Lebanon (Libăng) - Nước của núi trăng
1. Nguồn gốc tên gọi:
Lebanon có tên gọi đầy đủ là "nước Cộng hòa Lebanon", nằm ở phía tây Châu Á, mạn đông Địa Trung Hải. Tên nước lấy từ tên vùng núi Lebanon.
Tên cổ của hệ thống núi Lebanon trong tiếng La tinh gọi là "núi Lebanus", trong tiếng Hy Lạp là "Lebanos", trong tiếng Ả Rập là "Lebunan". Các tiếng khác nhau này đều có chung từ "Leban" mang nghĩa "trắng", do đó núi Lebanon còn được gọi là núi Trắng. Hệ thống núi này có địa mạo là đá vôi hiện lên màu trắng, có nhiều đoạn núi song song với bờ biển quanh năm được tuyết bao phủ. "Núi đồi màu trắng" chỉ màu trắng của tuyết và của đá vôi, từ đó đặt thành tên nước mang ý nghĩa là nước của dãy núi trắng.
Lebanon ngày xưa, là một bộ phận của Phoenicia. Khoảng 2.000 năm trước CN, lần lượt bị Ai Cập, Assyria, Babylon và La Mã thống trị. Giữa thế kỷ VII đến đầu thế kỷ XVI, trở thành bộ phận của đế quốc Ả Rập. Về sau, bị Thổ Nhĩ Kỳ chinh phục, là bộ phận của đế quốc Ottoman. Sau thế chiến thứ II, trở thành thuộc địa ủy nhiệm của Anh. Tháng 6 năm 1941, bị quân Anh chiếm lĩnh. Ngày 22 tháng 11 năm 1943 độc lập, thành lập nước "Cộng hòa Lebanon".
2. Quốc kỳ:
Phía trên và dưới của lá cờ là hình chữ nhật nằm ngang song song màu đỏ, mỗi hình chiếm 1/4 nền cờ, giữa là hình chữ nhật màu trắng, chiếm một nửa nền cờ. Giữa phần màu trắng có một cây thông tuyết Lebanon màu lục từng được nhắc đến trong "Kinh thánh", thân cây màu cà phê, cành cây màu lục sẫm. Màu đỏ trên lá cờ tượng trưng cho tinh thần hy sinh xả thân, màu trắng tượng trưng cho hòa bình, cây thông tuyết tượng trưng cho sức mạnh quật cường, biểu thị sự thuần khiết, trường tồn. Sau thế chiến thứ I, Lebanon là đất ủy nhiệm cai trị của nước Pháp, lấy ba màu đỏ, trắng và lam của nước Pháp làm màu quốc kỳ và thêm vào giữa là cờ hình vẽ cây thông tuyết. Năm 1943, sau khi độc lập, bản Hiến pháp sửa đổi quy định đổi màu lam trên quốc kỳ cũ thành màu đỏ; mở rộng phần màu trắng, làm cho phần màu trắng rộng gấp đôi hình chữ nhật màu đỏ, đồng thời có cây thông tuyết ở chính giữa, chiếm 1/3 chiều dài hình chữ nhật màu trắng, chiều cao của cây thông tuyết phải chạm tới cạnh của hình chữ nhật màu đỏ.
3. Quốc huy:
Hình tấm khiên, chia chéo thành 3 phần: đỏ, trắng, đỏ. Chính giữa dải màu trắng có một cây thông tuyết. Hàm nghĩa và màu sắc giống như quốc kỳ. Phần dưới quốc huy còn có một dải trang trí, trên đó viết dòng chữ "Nước cộng hòa Lebanon" bằng tiếng Ả Rập và tiếng Pháp. Quốc huy được chế định năm 1943 khi đất nước này giành độc lập.
4. Quốc ca:
Nhạc: Wadih Sabla - Lời: Lazid Nqley
"a/ Vì tổ quốc, vì danh dự chúng ta vững bước tiến lên, dũng khí và phong thái của chúng ta được cả thế giới hâm mộ, núi cao và thung sâu của chúng ta đã nuôi nấng cá đấng anh tài, chúng ta hiến thân cho Tổ quốc, xây dựng sự nghiệp. Chúng ta mạnh bước tiến lên vì Tổ quốc, vì quốc kỳ, vì danh dự.
b/ Già trẻ, gái trai trong cả nước đón lời kêu gọi của Tổ quốc, mỗi khi Tổ quốc hữu sự, họ mạnh mẽ như mãnh sư. Chúng ta đều có một trái tim Lebanon, mong Thượng đế phù hộ cho mãi có lửa sáng. Chúng ta mạnh bước tiến lên vì Tổ quốc, vì quốc kỳ, vì danh dự.
c/ Đất đai và hải dương của Tổ quốc là hòn ngọc phương Đông. Cả thế giới đều nghe thấy danh hiệu quang vinh của Người. Từ khi có lịch sử, danh hiệu của Người là vinh quang của Người, cây tuyết tùng thẳng vút tượng trưng cho sự bất hủ. Chúng ta mạnh bước tiến lên vì Tổ quốc, vì quốc kỳ, vì danh dự".
Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Ả Rập (United arab emirates) - Biển dầu quý giá
1. Nguồn gốc tên gọi:
Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất nằm ở đông nam bán đảo Ả Rập, gồm 7 tiểu vương quốc Ả Rập hợp thành.
Abu Dhabi là tiểu vương quốc lớn nhất. Trong tiếng Ả Rập mang ý nghĩa là "cha của linh dương" hay "nơi linh dương sinh sống".
Dubai là tên có nguồn gốc từ danh xưng bộ tộc, từ tên bộ tộc Debai, mang nghĩa "ấu trùng của sâu vàng".
Ash Shariqah là vương quốc cổ nhất nằm ở bờ Oman, được mọi người xưng tặng là "mẹ của các vương quốc".
Khaymah trong tiếng Ả Rập có nghĩa là "giá đỡ của túp lều".
Fujayrah trong tiếng Ả Rập mang nghĩa "dòng nước chảy trên mảnh đất phẳng".
Ajman là tên bộ tộc Ajman.
Umm al Qaywayn trong tiếng Ả Rập có ý nghĩa là "mẹ của mọi lực lượng".
2000 năm trước CN, trong các tư liệu chữ viết Mesopodamia gọi là Magan. Thế kỷ X trước CN, vương triều Shaba và Simuyal của Yemen cổ đại chinh phục vùng đất này gọi chung là bờ biển Oman. Từ thế kỷ XVI, người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Pháp lần lượt xâm nhập vào, năm 1820 trở thành nước bảo hộ của Anh. Ngày 2 tháng 12 năm 1971 độc lập, thống nhất thành nước Ả Rập lấy tộc người Ả Rập làm chủ thể gồm 6 tiểu vương quốc: Abu Dhabi, Dubai, Shariqah, Fujayrah, Ajman và Qaywayn. Năm 1972, Khaymah gia nhập, tổng cộng có 7 tiểu vương quốc hợp thành.
2. Quốc kỳ:
Có bốn màu: đỏ, lục, trắng, đen. Bốn màu này là màu của Pan Arabi, đại diện cho mấy vương triều đời sau của Mohammed. Bên phía cán cờ là hình chữ nhật đặt đứng màu đỏ, bên phải là ba hình chữ nhật nằm ngang song song màu lục, trắng, đen. Màu trắng tượng trưng cho các thành tựu và sự quang minh của tổ quốc, màu lục tượng trưng cho mặt đất và đồng cỏ, màu đen tượng trưng cho sự chiến đấu, màu đỏ tượng trưng cho Tổ quốc. Ngày 2 tháng 12 năm 1972, sáu tiểu vương quốc là Abu Dhabi, Dubai, Sharjah, Ajman, Fujayrah, Al, Umm al Qaiwain liên tiếp thành lập liên hợp các tiểu vương quốc Ả Rập. Ngày 11 tháng 2 năm 1972, vương quốc Khaimah, Ras al cũng tuyên bố gia nhập liên bang. Quốc kỳ trên được chế định khi Liên Hiệp các tiểu vương quốc Ả Rập tuyên bố độc lập.
3. Quốc huy:
Chủ thể là một con chim cắt màu vàng đầu ngoảnh về phía trái, cánh màu trắng và vàng xen nhau, lông đuôi màu trắng. Trên hình tròn trước ngực chim cắt có vẽ một chiếc thuyền buồm Ả Rập truyền thống mà nhân dân các quốc gia vùng Vịnh thường dùng lúc căng gió đạp sóng tiến lên, tượng trưng cho lịch sử hàng hải của đất nước. Hai móng chân chim cắt đứng bám trên miếng đế màu đỏ, chính diện của đế có dòng chữ Ả Rập "Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả Rập".
4. Quốc ca:
Nhạc: Sad Abdul-Wahhab - Không lời
Maldives - Đảo cung điện
1. Nguồn gốc tên gọi:
Maldives có tên gọi đầy đủ là "nước Cộng hòa Maldives", nằm ở Ấn Độ Dương, tây nam Sri Lanka. Nguồn gốc tên gọi có 4 cách giải thích:
a/ Bắt nguồn từ hòn đảo chủ yếu Male, mang ý nghĩa "quần đảo viền hoa" hay "đảo cung điện".
b/ Bắt nguồn từ ý nghĩa "nước của ngàn đảo" trong tiếng Malabal, do 19 hòn đảo lớn nhỏ và gần 2.000 đảo san hô hợp thành.
c/ Maldives có nghĩa là "con ngoan của mặt trời", do vị trí gần xích đạo, ánh sáng dồi dào, cả năm dường như chỉ có mỗi mùa hè, cây trồng phong phú, hoa cỏ xanh tươi, nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 26 - 31 độ C. Từ 2.000 năm trước, người Maldives đã đến đây định cư.
d/ Theo tư liệu chính thức, người Maldives hiện nay do các di dân từ Ấn Độ, Sri Lanka và Trung Đông đến đây sinh sống và hòa nhập với cư dân bản địa từ rất lâu. Người Maldives vốn tín ngưỡng Phật giáo, sau đó đạo Hồi được truyền vào, năm 1116, thành lập quốc gia Sultan Hồi giáo. Từ thế kỷ XVI trở đi, chịu sự thống trị của Bồ Đào Nha và Hà Lan. Năm 1887, trở thành nước bảo hộ của Anh. Năm 1953, Anh thừa nhận Maldives là nước Cộng hòa nằm trong khối Liên hiệp Anh. Ngày 26 tháng 7 năm 1965, tuyên bố độc lập. Ngày 11 tháng 11 năm 1968, thành lập "nước Cộng hòa Maldives".
2. Quốc kỳ:
Do ba màu đỏ, lục và trắng hợp thành. Nền cờ là hình chữ nhật màu lục, bốn phía có viền đỏ, chiều rộng của viền đỏ bằng 1/4 chiều rộng của toàn lá cờ, chiều rộng của hình chữ nhật màu lục bằng nửa chiều rộng toàn lá cờ. Chính giữa hình chữ nhật màu lục có một vành trăng non lưỡi liềm. Màu đỏ tượng trưng cho máu của các anh hùng dân tộc đã hiến thân cho chủ quyền và độc lập của đất nước, màu lục tượng trưng cho sự sống, tiến bộ và phồn vinh, màu trắng tượng trưng cho hòa bình, an ninh và niềm tin của nhân dân đạo Hồi. Maldives có nghĩa là "Đảo cung điện". Năm 1116, thành lập nước Sultan lấy đạo Hồi làm quốc giáo, quốc kỳ là một lá cờ đỏ. Năm 1990, quyết định thêm hình chữ nhật màu lục lên lá cờ, đồng thời thêm hình vành trăng non lưỡi liềm màu trắng lên nền màu lục. Ngày 11 tháng 11 năm 1968, nước cộng hòa Maldives thành lập, quyết định tiếp tục sử dụng quốc kỳ này.
3. Quốc huy:
Do một vành trăng non lưỡi liềm, một ngôi sao năm cánh, hai lá quốc kỳ và một cây dừa biển hợp thành. Trăng non lưỡi liềm màu trắng biểu thị cho hòa bình, an ninh và niềm tin vào đạo Hồi. Đồng thời, trăng non lưỡi liềm và ngôi sao năm cánh còn biểu thị Maldives là quốc gia lấy đạo Hồi làm quốc giáo. Quốc kỳ tượng trưng cho sự tôn nghiêm của đất nước, cây dừa biển tượng trưng cho vai trò quan trọng của nó trong đời sống của nhân dân Maldives, người dân nước này coi nó là cây của sự sống. Đáy quốc huy là một dải trang trí màu trắng, trên đó viết dòng chữ bằng tiếng Ả Rập "Nước Cộng hòa Maldives".
4. Quốc ca:
Nhạc: W.Ameladaiva - Lời: Muhamad Jamil Didi
"a/ Chúng ta chúc phúc cho sự thống nhất của Tổ quốc với nguyện vọng tốt đẹp nhất. Quốc kỳ đẹp đẽ có một quyền lực vô thượng, chúng tôi xin kính chào. Ngọn cờ đã dẫn dắt chúng tôi đến thành công, hạnh phúc, thắng lợi, ba màu trắng - đỏ - xanh xinh đẹp biết bao. Xin kính chào lời chào cao cả đến những anh hùng đã xả thân vì nước.
b/ Nguyện chúc cho Maldives giữ mãi tiếng thơm, tiến lên dưới sự bảo vệ. Nguyện chúc cho nhân dân thế giới tự do tiến bộ, giải tỏa mọi nỗi khổ đau. Chúng ta cũng chân thành nguyện chúc cho tôn giáo, hướng đến công bằng và chính nghĩa. Nguyện chúc cho Tổ quốc mãi hưởng vinh dự, mãi mãi có quyền lực".
Malaysia (Mã Lai) - Đất nước của núi non
1. Nguồn gốc tên gọi:
Malaysia nằm ở Đông Nam Á, do ba bộ phận Malaya, Sabah và Sarawak hợp thành, có nhiều cách giải thích về nguồn gốc tên gọi này:
a/ Lấy tiếng Mã Lai trong ngôn ngữ Dravidian sử dụng vào thời cổ Ấn Độ làm tên nước. Bán đảo này do núi Mã Lai tạo thành, về sau tên gọi bán đảo Mã Lai được sử dụng cho đến ngày nay. Hiện tên nước Malaysia do địa danh bán đảo Mã Lai và tiếp vị ngữ "ia" (mang tên "nước") có nghĩa là nước ở bán đảo Mã Lai hoặc nước có nhiều núi.
b/ Do lấy từ tên người Mã Lai là cư dân sinh sống ở khu vực Kalimantan và khu vực Mã Lai, mang nghĩa là "nước của những người Mã Lai".
c/ Bắt nguồn trong tiếng Hy Lạp, mang nghĩa "vùng đất màu đen"; cũng có thuyết nói rằng bắt nguồn từ tên nước Majapahit thời trang cổ. Sarawak là tiếng đọc chệch từ "vịnh biển nhỏ" trong ngôn ngữ Malai, mang ý "vịnh biển vắng vẻ và hiểm trở". Sabah trong ngôn ngữ địa phương mang nghĩa "đất chắn gió", do vị trí nằm ở vĩ độ thấp, gió biển từ Thái Bình Dương và biển Đông khó thổi đến, tàu bè đi lại thường đến đây tránh gió, từ đó lấy tên là Sabah.
Malaysia và tên gốc của quần đảo Mã Lai tương đồng, nửa sau thế kỷ XIX bắt đầu là nơi chiếm đóng của thực dân phương Tây, tuy nhiên khái niệm chính trị quốc gia Malaysia chỉ xuất hiện vào khoảng những năm 1960. Malaysia vào đầu CN đã kiến lập nên những vương quốc Lanya, Hecha..., thế kỷ XV vương quốc Malacca hưng thịnh lên, sau bị Bồ Đào Nha, Anh, Hà Lan, Nhật xâm chiếm. Ngày 1 tháng 2 năm 1948, Malaysia thành lập liên bang. Ngày 31 tháng 8 năm 1957, tuyên bố độc lập. Ngày 16 tháng 9 năm 1963, Malaysia, Singapore tách khỏi bán đảo Mã Lai cùng với Sabak và Sarawak hợp thành "Liên bang Malaysia".
2. Quốc kỳ:
Hình chữ nhật. Nền cờ do 14 sải dọc ngang màu đỏ và trắng xen kẽ nhau, góc trên bên trái phía cán cờ là hình chữ nhật màu lam, trên đó có một vành trăng non lưỡi liềm màu vàng và một ngôi sao vàng 14 cánh nhọn. 14 sọc ngang màu đỏ và trắng xen kẽ nhau tượng trưng cho 13 bang và chính phủ của Malaysia; màu lam tượng trưng cho sự đoàn kết của nhân dân, đồng thời biểu thị mối quan hệ giữa Malaysia và liên bang Anh (quốc kỳ nước Anh có nền màu lam); trăng non lưỡi liềm tượng trưng Malaysia tính ngưỡng đạo Hồi; ngôi sao 14 cánh nhọn tượng trưng cho sự đoàn kết giữa chính phủ và 13 bang của Malaysia; màu vàng biểu thị của nguyên thủ quốc gia Malaysia. Năm 1948, thành lập liên hiệp bang Malaysia, năm 1957 tuyên bố độc lập trong khối Liên Hiệp Anh, năm 1963 cùng với Singapore, Sarawak, Shaba hợp thành Malaysia, chế định quốc kỳ này. Năm 1965, Singapore tách ra khỏi Malaysia, quốc kỳ Malaysia vẫn không thay đổi.
3. Quốc huy:
Hình tấm khiên. Hình vẽ và những mảng màu trên tấm khiên tượng trưng cho sự hợp thành của Malaysia và sự phân khu hành chính của nước này. Trong hình chữ nhật màu đỏ phía trên tấm khiên là 5 thanh đoản kiếm xếp thành hàng ngang, chuôi kiếm hướng lên trên, lưỡi kiếm hướng xuống dưới, tượng trưng cho 5 châu lục của nước Malaysia cũ: Rohore, Kedah, Perlis, Kelantan và Trengganu. Hình vẽ thực vật bên trái tấm lá chắn tượng trưng cho đảo dừa, cây phía bên phải tượng trưng cho bang Malacca, hai bang này là vùng dân cư mới khai phá ở eo biển Malacca. Giữa tấm khiên có bốn hình chữ nhật bằng nhau đặt đứng màu đỏ, đen, trắng và vàng. Màu đen trắng là màu của bang Pahang; màu vàng - đỏ là màu của bang Selanggor; màu đen - trắng - vàng là màu của bang Perak; màu đỏ - vàng - đen là màu của bang Semeran, chúng lần lượt tượng trưng cho bốn bang. Phía dưới tấm khiên có vẽ ba hình vẽ, hình vẽ bên trái tượng trưng cho Shaba, hình vẽ bên phải tượng trưng cho Sarawak, ở giữa có vẽ một đóa quốc hoa của Malaysia, hoa dâm bụt, người dân ở đây gọi là "bangalaya", là một loài hoa đỏ thẫm thuộc họ dâm bụt. Phía trên tấm khiên còn có một vành trăng non lưỡi liềm màu vàng và ngôi sao 14 cánh nhọn, hàm nghĩa của nó giống với quốc kỳ. Hai bên tấm khiên là hai con hổ Malaysia đang nâng cầm trên dải trang trí màu vàng phía dưới tấm khiên lần lượt là dòng chữ "Đoàn kết là sức mạnh" bằng tiếng La Tinh và tiếng Malay. Quốc huy này được chế định năm 1967.
4. Quốc ca: Tổ quốc của tôi
Nhạc: Peel JeanBeranswei - Lời: Tập thể
"Tổ quốc tôi, nơi tôi sinh ra lớn lên, mong cho nhân dân của Người đoàn kết kiên cường, mong Thượng đế phù hộ cho Người được an khang, mong cho nguyên thủ thống trị bốn phương một cách hòa bình. Mong Thượng đế phù hộ cho Người được an khang, mong cho nguyên thủ thống trị bốn phương một cách hòa bình".
Mông Cổ (Mongonlia) - Ngọn lửa của chúng tôi
1. Nguồn gốc tên gọi:
Mông cổ có tên đầy đủ là "Nước Cộng hòa Mông Cổ", nằm ở cao nguyên Mông Cổ, miền trung Châu Á. Về lai lịch tên gọi của nước này, có 3 cách giải thích:
a/ Từ "Mông Cổ" là do từ "mong" (nguồn gốc từ "Mahy", có ý nghĩa "của chúng tôi") và từ "gol" (từ "ran", có nghĩa là "lửa") hợp thành, mang ý nghĩa như "ngọn lửa của chúng tôi". Vì Mông Cổ là một dân tộc du mục, mỗi khi đi đến đâu, mọi người lại cùng ngồi lại, và nhóm lửa là công việc đầu tiên để bắt đầu cuộc sống và sinh hoạt.
b/ Các học giả Nhật Bản cho rằng: âm đọc của chữ "Mông Cổ" với chữ "bạc" và "vĩnh hằng" trong tiếng Mông Cổ gần giống nhau, nên cũng có thể giải thích là "bạc" hoặc "vĩnh hằng".
c/ Thượng nguồn sông Onon trên cao nguyên Mông Cổ có núi Mong, gần đó có sông Mong, tiếng Mông Cổ viết là MoHron, bộ lạc sinh sống ở vùng này gọi là Mông Cổ.
Có rất nhiều tên gọi đọc gần giống chữ Mông Cổ. Trong một thời gian dài, các bộ lạc tộc Mông Cổ không có tên dân tộc thống nhất, sau cùng Thành Cát Tư Hãn thống nhất thành một bộ tộc và mượn tên của bộ tộc thống trị, thống nhất gọi là người Mông Cổ. Tên nước cũng từ tên gọi dân tộc này mà có.
Mông Cổ vốn là một phần của Trung Quốc, gọi là Ngoại Mông Cổ. Năm 1911, tuyên bố "tự trị", dưới sự bày mưu xúi giục của Sa hoàng Nga, ngày 11 tháng 7 năm 1921, tuyên bố độc lập, thành lập chính phủ quân chủ lập hiến. Ngày 26 tháng 11 năm 1924, phế bỏ chính phủ quân chủ lập hiến, thành lập nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ. Ngày 5 tháng 1 năm 1946, chính phủ Quốc dân đảng Trung Quốc thừa nhận sự độc lập của Ngoại Mông Cổ. Ngày 21 tháng 11 năm 1991, đổi tên thành "nước Cộng hòa Mông Cổ".
2. Quốc kỳ:
Từ trái qua phải do ba hình chữ nhật đặt đứng màu đỏ, lam và đỏ tạo thành. Trong hình chữ nhật đứng màu đỏ phía bên trái có các hình vẽ và phù hiệu lửa, Mặt trời, Mặt trăng, hình tam giác v.v.. đều là màu vàng. Màu đỏ và màu lam là những màu người dân Mông Cổ yêu thích. Màu đỏ tượng trưng cho niềm vui và thắng lợi, màu lam tượng trưng cho lòng trung thành với tổ quốc. Hình vẽ và phù hiệu màu vàng là biểu tượng của tự do và độc lập dân tộc, trong đó các hòn lửa, mặt trời, mặt trăng v.v... biểu thị nhân dân đời đời hưng thịnh sống mãi. Hình tam giác và hình chữ nhật biểu thị trí tuệ, sự thông minh, chính trực và lòng trung thành của nhân dân. Hình thái cực âm dương tượng trưng cho sự hài hòa. Hình chữ nhật đứng tượng trưng cho sự che chở bảo vệ nhân dân. Quốc kỳ này được chế định năm 1940, năm 1990, khi sửa đổi đã bỏ đi hình ngôi sao vàng năm cánh phía trên cùng góc bên trái lá cờ.
3. Quốc huy:
Hình tròn. Nền quốc huy có màu lam, chính giữa quốc huy có hình vẽ một con tuấn mã đang phi, hình vẽ ở giữa con ngựa giống với hình vẽ trên quốc kỳ và cùng ngụ ý. Phía dưới tuấn mã là một bánh xe công lý.
4. Quốc ca:
Nhạc: Piligun Damudin Suren - Lời: Zevegmidin Gaidabu, Tsegirin Smed
"a/ Thoát khỏi gian nan khốn khổ trong quá khứ, giành lấy hạnh phúc và quyền lợi cho nhân dân, thành lập nước Cộng hòa nhân dân, đây là tâm ý chung của toàn thể nhân dân.
Hợp xướng: Đất nước Mông Cổ xinh đẹp, quốc gia đất rộng vật nhiều, Người sẽ ngày càng phồn vinh, đời đời lớn mạnh.
b/ Chúng ta có sự khai mở của Đảng an ninh, quần chúng anh dũng khai phá đất đai, phát huy đầy đủ sức mạnh con người, cần cù lao động tạo nên kỳ tích lịch sử. (Trở lại Hợp xướng)".
Myanmar (Miến Điện) - Vùng rừng núi xa xôi
1. Nguồn gốc tên gọi:
Myanmar có tên đầy đủ là "Liên bang Myanmar", nằm ở phía tây bán đảo Trung Nam, có hai cách giải thích về nguồn gốc tên nước này:
a/ Tên gọi của Trung Quốc vào thời nhà Tống. Năm 1160, sứ giả nước này đến thăm Tống, nhà Tống thấy đường xa, núi non cách trở đã gọi nước này là "Miến" (ý chỉ sự "xa xôi"), và lại do tên gọi của dải rừng ở giữa biên giới 2 nước là "Điện", hợp lại thành "Miến Điện" (ý chỉ vùng rừng núi xa xôi).
b/ Bắt nguồn từ tên dân tộc, về sau trở thành tên nước. dân tộc Myanmar chiếm 2/3 dân số toàn quốc, bản thân người Myanmar cho rằng nguồn gốc tên gọi của họ là kết hợp của "Myan" thêm vào hậu tố "mar" biểu thị sự tôn kính. Ở đây có ý "nhanh nhẹn" và "cường tráng", còn nguồn gốc ngôn ngữ của nước này có thể có liên quan đến tiếng Phạn của đạo Bà Lan Môn, trong Phật giáo từ này ý chỉ những người cư trú đầu tiên ở bản địa.
Ngoài ra, người Myanmar còn gọi nước mình là "Bumar" (ý chỉ người khỏe mạnh). Năm 1044, sau khi hình thành quốc gia thống nhất, đã trải qua ba vương triều phong kiến: Pagan, Toungoo và Konbaung. Từ năm 1824 đến năm 1885, thực dân Anh qua ba lần chiến tranh xâm lược đã dần dần chiếm lĩnh Myanmar, khiến Myanmar trở thành thuộc địa của Anh. Tháng 5 năm 1942, bị Nhật Bản xâm chiếm, năm 1945, lại bị Anh thống trị. Ngày 4 tháng 1 năm 1948, tách khỏi liên bang Anh, tuyên bố độc lập, thành lập liên bang Myanmar; ngày 3 tháng 1 năm 1974, đổi thành "nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Myanmar". Ngày 23 tháng 9 năm 1988, đổi tên nước thành "Liên bang Myanmar".
2. Quốc kỳ:
Hình chữ nhật. Nền cờ màu đỏ, góc trên bên trái lá cờ có một hình chữ nhật nhỏ màu lam sậm, trên đó là hình vẽ màu trắng. Hình vẽ trung tâm là hai bông lúa nước, xung quanh bông lúa là bánh răng có 14 răng, xung quanh bánh răng còn có 14 ngôi sao năm cánh. Bông lúa và bánh răng tượng trưng cho nông nghiệp và công nghiệp, 14 ngôi sao năm cánh tượng trưng cho 14 tỉnh và bang của Liên bang Myanmar. Màu đỏ trên quốc kỳ tượng trưng cho lòng dũng cảm và quyết đoán, màu trắng tượng trưng cho sự thuần khiết và đức tính tốt đẹp, màu lam sậm tượng trưng cho hòa bình và thống nhất. Quốc kỳ này được công bố trong Hội nghị nhân dân Myanmar lần thứ nhất năm 1974.
3. Quốc huy:
Hình vẽ trung tâm là một hoa văn hình tròn gồm có bánh răng 14 răng và bản đồ nước Myanmar, bao quanh bởi vòng tròn bằng bông lúa vàng. Bánh răng tượng trưng cho công nghiệp, 14 răng tượng trưng cho 14 tỉnh và bang, bản đồ biểu thị hình dạng biên giới của Myanmar, bông lúa tượng trưng Myanmar là đất nước có nền nông nghiệp trồng lúa nước là chính. Hai bên hình tròn có hai con thánh sư màu vàng cảnh giác canh gác. Myanmar là một quốc gia tín ngưỡng Phật giáo; trong Phật giáo, thánh sư là biểu tượng của sự tốt lành, còn là hóa thân của thần bảo hộ, tượng trưng cho việc bảo vệ quốc gia, bảo vệ Tổ quốc. Trên đỉnh chính giữa quốc huy có một ngôi sao vàng năm cánh, tượng trưng cho độc lập của đất nước. Phía dưới quốc huy là một dải trang trí màu vàng, trên đó dòng chữ "Liên bang Myanmar" bằng tiếng Myanmar. Quốc huy này được chế định đồng thời với quốc kỳ năm 1974. Khi đó có dòng chữ trên dải trang trí phía dưới quốc huy là "nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Liên bang Myanmar". Ngày 23 tháng 9 năm 1988, đổi tên thành "Liên bang Myanmar", tên nước trên quốc huy cũng thay đổi theo.
4. Quốc ca:
Nhạc: Thakhin Batun - Lời: Tập thể
"Chúng ta mãi mãi yêu nồng nàn đất nước Myanmar cha mẹ. Chúng ta xả thân chiến đấu vì Liên bang, chúng ta có chủ quyền, chúng ta hiến thân vì Người, gánh vác trọng trách, đoàn kết nhất trí, bảo vệ vùng đất thiêng liêng này".
Nepal - Một tên nước mang truyền thuyết thần kỳ
1. Nguồn gốc tên gọi:
Nepal có tên gọi đầy đủ là "Vương quốc Nepal", nằm ở sườn núi phía nam đoạn giữa dãy Himalaya, tên nước này có nhiều nguồn gốc khác nhau:
a/ Bắt nguồn từ kỷ niệm tên gọi của thánh nhân "Ni". Từ thưở xa xưa, có một vị thánh có tên là "Ni", từng đến quốc gia này tu khổ hạnh ở nơi giao nhau của hai con sông Bagemati và Visnumati. Các quốc vương đều trị nước theo lời giáo huấn của ông. Theo gia phả từng thế hệ ghi chép, quốc gia này nhận được sự ủng hộ của thánh Ni, từ đó được gọi là "Nepal" theo ý nghĩa như trên.
b/ Bắt nguồn từ tiếng Newar (một phương ngôn lớn của Nepal). "Ne" có nghĩa là núi hoặc thung lũng, "pal" nghĩa là nước; "Nepal" chính là quốc gia trong những dãy núi.
c/ Bắt nguồn từ tiếng Phạn, từ chữ "Nibolaiya", tức nơi ở dưới chân núi. Nepal nghĩa là quốc gia dưới chân núi Himalaya.
d/ Bắt nguồn từ tiếng Tạng, Trung Quốc. Trong tiếng Tạng, "Ne" là nhà, "pal" là lông cừu. Nước này sản xuất nhiều sản phẩm thêu bằng lông cừu, do đó được xưng là "nhà của lông cừu", tức Nepal. Người Tây Tạng gọi thánh địa, thánh động - nơi ở của thần linh là "Ne". Tương truyền, Nepal là nhà của Đại Phạn thiên và thiên thần đại tự tại. Từ đó Nepal vừa mang ý nghĩa nước sản xuất lông cừu, vừa mang ý nghĩa quê hương của các vi thần.
Nepal thành lập nước vào khoảng thế kỷ VI trước CN, tên nước được ghi chép sớm nhất trong các sách sử Ấn Độ vào thế kỷ IV trước CN. Đến thế kỷ XII, Nepal lần lượt thành lập các vương triều Kirant, Licchavi, Suriyawalxi và Takuli. Từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII, thành lập vương triều Malla. Giữa thế kỷ XVIII, thế lực Gurkha ở vùng Gurkha mạnh dần lên, đến năm 1768 thì thống nhất được cả Nepal, kiến lập vương triều Shah. Năm 1814, người Anh xâm nhập vào Nepal. Năm 1925, giành được độc lập trên danh nghĩa. Ngày 30 tháng 10 năm 1950, nước Anh buộc phải từ bỏ các đặc quyền ở Nepal, đến năm 1951 Nepal thực hiện thể chế chính trị quân chủ lập hiến. Năm 1959, chính thức lấy Ấn Độ giáo làm quốc giáo, trở thành nước quân chủ Ấn Độ giáo.
2. Quốc kỳ:
Do hai lá cờ tam giác xếp chồng lên nhau. Nền cờ màu đỏ, viền cờ màu lam. Trong lá cờ tam giác phía trên có hình trăng non và sao trời, tượng trưng cho Hoàng thất; trong lá cờ tam giác phía dưới có hình mặt trời màu trắng, bắt nguồn từ phù hiệu của gia tộc Rana. Hình Mặt trời, Mặt trăng và Sao đại diện cho nguyện vọng tốt đẹp của nhân dân Nepal khi cầu nguyện, mong đất nước trường tồn như nhật nguyệt. Đỉnh nhọn của hai lá cờ tam giác biểu thị hai đỉnh núi của dãy núi Himalaya.
3. Quốc huy:
Đồ án trung tâm là một dòng sông ngập tràn phong cảnh điền viên, bối cảnh phía xa là núi cao trập trùng, tượng trưng cho núi Himalaya. Trên hình vẽ có hoa đỗ quyên màu đỏ, một con trâu trắng và một con chim trĩ xanh. Hoa đỗ quyên đỏ là quốc hoa của Nepal; trâu trắng là quốc thú của nước này, được coi là biểu tượng của thần linh, là thần ngưu, nhân dân nơi đây rất tôn kính nó; chim trĩ xanh là quốc điểu, rất quý. Tất cả những con vật trên đều là những động thực vật đặc trưng của Nepal. Hai bên đồ án trung tâm là hai người lính, họ lần lượt đại diện cho tộc người Gurkhas và tộc người Nivar bảo vệ đất nước. Hai bên núi cao có hình mặt trời và mặt trăng dạng mặt người. Phía trên chính giữa đỉnh núi có hai dấu chân của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, theo truyền thuyết Thích Ca Mâu Ni ra đời ở vườn Lâm Tỳ Ni (lanpini), nước Nepal. Hai bên dấu chân là hai con dao giắt thắt lưng và hai lá quốc kỳ Nepal bắt chéo nhau. Trên đỉnh quốc huy có vương miện màu vàng, tượng trựng Nepal là một nước quân chủ, quốc vương là tối cao. Đáy quốc huy có một dải trang trí màu đỏ, trên đó viết dòng chữ "Tổ quốc hơn cả Thiên đường" bằng tiếng Phạn. Quốc huy này được chế định năm 1962.
4. Quốc ca:
Nhạc: Bakhhatebir Budehapirti - Lời: Chekrapani Cherise
"Chúc cho người thống trị dũng cảm, anh minh của Nepal mãi mãi vinh quang. Birendra Bir Bikram Shah Devo vị vua tôn quý nhất, chúc cho ngôi báu của Người tồn tại dài lâu, chúc thần dân sinh sôi nảy nở, đời đời phát triển, người Nepal hãy cùng vang tiếng hát ca".
Nhật Bản (Japan) - Đất nước mặt trời mọc
1. Nguồn gốc tên gọi:
Nhật Bản là đảo quốc nằm ở phía đông bắc Châu Á, góc tây bắc Thái Bình Dương. Thời cổ gọi là "Bát Đại Châu Quốc", "Vĩ Nguyên Trung Quốc", "Phong Vĩ Nguyên Thụy Tuệ Quốc" v.v... Đến thời Thần Vũ Thiên Hoàng (năm 42 trước CN) đã gọi nơi dựng nước là Yamato, tức là "Hòa" hay "Đại Hòa", trong tiếng Nhật, "Yama"có nghĩa là "núi", "to" có nghĩa là "vùng đất", hợp lại có nghĩa là "vùng đất của núi non", là tên nước đặt theo địa hình. Như vậy, tên "Đại Hòa" đã trở thành tên của Nhật Bản.
Khoảng thế kỷ I, nguyên thủy thị tộc của các đảo Nhật Bản bắt đầu sụp đổ, thủ lĩnh mỗi thị tộc nhao nhao chia đất lập nước, trong đó lớn mạnh nhất là nước Oa Nô (người Oa). Đến cuối thế kỷ III đầu thế kỷ IV, ở vùng Đại Hòa, lại xuất hiện nước Tà Ô thống trị cả bắc Cửu Châu, thế lực đến tận Quan Đông, cũng xưng chính quyền "Đại Hòa". Vì vậy, thời đó gọi tên của Nhật Bản là "nước Oa" hoặc "Đại Hòa".
Theo "Tùy thư" chép: Đại Nghiệp năm III (năm 607), Nhật Bản cử sứ giả Tiểu Dã Muội Tử đi Tùy (triều đình nhà Tùy), quốc thư viết "Nhật xuất xứ thiên tử trí thư nhật một xứ thiên tử" (Thiên tử nơi mặt trời mọc gửi Thiên tử nơi mặt trời lặn), là lần đầu tiên nước Oa dùng chữ "Nhật" thay cho tên nước. Đại Hóa năm đầu (năm 645), Nhật Bản đời thứ 36 Hiếu Đức Thiên Hoàng (Côtôcư) kế vị, sau Đại Hóa (Taica) cách tân, Nhật Bản đã học theo nhà Đường, lập ra tập đoàn phong kiến trung ương trị quốc, để phân biệt với chính quyền Đại Hòa trước kia, đã chính thức gọi tên nước là Nhật Bản. Trên các văn kiện triều đình của Nhật Bản đều đổi thành Nhật Bản, năm 720, Nhật Bản dùng văn Hán viết "Nhật Bản thư kỷ", đã đổi tất cả tên gọi Nhật Bản xưa như "Đại Hòa" và "Oa" v.v.. thành "Nhật Bản". Sử sách từ sau đời Đường ở Trung Quốc bắt đầu đổi tên nước Oa Nô thành Nhật Bản. "Cựu Đường thư - Đông Di liệt truyện - Nhật Bản" chép: "Nhật Bản quốc, Oa quốc chi biệt xưng dã. Kỳ quốc tại Nhật biên, cố dĩ Nhật Bản vi danh. Hoặc viết Oa quốc tự ố kỳ danh bất nhã, cải vi Nhật Bản" (Nước Nhật Bản là tên gọi khác của nước Oa. Nước này ở gần mặt trời, nên lấy tên là Nhật Bản. Có lẽ nước Oa tự ghét tên nước mình không cao nhã, nên đổi thành Nhật Bản). "Tân Đường thư - Đông Di liệt truyện - Nhật Bản" cũng chép: "Hàm Hanh nguyên niên (671 niên), khiển sứ Hạ Bình Cao Li; hậu sảo tập Hạ âm, ố Oa danh, canh hiệu Nhật Bản, sứ giả tự ngôn, quốc cận nhật sở xuất, dĩ vi danh" (Ham Hanh năm đầu tiên (năm 671) cử sứ giả Hạ Bình Cao Li, học được một ít âm Hạ, đổi tên Nhật Bản, sứ giả tự nói nước gần nơi mặt trời mọc, lấy làm tên).
Trong khoảng nửa thế kỷ trước khi thế chiến II kết thúc, Nhật Bản là một nước đế quốc chủ nghĩa quân sự phong kiến. Năm 1868, sau Minh Trị duy tân, chủ nghĩa dân tộc bành trướng của Nhật Bản dần dần ngóc đầu. Hiến pháp Minh Trị công bố năm 1889, gọi tên nước là "Đại Nhật Bản đế quốc". Trong chiến tranh thế giới II, "Đại Nhật Bản đế quốc" chiến bạn đầu hàng. Hiến pháp công bố tháng 11 năm 1946, gọi Nhật Bản là "Nước Nhật Bản", tên này liên tục sử dụng cho đến ngày nay.
2. Quốc kỳ:
Màu trắng, ở giữa là một vầng Mặt trời đỏ, còn gọi là cờ Mặt trời. Màu trắng tượng trưng cho thuần khiết và chính trực, màu đỏ tượng trưng cho sự chân thành và nhiệt tình. Từ "Nước Nhật Bản" có nghĩa là nước Mặt trời mọc. Theo sử liệu ghi lại thì vào thế kỷ VIII sau CN, Hoàng cung tổ chức nghi thức đón năm mới, khi đó đã có lá cờ Mặt trời, sau đó lá cờ Mặt trời được gọi là cờ Thiên hoàng. Tết nguyên đán dương lịch năm thứ 5 đời Minh Trị, người dân thành Tokyo yêu cầu treo cờ chúc mừng và việc này đã được quan Thái chính cho phép, từ đó về sau lá cờ Mặt trời chính thức được quy định là quốc kỳ Nhật Bản.
3. Quốc huy:
Là một huy trưng của nhà Vua. Đồ án là một bông hoa cúc vàng 16 cánh bằng nhau. Hình vẽ này cũng là hình vẽ trên huy trưng của Hoàng thất. Thiên hoàng là tượng trưng của Nhật Bản, huy trưng của Thiên hoàng là biểu tượng của Hoàng thất. Năm 1867, xác định Hoàng huy là quốc huy của nước Nhật Bản.
4. Quốc ca: Triều đại quân vương
Nhạc: Rin Hiromori (Lâm Quảng Thủ) - Lời: Lời ca trong "Cổ kim tập"
"Triều đại của quân vương, đời đời truyền mãi mãi không thôi, một ngàn đời, tám ngàn đời, cho đến khi hòn đá nhỏ trở thành đỉnh núi lớn, khắp đỉnh núi là rêu xanh phủ kín".
Oman (A Sultanade of oman) - Vùng đất yên tĩnh
1. Nguồn gốc tên gọi:
Tên gọi đầy đủ là "nước Sultan Oman", nằm ở đông nam bán đảo Ả Rập, nơi vịnh Persian nối với Ấn Độ Dương, tên nước có nghĩa là vùng đất yên tĩnh, nguồn gốc có 4 cách giải thích khác nhau:
a/ Lấy tên người đặt tên nước. 2000 năm trước CN, vua Oman bấy giờ đã lấy tên mình đặt thành tên nước. Sử gia Hồi giáo Zujaji cho rằng, Oman là con trai của nhà tiên tri Ibalaxin, tức Oman bin Ibalaxin. Một sử gia khác cho rằng, Oman chỉ người cháu của nhà tiên tri Ibalaxin, tức Oman binh Shaba Agesang bin Ibalaxin. Sử gia nổi tiếng Nul din Abbudula bin Hamid và triết học gia Iran Ibn Halton đều cho rằng, Oman là giống người đến định cư ở đây, tức lấy tên Oman bin Gaihatan, con trai của Gaihatan, một trong tổ tiên của người Ả Rập để đặt tên cho vùng đất này.
b/ Lấy ngữ nghĩa để đặt tên nước. Nhà địa lí Hồi giáo nổi tiếng Agud Hamuvi giải thích, trong tiếng Ả Rập, Oman từ từ "Aioman" mang nghĩa "định cư".
c/ Lấy tên đất để đặt. Oman bắt nguồn từ danh xưng một dòng sông chảy trong lãnh thổ Yemen. Thời cổ đại, Yemen có bộ lạc gọi là Wuzid, cư trú ở thung lũng màu mỡ Oman. Về sau do sự biến đổi của thời tiết thiên nhiên, họ chuyển đến sinh sống ở trong lãnh thổ Oman ngày nay. Để ghi nhớ nơi mình ra đời và sinh sống, họ đặt tên cho vùng đất mới là Oman.
d/ Lấy tên bộ tộc để đặt. Nhánh Oman có sớm nhất là người Omalige của bộ tộc Gaihadanoman. Cũng có cách giải thích khác, Oman bắt nguồn từ Magan, có ý nghĩa là thuyền, phản ánh bộ tộc bản địa giỏi đi biển.
Theo sử sách Ả Rập và ngoại quốc và những di tích được khai quật thời cận đại, 3000 năm trước CN được gọi là Majian, về sau gọi là Maken mang nghĩa "nước của khoáng sản"; năm 550 - 241 trước CN, thời kì người Ba Tư thống trị Oman, gọi vùng đất xung quanh thành Omansuhal là Mazuna; thế kỷ I CN, sử gia La Mã là Bilini gọi vùng này là Omana; thời tiên tri Hồi giáo Mohammed, gọi Oman là Hubeijia. Giữa thế kỷ XVIII thành lập vương triều. Cuối thế kỷ đó, thành lập vương quốc Sultan Mascat. Đầu thế kỷ XIX, người Anh xâm nhập vào Oman. Năm 1913, các bộ lạc ở vùng núi nổi dậy khởi nghĩa thành lập quốc gia Hồi giáo. Năm 1967, toàn bộ lãnh thổ được thống nhất, thành lập nước Hồi giáo Oman và Mascat. Ngày 9 tháng 8 năm 1970, định tên là "Sultan Oman".
2. Quốc kỳ:
Do ba màu đỏ, trắng và lục hợp thành. Phần màu đỏ tạo thành hình chữ T nằm ngang trên mặt lá cờ. Bên phải phía trên là màu trắng, phía dưới màu lục, ở giữa bị ngăn cách bởi dải rộng màu đỏ. Phía trên bên gần cán cờ có hình quốc huy của Oman. Màu đỏ là màu truyền thống mà nhân dân Oman yêu thích, tượng trưng cho sự tốt lành; màu trắng tượng trưng cho hòa bình và thuần khiết; màu lục tượng trưng cho đất đai Tổ quốc . Năm 1967, thành lập nước Sultan Muscat và Oman. Ngày 9 tháng 8 năm 1970, đổi tên thành nước Sultan Oman, đồng thời chế định lá quốc kỳ này.
3. Quốc huy:
Đồ án quốc huy gồm có một dao găm Ả Rập, hai dao cong và một đai đeo. Hai dao cong có bao dao, trên bao dao có hoa văn trang trí. Con dao găm giống như đoản kiếm hình cung, bao dao nạm hoa văn vàng bạc, chạm khắc các hình vẽ rất tinh xảo. Dao găm là vật mang đeo mà đàn ông Oman ưa thích, tượng trưng cho vẻ đẹp và sức mạnh. Toàn bộ quốc huy thể hiện quyết tâm không ngại dùng vũ lực để bảo vệ chủ quyền và độc lập quốc gia của nhân dân Oman.
4. Quốc ca:
Nhạc và lời: Vô danh
"Thánh Ala phù hộ cho Sultan và nhân dân, và ban cho vinh quang, ban cho hòa bình. Chúc cho Sultan mạnh khỏe sống lâu, trị vì đất nước, giữ cho mãi mãi an bình. Chúng ta trung thành với Người, nguyện xả thân vì Người. Ôi, Oman, từ thời đại tiên tri chúng ta đã là người Ả Rập, đã là nhân dân thành kính nhất. Nay Kebus đã lên ngôi thuận theo ý Trời, chúng ta hãy cùng ca tụng Người, và xin Người ủng hộ lời cầu khẩn của chúng ta, chúng ta hãy cùng ca tụng Người, và xin Người ủng hộ lời cầu khẩn của chúng ta".
Qatar
1. Nguồn gốc tên gọi:
Qatar nằm ở mạn tây nam vịnh Persian, trên bán đảo Qatar. Tên Qatar nguồn gốc từ người phương tây xưa gọi dần dần thành tên Qatar.
Các nhà địa lí Hy Lạp gọi là Qatar. Sử gia La Mã Balinus gọi là Qatalar. Học giả Ả Rập gọi là Qatalilar. Năm 1846, Thani bin Mohammed thành lập nước tù trưởng (Ả Rập) Qatar. Năm 1882, người Anh xâm nhập, năm 1916 trở thành nước bảo hộ của Anh. Ngày 1 tháng 9 năm 1971, Qatar tuyên bố độc lập.
2. Quốc kỳ:
Hình chữ nhật. Do màu cà phê và màu trắng hợp thành, phía bên cán cờ là màu trắng, chỗ tiếp giáp giữa hai màu có dạng răng cưa. Quốc kỳ của Qatar vốn là màu đỏ, năm 1860, thêm dải màu trắng có răng cưa. Năm 1949, đổi lại phần màu đỏ trên nền cờ thành màu cà phê để phân biệt với quốc kỳ của Bahrain. Vào thế kỷ VII, Qatar là một bộ phận của đế quốc Ả Rập, sau trở thành đất bảo hộ của Anh. Ngày 1 tháng 9 năm 1971, tuyên bố độc lập và chế định lá quốc kỳ này.
3. Quốc huy:
Do hai hình tròn đồng tâm tạo thành. Trên hình tròn màu vàng có hai thanh kiếm cong Ả Rập, tượng trưng cho sức mạnh bảo vệ độc lập của đất nước. Bên trong hai thanh kiếm cong có sóng nước màu lam và màu trắng xen nhau, trên mặt biển có một chiếc thuyền buồm Ả Rập màu trắng thừa gió lướt sóng tiến lên, tượng trưng cho việc mậu dịch trên biển và sản xuất ngư nghiệp của Qatar. Bờ biển bên kia có vẽ hai cây dừa Ả Rập cao to tượng trưng cho nguồn tài nguyên phong phú của Qatar. Hình tròn đồng tâm khoác bên ngoài có màu sắc giống với màu quốc kỳ, trên là màu trắng, dưới màu cà phê, trên đó viết dòng chữ "nước Qatar" bằng tiếng Ả Rập.
4. Quốc ca: Không lời
Theo Nguồn gốc tên gọi các nước trên thế giới - NXB VHTT