng: Bình Khánh, Bình Khánh Thượng, Bình Phước; quận lị: Bình Phú.
* Quận Cầu Ngang có 2 tổng: Bình Trị, Vĩnh Lợi; quận lị: Mỹ Hòa.
* Quận Cầu Kè có 1 tổng: Tuân Giá; quận lị: Hòa Ân.
* Quận Long Toàn (nay là huyện Duyên Hải) có 1 tổng: Vĩnh Trị; quận lị: Long Toàn.
* Quận Tiểu Cần có 1 tổng: Ngãi Thạnh; quận lị: Tiểu Cần.
* Quận Trà Cú có 3 tổng: Ngãi Hòa Thượng, Ngãi Hòa Trung, Thanh Hòa Thượng; quận lị: Ngãi Xuyên.
* Quận Trà Ôn có 3 tổng: Bình Lễ, Bình Thới, Thành Trị; quận lị: Tân Mỹ.
* Quận Vũng Liêm (trước thuộc tỉnh Vĩnh Long) có 3 tổng: Bình Hiếu, Bình Quới, Bình Trung; quận lị: Trung Thành.

Ngày 14 tháng 1 năm 1967, theo sắc lệnh số 06/SL/ĐUHC chính quyền Đệ Nhị Cộng hoà (chế độ cũ) đã tách hai quận Vũng Liêm và Trà Ôn ra khỏi tỉnh Vĩnh Bình nhập vào tỉnh Vĩnh Long, do đó Vĩnh Bình chỉ còn lại bảy quận (nay là huyện).

Tuy nhiên, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi này mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Trà Vinh.:fish2:

Tháng 2/1976, Trà Vinh hợp nhất với Vĩnh Long thành tỉnh Cửu Long và cho đến ngày 26-12-1991 mới tách ra như cũ.

Arrow Vĩnh Phú

Vĩnh Phú đã từng là một tỉnh của Việt Nam từ năm 1968 đến năm 1996. Tỉnh này bao gồm hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ ngày nay.

Ngày 26-1-1968, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH tiến hành hợp nhất hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc thành tỉnh Vĩnh Phú. Thành phố Việt Trì trở thành tỉnh lỵ của Vĩnh Phú.

Năm 1976, tỉnh Vĩnh Phú có diện tích 5.187 km², 1.591.000 người; năm 1979: 4.630 km², dân số 1.429.900 người; năm 1991 4.823 km², 2.081.043 người.

Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết (ngày 26/11/1996) về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có việc tái lập tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ từ tỉnh Vĩnh Phú.

Thay đổi các đơn vị hành chính

Ngày 26/6/1976, thị xã Phúc Yên chuyển thành thị trấn thuộc huyện Yên Lãng.

Theo Quyết định số 178-CP ngày 5-7-1977 của Hội đồng Chính phủ, hợp nhất các huyện sau đây:

* Huyện Tam Nông với huyện Thanh Thủy thành huyện Tam Thanh.

* Huyện Vĩnh Tường với huyện Yên Lạc thành huyện Vĩnh Lạc.

* Huyện Lập Thạch với huyện Tam Dương thành huyện Tam Đảo.

* Huyện Yên Lập với huyện Cẩm Khê thành huyện Sông Thao (cộng thêm 10 xã của huyện Hạ Hòa).

* Huyện Lâm Thao với huyện Phù Ninh (trừ 7 xã nhập vào huyện Sông Lô) thành huyện Phong Châu.

* Huyện Bình Xuyên với huyện Yên Lãng thành huyện Mê Linh (cộng thêm 4 xã của huyện Yên Lạc, 2 xã của huyện Kim Anh).

* Hai huyện Đa Phúc và Kim Anh (trừ 2 xã nhập vào huyện Mê Linh), thị trấn Xuân Hòa (trực thuộc tỉnh) thành huyện Sóc Sơn.

* Ba huyện Đoan Hùng, Thanh Ba, Hạ Hòa thành huyện Sông Lô (cộng thêm 7 xã của huyện Phù Ninh).

Ngày 29-12-1978, huyện Mê Linh gồm thị trấn Phúc Yên và 18 xã được sáp nhập vào Hà Nội, cho đến tháng 7 năm 1991 thì tách khỏi Hà Nội và trở về tỉnh Vĩnh Phú. Huyện Sóc Sơn cũng nhập vào Hà Nội ngày 29-12-1978.

Ngày 26-2-1979, chia huyện Tam Đảo thành 2 huyện Tam Đảo và Lập Thạch.

Năm 1980, tỉnh Vĩnh Phú có 1 thành phố Việt Trì (tỉnh lỵ), 2 thị xã Phú Thọ, Vĩnh Yên và 8 huyện Tam Đảo, Tam Thanh, Lập Thạch, Vĩnh Lạc, Sông Thao, Sông Lô, Phong Châu và Thanh Sơn.

Ngày 22-12-1980, huyện Sông Thao tách thành 2 huyện Yên Lập và Sông Thao, tách huyện Sông Lô thành 2 huyện Đoan Hùng và Thanh Hòa.

Ngày 7-10-1995, huyện Thanh Hòa tách ra thành 2 huyện Thanh Ba và Hạ Hòa.

Arrow Vĩnh Yên

Vĩnh Yên là một tỉnh cũ của Việt Nam. Tỉnh Vĩnh Yên được thành lập ngày 29/12/1899, do tách toàn bộ phủ Vĩnh Tường (gồm 5 huyện Bạch Hạc, Lập Thạch, Yên Lạc, Yên Lãng và Tam Dương) của tỉnh Sơn Tây và huyện Bình Xuyên (thuộc tỉnh Sơn Tây từ năm 1891, trước thuộc phủ Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Như vậy tỉnh Vĩnh Yên khi thành lập gồm 1 phủ, 6 huyện. Tỉnh lị đặt tại xã Tích Sơn, huyện Tam Dương (nay là thị xã Vĩnh Yên).

Trước đó, từ ngày 20 tháng 10 năm 1890 đến ngày 12 tháng 4 năm 1891, đã tồn tại đạo Vĩnh Yên, cũng gồm phủ Vĩnh Tường và huyện Bình Xuyên của tỉnh Thái Nguyên, cùng với một phần đất của huyện Kim Anh (thuộc tỉnh Bắc Ninh). Lị sở đóng tại Hương Canh. Sau đó đạo Vĩnh Yên bị bãi bỏ và nhập trở lại tỉnh Sơn Tây cùng với huyện Bình Xuyên.

Ngày 6/10/1901, huyện Yên Lãng của tỉnh Vĩnh Yên được tách ra, cùng với phủ Đa Phúc, huyện Kim Anh, một phần huyện Đông Khê (thuộc phủ Từ Sơn của tỉnh Bắc Ninh) lập thành tỉnh mới Phù Lỗ. Năm 1904, tỉnh Phù Lỗ đổi tên thành tỉnh Phúc Yên. Đến năm 1913, tỉnh Phúc Yên chuyển thành đại lý hành chính Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Yên. Năm 1923, tỉnh Phúc Yên được tái lập trên cơ sở đại lý Phúc Yên.

Sau đó tỉnh Vĩnh Yên bao gồm 1 phủ Vĩnh Tường với 4 huyện Bình Xuyên, Lập Thạch, Tam Dương, Yên Lạc.

Trong kháng chiến chống Pháp, Vĩnh Yên thuộc Liên khu Việt Bắc.

Ngày 12 tháng 2 năm 1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc. Trước khi hợp nhất, tỉnh Vĩnh Yên có 5 huyện: Bình Xuyên, Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc.

Arrow Vĩnh Trà

Vĩnh Trà là một tỉnh ở Tây Nam Bộ Việt Nam, tồn tại từ năm 1951 đến năm 1954.

Tỉnh Vĩnh Trà được thành lập theo Nghị định số 174/NB-51 của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ (thuộc chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) trên cơ sở nhập 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.

Theo Nghị định số 199/NB-51 của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ thì một số huyện của tỉnh Vĩnh Trà được đổi tên như sau:

Huyện Tiểu Cần (thuộc Trà Vinh cũ) được nhập vào huyện Càng Long (thuộc Trà Vinh cũ).
Huyện Châu Thành (thuộc Vĩnh Long cũ) đổi tên là huyện Cái Ngang.
Huyện Mang Thít (thuộc Vĩnh Long cũ) đổi tên là huyện Vũng Liêm.
Huyện Ba (thuộc Vĩnh Long cũ) đổi tên là huyện Tam Bình.

Arrow Châu Đốc

Châu Đốc là tỉnh cũ ở miền Tây Nam Bộ.

Lịch sử tỉnh

Châu Đốc nguyên là đất thuộc Chân Lạp, gọi là Tầm Phong Long (Kompong Long). Năm 1757, vua Chân Lạp dâng đất này cho Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn đặt đạo Châu Đốc nối liền với trấn Hà Tiên.

Năm 1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn, mỗi khu vực hành chính lại chia nhỏ thành các tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement administratif) thì Châu Đốc là hạt tham biện thuộc khu vực hành chính Bát Xắc (Bassac), vốn là phần đất tỉnh An Giang xưa.

Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Châu Đốc trở thành tỉnh Châu Đốc. Năm 1903, tỉnh Châu Đốc có 3 quận: Tân Châu, Tri Tôn và Tịnh Biên. Đến năm 1919 có thêm quận Châu Phú và năm 1929 có thêm quận Hồng Ngự. Tỉnh lị đặt tại thị xã Châu Đốc. Tỉnh Châu Đốc giáp Campuchia (phía bắc), các tỉnh Tân An (phía đông bắc), Long Xuyên (phía đông nam và nam), Hà Tiên và Rạch Giá (phía tây nam và nam).

Tháng 9 năm 1947, chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã tách tỉnh Châu Đốc làm hai phần:

Phần thứ nhất hợp nhất với một phần tỉnh Long Xuyên thành tỉnh Long Châu Hậu, đến tháng 10 năm 1950 nhập thêm tỉnh Hà Tiên thành tỉnh Long Châu Hà.

Phần còn lại của tỉnh Châu Đốc hợp nhất với phần còn lại của tỉnh Long Xuyên thành tỉnh Long Châu Tiền, đến tháng 6 năm 1951 nhập thêm tỉnh Sa Đéc thành tỉnh Long Châu Sa.

Hai tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Sa tồn tại đến năm 1954.

Năm 1955 tỉnh Châu Đốc có 5 quận : Châu Phú, Tân Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên, Hồng Ngự với 70 xã.

Ngày 22 tháng 6 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ) lập tỉnh An Giang, gồm hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên. Tỉnh Châu Đốc được tái lập ngày 8 tháng 9 năm 1964 gồm 5 quận, 10 tổng, 57 xã với tỉnh lị là Châu Phú.

Trong thời kỳ 1955-1976, từ tháng 5 năm 1974 đến tháng 2 năm 1976 chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam tái lập ra hai tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Tiền (từ các phần đất của hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên).

Địa bàn

Địa bàn tỉnh Châu Đốc cũ nay thuộc tỉnh An Giang, riêng quận Hồng Ngự nay thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Arrow Kiến Hòa

Kiến Hòa là một tỉnh cũ ở Nam Bộ, Việt Nam, tồn tại dưới thời Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ).

Lịch sử thành lập

Tỉnh thành lập ngày ngày 22 tháng 10 năm 1956, theo sắc lệnh số 143-NV của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ), thay thế cho tên gọi tỉnh Bến Tre. Sự kiện này nằm trong chủ trương chung của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (chế độ cũ) là phân chia lại địa phận và thay đổi địa danh 22 đơn vị hành chính cấp tỉnh ở Nam phần (tức Nam Bộ).

Hành chính

Tỉnh được thành lập trên địa bàn của ba cù lao là cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh; được chia làm 9 quận là Ba Tri, Bình Đại, Châu Thành, Đôn Nhơn, Giồng Trôm, Hàm Long, Hương Mỹ, Thạnh Phú, Trúc Giang bao gồm 21 tổng và 115 xã với 793 ấp (1965). Đến năm 1970 thì có sự phân chia lại hành chính các quận, tỉnh có 119 xã. Năm 1975 ,tỉnh Kiến Hòa được đổi về tên cũ là tỉnh Bến Tre ,phân chia hành chính lại theo cấp huyện .

Diện tích, dân cư
Diện tích của tỉnh là 2085 km². Tỉnh lỵ đặt tại Trúc Giang. Dân số năm 1965 là 547.819 người, năm 1970 là 582.900 người.

Vị trí

Tỉnh phía Bắc giáp hai tỉnh Định Tường và Gò Công, phía Đông giáp biển Đông, phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Bình và phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Long.

Ngày nay

Địa bàn tỉnh Kiến Hòa nay là tỉnh Bến Tre (trừ một số vùng đất nhỏ hồi đó thuộc tỉnh Vĩnh Long).

Arrow Long Châu Hậu

Long Châu Hậu là tỉnh cũ ở miền Tây Nam Bộ, do chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đặt.

Tỉnh Long Châu Hậu được thành lập theo chỉ thị số 50/CT của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ ngày 12 tháng 9 năm 1947, bao gồm một phần tỉnh Châu Đốc và một phần tỉnh Long Xuyên.

Tỉnh Long Châu Hậu nằm ở phía bờ phải (hữu ngạn) sông Hậu và có 6 quận : Tịnh Biên, Tri Tôn, Thốt Nốt, Thoại Sơn, Châu Phú A và Châu Thành (bao gồm 2 tỉnh lỵ Long Xuyên và Châu Đốc).

Đến tháng 10 năm 1950, tỉnh Long Châu Hậu hợp nhất với tỉnh Hà Tiên thành tỉnh Long Châu Hà.

Tỉnh này không được chính quyền Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại công nhận.

Địa bàn tỉnh Long Châu Hậu nay một phần thuộc tỉnh An Giang, một phần thuộc tỉnh Kiên Giang

Arrow Long Châu Hà

Long Châu Hà là tỉnh cũ ở miền Tây Nam Bộ, do chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đặt.

Tháng 10 năm 1950, tỉnh Long Châu Hậu (bao gồm một phần tỉnh Châu Đốc và một phần tỉnh Long Xuyên) hợp nhất với tỉnh Hà Tiên thành tỉnh Long Châu Hà. Tỉnh này gồm 8 quận : Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Phú A, Châu Thành, Thoại Sơn, Thốt Nốt, Giang Châu (quận Giang Thành và Châu Thành của Hà Tiên nhập lại) và Phú Quốc. Tháng 7 năm 1951, sáp nhập 2 quận Tri Tôn, Tịnh Biên thành quận Tịnh Biên ; 2 quận Châu Thành, Thoại Sơn thành quận Châu Thành.

Tỉnh Long Châu Hà tồn tại cho đến năm 1954 thì lại chia thành các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên và Hà Tiên như cũ.

Sau đó, tháng 5 năm 1974, chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam tái lập tỉnh Long Châu Hà. Tỉnh Long Châu Hà mới gồm 6 huyện : Châu Thành X, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Huệ Đức, Châu Thành A (Rạch Giá) và 2 thị xã Long Xuyên và Châu Đốc. Tỉnh Long Châu Hà tồn tại cho đến tháng 2 năm 1976.

Tỉnh này không được chính quyền Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ) công nhận.

Địa bàn tỉnh Long Châu Hà nay một phần thuộc tỉnh An Giang, một phần thuộc tỉnh Kiên Giang.

Arrow Long Châu Sa

Long Châu Sa là tỉnh cũ ở miền Tây Nam Bộ, do chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đặt.

Tháng 6 năm 1951, tỉnh Long Châu Sa được thành lập, do hợp nhất hai tỉnh Long Châu Tiền và Sa Đéc. Tỉnh Long Châu Sa bao gồm một phần tỉnh Châu Đốc, một phần tỉnh Long Xuyên và tỉnh Sa Đéc. Tỉnh này gồm 7 huyện: Châu Thành (Sa Đéc), Lai Vung, Cao Lãnh, Tân Hồng, Tân Châu, Phú Châu, Chợ Mới. Hai huyện Tân Hồng và Tân Châu được lập ra do chia lại ranh giới 2 huyện Hồng Ngự và Tân Châu. Tháng 7 năm 1951, nhập thêm huyện Lấp Vò vào tỉnh Long Châu Sa. Tỉnh Long Châu Sa tồn tại cho đến năm 1954.

Tỉnh này không được chính quyền Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ) công nhận. Năm 1956, Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ) lập tỉnh An Giang gồm tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc cũ, sau này lập lại tỉnh Châu Đốc và tỉnh Sa Đéc.

Địa bàn tỉnh Long Châu Sa nay một phần thuộc tỉnh An Giang, một phần thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Arrow Long Châu Tiền

Long Châu Tiền là tỉnh cũ ở miền Tây Nam Bộ, do chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đặt.

Tỉnh Long Châu Tiền được thành lập theo chỉ thị số 50/CT của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ (chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) ngày 12 tháng 9 năm 1947, từ một phần tỉnh Châu Đốc và một phần tỉnh Long Xuyên.

Tỉnh Long Châu Tiền nằm ở phía bờ trái (tả ngạn) sông Hậu, hai bên sông Tiền, thuộc khu 8 và có 5 quận : Tân Châu, Hồng Ngự, Chợ Mới, Châu Phú B và Lấp Vò. Ngày 14 tháng 5 năm 1949, quận Lấp Vò được trả về tỉnh Sa Đéc. Cũng trong năm đó, quận Tân Châu của tỉnh Long Châu Tiền chia thành 2 quận mới Phú Châu và Tân Châu.

Tháng 6 năm 1951, tỉnh Long Châu Tiền hợp nhất với tỉnh Sa Đéc thành tỉnh Long Châu Sa.

Tỉnh Long Châu Tiền được Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam tái lập tháng 5 năm 1974 gồm 6 huyện, thị : thị xã Tân Châu, An Phú, Phú Tân A, Phú Tân B, Hồng Ngự và Tam Nông (nay là huyện Thanh Bình tỉnh Đồng Tháp). Tỉnh Long Châu Tiền tồn tại cho đến tháng 2 năm 1976. Tân Châu là thị xã tỉnh lỵ Long Châu Tiền.

Tỉnh này không được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ) công nhận. Địa bàn tỉnh Long Châu Tiền tương ứng với một phần các tỉnh An Giang, Châu Đốc và Kiến Phong của Việt Nam Cộng Hòa (chế độ cũ).

Địa bàn tỉnh Long Châu Tiền nay một phần thuộc tỉnh An Giang, một phần thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Adonis tổng hợp -  Bacbaphi.com.vn

Tìm kiếm Blog này