Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Nguồn gốc tên gọi, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca một số nước (I)

Lời Tựa
Tại sao lại là tên này mà... không phải là tên khác???? Có bao giờ các bạn tự hỏi tại sao tên của một quốc gia là như thế này mà không phải là như thế kia? Và cái tên như thế này thì có ý nghĩa là gì, bắt nguồn từ đâu??? Đó là một câu hỏi đã từng khiến tôi thắc mắc rất nhiều cho đến khi... tìm kiếm được cái nguồn thỏa mãn những thắc mắc của mình. Dưới đây là lần lượt... các giải thích và định nghĩa về tên gọi của nhiêu quốc gia trên thế giới! Mong các bạn có thời gian xem qua và thỏa mãn.

  
Ấn Độ (India) - Tên gọi từ một con sông

1. Nguồn gốc tên gọi:

Ấn Độ có tên gọi đầy đủ là "Nước Cộng hòa Ấn Độ", nằm trên bán đảo Ấn Độ của tiểu lục địa Nam Á; tây, đông, nam ba mặt giáp biển. Tên nước có nguồn gốc từ sông Ấn.

Ấn Độ nguyên là quốc gia Veda, do vương triều Veda kiến lập thời cổ đại. Người Ấn Độ cổ lấy chữ "Hindu" để chỉ dòng sông, bắt nguồn từ tên sông Indus (sông Ấn), về sau mở rộng chỉ cả tiểu lục địa Nam Á, sau khi Ấn Độ và Pakistan phân thành hai quốc gia khác nhau thì "Hindus" mới chỉ quốc gia Ấn Độ.

Tiếng Ba Tư cổ đem "Hindu" chuyển thành "Indu" người cổ Hy Lạp lại biến "Indu" thành "Indi", người La Mã gọi thành "Indus" và người Anh ngày nay gọi thành India.

Trong các thư tịch Trung Quốc, thời Hán gọi Ấn Độ là "Thân Độc", "Thiên Trúc", tên gọi Ấn Độ bắt đầu từ trong sách "Đại Đường Tây Vực kí" của Đường Huyền Trang. Thế kỷ IV trước CN, Ấn Độ đã hình thành một quốc gia thống nhất.

Bắt đầu từ thế kỷ XVI, theo sau bọn thống trị Bồ Đào Nha, người Hà Lan, Anh, Pháp lần lượt đến xâm lược Ấn Độ. Năm 1600, thực dân Anh thành lập công ty Đông Ấn, thực hiện chính sách áp bức và bóc lột Ấn Độ, lần lượt xây dựng những cứ điểm quân sự ven biển. Năm 1849, Anh chiếm toàn bộ Ấn Độ. Ngày 15 tháng 8 năm 1947, theo phương ánh của người Anh, Ấn Độ, Pakistan bi chia hai, ngày 26 tháng 1 năm 1950, nước Cộng hòa Ấn Độ chính thức được thành lập.

2. Quốc kỳ:

Do ba hình chữ nhật bằng nhau màu cam, trắng và lục nằm ngang song song hợp thành. Chính giữa nền cờ màu trắng có một bánh xe Phật pháp màu lam với 24 chiếc nan hoa. Hình bánh xe này là một trong những đồ án đầu sư tử ở đầu trụ đá Thánh địa Phật giáo đời vua Asoka thuộc vương triều Khổng tước (vương triều Maurya Dynasty) Ấn Độ. Màu cam tượng trưng cho lòng dũng cảm, hiến thân và tinh thần hy sinh thân mình, đồng thời cũng là màu pháp y của giáo đồ Phật giáo; màu trắng tượng trưng cho thuần khiết và chân lý; màu lục biểu thị lòng tin, đại diện cho sức sinh sản mà sự sống nhân loại dựa vào để sinh tồn. Bánh xe Phật pháp là bánh xe linh thiêng của nhân dân Ấn Độ, bánh xe chân lý, bánh xe chuyển động tiến về phía trước, bánh xe quay mãi trời xanh. Đồ án quốc kỳ ra đời năm 1921, khi đó chính giữa nền cờ là một bánh xe quay sợi tượng trưng cho văn minh cần lao của nhân dân Ấn Độ. Ngày 22 tháng 7 năm 1947, quyết định đổi bánh xe quay sợi thánh bánh xe Phật pháp, chính thức được xem là quốc kỳ Ấn Độ. Ngày 26 tháng 1 năm 1950, Ấn Độ tuyên bố là nước cộng hòa và vẫn sử dụng quốc kỳ này.

3. Quốc huy:

Đồ án trung tâm do bốn con sư tử đực đứng châu lưng lại với nhau hợp thành, chúng đứng vững chắc trên một bệ đài hình tròn, mặt hướng ra bốn phía. Sư tử tượng trưng cho lòng tin, uy nghiêm, dũng khí và sức mạnh. Chung quanh bệ đài có bốn con thù canh giữ: hướng tây là con bò, hướng bắc là sư tử, hướng đông là voi, hướng nam là ngựa. Giữa bốn con thú có bánh xe Phật pháp. Quốc huy của Ấn Độ được chế định theo hình tượng điêu khắc đầu sư tử trên đầu trụ đá ở vườn thánh địa Phật giáo đời vua Asoka (khoảng 324 - 187 trước CN), vương triều Maurya Dynasty nổi tiếng trong lịch sử Ấn Độ. Những cột đá khắc những tín điều thống trị này dùng để kỉ niệm Phật tổ Thích ca Mâu Ni lần đầu tiên truyền giáo lý đạo Phật khắp thiên hạ. Đồ án quốc huy Ấn Độ đã phản ánh Ấn Độ là một nước có nền văn minh cổ xưa và lịch sử lâu đời.

4. Quốc ca:

"Người là đấng thống trị tất cả lòng người" - Nhạc và lời: Rabindranath Tagore.

"Người là Đấng thống trị tất cả lòng người, Đấng ban vận nước, tên của Người làm cho cả nước phấn chấn: Punjab, Sind, Gujrat, Maratha, Dravida, Aurisa, Bengal, Vitina, Himalya, vang vang tiếng vọng. Sông Jumna, sông Hằng tấu nhạc, đáp lời, sóng nước Ấn Độ Dương hát bài ca, ca ngợi Người, chúc mừng Người, tất cả mọi người đều mong chờ Người, cứu giúp Người là Đấng thống trị tất cả lòng người, là Đấng ban vận nước, thắng lợi dưới tên Người. Hoan hô Jaya! Hoan hô Jaya! Hoan hô Jaya Jaya Jaya Jaya Jaya!"


Azerbaijan - Quốc gia của lửa
1. Nguồn gốc tên gọi:

Azerbaijan có tên gọi đầy đủ là "Nước Cộng hòa Azerbaijan", nằm ở phía đông ngoại Caucasus. Tên nước này có nhiều nguồn gốc khác nhau.

a/ Bắt nguồn từ tiếng Ả Rập, ý nghĩa là "quốc gia của lửa". Phía bắc dự trữ nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí thiên nhiên phong phú, có nhiều miếu thờ sùng bái lửa. Tổ tiên người Azerbaijan xưa là những cư dân bản địa sinh sống ở phía nam Caucasus và những bộ lạc Tú chuch và Iran di cư đến như người Kinmeiliya, Skitai, Hung Nô, Ksa, Ogus...

b/ Những năm 30 của thế kỷ IV trước CN, đại quân Macedoni Alexander tiến vào, quan địa phương Mitiya là Ateluopate khuất phục trước Alexander Đại đế. Người Hy Lạp gọi khu vực do ông ta cai quản là Mitiya Ateluopate, về sau gọi là Ateluopatakan. Cuối thế kỷ VII, người Ả Rập xâm nhập vào và tên gọi này dần biến thành Azerbaijan.

Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, chịu sự thống trị của người Tatar, Sella; nửa đầu thế kỷ XIX, phía Bắc Azerbaijan bị Sa hoàng Nga thôn tính, còn phía nam thuộc về Iran; năm 1917, phía Bắc Azerbaijan thành lập chính quyền Xô Viết. Ngày 28 tháng 4 năm 1920, thành lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Azerbaijan , ngày 12 tháng 3 năm 1922, cùng với Georgia và Armenia hợp thành nước "Cộng hòa Liên bang Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết ngoại Caucasus", ngày 30 tháng 12 cùng năm, "ngoại Caucasus" gia nhập Liên Xô, ngày 5 tháng 12 năm 1936, Azerbaijan trở thành một nước cộng hòa trong Liên Bang Xô Viết. Ngày 30 tháng8 năm 1991, tuyên bố độc lập và đổi tên nước như hiện nay.

2. Quốc kỳ:

Do ba hình chữ nhật bằng nhau nằm ngang song song màu lam, đỏ, lục hợp thành; giữa phần màu đỏ có một vầng trăng non cong màu trắng và một ngôi sao tám cánh màu trắng. Năm 1920, thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Azerbaijan. Năm 1936, trở thành một nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Tháng 8 năm 1991, tuyên bố độ lập. Ngày 5 tháng 2 năm 1991, tuyên bố: quốc kỳ Azerbaijan là lá cờ ba màu lam, đỏ, lục có sao và trăng, đồng thời đổi tên thành nước Cộng hòa Azerbaijan.

3. Quốc huy:
Dạng tròn, do ba hình tròn đồng tâm màu lam, đỏ, lục tạo thành. Trên mặt hình tròn có ngôi sao tám cánh màu trắng, chính giữa ngôi sao là một ngọn đuốc, hoa văn dưới hình tròn là bông lúa mạch và cành lá cây bông.

4. Quốc ca:
Không lời


Bahrain - Hai biển cả
1. Nguồn gốc tên gọi:

Bahrain nằm trên vịnh Persian giữa Ả Rập Saudi và Cata, do 33 đảo lớn nhỏ hợp thành, lớn nhất là đảo Bahrain. Tên nước có nguồn gốc từ tên đảo.

a/ Trong tiếng Ả Rập, Bahrain có nghĩa là hai biển cả, quần đảo vây quanh Manama gọi là đảo Bahrain.

b/ Tên Bahrain còn có nghĩa là "hai nguồn nước", vì đảo này không chỉ có nước biển mặn mà còn có những dòng nước suối từ dưới biển phun lên. 3.000 năm trước CN trong các văn tự xa xưa, gọi Bahrain là "nước của bờ biển", tên đảo là Dilmen. Thế kỷ V trước CN, sử gia Hy Lạp Rodod gọi là đảo Alat. Thế kỷ III, vương triều Sassan Ba Tư gọi đây là đảo Alwa; các nhà địa lí Ả Rập xưa gọi chung các vùng đất Cata, Hasa, Kuwait ven biển và các đảo là "bờ biển Bahrain". Bahrain bị người Ba Tư chiếm vào năm 1602. Năm 1783 Bahrain đuổi người Ba Tư đi, tuyên bố độc lập. Năm 1820, người Anh xâm chiếm Bahrain. Năm 1880 về sau, trở thành nước bảo hộ của Anh. Ngày 14 tháng 8 năm 1971, tuyên bố độc lập, thành lập nước Bahrain.

2. Quốc kỳ:

Có hai màu đỏ và trắng, phía bên trái là một mảnh chữ nhật thẳng đứng dọc màu trắng, chiếm 1/4 chiều rộng lá quốc kỳ, 3/4 còn lại là màu đỏ; chỗ tiếp giáp giữa hai màu đỏ - trắng có hình răng cưa. Quốc kỳ này được chế định năm 1933, ngày 14 tháng 8 năm 1971, Bahrain chính thức độc lập và hình lá quốc kỳ vẫn không thay đổi. Năm 1820, khi Bahrain bị rơi vào vòng bảo hộ của nước Anh, quốc kỳ này đã từng theo quy định của điều ước kí kết giữa Anh và các quốc gia có liên quan ở vịnh Ba Tư: "người Ả Rập, trên đất liền và trên biển, phải sử dụng cờ màu đỏ, trên cờ có thể viết hoặc không viết chữ tùy theo sự lựa chọn của mỗi nước, nhưng chữ phải viết trên phần màu trắng của lá cờ". Quốc kỳ của Bahrain đã từng là một lá cờ đỏ.

3. Quốc huy:

Hình thuẫn (lá chắn), trên mặt thuẫn là hình lá quốc kỳ của đất nước Bahrain: phần trên là hình răng cưa màu trắng, phần dưới là màu đỏ. Xung quanh được trang trí bởi các vòng hoa màu trắng và đỏ.

4. Quốc ca:

Nhạc: Vô danh, Không lời, Sửa chữa và cải biên nhạc: Mahamad Sudeki Ayasen


Bangladesh - Quê hương của người Bengal 

1. Nguồn gốc tên gọi:

Bangladesh có tên gọi đầy đủ là "nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh", nằm ở tiểu lục địa Nam Á, hạ du sông Ganga (sông Hằng) và sông Brahmaputra. Tên gọi nước này có hai cách giải thích:

a/ Lấy tên từ dân tộc chủ yếu của nước này. Theo giải thích, vùng đồng bằng màu mỡ phía nam sông Padma là quê hương của người Bengal thời cổ đại. Năm 1352, Irias Shah thành lập vương quốc thống nhất, tự xưng là Sultan của người Bengal. Các tầng lớp thống trị ngày xưa chú trọng thiết lập một hệ thống đê kè ở vùng đất trũng, chống lũ lụt, tiếng Phạn gọi hệ thống này là "Ali". Bangladesh tức chỉ người Bengal cổ đại thêm từ "desh" phía sau (là biến âm của "Ali") hợp thành.

b/ Theo "Vãng thế thư" ghi chép, vua của tộc người Qiandela là Bari có năm người con trai, lần lượt thành lập những quốc gia riêng của mình, trong đó có vương quốc Wenge nằm ở giữa mạn nam sông Padma và sông Bhumaputra. Thế kỷ XII, vùng đất phía tây của vương quốc này gọi là "Lala", sau biến thành "Lal". Hai từ "Wenge" và "Lal" hợp thành gọi là "Bangal" hoặc "Bangar". Khi người Anh xâm nhập, tên gọi biến thành "Bangladesh".

Bangladesh và Pakistan vốn là một quốc gia, nửa sau thế kỷ XIX trở thành một tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh, năm 1947, Bangladesh phân thành hai bộ phận đông tây, phía tây thuộc Ấn Độ, phía đông thuộc Pakistan. Ngày 26 tháng 3 năm 1971, đông Pakistan tuyên bố độc lập, ngày 7 tháng 1 năm 1972, thành lập "nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh".

2. Quốc kỳ:

Nền cờ có màu lục sậm, chính giữa là một hình tròn màu đỏ. Màu lục sậm tượng trưng cho mặt đất xanh tươi tràn đầy sức sống. Hình tròn màu đỏ tượng trưng cho bình minh sau khi trải qua đêm đen của đấu tranh đổ máu, vầng thái dương đỏ vang lên. Quốc kỳ này được chế định năm 1972.

3. Quốc huy:

Hình tròn. Chính giữa là một bông hoa súng, phía dưới bông hoa súng là mặt nước gợn sóng. Hoa súng được coi là quốc hoa của Bangladesh, nó thanh nhã xinh đẹp, là biểu tượng của dân tộc Bangladesh. Mặt nước tượng trưng cho nước sông Ganges (Hằng) và nước sông Brahmaputra. Hai bên quốc huy có hai bông lúa đầy hạt, tượng trưng cho nền nông nghiệp của đất nước. Đỉnh quốc huy có lá đay, tượng trưng cho cây trồng kinh tế chính trị của nước này. Hai bên lá đay có hai ngôi sao năm cánh, tượng trưng cho tôn chỉ chính trị cách mạng của nhân dân nước này. Quốc huy này được chế định năm 1971.

4. Quốc ca:

"Bangladesh sắc vàng" - Nhạc và lời: Rabindranath Tagore.

"Bangladesh sắc vàng của tôi, Người mẹ của tôi, tôi yên Người. Lòng tôi mãi hát ca bầu trời xanh của Người, bầu không khí của Người, bầu trời xanh của Người, bầu không khí của Người. Bangladesh sắc vàng, Người mẹ của tôi, tôi yêu Người.

Ở đó, tháng 11 và tháng 12, rừng xoài hương thơm ngào ngạt, khiến lòng tôi say sưa, khiến tôi say mê. Tháng 11và tháng 12 rừng xoài hương thơm ngào ngạt. Ở đó tháng 9 và tháng 10, lúa ngô một màu vàng tươi, vô cùng ấm áp, vô cùng xinh đẹp. Bangladesh sắc vàng, Người mẹ của tôi, tôi yêu Người.

ĐK: Ơi Người mẹ của tôi, nếu Người buồn rầu, tôi sẽ nước mắt ròng ròng, khóc vì Người, tôi sẽ khóc vì Người.

Ở đó, dưới gốc đa, trên bờ sông, Người trải ra tấm váy dài của mình, mở thần tỉnh dáng vẻ thật kỳ lạ, dáng vẻ thật kỳ lạ, thật kỳ lạ. Lời nói của Người như nước cam lộ, khiến lòng mở thần tỉnh. Lời nói của Người khiến lòng mở thần tỉnh. Bangladesh sắc vàng, Người mẹ của tôi, tôi yêu Người (Trở lại ĐK)".



Bhutan - Biên thùy nơi đất Tạng

1. Nguồn gốc tên gọi:

Bhutan có tên gọi đầy đủ là "Vương quốc Bhutan", là nước trong lục địa phía nam dãy Himalaya. Vương quốc Bhutan tên xưa là Brukpa, tên gọi "Bhutan" bắt nguồn từ tiếng Phạn, thế kỷ VII, Bhutan từng là một bộ phận của đế quốc Turpan, trước thế kỷ IX, nơi đây vẫn là nơi sinh sống của người Tepu Ấn Độ, từ đó địa danh mang tên Bhutan với ý nghĩa là điểm cuối của cao nguyên Tây Tạng. Về sau, người Tây Tạng trở ngược lên phía bắc sinh sống, ở vùng đất này lấy tên gọi là Bhutan từ đó cho đến ngày nay.

Người Bhutan tự xưng nơi họ sinh sống là vùng đất của sự sinh sôi, nảy nở, "nơi ở của rồng thần". Mỗi năm vào khoảng tháng 5, 6 gió mùa từ Ấn Độ Dương mang nhiều hơi nước, men theo vịnh Bangladesh thổi ngược lên, sau đó thổi vào 8 con sông của Bhutan đi lên hướng bắc và bị chắn bởi dãy núi tuyết Himalaya, trong khoảnh khắc sấm chớp đùng đùng, mưa như trút nước, tựa như trăm ngàn con rồng trở về biển cả, những thác nước muôn trượng ào ào đổ xuống đầm sâu, tên gọi "quốc gia của rồng thần" có nguồn gốc từ đó.

Người Bhutan rất tôn sùng rồng, một loài động vật trong truyền thuyết, ở giữa lá quốc kỳ của Bhutan là hình một con rồng đang giơ móng khoe vuốt. Giữa thế kỷ XVIII, người Anh xâm nhập vào Bhutan. Tháng 8 năm 1949, Ấn Độ và Bhutan ký kết hiệp ước, qui định việc quan hệ đối ngoại của Bhutan chịu sự chỉ đạo của Ấn Độ.

2. Quốc kỳ:

Hình chữ nhật, do hình tam giác màu vàng và hình tam giác màu đỏ cam tạo thành. Giữa nền cờ có một con rồng trắng, vuốt rồng nắm bốn viên ngọc trắng. Màu vàng tượng trưng cho quyền lực của quốc vương về phương diện lãnh đạo tôn giáo và công việc thế tục. Màu đỏ cam là màu áo khoác của tăng lữ, tượng trưng cho sức mạnh tinh thần của Phật giáo. Bốn móng rồng tượng trưng cho quyền lực của đất nước, đồng thời cũng biểu thị cho tên của nước này, vì Bhutan có thể dịch là "thần long chi quốc" (đất nước rồng thần). Màu trắng tượng trưng cho trung thành và thuần khiết. Bốn viên ngọc trắng biểu thị quyền lực và thánh khiết. Trong lịch sử, Bhutan là một vương quốc phong kiến bị thống trị bởi hai tầng lớp tăng lữ và thế tục. Năm 1907, đổi thành nước chủ quân thế tập, quốc vương là nguyên thủ quốc gia, vương kỳ cũng có biểu tượng rồng, tương tự như quốc kỳ.

3. Quốc huy:
Có hình tròn. Giữa quốc huy có hai con rồng thần đang bay, 2 đầu rồng đối xứng nhìn nhau, rất sống động tượng trưng cho Bhutan là "Thần long chi quốc". Móng trước của hai con rồng thần nâng một ngọn lửa rực sáng. Xung quanh rồng thần là sấm chớp, chúng vây lấy hình chữ thập do sấm chớp tạo thành. Vì tháng 5-6 hàng năm, gió mùa Ấn Độ Dương thổi vào lòng sông Bhutan, khi đó mây đen vần vũ, sấm rền chớp giật nên người Bhutan từ xưa tới nay gọi đất nước mình là "đất nước sấm chớp". Vòng ngoài quốc huy là một vòng tròn trắng, phía trên viết dòng chữ tiếng Tạng "Bhutan quang vinh là bất khả chiến thắng".

4. Quốc ca:

"Tụng ca Hoàng gia" - Không lời??

Giả thuyết khác về tên gọi của Bhutan

'Bhutan' có thể xuất phát từ từ 'Bhu-Utthan' trong tiếng Phạn có nghĩa 'Cao nguyên'. Một giả thuyết khác cho rằng nó là sự Phạn hoá, từ 'Bhots-ant' có nghĩa 'nơi chấm dứt của Tây Tạng' hay 'phía nam Tây Tạng'. Tuy nhiên, một số người Bhutan gọi đất nước họ là 'Druk Yul' còn người dân là 'Drukpa'. Cái tên Dzongkha (và Tây Tạng) cho đất nước này là 'Druk Yul' (Vùng đất của Rồng Sấm). Vì sự thanh bình và thanh khiết của đất nước, cũng như những phong cảnh tại đó, Bhutan ngày nay thỉnh thoảng được gọi là Shangri-La cuối cùng.

Trong lịch sử, Bhutan được gọi bằng nhiều cái tên, như: 'Lho Mon' (Vùng đất phía nam sự Bí mật), 'Lho Tsendenjong' (Vùng đất phía nam Rừng đàn hương), 'Lhomen Khazhi' (Vùng đất phía nam Bốn lối vào), và 'Lho Men Jong' (Vùng đất phía nam cỏ thuốc).


Brunei - Tên quốc gia lấy từ tên quả xoài

1. Nguồn gốc tên gọi:

Brunei có tên đầy đủ là "Darussalam - Brunei", nằm ở phía bắc đảo Kalimantan. Tên nước hợp thành từ tên dân tộc và tên tôn giáo Islam. Brunei nguyên là tên gọi của một dân tộc cổ trên đảo Kalimantan (tên gọi cũ là Borneo), trong tiếng Mã Lai, Brunei mang nghĩa thực vật, chuyên chỉ "xoài", cũng có người chỉ là "trái Salomon". Có cách giải thích khác cho rằng Brunei mang nghĩa "hình dáng biển" trong tiếng Phạn.

Từ xa xưa đến nay, Brunei do tù trưởng thống trị, sau khi đạo Hồi truyền vào đầu thế kỷ XV, kiến lập vương quốc Sultan. Tiếng Sultan dịch âm trong tiếng Ả Rập, mang nghĩa "kẻ thống trị" hoặc "quân vương". Đầu thế kỷ XVI, nước Brunei trở nên hùng mạnh, bản đồ biên giới lúc đó bao gồm toàn đảo Kalimanta, Sulu, Palawan... Tổ tiên Bolkiah của Sultan hiện nay đông chinh tây chiến từng vượt biển đến Java và Malacca, chinh phục Sulu, thậm chí từng chiếm thủ đô Manila của Philippines. Cuối thế kỷ XVI, do sự xâm lược của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hà Lan, Brunei trở nên suy yếu, đến thế kỷ XIX, lãnh thổ chỉ còn lại một bộ phận Sarawak, Brunei và Sabah ngày nay. Năm 1841, Brunei cắt James Brook, người Anh. Năm 1877, lại đem Sabah cho thương nhân Anh thuê. Vài năm sau, chuyển vào công ty North Borneo (Anh). Về sau, lãnh thổ Brunei chỉ còn như hiện nay.

Năm 1888, Brunei trở thành nước bảo hộ của Anh, năm 1941 đến năm 1945 bị Nhật Bản chiếm đóng, tháng 7 năm 1946, lại trở thành nước bảo hộ của Anh. Năm 1971, Anh quy định cho Brunei hoàn toàn tự trị, trừ quyền ngoại giao. Ngày 1 tháng 1 năm 1984, Brunei cuối cùng thoát khỏi sự thống trị khoảng 29 năm của Anh, giành được độc lập. lấy tên nước là "Darussalam - Brunei". Tên gọi Darussalam là từ ngữ của tôn giáo Islam, bắt nguồn từ tiếng Ả Rập mang nghĩa "vùng đất hòa bình" hay "thế giới an lạc".

2. Quốc kỳ:

Hình chữ nhật. Mặt lá cờ do bốn màu vàng, trắng, đen và đỏ tạo thành. Nền cờ màu vàng, hai dải sọc đen và trắng đi chéo qua nền cờ, chính giữa nền cờ có quốc huy Brunei màu đỏ. Năm 1906, khi còn là đất bảo hộ của nước Anh, Brunei đã chế định quốc kỳ Brunei đầu tiên, đó là lá cờ vàng hình chữ nhật. Màu vàng trên lá cờ biểu thị Sultan là tối cao. Sau đó, để kỉ niệm hai vị thân vương có công, Sultan đã quyết định thêm hai dải sọc chéo trên quốc kỳ. Năm 1959, ki Brunei tự trị, đã chế định bản Hiến pháp đầu tiên, Hiến pháp quy định có hình quốc huy ở chính giữa quốc kỳ. Ngày 1 tháng 1 năm 1984, Brunei tuyên bố hoàn toàn độc lập, chính phủ quyết định tiếp tục sử dụng quốc kỳ này.

3. Quốc huy:

Màu đỏ. Đồ án trung tâm là một mặt trăng cong lên trên, tượng trưng Brunei là quốc gia theo đạo Islam. Giữa vầng trăng non có câu cách ngôn bằng tiếng Malaysia màu vàng "Mãi mãi theo sự chỉ dẫn của chân Chúa, vạn sự như ý". Ở trung tâm vầng trăng có một thân cây cọ, phía trên thân cây cọ có hai cánh dang rộng, hai cánh và hai đầu nhọn của trăng non nối với nhau, tượng trưng cho hòa bình. Trên hai cánh có trang trí một lọng và một lá cờ, tượng trưng Sultan là tối cao. Hai bên hình vẽ trung tâm có hai cánh tay ở tư thế nâng đỡ, nó vừa biểu thị sự ủng hộ của thần dân Brunei đối với Sultan, vừa biểu thị người Malaysia chiếm 90% dân số Brunei. Dưới cùng quốc huy có một dải trang trí màu đỏ, dòng chữ trên đó có nghĩa là "Ngôi thành hòa bình, Brunei". Năm 1959, Brunei ban bố bản Hiến pháp đầu tiên, quy định hình quốc huy này. Năm 1984, Brunei tuyên bố hoàn toàn độc lập và tiếp tục sử dụng quốc huy này.

4. Quốc ca:

Nhạc: Pencyjan Mohamed Yussep - Lời: Pencyjan Haji Abdur Rahim và Inixe Awan Besarchisacapu.

"Thượng đế phù hộ Brunei, Sultan Bệ hạ vạn tuế! Dựa vào công lý và quyền uy, lãnh đạo nhân dân bảo vệ đất nước; chúc cho đất nước phồn vinh, Sultan bình yên, thần linh chí cao phù hộ đất nước Brunei".


Cyprus (Síp) - Đất nước của đồng thau

1. Nguồn gốc tên gọi:

Cyprus có tên gọi đầy đủ là "nước Cộng hòa Cyprus", nằm trong Địa Trung Hải, nơi giao thông xung yếu giữa ba châu: Ấu, Á, Phi. Nguồn gốc tên nước có nhiều cách nói khác nhau:

a/ Từ tiếng Hy Lạp "Kypros" mang nghĩa là "đồng thau". Theo sử sách ghi chép, khoảng 3.000 năm trước CN, trên đảo này đã phát hiện ra đồng, và đã có 4.000 năm lịch sử khai thác đồng. Người ta rất quí đồng và ưa thích các trang sức bằng đồng, tên nước Cyprus do tên đồng biến thành.

b/ Có nguồn gốc từ một loại thực vật là "cây bách tơ" đem từ ebanon sang. Thời cổ đại, Cyprus có rất nhiều cây bách, chất gỗ rất cứng, bền, kháng được mối mọt, có mùi thơm, là sản phẩm xuất khẩu của Cyprus từ xưa. Từ đó tên đảo có nguồn gốc từ tên cây bách.

c/ Bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp. Người Hy Lạp tôn sùng 12 vị thần lớn, trong đó có Afuluodai - nữ thần tình yêu và sắc đẹp. Theo truyền thuyết, nữ thần này sinh ở Cyprus còn có tên khác là "Kupulis", trở thành tên đảo, mang nghĩa "song cửa của nữ thần ái tình".

1.500 - 1.400 năm trước CN, người Hy Lạp bắt đầu di cư tới đảo này, từ năm 1571 chịu sự thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1878 bị Anh xâm chiếm. Từ năm 1925, trở thành thuộc địa của thực dân Anh. Ngày 16 tháng 8 năm 1960 tuyên bố độc lập, thành lập nước "Cộng hòa Cyprus".

2. Quốc kỳ:

Hình chữ nhật. Chính giữa nền cờ trắng có bản đồ Cyprus màu vàng, phía dưới bản đồ là hai cành ôliu màu lục bắt chéo nhau. Cyprus trong tiếng La Tinh có nghĩa là "đồng", màu vàng trên lá cờ tượng trưng Cyprus là một nước sản xuất đồng. Cành ôlui màu lục tượng trưng cho hòa bình và phồn vinh, đồng thời cũng biểu thị hướng về hòa bình của dân tộc Hy Lạp và dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ của quốc gia này và sự đoàn kết hợp tác của hai dân tộc. Ngày 16 tháng 8 năm 1960, Cyprus giành được độc lập từ sự thống trị của thực dân Anh và đã chế định lá quốc kỳ này.

3. Quốc huy:

Đồ án trung tâm là một tấm lá chắn màu vàng. Trên mặt tấm lá chắn có một con chim bồ câu trắng mỏ ngậm cành ôliu và có con số 1960. Xung quanh tấm lá chắn được trang trí bởi vòng hoa kết bằng cành ôliu. Cyprus chủ yếu gồm người Hy Lạp theo chính thống giáo và người Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi. Hình vẽ quốc huy đã biểu đạt tâm nguyện chung của hai dân tộc là chung sống hòa bình, cũng biểu trưng cho cây ôliu xanh tươi có thể thấy ở mọi nơi trên đảo quốc này. Số 1960 trên quốc huy là năm đất nước này độc lập.

4. Quốc ca:

Nhạc: nicolas Mancharos - Lời: Dionisiaus Solomos

"Bảo kiếm của Người lộ ra mũi sắc, nên chúng tôi nhận ra Người. Người trả ại quyền lực cho nhân dân, ánh sáng của Người chiếu khắp đất trời. Các bật tiên liệt bị bức hại và toàn thể nhân dân Hy Lạp hoan hô Người, kính chào Người, ơi tự do, xin kính chào Người! Hoan hô Người, kính chào Người, ơi tự do, xin kính chào Người!"


Gruzia (Georgia) -Tên của thần giữ cửa Gorki
1. Nguồn gốc tên gọi:

Gruzia có tên đầy đủ là "nước Cộng hòa Gruzia", nằm ở phía trung tây Ngoại Caucasua, tây giáp Hắc Hải, nằm ở nơi giao nhau giữa hai châu: Âu và Á. Tên gọi lấy từ tên dân tộc, tên dân tộc lấy từ tên người "Gorki".

Tên gọi này được mọi người cho rằng lấy từ tên của thánh Gorki Bobiedonoszi, là vị thần giữ cửa của người Gruzia. Tổ tiên người Gruzia xa xưa trước và sau CN là người Kalte, Sfan, Minggelier; quần cư ở vùng núi phía nam dãy Caucasus. Từ thế kỷ IV đến thế kỷ VI thành lập quốc gia phong kiến, hình thành nên dân tộc Gruzia.

Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII, thành lập quốc gia tập quyền trung ương thống nhất; từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIV, lần lượt chịu sự xâm lược của người Tatar và Temul; về sau bị Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thống trị; từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, Gruzia xuất hiện nhiều công quốc và vương quốc nhỏ; từ năm 1801 đến năm 1864, các công quốc lần lượt bị sát nhập vào đế quốc Nga. Ngày 25 tháng 2 năm 1921, thành lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Gruzia, ngày 25 tháng 3 năm 1922, gia nhập vào nước Cộng hòa Liên bang Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết ngoại Caucasus. Ngày 5 tháng 12 năm 1936, là một nước Cộng hòa trong Liên Bang Xô Viết. Ngày 9 tháng 4 năm 1991, thông qua toàn dân bỏ phiếu tuyên cáo độc lập, trở thành "nước Cộng hòa Gruzia".

2. Quốc kỳ:
Hình chữ nhật. Nền cờ màu đỏ nâu, phía trên bên phần cán cờ có một hình chữ nhật nhỏ hai màu trên đen, dưới trắng. Màu đỏ nâu, màu đen, màu trắng đều là những màu nhân dân Gruzia yêu thích. Màu trắng còn tượng trưng cho hòa bình. Năm 1801 và năm 1803 đến năm 1864, cả Đông và Tây Gruzia lần lượt sát nhập vào nước Nga. năm 1921, thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Gruzia. Năm 1936, trở thành một trong những nước cộng hòa thuộc Liên Xô. Năm 1990, quốc hội mới của Gruzia, bỏ những chữ "Xã hội chủ nghĩa Xô Viết" trong tên nước, và quyết định sử dụng lá quốc kỳ ba màu đen, trắng và đỏ nâu trước đây. Năm 1991, chính thức tuyên bố độc lập, quyết định lấy lá cờ ba màu này làm quốc kỳ.

3. Quốc huy:

Một ngôi sao bảy cánh. Trên mặt tròn của ngôi sao bảy cánh có một con tuấn mã trắng đang phi trên đỉnh núi và một kỵ sĩ anh hùng - George, cưỡi trên lưng tuấn mã, mình mặc áo giáp, tay phải cầm giáo dài, tay trái cầm khiên tròn. Áo choàng màu trắng của kỵ sĩ tung bay trong gió. Toàn bộ đồ án bắt nguồn từ Chính giáo, hàm ý là: George và tuấn mã trắng là thần bảo hộ của nhân dân. Phía trên hình tròn của ngôi sao bảy cánh còn có năm ngôi sao tám cánh và mặt trời vàng, mặt trăng bạc, biểu thị cùng tồn tại với nhật nguyệt hướng đến ánh sáng. Quốc huy này được sử dụng khi thành lập nước cộng hòa Gruzia.

4. Quốc ca:

Nhạc và lời: Vô danh

"Vinh quang thuộc về Ivelia xinh đẹp, thuộc về Thiên đường nhân gian được Trời phù hộ. Vinh quang thuộc về đoàn kết hữu ái, thuộc về người Gruzia anh dũng. Hoan hô mục tiêu sống vĩ đại, đón nhận bình minh của chân lý"

Pakistan - Quốc gia Hồi giáo


1. Nguồn gốc tên gọi:

Pakistan có tên gọi đầy đủ là "Cộng hòa Hồi giáo Pakistan", nằm ở phía tây bắc tiểu lục địa Nam Á. Tên gọi có hai nguồn gốc.

a/ Vào khoảng năm 1930, nhà thơ, nhà triết học, nhà tư tưởng Hồi giáo nổi tiếng Mohammed Ykebal triệu tập hội nghị Hồi giáo ở Alahabad đầu tiên kiến nghị thành lập Pakistan, ông hy vọng tập hợp lại đạo Hồi ở tiểu lục địa Nam Á. Pakistan có nguồn gốc từ tiếng Ba Tư. "Paki" mang nghĩa "Hồi giáo", "thánh thiện"; "stan" tức là "nước" hay "vùng", "khu vực"; mang ý nghĩa chung là nơi ở của những người trong sạch, tức một nước Hồi giáo thanh cao.

b/ Do các học sinh Hồi giáo du học ở Đại học Cambridge - nước Anh đề xuất, họ đem mẫu chữ cái đầu tiên của các quốc gia và vùng đất Hồi giáo Pansupu, Afghanistan, Kashmir, Iran, Sinde hợp thành Paristan, tức Pakistan, mang ý nghĩa đây là quốc gia gồm nhiều vùng đất Hồi giáo khác hợp thành. Pakistan và Ấn Độ nguyên là một quốc gia, năm 1858, cả tiểu lục địa Nam Á trở thành thuộc địa của Anh.

Năm 1947, Anh công bố "Phương án Mongbaton", đem Ấn Độ thuộc Anh chiếu theo tôn giáo tín ngưỡng phân thành hai quốc gia Pakistan và Ấn Độ, thực hiện chế độ chia để trị. Ngày 14 tháng 8 cùng năm, Pakistan tuyên bố độc lập trở thành lãnh thổ tự trị trong khối Liên Hiệp Anh (bao gồm cả đông và tây Pakistan). Ngày 23 tháng 3 năm 1956, thành lập "nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan". Sau chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971, phần phía đông Pakistan tách ra thành nước Bangladesh. Tháng 1 năm 1972, Pakistan thoát li khỏi Liên Hiệp Anh.

2. Quốc kỳ:

Do hai màu trắng và lục sẫm tạo thành. Màu trắng chiếm 1/4 bề mặt lá cờ, màu lục sẫm chiếm 3/4. Giữa phần nền màu lục sẫm có một ngôi sao năm cánh màu trắng và một vành trăng non lưỡi liềm màu trắng. Màu lục biểu thị đạo Hồi, sao năm cánh và trăng non lưỡi liềm tượng trưng cho niềm tin của đa số nhân dân Pakistan đối với đạo Hồi, Hình chữ nhật đặt đứng màu trắng bên phía cán cờ biểu thị cư dân tin thờ Ấn Độ giáo, Phật giáo, Cơ đốc giáo, Bái hỏa giáo (Zoroastrianism) và các dân tộc thiểu số khác. Năm 1964, Pakistan từng tuyên bố, màu trắng tượng trưng cho hòa bình, màu lục tượng trưng cho phồn vinh, trăng non tượng trưng cho tiến bộ, sao năm cánh tượng trưng cho sự tươi sáng. Quốc kỳ này vốn là lá cờ của liên minh Hồi giáo toàn Ấn Độ. Ngày 23 tháng 3 năm 1940, Liên minh Hồi giáo toàn Ấn Độ đã triệu họp hội nghị tại Lahore, thông qua nghị quyết thành lập nước Pakistan. Pakistan có nghĩa là nước Hồi giáo. Ngày 11 tháng 8 năm 1947, Quốc hội Pakistan chính thức thông qua việc sử dụng lá quốc kỳ này.

3. Quốc huy:

Hình trung tâm là một tấm khiên màu lục và trắng đan xen. Tấm khiên chia làm 4 phần, lần lượt có 4 hình: bông, lá chè (trà), tiểu mạch và đay, biểu thị các nông sản chủ yếu của Pakistan. Hai bên tấm khiên được trang trí bởi hai vòng có cành xanh hoa trắng. Đỉnh tấm khiên có vành trăng non và ngôi sao năm cánh màu lục tượng trưng cho đạo Hồi, biểu thị lòng tin của nhân dân đối với đạo Hồi. Phần đáy quốc huy là một dải lụa màu lục, trên đó viết một câu cách ngôn bằng tiếng Urdu: "thành kính, thống nhất, giới luật". Quốc huy của Pakistan được chế định vào năm 1955.

4. Quốc ca:

Nhạc: Ehmag G Jagla - Lời: Abdul Ansar Hafis Julondori

"Cầu phước cho Người, ơi Tổ quốc, Người là đẹp nhất, linh thiêng nhất, hỡi Pakistan, Người là tượng trưng cho lòng kiên cường bất khuất, Người là thành trì của tín ngưỡng. Mệnh lệnh của Tổ quốc thần thánh chính là sức mạnh của nhân dân. Dân tộc, quốc gia, chính quyền mãi mãi vinh quang, thực hiện niềm mong mỏi của chúng ta. Ngọn cờ trăng lưỡi liềm và ngôi sao sáng chỉ lối tiến lên. Lịch sử ngày hôm qua, vinh quang ngày hôm nay và hy vọng ngày mai, tượng trưng cho sự bảo hộ của chân Chúa". 
Palestine - Đất của người Philistines

1. Nguồn gốc tên gọi:

Palestine nằm ở nơi giao nhau giữa ba châu lục Âu, Á, Phi. Canaaniste là tên xưa của Palestine có nghĩa là đất thấp. Khoảng thế kỷ II trước CN, người Canaaniste định cư ở nơi đây, từ đó có tên này. Tên Palestine có nhiều nguồn gốc:

a/ Bắt nguồn từ thời La Mã, trong tiếng Hy Lạp mang ý nghĩa là đất của người Philistines. Thế kỷ XIII, trước CN, khu vực ven biển Palestine là nơi cư trú của người Philistine, họ đến từ đảo Aiqin là bộ lạc du mục. Người Philistinen với nghĩa là "dân du mục", thêm chữ "stan", tức vùng đất của những người du mục. Năm 135, đế quốc La Mã xâm chiếm Palestine, vẫn dùng tên gọi này.

b/ Trong truyền thuyết của người Ả Rập, cho rằng tên con trai lớn của Noe là Palestine; hoặc tên con trai út là philisin tạo thành.

c/ Do tên bộ lạc Philistinet biến đổi thành.

Thế kỷ XI trước CN, người Do Thái kiến lập vương triều Hebolla, năm 63 trước CN, người La Mã xâm nhập, tuyệt đại bộ phận người Do Thái phiêu tán khắp nơi. Năm 637, trở thành bộ phận của đế quốc Ả Rập. Từ thế kỷ XVI đến thế chiến thứ I là bộ phận của đế quốc Ottomon. Năm 1922, là thuộc địa ủy nhiệm của Anh. Cuối thế kỷ XIX, người Do Thái ở Châu Âu trở về sinh sống ở đây. Tháng 11 năm 1947, Liên Hiệp Quốc qui định "Quyết nghị phân chia Palestine" đem nơi này phân thành hai nước Ả Rập và Do Thái. Ngày 15 tháng 11 năm 1988, Palestine tuyên bố thành lập ở Alger, thủ đô của Algeria. Biên giới hiện nay vẫn chưa xác định rõ.

2. Quốc kỳ:

Hình chữ nhật. Phía bên cán cờ là hình tam giác màu đỏ, bên phải là ba sọc ngang màu đen, trắng, lục. Màu đỏ trên lá cờ tượng trưng cho cách mạng, màu đen tượng trưng cho sự dũng cảm và ngoan cường đấu tranh của nhân dân, màu trắng tượng trưng cho tính thuần khiết của cách mạng, màu lục tượng trưng cho niềm tin của nhân dân đối với đạo hồi. Lá quốc kỳ này vốn là lá cờ của Tổ chức giải phóng Palestine. Tháng 11 năm 1988, Hội ngị đặc biệt lần thứ 19 Ủy ban toàn quốc Palestine đã ra quyết định chọn lá cờ này làm quốc kỳ của Palestine.

3. Quốc huy:

Vẫn chưa chính thức chế định, nhưng hiện nay các sứ quán của Palestine tại nước ngoài đều sử dụng biểu tượng của Tổ chức giải phóng Palestine. Biểu tượng này là một tấm khiên, trên mặt khiên có bản đồ nước Palestine, phía trên bản đồ là một lá quốc kỳ của Palestine, phía trên lá quốc kỳ là một ngọn đuốc. Đầu trên mặt khiên có dòng chữ bằng tiếng Ả Rập "Tổ chức giải phóng Palestine", giữa mặt khiên có dòng chữ "Thống nhất, ái quốc, tổng động viên dân tộc, giải phóng".

4. Quốc ca:

Nhạc và lời: Vô danh

"a./ Ơi Tổ quốc, đất nước mẹ cha, ta là một đội viên du kích dũng cảm. Ơi đồng bào, những người anh hào, ta là một đội viên du kích dũng cảm. Ôi đội viên du kích. Ta hoài niệm quê hương mình bằng ý chí và ngọn lửa phục thù, bằng bầu máu nóng sôi sục. Ta vượt qua núi cao đi chiến đấu anh dũng, ta chiến thắng gian nguy, đập tan xiềng xích.

ĐK: Ơi Tổ quốc, đất nước mẹ cha, ta là một đội viên du kích dũng cảm. Ơi đồng bào, những người anh hào, ta là một đội viên du kích dũng cảm.

b/ Ơi Tổ quốc, đất nước mẹ cha, ta là một đội viên du kích dũng cảm. Ơi đồng bào,những người anh hào, ta là đội viên du kích dũng cảm. Ơi đội viên du kích. Ta chiến đấu anh dũng bằng cuồng phong cuồn cuộn và ngọn lửa của vũ khí, bằng lòng kiên cường của nhân dân. Ơi Palestine gia đình của ta, ngọn lửa của ta, cùng ta đi phục thù, ơi non sông bền vững.

c/ Ơi Tổ quốc, đất nước mẹ cha, ta là một đội viên du kích dũng cảm. Thề trước cờ đỏ, dựa vào đất mẹ và ngọn lửa đau khổ của nhân dân. Ôi ngọn lửa khổ đau. Khi sống, ta là đội viên du kích; khi chiến đấu, ta là đội viên du kích; khi chết ta vẫn là đội viên du kích, cho đến khi toàn thể nhân dân đều trở về quê hương".

Theo Nguồn gốc tên gọi các nước trên thế giới - NXB VHTT

Tìm kiếm Blog này