Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Đỗ Hữu Vị - Người Việt đầu tiên lái máy bay.

Phi công Cấch mạng đầu tiên là Cụ Lê Hồng Phong người Hưng Nguyên xứ Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cái đó đúng rồi.
Còn phi công người Việt đầu tiên là người xứ Nam Kỳ (vào làng tây), con điền chủ ở Chợ Lớn Đỗ Hữu Phương (còn gọi là Tổng đốc Phương), ông là Đỗ Hữu Vị. Ngôi trường Phan Đình Phùng ở phố Cửa Bắc Hà Nội hồi tây gọi là trường Đỗ Hữu Vị. Trong Thế chiến 1 ông phục vụ trong không quân Pháp, là phi công cường kích theo cách gọi bây giờ, trước đó ông phục vụ trong 1 phi đội ở mặt trận Maroc-Algerie năm 1912-1913. Thế chiến 1 ông là biên đội phó 1 biên đội phóng pháo trên mặt trận Pháp-Đức, từng ném bom xuống Karlsruhe, Ludwigshafen.

Đỗ Hữu Vị


Đỗ Hữu Vị thứ 2 từ trái sang

Đỗ Hữu Vị từng bị rơi 1 lần (sau khi công kích trên đường về bị gió lốc) năm 1915, sau đó KQ không nhận về nữa do bị thương không đủ sức khỏe lái máy bay, ông trở về bộ binh, trung đoàn lê dương 1, cấp đại úy, chỉ huy đại đội 7 trung đoàn này tham chiến tại mặt trận sông Somme, trong cuộc "chiến tranh chiến hào" nổi tiếng của Thế chiến 1. Hy sinh vì trúng nhiều viên đạn trong một trận xung phong ở vị trí dẫn đầu hồi 16h ngày 9 tháng 7 năm 1916. Trên mộ ông người Pháp viết thế này:
             Capitaine-aviateur Do-Huu
             Mort au Champ d'Honneur
             Pour son pays d'Annam
             Pour sa patrie, la France.  

Trả lời những người bạn trách ông sao hăng thế, ông trả lời: « Il me faut être doublement courageux, car je suis à la fois Français et Annamite."   ("Tôi phải dũng cảm gấp đôi, vì tôi vừa là người An-nam, vừa là người Pháp").
....
Ảnh có chữ ký của thân chủ tặng một ai đó:


Nói cho chính xác hơn thì Đỗ Hữu Vị có thể từng là phi đoàn phó (commandant adjoint d' un groupe de bombardement) vì từ năm 1949 KQ Pháp dùng từ escadron thay cho group. Khi Thế chiến 1 nổ ra năm 1914 ông đang ở Việt Nam và đã xung phong quay về Pháp, ra mặt trận. Do chiến đấu ở Maroc đầu tiên, hiện tại ở thủ đô Casablanca của Maroc có một con phố mang tên ông.

Đỗ Hữu Vị từng tốt nghiệp võ bị Saint-Cyr (nhập trường năm 1904), sau khi học tại các trường trung học lớn của Paris như  lycée Janson-de-Sailly và Louis le Grand. Sau khi ra trường ông là thiếu úy và đi đánh nhau ở Maroc từ 1907. Ông theo sát đoàn khai thác hàng không Bleriot bay qua biển Manche và từ đó thích nghề bay. Ngày 10 tháng 12 năm 1910, ông vào trường phi công quân sự và sau 11 tháng tốt nghiệp trung úy-phi công với bằng số N°649 do CLB Hàng không nước Pháp cấp (l’Aéroclub de France).

Ảnh thẻ chuẩn bị cho trường Louis Le Grand (tương tự như một trường dự bị đại học của nước Pháp):


Đây là sổ trực ban tác chiến có tên Đỗ Hữu Vị của phi đội 101 quý 4 năm 1914:


Phi đội 102, quý 1 năm 1915:


Hình Đỗ Hữu Vị trên 1 con tem Đông Dương thời tây:


Ngày Đỗ Hữu Vị rơi máy bay năm 1915 là một ngày có gió lớn, không nghe lời khuyên của mọi người, ông cứ hăng hái xuất kích, oanh tạc xong quay về thì gió lớn quá và máy bay lật nhào xuống đất. Không còn sức khỏe để lái, thì ông làm quan sát viên trên máy bay của nhóm phóng pháo. Rồi không quân cũng không cho phép ông cất cánh nữa nên ông quay về bộ binh. Năm 1921, anh cả của ông là một sỹ quan Pháp colonel Đỗ Hữu Chấn đưa hài cốt ông về quê chôn ở nghĩa trang gia đình gần Chợ Lớn (Bois du Phu).
Theo: Vnmilitaryhistory

Từ người Việt Nam đầu tiên lái máy bay…

Đường Hoàng Diệu ở Đà Nẵng nguyên có tên gọi dân gian là đường Cây Thông, trước năm 1955 mang tên Đỗ Hữu Vị - một trong 3 người Việt được thực dân Pháp đặt tên đường phố Đà Nẵng lúc bấy giờ (cùng với Gia Long và Đồng Khánh). Đỗ Hữu Vị có công trạng gì mà được người Pháp xếp “cùng chiếu” với hai vị vua?

Mô tả ảnh.
Đỗ Hữu Vị trên con tem Đông Dương và trên ảnh tư liệu (thứ hai, trái qua). (Nguồn: Forum pages 14-18) 
Đỗ Hữu Vị (1883 - 1916) là con trai của Đỗ Hữu Phương (còn gọi là Tổng đốc Phương), một điền chủ giàu có lừng lẫy tiếng tăm ở Nam Kỳ khi người Pháp mới chiếm miền Nam.

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Lasan Taberd (Sài Gòn), Đỗ Hữu Vị được cha gửi qua Pháp du học tại trường Collège St.Barbe ở Paris, nói và viết Pháp văn như người Pháp. Sau 3 năm ra trường, ông xin theo học không quân tại Trường Võ bị Saint-Cyr của Pháp. Sau đó một năm, ông đã có được bằng lái máy bay do Aéroclub de France cấp và tham gia quân đội Pháp.

Lúc bấy giờ thế giới mới phát minh máy bay nên lái máy bay được xem là rất phi thường. Tạp chí Nam Phong số tháng 2-1920 có bài viết nói rằng, Đỗ Hữu Vị là một trong những người đầu tiên bay vòng quanh nước Pháp. Khi máy bay hiệu Gaudron được đem ra thử nghiệm, ông là người đầu tiên lái thử. Khi bay lên độ cao 300m thì máy bay rơi, nhưng ông may mắn thoát chết.

Ông làm phi công tác chiến trong phi đoàn ở Maroc. Để cổ vũ tinh thần người dân thuộc địa phục vụ cho “mẫu quốc”, Pháp gửi ông về Việt Nam lái máy bay biểu diễn ở Sài Gòn và Hà Nội, dân chúng khâm phục, hãnh diện và bàn tán sôi nổi một thời.

Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918) bùng nổ, ông trở lại Pháp tham gia đánh Đức. Trong một lần giao tranh tại sông Somme, ông bị thương nặng rồi chết, được tưởng thưởng nhiều huy chương và truy thăng đại úy. Pháp cho in hình ông trên con tem phát hành khắp Đông Dương, lấy tên ông đặt cho nhiều trường học, nhiều đường phố ở Việt Nam thời đó.

Mô tả ảnh.
Nhiều tài liệu cho rằng Đỗ Hữu Vị “là người Việt Nam đầu tiên lái máy bay chiến đấu, tham gia Thế chiến thứ nhất trong quân đội Pháp” như bài viết “Nhì Phương” trong tứ đại phú (trong loạt bài Những nhân vật “Sài Gòn đệ nhất”) đăng trên báo Thanh Niên số ra ngày 24-8-2010.

Có vài trang web giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Đỗ Hữu Vị, như trang Diễn đàn về Thế chiến thứ nhất (Forum pages 14-18 tại địa chỉ http://pages14-18.mesdiscussions.net, viết bằng tiếng Pháp). Trang này cho biết, với những công lao đóng góp thành công như một nhà tiền phong cho không quân tại Maroc (1912-1913), ông đã được đặt tên cho một con đường tại Casablanca - thành phố được coi là thủ đô kinh tế ở miền tây Maroc, nằm trên bờ Đại Tây Dương. Trang này cũng nhắc lại câu nói của ông lúc sinh thời: “Il me faut être doublement courageux, car je suis à la fois Français et Annamite”. (“Sự can đảm của tôi phải cần gấp đôi người thường, vì tôi vừa là dân Pháp, vừa là dân Việt”.

Thời Đà Nẵng là nhượng địa, trong số 45 tên đường phố thì chỉ có 3 nhân vật là người Việt. Việc người Pháp đặt tên đường Đỗ Hữu Vị cùng với 2 vị vua Việt Nam ngày đó, suy cho cùng, là một trong những cách lăng-xê sự văn minh của “mẫu quốc” qua hình ảnh một người dân thuộc địa đã “Pháp hóa”.
LÊ GIA LỘC/ Baodanang


Đỗ Hữu Vị trên đất Picardie© Mathilde Tuyet Tran, France 2012

Trong một buổi đi dạo tham khảo ở vùng Chemin des Dames, một chiến trận thảm khốc ác liệt của Đệ nhất thế chiến, tình cờ tôi thấy một tấm bảng quảng cáo có một con đường mang tên „Do Huu Vi“. Thế là chúng tôi vội vàng lái xe ngay đến con đường đó, cách khoảng mấy chục cây số.
Hai thế hệ trước tôi chắc còn nhớ nhiều và biết rõ về người mang tên Đỗ Hữu Vị. Dòng họ Đỗ Hữu làm quan dưới thời Pháp thuộc, là những cộng tác viên đắc lực, cao cấp của chính quyền thuộc địa. Đỗ Hữu Vị là con thứ năm trong số 11 người con của của tổng đốc Phương (Đỗ Hữu Phương) sinh 1881 (năm Tý), nên còn có tên là Đỗ Hữu Tý, tử năm 1916 tại khu vực vùng sông Somme, Pháp. (1)
Theo một tư liệu của đại tá Maurice Rives với tựa đề là « Les militaires indochinois en Europe (1914-1918) » thì khi Đức tuyên chiến với Pháp mở đầu trận Đệ nhất thế chiến khốc liệt, quân đội Đông Dương với lính bản xứ gồm có 23.930 người, trong đó có 13.373 lính đánh bộ, ngoài ra thành phần lính dự bị có 29.064 người, trong đó có 23.936 lính bản xứ. Tướng Joffre cho rằng người Đông Dương không đủ thể lực để đánh trận ở châu Âu. Nhưng đến năm 1915 khi lực lượng quân đội Pháp đã bị thiệt hại nặng nề trên các chiến trường châu Âu, chính quyền thực dân Pháp tại Đông Dương mới cung ứng nhân sự cho đại chiến thứ nhất. Từ năm 1915 cho đến 1918, Pháp đã huy động, chiêu mộ tổng cộng 93.411 người, trong đó có 43.430 lính chiến đấu, 9.019 y tá, 5.339 người phục dịch và hành chánh, 48.981 lính thợ chuyên nghiệp như thợ máy, thợ sơn, thợ da, thợ làm thuốc súng, vũ khí, lái xe, bác sĩ, kỹ sư, tải thương… và không chuyên nghiệp. Tính theo gốc tích, thì có 24% người miền Bắc (Tonkin), 32% người miền Trung (Annam), 22% người miền Nam (Cochinchine) và 22% người Cam Bốt. Ngân quỹ Đông Dương cũng đóng góp 541 triệu quan Pháp cho chi phí chiến tranh của Pháp. Thêm vào đó, 175 khẩu đại bác lên đường đi Marseille, hàng chục tấn hàng hóa các loại cũng được chuyển đi cung ứng cho chiến trường tại Pháp, thậm chí xe xích lô (pousse-pousse) cũng được gởi sang Pháp để tải thương. Nhân sự và vật liệu được chuyển qua đường châu Phi như Cameroune, Djibouti, Madagascar, Égypte…để sau đó đi tiếp về cảng Marseille. Đoạn đường di chuyển cực khổ đó đã làm cho một số người chết vì bệnh tật trước khi đặt chân lên đất Pháp. Chính phủ bảo hộ tỏ ra quan tâm đến thành phần lính Đông Dương, cấp phát quần áo mùa đông, may cho « cai quan » (cái quần) không có nút, chỉ có giây thắt, phân phát trầu, cau, ớt và thành lập một xưởng làm nước mắm trên đất Pháp.
Những người lính Đông Dương được các đồng đội « les poilus » 2) công nhận là dũng cảm, gan dạ, bình tĩnh và biết tổ chức. Nhiều người được thưởng huân chương « thập giá chiến tranh » và được xem là « anh hùng » của nước Pháp trong đại chiến thứ nhất. Đa số hy sinh trong lãng quên, xương cốt của họ còn ở Đài kỷ niệm Douaumont (l’ossuaire de Douaumont), hay ở nghĩa trang Géré và d’Udonista ở Albanie.
Trong số những phi công đầu tiên của Pháp xuất xứ từ Đông Dương có Phan That Tao, Cao Đắc Minh, Felix Xuân Nha, Đỗ Hữu Vị, nhưng quan ba (đại úy), capitaine Đỗ Hữu Vị, được xem là anh hùng nổi tiếng nhất. Đến nỗi, nhà nước Pháp cho phát hành tem « Đỗ Hữu Vị ».
Sau bậc trung học tại trường Janson-de-Sailly, một trường nổi tiếng vào bậc nhất nằm trong quận 16 của Paris, Đỗ Hữu Vị nhập trường sĩ quan Saint-Cyr vào ngày 01.10.1904. Năm 1906 Đỗ Hữu Vị ra trường với quân hàm thiếu uý (sous-lieutenant) trong binh đoàn Lê dương số 1 (1er régiment Etranger).
Từ năm 1907 cho đến 1908, Đỗ Hữu Vị tham chiến tại Oujda Maroc, Casablanca và trong khu vực le Haut-Guir septentrional. Từ cuối năm 1908 cho đến 1910, ông tham chiến tại biên giới Maroc và Algérie.
Ngày 10.12.1910, Đỗ Hữu Vị vào trường quân sự lái máy bay (l’école militaire de pilotage) và 11 tháng sau tốt nghiệp với chức vị trung úy phi công (lieutenant-pilote) nhận văn bằng số 649 (brevet n°649) của hội Aéroclub de France, thành lập năm 1898. Đỗ Hữu Vị gặp trung úy Victor Ménard và trở thành bạn cùng lái trong chuyến du hành nước Pháp trên không năm 1911. Năm 1912 Đỗ Hữu Vị thuyên chuyển đến Maroc và phục vụ đến năm 1913. Một con đường được đặt tên « Do-Hu » tại Casablanca. Năm 1914, Đỗ Hữu Vị trở về Saigon để học thực hành về một loại thuyền lướt trên mặt nước, chạy bởi động cơ cánh quạt máy bay do Charles de Lambert chế tạo (l’hydroglisseur Lambert) trên sông Cửu Long và sông Hồng. Nhưng khi đại chiến thứ nhất bùng nổ, Đỗ Hữu Vị trở về đơn vị chiến đấu tại Pháp. Năm 1915, trên đường trở về đơn vị sau một trận đánh, máy bay của Đỗ Hữu Vị rớt vì bị bão cuốn, ông bị thương nặng gẫy cánh tay trái, hàm mặt và phần sọ bên dưới, hôn mê chín ngày, nhưng sống sót.
Không được lái máy bay nữa, Đỗ Hữu Vị, với quân hàm đại úy, xin trở về quân đội Lê dương số 1, được phong chỉ huy đội quân số 7 (7ème compagnie) có khoảng từ 100 đến 300 lính, chiến đấu trên mặt trận vùng Somme, là mặt trận khốc liệt nhất thời ấy. Ngày 9.07.1916 vào lúc 16 giờ, trong một cuộc tấn công quân Đức trên địa bàn giữa hai làng Belloy-en-Santerre và Estrée, Đỗ Hữu Vị xung phong, bị trúng nhiều phát đạn, chết ngay trên trận tuyến. Đỗ Hữu Vị được chôn cất tại làng Dompierre thuộc vùng Somme. Năm 1921 người anh cả là quan năm Đỗ Hữu Chấn chuyển hài cốt về an táng trong phần mộ gia đình tại Việt Nam. Từ đường dòng họ Đỗ Hữu hiện nằm trên đường Điện Biên Phủ, Quận 3, còn gọi là Đền Bà Lớn.
Ở Sài Gòn trước kia có một con đường mang tên Đỗ Hữu Vị, chạy từ bùng binh chợ Bến Thành đến chợ cũ, giáp đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ). Hiện nay, đường Đỗ Hữu Vị được đổi tên lại là đường Huỳnh Thúc Kháng ở quận 1. Tại Hà Nội, phố Đỗ Hữu Vị thời Pháp thuộc được đổi tên lại thành phố Cửa Bắc hiện nay. Một số trường học được mang tên Đỗ Hữu Vị, trong đó có trường Kỹ thuật Cao Thắng tại Saigon trước đây là trường máy Đỗ Hữu Vị.
Con đường mới mang tên Do Huu Vi thuộc làng Laffaux vùng Picardie, Pháp, nơi phong cảnh núi đồi chập chùng, không cao lắm, nhưng lên dốc xuống dốc cũng đủ mệt. Nằm trong một khu vực dân cư mới xây dựng, đường Do Huu Vi, tuy ngắn, nhưng có ý nghĩa, vì bên cạnh đó là một khu địa đạo, lô cốt cũ, chứng tích của chiến tranh đã qua. Quân Đức phải chọc thủng phòng tuyến ở vùng này để tiến về Paris, nên xương máu của cả hai bên Pháp – Đức đổ xuống rất nhiều.

Đường Do Huu Vi tại làng Laffaux, Picardie Pháp
Đỗ Hữu Vị được nước Pháp vinh danh nhiều, cho đến hiện nay, vì trong thời điểm Đệ nhất thế chiến ngành hàng không, nhất là không quân, chỉ mới phôi thai, nên những người phi công đầu tiên rất được thán phục, ngưỡng mộ. Blériot lái máy bay cánh quạt vượt biển Manche năm 1909. Năm 1913 Rolland Garros vượt biển Địa Trung Hải bằng máy bay. Năm 1914 Pháp chế tạo máy bay cánh quạt quân đội đầu tiên và sử dụng ngay trong đại chiến thứ nhất. Cho nên sự kiện Đỗ Hữu Vị, một người „An nam mít“, có bằng lái máy bay từ năm 1911 là một điều rất mới mẻ thời ấy và trong lịch sử không quân Pháp. Làng Laffaux là nơi máy bay của Đỗ Hữu Vị rớt xuống, chấm dứt sự nghiệp phi công của ông. MTT
Theo: Mttuyet
_____________________

Ảnh trên net
 Etats de service du Capitaine Do Hüu Vi - Image 2
 

 
Phi công Đỗ Hữu Vị (bên trái).


*****

Tìm kiếm Blog này