Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Bí mật về cái chết và ngôi mộ của Hùm thiêng Yên Thế (III)

(VH)- LTS: Đầu tháng 4 vừa qua tại Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Hội KHLSVN tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề không gian, thời gian và nơi yên nghỉ cuối cùng của anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.
Cuộc tọa đàm đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, khoa học lịch sử, chính quyền địa phương (huyện Yên Thế) và hậu duệ của cụ Đề Thám. Tại đây, nhiều tư liệu mới về cuộc khởi nghĩa Yên Thế, thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám... được công bố, tạo sự đồng thuận cao.

Tuy nhiên, một vấn đề mà ai cũng quan tâm và cần được lý giải thấu đáo là những bí ẩn đằng sau sự ra đi của người anh hùng dân tộc, bởi cho đến nay sau hơn một thế kỷ trôi qua câu chuyện này vẫn hiện tồn nhiều nhận định khác nhau, chưa tạo được sự thống nhất cao. Thêm nữa, nơi yên nghỉ cuối cùng của “Hùm xám Yên Thế” ở đâu vẫn chỉ mới dừng lại giả thiết. Để góp phần vén lên bức màn bí ẩn này, bắt đầu từ số báo này Văn Hóa đăng tải những bài viết của TS Khổng Đức Thiêm (Viện Lịch sử Đảng), người đã có 30 năm nghiên cứu về vấn đề được đề cập ở trên. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến hồi âm của bạn đọc, đặc biệt là những nhà nghiên cứu, khoa học trong lĩnh vực này.

Bài 1: Thời gian, không gian, địa điểm yên nghỉ của Đề Thám mở rộng một cách khác thường

Tính đến ngày 1.12.1909, ngày bà Ba Cẩn bị bắt, Hoàng Hoa Thám chỉ còn hai thủ hạ đi theo (theo lời cung của 4 nghĩa quân Yên Thế ra hàng Bonifacy ngày 6.12.1909). Ông đã bí mật về nương náu tại mỏm cao 28 mà nhân dân địa phương quen gọi là Ngàn Ván hoặc đồi Yên Lễ (nay thuộc xã Dương Lâm, Tân Yên, Bắc Giang), tạm ngừng tất cả các hoạt động về quân sự...

1. Cũng khoảng thời gian này, nhà cầm quyền Pháp đã bắt đầu tính toán đến khả năng tiêu diệt Hoàng Hoa Thám bằng các thủ đoạn khác ngoài vũ lực. Trong một báo cáo gửi Toàn quyền Đông Dương đề ngày 15.9.1909. Thống sứ Bắc Kỳ là Simoni nói rõ: “Tướng giặc đầu hàng là Lương Tam Kỳ ở Chợ Chu đã xuống Hà Nội và trình diện tôi, cùng đi theo có ngài Công sứ Thái Nguyên và con trai (thực ra là con nuôi) của Kỳ là Lương Văn Phúc... Đặc biệt, y đã đột ngột xin được đem hết sức mình trợ lực chúng ta trong việc đánh dẹp Đề Thám đang ẩn nấp ở vùng Chợ Chu”. (Theo Đinh Xuân Lâm – Nguyễn Phan Quang: Xung quanh cái chết của Đề Thám, Nghiên cứu Lịch sử, 2.1983).

Không rõ sự tác động của Lương Tam Kỳ đối với thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã diễn ra như thế nào, nhưng theo Paul Charle trong cuốn Giặc Hoàng Thám xuất bản tại Paris năm 1933, cho biết vào tháng 7.1911, Đề Thám xin hàng. Toàn quyền Đông Dương A.Sarraut, sau khi nhận được thư xin quy thuận của Đề Thám, ngày 15.7.1911 đã từ chối chấp nhận vì “Đây là vấn đề uy tín và ông ta biết lợi dụng những bài học của quá khứ. Nếu được ra hàng thì Đề Thám sẽ thông qua cái vẻ trung thành bên ngoài để thu hút thêm đồ đảng và mọi người sẽ lại nói, quan lớn Đề Thám là bất khả xâm phạm, không ai có thể đánh thắng, chứng cớ là Chính phủ đã phải điều đình với quan lớn”.

2. Paul Charle còn cho biết ngày 12.3.1912 và tháng 6.1912, Hoàng Hoa Thám lại hai lần viết thư xin đầu hàng (theo Boutchet, trong Ở Bắc Kỳ - cuộc đời phiêu lưu của Hoàng Hoa Thám, tháng 1-1912, khi ông ta làm Đại lý Nhã Nam cũng nhận được một thư xin đầu hàng của Đề Thám). Paul Charle còn cho biết thêm rằng, các cuộc giám sát đã vạch ra: Đề Thám đã liên lạc được với Vương Sam - người đang tích cực tuyển mộ tay chân cũ của Lương Tam Kỳ và các phu mỏ gần Lang Hít tỉnh Thái Nguyên để trợ giúp binh lực cho Hoàng Hoa Thám, do đó Toàn quyền Đông Dương càng quyết tâm dùng đủ mọi biện pháp để thanh toán các trở lực đó.

Trong một báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, A.Sarraut chỉ rõ: tháng 9.1912, Lương Tam Kỳ đã lôi kéo được Vương Sam phản lại Đề Thám, đầu thú Chính phủ, cung cấp nhiều chi tiết cụ thể về Yên Thế, vì vậy ông ta đã cùng Thống sứ Bắc Kỳ nhất trí cơ hội sử dụng Lương Tam Kỳ vào việc bắt Đề Thám. Tháng 12.1912, Lương Tam Kỳ sai Lương Văn Phúc lúc đó đang giữ chức Tri huyện ở Thái Nguyên phối hợp với Thống sứ Bắc Kỳ nhằm bắt sống Đề Thám giao nộp cho nhà chức trách Pháp. Theo thỏa thuận, Lương Tam Kỳ sẽ phái các thủ hạ vào ở cạnh hoặc gần sát với Đề Thám để bắt liên lạc rồi lợi dụng một cơ hội thuận lợi để bắt sống, mang nộp tại đồn binh Pháp gần nhất tùy theo nơi bắt cóc, có thể là Nhã Nam hay Kép (theo Đinh Xuân Lâm - Nguyễn Phan Quang) và ngày 10.2.1913 là hạn cuối cùng “ấn định các chỉ điểm phải về Hà Nội” (theo Bonnafont, Tương lai xứ Bắc Kỳ, số ra ngày 12.2.1913).

3. Lương Tam Kỳ đã phái 3 thủ hạ, mang theo một vài khẩu súng cũ và những lời hứa hẹn để tiếp cận với Hoàng Hoa Thám và chắp nối được với Lý Bắc - còn gọi là Lý Ón, một người có uy tín đối với nghĩa quân Yên Thế, ngụ ở làng Dĩnh Thép được bao quanh bằng những cánh rừng đại ngàn. Sau bữa cơm rượu ở nhà Lý Bắc diễn ra vào đêm mồng 4 Tết năm Quý Sửu, Đề Thám và hai cận vệ trở về nơi trú ngụ ở Hố Lẩy trong khu rừng Tổ Cú. Sáng mồng 5 Tết (10.2.1913), họ bị 3 tên thủ hạ của Lương Tam Kỳ sát hại, đem đầu ra đồn binh Nhã Nam lĩnh thưởng. Giới cầm quyền Pháp chớp lấy cơ hội, liền cho bêu "đầu Hoàng Hoa Thám" ở trước Phủ đường Yên Thế để rộng đường dư luận.

4. Sự kiện Hố Lẩy và cuộc bêu đầu ở Nhã Nam đã tạo ra những phản ứng khác nhau. Ông Lý Đào, một cận vệ cũ của Hoàng Hoa Thám sau khi đi xem về nói với con cháu rằng, ông thường cắt tóc cho thủ lĩnh nên biết đầu của thủ lĩnh có một đường gồ chạy từ trán lên đỉnh đầu, trên khuôn mặt có bộ râu ba chòm, nhưng cái đầu cắm ở Phủ đường không có đường gồ, cằm không có râu. Ông Giáp Văn Phúc, còn gọi là Cai Cờ, cũng xác nhận với con cháu hôm 29 tháng Chạp năm Duy Tân lục niên (4.12.1913), Hoàng Hoa Thám còn về làng Lục Giới bảo hộ một món tiền của mấy gia đình (ông Thiện 50 đồng, bà Tám và bà Lộc mỗi người 10 đồng) hẹn khi nào khôi phục xong sẽ trả, do đó thời gian xảy ra sự việc trên, thủ lĩnh không có mặt ở Yên Thế.

Dân làng Lèo thì cho rằng, cái đầu kia là của sư ông trụ trì ở chùa làng mình, vì sư ông có dung mạo khá giống với Hoàng Hoa Thám, không thấy xuất hiện từ hôm đó, có lẽ bị giết để thế chỗ.
Nhiều quan lại cũng cho rằng Hoàng Hoa Thám không thể bị giết tại Hố Lẩy mà có thể đã qua đời trước đó, do bị thương hoặc ốm đau, bệnh tật. Đa số người dân cho rằng Hoàng Hoa Thám vẫn còn sống trong vùng Yên Thế, mãi sau này mới chết vì già yếu. Việc nhà cầm quyền Pháp chỉ cho bêu đầu tại Nhã Nam có 2 ngày rồi vội vã cho tẩm dầu, đốt thành tro đem đổ xuống ao hay việc họ không cho công bố ảnh thủ cấp những người chống lại bị chém giết càng khiến cho mối ngờ vực ngày càng trở nên sâu rộng. Thời gian, không gian, địa điểm yên nghỉ cuối cùng của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám vì thế mà mở rộng một cách khác thường. Về mặt thời gian nó vượt lên trước vài năm hoặc lùi về sau thời điểm Sự kiện Hố Lẩy hàng chục năm. Về mặt không gian, ngoài vùng Yên Thế cũ, nó lan sang Hiệp Hòa, Hữu Lũng hoặc các tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình, Thanh Hóa; thậm chí sang cả Trung Quốc, do đó nơi yên nghỉ cuối cùng cũng di chuyển theo, những nơi được hậu duệ sau này cất công tìm kiếm nhiều nhất là làng Chũng, nơi Hoàng Hoa Thám gắn bó nhiều năm trong cuộc đời của mình, nơi được cho là nơi chôn cất ông vào mùa hè những năm 30 của thế kỷ XX.

Do độ mở về thời gian, không gian như đã kể trên, trước khi đi vào một hướng tiếp cận mới, tôi xin phác qua những hướng tiếp cận đã được tiến hành có sự kết hợp giữa những ước đoán dân gian với khả năng tiếp cận tâm linh đã diễn ra hàng chục năm trở lại đây, chưa mang lại kết quả như sự mong muốn, để có thể loại trừ hoặc tìm ra hướng đi khác.

(VH)- Lúc còn sống, Hoàng Hoa Thám từng nói rằng, cái chết của ông chỉ có trời đất, quỷ thần và quạ biết mà thôi. Phải chăng, chính vì lời nguyền bất hủ ấy mà cho đến nay chưa một ai có may mắn trong suốt hành trình tìm kiếm nơi yên nghỉ cuối cùng của người thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Thế, đi được tới đích. 

Bài 2: Là Hố Lẩy hay không phải là Hố Lẩy ?
1. Năm 1913, Bang tá Lạng Sơn Vi Văn Định 35 tuổi, được nhà cầm quyền Pháp thông báo về việc đã sát hại được Hoàng Hoa Thám, đầu đem bêu ở Yên Thế nhờ đó đã xua tan được mối nghi ngờ trong đám quan lại người Việt và dân chúng. Sau này, ở Tuyên Quang thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Vi Văn Định có kể cho Tôn Quang Phiệt, tác giả cuối Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám (Sở Văn hóa- Thông tin Hà Bắc xuất bản năm 1984) rằng, ngay thời đó ông và nhiều quan lại người Việt khác đều cho rằng đấy là một cái đầu của ai đó, còn Hoàng Hoa Thám thì đã qua đời từ trước rồi. Giới cầm quyền Pháp lúc đầu cũng tin chiếc đầu đem nộp là đầu của Hoàng Hoa Thám nên đã cử người của Sở Căn cước tên là Latalette và Brault lên Nhã Nam chụp hình để lập hồ sơ và công bố trên báo chí như vụ Hà Thành đầu độc diễn ra năm 1908. Khi phát hiện bị đánh lừa, việc trưng bày thủ cấp từ 3 ngày đã rút xuống còn 2 ngày, các gương ảnh bị thu hồi, cấm phổ biến. Vì đã trót làm rùm beng sự việc nên Thống sứ Bắc Kỳ đành ngậm bồ hòn làm ngọt, vẫn đưa các nhân chứng về Hà Nội lập khẩu cung, phát tiền thưởng và thăng cho Lương Văn Phúc từ Hậu bổ lên thẳng Tri phủ phủ Quảng Oai.

Đồng hành với ức đoán kể trên, có người cho rằng sau trận Ngàn Ván xảy ra đêm 21.11.1911, tuy Hoàng Hoa Thám và 2 cận vệ thoát ra ngoài nhờ trận mưa đột ngột nhưng cả ba thầy trò đều bị thương, bị bỏng rất nặng rồi qua đời khoảng đầu mùa đông năm 1911.

Theo dõi các tài liệu do Bouchet, Paul Charle hoặc được ghi lại trong Lịch sử quân sự Đông Dương ta thấy vẫn còn đây đó các hoạt động của Hoàng Hoa Thám tại Bằng Cục (1.1912), Ngọc Cục, Ngọc Châu, Thúy Cầu, Dĩnh Thép, Lèo (tháng 2 và 3.1912) mà nổi bật là việc trừng trị Phó đội Liên ở Dĩnh Thép (19.11.1912) và Đồng Cửu ở Lục Giới (24.12.1912).

Như vậy, điều mà Vi Văn Định ức đoán chỉ trở thành hoặc gần với sự thực khi ta chứng minh được các hoạt động diễn ra sau trận Ngàn Ván là do người khác chứ không phải là Hoàng Hoa Thám thực hiện. Và tất nhiên còn phải tìm được ngày tháng, địa điểm Hoàng Hoa Thám qua đời, yên nghỉ, một việc làm khó như mò kim đáy biển.

2. Khác với hướng tiếp cận trên, nhiều người dân ở Yên Thế cho rằng, khi Sự kiện Hố Lẩy xảy ra, Hoàng Hoa Thám vẫn bình yên vô sự, sau đó người ta thấy ông đóng giả làm người cầy thuê cuốc mướn hoặc người lỡ độ đường đến nhà Thống Luận ở ngay làng Chũng (nay thuộc xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) để nương nhờ.

Thời điểm Hoàng Hoa Thám tới nhà Thống Luận chưa được xác định. Có người kể rằng lúc bà Ba Cẩn chưa bị Pháp bắt, bà đã có ý định đưa ông trốn lên vùng Thác Thần thuộc địa bàn Yên Thế Thượng nhưng ông bảo: “Tôi còn có bạn ở Chũng, cho tôi về đấy”. Người bạn mà ông nhắc tới chính là Thống Luận, người sau này gả con gái cho Hoàng Bùi Phồn, con út của Hoàng Hoa Thám và bà Ba Cẩn.

Những lời kể khác thì nói, sau Sự kiện Hố Lẩy một vài năm gì đó Hoàng Hoa Thám mới đến nhà Thống Luận. Trước khi dừng lại ở Chũng, Hoàng Hoa Thám còn nương nhờ nhà ông Ngũ Dương ở Hoàng Mai hoặc Già Hạnh ở Vân Cốc, tất cả đều nằm trên đất Việt Yên, tỉnh Bắc Giang và nhà ông Đông Giản ở Lữu Vân (nay thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang).

Thống Luận đã nuôi Hoàng Hoa Thám ở căn hầm dưới nền nhà (có người nói là ở cái thuyền thúng úp ở bức tường sau nhà hoặc trong tủ, điều này chỉ xảy ra trong trường hợp Hoàng Hoa Thám nương nhờ tạm thời vài ngày). Cứ thế, Hoàng Hoa Thám sống thêm hàng chục năm, cho đến khi trên dưới 70 tuổi, đi lại khó khăn, hơi thở yếu ớt, răng rụng và tóc bạc như cước mới qua đời, tức là vào khoảng mùa hè những năm 30 của thế kỷ XX. Tiếp liền sự kiện trên, Thống Luận tìm mọi cách xin với nhà cầm quyền cho tổ chức khánh thành đình làng Chũng, nghe nói được khởi công ngay khi Hoàng Hoa Thám đến nương nhờ; nhân tiện xin mở chợ Chũng, lập đàn Bồng Sơn cúng suốt 7 ngày 7 đêm. Trong thời gian mở hội, Thống Luận bí mật làm ma, tổ chức chôn cất cho Hoàng Hoa Thám. Thân thể của người thủ lĩnh được đưa vào da ngựa chôn xuống gian giữa đình làng (các dị bản khác thì nói là ở nền đền, dưới gốc đa chùa hoặc đưa đi chôn bằng - tức là không có nấm mộ ở khu đồi ba cây thông gần chợ Gió bên huyện Hiệp Hòa; năm 1941, Thống Luận chết cũng chôn bằng ở đó).

3. Gần đây, có nhà nghiên cứu còn công bố và xác nhận thông tin Hoàng Hoa Thám mất vào ngày 9.5.1913, được gia đình cụ Lý Loan ở Mai Trung - Hiệp Hòa chôn cất. Lại có người nói khi Hoàng Hoa Thám qua đời được nghĩa quân đưa đi chôn ở Dốc Cun (Hòa Bình), Tam Điệp (Thanh Hóa) nhưng không chỉ ra thời điểm cụ thể, chỉ biết là sau Sự kiện Hố Lẩy.

Căn cứ vào các lời kể, hậu duệ của Hoàng Hoa Thám đã kết hợp với sự chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm cất công đi tìm trong khu vực làng Chũng nhiều lần nhưng chưa đem lại một kết quả khả quan. Có nhà báo đã lặn lội tới Tam Điệp, Dốc Cun nhưng không tìm được một dữ liệu nào có phần khả dĩ. Còn ở Mai Trung - Hiệp Hòa, mặc dù thông tin trên được sự trợ giúp về mặt tâm linh khẳng định đó chính là nơi yên nghỉ cuối cùng của Hoàng Hoa Thám, lại có văn bản chôn theo xác nhận, nhân dân đã xây đền thờ nhưng nhiều nhà sử học vẫn ngờ ngợ về tính chân xác của vấn đề (xin xem thêm Báo Văn Hóa từ số 1581 đến số 1585 tháng 9.2008). Nghe nói, gần đây đã có người xác nhận ngôi mộ được coi là nơi yên nghỉ cuối cùng của Hoàng Hoa Thám ở Mai Trung - Hiệp Hòa là nơi chôn cất một người trong dòng tộc họ Cao của mình bên Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang bị chết vào khoảng những năm 40 của thế kỷ XX.

Do thời gian và không gian có độ mở lớn, độ vênh của các ức đoán cao và đã được thực tiễn cọ xát qua các cuộc thăm dò tìm kiếm, vì thế chúng ta có thể thấy hướng tiếp cận dễ bị rối và nhầm lẫn. Với những gì đã thu nhận được, tưởng cũng nên ngồi lại để sàng lọc để tìm ra những lời chỉ dẫn cốt lõi và khả dĩ nhất cho hành trình tìm kiếm tiếp theo, nếu chún
g ta vẫn còn niềm tin vào một ức đoán nào đó.

TS Khổng Đức Thi

(VH)- Trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số ra tháng 2-1983, giáo sư Đinh Xuân Lâm và Nguyễn Phan Quang cho công bố bài viết Xung quanh cái chết của Đề Thám khẳng định, chúng ta đã có thể đi tới những kết luận chính xác về cái chết của Đề Thám: ngày, tháng Đề Thám bị sát hại, lý lịch bọn tay sai sát hại Đề Thám, vai trò của Pháp và Lương Tam Kỳ trong việc giết hại Đề Thám, kế hoạch hành động của chúng...

Kỳ cuối: Trong cái giả có cái thật, trong cái thật có cái giả!
1. Các tác giả cho biết, trước đây vì chưa có tư liệu gốc đủ tin cậy; mà chủ yếu lại dựa trên sách báo của Pháp đương thời thường đưa tin sai lạc với dụng ý xấu, hoặc dựa trên các câu chuyện kể, lời đồn đại trong nhân dân nên các tác giả chưa thể đi tới một sự khẳng định dứt khoát. Gần đây, các tác giả có may mắn sưu tầm được tại kho lưu trữ quốc gia của Pháp (bộ phận Hải ngoại) ba bản khẩu cung của ba tên tay sai Pháp trực tiếp sát hại Đề Thám, mang ký hiệu IND.A5.NF.592 ghi lại cuộc khẩu cung diễn ra hồi 2 giờ rưỡi chiều ngày 15.2.1913 do Chưởng lý bên cạnh Tòa án Thượng thẩm Đông Dương lúc ấy là G.Michel chủ tọa. Vì bị cáo là người Trung Quốc, nên phiên dịch buổi hỏi cung là một người Trung Quốc.

Khẩu cung của Trần Đắc Kỷ (Tsan Tac Ky) kể lại rằng:

“Buổi sáng ngày 10.2 (1913), lợi dụng cơ hội hai tên đầy tớ vẫn có súng trong tay mà lại nằm ngủ thiếp đi hai bên căn lều của Đề Thám, ba chúng tôi lẻn vào trong lều và thấy ông ta đang còn ngủ say. Khi tôi bước lại gần thì ông ta tỉnh giấc và lấy bàn tay phải dụi hai mắt; và vì tôi tiến sát lại nên ông ta thụi cho tôi một quả, rồi vẫn nằm ngửa trên giường, ông ta dùng chân đá mạnh vào phía phải tôi và giơ tay với lấy một trong ba khẩu súng đặt trên tấm phản bên cạnh.

Vào đúng lúc ấy, tôi đấm cho ông ta hai quả, một vào bên hông trái, một vào hông bên phải làm cho ông ta bất tỉnh; rồi cầm lấy một trong hai chiếc cuốc cũng đặt bên cạnh Đề Thám, tôi dùng cuốc đánh mạnh cú đầu tiên vào hông trái. Ông ta không kêu lên được nhưng cố ngồi dậy và vớ lấy một khẩu súng. Đúng lúc ấy tôi lại đánh cú thứ hai gần mắt trái và giết chết ông ta.

Trong thời gian đó, hai người cùng đi với tôi có nhiệm vụ cản hai tên đày tớ của Đề Thám khi tôi tìm cách trói ông ta, đã bước vào trong lều và đứng cảnh giới trong khi tôi tiến lại gần ông ta. Bị đánh thức bởi tiếng động của cuộc xung đột, hai tên đày tớ của Đề Thám đã tìm cách đột nhập vào trong lều và giơ súng ngắm bắn hai người đi với tôi. Chính vào lúc đó thì hai người này, mỗi người được vũ trang một khẩu súng lục, đã bắn vào chúng và hạ sát chúng”.

Tôi cho rằng tình huống trên là chính xác, chỉ có điều những gì xảy ra tiếp theo (trừ việc cắt thủ cấp) đã không được Trần Đắc Kỷ kể lại và nhân vật thứ tư, được ghi nhận trong sách của Bouchet và Paul Charle bị cố tình bỏ quên: đó là Lý Bắc, tức Lý Ón, lý trưởng làng Dĩnh Thép.

2.  Như chúng ta đã biết, Bonnafont trên tờ Tương lai xứ Bắc Kỳ số ra ngày 12.2.1913 cho biết: “Cái ngày mà Đề Thám bị giết là thời gian cuối cùng định cho các chỉ điểm phải về Hà Nội”. Chính vì cái hạn định trong bản giao kèo được ký giữa hai bên nên ba tên tay chân của Lương Tam Kỳ đã bất ngờ ra tay.

Nhận được tin này, Lý Bắc và toàn bộ gia nhân đã có mặt ở Hố Lẩy, buộc các tay chân của Lương Tam Kỳ phải giao lại  thi thể và đầu của Hoàng Hoa Thám, đổi lại, chúng sẽ có ba người khác chết thế. (một trong ba người có một người cao lớn có nhiều nét giống Đề Thám, có người bảo là sư ông chùa Lèo, xã Hữu Xương hoặc sư ông chùa Chay thuộc Canh Nậu), nhưng chúng chỉ được mang ra Nhã Nam ba thủ cấp còn thi thể phải để lại (có lẽ để tạo ra các đặc điểm trên thân thể để đề phòng sự nhận dạng của viên Đại lý Nhã Nam vốn khá quen thuộc những đặc điểm riêng của Đề Thám).

Ông Hoàng Văn Thuận, con trai bà Thân Thị Quynh (em gái Cả Dinh, vợ thứ tư của Hoàng Hoa Thám) cho rằng đúng là Hoàng Hoa Thám mất vào ngày 10.2.1913 nhưng do đau ốm tại nhà Lý Bắc. Lý Bắc đã thay thế ba người khác, trong đó có sư ông chùa Lèo để bọn tay chân Lương Tam Kỳ giết, cắt thủ cấp đem ra Nhã Nam lĩnh thưởng.

Bà Hoàng Thị Thế, con gái của bà Ba Cẩn và Hoàng Hoa Thám kể lại, được Tôn Quang Phiệt ghi trong cuốn Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám, rằng: “Cái đầu bêu ở Nhã Nam không phải đầu Đề Thám mà là đầu của sư ông chùa Lèo. Lương Tam Kỳ có cho ba thủ hạ đi theo Đề Thám thật. Lương lại đã liên lạc với Lý Bắc, một thủ hạ cũ của Đề Thám nhưng xưa nay vẫn là người hai mặt: có đi lại với Đề Thám và giúp đỡ ông, nhưng cũng có chỉ điểm cho thực dân. Hôm đó, Lý Bắc đã cho thuốc mê vào canh, Đề Thám ăn phải và bất tỉnh nhân sự. Nhân lúc đó (3 thủ hạ của) Lương Tam Kỳ và Lý Bắc giết sư ông chùa Lèo để lấy đầu đem nộp cho Pháp, đồng thời cũng là làm cho nhân dân Yên Thế biết đó không phải là đầu Đề Thám để tránh trả thù về sau vì nhân dân Yên Thế rất yêu quý Đề Thám. Còn Đề Thám thì mấy hôm sau mới chết, đã được chôn cất kín đáo”.

3. Trở lại những vấn đề mà chúng tôi đã nêu ra ở đầu bài báo này, rõ ràng nhiều người có cảm giác việc sát hại Hoàng Hoa Thám hình như được đạo diễn theo một kịch bản, có sự xếp đặt khá công phu và khá sớm với chủ đích là: dù Hoàng Hoa Thám có tái xuất hay không, ông ta vẫn phải chết vì, không chỉ như Lịch sử quân sự Đông Dương cho rằng “cái chết của Đề Thám đưa lại sự an ninh trong một vùng mà đến nay dân chúng vẫn lo sợ không được yên ổn cày cấy ruộng đất” mà nó còn đem lại cho người Pháp sự thôi thúc và niềm hăng say tiến tới hoàn thành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Đông Dương. Do đó, nhà cầm quyền Pháp cần phải có cái chết của Đề Thám bằng mọi giá, mọi hình thức, kể cả một sự sắp đặt hợp lý theo hướng một việc đã rồi, đường đi vòng vo quanh quất như Lịch sử quân sự Đông Dương đã chốt lại “uy tín của Đề Thám đã bị lu mờ, nhưng mặc dù Chính phủ đã treo giải thưởng cho ai lấy được đầu Đề Thám từ đầu năm 1909, cũng chỉ đến tháng 2-1913 cái đầu Đề Thám mới được bêu ở Nhã Nam”.

Cái đầu bêu ở Nhã Nam dù nhà cầm quyền Pháp đã biết không phải là của Hoàng Hoa Thám nhưng vẫn rêu rao như Tương lai xứ Bắc Kỳ ghi lại, ở đó ông Bouchet và chánh vệ Richy và nhiều quan lại Nam triều công nhận rõ ràng
hoặc quan Tuần vũ và nhiều nhà chức trách khác (của tỉnh Bắc Giang) đã công nhận đầu của Đề Thám.

4. Nhưng, sự thật vẫn là sự thật. Việc nhà cầm quyền Pháp rút ngắn thời gian bêu đầu, vội vã cho thiêu hủy, thu hồi các gương chụp ảnh thủ cấp và cấm công bố ảnh trên báo chí đã xác nhận sự ngụy tạo kể trên. Và, chính viên Đại lý Nhã Nam là Bouchet, cũng đã hốt hoảng khi phát hiện ra điều này. Trong tác phẩm Le De Tham, xuất bản tại Paris năm 2007, ông Claude Gendre tác giả cuốn sách, là cháu nội một lính Pháp đã từng bị thương trong trận Đồng Đảng ở Yên Thế ngày 12.2.1909, vạch rõ, Bouchet ghi lại sự hốt hoảng đó trong cuốn Ở Bắc Kỳ - Cuộc đời phiêu lưu của Hoàng Hoa Thám rằng, trong khi ông ta còn đang tìm dấu vết vết mổ trên lưng của cái xác được cho là của Hoàng Hoa Thám thì bỗng phát hiện ra đây là một cái xác của người khác, trẻ hơn nhiều so với cái xác của một người ở độ tuổi 55 như Hoàng Hoa Thám. Vậy cái giả, sự sắp đặt đã hiện hình, chỉ còn chưa rõ do ai sắp đặt việc này. Theo tôi, có lẽ Lý Bắc là tổng đạo diễn cho màn kịch khá hoàn tất kể trên.

Cuối cùng, để xác tín cho hướng tiếp cận này là việc thừa nhận của thân nhân Hoàng Hoa Thám về ngày mất của ông. Theo bà Hoàng Thị Điệp, con gái của Hoàng Bùi Phồn và con cháu của bà, sau những cuộc kiếm tìm chưa kết quả gần đây, mọi người mới chợt nghĩ ra: khi còn sống, ông Thống Luận vẫn căn dặn và đều cho tổ chức giỗ Hoàng Hoa Thám vào ngày mồng 5 tháng giêng. Vậy thì, nếu có việc làm ma cho Hoàng Hoa Thám vào mùa hè những năm 30 của thế kỷ XX mà Thống Luận tiến hành, thì sao ông lại không cho cúng giỗ vào ngày tháng đó?

5. Rõ ràng là hướng tiếp cận về thời gian, không gian xoay quanh cái chết của Hoàng Hoa Thám đã có sự thống nhất nhất định giữa các nguồn tư liệu chính thống của nhà cầm quyền Pháp và dân gian. Cái mới ở đây là từ một thời điểm rất cũ đó, đã có sự lý giải mới tuy còn khác nhau trong hướng tiếp cận nhưng đã vạch ra được trong cái giả có cái thật và trong cái thật có cái giả - một cách làm thường tình mà người dân đem ra ứng xử một cách mềm dẻo trước một kẻ thù hùng mạnh.

Vấn đề còn lại là chúng ta cùng nhau bắt tay vào việc đi tìm kiếm nơi an nghỉ cuối cùng của người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Biết đâu đấy, như thông tin mà một tờ báo đưa ra cách đây vài tháng, một nhà nghiên cứu ngoại cảm cho rằng người thủ lĩnh đã nằm lại ở đâu đó trong rặng Cai Kinh, xưa thuộc Bắc Giang nay là miền Hữu Lũng - Lạng Sơn. Hy vọng đó sẽ là một hướng tìm kiếm chứa nhiều may mắn.

Hà Nội, đầu tháng 4.2009

TS. Khổng Đức Thiêm

Tìm kiếm Blog này