Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Những hình ảnh cực hiếm về cuộc Khởi nghĩa Yên Thế (II)

 Sau khi dùng Ba Phức để ám hại Đề Thám không thành, tên công sứ Bắc Ninh đã trực tiếp chỉ huy quân tấn công đồn Hữu Nhuế. Nghĩa quân Yên Thế rất gan dạ, bình tĩnh đợi địch tiến sâu vào trận địa rồi bất thần nổ súng tấn công. Quân Pháp bị chết và bị thương rất nhiều.
Ngày 17 tháng 9 năm 1894 quân của Đề Thám đã phối hợp với công nhân công trường đường sắt Lạng Sơn bắt cóc Chesnay chủ bút tờ báo “Tương lai xứ Bắc Kỳ” (Avenir du Tonkin) kiêm thầu khoán công trường đường sắt và Logiou nhân viên, trên đoạn đường Suối Ghềnh - Bắc Lệ. Qua trung gian của Giám Mục Velasco người Tây Ban Nha, Đề Thám thương lượng với Toàn quyền tạm thời Chavassieur các điều kiện đình chiến và trả tự do cho Logiou và Chesnay, dẫn đến cuộc hòa hoãn lần thứ nhất diễn ra vào tháng 10-1895. Kết quả là quân Pháp rút khỏi khu vực Yên Thế, giao các tổng Nhã Nam, Mục Sơn, Yên Lễ, Hữu Thượng cho nghĩa quân kiểm soát. Đề Thám được toàn quyền thu thuế và sử dụng tiền thuế thu được ở 4 tổng đó trong thời hạn 3 năm liền. Đề Thám, gia đình và đoàn quân của ông định cư tại Phồn Xương.
Đề Thám không được yên lâu, vì cuối năm 1895 tướng Galliéni gởi tối hậu thư đòi ông ra đầu hàng vô điều kiện, rồi đem quân tấn công Phồ Xương. Một lần nữa, Đề Thám biến mất trong núi rừng Yên Thế. Từ tháng 9-1897, Toàn quyền Đông Dương và Thống sứ Bắc Kỳ đã chỉ thị cho các cấp chính quyền dân sự cũng như quân sự là phải tìm mọi biện pháp để tiêu diệt cho bằng được cuộc khởi nghĩa của Đề Thám. Chúng đặt giải thưởng cho kẻ nào bắt sống hoặc giết được Đề Thám. Chúng đã mở nhiều đợt càn quét, truy lùng Đề Thám, song đều không có kết quả, thậm chí không tìm ra vết tích của Đề Thám. Trái lại, bất kỳ lúc nào chúng cũng bị nghĩa quân Đề Thám đột kích, tấn công, tiêu diệt dần sinh lực của chúng.
Trước sự truy lùng và vây quét ráo riết của quân Pháp, lực lượng của Đề Thám ngày càng suy yếu. Để bảo toàn lực lượng, Đề Thám giảng hòa với Pháp lấn thứ hai. Thực dân Pháp lúc này cũng muốn chấm dứt xung đột để tiến hành khai thác thuộc địa. Vì vậy, tháng 12-1897, hiệp ước hòa hoãn giữa Pháp và nghĩa quân Đề Thám đã được kí kết với những điều kiện ràng buộc chặt chẽ hơn, nghĩa quân phải nộp cho Pháp tất cả vũ khí và phải bãi binh. Đề Thám công khai trở về vùng Nhã Nam và bí mật củng cố, xây dựng căn cứ Nhã Nam. Bản thân Đề Thám đóng ở Chợ Gồ. Đề Thám bề ngoài tỏ ra là phục tùng, nhưng bên trong vẫn ngầm củng cố lực lượng. Năm đó Đề Thám 39 tuổi.

3300

3300. "Yên Thế - Đề Thám cùng con cháu ở Phồn Xương".Đời sống yên bình, sung túc của một gia đình điền chủ ở cách Hà nội cách Hà nội tới 60km thể hiện rõ qua trang phục và trang sức của các cô cậu trong ảnh. Các nguồn dữ liệu đều nhận định chung về thời gian người Pháp chụp những bức ảnh này là khoảng thời gian hòa hoãn lần thứ hai. Nhưng đây là quãng thời gian khá dài, gần 11 năm (từ năm 1897 đến 1908). Sẽ dễ dàng xác định thời gian chụp nếu biết cô bé đứng bên Đề Thám là ai. Liệu đó có phải là cô con gái Hoàng Thị Thế?


562_001
  

3353. Đề Thám. Trang phục của Đề Thám giống bức ảnh trên, có thể hai bức này được chụp cùng một thời điểm. Tuy nhiên cách đánh mã số của Pierre Dieulefils rất khó hiểu (từ 3300 đến 3353). Về thời gian chụp, rõ ràng đây là những năm đầu thời kì hòa hoãn, nhờ chất lượng rõ nét của bức ảnh ta thấy Đề Thám, tuy để râu, nhưng trông trẻ hơn nhiều so với bức số 3302 (bên dưới).

3002

3302. "Yên Thế - Loạn quân nhóm Đề Thám."Bức ảnh này trung úy Romain Desfossés chụp người đồng hương của mình bên cạnh Đề Thám và các chiến hữu của ông. Mối quan hệ giữa Đề Thám và người Pháp lúc này có vẻ hữu hảo. Cậu bé trai, con Cả Huỳnh (đứng trước viên sĩ quan Pháp) còn được kê ghế đứng để không bị khuất giữa đám cha chú. Tất nhiên, khi quan hệ thù tạc trở thành thù địch, chân dung từng người được nghiên cứu, ghi nhận rất kĩ lưỡng nhằm mục đích tiêu diệt. Ở một khía cạnh khác, ta hiểu thêm ngoài những bức ảnh do chính mình chụp, Pierre Dieulefils đã sử dụng các nguồn ảnh khác nhau để phát hành thành bưu ảnh.
3303j

3303. "Yên Thế - Loạn quân nhóm Đề Thám." Việc chụp bức ảnh này được chuẩn bị kĩ lưỡng: mọi người xếp thành ba hàng cao thấp trước tấm phông hắt sáng được căng bằng những cành tre. Ta gặp lại một loạt các gương mặt anh tài đã xuất hiện ở bức 3302: Hữu, Tứ con trai Lý Thu, Sồi, Tính... Nhờ bức ảnh này ta biết mặt hai thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Yên Thế: Cả Rinh và Cả Huỳnh - hai người con nuôi của Đề Thám. Sự nổi tiếng của họ đã khiến các hãng bưu ảnh phải crop chân dung họ từ bức ảnh chụp chung để phát hành bưu ảnh riêng, như bố nuôi của mình.

47102

Bức "Đề Thám - hùm xám Yên Thế" được crop từ bức 3302. Có thể thấy rõ đây là cuối thời kì hòa hoãn, Đề Thám đã phát tướng và già đi nhiều.

258_001

Chân dung Cả Rinh và Cả Huỳnh được crop từ bức 3303.


Trong 11 năm hưu chiến, Đề Thám gần như đã trở thành một điền chủ trong vùng. Dưới sự điều hành của Đề Thám và nghĩa quân, đồn điền Phồn Xương có xu thế rõ rệt là muốn tách ra khỏi sự kiểm soát của chính phủ Thuộc địa Pháp. Một bản điều tra của Pháp ghi: "Bản thân Đề Thám muốn được sống yên ổn trong cái góc Chợ Gồ của ông song rất nhiều nghĩa quân của ông ưa cầm súng hơn là cầm cày. Những người này giám sát chặt chẽ Đề Thám nhằm nuôi dưỡng trong ông sự hằn thù với Pháp". Một số lãnh tụ của các phong trào yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã có liên hệ với nghĩa quân Yên Thế những mang lại rất ít kết quả. Trong khi các phong trào giải phóng dân tộc ở dưới xuôi và ở Trung kỳ bùng nổ, nghĩa quân Yên Thế vẫn án binh bất động và bình tâm khai phá ruộng đất ở đồn điền Phồn Xương. Đề Thám cũng không rời bước đi đâu, ngoài những buổi thăm viếng, tiệc tùng ở Nhã Nam.

672_0031

Một khu đồn Pháp ở Nhã Nam  
480_001

Lính chính quy của quân đội Pháp ở Nhã Nam năm 1906

117_001

Cùng với Nhã Nam, địa danh Chợ Gồ cũng đi vào sử sách của phong trào Yên Thế

3341

3341. Yên Thế - Loạn quân hàng phục tề tựu ở Nhã Nam trước khi bị bắt, hàng đầu có con gái Đề Thám, Cả Rinh, Cai Sơn. Bức ảnh đại gia đình Đề Thám này chụp vào cuối thời gian đình chiến. Cả Trọng, khi đó 22 tuổi, cùng với hai người con nuôi của Đề Thám là Cả Rinh, Cả Huỳnh, cùng với gia đình 50 người đàn ông khác sinh sống trong nông trại chiến lũy của Đề Thám. Căn cứ vào độ tuổi trong ảnh của người con gái Đề Thám thì thời gian chụp khoảng năm 1906-1907, khi đó bà Hoàng thị Thế khỏang 6 -7 tuổi. Hơn nữa lời chú thích "trước khi bị bắt" cũng xác nhận thêm về thời điểm chụp bức ảnh này.


Giữa năm 1908, xảy ra vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội có sự tham gia của Đề Thám. Nhân cơ hội này, thực dân Pháp chủ trương tập trung lực lượng tiêu diệt nghĩa quân. Tháng 1-1909, dưới quyền chỉ huy của đại tá Bataille, khoảng 15.000 quân cả Pháp và ngụy đã ào ạt tấn công vào Yên Thế. Nghĩa quân vừa chống đỡ, vừa chuyển dần xuống Phúc Yên, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, rồi rút sang Tam Đảo, Thái Nguyên. Trên đường rút lui, nghĩa quân vẫn tổ chức đánh trả quyết liệt, gây Pháp những thiệt hại nặng nề. Điển hình là trận chặn giặc ở đồn Hom, Yên Thế (30-1-1909); trận núi Hàm Lợn ở Tam Đảo, Phúc Yên (15-3-1909). Trước các cuộc vây quét tiêu diệt gắt gao của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân ngày càng giảm sút. Đến cuối năm 1909, hầu hết các tướng lĩnh đã hi sinh, hoặc sa vào tay giặc, như Cả Trọng, Cả Huỳnh, Cả Tuyển (con Nguyễn Thiện Thuật), Ba Biều, bà Ba Cẩn... Có một số người ra hàng như: Cả Rinh, Cai Sơn... Đến đây, phong trào Yên Thế coi như đã thất bại về cơ bản. Ngày 10-2-1913, Đề Thám bị giết hại tại một khu rừng cách chợ Gồ 2 km. Sự kiện này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào nông dân Yên Thế.

(còn tiếp)

Tìm kiếm Blog này